Thơ hiện đại
XV. Thơ Tạo Sinh
Lê Ðạt

Cái tôi trong thơ hiện đại
Như chúng ta đã biết dòng mạch siêu thực ra đời những năm 20 với phong trào "Ða Ða" từ Zurich, sang Paris - New-York. Ðối với thi ca, André Breton, Jean Cocteau chối bỏ cấu trúc cổ điển, dựa trên nguyên lý song song: Song song trong vần điệu, song song trong điệp âm, điệp ý, song song trong đối âm, đối ngẫu,... để mở ra một phong cách sắp xếp chữ nghĩa khác, trong đó cấu trúc du dương không còn giữ địa vị độc tôn như xưa nữa. Cấu trúc mới còn gọi là cấu trúc không vần "non vers", phát hiện ngay từ đầu thế kỷ với ý hướng giải thoát câu thơ từ hình thức thẳng sang hình thức nổi, hay hình thức âm thanh, hoặc đảo lộn ngữ pháp từ thời kỳ Ða Ða. Guillaume Apollinaire là một trong những người tiên phong bước vào thể loại vô hình thức.
Trong nửa đầu thế kỷ XX, những khuynh hướng đối lập trực diện với nhau. Ðôi khi trong cùng một tác giả hoặc trong cùng một tác phẩm, xuất hiện cả hai quan niệm: Quan niệm thẩm mỹ liên tục -của bài thơ- kết hợp, đồng nhất và hài hòa với quan niệm gián đoạn, rã rời, tư tán trong cấu trúc. Sự trung thành với hình thức cổ điển và sự chối bỏ cổ điển xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm của Paul Claudel, Paul Valéry, Blaise Cendrars... Ảnh hưởng vừa đối tác, vừa giao hòa của các nhà thơ này chấm dứt những năm 50, để nhường chỗ cho một thế hệ thi nhân mới, khuynh đảo thế hệ đi trước và sáng lập ra ngôn ngữ cách tân hiện đại, dựa trên ngữ căn học, chối bỏ mọi thỏa hiệp với cổ điển và lãng mạn. Họ là những Pierre Jean Jouve, Jules Supervielle, St John Perse, rồi Paul Eluard, René Char, Henri Michaux, Francis Ponge, Yves Bonnefoy,...
Ngoài khác biệt cơ bản trong cách tạo hình giữa siêu thực và cổ điển như chúng ta đã biết, sự khác biệt thứ hai giữa thơ hiện đại với thơ cổ điển và lãng mạn là ở "cái tôi".
 Từ xưa đến nay, cái tôi -le moi- vẫn được coi như là căn nguyên hay sự khơi nguồn của động tác sáng tạo. Thời lãng mạn, cái tôi, với trạng thái ý thức và sự nhận thức của nó, là yếu tố chủ động cấu tạo nên bài thơ.
Cái tôi, được quan niệm như một dữ kiện, trọng tâm của ý thức, tiếp nhận những cảm xúc. Sự tiếp nhận đó tạo nên dược tố, kích thích nó, khiến cái tôi tô màu những nhận thức của mình về cuộc đời: tình yêu, buồn vui, hoang mang, lo sợ. Thi pháp của Eluard, dưới một khía cạnh nào đó, vẫn còn giữ truyền thống này.
Nhưng đối với Paul Eluard cũng như đối với thế hệ thi nhân hiện đại, vị trí của "cái tôi" đã không còn như trước nữa: nó đã mất địa vị độc tôn, hoặc đã lu mờ, hay đã bội phân, lũy thừa trở thành cái tôi multiple tùy theo bài thơ.
Ðối với thơ hiện đại, cứu cánh của động tác thi ca nằm ở sự biểu lộ, phát giác, thoát thai, giải phóng cái tôi chưa biết -le moi inconnu-, thám hiểm thế giới của nó bằng áng sáng ngôn ngữ. Paul Eluard cho rằng: Bài thơ thực hiện bằng lời, sự ngẫu hợp kỳ diệu của cái tôi và ngoại giới và là một hình thái kết hợp tình yêu. Theo Breton và Eluard, tình yêu là một phong cách thơ, ngoài tầm lý trí, là nguồn của sự hội nhập cái tôi ý thức trong cái tôi vô thức.
Ðối với Henri Michaux: Không có một tôi, không có mười tôi. Tôi chỉ là vị trí thăng bằng. Và người ký tên tác phẩm chỉ là một hình thái nhất thời của nhũng yếu tố rời rạc, không ngừng chuyển động để dàn ra những thực thể bất kỳ và gián đoạn. Ðiều đó giúp ông thoát khỏi sự hỗn loạn và có thể làm chủ mình.
Francis Ponge từ bỏ cái tôi để giải đáp một vấn đề khác: Ðó là làm sao thể hiện bằng động tác ngôn ngữ, mối tương quan sâu xa giữa người và sự vật. Từ bỏ cái tôi, Ponge từ bỏ những chủ đề lấy cái tôi làm gốc, như những lo âu, ám ảnh, sự tìm kiếm siêu hình... và rất an nhiên Ponge đem vật thể objet làm thành vật chơi objeu và vật vui objoie. Trong thú vui của mình với đồ vật, Ponge tìm thấy nguyên lý: "Thế giới câm mới là tổ quốc".
Tóm lại, thi ca hiện đại, đặt lại vấn đề thân phận của cái tôi đã từng chi phối hệ thống tư tưởng của con người trong suốt hai mươi thế kỷ.
Với St John Perse, nhà thơ kiêu kỳ và linh thiêng vì có khả năng thiên bẩm, nhà thơ vừa là ngoại nhân mà còn là nhân chứng, tham dự vào chuyến phiêu lưu mà bài thơ đề cảm.
Nhà thơ, đối với Breton, là người giải phóng, và là tiền trạm của người tương lai.
 Ðối với René Char, không phải là ngoại giới mà là đất, miền đất đặc biệt của quê hương ông (vùng Isle sur la Sorgue, Vaucluse) đã cung cấp chất liệu cho những bài thơ của ông. Và qua đất mà Char định vị mình như một con người ý thức, con người nhất thời và muôn thuở. Sống bởi và sống bằng tư tưởng, giữa những biên giới của những thực tại vô nhân, vô luân, đáng ngại.
 Lửa, nước, đất, không khí, cái cuốc, cái cầy, mùa màng, sống, chết, tình yêu, ánh sáng và bóng tối tạo một vũ trụ ngữ học giàu có, ở đó những phức tạp và nhũng nghịch lý đối chất nhau trong kinh nghiệm con người.
Theo Char: "Chúng ta chỉ có thể sống trước ngưỡng cửa hé mở, đứng trên con đường niêm phong ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối." Thi sĩ, là người dùng lời lẽ chính xác, hòa hợp con người với tình trạng trọn vẹn nắm bắt ấy.
Người nghệ sĩ, theo Nietzsche, hủy hoại những hình thức đã có để tái tạo nhũng kết hợp mới bằng trò chơi.
Sự nổi dậy của thơ hiện đại do đó có hai chặng: Chặng phá vỡ ngôn ngữ, trước tiên là một dụng cụ, một khí giới và nhờ khí giới ấy, thi nhân đạt tới mục đích là con người tự do.
Henri Michaux viết: "Ðộc giả, bạn cầm ở tay đây một quyển sách không phải tác giả làm"cái không tôi -không tác giả- đề nghị với độc giả làm chung một quyển sách khác.
Michaux biệt lập cái tôi để khách quan nó, để loại trừ vai trò ưu tiên của nó trong văn bản, và rải rác nó vào nhiều cá thể khác, đủ loại, sinh ra và biến đi trong mỗi bản văn.
Một mặt khác, cái tôi là một đơn vị cố hữu đối với tác phẩm, một tổ chức nội tại của văn bản, mà ở trong đó mạch thông không bị gián đoạn từ bài này sang bài khác, mỗi bài thoát ra một hình thức hư cấu khác nhau. Và cái tôi đó nói lên tính cách phi lý của tất cả những cách xây dựng dựa trên bất kỳ một thực tế nào.
Francis Ponge là một nhà xây dựng, một người thợ; ông đã lao động 10 năm trước khi cho in tuyển tập Le parti pris des choses (1942) (Về phe sự vật). Nhận thấy mình không thể "diễn tả" được, Ponge tìm đến sự vật để chơi. Ông nói: "Tôi nhìn những vật gần nhất, nhìn những hòn sỏi dưới chân tôi, tôi quan sát nó cho đến khi nó mở ra, để lộ ra một hố sâu, và cái hố này ít nguy hiểm hơn cái hố sâu nơi con người, vì bằng những phương tiện diễn tả, tôi có thể khép nó lại được." Muốn thể hiện điều đó, trước hết phải quên đi tất cả những gì chúng ta đã biết về vật thể: tất cả những thành kiến đã có sẵn về nó. Sau đó, muốn để cho nó tái sinh trong ý thức ta, thì phải vận dụng đến kiến thức ngôn ngữ, nhưng không phải trong cái nghĩa miêu tả thông thường, mà dùng phương pháp lắp ghép -gọi là objeu- để chế tạo ra văn bản, cũng lạ lùng và đặc biệt như vật thể.
Nhưng "trò chơi" chữ của Ponge dường như có những giới hạn của nó. Ponge vật hóa con người (déshumaniser, chữ của Sartre) và người hóa các sinh vật và tĩnh vật như hòn sỏi, con ốc. Ponge nhìn con người qua đôi mắt con ốc, hòn sỏi, đó là cái nhìn tuyệt vời mới trong sáng tạo nhưng gây nghịch lý: Có thể có sáng tạo nếu con người phủ nhận con người? Con người đứng ngoài con người để "diễn tả" được không? Thơ là "cuộc chơi" mà thi nhân đem cả đời người để thử nghiệm. Vậy thi nhân có thể đứng "ngoài người" để "thử nghiệm" nhân sinh?
Bóng Chữ Lê Ðạt
Tập thơ Bóng Chữ của Lê Ðạt do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 1994 gồm 138 bài thơ, sáng tác trong khoảng thời gian trên 30 năm. Tác phẩm của một đời người và người đọc cũng không thể một sớm một chiều hiểu hết được.
Thơ Lê Ðạt nằm trong dòng thơ hiện đại. Bản chất mang sắc thái đa ngã -le moi multiple- thám hiểm những cái tôi chưa biết -le moi inconnu- chưa thành hình.
Về cấu trúc, rời bỏ hình thức thẳng -forme linéaire- sang hình thức nổi -typographique-, đi vào cấu trúc không gian, không vần -non vers-, đảo lộn ngữ pháp cổ điển: cắt chữ, phân câu theo một trật tự mới. Phong cách này bắt nguồn từ quan niệm thẩm mỹ và triết lý gián đoạn, đối lập với quan niệm thẩm mỹ liên tục trong văn chương và trong cuộc sống, hiện diện trong thơ văn từ trước đến giờ.
Muốn tìm hiểu tác phẩm và tác phong văn học đó, trước hết phải đặt Bóng Chữ vào bối cảnh của nó, vào gia đình thơ hiện đại, với dòng mạch thế kỷ XX. Dòng mạch này, đối với phần đông chúng ta, dường như vẫn còn là một hoang đảo, mà trước tập Bóng Chữ của Lê Ðạt, cũng chỉ có một vài tên tuổi như Thanh Tâm Tuyền, Ðặng Ðình Hưng, mỗi người một lối, đã tìm cách bước vào.
Ở ngã ba, giữa tinh thần khoa học và trí tuệ trong thơ hiện đại, giữa truyền thống tạo vật huyền đồng trong triết lý Lão Trang, và bằng chữ Việt, đắm trong lịch sử chữ, qua thơ văn, ca dao, tục ngữ... Lê Ðạt tha thẩn tạo nên Bóng Chữ.
Là một nhà lý luận và nghiên cứu, Lê Ðạt đã sắp xếp tác phẩm của mình theo tình tự khoa học. Song song với Bóng Chữ nhà thơ còn cho ra đời tập truyện ngắn Hèn Ðại Nhân, kết hợp những bài viết nói lên vị thế và nhân cách của người cầm bút. Riêng truyện ngắn Hèn Ðại Nhân, viết về ý nghĩa của cái chết, sự sống và sáng tác, một tự truyện của tác giả: Khi cần nhẫn nhục sẵn sàng gạt cái gọi là danh dự sang một bên, để sống còn, để sáng tác. Sống và sáng là cứu cánh của người nghệ sĩ. Nhưng khi tác phẩm đã hình thành, nếu tập bản thảo của mình bị chiếm đoạt, thì người nghệ sĩ lại là kẻ sẵn sàng đem sinh mệnh của mình để bảo vệ tác phẩm, đổi lấy sự ra đời của tác phẩm. Tập truyện xuất hiện bên cạnh tập thơ, là giấy khai sinh và là lý do hiện hình của Bóng Chữ.
Bóng Chữ nằm trong dòng thơ hiện đại của thế kỷ này, mà chúng tôi xin tạm gọi là Thơ Tạo Sinh, đánh dấu sự ra đời của một dòng thơ, khác với thơ mới trong quan niệm cũ, khác với thơ tự do mà hai chữ tự do bị lạm dụng đã nhiều. Tạo trong nghĩa sáng tạo, sinh trong nghĩa sinh ra, sinh sôi, nẩy nở, phức âm đa tầng, đa nghĩa và đa ngã.
Tác phẩm chia làm 4 phần:
1. Phần giáo đầu: Tiểu sử và chân dung tác giả.
2. Phần thứ nhì: Chiều Bích Câu là tình yêu hay sự hội ngộ giữa người và thơ.
3. Phần thứ ba: Lão Núi, chân dung lịch sử trong khung cảnh đất nước.
4. Phần thứ tư: Mùi sầu riêng, hợp thể về tình yêu và con người trong quá trình lịch sử và văn hóa, xưa và nay.
Sự phân đoạn chỉ có tính cách rất tượng trưng, vì trong cả bốn phần đều có sự liên tục những gián đoạn, và gián đoạn những liên tục của những hệ hình:
 - Hệ tình yêu,
 - Hệ dục tính,
 - Hệ châm biếm,
 - Hệ đấu tranh,
 - Hệ nghệ thuật.
Trước khi vào tập, chúng ta thử đọc lại hai chữ "bóng chữ". Bóng chữ, một hình ảnh vừa mơ hồ, vừa xác thực. Mơ hồ vì có ai biết thế nào là bóng chữ? Nghĩa bóng của chữ chăng? Ðúng mà chưa đủ. Xác thực vì khó tìm một định nghĩa nào gần gụi thơ Lê Ðạt hơn "Bóng chữ". Bởi mỗi chữ trong thơ ông chỉ là cái bóng, đè lên những chữ khác. Lê Ðạt dùng "con chữ" để chỉ những thực thể chữ nghĩa của mình. Vì nó sống, nó chuyển động, nó biến đổi, nó tự nhân lên. Bản sắc của nó là đa ngã.
Thơ là nghệ thuật tạo hình bằng chữ. Mật độ hình ảnh trong thơ định lượng chất thơ trong thơ. Thơ Lê Ðạt, ngoài những biện pháp tạo hình thông thường như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, cùng các phép tỉnh lược danh từ, tính từ, động từ,... xóa bỏ ý niệm trung gian, còn xuất hiện những biện pháp khác dựa trên các thành tố khác:
 - Tạo hình bằng tính chất đa ngã của chữ,
 - Tạo hình bằng cách cắt chữ, cắt câu, gián đoạn mạch chữ, mạch văn,
 - Tạo hình trong cách chuyển động mạch văn, chối bỏ sự ngắt câu cố định, chuyển sang cách ngắt câu bất định,
 - Tạo hình bằng tính cách đối hình, đảo ngữ và nói lái trong ngôn ngữ Việt.
Và trên tất cả, Bóng Chữ mang tính chất hồn nhiên, thơ dại, nói đúng ra là ngây ngô, trong ý nghĩa naif hội họa, của một người:
 Ngây ngô quên hết lối về già

°

Con chữ của Lê Ðạt tương đương với objeu và objoie của Francis Ponge, một trò chơi chữ, một thú vui chữ, một mặt trận chữ, một trận đồ bát quái mà tác giả bầy ra trong địa đồ và địa chỉ Lão Núi.
Lão Núi là những bức chân dung lập thể có tính cách châm biếm rất Tú Xương, Xuân Hương, ngay trong tựa đề: Ông phó cả Ngựa, Ông cụ chăn dê, ông cụ Nguồn.
Trong Ông phó cả ngựa, cả ba chữ phó, cả và ngựa đều hàm súc. Ngựa có thể gợi ý từ ngựa Hồ:
 Tình riêng chim Việt ngựa Hồ
 Chim Việt ngựa Hồ biết nhớ nước thương non
Ngựa viết hoa còn có thể là Người viết hoa, là Nguyễn viết hoa; Ngựa có thể là hóa thân của người trong giấc mơ Trang Châu hóa bướm. Ngựa còn gần với gia đình bọ ngựa:  ngứa, ngó, ngoáy,... nhờ liên tưởng âm thanh.
Chữ Cả là anh cả, là xếp, và còn gần âm với cà như cà rịch cà tang, cà tong cà teo mà cũng có thể là cà như cán, đè, đàn áp,...
Chữ Phó cũng vô cùng phức tạp, phó có thể là phó bảng, phó mộc, phó tiến sĩ, phó thường dân,....  Phó dẫn đến các quan hệ thầy - thợ, cha - con, bác - cháu, quan - dân, chủ - tớ,...
Chữ dê gợi những âm đồng nghĩa: dê, dâm, dương, mà còn gợi những âm khác nghĩa: như dương trong thái dương, như dần trong canh dần, như dân trong quốc dân, hay Quốcdân... Ông cụ chăn dê hình như còn là một người chăn chữ:
 Ơ những con A con B con C
 con Dê
 bản trang trắng thảo thơm
(trang 60)
Chữ Nguồn viết hoa, cũng có thể là chữ Người viết hoa, mà Nguồn còn có thể là nguồn nước như:
 Nhớ nước đau lòng con quốc quốc.
 (Bà Huyện Thanh Quan)
hoặc:
 Nơi Bác về Nguồn nước mới sinh.
 (Tố Hữu)
Nguồn đây cũng có thể là phản nguồn, đối cực với quan niệm nguồn gốc cụ thể, cố định và hoài cổ. Nguồn gốc đối với nhà thơ ở đây mang tính chất huyền thoại và luôn luôn chuyển động nó ở bên kia biên thùy cõi biết:
 Nguồn nơi đàng trong
(trang 68)
Ðàng trong có thể  là đối lập của đàng ngoài. Ðàng trong vừa có nghĩa là trong đục... vừa có nghĩa là nội tâm của Nước:
 Tay áp ngực
 trầm ngâm
 tiếng nước tâm sự đáy
 Người thâm canh sống
(trang 69)
Nguồn phần nào tương tự với bản lai diện mục của các thiền sư. Thế giới của các ông Lão Núi là Sáng Thế Xuân của chữ.
Về mặt ngữ căn và triết lý, ba bài thơ trên có sự tư thông giữa người và vật như người và ngựa, ngựa và mộc; chúng là chân dung phác thảo những kiếp người-ngựa, ngựa-người, mà cũng là chân dung gỗ, chân dung ngựa gỗ, đánh số hoặc không đánh số, một đàn lốc nhốc, quần cộc, lộc ngộc, nhong nhong như nhau.
Mà cũng có thể là một huyền thoại về nước, từ cái ngày mười chín tháng tám nào đó, Ðê Ðồng Lao bị vỡ, nước vỡ bờ, người ta đốt pháo mừng tuổi nước, mừng ngôi sao mới ra đời, huyền thoại kéo dài cho tới điềm Ðại Mùa Thắng Xuân:
 Mười chín... tám
 Thì reo
 Rồi ùng ục
 Rễ nước đại thụ
 từ sơ địa
 mịt mù dã sử
 phun sáng ngần
 Ðêm pháo hoa mừng tuổi nước
 Một ngôi sao mới lớn
Mà cũng có thể là những mảnh puzzle của một bức dư đồ rách, trải bao thăng trầm, tụt xuống thời ma mút, tiến lên văn minh Xahara; bức dư đồ đã qua những ga Kỳ Lừa, những hợp tác Rừng... những đại lộ Rừng chưa kịp đặt tên.
Mà cũng có thể là chân dung anh Cả, anh Kế, anh Ké, có công cải cỏ nương Voi(1) thích món... giả hùm "phập phồng một vị riềng quê", ưa trò đồ mi, nói như Xuân Hương gọi là "cắm giếng":
 Ông cắm giếng
 Cồn đất múp
 Sừng gái mười bẩy
 Ðào lút hai vầu cột cờ
Mà cũng có thể chỉ là một chuyện bạch đàn. Một lịch sử mười năm trồng cây. Trăm năm trồng người.
Mà cũng có thể là một loại sấm, trong đó những con chữ thông minh tự biết ứng xử với đời: Khi nguy biến thì chui, thì đảo; khi an toàn thì nổi, có khi trở tục thành thanh... bằng tất cả những thủ pháp có thể mường tượng được trong tiếng Việt.
Tính chất đa ngã của chữ, hợp cùng cách xếp đặt lập thể những hình ảnh cắt nghiêng, chồng chéo, đảo lộn trật tự, những lớp lang úp mở,  tất cả phối hợp thành tác phẩm đa thực (méta-réalisme) về một mệnh nước, mệnh người, mệnh ngựa, mệnh gỗ, mệnh ngựa gỗ. Chất lượng hình ảnh tùy thuộc sự khám phá, sáng tạo trong kho ngôn ngữ và lịch sử ngôn ngữ của người đọc.

°

Về mặt cấu trúc hình thức, Lê Ðạt dùng rất nhiều biện pháp cách tân để tạo hình mới, tạo ngôn ngữ mới. Tạo hình bằng cách cắt chữ: Một đóa mimosa mở ra ba hình: mi - môi - xa:
 Mimoza chiều khép cánh mi môi xa
Mở ẩn dụ cổ điển, cắt mây mưa thành
 Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
 (trang 27)
Lê Ðạt đưa ra những hình ảnh mới về mắt, chưa từng xuất hiện bao giờ:
Từ hình ảnh mắt xanh, cổ điển, Lê Ðạt viết:
 Mắt vạn niên thanh
trưa hồ thủy
 (trang 88)
như thế thì mắt không chỉ xanh thôi, mà còn to, tròn, có đuôi như lá vạn niên thanh, xanh vĩnh cửu: Câu thơ ấp ủ giấc mộng trường sinh trong biển lục. Rồi hình ảnh trưa hồ thủy bất chợt đến sau, đem trưa, một ý niệm thời gian hữu hạn, cắt đứt vạn niên, ý niệm thời gian vô hạn bằng một màu xanh khác: xanh hồ thủy. Vết cắt ấy chính là sự giao thoa giữa hai màu lục và lơ và là điểm hẹn giữa hiện tại và tương lai, giữa hữu hạn và vô hạn. Tính cách giao lưu kim cổ này tạo những hình ảnh lạ lùng và đài các trong thơ Lê Ðạt:
 Mây may thu mắt thủy mặc hồ
(trang 30)
Và từ đôi mắt xanh, Lê Ðạt tạo những biến tố khác nhau trong nồng độ, âm độ và sắc độ, pha trộn giữa hội họa, thi ca và âm nhạc:
Mắt xưa xanh
mưa mành
sương liễu sóng
Mùa sang may
thu đánh ngải lông mày
 (trang 94)
Từ mắt xanh thời quá khứ, chuyển sang mắt bão, thời hiện đại:
mi chớp giật
Tim đài xanh  bão thổi cấp mười hai
 (trang 80)
và những đôi mắt lá răm rất ca dao, rất Xuân Hương:
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
 (trang 26)
hoặc:
Nước rửa lông mày
 anh tưới tâm cây
Vùng lửa hạn
mắt lá ngày răm mát
 (trang 32)
Như thế, riêng hình ảnh về mắt, tính chất tạo sinh đã mở ra vô tận, tùy theo cách kết hợp giữa quá khứ với hiện tại, giữa con chữ hôm qua và con chữ hôm nay.
Ngờ Nguyễn Du và Ðạm Tiên đã đi bát phố, nhà thơ gõ cửa Hồn thanh minh và hỏi:
 Hồn có nhà hay bát mộ đi xanh
 (trang 134)
và nhà thơ vẽ tranh khỏa thân thủy mạc:
  Bãi nổi, sông thon, chiều vỗ én
  Ðồi mềm, mây lưu thủy, mắt thuyền quên
  (trang 75)
 Có khi ông đem hội họa về miền điền dã:
  Hội kênh đầy
chân trắng ngấn sông quê
(trang 22)
Với Bóng Chữ, trạng thái u mê có thể mở ra thành một quang cảnh đầy âm thanh và thiết tha tâm cảm:
 Vỏ ốc u u  gọi mê miền cát ngủ
(trang 77)
Bóng Chữ vẽ "đèn phố" dưới dạng khỏa thân, phân thân và phức âm:
 Chấp chới  đèn lên tóc phố
 Gáy nê ông chiều lả liễu lam bay
  (trang 79)
Bóng Chữ tạo hình bằng đảo ngữ: Trong câu thơ "Bến cửa, ngực đèn, lòng ga, trăng rõi",  mỗi hình đều có khả năng đảo ngược thành những hình ảnh đối xứng:
Cửa bến, đèn ngực, ga lòng, rõi trăng
Bóng Chữ còn làm mới cổ tích, đem cô Tấm lồng vào hồn thơ hiện đại:
  nghiêng ngõ mộng
chữ động em về
  (trang 82)
và nhà thơ bỏ cách ngắt câu cố định:
Hoa hồng hoa hồng bông
có thể đọc nhiều cách:
Hoa  |  hồng hoa  |  hồng bông
hoặc:
Hoa hồng hoa  hồng bông
v...v...
Mỗi cách ngắt câu đem lại một cục diện âm thanh và ngữ nghĩa khác:
  Hè thon cong thân nắng cựa mình
  Gió ngỏ tình
xanh nín lộc
giả làm thinh
 (trang 33)
  Tóc hoa đèn
tim lần giở trang em
 (trang 24)
  Mùi mưa xưa
lòng chưa tạnh
phố nhau đầu
 (trang20)
  Ðàn từ non
âm hé cong mỏ hót
 (trang 87)
Mỗi câu thơ trên đây bầy ra ít nhất hai cách ngắt câu khác nhau. Linh động cách ngắt câu như thế, nhà thơ tạo chuyển động cho câu thơ và cho hình ảnh, khiến các từ có thể kết hợp theo những ngữ nghĩa khác, những mô hình khác:
Hè thon  cong thân nắng cựa mình
khác với:
Hè thon cong thân nắng cựa mình
Hè thon cong thân |  nắng cựa mình
Rồi
Tóc hoa đèn tim lần giở trang em
khác với:
Tóc hoa  đèn tim  lần giở trang em
Tóc  |  hoa  |  đèn  |  tim  | lần giở trang  |  em
...
Tính cánh di động ảnh theo cách ngắt câu, phát xuất từ sự gián đoạn những liên tục và liên tục những gián đoạn trong mạch câu. Nói khác đi, mỗi chữ trong câu vừa có vị trí độc lập đối với những chữ khác, vừa có khả năng kết hợp với những chữ khác, không nhất thiết phải theo một trật tự nhất định.
 Bóng Chữ còn tạo hình nhờ cận ảnh (gros plan) bằng cách đẩy vào giữa mạch câu thơ một âm thanh xa lạ, khác hẳn với nhịp câu:
  Từng thớ thịt
  anh sống em trọn hẹn
  chỉ bóng anh
ò e
xe Văn Ðiển
(trang 23)
  Áo buồm cong nét nắng
 (trang 24)
  Phố cũ ồ lên đèn
 (trang 24)
  U ú thiên hà
tàu nhả khói
ngã ba
 (trang 25)
  Tà áo bay sao phố bổi hổi trời
 (trang 25)
Những chữ ò e, cong, ồ, u ú, bổi hổi  lạc vào câu thơ như những trái phá, cắt đứt mạch văn, gián đoạn không gian, tạo sự ngạc nhiên. Ngoài tác dụng gợi thanh, gợi hình, tạo linh hồn cho khung cảnh và động tác, chúng còn là những âm được chiếu gros plan thành âm thanh nổi, tựa những hình cube của Cézanne trong không gian phẳng của hội họa, làm đổi toàn diện cục bộ nghệ thuật tác phẩm.
Trong trường hợp câu đối cổ điển "Da trắng vỗ bì bạch" của Ðoàn Thị Ðiểm, Bóng Chữ tách làm hai ảnh em, rồi tổng hợp lại, chiếu gros plan lên âm thanh "ồ hô" gợi hình ảnh khỏa thân:
  Ơi em rất ô
  Ơi em rất hồ
  Trắng vỗ ồ hô trúc bạch
  Bước động ngày thon róc rách
(trang 28)
Nhà thơ đã tái sinh câu đối của người xưa trong trận đồ ngôn ngữ hiện đại. 

°

Ðến đây, chúng ta đã có gần đầy đủ phương tiện để phân tích bài Bóng Chữ, bài thơ quy tụ những yếu tố tiêu biểu cho phong cách tạo sinh trong thơ Lê Ðạt.
Trước hết, như chúng ta đã thấy ở trên, hai chữ "bóng chữ" là tiền đề báo hiệu trạng thái nhập nhòa và cạm bẫy của con chữ trong tác phẩm. Ngoài ra, nhìn dưới dạng ẩn dụ, chữ cũng có thể là em, là ai. Do đó, bóng chữ còn có thể là bóng em hay bóng ai...
 A. Chia xa rồi anh mới thấy em
 B. Như một thời thơ thiếu nhỏ
 C. Em về trắng đầy cong khung nhớ
 D. Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
 E. Vườn thức một mùi hoa đi vắng
 F. Em vẫn đây mà em ở đâu
 G. Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu
Bài thơ 49 chữ + bóng chữ = 51 chữ.
Câu A mở ra sự cách biệt giữa hai cá thể.
Câu B cố tình lạm phát lời, ba chữ: thơ, thiếu, nhỏ, chụm lại một hình: (tuổi thơ = niên thiếu = tuổi nhỏ), ngược lại với cách phân tích một chữ thành ba hình trong mimoza = mi, môi, xa. B, bắc cầu (enjambement) với chữ cuối  của A, mở ra những hình ảnh khác nhau tùy theo cách ngắt câu:
 - Em như một thời thơ  |  thiếu nhỏ
 - Em như một thời  | thơ thiếu nhỏ
Dưới hai dạng thức này, thơthiếu đã biến nghĩa: Thơ có thể là thơ ngây, nàng thơ, mà cũng có thể chỉ là thơ không thôi. Thiếu trở thành biến từ, nghĩa là vắng hoặc chưa đủ:
 Em như một thời vắng tuổi nhỏ
 Em như một thời thơ ngây, chưa đủ ngây thơ
 Em như một thời nàng thơ hết thơ ngây
 Em như một thời thơ đã già...
hoặc còn có thể đọc A và B như hai câu thơ độc lập, và như thế, B được hiểu như một phép tỉnh luợc chủ từ:
 Chia xa rồi anh mới thấy em.
 (Anh) như một thời thơ thiếu nhỏ.
Câu C: Em về trắng đầy cong khung nhớ vừa tha thiết, vừa đắm say. Khung nhớ, hình ảnh đẹp và hiếm, vừa cụ thể hóa niềm nhớ, vừa gợi lên tính chất sùng bái, dồn nén, hữu hạn và vô hạn của nhớ thương. Chữ "cong" trai lơ nằm giữa trắng đầymây mưa (trong câu thơ kế tiếp), gợi nhục cảm.
Câu D trở về với cách biệt: Chia ly giữa mùathu, giữa mâymưa, ở đây nhà thơ mở ẩn dụ mây mưa thành hai hình:
 Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
Và hai hình ấy lại có khả năng tạo hình bằng phiếm định, dường như chúng hỏi nhau trong câu thơ, về "chuyện ấy". Mấy: Bao nhiêu? Vài? Một ít? Biết bao nhiêu mà kể? Chẳng bao giờ?... Mấy mang trong mình một quá trình văn học, trải hơn một đời tình:
Nước non cách mấy buồng thêu  - Kiều -(mấy: bao nhiêu? vừa hỏi vừa cảm thán)
Ðã dễ tình cờ mấy khi - Kiều - (mấy: chẳng nhiều lắm đâu)
Mấy lòng hạ cố đến nhau -Kiều - (mấy: vài, một ít)
và mấy còn có ý hòai nghi về một sự khước từ, đoạn tuyệt:
Mấy lần cửa đóng khen cài -Kiều -
Bao nhiêu ân tình, bao nhiêu trạng huống qua một chữ mấy!
Chưa dứt chia ly, đã tràn sang nhung nhớ:
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Cả trục nhớ nằm trong chữ thức: Hoa đi vắng, vườn không ngủ. Hoa đi vắng, vườn vẫn sực mùi hương. Thức khơi động cả một vườn, một vùng thiên nhiên sống trong cõi nhớ, tỉnh dậy trong cõi nhớ. Thức đưa đời vào mộng, khiến mộng và đời tan loãng trong nhau. Rồi thức báo hiệu tâm cảm hôn mê, chạng vạng:
Em vẫn đây mà em ở đâu?
để:
 Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu.
Âu Lâu là quê hương của Lê Ðạt, một bến sông ở Yên Bái. Âu Lâu đồng âm với Âu Lạc, cũng quê hương của Lê Ðạt và của nhiều người. Mà âu còn là có lẽ:
Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây -Kiều -
Hoặc âu cũng là thà:
Âu đành quả kiếp nhân sinh - Kiều -
Hay âu chỉ đơn giản như là âu yếm, và lâu còn là mái lầu như Hồng Lâu Mộng. Và như thế âu lâu là mái lầu buồn, lầu yêu, lầu yêu buồn, hồng lâu mộng,...
Trong chiều âu lâu ấy, bóng chữ động chân cầu.
Ở đây, bóng chữ hay bóng em vụt thoáng qua trong chữ động (Cá đâu đớp động dưới chân bèo, Nguyễn Khuyến) và vụt biến đi trong chữ "bóng". Nhưng nếu đọc lái hai chữ "chân cầu" bằng giọng Bắc thành "câu chần" thì câu thơ trở thành:
 Bóng chữ động câu trần
lại mở ra một thực tại khác vô cùng đắm say và thơ mộng giữa hai thực thể chữcâu.
Bóng chữ chao đảo giữa mộng và thực, giữa tục và thanh, giữa người và ảnh, giữa phôi pha và vĩnh cửu. 

°

Bóng Chữ là tập thơ tình, là mối sầu riêng, không tên - không tôi - không địa chỉ. Nấp sau bóng của những hình hài hóm hỉnh, trêu ngươi, là một tình yêu thiết tha, trầm lắng, là nỗi buồn riêng tìm kiếm triền miên tình yêu và nghệ thuật: Tình yêu đã lẩn trong nghệ thuật hay nghệ thuật đã trốn trong tình yêu:
 Sóng tháp bút
bước mở trầm
âm lắng
 Mưa búp măng
buông phím nắng dạo ngần.
Cũng có khi là sự hoài vọng một vết yêu chưa lành:
 Anh đỏ thổi những dấu hôn tro phủ.
Ở phần sầu riêng ấy, bóng chữ ẩn bóng tôi, bóng ta, mà cũng không tôi, không ta, để trở thành cái tôi phổ quát của con người lạc loài rồi tan loãng trong thiên nhiên, trong vũ trụ như những cánh thư lạc trong hư vô:
 Vàng hồ bay
thư không người nhận
gió trả về.
Ngay cả những cánh thư có người nhận cũng hóa thân sang kiếp khác:
 Chiều gió cả, tiếng ngàn xưa khản lá
 Thảm vàng khô
ai hóa
những thư già
Và trong cõi âm dương hòa hợp chung sống ấy, cả đến bước chân cũng vô chủ:
 Bãi trăng rằm
dấu chân câm vắng chủ
Trên ngã rẽ đôi âm - thế, sầm uất cộ xe, chiều cũng lạc loài:
 Chiều ngu ngơ xe phố luân hồi
Sự hoang vắng, xa lạ chiếm đoạt cả linh hồn Ðức Mẹ dồng trinh:
 Mắt Maria
thoáng bóng người lạ ở
Và chúa vô ngôn, lang thang, đi hoang ngoài cửa Bắc:
 Chúa không lời
mưa cửa Bắc
chuông rơi
Vô vàn hình ảnh vượt trùng u uẩn như thế mang tính cách giao hòa giữa hai cõi tử sinh, giữa ngàn xưa và hiện tại trong những góc cạnh thiết tha và sâu lắng nhất. Sự hợp tác giữa mơ và thực, giữa con người và thiên nhiên, giữa lịch sử và văn hóa kết tinh trong thơ Lê Ðạt:
 Cây ải cây ai
gió sải
tóc buông thề
Cây ải cây ai (gợi nỗi buồn Tú Xương: Ðêm nảo đêm nao tớ cũng buồn) gập cơn gió sải (anh gió này đang phóng bước thật dài, hai tay giăng ra), thì lập tức cây aỉ cây ai hóa thân thành người con gái tóc buông thề.
Tính chất biến ảo liêu trai -từ nỗi buồn sang người con gái, từ thảo mộc sang con người- trong thơ Lê Ðạt, có lẽ bắt nguồn từ những ảo ảnh của cuộc đời, vô thường của sinh tử, mà thực tế, phải chăng, chỉ là không không sắc sắc.
Bóng Chữ là tác phẩm của một đời. Người yêu thơ không thể khám phá hết cái hay trong một lúc. Nhưng chính vì mỗi lần đến với Bóng Chữ chúng ta lại thấy một khía cạnh liêu trai mới, một chập chờn hư thực mới mà tác phẩm gắn bó với ta và biện minh cho hình thức cộng tác sáng tạo giữa người viết và người đọc.
Thơ Lê Ðạt khó và tối. Tác giả niêm phong tác phẩm của mình bằng sự cô đọng chữ nghĩa. Nhưng đó là cái khó của sự tìm tòi khoa học, cái tối là ẩn số của bình minh, là sự niêm phong gạn lọc tư tưởng. Cho đến nay chúng ta chưa có một tác phẩm nào thể hiện sự thay đổi toàn diện trong phong cách thơ, từ bản sắc triết học, đến cấu trúc hình thức và nội dung như thế. Với Bóng Chữ thơ mới đã thực sự nhường ngôi cho một dòng thơ khác, Thơ Tạo Sinh hiện đại trong tinh thần khuynh đảo và tái sinh những giá trị cổ điển.

Paris tháng 4/1995Chú thích

(1) Xem thơ Voi (Tố Hữu): Voi là đại bác. 
 

Xem Tiếp: ----