Bản Dịch của Ngọc Thứ Lang
Chương 15

Một thị trấn nhỏ, hiền hoà nhưNew Hampshirethì có cái gì lạ lạ một chút mà thoát khỏi cặp mắt những bà nội trợ tối ngày lo hé cửa sổ nhìn ra và những ông bà chủ tiệm ngồi trông hàng mà mắt để ngoài đường? Chiếc xe đen mang bảng số Nữu-Ước vừa tốp trước nhà ông bà mục sưAdamscó vài phút mà “cả thành phố đều hay”.
Cô sinh viên Kay Adams đang gạo bài thi trong phòng, tính xuống nhà ăn cơm trưa cũng lấy làm lạ, hé màn coi. Thấy nó tốp trước sân nhà mình nàng hiểu ngay. Lại thấy mặt hai gã bặm trợn trông cứ như găng-tơ trong xi-nê trong xe nhảy ra là Kay phải bay ngay xuống, đích thân ra mở cửa. Chắc người nhà Michael nên phải lo chặn đầu, chớ để đụng đầu ông già bà già trước. Chẳng xấu xa hèn kém gì mà phải mắc cỡ, chẳng qua ba má nàng hơi cổ một chút, đúng týp trí thức chính hiệu miền Đông, sợ không hiểu sao cô con cưng lại quen biết cả hạng người này.
Chuông vừa reo là Kay đã chấn ngay trước cửa còn nói vọng vào cho bà già hay “Có con mở rồi!” Hai gã đứng lù lù, một thằng đưa bàn tay mặt vô nách áo làm như găng-tơ rút súng làm Kay há mồm ngạc nhiên, nhưng hắn ta chỉ lôi ra chiếc ví, mở bật cho thấy tấm thẻ hành sự. “Tôi là thanh tra Công an John Philips. Và đây là bạn đồng sự Siriani. Nếu tôi không lầm, cô là Kay Adams?”
Kay gật đầu ngó “ông đồng sự” mặt đen thui, lông mày chổi xể rậm đen. “Chúng tôi muốn hầu chuyện cô vài phút. Về vụ Michael Corleone”. Nàng bèn mời họ bước vô, liếc lên trên lầu thấy ông già thò đầu ra ngó: “Cái gì đấy con?”
Mục sư Adams là cha sở họ Baptist mà còn nổi tiếng học giả. Tóc bạc xám, người gầy gò trông thật trang nghiêm, đạo đức và hiền triết đến độ chính con gái cũng không hiểu nổi bố. Làm như ổng lờ là không buồn để ý đến nhưng thực sự yêu thương con ghê gớm nên Kay tội gì phải dấu diếm vụ này?
- Thưa cha, hai ông công an muốn hỏi con về một người bạn trai.
- Sao con không mời vô phòng việc của cha?
- Thưa ông có lẽ để chúng tôi nói riêng với cô Kay tiện hơn.
Thanh tra Philips tưởng đâu ổng muốn nghe nên lo chặn trước. Nào ngờ ông già cứ thản nhiên coi như chẳng có chuyện gì mà còn trả lời rất lịch sự:
- Cái đó còn tuỳ con tôi... Nếu nó muốn... Kay, con muốn nói riêng với họ... hay muốn có cha ở cạnh con? Hay để má con?
- Thôi cha – Con nói riêng được mà?
- Vậy xin mời vô phòng làm việc của tôi tiện hơn. Nếu cần nói lâu thì tiện bữa dùng cơm trưa luôn.
Sau khi nhã nhặn từ chối, họ đi theo Kay vô văn phòng. Nàng ngồi chững chạc trên chiếc ghế da bự của ông già làm cả hai ông công an cùng ngượng ngùng ngồi ghé mép đi-văn. Khó vô đề quá! Sau cùng thanh tra Philips đặt câu hỏi:
- Cô Kay, xin cô cho biết sự thực. Nội 3 tuần vừa qua, cô có gặp Michael Corleone hay nghe nói hắn ta ở đâu không?
Chỉ một câu hỏi đó là Kay gần biết hết sự việc. Mấy tờ báo lớn Boston chẳng chạy những hàng tít lớn về vụ một Đại-uý Cảnh sát và một thằng cha buôn lậu ma tuý tên Virgil Sollozzo vừa bị hạ sát cùng một lúc đó sao? Có tờ còn cho rằng vụ này thế nào cũng dây dưa đến trận đánh lớn của cánh Corleone. Kay rất tỉnh táo lắc đầu:
- Không. Lần cuối cùng tụi tôi gặp nhau là đêm Michael vô nhà thương thăm ông già. Có lẽ đến một tháng rồi.
- Cái vụ gặp gỡ đó tụi tôi có biết hết. Tôi muốn biết sau đó kia...
Dĩ nhiên Kay lắc đầu “Không”. Thanh tra Philips lên tiếng dặn hờ: “Nếu có gặp Michael xin cho tụi tôi hay gấp. Có chuyện vô cùng quan trọng liên quan đến hắn. Xin cho cô hay là cô có thể bị “kẹt” nếu tiếp tục tiếp xúc. Còn giúp đỡ hắn dưới bất kỳ hình thức nào thì nguy hiểm không để đâu cho hết.”
Kay ngồi thẳng lên, dõng dạc:
- Coi, sao lại không giúp đỡ kìa? Tụi tôi sắp làm đám cưới, tình nghĩa vợ chồng mà?
Thanh tra Siriani giải thích:
- Nếu giúp, cô sẽ bị coi như tòng phạm sát nhân. Hắn đã hạ sát cả ông Đại-uý Cảnh sát lẫn thằng cha điểm-chỉ-viên tối hôm đó. Chúng tôi biết rõ Michael bắn.
Kay bỗng cười phá lên. Giọng cười ha hả vô tâm quá, tự tin quá làm hai ông công an ngồi ngẩn ngơ. Nàng nói một hơi:
- Đời nào có chuyện đó! Michael không bao giờ dính vô mấy cái vụ đó, các ông tin tôi đi! Công chuyện trong nhà hắn còn không hề đụng tới. Tận mắt tôi nhìn thấy bữa cùng về ăn cưới con bé em là Michael rõ ràng bị coi như người ngoài, chẳng hơn gì tôi. Nếu các ông phải lùng tìm... có thể vì hắn muốn lánh mặt ít lâu, sợ tên tuổi dính vô phiền phức đó thôi! Mấy ông, hay bất cứ ai đi nữa... hiểu hắn sao bằng tôi? Michael không găng-tơ chút nào, trái lại tôi chưa hề thấy một người nào kính trọng pháp luật đến như hắn. Đến nói dối một câu còn không, huống hồ giết người!
- Cô quen biết Michael cỡ bao lâu?
- Ngoài một năm...
Cả hai cùng cười làm Kay chới với. Giọng Philips có vẻ thương hại:
- Còn nhiều chuyện cô không thể biết về Michael. Cô có biết cái đêm nó vô nhà thương thăm ông già ra đụng đầu một sĩ quan cảnh sát có mặt ở đấy vì công vụ nó đã làm gì không? Nó xông tới hành hung ông đại uý mà hậu quả là chính nó lãnh đủ! Bể hàm, gãy mấy cái răng. Nó được người nhà đưa về Long Beach. Ngay đêm hôm sau chính ông Đại uý Cảnh sát đó bị hạ sát và Michael thì biệt tăm. Biến luôn! Nghề nghiệp tụi tôi là phải có a-giăng, mật-báo-viên. Đứa nào cũng chỉ đích danh Michael Corleone! Còn bằng chứng để đưa ra toà buộc tội thì sức mấy có? Gã hầu bàn có mặt ở phạm trường không nhận ra hình Michael nhưng nó cam đoan thấy người sẽ nhận diện lập tức. Còn thằng tài xế của Sollozzo nữa. Nó không khai. Nhưng nếu tụi tôi vồ được Michael thì đương nhiên nó chịu làm chứng liền. Mong cô hiểu điều này để giúp tụi tôi phần nào. Là trước sau thế nào nó cũng bị vồ, chạy đâu khỏi? Tụi tôi lo truy tầm ráo riết đã đành. Bên FBI cũng cử a-giăng đi và cơ quan nào cũng được lệnh truy nã. Bắn chết một sĩ quan Cảnh sát giữa Nữu-Ước đâu phải chuyện đùa?
- Tôi không tin chút nào hết!
Kay thản nhiên đáp vậy nhưng quả thực là Michael có bị đánh bể hàm đêm hôm đó. Nàng phân vân, khó chịu. Có lẽ nào chỉ vì vậy mà một con người như Michael can tội sát nhân? Đúng lúc ấy Philips hỏi tới:
- Trường hợp Michael sẽ tiếp xúc với cô... liệu cô có thể cho tụi tôi hay liền?
Kay lắc đầu là Siriani đốp luôn:
- Những liên lạc giữa Michael và cô tụi tôi biết không sót. Ngày giờ, địa điểm đủ cả! Cô nhớ rằng cuốn sổ hô-ten còn đó, nhân chứng thì quá nhiều. Để lọt ra cho nhà báo là chúng đăng liền và ông già bà già cô chắc chắn sẽ mất mặt. Người đứng đắn tên tuổi như các cụ chịu sao nổi khi cả nước biết cô con cưng đi bắt bồ với một tên găng-tơ? Nếu cô không chịu... thì liền bây giờ tôi sẽ mời ông già vô, cho ổng biết sự thực tức khắc.
Kay ngó hắn một lát rồi thong thả đứng lên, đi ra mở cửa. Ông già đang ngậm pít đứng ngó cửa sổ. Nàng gọi “Cha ơi, cha vô đây chút xíu được không?” Ông già quay lại mỉm cười, đi vô liền. Âu yếm khoác tay con, ổng đi ngay tới trước mặt hai ông khách. “Có chuyện chi, quý vị?” Cả hai làm thinh nên Kay dục: “Đây, cha tôi đây, ông cho biết sự thực đi.” Siriani đỏ mặt nói:
- Xin ông Adams hiểu cho là vì muốn gíup cô Kay nên tụi tôi phải nói rõ vụ này. Cô ấy dính líu tình cảm với một gã bất lương mà tụi tôi có thể quả quyết là thủ phạm vừa hạ sát một sĩ-quan Cảnh sát. Tôi vừa cho cô ấy hay là nếu không nghe lời tụi tôi thì chắc chắn sẽ gặp nhiều chuyện phiền phức, lôi thôi lắm. Hình như cô ấy chưa rõ tầm quan trọng của vụ này nên nhờ cụ nói lại cho cô ấy hiểu dùm.
- Chuyện khó tin nhỉ!
- Thì cô ấy và Michael Corleone đi lại với nhau cả năm nay. Ở hô-ten nào chẳng ghi ông bà Michael Corleone? Cái ông Michael Corleone đó hiện đang có lệnh truy nã liên quan đến vụ hạ sát một sĩ-quan Cảnh sát. Cô ấy không chịu cho tụi tôi biết một tin tức gì... Sự thực là như vậy. Ông có thể cho là chuyện khó tin... nhưng bằng cớ thì tụi tôi có đủ.
- Không, ông Thanh Tra hiểu lầm ý tôi mất rồi. Tôi muốn nói khó tin con bé nhà tôi sẽ gặp phiền phức, lôi thôi lắm ấy chớ? Còn cái vụ kia thì... Trường hợp các ông nhất định cho nó là một thứ... ủa danh từ giang hồ gọi là gì nhỉ... phải rồi... một thứ gái chơi.
Ngạc nhiên Kay ngước nhìn cha. Ổng vừa biểu lộ cả một sự băn khoăn, ngờ vực về danh từ một cách thật... học giả và tuyệt vời. Rõ ràng ông muốn cho thấy sự chịu chơi. Quả thực nàng không ngờ ông già dám chấp nhận sự việc giản dị tới cỡ đó. Nhưng ổng kết thúc rất đột ngột:
- Tuy nhiên các ông vững tin rằng nếu thằng đó mà ló mặt vô nhà này thì chắc chắn tôi sẽ cấp báo nhà chức trách liền. Con nhỏ nhà tôi cũng làm vậy. Bây giờ xin hai ông tha lỗi cho, cơm nước nãy giờ nguội cả rồi!
Sau đó ổng tiễn khách rất lịch sự, đóng cửa không đến nỗi giộng mạnh nhưng khép một cách cả quyết rồi mới cầm tay Kay đi xuống bếp ăn cơm. Kay vừa đi vừa tấm tức khóc, có phần tủi vì sự thương yêu kín đáo của cha. Ngồi vào bàn ăn thấy mẹ không hỏi han đến cái vụ khóc là biết chắc ổng đã nói rồi. Trong khi đó ổng cúi đầu cầu kinh.
Bà mục sư Adams thuộc týp người mập, bệ vệ quần áo chững chạc, mớ tóc gỡ chải đàng hoàng. Chẳng bao giờ Kay thấy mẹ đầu bù áo quần luộm thuộm cũng như chẳng bao giờ bà có chủ ý theo dõi con gái tò tò. Như bữa nay một lát sau bà mới nói:
- Làm gì mà khóc lóc con? Chắc chẳng có chuyện gì mà bọn họ làm ra vẻ ghê gớm vậy thôi. Bề nào thằng ấy cũng dân Dartmouth, có lẽ nào nó làm những chuyện ghê tởm như thế bao giờ?
- Ô hay, sao mẹ biết hắn học Dartmouth?
Thấy Kay giương mắt ngó ngạc nhiên, bà già không trả lời thẳng mà chỉ trách yêu, sửa lưng nhẹ nhàng:
- Mấy cô, mấy cậu bây giờ ưa bí bí mật mật, cứ tưởng đâu mình khôn lắm! Dĩ nhiên phải biết chớ, biết từ lâu rồi... nhưng không lẽ con không nói mà cha mẹ gợi trước?
- Nhưng làm sao cha mẹ biết?
Kay vẫn muốn biết điều đó. Nàng không dám nhìn thẳng, nhìn ngay mặt cha. Ổng biết rồi, biết hết, cả vụ hai đứa ngủ với nhau. Nên nãy giờ ổng có cười nữa đâu? Ổng lại trả lời thay bà già: “Coi, cứ việc mở thư của con ra coi là biết chớ gì?” Kay sững sờ, bực bội. Nàng ngửng lên nhìn. Lại có cả vụlén coi thư riêng, mở thư riêng ra coi trước nữa sao? Một tội trọng! Không lẽ một người như cha nàng mà có thể mở lén thư từ của con ra coi? Không thể được!
- Cha, không lẽ cha mở lén thư từ của con?
- Có gì đâu mà lạ, con? Một tội trọng thật nhưng cha đã cân nhắc rồi. Thà cha mẹ phạm tội mở thư con coi lén còn hơn là mắc cái tội ù lì bưng bít, có mỗi đứa con gái cưng độc nhất mà sa ngã hồi nào không hay. Đó là một chọn lựa đạo đức!
Đang lúng búng đầy một mồm thịt gà luộc, bà già cất tiếng phụ hoạ:
- Vả lại con của mẹ lớn đầu mà còn ngây thơ quá! Cha mẹ phải biết chớ? Con không nói gì về hắn thì cha mẹ lại cần phải biết nữa...
Ôi chao, may quá! May cho nàng là Michael không có lối viết thơ dài lê thê những yêu đương, nồng nàn. Nếu đọc những lá thư nàng viết thì cha mẹ Kay đến ngất xỉu mất. Cũng may những lá thư nàng viết không bại lộ!
- Con không dám nói gì về Michael... tại con sợ cha mẹ ngán gia đình anh ấy.
- Đúng, cha mẹ ngán quá xá! Nhưng gần đây con có gặp Michael, sau cái vụ đó không?
- Không. Con chắc chắn Michael không bao giờ làm những chuyện ấy, không bao giờ phạm tội!
Kay khẽ đưa mắt thấy mẹ nàng gật gù rồi hai ông bà thình lình trao đổi một cái nhìn đầy ý nghĩa, một sự biểu đồng tình. Ông bà khoan thai nói:
- Nếu nó không phạm tội mà nó lại biến mất, tìm không ra thì chỉ e nó gặp một chuyện gì, chuyện gì đó rồi.
Mới đầu Kay có hiểu gì? Chừng hiểu ý ông già thì nàng vùng đứng dậy, chạy miết lên trên phòng.

oOo

Ba ngày hôm sau Kay đi tắc-xi tận nhà Michael bên Long Beach. Đã gọi điện thoại trước nên Tom Hagen ra đón trước cửa. Nhè gặp cha này thì chán quá, hắn đời nào chịu nói thực!
Kay vô phòng khách đợi, có nhiều người đàn ông đi lại nhưng không thấy Sonny. Nàng hỏi Hagen: “Anh biết Michael hiện ở đâu và có cách nào gặp được không?” Nó cho hay:
- Ở đâu thì chúng tôi không hay... nhưng an toàn, mạnh khoẻ thì chắc chắn. Nghe tên ông đại uý Cảnh sát đó bị bắn, nó sợ bị nghi ngờ, bị câu lưu oan... nên quyết định lánh mặt ít lâu. Nó có dặn tôi trước là trong mấy tháng thế nào cũng có tin về.
Làm sao mà tin nổi thứ tin “chế tạo”, cố tình muốn lái sang một ngả như thế này?
- Nhưng có phải ông đại uý đó đánh Michael bể hàm?
- Có chuyện đó thật... nhưng Michael đâu phải người hung hãn, thích ân oán? Tôi cam đoan nó không dính gì tới những vụ vừa xảy ra.
Kay mở bóp lấy lá thư “Chừng nào có liên lạc... anh có thể chuyển dùm cái này cho Michael?” Hagen không nhận, lắc đầu quầy quậy:
- Tôi tiếc không thể nhận lá thư này. Nếu tôi nhận và nếu có chuyện ra Toà, cô xác nhận như vậy đó... thì bằng vào sự kiện này Toà có thể suy diễn là tôi phải biết chỗ nó lẩn tránh, cô thấy không? Sao cô không nén lòng chờ ít lâu nữa? Thế nào cũng có tin Michael nhắn về.
Kay uống hết ly nước, đứng dậy từ biệt. Hagen đưa nàng ra nhưng cửa vừa mở là đụng đầu một người bước vô. Một bà già mập tròn, bận đồ đen mà Kay nhân ra là má Michael, nên vui vẻ đưa tay ra: “Chào bà Corleone...”
Cặp mắt nhỏ xíu giương lên ngó Kay một lát rồi khuôn mặt nhăn nheo, rúm ró màu da ô-liu mỉm cười với nàng, một nụ cười thật kỳ cục mà thật là thân thiện. Bà nói líu tíu như reo lên mà giọng Ý nhà quê đặc sệt nghe chẳng hiểu gì hết. “À, cô là bạn của Michael! Tôi nhớ ra rồi! Mà cô ăn gì chưa? Chưa hả?” Kay lắc đầu, ý nói không muốn ăn nhưng bà hiểu khác nên quay sang Hagen la một mách ào ào bằng tiếng Ý và sau cùng chêm vô một câu tiếng Anh đại khái: “Cái thằng tệ quá! Khách của em đến nhà mà ly cà-phê không có...”
Lập tức bàn tay ấm áp nắm lấy tay Kay, lôi tuốt vô tận bếp: “Cháu vô đây... Ngồi xuống uống cà-phê, ăn một cái gì đi. Rồi bác bảo một thằng đánh xe đưa cháu về tận nhà chớ con gái như thế này đi xe lửa một mình đâu được!” Kay rụt rè nói: “Cháu tới hỏi thăm tin Michael, lâu quá chẳng thấy tin gì nhưng ông Hagen cho hay ở nhà cũng chẳng biết gì hơn, có điều thế nào cũng sắp có tin...”
Bà Trùm Corleone chưa nói gì thì Hagen mau mau gài một câu chặn đầu: “Bác à... hiện giờ chỉ có thể cho hay bấy nhiêu đó thôi.” Bà quắc mắt lên nạt lớn:
- Ra bây giờ đến mày phải dạy tao làm cái này, không làm cái kia hở thằng Tom? Bác trai mày còn chưa dạy tao mà?
- Thưa bà bệnh tình Ông Trùm thế nào?
- Đỡ rồi... Bây giờ đỡ nhiều. Ổng hồi này có tuổi... làm ăn lẩm cẩm, điên đầu nên mới bị như vậy chớ?
Bà hết làm dấu thánh đến đập tay lên trán làm như bắt buộc phải nói xấu tới ông chồng. Kay bị ép uống cà-phê, ép ăn chút bánh mì, phó mát. Bà Trùm cũng uống luôn cho vui rồi sau đó hai tay nắm chặt lấy bàn tay Kay:
- Cháu ạ, bác nói thực... Cháu đừng chờ, thằng Michael sẽ không có thư từ, tin tức gì cho cháu đâu. Nó phải đi trốn hai năm ba năm. Có khi lâu hơn, lâu lắm! Cháu về nhà, cháu quên nó đi. Gặp thằng nào kha khá là lập gia đình đại đi cho xong, bác nói thật đó.
Kay không trả lời mà móc bóp lấy ra phong thư: “Nhờ bác chuyển đến Michael dùm cháu.” Bà già cầm ngay, không ngần ngại. Tom Hagen vừa ấp úng toan lên tiếng đã bị mắng át đi bằng một tràng tiếng Ý.
Sau đó bà dắt tay Kay đi ra cửa, thân mật vỗ vai, xoa má... Lúc ôm hôn chia tay khẽ rỉ tai: “Quên thằng Michael đi, con ạ! Bác nói thực... nó không còn là người của con nữa đâu!”
Lúc Kay đi ra đã thấy một chiếc xe chờ sẵn. Hai thằng ngồi băng trên lầm lì không nói. Cửa xe vừa đóng lại là phóng thẳng một mạch về Nữu-Ước. Kay cũng ngồi im lặng, cố trấn áp tinh thần để tập cho quen với ý nghĩ con người mà nàng thương yêu bấy lâu nay đã thực sự nhúng tay vào máu. Đúng thế, chính bà mẹ đẻ, người đã sinh thành ra nó nói thì còn sai lầm thế nào được!