Chương 6

- Nhưng điều gì khiến anh thay đổi ý định mình nhanh chóng vậy? - Thật bất ngờ quá... Như Nguyện lúng túng.
- Đầu tiên, em cứ nhận bó hoa này rồi nghe anh nói...
Hé mắt nhìn xa, Kỳ Duyên thấy Nhã Chí trao cho Như Nguyện một bó hoa to, thật là to. Dễ chừng phải hái cả vườn hoa mới đủ...
- Em đẹp lắm, khác hẳn các cô gái anh đã gặp trong đời... Vẻ thùy mị dịu dàng của em đã chinh phục được anh. Đã cho anh cái nhìn khác hơn về giới nữ.
- Đừng nghe hắn nói - Bỗng tung chăn ngồi dậy, Kỳ Duyên hét lớn - Hắn chỉ vô tán tỉnh để dụ cậu thôi, hắn chẳng bao giờ biết yêu đâu.
- Lại là cô ư? - Lùi về sau một bước, quá bất ngờ, nhưng liền sau đó Nhã Chí lại nghiêng đầu nheo mắt ngó Kỳ Duyên một cách khôi hài - Dựa vào đâu mà cô bảo rằng tôi chẳng biết yêu?
- Thì dựa - Bí lối... Kỳ Duyên nói đại - Thì dựa vào lần trước, chính mắt tôi thấy anh phũ phàng đuổi một người con gái. Sau khi đã... cùng ân ái với người ta...
- Ra thế! - không chút bối rối, Nhã Chí lại cười - Lỗi tại cô ấy mà thôi. Ai bảo chưa cưới hỏi mà cô ấy đồng ý với tôi chứ?
- Như Nguyện, cậu nghe chưa? - Tức vì đuối lý, Kỳ Duyên kéo mạnh tay Như Nguyện - Đừng bao giờ mắc mưu hắn đấy. Hắn sẽ chẳng bao giờ cưới cậu đâu.
- Ai nói thế? - Nhã Chí lại cười - Cô chỉ giỏi cái đoán mò. Cho cô hay... ba tôi đã định ngày rồi đó, mười chín tháng sau... sẽ là đám hỏi của chúng tôi...
- Anh nói sao? - Mặt Như Nguyện xanh lè, bó hoa vội rớt nhanh xuống đất - Đám hỏi ư?
- Đúng vậy! - Chợt hiện ở cửa, mẹ Như Nguyện cười toe toét - Anh Vinh vừa gọi điện cho mẹ biết.
- Nhưng... sao nhanh vậy? Con chưa kịp chuẩn bị tâm lý gì - Như nguyên như sắp khóc.
Bà vẫn ngọt ngào:
- Còn những một tháng kia mà... con chuẩn bị tâm lý dần đi. Kỳ Duyen, - Bà chợt la to - Con là bạn thân của nó, phải nói vào giúp nó nghe chưa. Bác cũng tính rồi, hôm đó nhờ con làm dâu phụ. Con đồng ý chứ?
- À... Dạ... - Lơ lửng hồn như kẻ chưa tỉnh mộng, Kỳ Duyên gật đầu như cái máy.
- Cũng được đó - Nhã Chí lại chen vào - Hôm đó nhớ mặc đồ cho đẹp. Tôi sẽ chọn cho cô một chú rể phụ xứng đôi...
- Ừ phải - Bà gật đầu vui vẻ - Các con ở lại chuyện trò. Bác xuống lo nước...
Bà biến mất sau cầu thang lâu rồi mà Như Nguyện lẫn Kỳ Duyên cứ ngây người ra, bàng hoàng chưa tỉnh mộng. Sự việc sao bất ngờ, đột ngột. Chẳng kịp trở tay vậy chứ? Nhã Chí đúng là tên đểu cáng, giỏi lật lọng nhất đời. Tính sao đây?
- Sắp trở thành người một nhà rồi. Như Nguyện, em cho phép anh vào phòng chứ?
Hỏi rồi chẳng đợi phản ứng của hai cô gái, Nhã Chí nghinh ngang bước ngay vào. Mặc kệ sau lưng mình, Như Nguyện khóc òa lên, ngả nhào vào tay bạn.
Mấy tuần nay tòa xử vụ án Trường Tân làm dư luận dậy lên. Thị trường cổ phiếu dao động mạnh. Một số công ty sợ liên lụy vội giải ngân, tuyên bố phá sản rồi chủ tớ cuốn gối dông biệt dạng.
Đọc lại bản tường thuật tỉ mỉ của một luật sư trong phiên toà giao cho, Nhã Chí thấy phần đông cung cách hoạt động, thủ đoạn của chúng đều rất giống nhau. Cấu kết với các quan chức ngân hàng. Thế chấp tài sản đã cầm cố với giá trị cao hơn hiện trạng, thành lập công ty con...
Cái kiểu làm ăn phi pháp ấy, trước sau gì cũng bại lộ thôi. Quả báo tuần hòan, nhưng... phải tính cách nào... để đưa việc ông Phú cấu kết với bọn bất lương, lạm dụng tài sản mà làm ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng, ra ánh sáng, Nhã Chí nghe nan giải.
Bây giờ... thì Nhã Chí nhìn rõ bộ mặt thật của ông Phú rồi. Đám đàn em của anh đã về báo cáo rất rõ ràng. Không chỉ với một công ty... Ông còn cấu kết với hơn ba công ty nữa. Bọn chúng đã lừa đảo chiếm dụng của ngân hàng gần tám trăm tỷ. Số tiền tương đương ba mươi phần trăm vốn điều động của ngân hàng. Hắn sẽ làm các cổ đông xôn xao, dao động. Họ nhất định sẽ đòi rút cổ phần. Và vì vậy... cũng có nghĩa là: ngân hàng Nam Á đang mấp mé bờ vực tử thần. Nguy cơ phá sản là điều không thể tránh khỏi.
Tính sao đây? Nhã Chí chỉ thở dài. Anh muốn nói tất cả với cha nhưng lại ngập ngừng. Thật tội nghiệp, đến bây giờ ông vẫn dửng dưng chưa hay biết gì. Một mực tin tưởng, giao hết quyền hành cho đồng sự.
Cầm tờ báo lên, ông lại lắc đầu tặc lưỡi, tiếc cho bọn người phạm pháp. Đã giàu cỡ ấy... còn tham chi cho nông nỗi...
- Nhã Chí... con lại đem việc ở ngân hàng về nhà làm ư? - Đẩy cửa bước vào, thấy con ngồi tư lự bên chồng hồ sơ cao ngất, ông Vinh tỏ ý chẳng bằng lòng - Không cần phải cố gắng lắm đâu. Việc làm không hết, con cứ bảo các nhân viên làm hộ, đừng ngại.
- Vâng! - Đậy tập hồ sơ lại, Nhã Chí vờ ngoan ngoãn vâng lời - Con có làm gì đâu, chỉ xem lại tập hồ sơ cũ để học hỏi thêm thôi. Ba vừa đi đâu về mà ăn mặc chỉnh tề quá vậy?
- Ba đến toà xem xử án - Cởi bớt áo vest bên ngoài, ông thả người ngồi xuống ghế salon - Toàn bạn bè quen, thấy họ lâm nạn thật xót xa lòng. Con biết không, hồi nãy bước vào toà, thấy vợ con thân nhân bọn họ chen chúc khóc la đòi gặp... Ba thật là tội nghiệp cho họ quá. Nghe đâu một số người còn phải bị tử hình...
- Cũng phải thôi - Nhã Chí thản nhiên - Ai bảo họ tham ô chứ?
- Ba biết, pháp luật có cái lý của pháp luận... nhưng nghĩ về tình... ba không nỡ, dù sao họ cũng là bạn của mình, từng vào ra ăn uống nói cười...
- Ba mềm lòng dễ tin người quá! Trách gì không bị người qua mặt.
- Hả? Con nói gì? - Vừa cầm tách nước trà lên toan uống, nghe câu nói lạ tai, ông quay lại.
Nhã Chí vội chuyển lời:
- Không... ý con muốn nói sao ba lại chọn ngày đám hỏi gần như vậy? Làm cho Như Nguyện phải cảm thấy ngờ...
- À, không phải ý của ba đâu - Nhắc đến cưới hỏi, mặt ông Vinh sáng bừng lên - Đó là ý của bà sui bên kia ấy chứ! Mà sao... con tiếp xúc cô bé ấy rồi... cảm giác sao kể ba nghe. Có phải... không chê vào đâu được...
Không trả lời ba, Nhã Chí nhẹ gật đầu. Mắt mơ màng nhớ đến những giọt nước mắt tuôn tràn như suối của Như Nguyện. Xưa nay... toàn được con gái khóc để cầu xin, để được xót xa thương hại. Nên lần đầu nhìn một người con gái khóc để chối từ mình. Nhã Chí ngạc nhiên nhiều.
Tình yêu... có tồn tại... và lòng chung thủy không chỉ là lời nói suông, đầu môi chót lưỡi ư? Nhã Chí cảm thấy niềm tin thoáng bị lung lay trước lời cự tuyệt của Như Nguyện. Nhưng không... Nhã Chí lại lắc đầu phủ nhận ngay. Tình yêu không thể tồn tại trên thế gian này. Khi một người đàn bà, dịu hiền nết na như mẹ lại có thể đem lòng phụ bạc. Chẳng qua... Như Nguyện còn chưa bị sức quyến rũ của anh chinh phục thôi.
Thật đó... ngày xưa... khi mẹ còn bị ánh hào quanh của cha vây phủ, bà còn dịu dàng, nữ tính hơn Như Nguyện gấp trăm lần. Bà chăm sóc cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ. Tận tụy yêu thương chồng con, đến mức anh phải tin rằng: thế gian này không còn người đàn bà nào yêu con, thủy chung với chồng như mẹ cả. Bà là thần tượng uy nghi, là mẫu người mà anh mơ ước mình sẽ tìm thấy được sau này khi cưới vợ...
- Con cười gì vậy? Hay vẫn chưa vừa ý? Nếu con muốn... ba sẽ...
- Không... ba ạ, chẳng cần phải tìm người khác đâu - Cắt vội lời ông, Nhã Chí nhẹ nhún vai:
- Với con, Như Nguyện hay bất kỳ ai cũng vậy thôi. Chỉ là một người đàn bà không hơn không kém...
Lại chứng bệnh cũ. Ông Vinh không nén được tiếng thở buồn. Vậy mà... mấy ngày nay thấy con chịu đến công ty phụ giúp mình, ông cứ tưởng Kỳ Duyên chữa lành bệnh của nó rồi. À, nhắc Kỳ Duyên mới nhớ. Mấy bữa rày, con bé dường như không ra xe bò viên bán. Mấy lần đưa mắt nhìn sang, ông chỉ thấy một người đàn ông trạc tuổi mình lo loay hoay chiên nướng sau chiếc xe. Mà ông đoán chắc là ba Kỳ Duyên.
- Con nghỉ đi, ba vào tắm một cái đây. Ôi bức quá! - Chợt nghe buồn, ông uể oải đứng lên, dáng cong cong mệt mỏi.
Mình lại làm ba buồn nữa rồi. Nhìn theo ông, Nhã Chí tự trách mình. Rồi như để chuộc lại lỗi lầm, anh quyết định gọi điện cho ông Phú. Chuyện này anh tự mình giải quyết...
Cốc... cốc... cốc...
Chuông reo đầu dây bên kia, chưa kịp có người bắt máy, Nhã Chí đã nghe tiếng gõ cửa dồn dập, cau có quay lại, anh chưa kịp bực mình vì chuyện đó thì đã sững người ra bất động, lạnh toát cả chân tay... Điều không lành đã biến thành sự thật, không còn là linh cảm nữa. Ba người cảnh sát kinh tế đang chậm rãi bước vào:
- Xin lỗi, trong đây ai là ông Trần Hữu Vinh?
- Thưa... ba tôi đang tắm. Có việc gì?
Vuốt những giọt mồ hôi tuôn ròng trên mặt, Nhã Chí bước lên một bước.
- Ông Vinh có liên quan đến một vụ tham ô tài sản công dân. Chúng tôi được lệnh mời ông ấy về đồn làm việc. - Một anh cảnh sát tiến lên.
- Nhất định có nhầm lẫn? Ba tôi không thể... - Nhã Chí lắc đầu... lắp bắp...
- Có chuyện gì thế? - Ông Vinh vừa tắm xong, nghe ồn bước lên.
- Chúng tôi được lệnh bắt và niêm phong tài sản của ông lập tức - Người cảnh sát lạnh lùng. - Xin mời ông hợp tác để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
- Không được - Nhã Chí ngăn người cảnh sát khi anh ta toan đặt chiếc còng xuống tay cha - Tôi không cho phép các anh làm thế.
- Nhã Chí! - Kéo con lui ra sau, ông Vinh trầm tĩnh - Đừng ngăn cản các anh thừa hành công vụ. Chuyện đâu còn có đó... Mình ngay thẳng sợ gì - Rồi ông đưa hai tay của mình ra - Mời anh...
- Ba! - Nhã Chí kêu to trong cổ họng, chiếc còng đã khóa chặt tay ông. Trước khi dắt ông đi, người cảnh sát còn nói - Mời anh ra khỏi nhà, chúng tôi phải niêm phong tài sản...
Mắt hoa lên, tai ù đi... Nhã Chí bước theo cha như cái máy. Cánh cửa dập mạnh sau lưng. Anh cảnh sát dán lên ổ khóa một dải băng dài có dấu niêm phong.
- Ồ, chuyện gì thế?
- Sao o6ng ta lại bị bắt vậy kìa?
- Chắc lại tham ô... chiếm đoạt tài sản nhân dân rồi...
- Chà! Trông mặt ông ta hiền lành phúc hậu vậy mà ghê quá.
- Hiền lành, phúc hậu gì... Có ai chống nổi sự cám dỗ của đồng tiền đâu...
Dân hai bên phố nghe động đã ra xem chật cả một khúc đường. Dậu đổ bìm leo, chẳng nể nang gì, người một câu bình luận như cố tình cho Nhã Chí nghe tất cả...
Không! Ba tôi không như thế! Không đời nào như thế... Nhã Chí muốn hét to câu ấy, át to mọi suy luận của người đời... nhưng... bao sức lực như rã rời, bay biến cả. Mắt anh chỉ còn biết mở trừng trừng, nhìn cha lập cập bước lên xe. Tiếng còi xe cảnh sát rú lên từng chập, chiếc xe khuất xe dần...
- Tình hình thế nào? - Luật sư Phan Tân vừa bước ra, Nhã Chí bật dậy ngay, nôn nóng - Ba tôi bị vu oan phải không?
- Ông cụ bị vu oan, nhưng... - Nhún vai, Phan Tân thở ra một hơi dài - Hết cách... các bằng chứng đều bất lợi.
- Bằng chứng? - Nhíu mày, Nhã Chí lạnh lùng... - Có bằng chứng gì? Toàn bộ hồ sơ, từ đầu đến cuối ba tôi không hề nhúng tay vào. Ông chẳng biết gì cả, chữ ký cũng không có, sao bảo các bằng chứng đều bất lợi. Còn ông Phú thì sao? Lẽ nào... Ông ta rũ sạch tội tình? Trút hết trách nhiệm cho ba tôi chứ?
Đưa mắt nhìn sang Hoàng Phú. Ông đang ung dung trò chuyện với viên đại úy cảnh sát, Phan Tân lại thở dài:
- Có lẽ thế! Vì so với ông Vinh, ông ta có lợi thế hơn nhiều. Nhất là khi ông ta ở vị trí một người bị hại. Tòa sẽ tin vào lời khai của ông ta. Rằng mình không biết gì, chỉ ký vì bị bắt buộc thôi. Bằng chứng là chính mình đã tố giác việc này.
- Cáo già... đúng là cáo già!... - Đôi mắt long lên, Nhã Chí nghiến răng... - Lẽ nào lại hết cách. Bằng chứng đã vậy... còn nhân chứng thì sao?
Lắc đầu, Phan Tân đập đập xấp hồ sơ vào lòng bàn tay:
- Nhắc đến nhân chứng, càng bất lợi. Trước khi tố giác. Hoàng Phú đã tính kỹ việc này. Bọn chúng toàn một lũ thế thân, răm rắp khai theo kịch bản đã dàn dựng sẵn. Đồng loạt bọn họ đều khai, không biết Hoàng Phú là ai cả, chỉ biết ông chủ lớn Hữu Vinh thôi. Việc này... càng suy tính, càng bế tắc... Cãi thế nào cũng không thắng nổi Hoàng Phú...
- Tình trạng đã tồi tệ thế - Chợt nhìn lên, Nhã Chí nghiêm giọng - Ông hãy nói đi, cha tôi có thể bị kết án bao nhiêu năm chứ?
Ngập ngừng một phút, Phan Tân hạ giọng:
- Với khung hình phạt hiện nay... Ông sẽ phải lãnh án tử hình.
- Án tử hình! - Như sét nổ bên tai, Nhã Chí đứng bật dậy khỏi ghế sữNg sờ. Cùng lúc, ông Phú vui vẻ bước ra khỏi phòng viên cảnh sát. Nụ cười đắc ý nở trên môi.
- Đứng lại - Nhã Chí đuổi theo ông ra đến cửa.
- Có chuyện gì? - Quay lại một cách thản nhiên, ông điềm tỉnh hỏi.
Nhã Chí nắm chặt áo ông, lay mạnh.
- Tại sao? Tại sao ông trút hết tội lỗi lên đầu ba tôi chứ? Bao năm qua... cha tôi đã tốt với ông như thế... đã tin tưởng xem ông như một người bạn tốt.
- Đúng! - Hất mạnh tay Nhã Chí khỏi cổ áo của mình. Ông Phú đanh giọng lại - Bao năm qua, đúng là hắn đã tốt với ta, đã đối xử với ta như một người bạn tốt. Nhưng ta thì không thế. Trong lòng ta, hắn mãi mãi là một kẻ thù. Một kẻ thù không đội trời chung.
- Vì sao chứ? - Bất ngờ trước câu trả lời thẳng thắn của ông, Nhã Chí ngơ ngác.
- Vì sao ư? - Ông Phú cười cay đắng - Vì hắn đã cướp của tao hạnh phúc lớn nhất đời. Hắn đã cướp của tao người con gái mà tao yêu thương... mến phục nhất đời...
- Ông nói láo - Nhã Chí hét to - Ba tôi không thuộc hạng như vậy.
- Tao không có thời gian để đôi co với mày đâu - Sửa lại chiếc áo cho ngay ngắn, ông quay lưng lại - Hãy vào mà nói với hắn đi...
- Vậy ra... Ông đã rắp tâm trả thù. Ông đặt điều, bịa chuyện và vu khống để hại ba tôi - La lớn, Nhã Chí cố tình thu hút sự chú ý của mọi người về phía mình. Hy vọng... qua lời thú nhận của ông Phú... sẽ tìm được một bằng chứng có lợi cho ba...
- Nhóc con - Chợt quay lại, ông nắm cổ áo Nhã Chí lay mạnh - Đừng hòng tìm cách gỡ tội cho hắn. Về lo chuẩn bị hòm rương chôn xác hắn đi... - Hạ giọng, ông rít nhỏ qua hai hàm răng nghiếng chặt - Tao đã có thể tha cho hắn nếu mày đừng tài lanh nhúng tay vào...
Lảo đảo vì bị Ông xô mạnh, Nhã Chí té người xuống ghế mà chóang váng cả người. Chuyện này vì anh mà xảy ra ư? Lẽ nào... tên cáo già ấy đã phát hiện ra kế hoạch của anh. Đúng rồi... lũ đàn em... chúng không nghiệp vụ. Chắc đã để lộ trong qúa trình theo dõi. Nhưng... anh đã có ý định tố cáo hại hắn đâu? Anh chỉ muốn gặp riêng hắn... tìm cách giải quyết mọi chuyện cho ổn thỏa thôi mà.
Hừ! Bây giờ thì anh thắc mắc vì sao hắn đột nhiên đi tự thú dù chuyện vẫn kín bưng, có thể sẽ chẳng bao giờ bị phát hiện ra. Tiên thủ hạ vi cường! Hắn quyết định ra đòn trước để anh không kịp trở tay đây. Quỷ quyệt, thâm độc thật...
Không, hắn không thể hại ba chết oan như vậy. Luật pháp công minh... anh phải bắt hắn nói ra sự thật. Như bừng tỉnh, thoát khỏi cơn mơ, Nhã Chí bật đứng lên khỏi chiếc ghế, vụt chạy đuổi theo Hoàng Phú. Đúng lúc, ông vừa đặt chân lên chiếc Mecedec bóng loáng của mình.
- Đứng lại, ông không được quyền đặt điều, mua nhân chứng hại ba tôi... - Nắm lấy lưng áo ông, Nhã Chí giật mạnh về sau. Một tiếng xoạt vang lên. Chiếc áo bằng vải mỏng, đứt tung nút, rách toang, tuột khỏi người ông, nằm gọn trong tay Nhã Chí...
- Mày... - Giận dữ, ông quay lại, vung tay tát thẳng vào mặt Nhã Chí. Ngạc nhiên thấy anh cứ sững người ra để chịu đòn. Đôi mắt cứ mở tròn nhìn mãi vào bờ vai trần, nung nút thịt của ông.
- Chuyện gì, có chuyện gì...
Nghe tiếng ồn ào, ngỡ có bạo động, hai viên cảnh sát cầm coi điện chạy ào ra. Viên tài xế của Hoàng Phú được dịp lên tiếng vu oan:
- Thưa mấy anh, tên này vừa hành hung ông chủ tôi. Hắn còn đe dọa sẽ giết ông nếu không chịu đổi khẩu cung, giải oan cho cha hắn.
Chứng cứ quá rõ ràng, mảnh vải vẫn còn nguyên trên tay Nhã Chí nên hai anh cảnh sát tin ngay. Tức giận, một anh móc còng khóa chặt tay Nhã Chí rồi nhã nhặn cùng ông Phú:
- Ông có thể yên tâm ra về, kẻ càng quấy này... cứ để chúng tôi giải quyết.
- Xin cám ơn - Gật đầu Hoàng Phú cười vui vẻ với mấy anh cảnh sát, rồi bước lên xe, không quên ném về phía Nhã Chí tia nhìn đắc ý.
- Đi vào - Đẩy mạnh Nhã Chí, anh cảnh sát hét to - Cố ý hành hung người, tội anh không nhỏ đâu.
Mặt kệ anh cảnh sát nói gì, mặc kệ Phan Tân rối rít thanh minh, Nhã Chí vẫn lặng yên theo họ vào phòng tạm giam như cái máy. Tâm hồn lơ lửng anh chẳng còn tâm trí nào để thanh minh hay tranh cãi. Cái bớt đen trên vai ông Phú đã thu mất hồn vía của anh rồi. Lẽ nào... hắn chính là gã đàn ông năm nào anh đã thấy cùng với mẹ... Ôi, cái bớt đen, cái bớt đen sao cứ như những con ác quỷ, quay tròn, loạn cuồng khiến đầu óc anh như điên loạn vậy?
- Nhã Chí, anh được thả nhờ có người bảo lãnh - Mở cửa phòng tạm giam, thả Nhã Chí, anh cảnh sát nói thêm giọng răn đe - Nhớ đừng làm càn để bị bắt vào nữa nhé!
0 trả lời, Nhã Chí hất chiếc áo khoác lên vai lầm lũi bước đi. Số anh có duyên với nhà tù hay sao ấy. Đã hai lần bị tạm giam rồi.
Dù chỉ có ba ngày, dù chỉ là tạm giam nhưng cũng đủ cho anh hiểu được thế nào là cảm giác nặng nề, ngột ngạt chốn lao tù. Chạnh lòng nghĩ đến ba, anh nghĩ thương ông quá. Phải oan ức giam mình giữa bốn bức tường nhà lao.
- Nhã Chí... anh có sao không?
- Chà! Mới có mấy ngày mà anh ốm đi thấy rõ - Đứng chờ anh nãy giờ trước cổng đồn, Như Nguyện và Kỳ Duyên cùng reo to mừng rỡ.
Ân nhân bảo lãnh mình đây sao? Dừng chân, Nhã Chí ngạc nhiên thầm hỏi. Chắc chỉ Như Nguyện có cử chỉ nghĩa hiệp thôi. Còn Kỳ Duyên cô ta hẳn đang mừng khi thấy mình tàn tạ thế này.
- Cám ơn Như Nguyện đã... - Chưa nói hết câu, Nhã Chí đã bị Như Nguyện cắt ngang lời:
- Ôi! Anh đừng cám ơn, không phải em... không phải em đâu.
- Kỳ Duyên ư? - Nhã Chí quay phắt lại bắt gặp Kỳ Duyên, nhưng cô cũng lắc đầu luôn.
- không phải tôi. Mà do cha mẹ Như Nguyện đồng đem uy tín ra bảo lãnh cho anh đó. Bọn này chỉ có nhiệm vụ rước anh thôi. Mà sao vậy? Anh kể đi... tự dưng sao anh lại đánh người để ra nông nổI này?
- Cô chẳng biết gì đâu - Lòng trĩu nặng nỗi lo, Nhã Chí quay mặt đi, gắt gỏng.
- Sao không biết? - Vênh mặt lên Kỳ Duyên cải - Tôi đã đọc báo rồi, anh đừng tưởng tôi ngu ngơ, lạc hậu.
- Đã biết, còn hỏi làm gì? - Nhã Chí bỏ đi một nước.
Như Nguyện khều vai bạn:
- Này... cậu khuyên nhủ Nhã Chí nhé. Tớ tranh thủ gặp Duy Thành một chút đây.
Nói rồi không chờ Kỳ Duyên kịp gật đầu, Như Nguyện vẫy ngay một chiếc taxi vừa trờ tới. Biến đi ngay.
Lại tranh thủ, lúc nào cũng tranh thủ. Lầm bầm mắng bạn mà Kỳ Duyên nghe nhẹ nhõm vô cùng. Sự có mặt của nó làm cô mất tự nhiên. Cô chỉ thích được một mình bên cạnh Chí Nhã thôi. Dường như... cô mê hắn thật rồi.
Hôm qua... nỗi đau tình yêu thầm nhớ trộm vừa tạm nguôi ngoai. Cô liền chạy ra xe bò viên chiên bán phụ. Nghe Như Nguyện bảo Nhã Chí dạo này đã đi làm. Cô hy vọng sẽ được nhìn thấy anh, ngày vài ba lần cho đỡ nhớ.
Nào ngờ... đến nơi... cô đã thấy một đám đàn ông tụ tập trước cửa ngân hàng xôn xao bàn tán. Chạy nhanh qua hỏi, cô mới bất ngờ té ngửa ra. Chân tay run rẩy, không kịp nói cùng ba một tiếng, cô co chân chạy đến nhà Như Nguyện báo tin.
Có chuyện đó thật sao? Ba mẹ Như Nguyện mặt mày tái mét. Mặc vội bộ đồ, họ lật đật đến đồn cảnh sát bảo lãnh Nhã Chí ngay. Còn dặn chị em cô đừng sơ sót lỗi nào e làm Chí Nhã buồn tủi.
Bây giờ thì... nỗi ác cảm mới hoàn toàn biến khỏi lòng Kỳ Duyên, thì ra mẹ cha Như Nguyện bề ngoài tuy lạnh lùng ít nói. Hơi câu nệ, môn đăng hộ đối mà lòng thì nhân hậu lắm. Biết giữ uy tín nữa. không như mẹ con Thúc Loan trong Kiều Nguyệt Nga, vừa hay tin Lục Vân Tiên lâm nạn đã lo tính đường vong phụ.
Sáng nay, theo lời hẹn đến rủ Như Nguyện đi đón Nhã Chí, Kỳ Duyên còn loáng thoáng nghe ông bà bàn tính. Bỏ tiền thuê luật sư hay để bào chữa cho ông Vinh nữa. Mà Nhã Chí đi đâu thế nhỉ? Bỗng giật mình chợt nhớ, Kỳ Duyên ngẩn nhanh đầu dậy, thấy anh bước đi lầm lũi như kẻ vô hồn, cô vội chạy đuổi theo:
- Nhã Chí, anh đi đâu vậy!
- không liên quan đến cô - Vẫn bước, Nhã Chí lạnh lùng.
Vẻ mặt anh trầm xuống tuyệt vọng, Kỳ Duyên dè dặt:
- Anh định bỏ cuộc ư? Anh đành bỏ mặc ba mình bị kết tội oan ư?
- không bỏ cuộc thì sao? - Bị khơi trúng niềm đau, Nhã Chí quay lại hét to - Tôi phải làm gì bây giờ? không nhà, không cửa... không một cắc trong túi... tôi mệt lắm rồi, xin cô đừng làm phiền tôi nữa...
Có phải Nhã Chí vừa nói không? Lui về sau một bước, Kỳ Duyên ngỡ ngàng đưa mắt nhìn anh. Cô không tin vào những gì mình được nghe đâu. Nhã Chí trước mặt cô dường như không phải Nhã Chí ngày xưa nữa? Nhu nhược, yếu mềm. Anh dễ nản lòng, bỏ cuộc đến thế sao? Vẻ ngạo mạn bất cần đời thưỜng khi của anh đâu? Lẽ nào... chỉ mới thế mà tinh thần anh đã suy sụp.
Trừng mắt ra nhìn, Nhã Chí chợt cười buồn - Thấy tôi tàn tạ thế này... cô hài lòng lắm phải không?
Nhìn mặt anh khắc khổ, Kỳ Duyên nghe tim mình se lại. Cảm giác chia sẻ chợt dâng, khiến cô bước lại gần anh. Cô muốn nắm tay anh, muốn ôm anh vào lòng dỗ dành như đứa trẻ. Thì ra... đằng sau lớp vỏ lạnh lùng, khe khắt, anh cũng chỉ là một người đàn ông yếu đuối và nhạy cảm nhất đời. Anh đang đau khổ lắm... Kỳ Duyên biết thế... nhưng chẳng có cách nào chia sẻ.
- Sao cô cứ đứng ngây người ra vậy? Làm gì mà cô nhìn tôi đăm đăm thế? - Thấy cô bậm môi trân trối ngó mình, Nhã Chí quát lên.
Kỳ Duyên vội nói nhanh:
- À không! Tôi đang nghĩ hộ anh thôi. Nhà cửa bị niêm phong cả rồi. Tối nay anh sẽ ngủ ở đâu bây giờ? À... tôi thật là đãng trí... anh quan hệ đông, giao lưu rộng, thiếu gì bạn...
- Cô lại ngạo tôi có phải không? - Nhã Chí lại gầm lên như sư tử.
Kỳ Duyên ngơ ngác:
- Tôi ngạo anh bao giờ? Tôi chỉ nói sự thật thôi.
- Sự thật... thì... - Nhã Chí cười cay đắng - Sự thật là bọn chúng hiện tại sợ gặp tôi còn hơn ác quỷ. Thế mới biết Tú Xương năm xưa làm thơ chẳng sai một chút nào.
- Thơ gì mà hay vậy? - Kỳ Duyên thật tình mà như trêu tức.
Nhã Chí không trả lời bỏ đi một mạch. Kỳ Duyên vội đuổi theo:
- Bọn họ sợ anh, chứ tôi hổng sợ anh đâu. Hay là... sáng giờ anh chưa ăn gì, đói bụng lắm phải không?
Cái bụng chợt kêu to sau lời nhắc nhở làm Nhã Chí thẹn chín cả người. Kỳ Duyên chẳng quan tâm, cô cười lí lắc.
- Đã nói chẳng sai, cái bụng nó tố cáo anh rồi. Hệt tôi, mỗi lúc đói là cái bụng cứ kêu ầm lên như vậy, thật là quê...
Đã biết người ta quê còn nói. Nhã Chí cúi nhìn xuống mũi giày. Hơn lúc nào hết anh nghe thèm một tô hủ tiếu mì hoành thánh của nhà hàng Nhất Dạ Vương.
- Mình đi ăn đi - Nói rồi như chợt nhớ, cô gật đầu - Đừng lo, tôi có tiền, chầu này để tôi trả cho...
Sao cứ huỵt toẹt ra thẳng thừng thế nhỉ? Nhã Chí chau đôi mày lại. Kỳ Duyên quả là gái chẳng ý tứ, không biết gì là tế nhị. Nếu muốn trả tiền, sao không cứ âm thầm... vô lúc anh sơ ý lén trá cho chủ qúan chứ? Song... nói thật nghe... nhờ cô nói vậy... anh cũng thấy đỡ lo... nhưng... bước được một bước thoáng tự ái đàn ông trong anh nổi dậy anh lắc đầu từ chối:
- Tôi không đói.
- Sao không đói được? - Kỳ Duyên ngơ ngác. - Cái bụng của anh đã kêu rồi. À... hay là anh tự ái? Hổng sao đâu, bữa ăn này coi như tôi trả lại anh. Lần trước trong tiệm há cảo, anh đã trả giúp tôi mười hai ngàn đó...
Thế thì nghe được. Thằng tự ái của mình cảm thấy nhẹ nhàng, yên ổn hơn, nó đồng ý cho anh theo Kỳ Duyên bước vào một tiệm hủ tiếu bình dân.
- Cho hai tô đặc biệt đi ông chủ.
Rất quen thuộc địa hình, Kỳ Duyên đưa Nhã Chí vào một chiếc bàn nằm sâu trong góc rồi cất tiếng gọi to. Chẳng chờ anh ga lăng rút đũa cho cô, tự lấy cho mình rồi gõ gõ xuống bàn nghêu ngao hát:
- Học sinh là người hủ tiếu ăn hai ba tô... Ôi!... - Hát rồi mới nhớ ra... Kỳ Duyên cúi thấp đầu xấu hổ. Đôi má đỏ bừng lên như trái bồ xuân... - Xin lỗi... tôi tưởng mình đang đi với Như Nguyện.
- không sao! - Mỉm cười khoát tay... Nhã Chí mới phát hiện ra mình đã hết nhức đầu, nỗi lo cũng tạm vơi đi được phần nào.
- Đây, hủ tiếu của cháu đây - Một ông người Tàu, trạc năm mươi tuổi. Vừa làm chủ, vừa kiêm phục vụ, bưng hai tô hủ tiếu ra. Đã quen cảnh, Kỳ Duyên đi ăn cùng bạn gái, nên chợt nhìn thấy một gã đàn ông cùng đi, ông như ngạc nhiên nhiều. Sững người ra nhìn Nhã Chí một lúc lâu rồi gật đầu, tặt lưỡi xổ luôn một tràng tiếng Tàu. không ngờ Nhã Chí nghe và hiểu hết:
- Được, cái thằng vì ngộ thấy hắn cũng đẹp trai, sáng láng. Ấn đường cao, nhân trung rộng tướng tốt. Giàu sang phú quí lắm đây...
0 thanh minh, Kỳ Duyên mỉm cười hạnh phúc. Dù chỉ là hạnh phúc của sự tưởng tượng thôi, cô cũng thấy lòng ngập mùa xuân tràn đầy bao ước mơ, hy vọng...
Gắp hủ tiếu cho vào miệng ăn ngấu nghiến, Nhã Chí bỗng dừng đũa ngỡ ngàng. Kỳ Duyên hôm nay sao đẹp quá! Ồ! Trên má cô có cả lúm đồng tiền. Sao mãi tận bây giờ anh mới phát hiện ra nhỉ?
À... à... anh hiểu rồi. Lúm đồng tiền ăn cạn lắm. Nó không xuất hiện thường xuyên trên mặt Kỳ Duyên đâu, nó chỉ xuất hiện trong lúc cô ăn thôi. Chà! Chả trách gì khi ăn, trông cô đẹp hẳn hơn lúc bình thường gấp bội.
- Anh sao vậy? - Đang ăn ngẩng lên bất chợt gặp Nhã Chí chống đũa nhìn mình, Kỳ Duyên lo ngại - Dở quá ăn không nổi phải không? Xin lỗi nghe. Tại tôi không có tiền mời anh vào nhà hàng...
- không dở lắm đâu, ngon thì có. Chỉ vì tôi mải nhìn thôi. Kỳ Duyên, em đẹp lắm...
- Anh lại ngạo tôi rồi - Từng được anh khen, Kỳ Duyên không lạ. Cô cười giòn rồi hỏi - Cái bụng tạm giải quyết xong, còn con mắt thì sao? Tối nay... anh về nhà tôi ngủ nhé!
- Hả? - Miếng hủ tiếu mắc nghẹn giữa chừng. Kỳ Duyên vẫn thao thao bất tuyệt.
- Tôi nói thật đó, nhà tôi tuy nghèo, tuy nhỏ, nhưng được cái yên ấm lắm. Hơn là phải lang thang ngoài đường giữa mùa đông rét thế này. Đừng lo, ba tôi dễ lắm, lại có lòng thương người nữa.
Kỳ Duyên thành tâm quá, chắc không dễ chối từ đâu. Đã lỡ ăn tô hủ tiếu của cô rồi thôi thì đành theo cô về nhà vậy. Qua hết đêm nay sáng mai rồi hãy tính. Biết đâu... người đàn ông mà Kỳ Duyên gọi bằng ba đó... có thể giúp được anh...
Cái bụng no đã làm Nhã Chí phấn chấn lên nhiều. không còn cảm giác bi quan, bỏ cuộc nữa. Anh gật đầu nhận lời mời của Kỳ Duyên, quyết lòng không chịu thua. Bằng mọi giá, anh phải cứu được ba...
- Lau miệng đi, rồi về - Xé toạc một miếng giấy vệ sinh nham nhở trong lon, Kỳ Duyên trao cho Nhã Chí, cười rạng rỡ - Đừng u buồn nữa. Ng` tốt như bác Vinh nhất định sẽ không sao.
Cầm mảnh giấy vệ sinh, Nhã Chí thoáng đắn đo rồi lau nhanh vào miệng, lòng thầm cảm ơn câu an ủi của Kỳ Duyên. Ba không sao, nhất định sẽ không sao.
- Anh hút đi - Kỳ Duyên lại chìa ra trước mặt anh một điếu thuốc, quả là... - không phải xì gà, nhưng tôi đã bảo người ta bán cho mình loại tốt nhất.
Trời se lạnh, tâm sự ngập lòng, được phì phèo điếu thuốc quả là... còn gì tuyệt vời hơn. Kỳ Duyên quả là thấu đáo lòng người... Lại một cái cám ơn bằng mắt, Nhã Chí chụp nhanh điếu thuốc với thái độ gần như vồ vập. Rồi thẹn quá, anh chậm rãi bật quẹt lên, rít một hơi dài khoan khoái. Ba số năm... Kỳ Duyên cũng biết lựa lắm chứ?
- Bác Vinh, sao bỗng dưng bị bắt vậy? - Cùng anh bước sóng đôi được một lúc, Kỳ Duyên e dè hỏi. Hai bàn tay xoắn lấy nhau một cách vô ý thức.
Mấy hơi thuốc đã làm tinh thần Nhã Chí thêm minh mẫn. Bằng một giọng trầm buồn, anh chậm rãi kể cho cô nghe.
- Khốn nạn, khốn nạn thật mà. - Nghe xong, tức quá, Kỳ Duyên lớn tiếng hét vang. Rồi chưa hả, cô còn dùng đủ mọi danh từ xấu xa nhất thế gian thóa mạ tên Hoàng Phú vô ân bạc nghĩa. Hành động khiếm nhã của cô làm kinh động khách đi đường nhưng Nhã Chí lại nghe vừa lòng, hả dạ vô cùng...
Nhà của Kỳ Duyên nằm trong căn hẻm này ư? Nhã Chí thoáng giật mình sửng sốt khi nhận ra con đường quen thuộc. Càng ngỡ ngàng hơn khi nhà Kỳ Duyên lại nằm cạnh nhà của Nhã Chi. Có sắp đặt chăng? Thoáng nghi ngờ, nhưng Nhã Chí gạt phăng ngay. Tình cờ, trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Nhà Kỳ Duyên ở đây, trách gì hôm đó, vừa từ nhà Nhã Chi ra, anh đã đụng ngay xe bò viên chiên của cô.
Liệu mình có nên ở lại không? Nhã Chí nghe chân chợt chùn đi. Anh không muốn mẹ con Nhã Chi biết chuyện này rồi tỏ lòng thương hại mình đâu. Lâu qúa rồi... bận quan tâm nhiều chuyện, anh như quên mất, chẳng biết mẹ con họ sống thế nào rồi.
- Ba ơi, hôm nay nhà mình có khách - không nhận thấy vẻ ưu tư trên mặt Nhã Chí, Kỳ Duyên hớn hở gọi to - Mở cửa, mở cửa mau đi...
- Thì cũng từ từ. Con làm gì như chạy giặc. Khách nào... - Cánh cửa từ từ mở, nhận ra khách là một thanh niên tuấn tú, ông Minh mừng quá, đánh rơi cả chùm chìa khóa xuống chân. Cuối cùng, Kỳ Duyên cũng tìm được tình yêu. Đưa nhau về ra mắt thế này... hắn đã thân mật lắm.
Ông đánh rơi chìa khóa, còn Nhã Chí thì phải chụp nhanh cánh cửa mới đứng cho vững được. Đôi mắt long lên, hai răng nghiến lại cho xương quai hàm banh rộng. Mọi vật tối xầm đi trước mắt, không nói không rằng, anh tung ngay một cú đấm như trời giáng vào giữa bộ mặt đang hân hoan cười hạnh phúc, rồi đâm đầu chạy thẳng ra đường. Phía sau, bước chân Kỳ Duyên giận dữ đuổi theo:
- Nhã Chí, sao anh đánh ba tôi. Anh dừng lại, không được chạy.. - Đã nắm được cổ áo của anh rồi, Kỳ Duyên ghì mạnh. Nhã chí quay người lại, hồng hộc thở:
- không chỉ đánh, tôi còn sẽ quay trở lại lấy mạng của hắn. Thì ra hắn trốn ở đây. Báo hại tôi bao nhiêu năm tìm kiếm.
- Đã đánh còn đòi giết! Ba tôi làm gì mà anh thù ghê vậy?
Nhã Chí đẩy mạnh tay một cái, Kỳ DUyên té ngồi luôn xuống đất. Mắt mở to cô kêu lên sợ hãi. Lần đầu tiên, cô thấy Nhã Chí giận dữ thế này.
- Làm gì ư? - Cười khảy một cái, Nhã Chí trúc cả nỗi căm hờn vào câu nói - Hắn chẳng làm gì, chỉ quyến rũ mẹ tôi, làm tan nát gia đình yên ấm của tôi thôi.
- Anh nói ba tôi ư? - Đôi mắt chớp nhanh, Kỳ Duyên ngơ ngác - Ý anh định bảo ba tôi là tên Khải Minh, là người tài xế phản chủ năm nào ư? Ôi... sao tôi không biết gì cả vậy?
Té ra cô cũng biết chuyện này. Đôi mày Nhã Chí chau nhanh lại, đầy vẻ ngạc nhiên. Hắn hay người đàn bà kia đã kể cho cô nghe? Bao năm gần gũi thiết tha, sao không dọn chung nhà mà ở? Trơ trẽn, vô liêm sỉ như các người thì sợ gì dư luận.
- không phải họ mà chính là bác Vinh đã kể tôi nghe - Kỳ Duyên lắc mạnh đầu. - Anh nhầm rồi, ba tôi không thể nào là tên tài xế năm nào. Phản chủ phá gia can của anh đâu. Nhớ kỹ lại đi... biết đâu anh đã nhận lộn người.
- Nhận lộn người... - Nhã Chí phá ra cười sặc sụa - Làm sao tôi có thể nhận lầm khi mười bốn năm rồi gương mặt ấy không một giây thoát khỏi trí não tôi. Dù hắn có biến thành tro, tôi cùng nhận ra... cũng thề sẽ băm hắn ra trăm mảnh cho hả giận.
- Lẽ nào như vậy được.- Ngớ người ra Kỳ Duyên cất lời than, rồi như chợt nhớ, cô ngẩn đầu lên - Anh định đi đâu vậy? Trời tối rồi, hãy trở về nhà tôi ngủ. Ngày mai rồi tính.
- Ở chung một căn nhà với kẻ mình từng thề không đội trời chung ư? - Nhã Chí lại phì cười - Cô ngây thơ quá đấy - Rồi anh chợt đanh giọng lại - Từ nay, tôi cấm cô quan tâm đến chuyện của tôi. Bằng không đừng có trách - Nói xong, Nhã chí quay lưng bước thẳng ra đường. Mất hút giữa lòng đêm. Bỏ mặc Kỳ Duyên khóc một mình. Chuyện như vậy thật sao? Ba là tên tài xế Khải Minh. Phản chủ, đốn mạt, đê hèn...