câu 245 - câu 356

 Vl.- Cung-oán ngâm khúc (câu 245 - câu 284)

          245- Nào lối dạo vườn hoa năm ngoái,

          Đóa hồng đào hái buổi còn xanh
          Trên gác phượng, dưới lầu oanh,
          Gối Du-tiên hãy rành rành, song song.
          249- Bây giờ đã ra lòng rẻ-rúng
          Để thân này cỏ úng tơ mành,
          Đông-quân sao khéo bất tình,
          Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân.
          253- Nào lúc tựa lầu Tần hôm nọ,
          Cành liễu mành bẻ thủa đương tơ
          Khi trướng ngọc, lúc rèm ngà,
          Mảnh xuân-y hãy sờ sờ dấu phong.
          257- Bây giờ đã ra lòng ruồng-rẫy,
          Để thân này nước chảy hoa trôi!
          Hóa công sao khéo trêu người?
          Bóng đèn tà nguyệt nhử mùi ký-sinh.
          261- Cảnh hoa lạc nguyệt minh dường ấy,
          Lửa hoàng-hôn như cháy tấm son
          Hoàng-hôn thôi lại hôn-hoàng,
          Nguyệt-hoa thôi lại thêm buồn nguyệt-hoa!
          265- Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng?
          Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn?
          Tình buồn cảnh lại vô duyên,
          Tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này.
          269- Khi trận gió lung-lay cành bích,
          Nghe rì-rào tiếng mách ngoài xa,
          Mơ-hồ nghĩ tiếng xe ra,
          Đốt phong hương-hả mà hơ áo tàn.
          273- Ai ngờ tiếng dế ran ri-rỉ,
          Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng
          Vắng tanh nào thấy vân-mồng
          Hơi thê-lương lạnh ngắt song phi-huỳnh
          277- Khi bóng thỏ chênh-vênh trước nóc,
          Nghe vang lừng tiếng giục bên tai
          Dè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi,
          Nghiêng bình phấn mốc, mà giồi má nheo.
          281- Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả
          Điệu thương xuân khóc ả sương-khuê
          Lạnh-lùng nào thấy ủ-ê,
          Khí bi-thương sực nức, hè lạc hoa.
Vll-- Cung-oán ngâm khúc (câu 285 - câu323)
          285- Tiếng thúy-điện cười già ra gắt
          Mùi quyền-môn thắm rất nên phai!
          Nghĩ nên tiếng cửa quyền ôi
          Thì thong-thả vậy, cũng thôi một đời!
          289- Ví sớm biết lòng trời đeo-đẳng,
          Dẫu thuê tiền cũng chẳng buồn tênh!
          Nghĩ mình lại ngán cho mình,
          Cái hoa đã trót gieo cành biết sao?
          293- Miếng cao-lương phong-lưu nhưng lợm
          Mùi hoắc-lê thanh-đạm mà ngon.
          Cùng nhau một giấc hoành-môn
          Lau-nhau ríu-rít cò con cũng tình.
          297- Mình có biết phận mình ra thế,
          Giải-kiết điều oé-ọe làm chi
          Thà rằng cục kịch nhà quê,
          Dẫu lòng nũng-nịu nguyệt kia hoa này!
          301- Chiều tịch-mịch đã gầy bóng thỏ
          Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn
          Muốn đem ca-tiếu giải phiền,
          Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu.
          305- Ngọn tâm-hỏa đốt rầu nét liễu
          Giọt hồng-băng thấm ráo làn son
          Dơ buồn đến thú cỏn con,
          Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi.
          309- Trong gang tấc mặt trời xa mấy!
          Phận hẩm-hiu nhường ấy vì đâu?
          Sinh-ly đòi rất thời Ngâu
          Một năm còn thấy mặt nhau một lần.
          313- Huống chi cũng lạm phần son phấn,
          Luống năm-năm chực phận buồng không!
          Khéo vô duyên với cửu-trùng!
          Thắm nào nhuộm lại tơ-hồng cho tươi?
          317- Vườn Thượng-uyển hoa cười với nắng,
          Lối đi về ai chẳng chiều ong?
          Doành Nhâm một giải nông-nông,
          Bóng dương bên ấy, đứng trông bên này.
          321- Tình rầu-rĩ khôn khuây nhĩ-mục
          Chốn phòng không như giục mây-mưa
          Giấc chiêm-bao những đêm xưa,
          Giọt mưa cửu-hạn còn mơ đến rày.
          325- Trên chín bệ có hay chăng nhẽ?
          Khách quần-thoa mà để lạnh-lùng!
          Thù nhau chi, hỡi đông-phong?
          Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào.
Vlll--Cung-oán ngâm khúc (câu 329 - câu 356)
          329- Tay Tạo-hóa cớ sao mà độc,
          Buộc người vào Kim-ốc mà chơi.
          Chống tay ngồi ngẫm sự đời,
          Muốn kêu một tiếng cho dài, kẻo căm!
          333- Nơi lạnh-lẽo, nơi xem gần-gặn,
          Há phai son nhạt phấn ru mà!
          Trêu ngươi chi bấy trăng già?
          Sao cho chỉ thắm mà ra tơ mành?
          337- Lòng ngán-ngẩm buồn-tênh mọi nỗi,
          Khúc sầu-tràng bối rối dường tơ,
          Ngọn đèn phòng động đêm xưa
          Chòm hoa tịnh-đế trơ-trơ chưa tàn
          341- Mà lượng thánh đa-đoan kíp mấy,
          Bỗng ra lòng rún-rẩy vì đâu?
          -già tỏ nỗi xưa sau,
          Chẳng đem nỗi ấy mà tâu ngự cùng?
          345- Đem phong-vũ lạnh-lùng có một,
          Giọt ba-tiêu thánh-thót cầm canh,
          Bên tường thấp-thoáng bóng huỳnh,
          Vách sương nghi- ngút, đèn xanh lờ-mờ.
          349- Mắt chưa nhắp, đồng-hồ đã cạn,
          Cảnh tiêu điều ngao-ngán dường bao!
          Buồn này mới gọi buồn sao?
          Một đêm nhớ cảnh biết bao nhiêu tình!
          353- Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi,
          Những hương sầu phấn tủi sao xong!
          Phòng khi động đến cửu-trùng
          Giữ sao cho được má hồng như xưa.

= HẾT=

Chú thích:

    Du-tiên: là nơi cõi tiên. Gối du-tiên bởi chữ Du-tiên-chẩm. Sách Khai-thiên di-sự chép việc trong niên-hiệu Khai-thiên đời Đường rằng:" Nước Qui-tư có dâng vua một cái gối, sắc như ngọc Mã não, khi gối ngủ thì chiêm-bao chơi khắp các miền tiên, cõi tiên ". Vua Minh-hoàng đặt tên là Du-tiên-chẩm.
    Đông-quân
    : nghĩa bóng là vua.
    hoài xuân
    : là nhớ xuân.
    lầu Tần
    : là nơi phong lưu dư- dả.
    xuân-y
    : là áo đẹp, hoặc áo chầu triều của các quan và các phi, tần trong cung-cấm.
    Thơ Đỗ Phủ: Triều hồi nhật nhật điểm xuân-y: mỗi ngày đi chầu về đem áo chầu đi thế ( để mua rượu)
    nước chảy hoa trôi
    : bởi câu Đường thi: "thủy lưu hoa tạ lưỡng vô tình": nước trôi hoa rụng thảy vô tình.
    hoa lạc nguyệt minh
    : Hoa rụng trăng mờ tối.
    hoàng-hôn
    : buổi gần tối- chạng vạng. Sách Hoài-nam-tử nói: Mặt trời lặn đến nơi Ngu-uyên là hoàng hôn, đến nơi Mông cốc là định-hôn.
    cành bích
    : Cành cây ngô-đồng. Chim phụng-hoàng thường đậu, ví vua. Thơ Đỗ Phủ: Bích ngô thê lão phụng-hoàng chi: Cành Ngô-bích là cành chim phụng đậu đã già rồi.
    bi thu
    : là sự thương phong vật mùa thu có vẻ tiêu-điều ở non sông cây cỏ, kẽ văn sĩ thi-ông thường cảm khái yêu mến. Thơ Đỗ Phủ: Vạn lý bi thu thường tách khách: Thương mùa thu thường làm khách xa muôm dặm.
    cô phòng
    : phòng lẻ loi một mình.
    vân-mồng
    : là tin tức ngóng trông, tăm-hơi tin-tức.
    thê-lương
    : lạnh-lẽo.
    phi-huỳnh
    : con đom-đóm bay.
    bóng thỏ
    : bởi chữ thố-ảnh. Theo lời tục truyền: trong mặt trăng có con thỏ, con cóc. Vậy bóng thỏ là bóng trăng. Thiềm-ảnh bóng con cóc- Ngân thiềm, đều một nghĩa.
    tiểu đòi
    : tiểu hầu, là đứa tớ gái nhỏ.
    quyên
    : là chim đỗ quyên. Đỗ-quyên hay là Đỗ vũ là con chim giống chim ò-ho, tu-hú, thường kêu suốt đêm ngày. Sách Hoa-Dương quốc-chí chép: Vua Đỗ Vũ nước Thục mất nước chết hóa chim Đỗ-quyên.
    Thơ bà huyện Thanh-quan qua đèo Ngang " nhớ nước đau lòng con quốc-quốc.
    thương xuân
    : một khúc hát tự than-van đời người chậm-trễ sự hanh-thông. Chuyện Phạm Thận ở Nam-sử chép: Ông ấy mới 29 tuổi mà tóc bạc phơ, chẳng gặp thời vận, bèn đặt khúc "Thương xuân" tự than mình.
    sương-khuê
    : là nơi phòng đàn-bà góa chồng ở.
    thúy-điện
    : là nơi đền cung-phi ở thường màu túy (xanh pha lục) như túy-lâu, lầu túy. Tuý-dịch nơi viện tuý.- Tuý-hoa cái kiệu vua đi v.v...Túy-dịch nơi viện túy- túy-hoa cái kiệu vua đi v. v..
    quyền-môn
    : nơi cửa quyền, tức nơi nhà vua quan có oai-quyền thì gọi là cửa quyền.
    cửa quyền ôi
    : nơi cửa quyền nguội lạnh hẩm hiu, không có vẻ náo nhiệt.
    gieo cành
    : là rơi-rụng ra khỏi cành, hoa gieo cành là hoa rụng. Hoa rụng có chữ Phiên-hủ hoa, hoa rơi vào rảnh bùn nhơ. Nam-Sử chép chuyện Phạm Thận nói với Cảnh-lăng-vương rằng: "Người sinh ở đời như cái hoa, khi sinh ra, cùng sinh rồi cùng nở, khi rụng thì có cái hoa may-mắn bay vào nơi chiếu-nệm, lầu-đài, tức như vương ( Cảnh-lăng-vương), có hoa rủi rơi bay vào rãnh bùn-nhơ như tôi đây vậy. Ý nói người có may rủi khác nhau. Đây dùng hoa gieo cành bởi nghĩa chữ Phiên-hủ ấy.
    cao-lương
    : là vị ăn ngon lành. Cao là mỡ, lương là gạo thứ ngon. Phong-lưu là sang trọng đủ sung-sướng.
    hoắc-lê
    : là thứ rau dền, rau nhiếp, ăn ngon, có thể đỡ đói, vị ăn của nhà nghèo.
    hoành-môn
    : gác ngang cây gỗ, cây tre làm cửa ngõ tầm thường bằng lẽ gỗ, đoạn tre cũng khá ở yên. Ý nói người ở ẩn.
    cò con
    : bởi chữ âu-lộ, là loài chim cò, chim le-le ở. Sách Liệt-Tử có chữ Âu-lộ vong cơ: chim âu chim lộ quên cả then máy. Ý nói loài chim ấy tự do không quan-hệ với việc đời, và có chữ âu-manh làm bạn trao lời hẹn-ước với chim âu. Đây dùng Cò con bởi nghĩa ấy. Ngoài Bắc cũng nói cò con là những sự đoàn-tụ nhỏ của người mà có vẻ vui-vầy. Như chơi cò con là chơi một nhóm người ít mà vui.
    oé-ọe
    : là những giọng hát bội dở, nghe buồn ( giải-kiết điều oé-ọe làm chi) nghĩa là không cởi ra mang vào những lốt vai tuồng vô ích dở-dang trên sân-khấu. Ý nói làm cung-phi không xứng lòng thêm vô ích.
    bóng thỏ
    : bóng trăng.
    tiêu tao
    : là xơ-xác đau-thương (võ) kết bạn với một vẻ lẻ-loi chếch-mác.
    tâm-hỏa
    : là lửa lòng, nỗi uất hận như ngọn lửa đốt lòng.
    nét liễu
    : là nét đôi mày vẽ như hình lá liễu-yếu.
    hồng-băng thấm ráo
    : Hồng băng gía đỏ, là nước mắt đỏ. Điển cung-phi là Tiết linh Vân đời vua Ngụy văn Đế có dung mạo tuyệt vời, ông Thái-thú quận Thường-sơn là Cốc Tập mua hằng nghìn lạng vàng dâng vua Ngụy văn Đế. Khi nàng từ-biệt cha mẹ, khóc như mưa, lấy bình ngọc hứng, sau hóa ra khối băng đỏ (hồng băng).
    làn son
    : là cái vẻ má hồng.
    Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi
    : Trà là trà uống, chuyên nước nhất là pha lần đầu đã thôi uống. Ý nói không có ai cùng uống nên mau chán. Lô Đồng đời Đường có bài Trà-ca...
    Nhất trản hầu vẩn nhuận,
    nhị trả phá cô-muộn.
    Tam trản... Uống một chén thì cổ và họng thấm và nhuần, uống hai chén thì sự buồn quạnh-quẽ phá tan. Chén thứ ba...
    Đây vì không phá nỗi buồn cô-quạnh được nên chén thứ hai không uống ( Chè chuyên nước nhất ).
    Hương dồn khói đôi. Hương, ngày xưa dùng các thứ hương như: Trầm hương- Bài-hương - Tốc-hương - Kê cốt trầm hương - Bạch-đàn nhủ hương v.v... gọi là bách hoa hương tán nhỏ hoà với nước mía cất trong vịm sành, múc từng muỗng bạc nhỏ đốt trên cái giá đồng trong lò, trên viên than hầm, lò bằng đồng, nắp lò chạm hình con nghê, gọi là Kim nghê hoặc trong lò bằng đồng đen, chạm hình con vịt nằm khảm cái kim khí đẹp, gọi là Bửu-áp. Các nhà sang quí thường đốt trong ngày lạnh ở trong phòng ngủ, phòng khách, Hương đem đốt dồn mãi để mong rước vua, ngỡ vua đến cứ đốt dồn nhiều lần; nhưng vua vẫn không đến (hương dồn khói đôi).
    gang tấc
    : nghĩa gần vua.
    Ngâu
    : tức Khiên Ngưu. Sao Ngưu sao Nữ, Chức Nữ mỗi năm chỉ gặp nhau một lần.
    Vườn Thượng-uyển
    : là vườn hoa của vua. Thượng-lâm cũng đồng nghĩa.
    Doành Nhâm
    : Doành bởi chữ doanh là một vùng nước. Nhâm là tên thần nước. Thơ Hàn Dũ có câu:
    Nữ Đinh phu Nhâm truyền thế hôn:
    nghĩa là Nữ Đinh là vợ Nhâm đời tương-truyền là vợ chồng.
    Lời chú-thích của Đông-Sơn Tiểu Liên rằng, con trai vua Huyền-minh là Nhâm phu An, con gái họ chúc Dung là Đinh Dương đều là thần ở dưới nước. Huyền-minh chi tử viết Nhâm phu An, Chúc Dung chi nữ viết Đinh Dương.
    Thơ Tô Thức ( Đông Pha ): Nhâm công phi không Định Nữ tàng: Nhâm-công bay trên không Đinh Nữ dấu mình. Thơ ấy vịnh cái suối bay ( cái thác). Chú nghỉa: Nhâm-công là tên thần ở dưới nước cạn và im (chữ Nhâm hoặc có lầm chữ giâm là im)
    mây-mưa
    : là gối chăn chung chạ.
    cửu-hạn
    : là nắng hạn lâu ngày Giọt mưa cửu hạn là trời mưa khi đã nắng hạn lâu rồi mới được. Ý nói sự yêu đương của vua đã ban cho từ lâu rồi nay còn nhớ, còn mong.
    chín bệ
    : là nơi vua ở, ngồi nơi chín tầng bệ cao, bệ là cái thềm.
    Các quan gọi là Bệ-hạ dưới bệ - ý tôn-kính nói nơi dưới bệ, không dám nói tận nơi vua. Người nhỏ gọi người lớn thì gọi là Các hạ, túc hạ: dưới gác lầu, dưới chân, ý tôn kính cao xa.
    quần-thoa
    : quần là cái quần, là một tấm hàng hoặc gấm quàng dưới hạ thể con gái đàn bà như cái váy. Có sáu tấm kết lại thành cái quần, không phải quần như của ta. Thoa là cái trâm giắt tóc có hai ngành bằng vàng. Phục sức củ phụ-nữ.
    đông-phong
    : chỉ mùa xuân, có gọi Đông phu cũng như Đông-quân.
    hoa đào
    : Ví người con gái có nhan sắc như hoa đào. Thơ Thôi Hộ đời Đường nhân ngày lễ Thanh minh đi thăm mộ, ghé vào xin chén nước trà của người gái đương đứng dưới cửa ngõ bên cây đào. Người gái mời chén trà và có ý nhìn Thôi Hộ bằng một vẻ hữu tình. Năm sau đi lễ Thanh minh lại ghé thì không thấy người ấy. Hộ bèn đề một bài thơ:
    Khứ niên kim nhật thử môn trung
    Nghân diện đào hoa tương ánh hồng
    Nhân diện chỉ kim hà xứ khứ
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
    Dịch:
    Cửa này năm ngoái thấy bên trong,
    Vẻ thắm đào tươi yến má hồng
    Nay chẳng thấy người đâu đó tá?
    Hoa đào còn cợt gió đông.
    Qua năm thứ ba, Hộ đi Thanh minh lại ghé lần nữa nghe, cửa đóng trong nhà có tiếng khóc. Hỏi thăm mới được biết rằng người con gái ấy đã vì bài thơ của Hộ đề, mà đau tương-tư, nay mới chết và chưa liệm. Hộ xin vào thăm, đến bên tử-thi gọi to lên rằng: "Có Thôi Hộ đến đây". Người chết tỉnh dậy. Chuyện chép ở Lệ-tình tập.
    Tạo-hóa
    : là ông trời
    Kim-ốc
    : nhà vàng: là một nhan-sắc tuyệt vời, bởi điển Hán Võ-đế khi còn làm thaí-tử, đang nhỏ, bà trưởng công-chúa muốn gả con là A Kiều cho đế, bèn chỉ A Kiều mà hỏi đế rằng có muốn A Kiều làm vợ chăng? Và hỏi Kiều có đẹp chăng? Đế đáp rằng nếu được A Kiều sẽ đúc cái nhà bằng vàng cho ở.
    Nay dùng điển nhà vàng ví sắc đẹp tuyệt thế. Hoặc nhữ bà Phi Hậu có sắc đẹp.
    trăng già
    : bởi chữ nguyệt lão
    tơ mành
    : là sợi dây rất nhỏ, dễ đứt không bềnv.v...
    phòng động
    : tức động phòng, nơi buồng kín dùng bày lễ hợp-cẩn khi vợ chồng mới cưới về.
    Chòm hoa tịnh-đế
    : tịnh là đôi, đế là cái đế hoa, hai hoa cùng nở trên một đế, như sen một cọng nở hai hoa, hoa cúc, hoa lài một cọng nở hoa sinh đôi là điềm lành của sự vợ chồng đôi lứa.
    Hai ngọn đèn thắp cúng khi đầu lễ thành hôn, gọi là hoa-chúc (đuốc hoa) ví như đôi hoa tinh-đế ( chòm hoa tịnh-đế, một chòm nở hai hoa).
    Thơ nàng Tiểu Thanh đời Thanh có câu:
    Nguyện tương nhất trích dương chi thủy,
    hóa tác nhân-gian tịnh đế liên:
    Nguyền xin Phật Quan-âm cho một giọt nước nhiệm màu ở cành dương liễu để hóa thân nàng thành đôi hoa sen Tịnh-Đế ở chốn nhân gian.
    Tiểu-thanh là một tài nữ bị làm vợ lẽ, bị vợ cả ghen giam chết khi 18 tuổi. Câu thơ này là khi nàng lễ Phật Quan-âm xin hóa kiếp làm sen tịnh-đế, ý nói làm một vợ một chồng.
    : là những hoạn-quan thái-giám chầu-hầu vua. Đời xưa những đàn-ông lại-cái chọn vào chầu hầu nơi cung-cấm gọi là hoạn quan, là Phụ, Tự và Thái-giám. Nước ta gọi là Bõ là ông Giám.
    ngự
    : là sự thống-trị thiên-hạ của nhà vua như Ngự-quốc, những hành-động của vua đều gọi là Ngự..Các quan gọi vua là ngài ngự.
    đồng-hồ
    : là một khí-dụng ngày xưa dùng để đo thì gìờ tuy kiểu làm khác nhau, nhưng chẳng ngoại một cái bầu đựng nước dưới đáy xoi lỗ nhỏ cho nước chảy, trong bầu để đo thì giờ theo giọt nước chảy cạn lần đến mỗi dấu gạch làm một giờ- bên bầu có cái giá cắm thẻ, để hết một giờ ghi một thẻ. Cũng gọi là Lậu-hồ. Đồng-long hoặc Dạ-lậu.
    Bóng câu
    : là bóng con ngựa con, hoặc ngựa nhỏ mà mạnh- nghĩa bóng là bóng nắng. Bởi điển vua Tống Thái-tổ nói: nhân sinh nhất như bạch câu quá khích: Người sinh trong một đời như bóng ngựa trắng qua cửa sổ.
    cửu-trùng
    : là vua, là chín tầng
    má hồng như xưa
    : nghĩa bóng là những bà Phi, Hậu đời trước có đức hạnh tốt giúp vua trị nước như bà Thái Tỷ, Ấp Khương ngày xưa đời nhà Chu đã giúp vua trị nước có tiếng giỏi.

Xem Tiếp: ----