Trang 8

Dẫn rằng: Ta dốc can thầy,
Nghe thầy phân giải lời này rất hay.
Thầy rằng: Trời đất xưa nay,
Khí vần vốn có đổi xay chính, tà.
2705- Xen hình hơi chính trôi ra,
Dưới là ngũ nhạc, trên là tam quang,
Nhờ hơi quang nhạc sáng đường,
Ở đời ngũ đế tam vương trị vì,
Ấy rằng khí vận thịnh thì,
2710- Ba giềng năm dạy trọn nghì nhân luân.
Đến khi vận ách thời truân,
Ghe keo chằm Sở tạm lần châu đông.
Nối ra năm bá, bảy hùng,
Đua tranh công lợi, lấp dòng nghĩa nhân.
2715- Ấy rằng quang nhạc khí phân,
Thánh hiền dấu tối, di luân rối nùi.
Khiến nên mọi rợ dể duôi,
Tôi loàn, con giặc, phanh phui sự đời.
Hơi tà ngăn bủa khắp nơi,
2720- May còn hơi chính ở đời bao nhiêu,
Cho hay hơi chính chẳng nhiều,
Thời cùng mới thấy tiết nêu phẩm đề.
Kìa như cái giản nước Tề,
Ba phen quan sử nối đề "thí vua".
2725- Cám vua nước Tấn vô cô,
Chính làm ngòi viết Đồng hồ biên ra.
Làm cây chùy Bác Lãng Sa,
Trương Lương vì chúa đánh xa Tần hoàng.
Làm cây cờ tiết Tô lang,
2730- Đất Nô đày đọa trải đàng gian nan.
Chính làm đầu lão Nghiêm Nhan,
Thua thời chịu chém, chẳng hàng Trương Phi.
Chính làm máu nhuộm đế y,
Như ngươi Kê Thiệu cứu nguy chúa mình.
2735- Chính làm cái lưỡi Cảo Khanh,
Thường Sơn chửi giặc, chịu hình cũng ưng,
Chính làm lỗ miệng Trương Tuần,
Tuy Dương mắng giặc tưng bừng đều kinh,
Gặp cơn Tam quốc chia giành,
2740- Chính làm cái mão Quản Ninh sạch mình,
Gặp khi Bắc Ngụy tiếm danh,
Chính làm lời biểu Khổng Minh xuất Kỳ.
Hoặc làm chèo Tổ Địch đi,
Qua sông thề dẹp Yết Đê mọi loàn.
2745- Hoặc làm cái hốt họ Đoàn,
Đánh đầu kẻ hoạn mưu gian soán Đường,
Ấy đều hơi chính vấn vương,
Người làm oanh liệt một trường dấu ghi.
Đời suy người triết phù trì,
2750- Nên câu "thiên trụ địa duy" vững vàng.
Đến nay người triết xa đàng,
Dưới trời hơi chính cũng tan lần mòn.
Thử xem trong cuộc nước non,
Bốn chia, năm xé, thon von dường nào.
2755- Nhảy vòng phú quý lao xao,
Sớm tôi, tối chúa, ra vào gườm nhau.
Muôn dân ép ráo mỡ dầu,
Ngày trau khí giới, tháng xâu điện đài.
Thêm bầy gian nịnh chen vai,
2760- Gây nên mọi rợ từ ngoài lấn trong,
Đánh nhau thây bỏ đầy đồng,
Máu trôi đọng vũng, non sông nhơ hình,
Xừng xừng giành đất, giành thành,
Ngựa xe rần rộ, bụi binh tối trời,
2765- Mây sầu gió thảm đòi nơi,
Sấm đông, tuyết hạ, khác đời trung nguyên,
Ấy rằng quang nhạc khí hôn,
Năm giềng ba mối rối dồn như tơ.
Dù sinh Y Phó đời giờ,
2770- E khi cày ruộng cuốc bờ mà thôi.
Huống ta là kẻ không ngôi,
Tài chi lạy cúi làm tôi nước loàn?
Đã cam chút phận dở dang,
"Trí quân" hai chữ mơ màng năm canh.
2775- Đã cam lỗi với thương sinh,
"Trạch dân"hai chữ luống doanh ở lòng.
Lại cam thẹn với non sông,
"Cứu thời" hai chữ luống trông thuở nào.
Nói ra thời nước mắt trào,
2780- Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi.
Thời trời đã vậy, thôi thôi nào cầu.
Thà cho trước mắt mù mù,
Chẳng thà ngồi ngó kẻ thù quân thân.
2785- Thà cho trước mắt vô nhân,
Chẳng thà ngồi ngó sinh dân nghiêng nghèo,
Thà cho trước mắt vắng hiu,
Chẳng thà thấy cảnh trời chiều phân xâm.
Thà cho trước mắt tối ngầm,
2790- Chẳng thà thấy đất lục trầm can qua.
Dù đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha chẳng thờ,
Dù đui mà khỏi danh nhơ,
Còn hơn có mắt ăn nhơ tanh rình.
2795- Dù đui mà đặng trọn mình,
Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu.
Sáng chi theo thói chiên cầu,
Dọc ngang chẳng đoái trên đầu có ai.
Sáng chi đắm sắc, tham tài,
2800- Lung lòng nhân dục, chuốc tai họa trời
Sáng chi dua nịnh theo đời,
Nay vinh, mai nhục, mang lời thị phi.
Sáng chi nhân nghĩa bỏ đi,
Thảo ngay chẳng biết, lỗi nghì thiên luân,
2805- Thấy rồi muôn việc trong trần,
Xin còn hai chữ "tâm thần" ở ta.
Nguyện cùng tạo hóa lại qua,
Làm xe, làm đạn, phận già thảnh thơi.
Kêu trâu, kêu ngựa mặc người,
2810- Cánh trùng, gan chuột, theo trời phú cho.
Nói rồi Đạo Dẫn dặn dò,
Anh em ai nấy chớ cho lậu tình,
Nhân Sư dù đặng an mình,
Bọn ta lui tới sử kinh nhờ thầy.
2815- Ngư rằng: Xin hỏi bạn thầy,
Thanh Phong, Minh Nguyệt, lối này ở đâu?
Hai ông là bạn đồng du,
Cớ sao nỡ để mắt mù Nhân Sư?
Dẫn rằng: Việc ấy hữu từ,
2820- Hai ông bạn cũng vô như chi hà!
Hai ông thường nói cùng ta,
Khen rằng thầy ấy thật là triết nhân.
Như thầy chẳng những bảo thân,
Lại hay bảo đạo mười phân vững vàng.
2825- Thánh xưa lời dạy rõ ràng,
"Nước an làm trí, nước loàn làm ngu",
Từ xưa có kẻ cạo đầu,
Giả câm, giả dại, lánh xâu nước loàn,
Vả nay trời bước gian nan,
2830- Thà không mắt thấy, khỏi mang dạ sầu,
Hoa Di mão dép lộn nhầu,
Mấy ai giữ phép Xuân Thu đặng rồi,
Chớ khinh mang tật đui ngồi,
Trời còn hơi chính gởi đôi mắt thầy,
2835- Sau trời thúc quý tan mây,
Sông trong, biển lặng, mắt thầy sáng ra.
Khuyên ngươi lòng chớ sai ngoa,
Coi lời thơ tặng thầy ta hẳn hòi.
      XCIII.- Minh nguyệt thanh phong
      (hợp tặng nhân sư thi)
      Đang thuở tinh chiên giậm bấy đường,
      Trăm nhà, mấy trọn dấu thư hương?
      Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,
      Lòng đạo xin tròn một tấm gương.
      Tần đế còn nhường danh họ Lỗ,
      Hán vương đâu biết bệnh thầy Trương.
      Thôi thôi đả vậy thôi thà vậy,
      Một túi kiền khôn mặc mở mang.
Thấy hai ông ấy tặng thơ,
2840- Lòng ta thêm kính Nhân Sư muôn phần.
Nhớ xưa đức Khổng thánh nhân,
Kính ông Sư Miện vân vân chiếu, thềm.
Ấy là đạo vị khá xem
Học theo ý thánh, để chiêm nghiệm lòng.
2845- Chu công làm sách Bân phong,
Trao người tối mắt dạy lòng Thành vương.
Làm thầy chẳng những một vương,
Trăm vua đều dụng vào đường Nhạc sư.
Xưa cho làm chức Nhạc sư,
2850- Gọi người tối mắt, ít hư tấm lòng.
Thi rằng "mông tẩu tấu công",
Khen hay nghe nhạc, thực ròng thẩm âm.
Cho hay hai chữ "đạo tâm",
Người đui lặng giữ, ít lầm lỗi chi.
2855- Thánh hiền xưa cũng kiêng vì,
Nay bầy ngu xuẩn thấy khi, chê cười.
Tiều rằng: Còn ức việc đời,
Nghe hai ông biết số trời trước sau.
Trăm năm muốn rõ việc sau,
2860- Xin đi tới chỗ lạy cầu dạy ta.
Một là thăm bệnh thầy ta,
Một là hỏi chuyện nước nhà căn duyên.
Chẳng hay người ở U Yên,
Thuở nào đặng thấy Trung Nguyên chúa mình.
2865- Dẫn rằng: Chuyện ấy minh minh,
Ta từng trước hỏi sự tình U Yên.
Hai ông thật đấng thần tiên,
Máy trời chẳng lậu xuống miền nhân gian.
Hai ông chẳng khứng nói bàn,
2870- Cho bài thơ sấm chỉ đàng kín sâu.
Dạy ta để nghiệm ngày sau,
U Yên chuyện ở tám câu năm vần.
      XCIV.- U Yên sấm thi
      Năm quý đua cờ pháo ngựa qua,
      Hai vua một gánh gửi vai bà.
      Trời nam có thẻ cây sơn cắm,
      Đất bắc còn vàng cốt đính pha.
      Con thú một sừng binh mới gặp,
      Cái người một mắt đá chưa ra.
      Bao giờ nhật nguyệt vầy gương sáng,
      Bốn biển âu ca hợp một nhà.
Ý trong thơ sấm sâu xa,
Ta từng phân giải chẳng ra lẽ gì.
2875- Xưa nay lẽ có thịnh suy,
Gặp sao chịu vậy, hỏi chi sự đời.
Ta nghe quân tử vui trời,
Chỗ lo chẳng vượt khỏi nơi ngôi mình.
Dù còn lòng chính làm lành,
2880- Lựa là phải hỏi tiền trình mà chi?
Hai người muốn học Nhân Sư,
Đợi thầy trở lại Đan Kỳ sẽ hay.
Nợ con, nợ vợ còn vay,
Thần tiên người ấy, e nay khó tìm.
Ngư rằng:Chí dốc đi tìm,
Nho thầy dạy vẽ trọn niềm y tông.
Hay đâu việc học rồng rồng,
Còn ngoài cung bích luống trông ngỡ ngàng,
Trót đà nhờ bạn chỉ đàng,
2890- Đi chưa tột chỗ e mang tiếng cười.
Phép y trước đã trao lời,
Chưa hay tay thước đón nơi thiên nào?
Dẫn rằng: Thầy đã có trao,
Phép dùng thuốc ấy dón vào hai thiên.
2895- Một bài Tiêu bản luận biên,
Một bài Tạp trị phú truyền cho ta.
Để lòng bữa bữa ngâm nga,
Thuộc hai bài ấy; đủ ra làm thầy.
      XCV.- Tiêu bản luận
      (Bàn về lẽ gốc ngọn)
      Dịch nghĩa:
      Phàm kẻ trị bệnh, nên biết gốc ngọn, Đem thân người mà bàn, thì ngoài là ngọn, trong là gốc; dương là ngọn, âm là gốc; sáu phủ thuộc dương là ngọn, năm tạng thuộc âm là gốc. Các kinh lạc của tạng phủ thì ở ngoài là ngọn, ở trong là gốc. Cho nên lại như trong thân thể thì khí là ngọn, huyết là gốc. Đem bệnh người mà bàn, thì các bệnh mắc trước là gốc, biến chứng về sau là ngọn. Phàm việc trị bệnh át phải trước trị gốc, sau trị ngọn. Nếu trước trị ngọn, sau trị gốc thì tà khí thêm tăng mà bệnh càng chất chứa, còn nếu trước trị gốc, sau trị ngọn thì dẫu bệnh có hàng chục chứng cũng lui. Như trước mắc bệnh nhẹ, sau thành bệnh nặng thì cũng trị bệnh nhẹ trước, trị bệnh nặng sau, như vậy thì tà khí sẽ lui. Đại khái trị gốc trước vì như vậy.
      Như có chứng đầy bên trong, thì không cần hỏi gốc ngọn, hãy chữa chứng đầy bên trong trước, vì nó là chứng gấp. Nhưng nếu sau chứng đầy bên trong còn có chứng đại tiểu tiện bất lợi, thì cũng không cần hỏi gốc ngọn, hãy chữa chứng đại tiểu tiện bất lợi trước, rồi sau hãy chữa chứng đầy bên trong, vì nó còn gấp hơn.
      Lại như trước thì mắc bệnh phát nhiệt, thêm chứng nôn mửa, tả lỵ, cơm cháo thuốc men đều khó nuốt, thì khoan chữa bệnh nhiệt mà hãy chữa chứng nôn mửa trước. Khi ăn uống đã tạm bình thường mới trị kèm luôn chứng tả. Đợi cho nguyên khí bắt đấu phục hồi thì mới chữa bệnh nhiệt. Đó là điều người ta vẫn nói là "Hoãn thì chữa gốc, gấp thì chữa ngọn" vậy. Nói chung ngoài các chứng đại tiểu tiện bất lợi, đầy bên trong và thổ tả ra, đều nên chữa gốc trước, không thể không cẩn thận vậy.
      Giả sử như can chịu tà của tâm hoả, đó là tà khí từ trước lại, là thực tà."Thực thì tả con nó". Nhưng không phải tả thẳng vào hỏa, mà phải dùng thuốc dẫn vào can kinh mà dùng vị tả hỏa làm quân, đó là cách trị bệnh thực tà. Giả sử như can chịu tà của thận, đó là tà khí từ sau lại, là hư tà."Hư thì bổ mẹ nó", dùng thuốc dẫn vào thận kinh mà vị bổ can làm quân, thế là đúng.
      Nội Kinh chép "Bệnh là gốc, phép chữa bệnh là ngọn. Nếu hiểu cả gốc ngọn để trị liệu, tà khí sẽ lui". Người làm thuốc đối với phép xem sắc coi mạch không được quên lãng, không được dùng lầm, đó là phép tắc lớn của việc chữa bệnh. Nếu làm ngược trái lẽ, mỗi làm mỗi sai, sao có thể chữa bệnh cho người. Người bệnh nếu thần bí bị hại thì nên bỏ ông thầy cũ chữa bệnh trái lẽ mà tìm đến ông thầy mới hiểu rõ y lý. Được chữa bằng phép tắc cẩn thận đúng đắn thì mới toàn sinh được. Hai phép ấy là điều chí lý trong việc chữa bệnh, là mẫu mực của nghề làm thuốc vậy.
      XCVI.- Tạp trị phú (Bài phú về phép chữa các tạp bệnh)
      (Dọn theo của Nhân Trai cùng các sách Bệnh cơ, Dược tính biên chú)
      Dịch nghĩa:
      Trăm bệnh không ra ngoài tám trận; Chữa bệnh tất phải theo ba phép.
      Chính khí ở trong người, dương là biểu mà âm là lý, danh ngôn truyền tự thuở xưa; Tà khí hại người, biểu là âm mà lý là dương, phép mầu lập tự Trọng Cảnh.
      Thực thì mạch đi mạnh, da nóng, bụng đầy, đại tiểu tiện không thông; Hư thì mạch đi yếu, da lạnh, khí nhược, tả lỵ, ăn ít.
      Bệnh mới phần nhiều là nhiệt; Đau lâu thường trở lại hàn.
      Nội thương vì năm tà, cốt phải điều hoà; Ngoại cảm vì lục dâm, liệu mà phát hãn.
      Phong là do hỏa bốc; Hàn gốc bởi hư ra.
      Nắng làm hao khí dịch tinh thần, thường dùng vị ngọt chua mà bổ liễm; Thấp làm hại da thịt gân cốt, tạm uống bài cay, đắng để hãn thăng. Táo phải phân có thực, có hư; Hoả phải xét nên bổ, nên tả.
      Đuổi bệnh tật như theo giặc cướp, trừ chúa trùm mà tha lũ hùa theo; nuôi chính khí như chiều tiểu nhân, cốt ngay thẳng chớ quá lòng xét nét.
      Vả như:
      Thương thực chứa ở dạ ruột, tẩy rửa sẽ khỏi; Đình ẩm thuộc về kinh lạc, tiêu bổ kiêm dùng.
      Cá thịt ăn càn mà thấp nhiệt thịnh, phải chữa cho tỳ thổ ráo, cho tiêu hoá lại hồi; Trai gái chơi quá mà tướng hỏa xông, phải bổ cho thận thủy lên, cho phần âm tính được vững.
      Khí có dư mà đầy, suyễn, bĩ, tắc, hỏa nhẹ nên cho rút xuống; Huyết không đủ mà ho lao, thổ huyết, kim (phổi) ráo nên cho mát đi.
      Bệnh khí thì chữa khí mà huyết có nơi tựa nương; Bệnh huyết phải hòa huyết, mà khí khỏi nỗi ngừng đọng.
      Chữa khí phải cay mát cho tan cái nóng; Hoà huyết phải cay nóng mới thông được dòng.
      Đến như:
      Đờm đọng vì hoả, trị hoả chớ chậm; Hỏa uất vì khí, chữa khí nên tăng.
      Đờm thì làm cho trong, cho ấm, cho nhuận, cho ráo, chữa có nhiều cách; Uất thì phải nào phát, nào tiết, nào đạt, nào đoạt, khai có, nhiều đường.
      Uất lâu sinh đờm, sinh hoả, mà bệnh càng tăng; Bệnh lâu hao khí, hao huyết, sinh hư từ đó
      Dương hư ngoài sợ lạnh, thêm thấp nhiệt đọng thì sinh phù thũng; Âm hư trong sinh nóng, nếu phong táo thịnh thì thành dệt tê.
      Dương hư hoả suy, thuốc ông dễ bề bổ ích; Âm hư thủy thiếu, vị đắng hàn khó cách tưới vun.
      Âm, dương đều hư, cứ bổ dương rồi âm sẽ lại; Khí, huyết cùng bệnh, cứ chữa khí mà huyết thấy yên.
      Chữa nhiệt bằng thuốc hàn, hàn khí lấp mà khó tiêu được miếng cơm, ngụm cháo; Chữa hàn bằng thuốc nhiệt, nhiệt khí tắc liền thấy sinh ra trằn trọc, hôn mê.
      Cho uống thuốc nóng mà không thấy ôn lại, nên bổ tâm phủ; Cho uống thuốc hàn mà không thấy mát đi, nên bổ thận âm.
      Âm bình, Dương bí là kẻ sống lâu; Hoả giáng, thủy thẳng là mạnh khoẻ.
      Lại nghe rằng ;
      Con trai dương nhiều hơn âm, nên bổ âm cho dương khỏi bệnh; Con gái khí trệ vì huyết, nên khai huyết cho khí được thông.
      Người béo khí hư nhiều đờm, từ xưa dạy nên khoát đờm, bổ khí; Người gầy huyết hư hoả thịnh, nhất địng phải tả hỏa mà bổ âm.
      Trẻ khỏe, bệnh còn nhẹ, công ngọn có sợ gì; Già yếu, bệnh đã sâu, giữ gốc mới là phải.
      Người già khí nhiều huyết ít, chỉ nên liệu cách điều hoà. Trẻ con thuần dương không âm, chớ có quá tay công phạt,
      Miền tây bắc gió cao, đất ráo, khát, bí, ung, nhọt thường đau luôn; Miền đông nam đồng trũng. ẩm nhiều, lỵ, ngược (sốt rét), sưng, phù hay mắc phải.
      Cao lương thừa mứa, thanh nhiệt, nhuận táo là thuốc thần tiên; Rau cháo lần hồi, trừ thấp, tán hàn là phương tiện tuyệt diệu!
      Than ôi! Bệnh có thứ nặng, thứ nhẹ; Chữa có phép nghịch, phép tòng,
      Nhẹ thì cứ nghịch mà công; Nặng phải theo tòng mà chữa,
      Hàn phải dẫn bằng vị hàn, nhiệt phải dẫn bằng vị nhiệt; Tắc chữa nhân ngay bế tắc, thông chữa nhân ngay thế thông.
      Đập ghế mà thu được thần hồn của người khiếp sợ, tay lương y mới khéo làm sao; Sao hành mà khỏi được cơn đau của kẻ bị thương, viên quân lại thật tài quá đỗi,
      Chứng thi quyết người như chết thật, nhưng mạch chạy vẫn thường, cứu huyệt Bách hôi sẽ khỏi; Chứng đầy hơi khí cứ tức hoài, nhưng ăn uống bình thường, dùng phép đạo dẫn sẽ lành.
      Đường tiết đi thất thường, chỉ vì chân thủy không vượng; Oẹ nôn ăn chẳng được, thường là tà hoả bốc xông.
      Hỡi ơi!
      Phương thuốc cữ không nên câu nệ, khỏi bệnh là hay; Phép chữa xưa chớ hiểu hẹp hòi, tuỳ cơ ứng biến.
      Hoàng liên, Khổ sâm là vị hàn, sách dạy uống nhiều hóa nhiệt; Phụ tử, Cam khương là vị bổ, ai hay dùng mãi hại to.
      Đúng mà lầm rồi lầm mà đúng, phải rõ cơ mầu; Hư thì bổ mà thực thì tả, chớ dời phép gốc.
      Xưa dạy rằng: Đọc sách Trọng Cảnh, cần phải hiểu bản ý của Trọng cảnh; Tôi cũng khuyên: theo phép Đan Khê, phải có kiến thức của Đan Khê,
      Nói tóm lại:
      Thuộc phép chữa thương hàn, thì khi chữa tạp bệnh càng thêm rõ ràng; Thuộc phép chữa tạp chứng thì khi chữa thương hàn càng thêm chín chắn,
      Y đạo vốn nhất quán, định phép tắc nguyên từ các thánh xưa; Học tập phải dụng công, dù thông minh chớ nên cậy mình giỏi.
Môn rằng: Nghề thuốc rộng đưởng,
2900- Trước nêu các phép khuyên chàng chớ quên.
Dùng thời tông biến làm trên,
Chẳng nên chấp nhất, chẳng nên hiếu kỳ.
Cũng đừng cầu tốc làm chi,
Mau thời sớn sác lỗi nghì âm dương.
2905- Năm mùi thuốc có âm dương,
Dùng bằng lỗi thứ, lập phương nào lành.
Ví như ông tướng dùng binh.
Binh không kỷ luật, trao mình giặc đâm.
Ngàn xưa một đám Y lâm,
2910- Phép lòng hay nhóm, nào lầm lỗi chi.
Dón vào hai chữ "bất khi",
Khí thời chẳng trọn y quy ở mình,
Học rồi phải tính có hành,
Làm đừng nhút nhát mà danh chẳng tròn,
2915- Thánh y dạy chỗ muốn còn,
Mật to, lòng nhỏ, trí tròn, nết vuông.
Hỡi ôi, sách thuốc luông tuồng,
Chữ "y", chữ"ý", tiếng luôn trắc bình.
Y là ý vậy, cho mình,
2920- Gẫm qua xét lại nghĩa Kinh mới tường.
Tuy rằng y bất chấp phương,
Gốc nhờ phương ấy dọn đường trổ ra,
Chữ rằng: Khử, thủ, giảm, gia,
Hợp, xuyên, trích, biến, ở ta vận dùng.
2925- Dẫn rằng: Chuyện nói đã xong,
Ta xin trở lại, thưa cùng nhân sư.
Cùng nhau làm lễ từ quy,
"Họ Bào, họ Mộng, đều tuỳ Nhập Môn.
Ngư, Tiều qua chỗ Nhập Môn,
2930- Riêng làm lễ tạ, bôn chôn tính về.
Tiều rằng: Nay phải trở về,
Việc nhà còn vợ rề rề chưa xong,
Nghiệp y còn chỗ chưa thông,
Xin sau thong thả học cùng sư huynh,
2935- Môn rằng: Ta vốn hậu sinh,
Nhớ ơn người trước tỏ tình kẻ sau,
Sách y lắm chỗ kín sâu,
Trước sau trọn đạo phải âu học thầy.
Muốn nên tài đức vượt bầy,
2940- Xưa nay ai có bỏ thầy mà hay.
Hai người phải gắng công dày,
Theo thầy mới đặng tài hay đức tuyền.
Có câu "y bát chân truyền",
Đặng nghe chước bí thánh hiền mới hay.
2945- Chớ e đui mắt tật này,
Việc trong giáo quán khó đầy công phu.
Chớ rằng "hạt luyện manh tu.
Rừng văn biển học che mù khôn trông".
Có trời thầm dụ trong lòng,
2950- Tuy ngồi một chỗ suốt thông trăm đời.
Nho, y, lý, bốc, đạo đời,
Mấy mươi pho sách đều nơi bụng thầy,
Ta từng đứng cửa chầy ngày,
Ngưỡng xem khí tượng so tày Thái San.
2955- Lời ngay cặn kẽ khuyên chàng,
Trước sau chẳng khá lỗi đàng sư sinh.
Ta, ngươi kết nghĩa đệ huynh,
Tới lui một cửa học hành thêm xuê,
Ngư, Tiều vâng dạy ra về,
2960- Nhập Môn đưa khỏi Liễu Khê một hồi.
Chỉ đường rồi mới trở lui,
Bâng khuâng phần hữu, ngậm ngùi phần sư,
Ngư,Tiều cất gánh chẳng đi,
Cùng nhau than thở, một khi nói cười,
2965- Tiều rằng: Ta trước nhờ ngươi,
Đem đường nay đặng làm người y khoa.
Những ngày e lụn tháng qua,
Học hành mạnh lãng chẳng ra vẻ gì.
Những e tơi nón bỏ đi,
2970- Búa rìu mục cán, lấy chi cứu bần.
Hay đâu trời đã định phần.
Chẳng đành cho sĩ tấm thân nhọc nhằn
Xuất gia chưa trọn hai trăng,
Đem danh rừng củi đổi rằng rừng y.
2975- Khỏi nơi gai góc kéo trì,
Hươu nai, khỉ độc còn gì dễ ngươi.
Của trong rừng núi giúp người,
Hai vai gánh vác khô tươi đã nhiều,
Nay xin cổi lốt lão tiều,
2980- Làm ông thầy thuốc tiêu diêu cứu đời.
Ngư rằng: Ta bởi có ngươi,
Gắng công cũng đặng làm người tri y.
Bấy lâu thương lũ tiểu nhi,
Chìu lòn theo kẻ dung y tơi đầu.
2985- Tưởng là đạo thuốc thâm u,
Hay đâu y cũng trong nho một nghề.
Đã nên chài lưới dẹp nghề,
Khỏi lo tôm cá chở về chợ tan.
Tha cho loài thủy tộc an,
2990- Long vương nào giận quăng bàn thầy Viên.
Từ đây sóng gió xa thuyền,
Khỏi nơi lặn lội, lên miền sạch thơm.
Đặng theo sâm quế mùi thơm,
Dù cho bữa cháo bữa cơm cũng đành.
2995- Nguyện làm một kẻ y sinh,
Lấy câu âm chất đổi danh lão chài.