Phần II- 1

- Mười một giờ rồi! Em có vào bệnh viện thăm Ba không?
- Có chứ!
Huyền mở tủ lấy áo mặc. Còn Diễm nhìn em, bất giác thở dài, nghĩ tới những biến cố vừa rồn rập tới gia đình mình, làm đảo lộn nếp sống, rung chuyển mọi tâm hồn...
Bởi vì, chỉ một ngày sau khi ở Đà Lạt về, Hòa đã biết tất cả sự thực về chuyện Thúc mê Hằng, và trái với sự dự đoán củ mọi người, Hòa không ghen ầm ĩ, không trách móc, không than vãn. Bà đóng cửa buồng, nằm luôn hain ngày hai đêm, không ăn, không tiếp ai, không nói chuyện với ai, không nói một nửa lời với Thúc, không nói cả với các con. Không khí trong gia đình Thúc đột nhiên nặng trĩu, im lặng, buồn thảm hơn là nhà có đám ma.
Ngày thứ ba, Thúc đột nhiên bị thổ huyết phải đưa tới bệnh viện Hòng Bàng vì thầy thuốc bảo Thúc bị thủng phổi. Có nhẽ vì sau mấy ngày liên miên, ngụp lặn trong mối tình “hồi xuân”, tiếp theo là những đêm thức suốt sáng vì bị lo nghĩ và hối hận rày vò, Thúc đã kiệt lực và lâm trọng bệnh...
Thấy Thúc phải đi bệnh viện, Hòa trở dậy, bà làm đầy đủ bổn phận người vợ, người mẹ của mình, nhưng vẫn lạnh lùng, vẫn nghiêm nghị, chỉ nói những điều cần nói, chỉ săn sóc chồng những điều cần săn sóc...
Bà đánh điện tín gọi Uyển và Diễm trở về. Bà bắt đầu áp dụng một phương pháp trị gia rất nghiêm. Tất cả bốn người con đều len lét, đi đâu một vài phút đều phải xin phép. Không khí vui vẻ, đầm ấm trong gia đình không còn nữa. Bởi vì, mặc dầu Thúc lâm bệnh, Hòa vẫn chưa hết giận chồng, giận con. Cơn ghen của bà thật ghê gớm, vì Hòa là người đàn bà yêu chồng, ghen với chồng đến mực độ thà để chồng mình chết đi, còn hơn là để chồng yêu người khác. Không những thế, Hòa lại cho rằng Thúc mê bà Hằng thực sự, chứ không phải chỉ yêu lăng nhăng! Ý tưởng đó làm cho Hòa càng thêm xa vắng, im lìm...
Mặc áo xong, Huyền hỏi chị:
- Em lên hỏi mẹ xem mẹ có đi không nhé?
- Ừ, nhưng nếu mẹ ngủ, thì đừng đánh thức mẹ dậy. Đến chiều mẹ vào thăm cũng không sao!
Huyền rón rén lên buồng mẹ, thấy mẹ nằm ngửa, mở mắt to nhìn lên trần nhà, Huyền chưa dám nói gì, thì Hòa lên tiếng hỏi:
- Các con vào thăm Ba hả?...
- Dạ. Thưa mẹ có đi không ạ?
- Các con vào trước đi. Mẹ nằm nghĩ độ một giờ nữa, mẹ sẽ vào...
- Vậy chúng con xin phép, chúng con đi trước...
Rồi Huyền lại rón rén xuống dưới nhà...
và hai chị em lặng lẽ ra đị..
...
Tới bệnh viện, Diễm và Huyền đã thấy Uyển và Tuyết ngồi bên cạnh Thúc...
Thúc cười rất tươi, hỏi con:
- Má các con hôm nay không vào thăm Ba à?
- Dạ, má sẽ tới sau!
Gương mặt Thúc xanh xao, mệt mỏi, mắt trũng, môi nhợt, nhưng bề ngoài Thúc luôn luôn vui vẻ, có nhẽ để các con khỏi buồn. Chàng như người đi phiêu lưu từ xa mới về, hoặc như người sắp đi phiêu lưu một chuyến cuối cùng, nên đối với các con, chàng muốn nói với mỗi người một câu vồn vã, chàng muốn có một cử chỉ âu yếm với mỗi người con, chàng nhìn đứa con nọ mỉm cười, rồi nhìn đứa con khác mỉm cười...
- Các con đoán chừng độ bao nhiêu lâu nữa thì má các con hết giận Ba?
Tuyết nhanh nhẩu trả lời:
- Con chắc cũng còn hơi lâu...
Nhưng cần nhất là Ba sớm bình phục đi. Rồi thế nào má chẳng hết giận...
Thúc xoa lên đầu con gái, cười hồn nhiên:
- Dĩ nhiên là Ba sẽ bình phục...
Nhưng trong lúc mẹ các con chưa tới đây, bố con mình cũng nên hội ý làm thế nào cho má các con sớm hết giận...
Thúc ngừng một lát, rồi tiếp:
- Về phần Ba, Ba hứa với các con là sẽ chấm dứt cái chuyện bà Hằng...
Điều Ba lo là cho các con!
- Sao lại cho các con?
- Bởi vì lần này thì nhất định má các con bắt các con phải lấy chồng! Nhất là Uyển và Diễm!... Vậy các con nghĩ sao?
Uyển cười:
- Về phần con, Ba khỏi lo. Bất cứ lúc nào cần phải lấy chồng, con cũng có thể làm vui lòng má được!
- Con lấy ai?
Uyển vẫn cười, tuy cái cười hơi nhiễm về chua chát:
- Con chưa định lấy ai cả, chưa “yêu” ai cả...
Nhưng con có ba, bốn người vẫn theo đuổi con, và con không phải là không có cảm tình với họ. Nếu cần, con sẽ viết tên bốn người vào bốn mảnh giấy, rồi rút thăm, trúng người nào, con lấy người đó...
Thúc phì cười, nói trêu con:
- Thế sao con không mời cả bốn người tới để họ “oằn tù tì” với nhau cho công bằng...
Nhưng ai mà lắm thế con?
Tuyết đỡ lời:
- Con biết cả. Để con kể Ba nghe nếu chị Uyển đồng ý!
- Ừ! Em kể dùm chị!
- Vậy thì...
có tất cả bốn ông...
Đứng đầu danh sách là nhà triệu phú chủ tiệm thuốc Âu Mỹ, chủ hãng xuất nhập cảng Hưng Phát: anh Hưng Phát theo đuổi chị Uyển bền bỉ nhất, ngoan ngoãn nhất! Thứ hai là ông giảng sư đại học Huỳnh Hoài, ông này thì trí thức lắm, nhưng phải góa vợ và hơi lẩm cẩm. Thứ ba là anh sinh viên luật khoa Hướng, bạn học cùng lớp của chị Uyển, anh Hương thì vừa nghèo, vừa kém vế, nhưng có duyên ngầm...
Và sau rốt là nhà thầu khoán Mạnh Nhạ..
Thúc gật gù:
- Ông Mạnh Nha thì Ba biết! Cả ông Huỳnh Hoài và Hưng Phát nữa! Duy có Hướng là Ba chưa gặp mặt lần nào!
Tuyết hỏi luôn:
- Vậy ý kiến của Ba ra sao?
Thúc lắc đầu:
- Chủ nghĩa của Ba vẫn chỉ là chủ nghĩa “ba phải”. Nên đối với cả ba người mà Ba biết, Ba thấy đều “được” cả...
! Cần nhất là ý kiến của Uyển...
Ba chỉ mong các con tìm thấy hạnh phúc trước khi Bạ..
Thúc định nói “trước khi Ba nhắm mắt”, nhưng chàng ngừng lại, âu yếm nhìn bốn đứa con...
Huyền hiểu là Thúc định nói gì, nên nàng chớp mắt nhìn đi chỗ khác...
Từ sau cái buổi Thúc ngủ lại nhà Hằng, mê Hằng, rồi đi Vũng Tàu với Hằng, Huyền vẫn không ngớt bị rày vò. Nàng cho rằng vì nàng nhẹ dạ, nghe lời nông nổi của Tuyết, đưa Thúc tới nhà Hằng nên mới xảy ra những biến cố liên tiếp, làm cha nàng lâm bệnh, mẹ nàng đau khổ vì ghen tuông! Huyền lại có linh tính, Thúc không còn sống được bao lâu nữa, và sở dĩ Thúc đem chuyện chồng, con ra bàn với các con là vì Thúc muốn thu xếp mọi việc trước khi nhắm mắt...
Nghe giọng thản nhiên gần như dửng dưng của Uyển khi nói tới những người rắp tâm hỏi mình, Thúc chăm chú nhìn Uyển rồi đột nhiên hỏi:
- Sao con không đưa ông Hướng lại chơi, cho Ba biết mặt mũi ra sao?
Gương mặt Uyển thoáng biến sắc, nhưng Uyển chớp mắt một cái, bình tĩnh trả lời:
- Anh ấy là một tư chức, nhà nghèo, phải nuôi mẹ già, nên bận rộn suốt ngày, hết việc làm ăn lại phải bù đầu học để kiếm thêm một vài cái chứng chỉ, ít khi anh đi đâu...
Để rồi hôm nào, con sẽ đưa anh ấy lại thăm Bạ..
Thúc đoán đúng: Cái bí mật của Uyển chính là Hướng! Từ hơn một năm nay, Uyển yêu Hướng. Nhưng với đầu óc khôn ngoan, thực tế của người con gái thời đại, tuy yêu mà vẫn sáng suốt, suy tính thiệt hơn, ngay từ phút đầu yêu Hướng, Uyển đã nhận định rằng yêu Hướng là một chuyện, mà lấy Hướng là một chuyện khác. Cho nên Uyển đã tuyệt đối giữ bí mật mối tình của mình đối với Hướng. Thậm chí cả lũ em của Uyển, cũng vẫn không nghi ngờ gì, chỉ liệt Hướng vào loại những người rắp tâm hỏi Uyển. Và một mặt thì Uyển yêu Hướng, nhưng Uyển vẫn để tâm tìm người xứng đáng để lấy làm chồng. Tình yêu của Hướng, Uyển chỉ coi như một hương thơm của đời người con gái trước khi lấy chồng! Nhưng Hướng nghĩ khác. Hướng là một thanh niên nghèo, có chí. Hướng không quan niệm tình yêu như Uyển. Đối với Hướng, yêu và lấy nhau chỉ là một, đã yêu thì tất phải “lấy” nhau, yêu nhau mà không lấy nhau chỉ là chuyện lãng mạn của những trai gái hư nết...
Cho nên từ khi được Uyển yêu, thì Hướng không biết, không nhìn thấy người đàn bà nào khác. Hướng nhất định lấy Uyển và chàng tin tưởng là chàng sẽ lấy được Uyển cũng như chàng sẽ thoát khỏi cuộc đời tối tăm, nghèo nàn hiện tại bằng nghị lực, bằng cố gắng của mình. Hướng không thể quan niệm nổi, hiểu nổi rằng một mặt Uyển vẫn thành thực yêu Hướng, một mặt Uyển vẫn có cảm tình với người khác và vẫn để ý tìm chồng. Bởi vì, một mặt yêu Hướng, một mặt khác, Uyển vẫn muốn ngự trị trên tất cả mọi trái tim, cả những trái tim của những người mà Uyển không yêu! Bản chất của Uyển la bản chất người đàn bà thích chinh phục, và bất luận đối với ai, nàng cũng muốn thử xem sức quyến rũ của mình mãnh liệt đến mức nào. Cho nên ngay cả đối với Đạt khi nghe Đạt hỏi em mình, mà không hỏi mình, Uyển cũng ghen tức một cách rất vô lý và rắp tâm “trả thù” Đạt vì cái tội “qua mặt” nàng!
...
Thúc nhìn hết Uyển rồi lại nhìn Diễm. Thấy Diễm từ lúc tới, vẫn im lìm, Thúc hiểu là Diễm đang băn khoăn. Thúc nói như để chia sẻ những lo âu với con gái:
- Điều làm cho Ba lo nhất không phải là vấn đề của Uyển mà là vấn đề của Diễm đối với Đạt và Khải...
Uyển vội đơ õlời:
- Đúng thế, việc của con thì rất giản dị, không có gì phức tạp! Vấn đề phức tạp là chuyện của em Diễm...
Vậy Diễm nghĩ sao?
Uyển chỉ nơm nớp lo Thúc hoặc Tuyết đi sâu vào chuyện giữa mình và Hướng, nên Uyển vội lái câu chuyện sang vấn đề của em, với hy vọng là được thấy Diễm sẽ giải quyết sự rắc rối tình cảm của Diễm cách nào, ngõ hầu nàng sẽ rút được kinh nghiệm cho bản thân mình. Nhưng Diễm hầu như không nghe thấy câu hỏi của chị. Mãi một lúc sau, khi Tuyết lên tiếng giục, Diễm mới chậm rãi trả lời:
- Việc của em không có gì phức tạp cả. Ba và mẹ bảo sao, em nghe theo làm vậy...
Giọng nói của Diễm làm ra vẻ thản nhiên, nhưng sự thực thì từ khi ở Vĩnh Bình về, tâm hồn Diễm trải qua nhiều bão táp. Đúng như lời phỏng đoán của Hội, sau khi Đạt trở về Sàigòn, thì chỉ một ngày sau, Khải cũng mò xuống Vĩnh Bình tìm Diễm! Diễm đã tiếp đón Khải hết sức niềm nở, lịch sự, nhưng chính cái niềm nở, lịch sự của Diễm đã làm cho Diễm thấy rõ rằng tình yêu của nàng, nàng đã dành cho Đạt, và đối với Khải, nàng chỉ có mối thiện cảm đằm thắm của tình bạn hơn là những xúc động mãnh liệt, mênh mông của tình yêu! Diễm đã hiểu lòng mình thì đồng thời nàng cũng nhận được điện tín của mẹ gọi về để đứng trước cảnh gia đình lăm le sụp đổ vì một phút bốc đồng của bố, và Thúc đột nhiên lâm trọng bệnh...
Với cái linh tính bén nhạy của kẻ đang yêu, Diễm hiểu là trước những biến cố vừa xảy ra, nàng không còn hy vọng gì được mẹ chấp thuận cho lấy Đạt, nàng chỉ có hai đường, một là lấy Khải, hai là bỏ nhà ra đi với Đạt. Mà bỏ nhà ra đi với Đạt là điều mà Diễm không bao giờ nghĩ tới vì Diễm là đứa con có hiếu, rất thương cha mẹ nhất là thương bố, cho nên tuy mẹ Diễm chưa ngỏ ý kiến gì, từ khi nàng ở Vĩnh Bình trở về, Diễm thừa hiểu là chỉ mai mốt, mẹ nàng sẽ quyết định về số phận nàng, nàng thừa hiểu số phận nàng là phải chấm dứt với Đạt để lấy Khải...
Nghe giọng nói chịu đựng, nhẫn nại của Diễm, chưa bao giờ Thúc thấy thương xót con như lúc đó. Thúc hiểu là vì Thúc có chuyện rắc rối với Hằng, nên Hòa bắt đầu có thái độ cứng rắn với các con, và nếu Diễm không lấy được Đạt thì bao nhiêu dang dở, bao nhiêu tội lỗi đều là do Thúc vô tình gây ra cả...
Từ khi lâm bệnh, Thúc vẫn lo Diễm sẽ chống lại mẹ, khước từ Khải để lấy Đạt thì gia đình sẽ thêm sóng gió...
Thế mà, lúc này nghe Diễm tuyên bố sẽ chiều theo ý mẹ, Thúc không những không vui, mà còn thấy đau khổ, tưởng chừng như sự đầu hàng của Diễm chính là sự đầu hàng của mình.
...
Thúc lặng lẽ nhìn con và mãi một lúc sau mới lên tiếng hỏi:
- Con cũng cần suy nghĩ cho kỹ! Liệu sự hy sinh có cần thiết không?
Diễm cười lắc đầu:
- Lấy anh Khải thì lại càng “oai” chứ, đâu phải là một sự hy sinh!... Ba đừng băn khoăn gì về con...
Con sẽ tìm thấy hạnh phúc...
Diễm làm ra vẻ thản nhiên, nhưng nói xong, Diễm mới thấy là mình tự dối lòng. Nếu không có Uyển và các em nàng ngồi đó, thì nàng đã gục đầu vào vai bố mà khóc cho hả, vì Diễm hiểu chỉ có hai bố con là “đồng hội đồng thuyền” và Thúc cũng đang đau khổ vì yêu như nàng...
Đột nhiên, Diễm cảm thấy cần phải về ngay căn buồng của mình, khóa cửa lại, nằm im một mình, suy nghĩ về cái quyết định mà nàng vừa thổ lộ với bố và các chị, em nàng. Nàng không còn đủ can đảm ngồi lại để đóng cái kịch thản nhiên với chị và các em nàng nữa.
- Con xin phép đi đằng này...
Chiều con trở lại sớm...
Chị Uyển và hai em, ba người về một taxi là vừa...
Cho em về trước có chút việc riêng.
Nói xong, Diễm đứng lên đi liền, cố tránh cái nhìn của bố, của chị, và các em. Thúc không nói gì, nhìn theo con. “Chung qui, chỉ tại ta cả! Chỉ tại ta cả”.
...
Về tới nhà, Diễm thở ra một hơi dài khi được biết mẹ Diễm vừa ra đi đến bệnh viện thăm Thúc...
Diễm vào phòng của mình, đóng cửa lại. Diễm không cởi áo dài, nằm vật lên giường, và nước mắt Diễm trào ra.
“Thế là hết! Dù sao, mình cũng phải gặp Đạt để báo cho Đạt biết, trước khi nhận lời lấy Khải”. Ý nghĩ đó làm Diễm vùng đứng dậy. Nàng nhìn vào tấm gương ở tủ áo, thấy mắt mình đỏ hoe, đầu tóc rối bù nhưng Diễm tặc lưỡi; nàng để nguyên ái dài nhầu và bộ tóc rối, ra khỏi nhà, vẫy xe taxi lại thẳng nhà Đạt. Diễm cũng không kịp suy nghĩ để thấy hành vi của mình là liều lĩnh, ngược hẳn với bản chất nhút nhát của nàng, từ trước đến nay, chưa hề bao giờ dám một mình lại thăm Đạt.
...
Nhưng xe càng tới gần nhà Đạt thì sự liều lĩnh của Diễm cũng tiêu tan. Chiếc xe taxi vượt qua nhà Đạt mà Diễm cũng không bảo xe dừng.
Diễm nhìn vào thấy cửa đóng kín thì Diễm tự an ủi là chắc Đạt đi vắng. Nàng đột nhiên bảo người tài xế quay xe về và tự nhủ: “Mình sẽ biên thư cho Đạt vậy”.
Về tới nhà, thấy mẹ và mọi người chưa ai về, Diễm khóa trái phòng lại, lấy giấy bút, lấy một quyển vở, kê trang giấy lên, rồi nằm úp sóng xoài, Diễm viết thư cho Đạt, thỉnh thoảng mỏi cổ hoặc có điều gì suy nghĩ, nàng lại úp mặt xuống giường.
Viết xong, Diễm đọc lại trước khi gấp những trang giấy, đút vào bao thư:
Anh,
Đây là một bức thư đầu tiên em gọi anh bằng “Anh” thay vì danh từ “Thầy” của thư trước, nhưng bức thư đầu tiên của tình yêu, cũng là bức thư cuối cùng em gửi cho anh, bởi vì chỉ trong tuần này, em sẽ chính thức báo tin anh Khải biết là em nhận lời cầu hôn củ Khải, và đầu tháng tới, hôn lễ sẽ cử hành! Em mong anh sẽ không ngạc nhiên khi đọc những dòng này vì từ hôm Ba em thổ ra huyết phải vào bệnh viện điều trị thì chắc anh cũng nghĩ như em là việc hôn nhân của anh và em không còn hy vọng gì thành tựu nữa! Chung qui thì tại bà Hằng...
Anh cũng thừa đoán là sau những biến cố dồn dập xảy ra trong gia đình em, bắt nguồn từ vụ bà Hằng, thái độ của mẹ em đã trở nên quyết liệt, và nếu em nhất định muốn lấy anh thì chỉ có cách là em bỏ nhà ra đi, chung sống với anh! Mà bỏ nhà ra đi với anh thì dù em có yêu anh đến đâu chăng nữa, em cũng không bao giờ nghĩ tới! Còn anh thì chắc anh không bao giờ muốn chuốc lấy cái tai tiếng là đã quyến rũ em, quyến rũ con bạn và học trò mình! Vậy thì chỉ còn một lối thoát là vĩnh biệt anh để cho mọi việc được ổn thỏa và...
đẹp! Nhất là em muốn cho Ba em đỡ khổ, sớm khỏi bệnh.
Bởi vì trong thâm tâm, Ba em rất mong muốn cho em lấy anh, nhưng nếu em lấy anh thực, thì Ba em sẽ không sống nổi, Ba em sẽ chết vì những mâu thuẫn lung cũng trong gia đình! Mà anh cũng hiểu là em thương Ba em chừng nào!
Anh đừng nghĩ rằng hành vi của em là một hành vi hy sinh! Em hứa với anh là khi em lập gia đình với anh Khải, em sẽ cố gắng tạo hạnh phúc với chồng em, nghĩa là không còn bao giờ em gặp anh, nghĩ tới anh nữa, hoặc có nghĩ đến thì cũng như nghĩ tới một người “thầy” đã dìu dắt mình, trau đổi tâm hồn mình...
Và em cũng mong rằng chính anh, anh sẽ giúp đỡ em để em tìm thấy hạnh phúc.
Chứ một khi em đã lập gia đình rồi, mà anh còn theo đuổi em, còn lập tâm chiếm đoạt tâm hồn em, để em phải nghĩ tới anh, thì em sẽ oán anh, thù anh hơn ai hết, vì như thế là không xứng đáng với anh, có phải không anh?
Cho nên trong giờ phút này mà em chưa chính thức nhận lời cầu hôn của Khải, em muốn viết hết, nói hết tất cả những ý nghĩ thầm kín của em, tất cả lòng mình để sau này, dù có vui, có buồn, có thương, có nhớ, chắc cũng chả bao giờ em còn được dịp viết thư cho anh, hoặc than thở với anh nữa!
Về sau này, lòng em thế nào thì em chưa dám nói, và chắc chắn là em sẽ quên anh như em đã hứa với anh, nhưng từ trước đến giờ, nếu anh yêu em thì anh cũng có thể tư hào là em chưa bao giờ nghĩ tới ai như đã nghĩ tới anh...
Và lúc này, em lại khám phá ra rằng em đã nghĩ tới anh, từ bao nhiêu năm nay, trước khi Ba em cho biết ý của anh, trước khi nhận được thư anh...
Để anh thấy rõ lòng em, em kể điều dưới đây cho anh nghe:
Đã có lần trong giờ dạy học, anh hỏi em thích đọc nhà văn nào nhất của Pháp, thì em đã không lưỡng lự trả lời anh, là em đã đọc tới ba mươi tác phẩm của nhà văn Pierre Benoit, khiến anh ngạc nhiên, không hiểu vì sao em lại ưa thích nhà văn hơi “lẩm cẩm”, hơi “lãng mạn cuối mùa” đó. Bây giờ thì em có thể nói thực với anh là sở dĩ em say mê đọc Pierre Benoit chỉ vì có lần em đã đọc thấy trong một tạp chí nọ là Pierre Benoit năm sáu mươi tuổi mới lấy con gái người bạn và hai người đã yêu nhau say đắm trong mười hai năm trời...
cho đến khi nàng chết! Thì ra: sở dĩ em mê đọc Pierre Benoit vì mãi tới năm sáu mươi tuổi, Benoit mới lấy con một người bạn! Chỉ khác một điều là Pierre Benoit đã tìm thấy hạnh phúc gia đình, còn anh và em thì mỗi người một nẻo...
Viết đến đây, em thấy buồn muốn chết!
Em mong sau khi em kết hôn với anh Khải, anh cũng nên lấy vợ và đừng kéo dài cuộc sống độc thân nữa. Em cũng biết anh tìm một thiếu nữ bằng nửa tuổi anh mà hiểu anh như em hiểu anh, thích lấy chồng “già” như em ao ước được lấy “thầy Đạt”, cũng là chuyện khó lắm, nhưng không phải là không thể tìm được, có phải không anh! À mà tại sao anh không hỏi chị Uyển! Chị Uyển đẹp hơn em, và hiện nay hình như chưa yêu ai mặc dầu có ba, bốn người định hỏi chị. Đã có lần, khi Ba em báo cho mọi người trong gia đình biết ý của anh định hỏi em làm vợ, chị Uyển đã lẩn thẩn hỏi Ba em: “Sao ông Đạt không hỏi con Ba nhỉ?”...
Nhưng...
nghĩ đi, nghĩ lại, thì anh đừng hỏi chị Uyển nữa! Bởi vì, em không được làm vợ anh thì em cũng không muốn là “em vợ” của anh! Thà anh lấy ai thì lấy, có phải không anh. Đấy anh xem! Lòng em rối loạn, khiến em viết lung tung. Nhất là bức thư này, em coi như bức thư cuối cùng gửi cho anh, nên em càng không muốn chấm dứt, không muốn dừng bút, vì dừng bút là hết, là không còn bao giờ viết thư cho anh nữa. Buồn quá anh nhỉ!
Trước khi chính thức nhận lời cầu hôn của anh Khải, trước khi em gắng đem hết tâm hồn ra yêu anh Khải, mua hạnh phúc với anh Khải, em muốn trao gửi anh, lưu lại với anh một kỷ niệm trong trắng của đời con gái, của đứa “cháu” đã được chú Đạt bồng bế trên tay, của người học trò đã được thầy Đạt nhào nhặn tâm hồn, của người thiếu nữ đã bâng khuâng nghĩ tới anh rất nhiều. Nhưng em không biết tặng anh cái gì, lưu lại cho anh kỷ niệm gì. Vậy em để tùy anh quyết định. Anh bảo em gì, em cũng xin chiều theo ý anh, hoặc anh sẽ cho em đi chơi đồng quê, hoặc anh sẽ dẫn em đi xi-nê v.v...
Anh muốn gì, em đều xin vâng theo. Duy có một điểm em xin giao hẹn trước với anh, là xin anh đừng có...
đừng có hôn em, như em biết anh định hôn em hôm viếng thắng cảnh Ao Bà Om! Bởi vì, em sợ lắm...
Em sợ sau này sẽ không thể yêu chồng mình một cách trọn vein thì em sẽ khổ cả đời.
Em biết là anh thương em vô cùng, nên em tin là anh sẽ không bao giờ có một hành vi, cửa chỉ nhỏ nhặt nào xúc phạm đến chút tình trong trắng của em đối với anh. Như hôm nọ, ở Ao Bà Om, anh muốn hôn em mà không dám...
là em cám ơn anh lắm!
Thôi đành dừng bút anh nhé. Dừng bút mà lòng vẫn tràn đầy, hình như vẫn chưa giải tỏ được gì với anh.
Vĩnh biệt anh,
Diễm
Diễm đọc lại cái thư, thấy đầy ray mâu thuẫn. Nàng định xé đi, nhưng biết là mình không đủ can đảm viết cái thư khác, nên tặc lưỡi, nhét cái thư vào bao thư.
Diễm hiểu là nếu mình không trao ngay cái thư vừa viết cho Đạt, thì biết đâu, chỉ một lát nữa nàng sẽ đổi ý kiến...
Thế là...
lần thứ hai, Diễm lại ra đi tới nhà Đạt, với cái thư trong tay. Lần này, Diễm có vẻ cương quyết hơn. Từ trên xe taxi bước xuống, Diễm lầm lì rảo bước tới trước cửa nhà Đạt và đưa tay lên nhận nút chuông rất mạnh. Cửa mở, Đạt thốt lên một tiếng reo hân hoan:
- Kìa Diễm!
Diễm đã rắp tâm, ngay từ lúc còn ngồi trên xe taxi là tới nhà Đạt, nàng sẽ không vào trong nhà, chỉ đứng ngoài cửa, đưa cái thư cho Đạt rồi về thẳng, cho nên Đạt vừa thốt được hai tiếng “Kìa Diễm” thì Diễm đã chìa cái thư trước mặt Đạt, miệng nói lí nhí, nửa muốn gọi Đạt bằng “Thầy”, nửa muốn gọi Đạt bằng “Anh”, nên rốt cuộc, nàng quên cả chào và nói “chống không”:
- Có cái thự..
Đạt ngạc nhiên nhìn Diễm chăm chú:
- Chuyện gì vậy, Diễm? Nhưng Diễm vào trong nhà đã chứ!
Diễm lắc đầu, đặt cái thư vào lòng bàn tay Đạt...
Nàng thu thập tất cả nghị lực, nói lên được ba tiện “Thôi em về” và trong khi Đạt còn bàng hoàng, chưa biết xử trí cách nào, thì Diễm đã quay ngắt đi, bước thật nhanh sang bên kia đường...
Diễm, Diễm!
Tiếng gọi cuốnt quít của Đạt đuổi theo nàng, tự nhiên làm Diễm ứa nước mắt, và khi Đạt theo kịp nàng tới bên kia đường, nắm lấy tay nàng, khiến Diễm quay lại, và qua làn nước mắt, Diễm mờ ảo nhìn thấy gương mặt của Đạt, si tình một cách rất đau khổ...
...
Ngay lúc đó, một cái xe từ xa tiến tới, Diễm gỡ thoát khỏi bàn tay của Đạt, vẫy taxi, và nói với Đạt trước khi trèo lên xe:
- Anh đọc thư thì rõ! Thôi em về đây!
Rồi nàng bước lên xe, đóng cửa lại, tiếng “tạch” khô khan của cái cửa bị đóng tuy nhỏ mà dội vào lòng nàng thật mãnh liệt. Qua cửa kính xe, và qua làn nước mắt, Diễm nhìn Đạt cố tạo một nụ cười rất “đoạn trường” gửi Đạt, trong khi cái xe từ từ chuyển bánh và Đạt đứng ngẩn bên hè đường, nhìn theo Diễm...
bàng hoàng chưa biết nên đuổi theo xe Diễm hay nên trở về nhà...
...
Ngồi trên xe, Diễm mở to đôi mắt, nhìn cảnh tấp nập ồ ạt của phố phường, của đời sống chung quanh nàng...
Óc trống rỗng, mệt mỏi, không biết nên nghĩ cái gì, buồn ra sao. Mắt nàng không rời cái đồng hồ taxi. Mãi lúc đó, Diễm mới cảm thấy, mới ý thức thật thấm thái, tất cả cái thân phận hèn mọn của kiếp người. Nàng tự hỏi, nàng vừa có một quyết định thật ghê gớm, thế mà trái đất vẫn không ngừng quay, mọi người xung quanh vẫn không ngừng xuôi ngược, lo ăn, lo mặc và cái đồng hồ tính tiền vẫn đều đều nhảy...
Khiến Diễm bất giác, nắm bàn tay lại, như muốn đập nát cái đồng hồ cho tan tành tất cả, tan tành nhân loại, tan tành cuộc đời.
Cho nên khi Diễm trở về nhà, thấy mẹ cùng chị và các em đang quây quần bên bàn ăn, nàng nhìn mẹ và các chị, em như như nhìn những người xa lạ và cái không khí bình yên giả tạo trong gia đình làm Diễm muốn phát điên lên, muốn gào lên, thét lên, để nói với tất cả mọi người là Diễm vừa dứt tình, vừa đoạn tuyệt với Đạt và thế là hết, hết tất cả...
Mẹ Diễm ngó Diễm, gương mặt nghiêm nghị:
- Con đi đâu mà bây giờ mới về?
Diễm không lưỡng lự trả lời mẹ:
- Con lại nhà ông Đạt!...
Mẹ Diễm đặc chén cơm xuống bàn, trừng trừng nhìn con, còn Diễm thì thủng thẳng nói tiếp:
- Con lại nhà ông Đạt để báo cho ông biết là con sẽ vâng theo lời mẹ, nhận lời lấy anh Khải, để ông Đạt đừng theo đuổi nữa...
Từ khi vụ bà Hằng xảy ra, Hòa đâm hoài nghi cả các con; bà cho là các con đồng tình, đồng lõa với Thúc, nghe lời Thúc hơn là nghe lời bà, cho nên khi thấy Diễm vâng theo lời bà, khước từ Đạt một cách dễ dàng để nhận lời lấy Khải thì bà vẫn chưa tin:
- Con định đùa với mẹ hay sao?
Diễm rất ôn tồn:
- Thưa mẹ, con đâu dám nói đùa. Chiều Thứ Bảy này, con xin mẹ cho mời anh Khải tới để chính thức báo cho anh biết là Ba mẹ chấp thuận lời cầu hôn của anh. Riêng về phần con, con không mong gì hơn là lễ “hỏi” và cưới sẽ sớm chừng nào hay chừng ấy!
Cái giọng cố làm ra thản nhiên của Diễm không đánh lừa được mẹ. Hòa chăm chú nhìn con, bất thần hỏi:
- Bộ con còn tiếc ông Đạt lắm hay sao?
Diễm chớp mắt, cười buồn trước khi trả lời mẹ:
- Kể tiếc thì có nhẽ con cũng hơi tiếc, vì nếu con được làm theo ý riêng con thì con sẽ lấy ông Đạt. Nhưng Ba má thường dạy rằng, sống ở đời không phải là để làm theo ý riêng của mình, cho nên không những con không buồn mà con sẽ rất hãnh diện được vâng theo lời me....
Con biết là mẹ nghĩ tới hạnh phúc của con, mẹ hiểu đâu là hạnh phúc của con. Con tin ở sự nhận xét của mẹ, hơn là tin ở con. Con chỉ cần xin mẹ một điều...
Giọng thành khẩn có pha chút chua xót ngấm ngầm của Diễm làm Hòa cảm động, bà dịu dàng hỏi con:
- Điều gì con?
Mắt Diễm rưng rưng ngấn lệ:
- Mẹ đừng giận Ba nữa!
Lời van xin đột ngột của Diễm làm Uyển, Huyền, Tuyết đều mủi lòng và Hòa chợt hiểu sở dĩ Diễm vâng lời bà, chịu lấy Khải chính là Diễm thương bố và chỉ cầu mong cho gia đình trở lại êm ấm như xưa! Mãi tới lúc này, trước sự hy sinh kín đáo của con gái, bà mới nhận thấy tất cả cái ích kỷ của mình. Nghe con nói, nước mắt bà trào ra, nước mắt tha thứ cho chồng, nước mắt hối hận vì đã quá ích kỷ...
Bà ứa nước mắt nhìn Diễm:
- Con đã biết nói vậy thì dù có oán Ba con đến đâu, mẹ cũng phải hết giận Ba con!
Từ hôm mẹ Ở Đà Lạt về, Tuyết vẫn len lét sợ sệt, lúc này, mới nhào vào lòng mẹ, bá cổ mẹ:
- Hoan hô mẹ! Mà mẹ cũng tha thứ cho cả tụi con chứ!
Hòa lấy ngón tay, dí vào trán Tuyết:
- Con ranh này! Chung qui chỉ tại mày vẽ đường chọ..
“dê” chạy...
Tuyết cười khoái trá:
- Dạ xin mẹ cứ đánh chửi chúng con thật nhiều vào. Chúng con chỉ cầu mong được nghe mẹ mắng hơn là thấy mẹ im lìm...
Nhưng thưa mẹ, ngạn ngữ chỉ có câu: “Vẽ đường cho hươu chạy”, còn “Vẽ đường cho dê chạy” thì chắc là một “sáng tác” của mẹ, phải không mẹ?
Cả nhà phì cười! Không khí đầm ấm đã trở lại. Để che dấu sự xúc động của mình, Hòa đổi hướng câu chuyện:
- Nhưng vừa rồi con gặp ông Đạt, con thấy thế nào? Liệu ông ấy có thất vọng lắm không?
- Con chỉ đưa ông Đạt một cái thư để báo cho ông biết con sẽ nhận lời lấy anh Khải. Con đứng ở cửa, đưa thư rồi quay về ngay, thành ra chưa hiểu ông ấy nghĩ ra sao!... Nhưng dù ông ấy thất vọng nhiều hay ít, cũng không thành vấn đề và con vẫn nhất định lấy anh Khải...
Huyền hiểu tâm trạng Diễm đang hoang mang, nên Diễm cần tái tam, tái tứ tuyên bố với mọi người là mình sẽ lấy Khải, để tư nhắc nhở mình rằng: “chuyện lấy Khải là chuyện đã rồi” không thể đổi ý kiến được nữa! Nên Huyền lại càng thấy thương chị, thương Đạt, cũng như Huyền xót xa cho cha!
Uyển từ lúc ngồi vào bàn vẫn im lìm, lúc này mới lên tiếng:
- Nhưng chắc gì ông Đạt chịu êm thấm rút lui!
Diễm lắc đầu:
- Dù sao ông ấy cũng là người tự trọng...
Em tin ông ấy sẽ không theo đuổi em nữa. Em chỉ sợ cho em vẫn còn lưỡng lự, chứ không sợ về phía ông Đạt...
Mà em thì...
hết lưỡng lự rồi.
- Hết lưỡng lự thực chưa?
- Hết thực!
Rồi quay về phía Hòa, Diễm nói:
- Con cũng xin phép mẹ một điều nữa, nếu mẹ tin ở con.
- Điều gì?
- Con chắc trước khi con chính thức nhận lời lấy anh Khải, thế nào ông Đạt cũng lại đây...
Vậy con xin phép mẹ cho con được tiếp ông ấy một lần...
cuối cùng...
- Mẹ không tiếc gì...
Nhưng liệu có nên không?
Trong bốn người con, Hòa tin ở Diễm nhất, vì Diễm chín chắn, sâu sắc. Nhưng bà cũng hiểu lòng con bà hơn ai hết và bà biết không dễ dàng gì mà Diễm có thể quên được Đạt. Cho nên khi thấy Diễm đề nghị được gặp Đạt trước khi chính thức nhận lời lấy Khải, bà không khỏi lo nghĩ, sợ những biến cố bất thường có thể xảy ra. Như đoán biết những băn khoăn của mẹ, Diễm từ tốn nói với mẹ:
- Mẹ không muốn cho con gặp ông ấy tức là mẹ chưa tin ở con, chưa hiểu con. Con đã thưa với mẹ, việc con nhận lời lấy anh Khải không phải là một hành vi hy sinh. Và con quyết tâm sẽ tìm thấy hạnh phúc với anh Khải...
Như vậy thì không có lý gì mà con lại sợ không dám gặp ông Đạt...
Con trốn tránh không dám gặp thì tức là con còn “tiếc” ông ấy—như lời mẹ đã nói—Nếu con còn tiếc...
thì làm sao xây dựng hạnh phúc với người khác!
Diễm nói rất hăng, tuồng như không những nàng cần đánh lừa mọi người, nàng còn tự đánh lừa mình hơn hết...
Vì có tự dối được mình, tự đánh lừa được mình thì nàng mới có đủ điều kiện đề hưởng...
hạnh phúc. Nhưng Uyển đã mỉm cười—cái mỉm cười hơn tàn nhẫn—nói với em:
- Em lý luận hay lắm...
Ngay lúc đó, người đày tớ gái vào nói cho Diễm biết là có một cô muốn gặp Diễm, đang ngồi đợi ngoài phòng khách...
Diễm chau mày:
- Đứa nào mà lại đến chơi giờ này?
- Cô này chưa tới đây lần nào, cô bảo có chuyện cần muốn gặp cô Diễm và chỉ xin cô ba phút thôi!
Diễm vội đứng dậy, hấp tấp đi ra, vì đột nhiên Diễm linh cảm người khách lạ chỉ có thể là người của Đạt sai đến. Diêãm đoán gần đúng, vì người khách lạ chính là Trang, nhưng Trang đến không phải là do Đạt sai đến mà là do Trang tự động tìm gặp Diễm...
Số là, mười phút sau khi Diễm trao cái thư cho Đạt rồi bỏ về, thì Trang cũng tới thăm Đạt. Mãi gần mười hai giờ trưa, Trang mới ngủ dậy, thấy nhớ Đạt, nàng bèn tìm đến Đạt, rủ Đạt đi ăn. Thấy cửa mở—vì trong lúc sốt ruột muốn đọc ngay thư Diễm, Đạt đã quên cả đóng cửa—Trang rón rén bước vô, với ý định dành cho Đạt một sự bất ngờ bằng cách đột nhập nhà Đạt.
Nhưng bước vào buồng trong, Trang thấy Đạt nằm thẳng cẳng, mặt úp xuống giường, trong lòng bàn tay còn nắm chặt cái thư của Diễm, thì mười phần, Trang đã đoán được bảy, tám phần sự thực, Trang im lặng ngồi bên đầu giường mà Đạt vẫn không biết...
Mãi khi Trang nhẹ nhàng đặt tay lên đầu Đạt, vuốt tóc Đạt thì Đạt hốt hoảng ngửa mặt lên và khi nhận ra Trang, Đạt mới hoàn hồn, nở một nụ cười gượng trên gương mặt buồn thiu:
- Trang đấy à! Đến lúc nào vậy?
Trang mỉm cười, nhìn vào mắt Đạt:
- Em vừa tới...
Diêã bỏ anh, đi lấy chồng rồi hả?... Đạt giật mình, bất giác nhìn cái thư của Diễm còn cầm trong tay. Đạt đút cái thư vào túi áo, thẫn thờ hỏi Trang:
- Sao em biết?
Trang cười hóm hỉnh:
- Nhìn bộ mặt thiểu não của anh và cái dáng nằm kiểu người chết trôi của anh thì ai mà không đoán rạ..
Nhưng sự thể ra sao mà tan vỡ chóng thế hở anh?...
Đạt cầm lấy tay Trang...
Chưa bao giờ Đạt thấy Trang đến đúng lúc, bằng giờ phút này...
- Hôm nay Trang ở lại đây nhé. Rồi ngày mai, anh và em đi ngao dụ..
muốn đi đâu thì đị..
Trang cười mỉa mai:
- Anh định dùng Trang làm vật giải buồn cho cơn thất tình của anh hay sao?
- Em muốn nghĩ gì thì nghĩ, nhưng không có em lúc này, anh không hiểu anh sẽ sống cách nào...
Đạt chăm chú nhìn Trang, nhìn đôi môi hé mở của Trang rồi không hiểu Đạt nghĩ ra sao, như một người điên, Đạt vít cổ Trang xuống, ôm ghì lấy Trang toan hôn.
Trang bình tĩnh gỡ thoát khỏi vòng tay của Đạt, ngồi dậy, bình tĩnh bảo Đạt:
- Anh quên em là em nuôi của anh sao...
Lúc khác, anh hôn em thì chắc em cũng chả tiếc gì. Nhưng bây giờ...
bây giờ mà anh muốn dùng em lầm vật giải khuây để quên con bé con nhà quí phái nó đá đít anh...
thì xin lỗi anh, em tuy là con đĩ, cũng không thể nào chiều anh được.
Nói xong, Trang đi ra phía “đi văng” ngồi xuống, gương mặt không vui...
Cái giọng chua chát của Trang làm Đạt hối hận về cử chỉ của mình:
- Trang giận tôi đấy à!... Kể ra tôi cũng bậy quá! Đạt vụng về xin lỗi, khiến Trang cười buồn, nói với Đạt:
- Nhưng anh đã ăn gì chưa, em tính đến mời anh đi ăn!
- Chưa ăn gì cả...
Nhưng mặc quần áo đi ra phố, lúc này anh ngại quá. Giá Trang thương anh, ra tiệm, mua cái gì, mang vào cho anh ăn với thì ơn em quá!
- Cũng được. Để em đi cho.
Trước khi ra cửa, Trang còn quay lại hỏi Đạt:
- Anh có muốn, em qua nhà cô Diễm, mời cô ấy lại với anh không?
- Để làm gì?
- Cho anh đỡ khổ!
- Thôi em tha cho anh!
Tưởng Trang nói trêu Đạt, ai ngờ khi ra tới đường, cái ý nghĩ tìm đến nhà Diễm vẫn không ngớt ám ảnh Trang và Trang tự nhủ: “Ừ sao mình không tạt qua nhà cô ả, xem mặt mũi cô ả ra sao, hành tội cho nó một mẻ, rồi về báo tin cho Đạt hay, để Đạt đừng coi thường ta nữa”!
Thế là, trước khi đến tiệm mua món ăn, Trang bảo người tài xế taxi chạy thẳng tới nhà Diễm, vì nàng đã hỏi thăm Tuấn, biết địa chỉ nhà Diễm...
...
Gặp Diễm, Trang soi mói nhìn Diễm, nàng cố làm ra vẻ lịch sự mà giọng nàng vẫn nhiễm đầy khiêu khích:
- Thưa cô, tôi hỏi cô Diễm!
- Diễm là tôi...
Diễm vừa nói, vừa chăm chú nhìn Trang, không biết xếp Trang vào loại người gì, nữ sinh hay gái điếm, vì Trang mang trên gương mặt vẻ cao quí của một nữ sinh và vẻ chán chường hoài nghi của một gái điếm...
Trang tự giới thiệu:
- Tôi là em gái ông Đạt.
Diễm trừng trừng nhìn Trang, quên cả lịch sự:
- Cô là em gái ông Đạt? Em ruột?
- Không, em nuôi!
Rồi Trang mỉm cười như để tự cải chính là nàng cũng không phải em nuôi nốt. Diễm hỏi hơi xẵng:
- Cô đến có việc gì?
Trang bịa ngon lành:
- Anh Đạt sai tôi đến mời cô lại chơi. Vì sớm mai, anh tôi đã phải đi xa, anh tôi có điều cần muốn nói với cô trước khi đị..
- Ông Đạt đi đâu, mà lại đi xa?
- Anh tôi định bỏ Sàigòn...
đi ngao dụ..
Nghe Trang nói, Diễm bắt đầu nghi ngờ...
Nàng không tin là Đạt có thể nhờ một thiếu nữ chưa hề quen biết Diễm, tới nhà Diễm để mời nàng.
- Xin lỗi cô. Cô là em ông Đạt mà sao tôi chưa bao giờ được gặp cộ..
- Tôi không ở cùng anh tôi...
Tôi ở bên “bin đinh” Cửa Long nên cũng ít khi gặp anh tôi.
Rồi Trang nói tiếp, giọng đầy khiêu khích:
- Tôi là Trang, làm vũ nữ!
- Làm vũ nữ?
- Dạ.
Diễm nghiêm nét mặt, nói với Trang:
- Cô làm ơn nói với ông Đạt—nếu quả tình ông Đạt nhờ cô lại đây và nếu ông cần nói chuyện với tôi thì mời ông tới nhà.
Trang mỉm cười hơi chế nhạo:
- Cô ác quá! Anh tôi đang đau khổ...
Diễm phác một cữ chỉ tỏ ý muốn chấm dứt câu chuyện, làm Trang lại càng muốn trêu Diễm:
- Vậy cô nhất định không lại?
Diễm không trả lời câu hỏi của Trang, điềm nhiên chào Trang:
- Xin chào cô!
- Nghĩa là cô đuổi tôi?
- Dạ!
Tiếng “dạ” của Diễm làm Trang tự nhủ: “Con bé này cũng ghê lắm! Hèn nào Đạt mê nó...
” Nàng cúi đầu rất lịch sự theo kiểu một vũ nữ chào một “kỵ mã” và nỡ một nụ cười duyên dáng khá “mất dạy”:
- Vậy xin kín chào cô!
Rồi Trang rút liền, vừa đi vừa cười thầm trong lòng. Nàng hấp tấp tạt qua tiệm ăn, mua một vài món rồi trở về nhà Đạt.
- Đi đâu mà lâu thế em?
- Em tới nhà cô Diễm, người yêu của anh!
Đạt hiểu là đối với Trang, bất cứ điều gì cũng không phải là chuyện đáng ngạc nhiên nên một lúc sau, khi thấy Trang vẫn tủm tỉm cười, Đạt mới thủng thẳng hỏi:
- Có gì lạ không?
- Chẳng có gì lạ cả. Em đến để xem mặt mũi cô ta ra sao mà anh mê dữ dội đến thế! Em phải nói bịa là anh sai em tới mời cô ta lại chơi!
- Sao em không nói bịa luôn là anh đã tự vận chết!
- Để lần sau...
Kể ra cô ấy cũng đẹp! Nhất là yêu anh lắm!
- Sao em biết?
- Thoáng qua là em hiểu chứ!
Đạt lắc đầu:
- Em phá anh ghê quá!
Trang vội cãi:
- Đâu có phá! Trái lại, chính em giúp anh, làm cho cô ả càng không dứt tình nổi; em giúp anh như vậy mà gọi là phá à?
- Cám ơn em.
Trang cười lanh lãnh:
- Anh si tình quá anh ơi! Theo nhận xét của em thì anh chỉ còn có một cách để thoát khỏi sự ám ảnh của cô ả...
- Cách nào?
- Ngủ với cô ta chứ còn cách nào nữa! Ngủ với cô ta là hết! Anh muốn khỏi khổ vì nhớ thương lơ mơ suốt đời thì chỉ còn phương kế duy nhất đó...
Nghe em đi, thì rồi ra anh mới mong còn lập được sự nghiệp...
Đạt phì cười, nói trêu Trang:
- Em xin anh ngủ với người khác...
Thế mà anh mới toan hôn em, em đã cự tuyệt...
- Ồ kìa! Em xin anh ngủ với cô ả vì anh yêu cô ả, thế là hợp lý...
Chứ còn em, em không phải người yêu của anh, anh hôn em thì loạn to rồi...
Em cự tuyệt là phải chứ!
...
Trang chớp mắt, nói lảng sang chuyện khác:
- Thôi để em dọn các món ăn cho anh ăn, rồi còn ngủ trưa, chứ cãi vã với anh chán quá.
Hai người lặng lẽ ăn, không ai nói gì...
Ăn xong, Trang thu dọn bàn, lấy nước, lấy tăm cho Đạt rồi hỏi:
- Nhà anh chỉ có một cái giường thôi à! Anh có cái ghế bố nào không?
- Không có. Em muốn ngủ trưa phải không?
- Dạ.
- Anh nhường giường của anh cho em nằm. Anh không cần ngủ trưa vì anh mất bận...
- Bận gì?
- Anh bận viết thự..
- Cho cô Diễm?
- Đại loại như vậy! Nhưng mai em đi ngao du với anh thực chứ?
- Đi cũng được!
- Thế thì anh phải viết thư ngay lúc này...
Nghe Đạt nói, Trang ức lắm, nhưng nàng vẫn làm ra vẻ thản nhiên, hỏi:
- Anh có cái áo cánh nào không?
Đạt cười:
- Áo cánh đàn bà làm gì có! Chỉ có bộ đồ ngủ của anh!
- Cũng được! Cho em mượn cái “pyjama” của anh để em thaỵ..
Trang làm ra vẻ buồn ngủ lắm, nàng nhắm mắt, nằm cong queo như con tôm. Trang tưởng mình sẽ ngủ thiếp đi được ngay, nhưng càng nằm, Trang càng thấy tức, thấy giận Đạt: Trang biết nếu Đạt tiến lại giường, nằm bên cạnh nàng để “quấy” nàng thì nàng sẽ cương quyết cự tuyệt. Nhưng Trang nằm một mình trên giường, để mặc Đạt ngồi lúi húi viết thư cho Diễm thì Trang cũng thấy tức! Đã có lúc, Trang có ý tưởng,chạy lại phía Đạt xé tan trang giấy Đạt đang viết rồi bỏ về. Nhưng Trang vẫn nhắm mắt, vờ ngủ. Có tiếng Đạt hỏi:
- Trang ngủ rồi à?
Trang vờ ngủ, không trả lời...
Đạt tới bên giường Trang nằm, đứng nhìn Trang một lát rồi không hiểu Đạt nghĩ gì, Đạt lại bỏ ra phía ngoài lấy giấy bút viết thư cho Diễm. Đạt ngồi thừ tới mười phút mà vẫn chưa viết được chữ nào...
Mãi hai giờ sau, Đạt mới xong cái thư cho Diễm.
Diễm.
Cho đến giờ phút này, anh đọc cái thư của Diễm không biết lần thứ mấy, mà anh vẫn không tưởng tượng nổi là mai mốt Diễm sẽ vĩnh biệt anh, đi lấy chồng, yêu một người khác không phải là anh, sống với một người khác không phải là anh.
Vì tâm hồn anh không chịu tin, không muốn tin...
Cho nên giờ phút này, anh vẫn chưa nhận thức được, chưa cảm thấy tất cả cái buồn, cái đau khổ ghê gớm của sự phải xa em, vĩnh biệt em. Có lẽ phải đợi đến khi em thật sự đi lấy chồng, thật sự nằm trong cánh tay người khác thì anh mới hiểu nổi thế nào là cái khổ, cái tê tái của kẻ mất người yêu. Chứ bây giờ thì anh vẫn còn tin rằng sẽ có những biến cố bất ngờ làm đảo lộn tình thế khiến không bao giờ anh mất em! Biến cố gì, anh cũng chả hình dung nổi, tưởng tượng nổi, nhưng với cái lý luận tình cảm của anh, anh vẫn cho là anh nhất định yêu em thì anh nhất định không mất em...
Đó là anh lý luận như vậy, nhưng khi mất em thực, khi em lấy chồng thực, thì anh vẫn mất em như thường, em vẫn yêu chồng em như thường có phải không em!
Em đừng nghĩ là anh định mỉa mai em, cũng như trong thư em viết cho anh, em bảo anh giúp đỡ em quên anh. Anh hiểu là em nói thực, diễn tả đúng tâm trạng của em, nhưng em có biết là những điều em viết làm anh buồn lòng thế nào không?
Thực ra, nếu em lấy chồng thì anh lo làm sao quên được em cũng là điều cực nhọc cho anh lắm rồi, còn nói chi đến chuyện giúp em để em quên anh!
Em bảo anh, nếu em lấy chồng thì anh cũng đừng sống độc thân nữa. Nhưng lấy ai bây giờ? Em khuyên anh nên lấy Uyển rồi lại dặn anh đừng lấy Uyển...
Đúng như em viết, thà anh lấy ai thì lấy chứ lấy Uyển để em trở thành “em vợ” của anh, là điều anh không quan niệm nổi...
Rất có thể một ngày kia, em lấy chồng rồi, anh nhớ thương em quá thì anh sẽ tính chuyện yêu Uyển, yêu Uyển để mà tưởng nhớ đến em chứ không phải yêu để mà lấy Uyển! Không biết có phải anh “lãng mạn” hay không, nhưng anh vẫn cho rằng trong đời, mỗi người chúng ta chỉ có thể yêu một lần, cũng như chết một lần...
Cho nên dù sau này, anh có yêu ai, em có yêu ai, thì tình yêu đó cũng chỉ là biến thể của tình yêu duy nhất của chúng ta hiện tại...
Còn lấy vợ thì chắc là anh không lấy, nhưng nếu cần lấy vợ thì có nhẽ anh sẽ lấy Trang. Cái lai lịch của Trang cũng tội nghiệp lắm:
Nó là học trò cũ của anh và là em gái của Lê Tuấn, người họa sĩ vẽ bức chân dung cho Huyền đó!
Nó bị người bạn mất dạy của Lê Tuấn lừa dối, phá hoại cuộc đời con gái, lại gặp lúc gia cảnh túng thiếu, thế là từ cuộc đời trong trắng ngây thơ của một nữ sinh, nó bước vào nghiệp vũ nữ. Anh thấy nó cay cú với cuộc đời lắm, nhất là cay cú với những người con gái còn trong trắng ngây thơ như em. Anh biết nó oán hờn vì không được cái phần hạnh phúc nhỏ bé, đường hoàng của những người con gái lương thiện, cho nên nó thốt ra toàn giọng khinh bạc, ngạo đời.
Em bảo rằng trước khi em chính thức nhận lời lấy Khải, em muốn làm vui lòng anh một lần cuối, và anh muốn bất cứ điều gì thì em cũng sẽ chiều lòng anh. Chẳng cần em phải dăn dặn anh đừng có làm điều gì xúc phạm tới chút tình trong trắng của anh và em, dĩ nhiên là anh sẽ không bao giờ yêu cầu em điều gì không xứng đáng với anh, không xứng đáng với em.
Đã gần bảy năm nay, anh chẳng vẽ được cái gì, mà cũng chẳng viết, chẳng sáng tác được cái gì...
Bây giờ nếu em đi lấy chồng thì anh sẽ theo lời em khuyên, sẽ trở lại vẽ và viết...
Và trước khi em chính thức nhận lời lấy người khác, anh mong sẽ được tiếp em tại nhà, và em sẽ ngồi cho anh vẽ bức chân dung của em, bức chân dung của Diễm, cháu của “chú” của Diễm, người yêu của anh, bức chân dung của Diễm trước khi trở thành bà Khải...
Đứng về phương diện kẻ si tình yêu em trong bao đêm trường vẫn hình dung vái thân hình trác tuyệt mà hồi nhỏ anh đã bồng bế, anh muốn bức chân dung đó là bức chân dung em để trần, hở vai và ngực, nhưng anh sợ em hiểu lầm, cho như thế là xúc phạm tới chút tình trong trắng của anh và em. Sự thực thì khi đề nghị với em điều này, không những anh không hề có một ý nghĩ đen tối, thấp hèn nào, mà trái lại, anh vẫn tôn trọng em như một thần tượng cao xa vòi vọi, mà anh không với tới. Chỉ có những kẻ phàm phu tục tử mới nhìn thân hình người đàn bà do Chúa nhào nặn, với những cảm giác, ý nghĩ thấp hèn, chứ khi người ta yêu thực như anh yêu, thì thân hình tuyệt mỹ của người yêu, chỉ có thể gợi cho anh những cám giác mông lung cao đẹp.
Vậy thì tùy em, em muốn cho anh vẽ bức chân dung của em cách nào cũng được.
Nếu em nhất định lấy Khải thực, thì chiều Thứ Năm này, anh sẽ đợi em ở nhà để vẽ bức chân dung của em...
Kể ra, không cầm em ngồi làm “mẫu” anh vẫn có thể thấy như hiển hiện trước mắt anh, khuôn mặt em, làn tóc em, vành môi em, cũng như tuy anh không còn bồng bế em như hồi thơ ấu, anh vẫn tưởng tượng được, hình dung được, từng nét, từng đường của thân hình em...
Nhưng Thứ Năm này, sở dĩ anh muốn em ngồi trước mặt anh là để anh được nhìn đôi mắt em, ghi lại cái gương mặt não nùng của người thiếu nữ tạ từ kẻ yêu mình để đi lấy chồng...
Anh dự định hôm nào em chính thức nhận lời lấy người khác, thì anh cũng bỏ Sàigòn đi ngao du một thời gian và anh sẽ rủ Trang cùng đị..
Anh không biết sẽ đi đâu, miễn là xa cái không khí ngột ngạt của Sàigòn để, những đêm trăng giãi, có thể ngồi hút thuốc lá ngắm trăng, suy gẫm về cái lẽ sống ở đời...
về những thảm kịch đau xót của tình yêu...
Em ở lại Sàigòn, nếu tưởng nhớ tới anh thì vào những đêm trăng sáng, em hãy tạm thoát ly khỏi cảnh ồn ào, tạm bợ xung quanh, ngước mắt lên nhìn trời, nhìn trăng thì sẽ bắt gặp hồn anh đang bị hình ảnh em ray rout...
Buồn quá em nhỉ!...
Anh đặt lại câu em viết trong thư “buồn quá anh nhỉ” để lòng lại hỏi lòng, là giữa em và anh, ai buồn hơn ai? Chắc là anh buồn hơn em, vì chỉ trong năm mười năm nữa, anh sẽ như Ba em lúc này, bước vào tuổi của những cuộc tính sổ, “Âge des bilans”! Còn em đang ở cái tuổi hăm hở xây dựng, vỡ mộng này thì luôn mộng khác! Chỉ năm, mười năm nữa, anh cũng sẽ như Ba em lúc này, bần thần “tính sổ” cuộc đời để mà chua chát thấy rằng bao nhiêu thành công, bao nhiêu thất bại, bao nhiêu lo âu, bao nhiêu mừng tủi, chỉ là để đưa tới gần miệng lỗ! Có nhẽ vì Ba em chợt tỉnh, thấy rằng công danh, sự nghiệp, tiền tài v.v...
đều là hư ảo và chung qui chỉ có Tình Yêu là thực, cho nên đột nhiên Ba em mới “bốc đồng” vội vã yêu, vội vã sống...
Ba em nghĩ vậy là đúng! Chân lý cuối cùng ở đời vẫn chỉ là yêu! Yêu là sống và sống là yêu!
Cho nên dù em có cương quyết giã từ anh để di lấy chồng, vẫn không có gì ngăn cấm anh yêu em, mãi mãi yêu em! Chắc em nhớ cái giây khắc ở Ao Bà Om, em gục đầu vào ngực anh và anh nâng cằm em lên để nhìn em khóc...
Những giây phút phù du mà thiên thu ấy, chính là những giây khắc duy nhất mà chúng ta sống thực, sống vĩnh cửu vì thoát khỏi sự chi phối của thời gian và không gian! Đời còn những giây khắc ấy, thì sự sống vẫn đáng sống và anh còn biết yêu say mê thì tức là anh chưa chết! Cho nên dù sao đi nữa, dù có vật đổi sao dời, anh vẫn tin là anh không bao giờ mất em, và dưới những dòng này, anh nhất định không viết “vĩnh biệt” như em đã viết. Anh chỉ tạm ngừng nơi đây, và thư sau sẽ dài hơn thư này.
Đạt.
Đã gần mười lăm phút, Hòa ngồi trước mặt Thoại, tại nhà riêng của Thoại, mà Thoại vẫn loay hoay chưa biết khởi sự cách nào để nói với Hòa những điều Thoại cần nói. Thoại vừa là bác sĩ điều trị cho Thúc, vừa là bạn thân của vợ chồng Thúc. Thoại chuyên trị phổi nhưnglại sở trường về khoa tâm phân học nên căn bệnh phức tạp của Thúc, Thoại hiểu hơn ai hết. Thoại biết là bệnh Thúc khó chữa vì bệnh Thúc là bệnh phổi cộng thêm một bệnh tinh thần trầm trọng. Thoại định áp dụng một phương pháp điều trị táo bạo để may ra chữa khỏi cho Thúc. Nhưng muốn thực hiện phương pháp của mình, Thoại cần có sự hợp tác của Hòa, vì Thoại thừa biết là Hòa rất hay ghen mà Hòa ghen thì mọi việc sẽ hỏng hết. Cho nên Thoại mời Hòa lại nhà để trình bày kế hoạch của mình, với hy vọng thuyết phục Hòa để Hòa thông cảm, làm theo đề nghị của Thoại. Nhưng bản chất tế nhị, nhất là khi phải mổ xẻ những vấn đề tâm lý, tình cảm, Thoại loay hoay chưa nên bắt đầu thế nào, khiến Hòa tưởng nhầm bệnh Thúc nguy kịch. Bà hơi thất sắc, hỏi Thoại:
- Anh đừng giấu tôi. Anh thấy bệnh nhà tôi thế nào?...
Thoại giải thích:
- Bệnh trạng của anh không có gì hiểm nghèo cả, nếu biết cách chữa! Cần nhất là biết chữa! Sở dĩ tôi mời chị lại đây, là để bàn với chị về cách chữa cho anh! Bởi vì căn bệnh của anh thuộc về tinh thần. Muốn chữa khỏi cho anh, chúng tôi cần có sự hợp tác thật chặt chẽ của chi....
!
- Anh làm ơn giảng cho tôi biết tôi phải hợp tác cách nào?...
Thoại im lặng một lúc trước khi lên tiếng:
- Chị cũng hiểu một quy luật sơ đẳng của tình yêu là tình yêu càng gặp cản trở, khó khăn thì tình yêu càng trở thành cuồng nhiệt, điên rồ. Vì vậy, tình yêu sống bằng cản trở, mà chết vì được thỏa mãn. Cho nên để giải thoát cho anh Thúc, đề nghị đầu tiên của tôi là không những chị nên mặc cho anh Thúc gặp bà Hằng mà còn ngầm khuyến khích cho hai người tiếp tục yêu nhau. Tôi tin rằng chẳng bao lâu, hai người sẽ chán nhau nếu tình yêu của họ không gặp sức cản trở. Đòi hỏi một người vợ phải nhắm mắt để cho chồng muốn yêu ai thì yêu, sẽ khôn là một điều trên sức chịu đựng của chị, nếu chị hiểu là tính mạng, đời sống của anh Thúc lúc này là ở trong tay chị. Chị nghĩ thế nào?
- Anh cứ nói nốt!
- Điểm thứ hai mà tôi muốn đề nghị với chị, là chị nên sửa soạn đổi chút ít cái nghệ thuật duy trì tình yêu của chồng, bởi vì theo tôi thấy, thì cái nghệ thuật làm vợ cũ chị hơi cổ điển, hoặc nói một cách khác, thì chị chỉ biết nghệ thuật làm vợ, không để ý tới nghệ thuật làm người yêu...
Thời buổi này, mà người đàn ông rất dễ bị quyến rũ, thì người vợ, ngoài cái nghệ thuật làm vợ, phải thấu triệt cái nghệ thuật làm một người yêu của chồng thì mới duy trì được tình yêu của chồng...
Bị chạm tới lòng tự ái, Hòa mỉa mai đáp:
- Tôi làm sao có được những mánh khóe, thủ đoạn, của những người đàn bà đi quyến rũ người khác, đi quyến rũ chồng người...