Phần IV- 1

Khải vẫn còn say khước, nhưng chàng làm bộ tỉnh táo, một tay chàng cầm “vô lăng” xe, một tay chàng ôm ngang lưng Diễm, giọng sặc mùi rượu:
- Ngày mai, anh với em—chúng ta bắt chước cô dâu, chú rể—sẽ tổ chức một tuần trăng mật “tục bản” đi!
Hai vợ chồng Khải vừa đi dự đám cưới Đạt và Trang về. Đám cưới rất giản dị, thân mật. Đạt chỉ mời một thiểu số bạn hữu thân nhất, bốn chị em Uyển đều có mặt, vì Uyển đã được tại ngoại hầu tra. Sự có mặt của Khải trong đám cưới, chứng tỏ Diễm đã thành công: do lòng thành khẩn, do sự tận tình kiên nhẫn và cố gắng của mình, cộng với sự giúp đỡ của Trang, của Đạt, Khải đã hết mê Trang, đã trở về với gia đình, và không những thế, chàng đã hoàn toàn hết nghi ngờ Đạt và Diễm...
Thái độ cởi mở của Khải khi đi dự đám cưới Đạt, chứng tỏ Khải hoàn toàn bị Trang thuyết phục. Vì, giữ lời hứa với Diễm, Trang đã tận tình tán dương Diễm với Khải. Trang nói cho Khải biết là nàng và Đạy yêu nhau từ lâu, và đối với Diễm trước kia cũng như bây giờ, Đạt chỉ có những cảm tình của một người giáo sư đối với học trò. Nếu những lời trên do Diễm hay Đạt nói với Khải thì chưa chắc Khải đã tin, nhưng những lời đó lại do Trang, người yêu và vợ của Đạt nói ra, thì Khải không có lý do gì không tin. Nhất là Trang lại vờ thú thực với Khải rằng nàng sở dĩ tìm cách làm thân với Khải, và đóng cái kịch say mê Khải, là để xem Diễm phản ứng ra sao, xem Diễm có thực yêu Khải không, xem cảm tình của Diễm đối với Đạt ra sao v.v...
Rồi nàng kết luận rằng sau khi đã đem bài toán của nàng ra thử lại, thì nàng thấy rõ là giữa Đạt và Diễm “không có gì” cả, và Diễm hoàn toàn là một người vợ hiền, một lòng một dạ, chỉ biết thương yêu Khải...
Với cái tài nói dối của một vũ nữ sành tâm lý đàn ông, Trang đã bịa chuyện, đã thêu dệt, khiến Khải không những hết nghi ngờ vợ, mà còn trở lại say mê Diễm như thời kỳ chưa lấy Diễm. Nhất là khi dự đám cưới của Đạt, chàng đã chứng kiến tận mắt hạnh phúc của hai vợ chồng Đạt. Khải dầu sao cũng chưa dày dạn kinh nghiệm bằng Trang, nên chàng dễ tin. Trang thì không quá ngây thơ như Khải, nàng hiểu rằng Đạt và Diễm chưa dễ dàng gì mà quên được nhau, nhưng nàng thành thực tin ở phẩm cách, đường hoàng của Diễm, cũng như Trang tin Đạt yêu mình, tuy tình yêu đó không giống tình yêu của Đạt đối với Diễm. Không những thế, tuy cảm phục thái độ của Diễm, Trang vẫn tự hứa với mình, là bằng tình yêu của nàng, bằng sự săn sóc tến nhị của nàng, sự cố gắng của nàng, nàng sẽ làm cho Đạt quên mối tình của chàng đối với Diễm: Chỉ có Đạt là vẫn mang cái tâm trạng chưa dứt khoát cố hữu của mình. Nếu không có Uyển ở khám ra thúc giục thì chưa biết bao giờ đám cưới mới thành tựu! Đạt còn nhớ lời dỗ ngọt của Uyển: “Thầy phải quyết định đi chứ! Trong bao nhiêu năm nay, thầy cứ đứng ỳ ra, nhìn người khác đáp tàu, đi đây đi đó...
Thầy không chịu “đáp tàu” thì suốt đời thầy, thầy sẽ không đi tới đâu cả...
Thầy nên nghe em, cứ đáp tàu đi, mà đã lên tàu, thì tất nhiên sẽ tới bến”...
Nghe Uyển nói, Đạt đã phì cười, vui vẻ gật đầu: “Ừ, thì đáp tàu, rồi muốn tới bên nào thì tới”. Thế là chàng để mặc Uyển, Diễm, Huyền lo việc cưới xin cho mình. Không phải là Đạt miễn cưỡng lấy Trang. Trái lại, chàng vui vẻ và nhiều lúc sung sướng thực tình, chàng thấy yêu mến Trang thực tình. Nhưng có nhẽ chàng chưa tin ở mình, nên tuy chàng lấy vợ, mà chàng vẩn có cảm tưởng hình như tất cả những việc đứng đắn, quan trọng, “đánh dấu một khúc ngoẹo trong đời chàng” như Tuyết nói đùa, là việc của ai chứ không phải của chàng. Bởi vì chàng chưa thấy mình sống một cách thật đầy đủ, trọn vẹn cái tâm trạng của một người “đi lấy vợ”. Chàng thấy mình vẫn là mình, chưa có gì thay đổi. Cả đến khi chàng đứng bên cạnh Trang, tay Trang cầm bó hoa cổ điển của những cô dâu, trong giây lát, chàng thấy Trang hoàn toàn không còn là một cô vũ nữ, nàng e lệ, sung sướng như một cô dâu một trăm phần trăm. Đạt càng tự nhủ: “Lấy vợ, có thế này thôi á?”...
...
Dự đám cưới Đạt, Diễm đã cố gắng phi thường để đóng trọn vẹn vai trò của mình. Thái độ giản dị đường hoàng, tự nhiên, không vương vấn một chút mặc cảm nào của nàng đối với Đạt, đã làm cho Khải thêm yêu vợ, đinh ninh rằng vợ mình chưa hề yêu một người nào khác ngoài mình...
Chính Diễm cũng không ngờ là nhiều lúc, nàng cảm thấy vui và sung sướng thực tình—chứ không có gì gượng ép—trước cảnh âu yếm của vợ chồng Đạt. Mãi tới khi r axe, ngồi bên cạnh chồng, Diễm mới thấy mệt mỏi, cô đơn như chưa bao giờ nàng thấy cuộc đời mệt mỏi, cô đơn đến thế...
Thấy Khải đề nghị hai vợ chồng sẽ tổ chức “tuần trăng mật” một lần nữa, tự nhiên Diễm ứa nước mắt. Nàng trìu mến, tha thiết nắm lấy cánh tay chồng. Khải một tay lái xe, một tay vuốt lên mái tóc Diễm, thủ thỉ bên tai vợ:
- Nghe nói Đạt đã thuê một túp nhà của một gia đình đánh cá ngoài Vũng Tàu và ngay tối hôm nay, sau khi khách về hết, hai người sẽ đưa nhau đi sống một tháng trăng mật ngoài đó, cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè, với xã hội, với đời sống hằng ngày...
Ta có nên làm như họ không em?
Tự nhiên, Diễm thấy xót thương cả chồng lẫn mình:
- Anh đưa em đi đâu, em cũng vui lòng, miễn là anh đừng cho em biết trước là đi đâu...
để tăng cái thích thú của Bất Ngờ...
Diễm xích lại gần chồng, bàn tay nàng níu chặt lấy cánh tay Khải, hầu như Diễm sợ cái lạnh, cái cô đơn của ban đêm đang dâng lên, bao vây lấy nàng...
Khải sung sướng cúi xuống hôn lên trán vợ, trong khi xe của chàng vẫn phóng rất nhanh so với tốc độ hạn chế trong thành phố. Chàng cúi xuống hôn vợ, ngẩng lên, thì xe của chàng vừa tới một ngã tư, và một cái xe “camion” lừ đừ đâm ngang vào xe Khải. Đáng nhẽ Khải dừng xe nhường tay mặt cho xe vừa tiến tới, thì Khải hầu như không nhìn thấy gì, chàng cũng không kịp hãm xe, và Diễm chỉ kịp thốt lên một tiếng kêu “chết rồi” thì xe của Khải đã đâm đầu vào cái xe “camion” đồ xộ, vững vàng. Trong khoản khắc, cái xe của Khải không còn là cái xe nữa: nó co rúm, tan nát rùng rợn đến nỗi khi Cảnh sát công lộ đổ xô tới, mọi người đều cho rằng hai vợ chồng Khải, đếu bất tỉnh như nhau, ra khỏi xe. Khải bị tử thương vì “vô lăng” xe đập trúng ngực, đưa tới bệnh viện thì chỉ hơn năm tiếng đồng hồ sau, Khải đã tắt thở, tắt thở mà không hề có một phút nào hồi tỉnh, chàng mê man suốt từ lúc tai nạn xảy ra cho tới hơi thở cuối cùng. Diễm cũng bất tỉnh, nhưng nàng tương đối bị thương nhẹ hơn Khải, và chỉ một giờ sau, nàng đã hồi tỉnh. Lời nói đầu tiên của nàng là hỏi thăm tin tức chồng. Bác sĩ trông nom cho Diễm dặn mọi người nói dối Diễm là tình trạng Khải không có gì nguy hiểm và Khải hy vọng sẽ bình phục trong ít ngày nữa...
Diễm tỉnh được vài giờ thì nàng bắt đầu lên cơn sốt miên man. Sáng hôm sau, khi cơn sốt chấm dứt, Diễm đã thấy bọn Uyển, Huyền, Tuyết ngồi bên giường nàng, và thoáng nhìn gương mặt tuyệt vọng của họ, Diễm hiểu ngay là Khải đã chết. Diễm điên cuồng, nằng nặc bắt mọi người phải đưa nàng tới nhà xác nhìn thi thể Khải một lần cuối cùng trước khi khâm liệm. Bác sĩ biết là ngăn Diễm cũng vô ích và ông rất lo ngại những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho Diễm, nếu Diễm nhìn thây thi thể chồng, nhưng ông cũng đành tặc lưỡi, cho người dìu Diễm xuống nhà xác...
Khi bàn tay Diễm run run lật tờ giấy bản phủ trên khuôn mặt nhợt nhạt, câm nín với hai mắt đóng nghiền của Khải, Diễm mới ý thức một cách thật đầy đủ, là Khải chết thực, chết hoàn toàn, nguyên vẹn...
Nàng không có tội gì với Khải, nàng đã tận tình cố gắng yêu Khải, như chưa có người đàn bà nào nhẫn nhục, cương quyết yêu chồng bằng nàng, nhưng nhìn khuôn mặt Khải, tự nhiên Diễm thấy lòng quặn đau đến tê dại vì hối hận. Hối hận về điểm gì, nàng cũng không biết rõ, nàng chỉ mơ hồ cảm thấy là Khải chết vô lý, mà Khải chết vô lý là vì nàng, là do nàng...
Diễm vuốt tóc Khải, gục đầu xuống bên cánh tay Khải, cái cánh tay mà nàng đã níu, đã siết chặt lấy cho đỡ cô đơn, khiến Khải cúi xuống hôn nàng, để lao vào cái chết...
Một tia sáng lòe ra trong đầu óc Diễm, và Diễm chợt hiểu tại sao mình lại bị hối hận rày vò, mặc dầu đã tận tình chung thủy thương yêu chồng. Diễm chợt hiểu sở dĩ nàng níu lấy cánh tay Khải, khiến Khải cúi xuống hôn nàng, do đó tai nạn xảy ra, nàng níu lấy cánh tay Khải chính là vì nàng sợ cô đơn hơn là vì bồng bột yêu chồng, và niềm cô đơn trong lòng nàng đã đem bao nhiêu công phu, tâm huyết để thực hiện cho bằng được. Vậy thì, tuy nàng thành khẩn, tận tình với Khải, nàng vẫn là kẻ chịu trách nhiệm tinh thần về cái chết đau thương của Khải...
Vẫn biết là nàng không ghen tỵ với hạnh phúc của Đạt, vẫn biết là chính nàng đã góp phần rất đắc lực để cho đám cưới của Đạt sớm thành tựu nhưng sự thực là khi về, nàng đã không tự ngăn nổi một cảm giác cô đơn, và chính cái cảm giác cô đơn đó là nguyên ủy cái chết của Khải! Ý nghĩ này làm Diễm ngất lịm đi! Chỉ một phút sau, nàng hộc ra nhiều máu tươi và người ta phải khiêng Diễm trở về phòng...
Diễm sốt miên man, và trong cơn mê hoảng, thỉnh thoảng Diễm lại lắp bắp nói mê: “chỉ tại mình...
chỉ tại mình”, khiến mẹ Diễm và bọn Uyển, Huyền lo lắng, hoảng sợ nhìn Diễm. Mọi người đều tin ở Diễm, tin ở lòng chung thủy, tận tâm của Diễm đối với chòng, mọi người đinh ninh là Diễm không có trách nhiệm gì trong tai nạn xảy ra. Thế mà, nghe Diễm nói mê, Hòa cũng như các con bà, rùng mình nghĩ tới những bí mật ghê rợn của đời sống, của tâm hồn con người...
Diễm sốt mê man, và tình trạng thêm trầm trọng vì những vết thương ở cơ thể Diễm chưa thấm thía vào đâu với vết thương nội tâm, do cái chết của Khải gây nên, khiến bác sĩ phải thú thực với Uyển, là trừ khi Diễm muốn tự cứu, nếu Diễm không tự cứu thì không ai cứu nổi Diễm. Trước những thử thách ghê gớm đe dọa gia đình mình, Uyển hầu như không nghĩ tới bản thân mình nữa: nàng an ủi mẹ vì bà Hòa cũng bắt đầu lâm bệnh do lo nghĩ và buồn phiền quá sức. Uyển quán xuyến việc nhà, vì Huyền cũng đã nghĩ dạy học và Tuyết nghỉ ca hát, và gia đình Uyển rất túng quẫn. Uyển lo thuốc thang cho Diễm, bàn với bác sĩ về cách chữa bệnh cho Diễm. Nàng kể cho bác sĩ nghe tất cả sự thực về Diễm, và hỏi ý kiến bác sĩ có nên đi tìm Đạt về, để Đạt gặp Diễm hay không, vì ngay từ đêm xảy ra tai nạn, hai vợ chồng Đạt đã đưa nhau ra Vũng Tàu thuê một túp lều, sống tuần trăng mật ngoài đó. Hai vợ chồng Đạt lại ước hẹn với nhau là sẽ không đọc báo, không tiếp xúc, giao thiệp với bất cứ ai trong thời kỳ trăng mật, nên cái tin Khải chết, hai người đều không biết. Bác sĩ suy nghĩ về trường hợp Diễm, rồi khuyên Uyển là không những không nên tìm Đạt, mà còn phải ngăn cản không cho Đạt gặp Diễm, Đạt gặp Diễm có thể làm cho bệnh Diễm khó chữa thêm...
...
Thế là một tháng sau, hai vợ chồng Đạt trở về hồng hào, mạnh khoẻ, yêu đời...
Công việc đầu tiên của họ là mang hai giỏ tôm hùm tới nhà bà Hòa thăm Uyển, Huyền...
Mọi người đi vắng, chỉ có một mình Tuyết đang ngồi buồn thiu một xó. Thấy Đạt cùng vợ bước vào, với bộ điệu, vẻ mặt nhởn nhơ, thỏa mãn của những kẻ phè phỡn hạnh phúc, tự nhiên Tuyết ghét Đạt lạ. Nàng uể oải, miễn cưỡng đứng lên, không giấu nổi cái cười chua chát:
- Ông bà đi “trăng mật” kỹ quá, nên chẳng biết ai chết mà về đưa đám...
Sự sửng sốt, kinh ngạc hiện rõ rệt trên khuôn mặt Đạt. Chàng hỏi dồn Tuyết:
- Đám ma nào...
? Ai chết, cô Tuyết...
?
Tuyết thủng thẳng mời hai vợ chồng Đạt ngồi, rồi chậm rãi trả lời:
- Anh Khải chết vì tai nạn xe hơi, chức còn ai! Chị Diễm thì bị thương nặng, chẳng biết có qua khỏi được hay không!
Sự thực thì bệnh trạng Diễm đã đỡ, nhưng Tuyết ghét mặt Đạt, nên cố tình nói Diễm bệnh nặng để xem Đạt đón cái tin đó ra sao. Đạt chỉ kêu lên một tiếng “trời”, rồi ngồi phịch xuống ghế. Đạt biết là Tuyết nói thực, nhưng Đạt vẫn chưa nhận thức được sự thật, chưa thể quan niệm nổi cái chết của Khải và sự đau ốm thập tử nhất sinh của Diễm lại có thể là một sự thật...
Chàng ngồi yên, mắt mở thao láo nhìn Tuyết, gương mặt như tạc vào đá, thẫn thờ không biết là đau khổ, tuyệt vọng hay dửng dưng. Mãi một lúc sau, chàng mới cất tiếng hỏi Tuyết:
- Anh Khải chết bao giờ? Bệnh trạng Diễm ra sao?
- Chết ngay khi ở đám cưới, ra về...
Đâm đầu vào xe “camion” và chết không kịp trối trăng...
Còn chị Diễm thì gần như mất trí...
- Trời!
Từ lúc bước vào nhà Tuyết, Trang vẫn yên lặng. Không phải là nàng không xúc động về cái tin Khải chết và Diêm đau nặng. Trái lại, nàng rất thương vợ chồng Khải khi được biết tai nạn xảy ra, ngay sau khi hai người dự lễ cưới trở về...
Nhưng nàng không khỏi bực bội thấy rằng cái tin Khải chết và Diễm bị thương, đã làm Đạt quên mất cả vợ, quên mất cả sự hiện diện của Trang...
Tiếng “trời” của Đạt, càng làm cho Trang thấy rằng hình ảnh Diễm đã choán hết tâm hồn Đạt, và Đạt lúc này, không còn tý gì là chồng của Trang, mà hoàn toàn là người yêu của Diễm, mặc dầu Trang đang ngồi lù lù, bằng xương, bằng thịt, trước mặt chồng, mặc dầu một tháng trăng mật đầy ray những kỷ niệm yêu đương đã làm Trang tin tưởng rằng nàng đã chinh phục được tâm hồn Đạt, và Đạt từ nay sẽ vĩnh viễn là của nàng. Vậy mà, chỉ mới có cái tin Diễm đau, Đạt đã vô tình hiện nguyên hình là “người yêu của Diễm”.
...
Trang không muốn ghen tức, nàng chỉ thấy buồn. Nàng thành thực nói với Tuyết:
- Thật là bất ngờ vì đau đớn! Vậy bây giờ chị Diễm ở đâu để chúng tôi lại thăm chi....
Tuyết ngần ngừ một lúc, rồi trả lời:
- Có lẽ chị đợi chị Uyển về, chị ấy sẽ đưa thầy và chị lại...
Đạt tỏ ý sốt ruột:
- Tôi tưởng ở đâu, Tuyết cứ cho chúng tôi biết, chúng tôi lại, hoặc Tuyết đưa chúng tôi lại, khỏi đợi cô Uyển về...
Tuyết lắc đầu:
- Em không thể đưa thầy lại được...
Bất cứ ai tới thăm chị Diễm, đều phải có sự đồng ý của bác sĩ và của chị Uyển...
chị Uyển không muốn chị Diễm có những xúc động mạnh...
Đạt hơi cau có, nói với Tuyết:
- Nhưng đó là đối với người khác...
Còn tôi thì chắc chắn là tôi được phép thăm Diễm chứ?
Tuyết cười lễ phép, nhưng cương quyết:
- Thầy cũng vậy! Dù sao thì cũng phải đợi chị Uyển về...
Liệu thầy và chị có đợi được không...
Nếu không, thì lúc nào chị em về, em sẽ bảo chị Uyển tới thăm thầy và chị ngaỵ..
Thấy Tuyết gọi Đạt bằng thầy và gọi mình bằng “chị”, Trang đã bắt đầu khó chịu. Nàng cố làm ra vẻ bình thản nói với chồng:
- Hay anh ở lại đây chơi đợi chị Uyển về. Em về trước nghỉ một lác, rồi lúc nào đi thăm chị Diễm, anh đưa em đi cùng...
Đạt lúc đó mới sực nhớ tới sự hiện diện của vợ. Chàng miễn cưỡng trả lời:
- Về thì về cả...
chứ anh ở lại, em về, không tiện!
- Có gì mà không tiện?
Rồi Trang uể oải đứng lên. Nàng nhìn hai giỏ tôm hùm mà vợ chồng Đạt mang lại để biếu gia đình bà Hòa, hai giỏ tôm hùm lúc này trơ trẽn và vô lý như cái chết của Khải...
Chả nhẽ lại mang tôm về, Trang nói với Tuyết:
- Tôm chúng tôi mang lại biếu bác, cô cất dùm.
- Cám ơn chị!
Trang quay về phía chồng:
- Mình về hay ở lại?
- Về thì về.
...
Ngồi trên xe, Đạt cũng như Trang đều im lìm, không ai nói với ai, mỗi người theo đuổi những ý tưởng riêng của mình...
Tới nhà, Đạt không thay đồ, đi đi, lại lại trong phòng, mặt đăm chiêu. Thái độ làm Trang hết bình tĩnh.
Trong khoảnh khắc, Trang trút cái vỏ người vợ hiền để trở lại với tâm hồn cô vũ nữ nhiều tự ái và chán đời. Nàng cười mệt mỏi, nói với Đạt:
- Anh đừng đi đi, lại lại nữa. Anh ngồi xuống, em bàn chuyện...
Mãi lúc này, Đạt mới sực tỉnh, thấy mình mải nghĩ đến Diễm mà quên cả vợ. Chàng ngoan ngoãn ngồi xuống, dịu dàng nắm lấy tay Trang, vì chàng hiểu là Trang muốn sinh sự.
Trang châm một điếu thuốc, ngửa cổ hút một hơi rồi thả khói, nhìn làn khói tan biến trong không trung. Đã lâu lắm, Trang mới lại ngang nhiên hút thuốc trước mặt Đạt, vì gần một tháng, Trang đã tự động bỏ đi nhiều thói quen của vũ nữ...
Trang thản nhiên nói với Đạt:
- Anh đừng nghĩ rằng em ghen với cô Diễm! Trái lại, không những em cảm thương cô ấy, mà em còn phục cô ấy là khác! Nhưng anh có thấy không, ở đời cái gì cũng có số kiếp...
Số kiếp đã dàn xếp đề sau tiệc cưới của anh lấy em, thì Khải chết và Diễm trở thành góa phụ! Số kiếp không những trớ trêu mà còn “mất dạy” biết bao! Tại sao Khải lại không chết trước khi anh lấy em, có phải ổn thỏa và đỡ phiền cho tất cả mọi người không?
Cái ý nghĩ trắng trợn mà Trang vừa nói lên chính Đạt đã có một thoáng giây nghĩ tới. Cho nên, nghe Trang nói, Đạt thấy hối hận trong lương tâm, chàng xiết chặt lấy tay Trang:
- Anh van em! Em đừng nói vậy—Em đừng nói cái giọng...
Trang cười ngạo nghễ, tiếp luôn:
- Cái giọng khinh bạc của con vũ nữ, có phải không anh?
Đạt lắc đầu, nhẫn nại:
- Anh van em! Anh đang buồn, em nên an ủi anh, chứ đừng làm khổ anh thêm. Chắc em cũng không nỡ cấm anh thường xót Diễm...
Trang cười ngất:
- Thì em có bao giờ ngăn cấm anh. Chính em muốn giúp anh—thành thật muốn giúp anh—có thể đem hết tâm hồn ra thương xót Diễm, mà không bịn rịn vì em, cho nên em định đề nghị với anh...
Đạt ngồi xuống bên Trang, bịt lấy miệng Trang:
- Em sắp điên rồi! Em đừng nói những điều tầm bậy khiến anh không bằng lòng. Em nên nhớ, em là vợ anh, và người vợ không được phép nói bậy bạ như em sắp nói...
Trang nhẹ nhàng gỡ tay Đạt ra, và nàng lắc đầu:
- Anh đoán trước được em sẽ nói bậy những gì, thì đủ hiểu là anh đã nghĩ...
Không, em không điên đâu anh ạ! Chính việc chúng mình lấy nhau mới là một điều điên cuồng. Nhưng chưa có gì là muộn cả!
Đạt chau mày, tỏ ý khó chịu:
- Anh nhắc em một lần nữa: Em là vợ anh và em không được nói bậy! Em dễ sinh sự quá!
Trang cười mệt mỏi, nhìn thẳng vào Đạt:
- Em không sinh sự đâu anh ạ! Chính cuộc đời, chính số mệnh không muốn để chúng ta yên, nên sinh sự với chúng ta đấy chứ!... Anh vẫn thường dạy học trò là không được phép sợ sự thực, và phải nhìn thẳng vào sự thực...
Em chỉ làm theo lời dạy của anh, em nhìn thẳng vào sự thực, sự thực của tâm hồn anh, của tâm hồn chúng ta, vậy sao anh lại bảo rằng em sinh sự? Có nhẽ chính anh sợ sự thực thì đúng hơn!... Anh kết tội em sinh sự! Trời! Con Trang sinh sự! Sinh sự để làm gì hở anh? Để trở về đời sống vũ nữ chăng?...
Giọng Trang đầy mỉa mai xót xạ..
Nàng cất tiếng cười ròn rã, rồi tự nhiên nước mắt trào ra!
Những lời Trang nói tuy không đay nghiến, oán thán Đạt, nhưng cũng làm Đạt mơ hồ cảm thấy mình có lỗi với Trang. Chàng bá vai vợ, cười thẳng thắn nói với Trang:
- Anh với có tạm quên em mấy phút vì cái tin Khải chết đột ngột quá, thế mà em đã bi kịch hóa vấn đề. Em ghê gớm lắm! Em luôn luôn đòi hỏi cái tuyệt đối của tình yêu...
Mà ở đời làm gì có cái tuyệt đối hở em? Đừng giận anh nữa! Anh xin lỗi em!...
Đạt nói rất thành khẩn khiến Trang cũng nhận thấy là mình khó tính. Đạt lại có những cử chỉ ây yếm, trìu mến đối với Trang—làm Trang cũng nguôi, hết buồn...
Nhưng ngay chiều hôm đó, nhìn gương mặt tư lự, xa vắng của Đạt: Trang hiểu là Đạt đang nghĩ tới Diễm, đang nóng lòng sốt ruột đợi Uyển tới mà Uyển không đến...
Nàng bèn thẳng thắn, vui vẻ bảo Đạt:
- Anh nên nghe em, anh đừng giữ ý với em. Mà em cam đoan với anh là em không buồn, không ghen đâu! Anh nên lại đằng chị Uyển, tìm cách vào thăm Diễm...
Anh vào thăm, rồi lần sau anh cho em đi cùng với...
Trang thúc giục, khẩn khoản mãi, Đạt mới chịu nghe. Chàng mặc quần áo, rồi hỏi vợ:
- Nhưng em ở nhà làm gì? Em nên đi cùng anh, như thế có nhẽ tiện hơn!
Trang phát gắt:
- Khổ quá! Anh vẫn giữ ý hoài! Em hứa với anh là thế nào em cũng lại thăm Diễm. Nhưng hôm nay, thực tình là em nhọc mệt, anh cho em ở nhà.
Đạt đi rồi, Trang vào phòng ngủ, nằm soài lên giường, sai người đày tớ gái đi mua cho nàng một gói thuốc lá, rồi nàng nằm hút đến hết điếu này tới điếu khác. Nàng vớ mấy tờ báo, tạp chí, đọc mà không hiểu mình đọc gì. Nàng đã hứa với Đạt là nàng không buồn, không ghen, nhưng gần hai tiếng đồng hồ sau, khi thấy Đạt vẫn chưa về, nàng bắt đầu thấy buồn và thấy ghen, bồn chồn khó chịu, tưởng chừng Đạt đã lén nàng tìm đến thăm Diễm, chứ không phải chính nàng thúc giục Đạt đến đến thăm Diễm. Trang vẽ trong đầu óc cái cảnh Đạt gặp Diễm, và trí tưởng tượng dồi dào của nàng thêu dệt ra những “pha” thật lâm ly: nào Đạt gục xuống bên cạnh Diễm, nào Đạt vuốt tóc Diễm v.v...
Đột nhiên Trang vùng dậy, sửa sang qua loa bộ mặt, mái tóc, lấy cái sơ mi, một cái váy đầm bó—cái “jupe serrée” mà từ khi lấy Đạt nàng không dám “xài” nữa—mặc vào người, mở ngăn kéo bàn, lấy giấy viết mấy chữ để lại cho Đạt, rồi gọi người đày tớ gái lên dặn:
- Ông có về thì đưa mảnh giấy này cho ông, và thưa với ông là một vài giờ nữa tôi sẽ về...
Và nếu ông chưa ăn cơm thì chị dọn cho ông ăn, đừng đợi tôi...
Trang bước ra đi, nhưng ra tới đường, nàng mới tự hỏi nên đi đâu? Bởi vì nàng thấy cứ nằm nhà mà đợi Đạt về, thì bực bội không chịu nổi, nên nàng mặc quần áo ra đi, tuy nàng không có chủ đích đi đâu. Nàng vẫy taxi, trèo lên xe, rồi một ý nghĩ vụt qua, nàng bảo người tài xế:
- Ông làm ơn cho lại đường Hồng Thập Tư....
Phòng khám bệnh của bác sĩ Triết ở đường Hồng Thập Tự. Triết trước kia vẫn tỏ ra say mê nàng, say mê thực hay giả, nàng cũng không rõ, chỉ biết là Triết cũng đã tấn công, tốn tiền với nàng, nhưng chưa bao giờ, được nàng ban cho cái “ân huệ cuối cùng”, ngoài một vài câu âu yếm thường tình của các cô vũ nữ...
Vừa trông thấy Trang hiện ra trong khung cửa phòng khám bệnh, Triết sung sướng giơ hai tay lên trời:
- Kìa Trang! Sao bảo đi lấy chồng?
Trang bắt tay Triết, mỉm cười, nhưng bộ mặt hơi nghiêm:
- Em lấy chồng rồi! Hôm nay lại nhờ anh chút việc...
Triết chăm chú nhìn Trang:
- Trông em đẹp hơn trước, và nhất là có vẻ “bà”. Em lấy giáo sư Đạt phải không?
Trang gật đầu...
Rồi Trang nói luôn với Triết:
- Hôm nay em lại tìm anh để hỏi ý kiến chuyên môn của bác sĩ về một việc...
- Việc gì?
- Hỏi thực anh, một người đàn bà lấy chồng được một tháng, nêu khám, bác sĩ có thể quả quyết được người đàn bà đó có thai hay không có thai hả anh?
Triết phì cười, lắc đầu:
- Mới có một tháng thì khó mà biết chắc. Nhưng em hỏi cho em hay cho ai?
- Cho em!
Triết tò mò nhìn Trang. Người đàn bà mới lấy chồng, tươi mát chẳng khác một cây khô sau trận mưa rào, sắc đẹp hoàn toàn nẩy nở, rạng rỡ, khiến Triết thoáng có những ý nghĩ đen tối...
Chàng cho là Trang không được thỏa mãn về tình duyên, nên tìm đến chàng. Và chàng tán liền:
- Lấy chồng có vui không em?
- Vui chứ!
- Theo ý anh, một người như em, chả nên lấy chồng...
Em lấy chồng, chưa chắc em sung sướng, mà bao nhiêu người khổ vì mất em...
Em xem, vũ trường từ khi vắng bóng em, chỉ còn là một...
sa mạc đối với anh!
Trang cười chua chát:
- Có nhẽ anh nói đúng...
Em chỉ nên mãi mãi là đồ chơi chung cho các anh, chứ không nên lấy chồng, có phải không anh?
Trang có cái giọng khinh bạc, làm não lòng bất cứ gã đàn ông nào. Triết tiến lên, tiến lại phía sau cái ghế bành Trang ngồi, một tay để lên thành ghết, một tay để trên vai Trang; Triết chưa kịp nói gì, thì Trang đã mệt nhọc gỡ tay Triết ra:
- Anh nên nhớ em là bà Đạt, chứ không phải cô Trang, vũ nữ...
Triết cười bài bây:
- Đối với anh, thì Trang vẫn là Trang!
Triết cúi xuống hôn ẩu lên mái tóc, lên trán Trang. Triết không ngờ gặp phải ứng quyết liệt của Trang: Trang đứng lên, nghiêm giọng bảo Triết:
- Tôi đến đây không phải để anh tán bậy...
Ngán quá...
Thôi tôi về...
Trang đường hoàng đưa tay bắt tay Triết. Triết sượng sùng cầm tay Trang:
- Anh thành thật xin lỗi Trang. Lâu ngày không gặp, nhớ Trang ghê, nên có cử chỉ hơi sổ sàng...
Trang biết mình nặng lời. Nàng cười làm lành:
- Chính em cũng có lỗi với anh. Em đang có chuyện buồn, không muốn ai trêu cợt mình. Anh đừng giận Trang nhé...
- Không bao giờ!
...
Ra khỏi nhà Triết, Trang lại càng cảm thây bơ vơ, lạc lỏng, không biết đi đâu. Nàng đã viết thư để lại cho Đạt, hẹn khoảng chín giờ tối, nang sẽ về, mà lúc này mới chưa đầy bảy giờ...
; Trang cố moi trong đầu óc, địa chỉ một đứa bạn nào đủ thân để nàng có thể thổ lộ tâm tình, nhưng nàng tìm mãi không ra. Nàng tặc lưỡi, rồi vẫy xe taxi bảo đưa nang tới đường Trần Hưng Đạo thăm Tâm, trước kia cũng là một nữ sinh, gặp hoàn cảnh túng thiếu nên sa chân vào nghề vũ nữ như nàng.
...
Tâm vừa tắm xong, đang sắp sửa trang điểm để tới vũ trường thì Trang tới. Tâm không đẹp bằng Trang, nhưng có duyên thầm. Nàng kín đáo và nhất là nhẫn nhục, chịu đựng hơn Trang. Nàng luôn luôn đề phòng tương lai bất trắc nên đã dành dụm được một số tiền, sang được một căn phố; còn Trang kiếm được nhiều tiên hơn, mà khi lấy Đạt, nàng không có một chút vốn riêng nào, một món nữ trang nào đáng giá. Vừa thấy Trang bước vô, Tâm vui mừng, ôm choàng lấy Trang. Cử chỉ vồn vập, hồn nhiên của Tâm, làm Trang xúc động...
Thấy gương mặt Trang có vẻ bơ phờ, mệt mỏi, Tâm lo lắng hỏi bạn:
- Chết chửa! Chị đã chán cảnh chồng con rồi hay sao?
Trang cười:
- Chưa chán! Nhưng hôm nay, có chuyện hơi buồn, tìm đến chị, theo chị lại vũ trường, thăm các bạn cũ một buổi...
Tâm vội gạt đi:
- Không được! Mày không biết cái kiếp vũ nữ, vớ được một thằng chồng là phúc rồi! Còn cái không khí vũ trường thoát được là may lắm, trở lại làm gì! Mày đừng có nổi khùng...
Thế chồng mày đâu, mà lại để mày đi như vậy?
“Cái kiếp vũ nữ, vớ được một thằng chồng là phúc rồi”. Những lời Tâm thốt ra chỉ là những lời thẳng thắn của một vũ nữ đã có kinh nghiệm về nghể của mình, không ngờ chạm đến lòng tự ái của Trang. Khi Trang ngỏ ý muốn theo Tâm đến vũ trường thăm bạn cũ, nàng định nói chơi cho có chuyện, nhưng lời khuyên can của Tâm chỉ làm Trang thêm bướng bỉnh và nàng cương quyết đòi đi cho bằng được:
- Mày làm như vũ trường là cái địa ngục chả tầy...
Dễ thường hễ đã lấy chồng là phải bàn sới, không được trở lại vũ trường nữa sao? Mày cứ cho tao đi cùng. Lại thăm chúng nó một buổi cho “phải đạo”!
Tâm hiểu tính nết bướng bỉnh của Trang, càng cản trở Trang thì Trang càng nằng nặc đòi đi bằng được, nên Tâm đành ừ hữ bảo Trang:
- Ừ, đi thì đi! Nhưng hỏi thực chị, giữa vợ chồng chị có cái gì xảy ra vậy? Trng đừng giấu tôi, và nhất là đừng có liều...
Trang cũng định thổ lộ tâm sự với Tâm, nhưng lời nói vô tình đầu tiên của Tâm đã làm cho Trang hết hứng. Trang biết là có nói với Tâm, Tâm cũng hiểu nổi mình. Trang chối liền:
- Đã bảo không có gì, là không có gì! Tiện dịp Đạt vắng nhà, nhớ vũ trường thì mò đến chơi, có gì mà mày tra khảo “lục vấn” mãi...
Tâm vô tình thốt ra một câu mà chính Đạt đã nói với Trang:
- Ở đời, đừng có đòi hỏi cái gì tuyệt đối...
Đàn ông đểu lắm. Mày lấy Đạt, là tốt lắm...
Đừng có sinh sự làm gì, Trang ạ!
Lời lẽ khôn ngoan của Tâm làm Trang nổi nóng vô cớ. Nàng sừng xộ:
- Mày câm cái miệng cho tao nhờ...
Nếu mày còn lên giọng thầy đời, thì tao ra khỏi nhà mày lập tức...
Mày đã nghe ra chưa!
- Nghe rồi...
Từ nay, tao ỉa vào! Để mặc xác mày!... Cho mày chết!
- Phải rồi. Tao chết chứ mày có chết đâu mà bàn tán! Thôi ta đi! Mày!
Ra xe, mặt Trang vẫn còn hầm hầm. Tâm liếc nhìn bạn sợ sệt lắc đầu...
Tới vũ trường, các vũ nữ bâu quanh lấy Trang như Trang vừa đi “xứ” về. Cái tin Trang trở lại vũ trường, truyền đi từ bàn này tới bàn khác...
Các cô vũ nữ đổ xô lại, “phỏng vấn” Trang đủ điều, để rút “kinh nghiệm mộ vũ nữ đi lấy chồng” ra sao! Trang chỉ cười, chưa kịp trả lời các bạn, thì từ bàn bên, vẳng sang một lời phê bình của một gã trước kia cũng quen biết sơ sơ Trang, đã từng theo đuổi Trang, nhưng Trang không thèm đếm xỉa tới:
- Biết ngay mà! Ngữ ấy thì ba bảy hăm mốt ngày là trở lại vũ trường. Cóc chết ba năm quay đầu về núi! Ha! Ha!
Bất giác Trang thấy máu nóng đưa bừng bừng lên mặt, hai bên thái dương nàng đập rất mạnh...
Nàng lấy tay rẽ lối đi, lách khỏi lũ bạn, tiến về phía Thân—người vừa thốt ra câu phê bình kể trên—Nàng cười gằn, nhắc cằm Thân lên, và ngổ ngáo, khinh mạn như trước kia vũ nữ Trang thường có phút bốc đồng với bọn con trai, nàng hất hàm bảo Thân:
- Chị tới đây không phải chị đã bỏ chồng đâu, chú em ạ! Nhưng tiện thể chị tới đây, chị cũng cho em một bài học!
Rồi giữa lúc bất ngờ nhất, nàng bạt tai luôn thân hai cái tát trái, khiến Thân hoảng hốt, không kịp chống đỡ, và tiếng hoan hô Trang nổi lên tứ phía:
- Bravo Trang! Trang muôn năm!
Cơn giận của Trang đột khởi thất ghê gớm, mà tan biến thật chóng vánh. Tát xong, Trang mệt mỏi, chán chường, trở lại ghế của mình, và bao nhiêu bực tức của nàng đều theo hai cái tát tiêu tan hết...
Nàng cởi mở, mỉm cười nói với các bạn:
- Nào chúng mày muốn phỏng vấn gì thì phỏng vấn đi?...
Lũ bạn còn đang gờm gờm nhìn Trang, thì có tiếng nói ở máy vi âm nổi lên, với giọng nói trịnh trọng của Thân:
- Chúng tôi xin hoan hỉ báo tin cô Thái Trang—bà chúa của lòng chúng ta—đã trở lại vũ trường, đã đánh dấu sự trở lại bằng hai cái tát nảy lửa mà người hân hạnh được tát là bỉ nhân. Vậy chúng tôi xin đề nghị toàn thể các bạn cùng tôi ca bản “mừng em bỏ chồng” để mừng Trang...
Tiếng vỗ tay hoan hô nổi lên ầm ĩ hơn cả tiếng vỗ tay hoan nghênh hai cái tát của Trang, rồi bài “Mừng em bỏ chồng” vang dậy khắp vũ trường bằng đủ các giọng “giọng vịt đực, giọng say rượu, giọng kim thánh thót v.v...
Những gả con trai ỡm ờ nhìn các “em ca ve” há hốc miệng gào cái điệp khúc “Mừng em bỏ chồng...
Mừng em bỏ chồng”...
Mọi người tưởng Trang sẽ nổi xung, nhưng Trang vẫn cười hồn nhiên, phớt tỉnh và đợi cho bản hát sắp chấm dứt, Trang mới đưa mắt nháy, người quản lý vội vàng chạy tới; Trang thì thầm nói nhỏ bên tai người quản lý. Người quản lý gật đầu lia lại, rồi chạy ra mấy vi âm:
- A lô! A lô! Xin các bạn nghe đây. Bà Tống văn Đạt nhũ danh Thái Trang, nhờ chúng tôi chuyển lời cám ơn quí vị. Trong khi chờ đợi chồng bà đến đón bà về, để đáp lại thịnh tình của các bạn, bà Đạt xin hiến các bạn một bản đơn ca, nhan đề là “Đàn ông toàn là chó”...
Xin kính mời bà Đạt tới trước máy vi âm trình diễn bài “Đàn ông toàn là chó”...
Người quản lý nói chưa dứt thì một số thanh niên đã nhảy vọt lên bàn, đập chân, đập tay, như muốn phá vỡ vũ trường, kêu gào thất thanh:
- Hoan hô! Đàn ông toàn là chó! Đàn ông toàn là chó! Thái Trang muôn năm! “Đàn ông toàn là chó” muôn năm!
Tất cả những gã đàn ông, tưởng chừng đều biến thành...
chó, khao khát muốn nghe bài “Đàn ông toàn là chó”; cho nên khi Trang thủng thẳng tiến về máy vi âm, lấy tay vặn thấp cái máy cho vừa tầm, thì tất cả cử tọa đều tín bặt trong một im lặng rất “chó”, và khi Trang cất tiếng ca, gương mặt vừa ngây thơ, vừa hóm hỉnh; giọng ca vừa ấm, vừa hổn xược, thì mọi người đều hí hửng nhìn nhau, coi cái chuyện được phong là “chó” như một hân hạnh tuyệt vời.
Trang đơn ca đến điệp khúc thứ hai thì tất cả đàn ông, đàn bà đều gõ nhịp chân, nhịp tay, đập thình lình xuống sàn, thi nhau hát theo. Không khí vũ trường sốt rét tột đô....
Tiếng “chó” cuối cùng vừa được cất lên trước khi chấm dứt, thì những tiếng “bis”, “bis” đã nổi dậy. Trang đang lúc hứng, cất tiếng ca lần thứ hai, nhưng nàng ca được đoạn đầu thì, đảo mắt xuống dãy bàn ở chỗ cửa ra vào, nàng đã thấy Đạt ngồi lù lù ở đó từ lúc nào. Trang đã bảo người quản lý tuyên bố láo là chồng nàng sẽ đến đón nàng. Trang không ngờ Đạt lại lần mò tới vũ trường thực, khiến nàng thấy lòng sung sướng như đứa trẻ trả được cái thù vặt. Nàng đột nhiên ngừng hát, nói vội vàng trong máy vi âm:
- Xin lỗi! Chồng tôi đã lại đón. Xin chào tạm biệt và chúc tất cả các bạn không phải là...
“chó”.
Rồi nàng thoăn thoắt đi về phía bàn của Đạt. Tiếng “ê” và tiếng huýt gió nổi lên cùng với những tiếng thét: “Ê! bỏ dở, không được”. “Ê! Trang, con chó của lòng anh”! Trang làm như không nghe, không đếm xỉa đến ai. Nàng chạy đứng đằng sau chồng, sợ sệt hỏi Đạt:
- Anh lại từ lúc nào?
- Từ lúc em cất tiếng hát...
Trang ngồi xuống bên cạnh Đạt, hỏi khẽ chồng:
- Sao anh biết em ở đây mà tới?...
- Anh đoán...
- Anh đã gặp Diễm chưa?
- Chưa.
Trang nén một tiếng thở dài, hỏi luôn:
- Sao thế?
- Để về nhà sẽ nói chuyện...
Em đã muốn về chưa?
- Dạ, về thôi anh...
Trang chào tất cả các bạn, rồi khoác tay chồng, lững thững ra khỏi vũ trường. Đạt và Trang đứng đợi xe taxi ở phía ngoài mà vẫn thấy tiếng gọi Trang ơi ới từ vũ trường vang ra, kèm theo những câu khen, câu chửi loạn xạ ngầu, khiến Đạt nở một cười khoan dung, nói với Trang:
- Họ đang gọi anh là...
chó đấy...
Đạt tỏ vẻ không lấy gì làm khó chịu về chuyện Trang đến vũ trường. Chàng thẳng thắn kể cho Trang hay: Đạt đã gặp Uyển, nhưng Uyển cho biết hiện nay bác sĩ không cho phép bất cứ ai được gặp Diễm, ngoài mấy chị em Diễm, và nếu Đạt muốn gặp Diễm thì ít nhất cũng phải có Trang đi cùng. Trang cười, bảo chồng:
- Vẽ chuyện!
Đạt cũng cười:
- Em không vẽ chuyện, mà anh vừa đi một lúc, em đã quên lời hứa với anh là em không buồn, không ghen, em lại tới vũ trường, ca bài “Đàn ông là chó”...
Hai vợ chồng nhìn nhau cười...
Nhưng đêm hôm đó, mãi tới hai giờ sáng, Trang vẫn trằn trọc không ngủ. Đạt cũng không ngủ được; nhưng Đạt thấy Trang nằm yên, nhắm mắt, thì Đạt cho là vợ đã ngủ...
Chàng thở dài một tiếng não ruột, làm Trang chịu không nổi, mở mắt trừng trừng hỏi chồng:
- Anh nghĩ đến Diễm hả?...
Diễm nằm trên cái ghế “xích đu”, trong khi Thoại đi đi, lại lại quanh phòng. Từ hơn một tuần lễ nay, theo lời đề nghị của Thoại, Diễm đã rời bệnh viện công, tới diều trị tại dưỡng đường tư của Thoại, vì Thoại vừa là bạn của Thúc, Hòa, vừa là một bác sĩ chuyện nghiệp về tâm phân học. Bà Hòa thấy Thoại ngỏ ý muốn lãnh Diễm về, chăm nom cho Diễm thì bà yên tâm.
Mà quả thế, từ khi được Thoại điều trị, bệnh trạng Diễm thuyên giảm trông thấy...
Bề ngoài, Diễm không khác gì một người đã bình phục. Cử chỉ, lời nói của Diễm vẫn dịu dàng, tế nhị như thời còn lành mạnh; nhưng thỉnh thoảng Diễm vẫn có những câu hỏi ngớ ngẩn, và ký ức Diễm có những lỗ hổng không sao giải thích được. Thậm chí Diễm quên cả số nhà của gia đình Diễm, quên cả tên người đày tớ gái đã giúp việc nhà hàng năm trong nhà mình.
...
Nhìn giường mặt trắng xanh, với đôi mắt đen, to, có quần thâm của Diễm, và thấy Diễm mỉm cười vớ vẩn, Thoại không muốn cho Diễm nghĩ ngợi lôi thôi, bèn hỏi:
- Cháu nghĩ gì mà cười vậy?... Cháu kể chuyện cho bác nghe đi.
Diễm lắc đầu:
- Cháu chả có chuyện gì cả...
Bác kể chuyêä cho cháu thì hơn...
Cháu chỉ muốn nghe người khác kể chuyện, chứ cháu không muốn tự mình kể...
- Vậy cháu muốn nghe chuyện gì?
- Bất cứ chuyện gì! Bác cho cháu nghe chuyện của bác...
Thoại cười:
- Chuyện của bác thì không có gì đặc biệt...
Bác định kể chuyện tâm tình của bác, cháu có muốn nghe không?...
Để gây không khí thân mật, thuận tiện cho việc cởi mở những ẩn tình mà Diễm không muốn bộc lộ, Thoại đưa ra ý kiến kể chuyện tâm sự của mình cho Diễm nghe, khiến Diễm như người gãi trúng chỗ ngứa, mắt sáng ngời:
- Còn nói gì nữa! Bác kể đị..
Thoại chăm chú nhìn Diễm...
Tóc Diễm lòa xòa trên gương mặt, làm Thoại—không hiểu sao—Thấy Diễm giống hệ Mạnh Lệ Quân trong chuyện Tàu, mà hồi đi học, chàng “mê” hơn ai hết. Rồi Thoại lại thấy Diễm giống hệt Hòa khi Hòa còn là con gái. Thoại để điếu thuốc lá đang hút dở xuống cái khay đựng tàn thuốc lá, rồi thủng thẳng nói với Diễm:
- Câu chuyện bác kể cho cháu nghe đây, là chuyện lần đầu tiên trong đời bác, bác kể cho một người thứ hai nghe. Như thế đủ tỏ bác quý cháu hơn ai hết...
- Dạ, cháu biết...
...
Rồi tiếng nói của Thoại đều đều như một liều thuốc an thần, thấm dần tâm hồn Diễm:
- Cách đây hơn hai mươi năm, bác học cùng lớp với Ba cháu, cùng trường với mẹ cháu. Ba cháu say mê mẹ cháu lắm. Bác cũng vậy. Nhưng mẹ cháu chỉ để ý đến Ba cháu, mẹ cháu coi bác như người bạn. Thế rồi Ba cháu lấy mẹ cháu...
Kể lại cho cháu nghe những đau khổ của bác khi Ba cháu và mẹ cháu lấy nhau thì...
bi đát quá...
Bác tưởng cuộc đời của mình thế là chấm dứt, là hết ý nghĩa. Nhưng bác vẫn sống và hai năm sau, bác lấy vơ....
Chắc cháu muốn biết bác có yêu vợ bác không, có quên được mẹ cháu không? Bác thành thực nói với cháu là không ai yêu vợ, yêu con bằng bác...
Còn chuyện “quên” được mẹ cháu, thì...
bác quên rồi. Quên rồi nên lúc này bác mới có thể ngồi trước mặt cháu, kể chuyện cho cháu nghe mà lương tâm không bứt rứt, mà lòng không thẹn với lòng...
Kể ra, gọi là “quên” thì có nhẽ không đúng. Cháu học triết học, cháu biết cái hiện tượng tâm lý mà nhà tâm lý học gọi là “transfert de sentiment” chứ gì! Cần nhất là phải có cái “transfert de sentiment” cháu ạ!... Nghĩa là cần phải có nghị lực lắm! Cần phải kiên gan và chịu khó...
Mình sở dĩ hơn người là ở chỗ đó...
Chứ sa ngã thì dễ lắm...
Bây giờ bác đã, già rồi, mẹ cháu cũng sắp...
già rồi. Ba cháu thì đã chết...
Thỉnh thoảng bác lại thăm mẹ cháu và các cháu, lòng bác rất vui, vì thấy tâm tình bác quý mến mẹ cháu, không có cái gì khiến mình có thể xấu hổ...
Đó cũng là một chiến thắng mà bác tự hào...
Bác kể cho cháu nghe, vì bác tin rằng tâm hồn cháu còn đẹp hơn tâm hồn bác, và cháu có nghị lực, kiên gan hơn cả bác...
Bác tin như vậy, có đúng không cháu?...
Nước mắt Diễm tự nhiên trào ra và Diễm gật đầu, trìu mến nhìn Thoại...
...
Thoại vẫn đinh ninh là khi đem câu chuyện tâm tình của mình kể cho Diễm nghe, Thoại chỉ làm công việc của nhà tâm phân học, gây không khí cởi mở để Diễm sẵn sàng thổ lộ tâm sự, Thoại không ngờ chính Thoại đã đánh lừa Thoại, và khi kể nỗi niềm với Diễm, Thoại làm công việc của một kẻ thất tình hơn là phận sự một bác sĩ: Vì cái bí mật mà bao nhiêu năm ròng, Thoại mang nặng, Thoại chỉ đợi có dịp duy nhất này để tự giải thoát. Nhất là, thổ lộ với Diễm, Thoại có ảo tưởng êm ái và đau xót là Thoại đang thổ lộ với Hòa...
Cho nên, khi thấy Diễm chảy nước mắt, nhà tâm phân học nghiêm khắc vụt biến mất, Thoại hiện nguyên hình là kẻ đau khổ vì tình...
Thoại cũng rơm rớm nước mắt. Trong khoảnh khắc, Thoại sống lại cái điên cuồng quằn quại của thời say mê Hòa...
Bất giác bàn tay khô, rắn, chằng chịt những đường gân xanh của Thoại đặt lên bàn tay mềm mại, mát rượi của Diễm...
Lòng Diễm se lại...
Diễm quên cả cảnh đau xót của bản thân mình...
Tuy Thoại chỉ nói thoáng qua đến những nỗi cô đơn thống khổ của Thoại, Diễm cũng cảm thấy tất cả cuộc chiến đấu mà Thoại đã trải qua. Diễm nắm chặt lấy tay Thoại như để an ủi, tưởng chừng Diễm chính là nhà tâm phân học đang tìm cách nâng đỡ tinh thần của bệnh nhân là...
Thoại.
Thoại chợt nhận thấy mình đi quá xa cái chủ đích của mình là gợi chuyện để Diễm thổ lộ tâm tình, nên Thoại ngừng lại...
rồi đổi hướng câu chuyện:
- Nhưng thôi...
Bác kể thế là đủ rồi. Bây giờ đến lượt cháu...
Cháu có gì thắc mắc cần bác giúp ý kiến không?
Gương mặt Diễm thoáng buồn, vì câu hỏi của Thoại làm Diễm nhớ tới cái chết vô lý của Khải:
- Thắc mắc của cháu thì nhiều...
Nhưng...
Thoại thúc giục:
- Không có “nhưng” gì cả...
Cháu không tin là bác hiểu cháu hay sao?
- Cháu tin chư!
- Vậy cháu còn đợi gì nữa?
Diễm im lặng một lát, rồi nàng bắt đầu kể. Nàng kể sự quyết tâm của nàng, sự cố gắng của nàng để yêu chồng, nỗi vui mừng thành thực của nàng khi Đạt lấy Trang...
Nàng kể cả cái cám giác cô đơn đột nhiên xâm chiếm tâm hồn nàng, khi ở đám cưới ra về, cái cảm giác cô đơn mà nàng cho là đầu day mối nhợ cái chết của Khải...
Rồi Diễm hỏi Thoại:
- Vậy bác cho rằng cháu có trách nhiệm tinh thần về cái chết của chồng cháu không?
Thoại suy nghĩ, trước khi trả lời:
- Nếu bác nói rằng cháu không có trách nhiệm gì thì có nhẽ cháu cho rằng bác có dụng ý an ủi cháu...
Vậy cầm bằng là cháu có lỗi, có trách nhiệm đến mực độ nào: trước hết là cái cảm giác cô đơn mà cháu cho là nguyên do của tai nạn gây ra cái chết của chồng cháu...
Cháu cho cái cảm giác cô đơn đó là tội lỗi, vì theo ý cháu, cái cảm giác cô đơn đó tố cáo là cháu chưa hoàn toàn yêu chồng cháu như cháu đã tận lực cố gắng, có phải thế không?
Diễm khẽ gật đầu...
Thoại tiếp luôn:
- Chưa chắc là đúng cháu ạ! Mỗi khi chúng ta gắng vươn mình lên, để tự vượt mình, để đạt tới cái gì cao đẹp, tâm hồn ta đều thấy cô đơn...
Chúa Cứu Thế khi bị đóng đinh trên cây Thánh Giá cũng cô đơn lắm chứ! Cho nên, sau nhưng cố gắng của cháu để đám cưới Đạt lấy Trang thành tựu, dĩ nhiên là cháu thấy mệt mỏi, cô đơn...
Nghe Thoại nói, Diễm có cảm giác Thoại diễn hộ, làm sáng tỏ cái tâm tư u uất của mình...
Diễm chưa kịp nói gì thì Thoại đã tiếp:
- Mặc dù cái cảm giác cô đơn đó chứng tỏ là cháu chưa hoàn toàn yêu chồng như cháu mong muốn, điều đó cũng không hề gì, không tội lỗi gì. Tâm hồn con người phức tạp, đâu có giản dị như một đường thẳng chạy một mạch tới đích. Ngay bác đây, khi bác thấy Ba cháu lấy mẹ cháu, cháu có đoán được những ý nghĩ của bác không? Thú thực với cháu, có lúc bác đã ao ước ngấm ngầm mong Ba cháu chết đị..
Tâm hồn bác ghê rợn đến thế đấy...
Vậy mà rồi bác cũng không phạm tội gì, lương tâm bác cũng không cắn rout gì...
Và bác giữ trọn được đạo lý, vẫn là một người bạn hiền, chung thủy...
Nếu người ta căn cứ vào những sa ngã nhất thời để đánh giá con người thì tất cả chúng ta—tất cả chúng sinh hằng hà sa số—đều phải đày xuống địa ngục, và thiên đường sẽ tiêu điều như chùa bà Đanh! Tâm hồn ta như một thửa vườn, đất càng tốt thì cỏ hoang càng dễ mọc...
Tâm hồn ta càng phong phú thì sự sa ngã càng dễ phát sinh. Nhưng cái giá trị của chúng ta là biết thành khẩn vươn mình lên, chống được sự sa ngã. Cháu có nhận thấy thế không?...
Diễm im lặng...
Mãi một lúc sau, nàng mới nói với Thoại:
- Cháu muốn nghe bác kể nữa...
Cháu vẫn còn thấy là cháu có trách nhiệm trong cái chết của chồng cháu...
- Thì bác có nói là “không” đâu! Tỷ dụ bà Hằng, bà cũng có trách nhiệm về cái chết của Ba cháu chứ! Và cả mẹ cháu nữa, không phải là không có trách nhiệm. Nếu hiểu trách nhiệm theo cái nghĩ của cháu, thì chúng ta chịu trách nhiệm nhiều lắm. Cháu còn chịu trách nhiệm về những điều mà cháu không ngờ tới: Chẳng hạn như vợ chồng Đạt, Trang...
Nếu vợ chồng Đạt bỏ nhau, thì trách nhiệm cũng là ở cháu...
Diễm sửng sốt:
- Thưa, vợ chồng thầy Đạt ra sao ạ? Cháu có biết gì đâu!
Thoại bèn kể cho Diễm nghe những điều Thoại đã nghe về những vụ “bất hòa” vô cớ giữa hai vợ chồng Đạt từ khi Diễm bị nạn, chuyện Trang bỏ đi, không biết là đi đâu, khiến Đạt phải cất công đi tìm hoài. Rồi Thoại kết luận:
- Đấy cháu xem, cháu có liên can xa gần gì đến chuyện đó, nhưng nói về trách nhiệm tinh thần, thì cháu vẫn phải có trách nhiệm...
Diễm lo lắng hỏi Thoại:
- Bậy giờ bác dạy cháu phải làm thế nào? Cháu không ngờ...
Thoại cười:
- Cháu chỉ nên tĩnh dưỡng cho khoẻ...
Bác kể những chuyện trên để cháu thấy rằng chúng ta không nên nghĩ ngợi lôi thôi! Nếu cứ nghĩ ngợi lôi thôi, thì cho đến những thống khổ, lầm than của đồng bào, chúng ta cũng đều có trách nhiệm—Bác tin là cháu sẽ đủ nghị lực vượt hết. Lúc này thì cháu cứ việc nhớ thương chồng cháu. Rồi mai mốt, bác sẽ có cách giúp cháu tìm thấy cái vui sống ở đời...
Cháu đừng băn khoăn gì cả...
Cháu có nghe bác không?
- Dạ, nghẹ..
...
Thoại sửa lại cái gối trên đầu Diễm cho ngay ngắn, rồi bước ra. Thoại lấy xe đi thẳng tới nhà bà Hòa. Chỉ có Uyển và Huyền ở nhà. Thoại nói với hai chị em:
- Diễm đã khá lắm rồi. Nó đã có đủ nghị lực để biết tất cả mọi việc xảy ra, cho nên bác kể cho nó nghe vụ vợ chồng Đạt...
Vì chỉ có Diễm mới có thể làm cho Trng trở về, vợ chồng Đạt có đoàng tụ thì Diễm mới hoàn toàn khỏi bệnh...
Bây giờ thì các cháu sửa soạn đi đằng này với bác...
- Thưa bác đi đâu?
- Thì các cháu cứ đi với bác. Thủng thẳng bác sẽ nói...
Bác đưa các cháu đến một nơi ma các cháu ao ước muốn tới...
Hai chị em Uyển ngơ ngác nhìn nhau. Vì Thoại ít khi có thái độ bí mật như vậy. Tuy nhiên, hai chị em vẫn ríu rít sửa soạn, rồi ra xe cùng với Thoại. Uyển cười, hỏi đùa Thoại:
- Bác cho chúng cháu đi “xi-nê” hở bác?
- Dĩ nhiên là không! Nhưng bác sẽ đưa các cháu tới một nơi đáng coi hơn xi-nê nhiều...
Tới đường Lê Văn Duyệt, xe ngoẹo luôn vào bệnh viện “Salve”. Uyển và Huyền nhìn nhau chưa hiểu Thoại đưa hai chị em tới bệnh viện Salve để làm gì thì xe dừng ở trước một khu nhà dùng làm bán giấy phòng tiếp khách, trong đó thấy thoáng bóng dáng mấy bà “sơ”.
Thoại đóng cửa xe, rồi nói với Uyển, Huyền:
- Các cháu vào đây!
Vừa tới phòng khách, Thoại giới thiệu hai chị em với một bà “sơ”:
- Hai cháu gái của tôi! Tôi muốn xin phép cho các cháu vào thăm các bệnh nhân.
- Dạ.
Thoại bảo hai chị em Uyển ngồi, rồi thủng thẳng cắt nghĩa:
- Cháu Uyển đã từng biết khám Chí Hòa, nhưng chắc cháu không thể ngờ là giữa Đô Thành Hoa Lệ này, ngay đường Lê Văn Duyệt này, có một bệnh viện của hơn một ngàn người, mang một cái bệnh mà nhân loại vẫn ghê sợ, ghê sợ một cách vô lý—là bệnh cùi...
Uyển nhớn nhác nhìn xung quanh, nhìn “bà sơ” xem bà có mắc bệnh cùi không, thì Thoại đã nói tiếp:
- Sở dĩ hôm nay bác đưa các cháu tới đây là vì bác thấy các cháu cũng như hầu hết nam nữ thanh niên thời đại, các chấu vẫn không thoát được những băn khoăn, rằn vặt chật hẹp của cá nhân mình, của đời sống bết tắc, giả tạo...
Bác biết là tâm hồn các cháu đẹp, thế mà tầm mắt của các cháu chỉ nhìn thây những cửa hàng tơ lụa, những quảng cáo chớp bóng; tai các cháu chỉ nghe thấy nhịp vũ cuồng loạn từ vũ trường đưa tới, khiến các cháu ngột ngạt không biết sống làm gì...
Cho nên bác muốn các cháu thấy là ngay bên cạnh các cháu, trước mặt các cháu, có những đau khổ thực mà các cháu cần biết, cần hiểu, nếu các cháu muống sống cho ra sống...
Thoại vẫn say sưa nói, gương mặt cũng như giọng nói của Thoại hòan toàn là của một nhà truyền giáo:
- Bác nói để các cháu rõ, bác là tổng thư ký của hội “Ban những người cùi”, một hội từ thiện quốc tế, có chi hội ở hầu hết các nước...
Các cháu có biết hiện này ở trên thết giới có bao nhiêu người mắc bệnh cùi không? Hơn mười lăm triệu! Mười lăm triệu người mang cái đau khổ ghê gớm bị gạt ra ngoài nhân loại, bị đồng loại ghê gớm tởm hơn là ghê tởm một con ròi...
Tiếp xúc với những người cùi, các cháu sẽ thấm thía, hiểu rõ chúng ta tàn ác, bất công đến bực nào. Các cháu sẽ thấy những đau khổ, bất mãn đang rằn vặt các cháu, chỉ là những đau khổ mà chúng ta tự tạo ra, và sự đau khổ thực, chúng ta chưa bao giờ được thấy...
Sự xúc động làm Uyển và Huyền im bặt...
Hai tay Thoại để lên hai vai chị em Huyền, trìu mến nhìn hai người:
- Bây giờ thì chắc hai cháu sẵn lòng vào thăm những người bạn cùi của bác. Không những thế, bác tin rằng, hai cháu cũng như Diễm, Tuyết, sẽ là những hội viên đắc lực nhất của hội “Bạn những người cùi”...
Những người bạn cùi của bác, cần tới lòng thương yêu của các cháu, hơn là những gã thanh niên theo đuổi các chấu, đau khổ vì các cháu...
...
Uyển, Huyền lẳng lặng đứng yên, đi theo Thoại. Hai chị em có cảm tưởng rờn rợn sắp bước vào thế giới xa lạ, kông giống cái thết gian mà họ vẫn sống...
Trước cổng lớn đưa vào khu “cấm địa”, một bàn tay cùi nào đó, đã nguệch ngoạc viết mấy khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, khiến lòng Huyền xao xuyến:
L'amour a vaincu! (Tình yêu đã thắng!)
Les murailles sont tombées! (Những bức tường ngăn cách đã sụp đỗ!)
Thoại vừa đi, vừa nhìn hai chị em Uyển, rồi gật gù:
- Hôm nay các cháu không đứa nào đánh phấn, không ăn mặc loè loẹt là hợp với cuộc thăm viếtn lắm. Duy có một điều hơi đáng tiếc...
Uyển vội hỏi:
- Điều đáng tiếc gì, thưa bác?
- Là các cháu...
đẹp quá! Cái sắc đẹp từ bi, kín đáo của Huyền thì còn khả trơ....
Chứ cái sắc đẹp lồ lộ của cháu Uyển sẽ không khỏi làm cho những “bạn” của bác tủi...
...
Ít lâu nay, Uyển vẫn khắc khoải, có cảm giác mơ hồ rằng sắc đẹp của mình là một hình phạt. Nhưng chưa bao giờ Uyển thấy rõ rệt sắc đẹp là một cái tội như khi nghe Thoại nói...
Nàng khổ sở hỏi Thoại:
- Làm thế nào hơ bác?
Thoại phì cười:
- Không sao cả...
Chưa biết chừng lại là điều hay cũng nên...
Đúng như lời Thoại nói, tới khu phụ nữ, giữa những gương mặt tượng trưng cho sự đau khổ, sự tuyệt vọng, cái sắc đẹp của hai chị em Uyển nổi bật lên như một lời nguyền rủa, khiến hai chị em đều có mặc cảm tội lỗi, vụng về không biết mình phải có cửa chỉ gì, lời nói gì, để an ủi những người cùi mà không xúc phạm đến lòng tự ái của ho....
Hai chị em chỉ biết nhìn họ, cầu van sự tha thứ...
...
Ra khỏi khu phụ nữ, Thoại sung sướng đặt tay lên vai Uyển, nhìn Uyển và Huyền:
- Bác hãnh diện về các cháu...
Các cháu đã vượt qua được sự thử thách gay go nhất...
Bây giờ tới khu đàn ông, thì sắc đẹp của các cháu lại là điều cần thiết để mang lại tình yêu và an ủi cho nhữn kẻ bệnh tật...
Tới ngưỡng cửa, Huyền như nhận thấy tất cả cái trọng trách của kẻ “truyền đạo” đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của nàng, khiến nàng không đủ sức đi một mình, nàng vịn vào cánh tay Thoại, hồi hộp để Thoại dắt. Nàng đi những bước không vững, tim muốn ngưng đập và mắt nàng hoa lên, chỉ nhìn thấy màu trắng của những bộ quần áo bệnh nhân, màu đen của những con mắt sau thẳm đang đăm đăm nhìn nàng...
Còn Uyển thì vẫn mở to đôi mắt, nàng chắp hai tay, nhìn khắp mọi người trong phòng...
Đột nhiên, ở cuối phòng, một bệnh nhân ngã xỉu...
Người chạy đến đầu tiên là Uyển. Uyển quên cả giữ gìn, quên cả lệ luật của bệnh viện cùi, nàng định giơ tay đỡ bệnh nhân đứng dậy thì khi nhìn vào gương mặt bệnh nhân, nàng chỉ thốt lên được một tiếng kêu: “Trời ơi! Anh Trường”. Rồi nàng ngồi phịch xuống cái giường bệnh nhân kê đằng sau nàng, hoảng hốt nhìn Trường như nhìn sự hiển diện của Đau Khổ và Qúa Khứ!...
...
Trường là một trong những thanh niên đã say mê Uyển khi Uyển còn đi học thi Tú tài phần Ị..
Nhưng Trường vừa xấu trai, vừa nghèo, nên khi thấy Trường tỏ tình, Uyển đã tàn ác, mỉa mai nói với Trường: “Anh cần soi gương để hiểu mình hơn”. Từ khi Uyển thốt ra câu nói đó, câu nói mà mãi sau này nàng mới thấy ghê tởm cho chính mình, Uyển không bao giờ gặp Trường nữa. Nàng có ý tìm Trường để xin lỗi, thì không lùng ra Trường...
Bẵng đi hơn hai năm...
và bây giờ Uyển tái ngộ Trường trong khung cảnh một bệnh viện cùi...
Ngay lúc đó, Thoại và Huyền cũng vừa tới. Nhận ra Trường, Huyền hiểu ngay nguyên do khiến Trường ngất xỉu. Huyền thì thầm mấy câu bên tai Thoại. Thoại chưa kịp gọi người nữ điều dưỡng đến chích thuốc cho Trường thì Trường đã tỉnh. Trường ngơ ngác nhìn xung quanh vá khi thấy mặt Huyền, Trường cúi mặt, nói như một người hấp hối, dặn dò trong lúc lâm chung:
- Cô bảo cô Uyển đi đị..
Tôi không muốn nhìn mặt cô ấy...
Lời nói của Trường tuy nhỏ, cũng đủ cho Uyển nghe thấy...
Uyển tiến trước mặt Trường, giọng nói đau xót, cầu van:
- Anh Trường! Anh tha lỗi cho tôi không?
Mặt Trường tái nhợt đi khi nghe tiếng nói của Uyển. Trường nhìn đi chỗ khác, cố tránh Uyển, nhưng đôi mắt dữ dội nhìn trừng trừng vào khoảng không, đầy căm hờn, đau khổ. Huyền nói nhỏ bên tai Uyển:
- Chị cứ tạm lánh mặt ra ngoài, cho anh ấy trở lại bình thường đã...
Uyển lẳng lặng đi ra, nhẫn nhục như một con chó bị hất hủi...
khiến các bệnh nhân nhìn Uyển, ái ngại. Huyền quay lại phía Trường:
- Chị em đã ra ngoài kia rồi...
Anh lên giường nằm, lúc nào anh hết giận, anh cho gọi, chị em sẽ vào...
Mọi người đỡ Trường lên giường. Thoại tự tay đắp cái mền lên ngực Trường, rồi nói như một người cha trách con:
- Trường nhớ là chính Trường đã viết những khẩu hiệu ngoài kia: “L'amour a vaincu—Les murailles sont tombées!”. Cái ánh mắt căm hờn của Trường không xứng đáng với anh đâu!
Trường lắc đầu, nhìn Huyền:
- Tôi sẽ oán người đàn bà đó cho đến chết, tôi không muốn gặp người đàn bà đó. Huyền bảo cô ấy ra khỏi ngay nơi này...
Đến đây làm gì? Trời!
Trường nói những câu đầu có mạch lạc, rồi nói lảm nhảm khiến Thoại lắc đầu, nói với Huyền:
- Cần phải để cho anh ấy nằm yên. Chúng ta hãy rút lui đã...
Vừa thấy hai người bước ra, Uyển muốn hỏi ngay về Trường, nhưng nàng không dám hỏi, chỉ đưa mắt nhìn hai người. Khi được biết là Trường gần như loạn óc, Uyển khóc, nằng nặc đòi trở lại, Thoại phải mất công giải thích khuyên Uyển cần bình tĩnh...
Ba người vừa trở lại văn phòng, ngồi thừ nhìn nhau, nghĩ tới cái biến cố vừa xảy ra, thì một nữ điều dưỡng tới, nói là Trường ngỏ ý muốn gặp Huyền...
Huyền vội vàng đi theo người nữ điều dưỡng và mãi một giờ sau, nàng mới trở lại văn phòng, gương mặt tươi tỉnh hơn trước:
- Không sao! Anh ấy đã tỉnh táo như thường. Tuy anh ấy vẫn oán chị Uyển, vẫn không muốn gặp chị Uyển, nhưng anh ấy đã bằng lòng nhận cháu làm em, như tất cả các bệnh nhân khác...
Cháu tin là một vài ngày nữa, anh ấy sẽ vui lòng gặp chị Uyển...
Thoại sung sướng xoa lên đầu Uyển như xoa đầu một đứa con nít:
- Đấy cháu xem! Không bao giờ nên tuyệt vọng cả! Cháu cần phải có can đảm, chịu đựng lắm...