MỘT CÁI THẢM TRẠNG

Lúc bấy giờ, trời đã nhá nhem tối, trống mõ trong các làng đã  dồn dập thu không, hồi chuông chiêu mộ trong tam quan chùa ngân nga gieo vào khoảng không gian tĩnh mịch để cảnh cáo cho  mọi người trong thôn sự kết liễu của một ngày. Những cái cảnh sắc chốn thôn trang, nơi đồng ruộng đều bắt đầu chìm đắm trong cõi u  âm lặng lẽ. Trên con đường đất quanh co khúc khuỷu, còn thấy có  hai cái bóng đen đương mập mờ chuyển động. Một cái chớp nhoáng trên không trung dọi xuống, người ta nhận thấy hai cái  bóng ấy là hai người đương ì ạch dìu nhau, một người thì cao lớn  lực lưỡng đương lễ mễ bên người thấp bé, lả lướt như chẳng buồn  đi. Hai cái bóng ấy dần dần tiến về phía cổng làng. Càng lại gần,  càng nghe thấy tiếng rên rỉ, rền rẫm. Tiếng người đàn ông thở hổn  hển như thiết tha khuyên nhủ:
"Cố đi mấy bước nữa, gần đến nhà ta rồi, mình cố bước lên  cho tôi đỡ mệt".
Tiếng người đàn bà yếu ớt thều thào đáp lại:
"Đau lắm!... Nhọc lắm!... Sẽ nó tụt ra đây này!... Thôi để tôi  ngồi dựa gốc đa kia, mình mau mau chạy về gọi ai ra đỡ tôi vậy".
Người đàn ông ra dáng ngần ngừ rồi nói:
"Hay mình chịu khó nằm ngửa trên lưng tôi để tôi cõng vậy,  vì ở đây xa làng xóm, trời thì gió lạnh, sắp mưa, ở lại đây nếu có sự  gì chất ngại thì khốn! Thôi, cố về đến nhà cho yên dạ".
Nói rồi không đợi cho người đàn bà đáp lại, ráng hết sức cắp  ngang người vợ lên lưng, chạy một mạch tới cái điếm đầu làng,  bỗng người trên lưng tụt xuống, thoáng nghe thấy tiếng trẻ khóc.  Một tiếng dõng dạc trong điếm hỏi ra:
- Ai?
- Tôi xin bác làm ơn...
Người đàn ông chưa nói dứt thì mấy anh tuần đã vội nhảy cả  ra, rồi cùng reo:
- Vợ đĩ Tít đẻ anh em ạ!
Người đàn ông vội sụp xuống lạy, khẩn khoản van lơn xin  ngơ đi cho để đem vợ về tới nhà.
Bỗng một tiếng của bác trương lẫm liệt thét ra: - Không được, việc này rất quan hệ, đàn em đâu, hãy chạy  vào trình cụ tiên xem cụ dạy thế nào đã, anh em mình quyền rơm  vạ đá, ăn chẳng có thì tội gì mà để khó đến thân".
Bác đĩ Tít hu hu bưng mặt khóc, để mặc vợ rũ rượi tóc tai.  Dưới ánh mồi lửa của bọn tuần, mẹ con người khốn nạn đầm đìa trong vũng máu! Một anh tuần chạy đi một lát thì bỗng thấy đèn  lửa lập lòe trong xóm đi ra, người lớn trẻ con lốc nhốc kéo theo cụ  tiên chỉ. Cụ mình khoác áo bông, chân đi guốc gộc, đầu bịt chiếc  khăn bông, lòa xòa một chòm râu trắng xóa. Hai con mắt hoăm  hoắm dưới bộ lông mày bạc nhìn theo mấy anh tuần chỉ trỏ rồi cụ  cất tiếng hỏi:
- Vợ chồng thằng Tít đấy phải không?
Một tiếng dạ run run trong cổ bác Tít đưa ra còn nghẹn ngào nức nở.
- Gô cổ mẹ nó ra gốc đa kia cho ông! Hừ! Sinh dữ tử lành,  chúng bay còn không biết à? Trời đất dân làng đang yên lành thế  này, chúng bay dám rước vạ làng ông chăng? Năm xưa đã thằng  cu ốc đem vợ đẻ về làng, rồi trong làng sinh dịch lệ tứ tung, tiễn  tống khốn khổ, chúng bay còn không nhớ à? Dù phép vua còn phải  thua lệ làng, chúng bay làm trái lệ làng thì chúng bay còn hòng ở  làng nữa hay không? Chúng bay tưởng ông không trừng trị nổi  chúng bay à? Tuần đâu rong lên, gô cổ con mẹ ấy ra ngoài kia, chỗ  dây máu kia thì lấy nắm rác đốt lên rồi rẫy cho sạch đất đổ xa đi,  còn thằng Tít thì trói nó vào cái điếm kia, mai ông sẽ liệu!...
Dứt lời oanh liệt của bậc chí tôn, bác Tít người run như cày  sấy, sụp lạy cụ Tiên, cầu khẩn xin cho theo ra để tìm cái che đậy  cho vợ con khỏi rét mướt rồi sẽ xin vào chịu tội. Mấy bác tuần răm  rắp dạ, người lớn trẻ con trong xóm đều ngấm nguýt đua nhau  thóa mạ:
"Đàn bà thối thây dầy da, kỳ sinh nở chẳng biết liệu lại còn  định dẫn nhau về để chực gieo vạ cho làng".
Cũng có người động mối thương tâm, kẻ thì thổi cơm, người  thì nấu nước đem ra cho, lại xúm nhau ôm rơm rác, chiếu nong cho  để làm lều làm túp. Cũng có kẻ lại sợ vía van, sợ cung long chẳng  dám lại gần. Dù có cái phong tục cổ truyền là cấm người đem gái  đẻ về làng chẳng hề ai há miệng nói sao, cũng chẳng ai hiểu vì sao  mà độc.

Xem Tiếp: ----