GÓC CHIẾU GIỮA ĐÌNH

Trời đã quá trưa. Tôi vừa về đến nhà trọ, đã thấy người nhà  ông L đã sang mời. Lần này là ba. Sáng ngày đã hai lần rồi. Trước  sự ân cần như vậy, ai mà có thể từ chối. Bởi tại hôm nay nhằm kỳ  bình văn, tôi phải có mặt ở trường, nên còn xin khất đến chiều. Kể  ra tôi với ổng không phải có thân tình gì. Vì tôi trọ học ở gần nhà  ổng thành ra quen ổng. Người ta bảo với tôi rằng: Ổng rất thật thà  chăm chỉ. Trước đó chừng mười lăm năm, ổng còn làm nghề cày  thuê, vợ ổng thì chuyên đi ở vú sữa. Cái chính sách tiết kiệm,  trong một thời kỳ khá dài, đã đưa nhà ổng lên đến bậc có máu  mặt, lưng vốn ở nhà đã có gần mẫu ruộng và nửa con trâu. Trong  mấy năm nay, vợ ổng đã không còn sữa, ổng cũng không được  khỏe mạnh như xưa, cho nên cả hai đều tự hưu trí để cùng trông  nom nhà cửa ruộng nương. Nhờ trời hồi ấy luôn luôn được mùa,  vận ổng lại càng tấn tới, trong chuồng lúc nào cũng có lợn lớn, thóc  lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia. Trong cái hạnh phúc của loài người,  ổng không mong gì hơn thế, nếu như làng ổng không có cái đình.  Khổ vì cái làng Đ.Tr. nhà ổng tuy không phải làng văn vật, nhưng  mà rất có trật tự. Bao giờ cũng vậy, ngồi chỗ trong đình làng ấy  cũng như ngồi chỗ ở các rạp hát, vẫn chia ra rất nhiều lô: trên  nhất là chiếu phẩm hàm, rồi đến các chiếu chức dịch, trai đinh  phải ngồi vào lớp cuối cùng. Ôíng tuy ngoài năm chục tuổi, nhưng  vẫn là hạng bạch đinh, mỗi khi ra đình, chỉ được ngồi với bọn bố  cu, bố đĩ. Điều đó, ổng rất lấy làm bất mãn. Nhiều lần làng khuyết  lý trưởng, phó lý, ổng đã dốc lòng định mưu lấy chút danh phận.  Chỉ vì ổng không biết một thứ chữ nào, cho nên không được như  nguyện. Năm nay, mái đình làng ấy có mấy chỗ dột. Dân làng cũng mong chữa lại, nhưng mà tiền công của làng chỉ vừa đủ để các hào lý đi việc quan, không còn thừa mà mua ngói. Các ông kỳ  dịch liền gọi ổng ra giữa đình, để bán cho ổng cái chức "lý cựu" lấy  một trăm bạc chi tiêu vào công việc tu bổ.
Lúc đầu ổng cũng phân vân, vì sợ cái của "không tân mà  cựu" sẽ không được ai quý trọng. Mấy ông kỳ dịch nói rất bùi tai,  họ bảo người ta bỏ hàng năm, bảy trăm, một nghìn để làm ông lý,  ông phó. Đằng này, ông chỉ tốn một trăm bạc, không vất vả gì, mà  rồi cũng được ngồi ngang với họ, ăn biếu ăn xén như họ. Ấy là một  dịp hiếm có, không nên bỏ qua. Nghe vậy, ổng cũng cho là rất có lý  và đã bàn kỹ với vợ. Vợ ổng cũng muốn được làm bà Cựu, nên  cũng khuyên ổng cố lo. Từ nửa tháng trước, ổng đã bán trâu, bán  ruộng, được hơn trăm bạc, để nộp cho làng. Thế là công việc mười  phần đã xong chín phần, chỉ còn khao làng một bữa, thì sẽ thành  danh ông Cựu. Đáng lẽ bữa khao ấy ổng định hoãn đến tháng mười, đợi cho lúa gạo của nhà, đỡ phải vay mượn mất lãi. Nhưng  mấy ông hương lý không nghe. Họ nói để lâu không tiện, dân làng  đã vậy, còn quỷ thần. ừ thì cái áo còn lo được, huống chi cái giải!  Trước một lần, sau cũng một lần, lo lúc nào thì xong lúc ấy. Ôíng  nghĩ vậy, nên mới cố mua bát họ hơn sáu chục đồng để lo cho yên.  Cứ ý bà Cựu, thì cuộc khao này chỉ cốt cho đủ lệ làng, không mời  khách khứa nào cả. Ông Cựu không chịu. Bây giờ ổng đã làm bậc  lý cựu trong làng, không thể xử cách nhom nhem được. Bởi vậy,  ổng định làm thật linh đình. Nhà chật. Trừ khu bếp đun, toàn thể  dinh cư chỉ có bốn gian một chái nhà tranh. Ngày thường, với gia  đình ổng như thế cũng là rộng. Lúc nào có việc, nó không đủ chỗ  để chứa làng xóm họ mạc. Từ chiều hôm qua, ông đã sai mổ con  lợn, để nhờ bà con dựng hộ gian rạp. Bấy giờ đã nửa tháng tám,  công việc ngoài đồng xong rồi, cả làng ai cũng rỗi rãi. Tôi tuy chưa  sang nhà ông, cũng nghe nói số người giúp đáp đông lắm. Mẹ nào  con ấy, chị nào em ấy, người ta kéo vào từng lũ. Cái anh người nhà  sang mời khoe rằng:
- Bữa chiều hôm qua, tất cả năm chục mâm cỗ. Con lợn bảy  yến, chỉ ăn một lượt là hết. Sáng nay ông Cựu lại cho giết ba con  nữa, hai con để họ hàng ăn cơm, một con để đem lễ thờ, rồi biếu  dân làng.
Và hắn nói thêm:
- Nhưng cũng chưa đủ. Chiều nay còn mời các lão và tư văn,  thế nào cũng phải vài ba con nữa. Rồi hắn giục tôi:
- Rước ông sang ngay đi cho kẻo ông Cựu tôi lại bắt người  khác sang mời. Ở bên ấy, các ông hàng tổng đương đợi ông đấy.
Anh ta nói đúng. Tôi còn lúi húi rửa mặt, đã nghe có tiếng  lợn kêu eng éc tự phía ngõ ngoài đi vào. Và một lát sau lại có  người nữa sang giục. Thay xong quần áo, tôi theo hai anh người  nhà cùng đi. Từ cổng trở vào, bát đĩa mâm nồi la liệt bày khắp mặt  đất. Trong rạp đông nghịt những người. Đám này không khác gì  các đám khác, ngoài một số người tay dao tay thớt, lại có các ông  chỉ chuyên thuốc phiện và tổ tôm. Tôi ngó hai dãy phản rạp thấy  có ba bàn tổ tôm và bốn bàn thuốc phiện. Thì ra cái bữa thết làng  tuy đã xong từ sáng ngày, nhưng mà các ông kỳ dịch vì có cảm  tình với ông "Cựu mới" cho nên còn lưu lại đó tất cả. Thoáng thấy  bóng tôi, ông Cựu chào hỏi một cách lơi lả và mời tôi vào trong nhà  ngồi với mấy người làng bên. Rồi ông trách tôi đã tệ với ông, vì từ  hôm qua đến giờ mới sang. Theo lệ tôi mở ví lấy một đồng bạc ra  mừng. Ông Cựu ra ý không thích và nói:
- Ông cho nhà cháu mấy chữ chả quý hơn ư? Tiền tuy cũng  quý, nhưng nhà cháu còn có thể kiếm ra được. Hay là để cháu mua  một đôi liễn, rồi ông viết chữ vào cho.
Tôi còn chưa kịp trả lời, thì thấy một người tất tả chạy vào  báo với ông Cựu:
- Tư văn đã vào! Ông Cựu lật đật chạy ra ngoài rạp. Thằng Mới vừa bưng vào đó một mâm cau và một bánh pháo.
Theo nó, một bọn lố nhố độ hai chục người tiến vào trong rạp.  Sau khi đã nói vài câu chiếu lệ, ông Cựu mời họ sang ngồi nhờ ở  nhà láng giềng, rồi ông giục người bưng cỗ sang đó. Một ông ở bàn  thuốc phiện vào chỗ tôi ngồi, nói chuyện tiếp tôi:
- Ông nó lo một việc này, có lẽ cũng tốn đến hai trăm bạc.  Song cũng còn may! Ông tính không làm việc ngày nào, tự nhiên  thành người kỳ cựu, chễm chện ngồi chiếu cạp điều giữa đình, há  chẳng sướng sao? Vì có chúng tôi giúp cho thì việc mới xong, người  khác đâu được như thế.
Uống rượu xong, tôi từ biệt ra về. Tới cổng lại thấy một lũ  kéo vào. Đó là các lão trong làng vào mừng ông Cựu. Cuộc linh  đình còn mãi đến sáng hôm sau.
Năm hôm sau nữa, tôi gặp bà  Cựu cắp nón đi ra cổng làng, với một dáng điệu không vui:
- Chào ông ở nhà, cháu đi làm đây.
Và không đợi tôi hỏi, bà ấy vội vàng cắt nghĩa:
- Cháu sang Hà Nội làm vú già ông ạ. Có gần mẫu ruộng và  nửa con trâu đã bán hết cả, lại còn nợ thêm hơn bảy chục đồng,  nếu không đi làm thì lấy gì mà đóng họ?

Truyện VIỆC LÀNG LỚP NGƯỜI BỊ BỎ SÓT MỘT ĐÁM VÀO NGÔI CÁI ÁN ÔNG CỤ NGHỆ THUẬT BĂM THỊT GÀ ĐÔI GIÀY MẤT DẠY GÓC CHIẾU GIỮA ĐÌNH NÉN HƯƠNG SAU KHI CHẾT HẠT GẠO XÔI MỚI MUA CỖ CON GÀ THỜ CỖ OẢN TUẦN SÓC MỘT TIỆC ĂN VẠ XÂU LÒNG THỜ MỘT CHIẾC LĂM LỢN MIẾNG THỊT GIỖ HẬU MÓN NỢ CHUNG THÂN MỘT CÁI THẢM TRẠNG !!!2134_4.htm!!! Đã xem 114374 lần. --!!tach_noi_dung!!--


NGHỆ THUẬT BĂM THỊT GÀ

--!!tach_noi_dung!!--
Từ khi thôi học, tính ra đã gần mười năm, bây giờ tôi mới lại  gặp Lăng Vân. Những chuyện tích lại trong một thời gian khá dài,  lúc ấy được dịp xuất hiện nó đã làm cho chúng tôi đều phải quên  ngủ, tuy đêm đã khuya. Ngoài sân trời tối như mực và mưa sùi  sụt, nước mưa rả rích giội xuống đầu thềm, như thêm vẻ chứa chan cho mối tình cửu biệt. Gà bắt đầu gáy. Dưới bếp bỗng có  tiếng người khậm khoặc. Rồi thấy bóng đèn lập lòe. Một lát sau,  nghe có tiếng gà đập cánh phành phạch và kêu quang quác. Tôi  ngạc nhiên hỏi:
- Người nhà đã sắp làm cơm đấy sao?
Lăng Vân lắc đầu: - Không! Sáng mai nhà tôi phải chứa hàng xóm. Chứa xóm cố nhiên không phải là một đầu đề để nói chuyện.  Chúng tôi lảng ra chuyện khác. Đồng hồ điểm hai tiếng mới cùng  trùm chăn nằm ngủ. Giấc ngủ của tôi đương ngon, thình lình bị  tan bởi mấy tiếng lộc cộc của guốc, và gậy nện xuống thềm gạch.  Tôi bừng mắt ra, trời đã sáng rõ, trong nhà lố nhố mấy ông cụ già  khăn áo tề chỉnh, Lăng Vân đang xoăn xoe chào mời các cụ một  cách cung kính. Giữ lễ xã giao với người lạ, tôi vội tung chăn ngồi  dậy và đương lúng túng chưa biết nên ở đó hay lánh đi đâu, Lăng  Vân đã bưng đến chỗ tôi ngồi một bộ bàn chè, một siêu nước sôi,  bảo tôi cứ việc pha nước và uống tự nhiên. Người đến mỗi lúc một  đông. Già có, trẻ có, đứng bóng có. Toàn là đàn ông tất cả. Trong  nhà giường phản chật hết, người nhà phải quét cái thềm mưa ướt  rờm rợp, rồi trải chiếu lên, để làm chỗ ngồi cho mấy ông tí nhau.  Hàng xóm vẫn lục tục kéo đến với những bàn chân đất lấm bê bết.  Ai cũng như nấy, sau khi đã đến bể nước giội qua, người ta đi nhón lên thềm, chùi chân vào cái chổi rơm làm phép, rồi bước xàm  xạp lên chiếu.
- Sao không lấy gì mà che, lại đi đội trời thế kia! Nước mưa  ướt cả đồ lễ!
Tiếng thét dõng dạc của một ông già ở phản bên kia vừa dứt,  thì ở dưới sân, một người vừa lù lù bưng mâm xôi gà lên thềm và  đặt vào chiếc phản giữa. Rồi một người khác để luôn lên đó hai  chai rượu lớn. Con gà cũng không nhỏ lắm, ước chừng một người  ăn cố mới hết. Cỗ xôi vừa kín cái lòng mâm đồng, nó phải độ bốn  đấu gạo! Còn hai chai rượu thì đầy ăm ắp, hạng chai ba phần tư  lít. Mọi người ngồi yên, một ông đàn anh ra lệnh:
- Hàng xóm đã đến đông đủ! Thằng Mới đem làm cỗ đi! Thì ra cái người đội mâm xôi gà lúc nãy chính là mõ làng.  Hắn dạ một tiếng thật dài rồi khép nép đứng tựa bên cột:
- Thưa các cụ làm bao nhiêu cỗ?
Ông đàn anh ấy lại lên giọng:
- Mày trông xem có bao nhiêu người kiến tại.
Thằng Mới liếc mắt một lượt từ trong nhà ra đến ngoài thềm,  rồi thưa:
- Bẩm ba mươi người tất cả.
Ở đầu dãy phản tay phải, thấy có tiếng hỏi: - Hàng xóm ta mười mấy suất, cụ còn nhớ không? Rồi có tiếng đáp:
- Năm ngoái bảy mươi tám suất, năm nay mới thêm năm suất thế là tám mươi ba suất cả thảy.
Ông đàn anh vừa rồi nhìn vào thằng Mới:
- Vậy thì phải làm hai mươi ba cỗ, tám cỗ kiến tại, một cỗ  chứa, một cỗ cho mày, còn mười ba cỗ làm phần.
Câu nói của ông ấy khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Một con gà  và bấy nhiêu xôi mà làm đến mấy chục cỗ, thì làm ra sao? Chắc là  còn có món gì khác nữa.
Tôi nghĩ như thế. Nhưng mà không. Chẳng có chi hết. Người  nhà chỉ bưng lên thềm hai thúng bát đĩa, một con dao, một cái  thớt, một liễn nước mắm và hai chồng mâm. Thằng Mới lễ bễ bưng  mâm xôi gà ra thềm. Hắn nhấc con gà sang chiếc mâm khác, rồi  chữa cỗ xôi hình tròn ra hình vuông. Ôì lạ! Con gà làm được hơn  hai chục cỗ, thật là một kỳ công! Tôi phải giả vờ đứng dậy ra sân  để đến tận nơi mà coi cho rõ. Thằng Mới đặt thử con dao lên mặt  cỗ xôi, hắn tính lẩm bẩm giây lát, rồi xắn một chiều làm sáu, một  chiều làm bốn. Sau khi lấy một miếng xôi véo ra từng tí để phụ  vào các miếng kia, hắn nhấc mâm xôi sang một bên cạnh và kéo  cái thớt vào chỗ trước mặt. Cái thớt khí trũng, hắn gọi thằng nhỏ  đổi cho cái khác và hắn lẩm bẩm một mình:
- Băm thịt gà cần phải dao sắc, thớt phẳng. Nếu mà dao cùn  thớt trũng thì thịt sẽ bong hết da!
Vừa nói, hắn vừa với sang thúng đĩa lấy đủ chục chiếc, bầy la  liệt trên mặt thềm. Thằng nhỏ đã xách lên đó chiếc thớt mới nguyên, sắc gỗ nghiến còn đỏ đòng đọc. Nhanh nhảu, hắn sờ ngón  tay vào lưỡi con dao, xem có bén không. Và hắn lật cái trôn bát liếc  luôn ba lượt thật mạnh. Bấy giờ mới giở đến bộ lòng gà. Mề, gan, tim, phổi, các thứ đều được thái riêng và được bày riêng vào một  góc đĩa. Tuy nó mới chỉ một dúm cỏn con, nhưng trong mười đĩa  không đĩa nào thiếu một thứ nào. Rồi hắn nhấc cả con gà ra thớt.  Bắt đầu chặt lấy cái sỏ, sau mới chặt đến miếng phao câu. Thình  lình thấy hắn đứng lên ngoảnh mặt vào phía mấy ông đàn anh:
- Thưa trình các cụ, hôm nay sỏ gà pha mấy? Phao gà pha mấy?
Một ông trong bọn nhìn qua vào đám nhiều tuổi, hình như để  đếm đầu người, rồi đáp:
- Ở đây chỉ có năm cụ và bốn ông đàn anh. Vậy thì sỏ gà pha  năm, phao gà pha bốn.
Hắn lại ngồi xuống chỗ cũ. Trước hết ghè dao vào giữa hai  miếng mỏ gà để cắt cái sỏ ra làm hai mảnh.
Rồi hắn úp cả đôi mảnh xuống thớt, chặt mảnh mỏ dưới làm  đôi và mảnh mỏ trên làm ba. Tôi không biết những miếng thịt gà  này có đều nhau không, chỉ thấy tất cả năm miếng, miếng nào cũng có dính một tí mỏ. Tiếp đến cuộc pha phao câu. Công việc tuy  không lấy gì làm khó, nhưng hắn làm cũng vẫn có vẻ khác người.  Bốn miếng phao gà, miếng nào cũng có đầu bàu, đầu nhọn, chẳng  khác nào một cái chũm cau chẻ tư. Sỏ gà bày vào một đĩa, phao gà  bày vào một đĩa. Hắn lại cắt lấy hai chiếc cánh gà, chặt luôn làm  hơn mười miếng và bày với đôi chân gà làm thêm một đĩa nữa.  Bây giờ thì đến mình gà. Hắn lách lưỡi dao vào sườn con gà, cắt  riêng hai cái tỏi gà bỏ góc mâm. Rồi lật ngửa con gà lên thớt, hắn  ướm dao vào giữa xương sống và giơ dao chém luôn hai nhát theo  chiều dài cái xương ấy. Con gà bị tách ra làm hai mảnh. Mỗi mảnh  đều có một nửa xương sống. Một tay giữ thỏi thịt gà, một tay cầm  con dao phay, hắn băm lia lịa như không chú ý gì hết. Nhưng mà  hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên,  không nhát nào cao, không nhát nào thấp. Mười nhát như một, có  khi chỉ lên khỏi mặt thớt độ khoảng một gang, và cách cái ngón  tay hắn độ vài ba phân. Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt,  nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau,  cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà  băng ra. Miếng nào cũng như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da,  không còn dính nhau mảy may. Trông những miếng thịt gà của  hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao! Không giập, không nát,  không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước. Băm xong con gà,  hắn móc túi lấy một nắm tăm. Mỗi miếng thịt gà, hắn xâu cho một  cái tăm vào giữa. Rồi hắn cắm vào mâm xôi. Cứ mỗi tảng xôi là  bốn xâu thịt. Thịt vừa hết, xôi cũng vừa kháp. Té ra cái mình con  gà, hắn đã băm được 92 miếng. Lăng Vân cười và hỏi tôi:
- Anh đã chịu nghề băm thịt gà của ông Mới làng tôi chưa?  Nhà hắn ba đời làm cái nghề ấy, thì mới thạo được như thế. Người  khác dễ ai làm nổi!
Tôi chịu lắm. Và tôi muốn dâng cho ông Mới ấy cái chức nghệ  sĩ.
--!!tach_noi_dung!!--


Nguồn: Mọt Sách
Được bạn: mọt sách đưa lên
vào ngày: 9 tháng 2 năm 2004

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--