CỨ ĐỂ CHO NÓ CHẾT

Vừa rồi, bác cựu binh Nguyễn Văn T... người làng Tứ Kỳ,  tổng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Đông tìm tới cái chết tại hồ  Hoàn Kiếm Hà Nội chỉ vì đã mất 4, 5 trăm đồng bạc để khao vọng  vào ngôi tư văn, mà chánh hội và tiên chỉ làng ấy không cho vào  chủ tế. Bị ức, bác phải thưa quan, mà quan cũng không xử cho.  Giá tôi là bác phu lục lộ của thành phố được chứng kiến lúc bác  T... nhảy xuống hồ, khi cứu lên mà được biết cái nguyên nhân đã  làm cho bác chán đời muốn chết trong thư tuyệt mệnh thì chẳng  những tôi không cứu, không can không dẫn về cẩm, lại muốn dìm  xuống cho bác T... chóng chết là khác nữa!
Cái tư tưởng ấy tuy có khốc liệt một chút nhưng tôi muốn  khu trừ cái nọc độc mà Trần Thủ Độ xưa kia đã gieo cho dân một  cái thảm họa tới nay chưa dứt được. Bày ra một cái triều đình giả  dối, lấy ông thần gỗ tôn lên ngôi báu, lấy tổng lý làm công khanh,  lấy thịt xôi làm bổng lộc để họ ham mê áo mũ xênh xang, trống  giong cờ mở. Những vị thần gỗ ấy, ngoài những đấng anh quân  lương tướng mà ngày nay họ dùng làm ông ngáo ộp để trừ tà trị  bệnh, bói thẻ cầu mộng, lợi dụng cái lòng mê tín dị đoan của lũ  dân khờ dại, lại còn lẫn cả thần ăn trộm, thần ăn mày, thần chết trôi, thần gắp phân, thần loạn dâm. Hơn nữa, lại thờ cả con rắn,  con voi, con ngựa. Đấng tối linh của họ đã có cái lịch sử, cái sự  nghiệp khốn nạn như thế, thì kẻ sùng bái tất nhiên là những kẻ  ngu tham, ngoan ngạnh, thằng khôn ăn vào đấy, thằng dại khổ vì  đấy. Thế mà hết đời này sang đời khác, người ta vẫn nhẫn tâm bắt  dân đeo cái xích sắt ấy mà lại muốn cho dân cường nước thịnh thì  cũng lạ thay! Trong lúc người ta theo làn sóng cạnh tranh tiến hóa, sôi nổi khắp mọi nơi, người ta đang ganh đua tài trí để quyết  đấu quyết thắng trong trường hoạt động, tìm lấy cách sống cho  xứng đáng, gây lấy cuộc đời cho rực rỡ, lập lấy sự nghiệp cho vẻ  vang thì dân quê mình hãy còn mờ mịt tối tăm, còn ham mải tranh  xôi cướp thịt, tị nhau chiếu dưới chiếu trên, kiện nhau miếng trầu  biếu, bán gia tài cơ nghiệp để chuốc lấy cái hư vinh ông hiến, ông  trùm. Không được thỏa thì hồi tâm táng chí, lấy cái chết để rửa  hờn rửa nhục! Bác cựu binh Nguyễn Văn T... muốn chết cũng thuộc trong tình trạng như trên vừa nói. Cũng là kẻ thụ độc của  họ Trần! Nhưng bác muốn chết hay dọa chết đấy? Có lẽ bác dọa  chết: vì nếu bác muốn chết thật thì thiếu gì cách chết ở trong làng: treo cổ lên cây, đâm đầu xuống giếng, uống thuốc độc... Nhưng chẳng qua là bác tới đây tìm cái chết để cho có nhiều người cứu  sống, mong... tố cáo cái tội ác của lũ đàn anh kia đã ngăn trở  không cho bác cái vinh dự vào "hầu hạ nhà thánh". Tội chúng đã  nặng nề mà quan bản hạt cũng làm ngơ. Bác muốn chết thật ư?  Giá tôi được chứng kiến lúc bác gieo mình xuống dòng nước, thì tôi  rất vui lòng đợi bác chết hẳn rồi mới xuống kéo lên cho khỏi thối  nước hồ!
Không những thế, tôi lại mong cho những người có tư tưởng  đớn hèn như bác theo nhau mà chết để tẩy uế cho thôn quê, giải  tội cho đình miếu, trừ cái nọc độc của họ Trần để lại! Kìa cái chết  của viên thuyền trưởng khi gặp nạn ngoài khơi. Không phải tin  mình bơi giỏi, sức khỏe mà không sợ chết, nhưng cái phận sự phải  nhường cái sống cho khách đi tàu, tung phao ra, thả xuồng xuống,  quên mình đi, cứu vớt người thoát nạn, mà cam tâm đợi phút cuối  cùng! Cái chết anh hùng ấy, chốn hương thôn chẳng làm gì có,  nhưng cũng có người liều thân lăn vào đám cháy cứu lấy sinh mệnh tài sản cho người; cũng có kẻ vì phận sự hộ đê, gặp thảm  họa tới nơi cũng cam lòng cho dòng nước trôi đi; cũng có kẻ dám  xông xáo trong hồi dịch tệ, cứu chữa cho người ốm, chôn cất cho  người chết mà không hề quản ngại đến thân. Đó là cái chết vì ích  chung, vì đồng loại mà chết, vì lòng nhân mà khổ sở. Tôi nhận cái can đảm ấy, cái khí phách ấy là xứng đáng với đạo làm người.  Đáng trọng lắm, đáng kính hương sùng bái lắm! Cái chết của bác  cựu binh Nguyễn Văn T... nếu được chết thật, bất quá cũng là cái  chết vô ý thức. Song dù chết thật hay chết giả, cái tâm hồn ấy có  thể nói là tâm hồn bại liệt, không đáng sống trong đời cạnh tranh  kịch liệt này. Trước cái tình trạng dân thôn ngày nay, ta có thể  quả quyết mà nói rằng còn cái tiểu triều đình giả dối ấy, còn có kẻ  hám hư vinh, cơ nghiệp còn đồi bại. Trong chốn hương thôn, gây  năm bè bảy bối chỉ vì miếng ăn, chỗ ngồi sinh ra đánh nhau, kiện  nhau kẻ bị giết, kẻ tự giết còn đầy rẫy ra đó. Thế mà bề ngoài ta  vẫn trông thấy đình rộng trống kêu, cờ điều tán tía, mũ áo xênh  xang. Đó chỉ là cái lớp phủ lên trên sự thối tha, dơ dáy, thực cũng  thảm thương thay!