VIỆC NÀY LẠI PHẢI NHỚ ĐẾN CỤ NGHÈ BÂN

Tôi rất vui vẻ và không dám cười để báo tin cho bạn đọc hay  rằng: đến ngày rằm tháng Bảy An Nam sắp tới -và trăm năm về  sau cũng vậy -các bạn sẽ được nghỉ một buổi chiều, nếu như các  bạn là công chức, là học sinh, là thợ thuyền hay là tù phạm. Bởi vì  hiệp tá đại học sĩ sung Bắc Kỳ phật giáo hội hội trưởng kiêm Hà Nội Quán Sứ tự trụ trì Nguyễn Năng Quốc đại nhân, mới xin được  nửa ngày đó để làm cả ngày phục thiện, coi như công lễ của hai xứ  Trung Bắc Kỳ. Các bạn chắc cũng biết qua lai lịch của ngày rằm  tháng bảy? Ngày ấy, nhà Phật gọi là tiết Vu Lan Bồn. Theo kinh  "Phật thuyết Vu Lan Bồn" thì gây ra tiết ấy bởi tại bà mẹ ông Mục  Kiên Liên.
Bà ta lúc sống ác lắm, lúc chết phải án "giam vào ngục lửa".  Giả sử nó là lửa của trần gian vẫn dùng đun nấu thì vô luận vật  gì, bỏ vào một lúc, tức thì ra tro. Nhưng lửa của âm phủ chừng  như không nóng, cho nên bà kia bị tống vào đó hàng mấy chục  năm mà vẫn còn sống, tuy rằng bà ấy đã chết. Rồi khi ông Mục  Kiên Liên theo Phật đắc đạo xuống chơi địa ngục thăm mẹ thì thấy bà cụ đói lắm, đại khái cũng đói độ như dân đói ở Bắc Ninh  bây giờ. Ông ấy rất thương xót bèn hóa phép chế một nải chuối  đưa cho mẹ ăn. Nhưng tội nghiệp, bà ấy vừa đưa lên miệng thì  chuối bỗng hóa ra lửa mất cả. Buồn quá, ông ấy trở về hỏi Phật  xem có cách gì cứu mẹ mình. Phật bảo ông ấy đúng đến ngày rằm  tháng bảy, lập đàn Vu Lan Bồn, bố thí cơm cháo cho mấy vạn đại  chúng thì bà ấy sẽ được siêu thoát. Đại lược sự tích ngày rằm tháng bảy là vậy. Bởi sự tích ấy hơi có tính cách ân xá, cho nên về  mùa sau những người bắt chước ông Mục Kiên Liên dùng ngày ấy  mà cúng tổ tiên, họ thường gọi là ngày "vong nhân xá tội".
Nhưng cũng nhiều người không chịu cúng bái vào ngày ấy.  Vì họ tin rằng: tiên tổ nhà họ không làm gì nên tội, không bị giam  cầm, muốn về dương gian ngày nào cũng được, chẳng riêng gì ngày  rằm tháng bảy. Nói vậy kể cũng có lý, song nó trái với thuyết của  Phật. Cứ như Phật nói thì cái thế giới thứ 13 là chỗ chúng ta ở này  cũng như Sơn La, Lao Bảo hay Guyan, chỉ là nơi đầy ải "kẻ có tội".  Đã đẻ vào đây, vô luận ai ai, đều là hạng can án tất cả. án ấy  không biết ở đâu dựng lên, tội nhân trả trong lúc sống chưa hết,  chết rồi còn phải trả nữa. Đương sống mà chết, Phật bảo là kiếp  luân hồi tức là một chuyến tù đổi sở giam. Vậy thì, vô luận ai ai,  nếu theo đạo Phật, lúc chết đều phải vào hỏa lò của vua Diêm, chỉ  có ngày rằm tháng bảy là ngày đại xá, mới được tự do mà thôi.  Nếu trong ngày ấy, con cháu không cúng, có khi vong nhân sẽ phải  "reo đờ fanh" suốt đời. Hoặc giả vì sợ tư tưởng ấy (cái tư tưởng  "phản đối" ngày rằm tháng bảy) lan rộng mãi ra, thì không khéo  phong trào tuyệt thực ở nhà lao Phong đô sẽ mỗi ngày mỗi lớn, có  khi đến rối cuộc trị an ở cõi âm, cho nên cụ hội trưởng của hội Phật giáo mới xin cho thiên hạ nghỉ ngày Trung nguyên để họ có  thì giờ mà cúng vong nhân. Nếu không, cụ đã xin nghỉ vào ngày  vía Phật. A di đà Phật! Việc này của cụ thật là "ơn tới xương khô"!
Chẳng những thế thôi, với việc này, cụ còn gỡ lại rất nhiều  thể diện cho tín đồ của đạo Phật nữa. Xứ này là xứ ba cái tôn giáo  trộn lẫn, tín đồ suýt soát như nhau. Vậy mà bao nhiêu ngày lễ  trước đây đều là ngày kỷ niệm của đạo Gia tô, các tín đồ của đạo  khác đều phải nghỉ nhờ, nghỉ "boóng". Bây giờ mới có ngày lễ  chính thức của đạo Phật để bù chỗ thiệt thòi từ xưa đến giờ. Ấy là  đạo Phật đã trả được nợ cho đạo Gia tô rồi vậy! Còn đạo Khổng  nữa! Gà người gáy không lẽ gà nhà cứ im. Nếu không có một ngày  công lễ của đạo Nho thì cụ Khổng há chẳng lép vế lắm à? Có lẽ  phải nhờ đến cụ nghè Bân. Bởi vì trong các nhà Nho hiện thời, cụ  là nhiều tuổi hơn hết. Lúc này làng cụ mới bị hỏa hoạn thê thảm,  chắc cụ còn bận về việc chẩn tai tuất hoạn, chưa có thì giờ nghĩ  đến chuyện khác. Mai mốt rảnh việc, thể nào cụ cũng xin cho nhà  Nho một ngày công lễ, để cụ Khổng khỏi thẹn với cụ Thích, cụ Gia.  Xin cụ nhớ xin nghỉ vào ngày xuân đinh, thu đinh vì những ngày  trên có sỏ trâu, sỏ lợn.