HỌ LẠI KIẾM ĂN VÀO NẮM XƯƠNG KHÔ

Chúng tôi tưởng các nhà đương sự cũng nên vì dân quê mà  trừ khử lũ thầy địa kia, vì chính họ là những kẻ lường gạt. Hồi  này vì kinh tế khó khăn, ở các thôn quê lại đẻ ra rất nhiều thầy  địa. Bọn đó là một hạng người vô nghệ nghiệp, họ chỉ có một cái la  kinh làm vốn để lân la hết làng này đến làng khác, hết nhà này đến nhà kia, mục đích cốt kiếm vài bữa cơm, hoặc năm ba đồng  bạc. Điều đó tuy là tội của phường bất lương, nguyên nhân cũng vì  sự mê tín của dân quê mà ra. Xưa nay dân quê rất tin phong thủy,  tín ngưỡng quỷ thần, phụng sự tổ tiên đều có hàm một cái tính  cách ỷ lại vào sức mầu nhiệm vô hình của khoa phong thủy mà  cầu lợi. Họ yên trí rằng cái số phận dân làng may rủi hay hèn, đều  theo ở hướng đình, con cháu cường thịnh hay suy vong, đều trông  vào ngôi mộ tổ. Chỗ đình chùa trong dân thôn còn bị chi nọ chi kia  ràng buộc, không mỗi chốc di đi dịch lại được, chứ như trong một  nhà, thì nắm xương kẻ chết bị họ đào lên chôn xuống luôn luôn - hòng nhờ sự kết phát để cầu đinh tài, quyền chức.
Người ta bảo họ dùng nắm xương cha mẹ để làm mồi cầu phú  quí, thực không oan. Một việc vô lý và vô đạo như vậy, không hiểu  vì sao vẫn có người tin? Bảo rằng cuộc thành bại hưng vong trong  sự nghiệp và thân thế con người ta là do sự chủ trương của đấng  cao xanh mà khoa phong thủy, dùng âm phần dương trạch của người ta làm cái "cầu chì" để thành toán cho sự chủ trương của  trời đất, thì người ta một khi đã gặp được thầy phong thủy để cho  ngôi đất, cắm cho ngôi nhà, rồi cứ nghiễm nhiên tọa hưởng kỳ  thành, không học mà hay, không làm mà có hay sao?
Nếu nhận rằng phong thủy là một khoa học do cái văn minh  xán lạn của Trung Hoa cấu tạo nên, lấy thiên cơ địa đạo hộ vệ cho  nhân sinh, sự mầu nhiệm có quan hệ tới sự cùng thông đắc táng  một cách rõ rệt, thì sao hiện nay dân quốc Trung Hoa lại hạ lệnh  trừ khử một cách cương quyết những kẻ làm nghề phong thủy?  Hẳn là họ cũng đã xét cái khoa học ấy, một là nhất truyền, hai là  vô hiệu, nếu còn để mãi thì chỉ gây ra cái họa quần manh dẫn  quần manh vào con đường mê tín và ỉ lại là hai cái trở lực cho cơ  tiến hóa, cho nên họ phải cấm đi. Có người nói rằng di hài cha mẹ  là bảo vật của người con chí hiếu, kẻ hiếu dưỡng cha mẹ lúc sinh  tiền thì ăn tất dâng cơm dẻo canh ngọt, ngồi tất đặt giường cao  chiếu sạch, thì khi tử hậu tất cũng phải tìm chỗ đất lành, phong  cảnh đẹp đẽ để an táng mới yên lòng. Nếu chỉ một ý nghĩ trọng  hậu ấy thì hà tất phải dùng thầy phong thủy, moi móc nắm xương  tàn, tha hết đồng này xứ khác. Xét về môn học phong thủy mà  được thịnh hành ở xứ ta, hoàn toàn nhờ sự cổ động của sách vở đời  xưa còn lại. Chẳng những người ta tán dương nó bằng sách địa lý  mà còn ca tụng nó bằng sách truyện ký nữa. Sách Công dư tiệp ký  chép những lương tướng hiền thần, lập nên sự nghiệp lẫy lừng, không chuyện nào không nói đến việc phong thủy. Ông nọ được về  ngôi mả hổ táng, ông kia được ngôi mả thiên táng; vua Đinh Tiên  Hoàng là con rái cá, bố ông trạng Mạc Đĩnh Chi là con con khỉ độc,  bịa đặt toàn những chuyện hoang đường. Sau pho sách ấy là quyển Nam hải dị nhân của ông Phan Kế Bích biên dịch cũng một  tính cách như thế. Thế mà ngày nay được Nha học chính công nhận là hạng sách giáo khoa. Quyển sách ấy chẳng biết tốt cho lũ  trò non về phương diện nào, nhưng về phương diện phong thủy thì  hẳn lũ trò non sẽ truyền thụ được cái thói ỉ lại di truyền, và họ sẽ  in sâu vào bộ óc non nớt ấy rằng, tuy sống ở đời khoa học thực tế  này, riêng con dân Nam Việt còn phải nhờ hòn đất mới được vinh  thân phì gia, nhờ hòn đất mới được phấn vua lộc nước, tài năng  học thức chỉ là món phụ thuộc mà thôi. Nếu như thế thì những kẻ  làm con trong thời buổi khó khăn, gặp cảnh cơm không đủ ăn, áo  không đủ mặc, lại đèo bòng cha già mẹ yếu, vợ mọn con thơ, hẳn  cũng có khi thoáng một ý nghĩ mơ hồ rằng: sao hai đống thịt yếu  hèn kém cỏi kia, sống đã vô dụng thì chẳng chết quách đi cho mình tìm nơi đất kết mà chôn để ta được giàu có sang trọng như  người, còn bắt mình nuôi "báo cô" mãi tới bao giờ? Tóm lại, cái  nghề phong thủy nó đã làm hại dân ta đủ các phương diện, nhất là  hồi này, vì kẻ vô nghệ nghiệp đều xoay ra làm nghề ấy lại càng tai  hại hơn. Chúng tôi tưởng các nhà đương sự cũng nên vì dân quê  mà trừ khử lũ thầy địa kia, vì họ chính là những kẻ lường gạt.