THẾ THÌ NHÀ BÁO LÀ ÔNG TRỜI

Các báo Trung, Bắc chưa được có hân hạnh ấy. Đây là sự  vinh dự của các bạn đồng nghiệp trong Nam! Nhưng không phải là  chuyện tự do báo chí. Nó là dây dưa của nạn cướp lúa. Trong một  bài trước, tôi đã nói qua, nạn ấy, độ nọ, đã làm cho nhiều nơi ở  miền Hậu Giang hầu như lộn xộn trật tự. Cứ lời ông Nguyễn Văn  Sâm đã nói trong báo Tự do, thì đầu đuôi trong mấy hôm trời, hai  tỉnh Bắc Liêu, Rạch Giá xảy ra mười đám cướp lúa cả thảy. Nói là  cướp, chẳng qua tôi muốn hà tiện cho cái ngòi bút. Kỳ thực bấy  nhiêu đám đó đều chưa đủ điều kiện được gọi là những vụ cướp.  Bởi vì bao nhiêu ngàn người dự các vụ ấy đều không có một tấc khí  giới. Hơn nữa, khi đến những nhà chủ điền, nhiều người còn trao  cho họ những bức văn tự vay nợ, có ký tên tuổi rõ ràng. Đáng lẽ  phải gọi là vay. Nhưng vì trong khi hỏi vay, người ta không đợi chủ nợ ưng ý, cứ kéo ùa vào mà xúc lấy lúa, vay đâu có lối vay thế!  Thà bảo là cướp còn có nghĩa hơn. Dù vay dù cướp cũng vậy, sự  đặt tên ấy không quan hệ gì. Cái quan hệ là nguyên nhân nạn ấy ở  đâu mà ra? Quan thống đốc Nam Kỳ bảo là có kẻ xúi giục. Ông  Nguyễn Văn Sâm của báo Tự do bảo tại cái máy chính trị vụng về,  không biết kiếm công tìm việc cho dân làm ăn trong khi túng thiếu. Bạn đồng nghiệp Lục tỉnh tân văn chừng muốn được lòng  mấy ông xét tá đổ tội luôn cho đạo nghị định cấm việc cho vay  nặng lãi. Còn tôi? Lúc đầu, tôi vẫn tưởng rằng:
Nạn đó, một phần là tại mấy ông chủ ruộng. Giả sử, ngày  thường các ông ấy không bòn rút bọn kia một cách thái thậm, thì  dù có gặp một năm mất mùa may ra họ cũng không đến nỗi đói.  Hay là giả sử trong lúc họ trót đói rồi, các ông ấy chịu bố thí bớt  cái thừa thãi của mình để cứu những bộ dạ dày trống rỗng của họ  thì đâu đến nỗi họ phải rủ nhau đi cướp? Nhưng không thế! Những năm được mùa, người ta đã nạo xương họ, hút tủy họ chỉ  để họ đủ sống một đời ngắn ngủi, rồi khi đói khổ, người ta khư khư  khóa chặt "lẫm lúa" không chịu vung ra một hạt.
Nào ai cãi lại câu đó để tôi xin mời hai ông Hứa Quang Chiểu  và Trương Quang Thành làm chứng. Bằng một thứ giấy bạc đặc  biệt, ông Chiểu đã cho tá điền vay nợ với kiểu "một vốn tám chín  mười lời". Và trước cái cảnh nheo nhóc của hàng nghìn dân đói,  ông Thành vẫn chất lẫm một vạn ba nghìn giạ lúa để cho mọt ăn.  Những chuyện ấy trong tờ báo này đều có nói đến.
Thế là người ta chế tạo ra lũ dân đói để bắt họ phải đến nhà  mình mà cướp chứ gì? ấy là khi trước thì tôi nghĩ vậy. Song, sợ  mất lòng mấy ông điền chủ, cho nên hôm nọ tôi phải kết án cho  con ma đói. Nhưng xét cho kỹ buộc tội nó oan nó, chính nó cũng là  khổ chủ, không phải thủ phạm. Vì thế, tôi đương muốn trút tội lỗi  vào đầu ông trời. Bởi tại ông ấy gây ra nạn lụt nạn "tim", lấy hết  lúa gạo của lũ dân cày, cho nên mới đẻ ra lũ ma đói chuyên xui  đàn bà con nít kéo đi cướp lúa. Quả báo! Tôi mới nghĩ vậy mà chưa  kịp nói, thì, như muốn trả thù cho trời, mấy ông điền chủ trong  Nam đã quay trở lại mà đổ tội luôn cho các bạn đồng nghiệp của  tôi trong ấy. "Cái nạn dân đói cướp lúa, chỉ tại các báo quốc âm  gây ra", khi quan thống đốc xuống miền Hậu Giang, các ông ấy nói  ở trước mặt ngài như thế, và các ông ấy còn yêu cầu chính phủ  khôi phục lại việc kiểm duáệt báo chí là khác. Cố nhiên các báo  trong ấy không có báo nào xui dân đi cướp lúa, cũng không báo nào xui dân "đói đi". Thế thì cớ sao lại bị người ta gắp lửa mà bỏ  bàn tay? Hay là các bạn đồng nghiệp trong ấy đã có bí thuật gây  ra nạn lụt, nạn "tim"? Nếu thế thì các báo quốc âm cũng có uá  quyền thiêng liêng như ông trời rồi còn gì! Nhưng không nên trách  mấy ông chủ ruộng, chỉ trách các báo trong ấy. Làm sao các bạn đã  lĩnh cái trách nhiệm hướng đạo quốc dân, mà còn để cho khu vực  của mình vẫn có những ông điền chủ ngây thơ đến vậy? Tôi muốn  yêu cầu các bạn từ đây trở đi, mỗi bạn nên mở thêm một mục  "điền chủ giáo dục" dành riêng cho mấy ông ấy.