(Nguyên tác: Biệt Vọng Kim Tiêu)
Chương 6

Chưa bao giờ Thiên Nhu tỏ ra tôn trọng anh mình, phải chăng do tuổi tác giữa hai anh em sát nhau quá.
- Hơn mình có mười một tháng, có gì ghê gớm đâu cơ chứ?
Bố mẹ gọi Thiên Uy ơi, cô bé cũng luôn mồm gọi theo "Thiên Uy ơi". Khó lắm, Thiên Uy mới được em gái gọi mình một tiếng bằng anh, nhưng giọng nó nghe quái dị làm sao, cứ như giọng nói ngọng lúc nó còn nhỏ. Hai chữ "anh ơi" phải trả giá đấy nhé, đó là những lúc Thiên Nhu cần nhờ vả Thiên Uy một việc gì đó mới gọi Thiên Uy bằng anh.
Về các môn toán lý do thiếu óc phân tích Thiên Nhu đã thi trượt chuyển cấp, cô bé đành vào trường nữ học của đạo thiên chúa. Ngày thường, Thiên Nhu tỏ ra hoạt bát, linh lợi, nhưng hễ gặp những đề bài khó về toán lý, mắt cô trợn tròn, lưỡi cô cứng đơ, đầu óc như mụ đi, cô chẳng còn biết đằng nào mà lần, do đó cô càng mất lòng kiên nhẫn trong tư duỵ Mỗi khi Thiên Nhu cầu cứu bố, chả hiểu vì không hiểu hay vì quá bận, bố cứ bảo: "Đi hỏi mẹ". Còn mẹ thì cười cười, nhíu lông mày nói thật tình: "Chao ôi, bỏ bao nhiêu năm rồi, mẹ quên sạch, thôi đi hỏi anh con!".
Không dám trái lệnh mẹ, Thiên Uy đành giải đáp cho em gái. Thiên Uy tuy thông minh, song thiếu lòng kiên nhẫn, cho nên không khỏi nói với giọng coi thường em gái: "Có thế mà cũng không hiểu!".
Thiên Nhu là cô bé không chịu nổi những lời làm thương tổn lòng tự trọng, cho nên dù anh giúp đỡ, cô bé chẳng những không biết ơn, còn thêm oán trách. Mỗi lúc nổi tự ái cô vặc ngay lại:
- Già ôi, làm bộ cái cóc khô gì thế! Tiếng Anh đàng ấy đã bằng tớ chưa?
Mặc dù tiếng Anh Thiên Uy học cũng khá, nhưng chỉ bó hẹp trong bài vở, đến khi đối thoại, kém xa Thiên Nhụ Khi Thiên Nhu về nước, luôn mồm nói tiếng Anh, nay học trường đạo của Tây, cô bé là học sinh ưu tú, tiếng Anh nói làu làu.
Thiên Nhu học piano với bà xơ Tây. Lúc ở nước ngoài, Thiên Nhu đã học đàn mất một năm. Sau khi về nước, bài vở trong trường tiểu học rất căng không có thì giờ tập đàn, vả lại đối với cô tập đàn cũng như một cực hình.
Quan điểm của mẹ: "Con gái có am hiểu cầm, kỳ, thi, họa mới ra người thanh nhã cao quý" cho nên đến khi vào học năm thứ nhất sơ trung, mẹ khuyến khích Thiên Nhu tiếp tục học pianọ Một khi bị điểm kém về toán lý, mẹ không những không khiển trách còn động viên an ủi Thiên Nhu:
- Không sao, con có định làm nhà khoa học đâu.
Không hiểu Thiên Uy sau này làm gì nhưng không thấy mẹ khuyến khích anh cô phải giỏi cầm kỳ thi họa, trái lại mỗi lần đọc thơ của Thiên Uy, mẹ lắc đầu quầy quậy:
- Con trai viết những thứ này làm gì?
Thậm chí mẹ còn mắng anh là không ốm đau mà rên rỉ suốt ngày.
Ừ, đúng là Thiên Uy lúc nào cũng tỏ ra rầu rỉ. Khi cô gọi anh ta ra ăn cơm, đôi mắt Thiên Uy mơ mơ màng màng, mặt tái xanh, cứ như chưa tỉnh giấc mơ.
Trong gia đình bốn người, chiếc ghế kia nhẽ ra của bố, vậy mà tự dưng người lạ đến ngồi vào đấy.
Với con mắt Thiên Nhu, anh Lê là con người nhã nhặn, khéo chiều mọi người. Lần đầu tiên ăn cơm ở nhà mình, thái độ anh hơi giữ kẽ, song phong thái nho nhã, luôn quan sát thần thái sắc mặt mẹ, nhưng vẫn không quên quan tâm hai anh em cộ Anh Lê khen Thiên Uy oai vệ, khen cô xinh đẹp.
Khen cô xinh đẹp, quả có vậy, nước da cô ngâm ngâm, đôi mắt sáng long lanh, mọi người vẫn khen cô giống mỹ nữ Philippin. Nhưng khen Thiên Uy oai vệ, quả thật khôi hài! Đặc biệt lúc ăn cơm, anh ta miệng câm như hến, nhiều lúc anh Lê hỏi chuyện Thiên Uy không trả lời, thấy chướng quá, mẹ nhắc:
- Thiên Uy ơi, sao con không nói năng gì cả?
Cậu lúng túng, mãi hồi lâu mới đáp lời từ tốn:
- Khổng Tử dạy: Khi ngủ im lặng, khi ăn không nói!
Lê Thiên Lập không khỏi chột dạ, vẻ mặt hơi ngượng.
Ha ha! Buồn cười thật! Thiên Nhu ngửa mặt cười lớn.
- Cười khẽ thôi có được không?
Thiên Nhu im bặt, trợn mắt lừ Thiên Uy một cái rồi cười tiếp tiếng cười to hơn. Nhưng lần này Thiên Nhu cố tình cười để chọc tức Thiên Uy: Mẹ không can ngăn, anh cấm gì được tôi?
Thiên Nhu dứt tiếng cười, vừa đúng lúc Thiên Uy đặt bát cơm xuống đứng dậy và nói khẽ: "Xin vô phép".
- Em ăn ít thế ư? Thiên Lập nhổm người tỏ vẻ quan tâm, hỏi một cách lịch sự.
Thiên Uy không trả lời, lặng bỏ đi.
- Anh mặc nó, tính khí thằng bé hơi khác thường. Thiên Nhu, sao con không ăn thức ăn đi.
Thiên Nhu cũng định giận dỗi bỏ đúa xuống nhưng suy cho cùng chả bõ, cô bé cười một tiếng rồi bắt đầu ăn cật lực, kệ xác anh, đã dỗi thì cho chết!
- Đến tuổi này anh con trai nào cũng vậy. Lê Thiên Lập nói - Thưa phu nhân chẳng có gì lạ đâu, có lẽ em hơi mất thăng bằng một tý thôi.
- Ngày xưa anh có thế không? - Giai Lập nhìn anh hỏi cười cười.
- Lúc ấy tình hình tôi còn trầm trọng hơn - Anh cười khóe môi hơi nhếch lên - Có thời gian, tôi đã dự trữ rất nhiều thuốc ngủ.
- Anh định tự sát sao? - Thiên Nhu trợn tròn mắt nhìn, hơi lạc giọng.
- Ngốc ơi, con hét gì vậy? Giai Lập nói với giọng nhẹ nhàng, âu yếm.
- Thuốc ngủ để tự sát cơ mà? Thiên Nhu vẫn khăng khăng.
- Nhiều khi không ngủ được cũng phải uống thuốc ngủ, con ạ.
Lê Thiên Lập thiên về ý kiến Thiên Nhu:
- Thời gian đó tôi không hề bị mất ngủ, tôi định tự sát thật.
- Tại sao? Tại sao lại muốn tự sát?
- Bởi vì... Thiên Lập liếc nhìn Giai Lập rồi ngoảnh lại cười với Thiên Nhu - Tôi nghĩ, có lẽ lúc đó tâm tính tôi không được bình thường!
- Mới mười mấy tuổi tâm tính làm sao lại thiếu bình thường nhỉ? Hồi ấy anh đã có bạn gái chưa?
- Dĩ nhiên là đã có.
- Người bạn gái đó như thế nào? Thiên Nhu sốt ruột kêu lên - Anh kể đi nào, anh Lê.
Liếc nhìn Giai Lập, Thiên Lập trả lời mập mờ:
- Câu chuyện qua đi đã nhiều năm trời, nay tôi cũng không nhớ lắm nữa.
- Nhiều năm trời ư, thế anh bây giờ bao nhiêu tuổi?
- Hăm tám, lớn tuổi hơn phu nhân nhiều, phải không?
- Anh đã hăm tám rồi cơ? - Giai Lập nhìn anh - Trông anh còn trẻ lắm, trẻ hơn tuổi.
- Phu nhân cùng cỡ tuổi như tôi nhỉ? Anh cảm thấy câu hỏi của mình đường đột, bèn cười.
- Mẹ em năm nay băm lăm rồi đấy anh ạ.
- Thôi đi! - Giai Lập cười, mắng con gái, vẻ ngường ngượng.
- Thiên Nhu, em cố tình tăng tuổi mẹ em hả? - Thái độ nghiêm chỉnh, nhưng giọng nói như đùa.
Giai Lập trả lời, giọng nói cũng như đùa:
- Nhẽ ra tôi cũng định dấu bớt mấy tuổi, không ngờ lộ bí mật mất rồi.