Chương 3

Vũ nằm ngửa trên võng. Mắt nó mở thao láo nhìn lũ thạch sùng đuổi nhau trên trần nhà. Chán rồi nó khép mắt nằm im.
Mấy hôm nay Vũ buồn lắm. Thằng em khác mẹ của nó bị sốt. Cơn sốt lên đến gần bốn mươi độ. Ba nó lại đi rồi. Chuyến này ba nó lên mạn ngược. Ba Vũ buôn hàng chuyến, mồi lần đi ít ra cũng mất một tháng. Dì nó cuốn cả lên, không biết làm gì hơn là ôm con khóc. Vũ thích chạy nhảy nhưng những bận em ốm, nó không biết đi đâu cả.
Suốt ngày, Vũ ngồi trong giường canh giấc ngủ cho em hoặc kể chuyện vui lúc em tỉnh. Mẹ Vũ chết năm nó ba tuổi. Qua năm sau, ba nó lấy vợ khác. Năm sau nữa, dì nó sinh Khoa rồi lần lượt em Tú, em Mai. Vũ yêu Khoa nhất. Côn thường hỏi nó:
- Tại sao mày yêu thằng Khoa thế?
Vũ trả lời:
- Tại nó là con trai. Con trai mới biết đá bóng và đánh nhau. Con gái nhát như cáy, chỉ được cái nước hơi tí mách mẹ nên tao ghét.
Thằng Khoa cũng yêu anh lắm. Nó hay theo Vũ dự vào những cuộc chơi nghịch. Những lần có Khoa, Vũ đều giao hẹn cấm không đứa nào được đánh Khoa đau. Đánh khe khẻ thôi. Một hôm, giàn trận ở bờ sông, vô tình thằng Toán lớp ba quên mất lời cấm đó, thoi thằng Khoa một thoi trúng mắt. Khoa nằm lăn ra khóc dẫy đành đạch. Thế là Vũ chồm tới, đấm đá thằng Toán tơi bời, không kịp nghe thằng này phân trần hay xin lỗi. Đánh sưng vù mặt thằng lỏi. Vũ vẫn chưa nguôi giận. Nó còn nhào xuống sông bốc bùn trát kín đầu thằng Toán. Lát sau, thằng Côn bảo nó:
- Thằng Khoa đấm vào mũi thằng Toán trước mày đánh nó đau quá.
Vũ chẳng thèm đếm xỉa chuyện đó, nó nói:
- Ai bảo nó thoi em tao, tao đã giao hẹn rồi. Em tao có đấm nó đau nó cũng không được đấm lại. Đứa nào đấm lại, là tao cho ốm đòn. Mày có bênh em mày không?
Thấy thằng bạn thân của mình lý luận thế. Côn đành gật đầu:
- Có chứ.
- Thế tao bênh em tao, việc gì mày phải thương con nhà Toán?
Côn ngẩn người im lặng. Vũ không cần biết nó phải hay trái. Hể đứa nào đụng chạm vào em nó là nó đánh, lớn nó không từ bé nó không tha. Nó yêu em nó từ thưở thằng Khoa vừa lọt lòng. Tình yêu đó lớn dần theo tuổi nó. Dì nó thương nó như nó thương em nó nên nếu mỗi năm không có ngày giỗ mẹ thì nó quên rằng mẹ nó đã chết.
Còn thằng Khoa, dù đã chín tuổi, nó vẫn tưởng thằng Vũ là anh ruột nó. Thằng Vũ làm bất cứ việc gì nó đều khen rối rít. Đá bóng, chỉ anh Vũ nó là hay. Đánh đáo, chỉ anh Vũ nó đánh cừ. Bắn chim, chỉ anh Vũ nó bắn tài. Đấm nhau chỉ anh Vũ nó đấm chiến. Đi xe đạp, chỉ anh Vũ nó biết 'xăng đơ'. Thổi ác mô ni ca, chỉ anh Vũ nó biết đánh 'tông'. Đứa nào chê anh nó dở, nó gây sự ngay lập tức. Đối với nó, thằng Vũ là thần tượng. Trận đá bóng nào mà đội của thằng Vũ thắng, nó hò hét khan cả cổ, trận nào thua nó khóc sướt mướt. Ba chúng nó thường mắng yêu:
- Hai đứa cùng hổn như nhau.
Dì nó bảo:
- Hai anh em giống nhau như đúc.
Có tiếng cựa quậy trong giường. Vũ giật mình rời võng. Nó vén màn chui đầu vào. Thằng Khoa mở mắt thao láo nhìn anh. Nó vẫy tay ra hiệu cho Vũ ngồi cạnh nó. Vũ sờ tay lân trán em. Nó sung sướng:
- Em bớt nóng rồi.
Khoa khe khẽ nói:
- Bao giờ em mới khỏi hở anh?
- Vài hôm nữa.
- Vài hôm lâu không?
- Lâu gì mà lâu.
Khoa nghĩ đến những chú chim sẻ chưa vỡ bọng cứt, còn nhắm mắt quanh cái viền vàng dầy, nó tiếc rẻ:
- Vài hôm nữa tụi chim sẻ nó mọc hết lông cánh, nó bay mất thì em bắt thế nào được?
Vũ vỗ về em:
- Mọc lông gì mà chóng thế em, còn lâu tụi nó mới biết bay. Anh thăm rồi, bọng cứt còn to tướng!
Khoa nói:
- Thật hở anh? Thích ghê! Anh cho em ngụm nước.
Vũ rót nước. Nó nâng thằng em và để tách nước kề miệng em nó. Khoa tợp một hơi hết liền. Nó đòi uống thêm. Vũ rót nữa. Uống xong thằng bé bỗng tỉnh táo:
- Mai em đã khỏi chưa?
- Chưa.
- Nhỡ em khỏi thì sao?
- Khỏi còn phải ăn giả bữa mới mạnh.
- Ăn giả bữa là gì hở anh?
- Ăn giả bữa là...
Vũ vỗ trán suy nghĩ:
- Ăn giả bữa là... À, nhớ rồi. Mấy hôm ốm không ăn gì, hôm nào khỏi em phải ăn giả nợ những bữa đó.
Khoa hỏi:
- Em ốm mấy bữa rồi anh?
Vũ xoè bàn tay đếm lia lịa:
- Thứ hai, thứ ba... Một, hai, ba, bốn. Em ốm bốn hôm rồi.
- Bốn hôm ăn mấy bữa?
Vũ làm tính nhẩm:
- Bốn bữa quà sáng, tám bữa cơm, bốn bát canh bún buổi trưa, bốn bát chè đỗ đen buổi tối. Cộng tất cả hai mươi bữa.
Khoa lè lưỡi:
- Eo ôi! Hai mươi bữa cơ à?
- Ừ, hai mươi bữa.
- Ăn giả bữa làm gì hở anh?
- Ăn cho chóng khoẻ.
- Ăn mấy ngày mới hết?
Vũ bối rối. Nó đã ăn giả bữa bao giờ đâu. Chỉ nghe nói thôi. Nó trả lời bừa:
- Ăn một ngày.
Khoa méo xệt cái mồm:
- Một ngày ăn làm sao hết được?
- Cố ăn chứ.
- Anh đã ăn giả bữa chưa anh Vũ?
Vũ lúng túng. Nó sắp bí rồi. Nó lờ đi, chuện tựa bạn nó là thằng Huckleberry Finn Côn chẳng hạn, phiêu lưu trên sông Hồng Hà hay sông Cửu Long. Nó tinh nghịch, nghịch hơn Tom Sawyer. Và thú thật rằng, nếu đem thằng Tom Sawyer của ông Mark Twain thả dù xuống mảnh đất này thì sợ Tom Sawyer chung số phận với thằng Hách mất. Chứ không thể nào qua mặt được thằng Triều Dương Hiệp cứu khốn phò nguy đâu.
Vũ nhếch mép cười, mắt nhấp nha nhấp nháy và đầu nó rối loạn nguồn vui sắp tới. Nó dang đôi tay rông ra xoè hai bàn tay rồi tầm đôi tay vừa với ngực, nó hạ thấp xuống quá bụng giống hệt người diễn thuyết trong cơn rối loạn khuyên thính giả hãy bình tĩnh. Nó ba hoa:
- Yên trí, yên trí, tao "cớp" được tiền ăn phở luôn.
Côn hỏi:
- Tiền đâu?
Vũ thản nhiên đáp:
- Ở đền Mẫu.
Bây giờ đến lượt hai thằng bạn nó tròn xoe đôi mắt, Côn nghĩ tới chuyện Tầu chôn của, nó đùa:
- Mày chôn tiền hở?
- Không.
- Thế tiền nào, lại nói phét!
_ Nói phét làm "đét" gì.
- Thế tiền của ai?
Vũ cáu:
- Mày làm gì mà hỏi nhắng lên thế? Tiền của bác cả Hồng. Chiều nay bác ấy lên đồng ở đền Mẫu. Tao "cớp" hết tiền lộc cho chúng mày xem.
Vọng suýt soa:
- Phải tội chết.
- Tội cái củ "thìu biu" đây này!
Vọng toét miệng cười. Côn nghi ngờ:
- Sao mày biết bác ấy lên đồng chiều nay?
- Khó "đét" gì, Thúy...
Vũ buột mồm. Trót lỡ rồi, nó nói đủ để thằng Côn nghe:
-... Thuý nó rủ tao chiều nay đi xem bác cả Hồng lên đồng.
Vũ hơi ngượng khi phải nhắc đến tên con bạn gái cúa nó là con Thúy trước mặt tụi bạn trai. Mẹ Vũ hồi còn sống là bạn thân của bà Thụy. Bà Thụy là mẹ con Thúy. Bà Thụy thương Vũ lắm, năm bữa nữa tháng bà lại tới nhà Vũ thăm Vũ. Lần nào bà cũng dắt con Thúy theo.
Chủ nhật, ngày lễ, bà Thụy hay kéo Vũ tới nhà bà chơi suốt ngày với con cái bà. Vũ ghét con gái nhất hạng. Thế mà nó lại ưa con Thúy. Hai đứa chơi với nhau qua tình hai nhà thân nhau. Nhưng tâm hồn thằng Vũ là thứ tâm hồn "hiệp sĩ" nên nó không chịu được những trò chơi bán hàng, thổi cơm của con Thúy. Nó thích đánh nhau cơ. Thành thử, chỉ lúc nào thằng Côn đi vắng nó mới chịu vác xác tới nhà bà Thụy.
Bà Thụy coi Vũ như con. Khi vắng vẻ, bà thường hỏi nó:
- Dì con có đánh con không?
Vũ liền rầu rầu nét mặt, mếu máo:
- Có ạ!
Thực ra thì dì Vũ chiều chuộng Vũ, họa huần mới mắng mỏ đôi câu. Nhưng tính thằng Vũ láu cá. Nó biết hể cứ mếu máo, nhận bừa là bị đòn, thế nào bà Thụy cũng dúi vào tay nó năm hào hay gói kẹo bánh. Về nhà, nó thuật lại chuyện với dì nó, nó làm nũng:
- Bác Thụy hỏi dì có đánh con không, đố dì biết con trả lời làm sao?
- Con bảo sao?
- Con đọc bài Mẫn Tử Khiên dì ạ!
Dì Vũ không hiểu Mẫn Tử Khiên là gì, hỏi Vũ:
- Tại sao con đọc bài Mẫn Tử Khiên?
Vũ bèn liến thoáng kể chuyện Mẫn Tử Khiên mẹ mất sớm, cha lấy người vợ kế. Người vợ kế này ngược đãi Tử Khiên. Mùa đông con mình mắc áo bông còn Tử Khiên chỉ chỉ phong phanh manh áo vải mỏng. Một hôm cha sai đi đẩy xe, Tử Khiên rét quá ngã nhào. Người cha gọi vào mắng, thấy Tử Khiên mắc áo mỏng đứng run cầm cập, giận lắm, đuổi người vợ kế đi. Tử Khiên khóc lóc thưa: "Dì con ở lại thì chỉ có một mình con khổ chứ dì con mà đi thì cả anh em con cùng khổ". Người dì ghẻ cảm động về tấm lòng tốt của Tử Khiên. Từ đấy đối xử với Tử Khiên như con ruột.
Kể xong, Vũ nói tiếp:
- Con bảo bác Thụy là con không phải là Mẫn Tử Khiên vì dì không bắt con ở nhà, dì cho con đi chơi cả ngày.
Dì nó cũng cảm động như dì Mẫn Tử Khiên, mắng yêu:
- Mày láu tôm láu cá quá Vũ ạ!
Vũ vờ gãi tai. Dì nó móc túi cho nó đồng bạc.
Vũ hay bịa chuyện để những người bạn của mẹ nó thuở xưa thương nó. Song đứng trước con Thúy. Vũ ta thường tịt họng. Nó lại sợ bạn bè chế riễu "chơi với con gái" nên buột mồm nhắc đến tên con Thúy trước mặt thằng nào là nó ngượng.
Côn không chú ý chuyện này. Nó hỏi:
- Mày có chắc không?
- Chắc chứ. Tao chỉ sợ có bác Thụy với con Thúy thôi.
Vọng xen vào:
- Con Thúy nào?
Vũ lấn giọng:
- Mày "đét" biết đâu Vọng ạ, đừng hỏi nữa.
Côn nói:
- Có bác Thụy mày thì "hốc xịt" hở?
Tự nhiên nghe hai tiếng "hốc xịt" có vẻ chạm tự ái của "hiệp sĩ" quá, Vũ bốc liều:
- Ai bảo mày "hốc xịt"? A lê, chúng mày đi gọi thêm mấy đứa nữa rồi đợi tao ở đền Mẫu "Moa phú" bác Thụy, nhanh lên!