Chương 18

Tiếng ve sầu bắt đầu huyên náo khu giảng đường làm át hẳn tiếng giảng bài của các thầy cô. Tôi chưa thấy cây phượng nào nở hoa. Tiếc thật. Những ngày cuối năm học bao giờ cũng trôi qua nhanh chóng. Mọi người đều muốn níu kéo lại. Tôi đang đểnh đoảng nhìn ra ngoài cửa lớp thì thằng Kiệt nói với tôi:
- Lê ơi! Mày xem thử tao nên viết chuyện gì đáng nhớ nhất trong sổ Lưu Bút của lớp mình?
Ở lớp tôi mỗi năm đều có một quyển sổ như vậy. Tất cả bạn bè trong lớp đều dán một tâm ảnh mình ưng ý nhất, rồi viết bất cứ thứ gì mà mình muốn viết, dài ngắn bao nhiêu cũng được. Điều đặc biệt nhất là phần "lời ngỏ" đã hai năm nay tôi đều được lớp ủy nhiệm viết, sau phần lời ngỏ đó thì bạn bè tiếp tục viết những tâm sự buồn vui của mình. Tôi bảo thằng Kiệt:
- Phần lời ngỏ trong Lưu Bút tao chưa viết mà mày định viết tiếp theo là sao?
- Không, tao để trống vài trang trước cho mày, tao muốn viết sớm để "chuồn" sớm. Thi xong rồi tao muốn tranh thủ về nhà sớm mấy ngày. Nhớ nhà quá.
- Nhưng Thủy Đại đã đưa giấy nghỉ phép cho mày chưa?
- Nó đưa cho tao rồi, nhưng chưa đóng dấu. Mai mốt tao lên phòng giáo vụ đóng dấu rồi về Long An luôn.
Nghe thằng Kiệt nói vậy, bỗng dưng tôi cũng thấy nhớ nhà như nó vậy:
- Mày định khi nào về, mấy ngày nữa?
- Khoảng sáng thứ sáu là tao đi, chỉ còn ba ngày nữa thôi.
- Ừ, hay đó. Tối nay tranh thủ không cúp điện tao viết trước phần "lời ngỏ" rồi chuyển cho mày. Nhưng phần mày ghi gì thì ghi chứ đừng nhắc lại chuyện quyển nhật ký của thằng Chánh - Tao sợ lên năm thứ ba nó khó "làm ăn".
- Đồng ý! Cuộc đời thế mà công bằng mày ạ! Thằng Chánh suốt ngày lý luận, lý sự về tình yêu nhưng rồi chẳng được mối tình nào cả. Tao cũng vậy. Tình cờ quen nhau rồi cũng tình cờ xa nhau. Có trời mà biết được. Chỉ có mày với thằng Hương là khỏe re. Thằng Hương không tán tỉnh ai, nên nó chẳng đau khổ vì ai. Còn mày là mèo mù vớ cá rán. Từ đó tao thấy yêu người yêu mình bền vững hơn yêu người mình yêu. Có đúng không Lê?
- Chắc vậy.
Tiết học cuối năm rời rạc trôi qua, những chữ hán, chữ Nôm với bao nét ngang dọc của thầy không còn hấp dẫn chúng tôi nữa. Đêm đó, trở về phòng của mình, tôi nắn nót nằm viết "Lời ngỏ" cho tập "Lưu Bút" năm thứ hai. Khi đưa quyển sổ cho tôi Thủy Đại dặn dò:
- Anh Lê cố gắng viết cho bay bướm một chút nhé. Viết cho hay. Những tập "Lưu Bút" như thế này đều để lại phòng truyền thống của khoa Văn, anh không được viết cà giựt đó nghen!
Tôi biết điều đó. Năm năm sau, mười năm sau khi về trường cũ tìm đọc lại những tập lưu bút này chắc hẳn là một thú vị khó quên. Sau khi uống hết một ly cà phê đậm đặc và hút gần nửa gói thuốc Đà Lạt, tôi bắt đầu viết:
NHỮNG TRÒ CHƠI CỦA KỶ NIỆM
(Lời ngỏ của Tập Lưu Bút sinh viên khoa Văn)
Tháng này ở sân trường Đại học hoa phượng đã
nở đo?
và tiếng ve gào lên những lời yêu thương buồn bã
trong tim bạn bè đã ngập đầy nắng ha.
và tưởng nhớ những trò chơi của tuổi thơ
có những dấu chân chim trên trang giấy mới
có nụ cười giấu sau năm ngón tay
có trái me chua để hộc bàn và những sợi tóc bay
bình yên trong hạnh phúc
thân ái,
mời bạn bè hãy đi guốc cao gót hoặc mang giày
Adidas hoặc đi chân đất, hoặc đi dép cao su
đừng ngượng ngùng bước vào tập Lưu Bút
như ngày xưa đã có lần chúng mình chơi trò bịt
mắt bắt dê
ở sân trường đầy nắng gió
như ngày xưa chúng mình chơi ô quan cùng những
viên sỏi nho?
ở sau nhà xanh tiếng chim ngân
chẳng có điều chi mà bạn phải ngại ngần
khi lớp mình như ngôi nhà mở tung cửa ngo?
ta đến với nhau từ ngày tuổi nho?
ép lá thuộc bài trong vở Toán, vở Nga văn
chẳng có điều chi mà bạn phải băn khoăn
chúng ta đang chơi những trò chơi kỷ niệm
để hai mươi năm sau gội đầu còn có màu mực tím
từ dòng chữ thân quen của bè bạn học trò
buổi sáng nào thức dậy nghe tiếng chim hót tròn vo
như giọt mưa rơi hoài trên mái tóc
ta sẽ nhớ sẽ yêu những ngày đi học
những Thu An, Thủy Đại, Bùi Tân Sơn (...)
mỗi khuôn mặt bạn bè là một mặt trời con
suốt bốn mùa bùng lên niềm vui mới
thân ái,
tập Lưu Bút mời bạn bè hãy tới
hãy mang theo những con mắt buồn ngủ buồn nghê
và môi cười lúng liếng
con gái có thể đội nón ra sân đá bóng
cùng con trai chớ ngại ngùng chi
con trai có quyền đi bắt dế, nhảy lò cò hoặc bắt
bướm, bắn bi
hỡi bạn bè vô cùng thân ái
hỡi bạn bè xin đừng có ngại
lớp học chúng mình là sân cỏ tháng giêng
là những căn phòng trong khu ký túc xá sinh viên
mời bạn bè hãy đến
chao ơi! ve sẽ kêu ve ve ve và chia tay sẽ đến
những con mắt dịu dàng có chút buồn xo?
chúng mình sẽ làm chim và hát líu lo
khi sân trường đã ngập đầy nắng ha.
tình yêu bạn bè và màu xanh của lá
mãi xanh tươi trong lưu bút học trò
trăm ngả đường đi còn có kỷ niệm hẹn hò...
(KTX một đêm không cúp điện)
Khi viết xong không thấy thằng Kiệt đâu, tôi bèn đưa cho thằng Chánh:
- Mày xem qua thử tao viết như thế này bạn bè có đồng ý không?
Thằng Chánh vừa đứng vừa đọc:
- Thôi được, cũng dễ nghe đó. Bây giờ mày đưa cho tao viết tiếp phần tao.
- Sau đó, mày chuyển qua cho thằng Kiệt. Mấy đứa con gái nôn nóng được viết trước lắm.
- Sao tao thấy buồn buồn Lê à?
- Buồn cái gì?
- Sắp chia tay rồi. Năm sau bọn mình đâu có còn học ở trên này nữa.
- Về Saigon có cái vui của Saigon lo gì?
Thằng Chánh lắc đầu:
- Chắc về đó chỉ còn mày với thằng Kiệt là ở chung trong ký túc xá thôi. Còn tao thì ở nhà bà chị, còn thằng Hương thì nghe đâu nó sẽ ở nhà chú nó ở Bà Chiểu.
- Thì lâu lâu bọn mày kéo nhau vào ngủ chung phòng với bọn tao cũng được. Chứ có gì đâu mà lo xa dữ vậy?
- Ừ nghe cũng có lý. Mày đưa quyển sổ Lưu Bút cho tao.
Trong lúc thằng Chánh viết tâm sự của mình thì tôi đi ra ngoài. Tôi đi tìm Kim Oanh. Trong khi đến chỗ hẹn với nàng thì tôi suy nghĩ lan man về những năm tháng đã đi qua. Có thể nói, đời sống sinh viên là đời sống gắn chặt với những mối tình. Ai cũng đều trải qua như vậy. Dường như tình yêu đã làm cho những ngày tháng đến trường của họ thêm thi vị, ngọt ngào lẫn chút đắng cay. Với Bích Châu, có thể tôi là người húc đầu vào tường, để rồi thu nhận lại chỉ là một con số không to tướng. Và Bích Châu, với Chánh, có thể là một kẻ đã lạc quan tếu, hay đúng hơn chỉ là một người yêu trong tưởng tượng bằng những lý luận không thực tế của mình. Còn Kim Loan, với thằng Kiệt phải chăng là sự kết hợp hai tâm hồn với nhau chỉ là sự bồng bột? Là một thoáng trôi qua nên họ dễ dàng cắt đứt? Đây là "kinh nghiệm" mà thực tế đã dạy bảo cho tôi. Còn với Kim Oanh? Thoáng thấy tôi nàng đã reo lên:
- Anh thi hết các môn chưa?
- Xong xuôi hết rồi. Còn em?
- Cũng vậy. Nhưng anh định bao giờ về quê?
- Năm ba ngày nữa.
Kim Oanh chợt trầm giọng xuống:
- Anh Lê nè, hay là về quê em chơi vài ngày được không?
- Về Trà Vinh hả?
- Ừ về nhà em chứ còn đâu nữa.
- Ba mẹ em có ý kiến gì không?
- Sao anh lại nói vậy? Bạn bè với nhau bộ về thăm nhà nhân dịp hè không được sao? Hơn nữa anh chỉ ở chơi có vài ngày chứ đâu có lâu la gì đâu mà ngại.
- Em để cho anh tính lại chút nữa, anh trả lời sau.
Thật tình tôi nhớ nhà. Những ngày này mỗi đêm nằm ngủ tôi đều mơ thấy những con đường Đà Nẵng và tiếng sóng sông Hàn đã vỗ ì ầm trong giấc mơ của mình. Ôi Đà Nẵng!
- Anh Lê ơi! Anh nghĩ sao? Anh cho em biết để em còn nhờ người mua vé nữa.
Trà Vinh là ở đâu? Tôi chưa mường tượng được những đường nét của thị xã này trong tâm tưởng của mình. Có thể là kênh rạch? Là đường phố với bóng cây chìm bụi đỏ?
- Anh về nhà em chơi, anh tha hồ được ăn trái cây, nào là vú sữa, chôm chôm, sa bu chê... Em sẽ dắt anh lên thăm rẫy của ba em. Chắc chắn là anh sẽ mê tít ngay.
Tôi phân vân:
- Nghe em kể thì lý thú lắm, nhưng em cho anh rủ thêm thằng Chánh đi luôn cho có bầu có bạn?
- Liệu anh Chánh có đồng ý đi với bọn mình không?
- Thì em với anh cùng thuyết phục chứ lo gì.
- Vậy thì tuyệt vời lắm. Anh với anh Chánh không cần phải mang theo đồ đạc nhiều, mang vài ba bộ quần áo là đủ rồi. Vậy em nhờ người ta mua cho ba cái vé xe nhe anh Lê?
- Bao nhiêu tiền một vé? Em nói để anh góp thêm.
- Em đủ tiền, ba má em mới gửi cho chút ít. Anh đừng bận tâm gì về chuyện đó.
Chúng tôi đi lang thang với nhau. Tôi muốn dừng lại khắc tên mình vào hàng cây mà chúng tôi đã từng dựa vào đó lúc hò hẹn. Tôi muốn nói như vậy nhưng sợ Kim Oanh cười nên thôi. Còn Kim Oanh thì bảo:
- Tối nay em đưa anh tập lưu bút anh viết cho em vài dòng nhé.
- Để làm gì?
Tại sao tôi lại hỏi một câu ngu ngốc như vậy?
- Để nhớ.
Trên trời bóng trăng bắt đầu nhô lên. Đêm đã khuya. Tôi đưa Kim Oanh về. Khi về đến phòng của mình, tôi cảm thấy hối tiếc về một điều dại dột của mình: Tại sao tôi không hôn nàng? Vừa thấy mặt tôi, bọn thằng Kiệt đã nói:
- Tối nay bọn mình nấu khoai mì liên hoan chia tay.
- Mua chừng mấy ký lô?
- Hai chục ký ăn mới đã nư.
- Trời đất, mua làm gì dữ vậy?
Thằng Kiệt khịt khịt mũi:
- Bí mật "xem hồi sau sẽ rõ".
Bí mật gì đây? Khu ký túc xá của chúng tôi nằm nhô lên giữa bốn bề là khoai mì. Ở đây người dân địa phương đã trồng bạt ngàn khoai mì. Màu xanh ngút tầm mắt. Nghe thằng Kiệt nói vậy, chúng tôi hùn tiền với nhau đi mua khoai mì. Thằng Kiệt với thằng Hương xách giỏ đi mua, còn tôi với thằng Chánh lo chuyện bếp núc. Tôi hỏi:
- Chánh nè, hay bọn mình nấu điện?
- Lâu chín lắm, hơn nữa ban quản lý sinh viên phát hiện được thì gay lắm.
Tôi giật mình, đây là lần thứ một ngàn lẻ một mà chúng tôi đã vi phạm. Thông thường ngưòi ta sẽ thu bếp điện, bọn tôi phải năn nỉ ỉ ôi người ta mới trả lại. Rồi đâu lại vào đó.
- Thế thì đành nấu bằng cành tràm khô vậy!
Chỉ năm phút sau chúng tôi đã nhóm lên một bếp lửa cháy rực. Đêm sắp tàn của một năm học sao hiu quạnh quá vậy? Bạn bè đã tản mát đâu hết rồi, đứa thì về Saigon, đứa thì về với gia đình... Mười lăm phút sau thì thằng Kiệt với thằng Hương trở về. Chúng nó xách theo một giỏ khoai mì đầy nhóc. Chưa ăn đã thấy nước miếng chảy ứa ra. Chúng tôi nhanh nhẹn cắt, gọt rửa sạch sẽ cho vào nồi. Đừng sốt ruột làm gì, hai mươi phút nữa sẽ có một bữa ăn tuyệt diệu. Thằng Kiệt bảo tôi:
- Mày qua bên dãy B rủ Kim Oanh qua đây chơi cho vui.
- Có rủ thêm Bích Châu, Phong Lan và các bạn nữ phòng 4B không?
- Tùy mày.
Nghe nói đến tên Bích Châu thì thằng Chánh giật nẩy người như đỉa phải vôi:
- Thôi, chuyện tao với Bích Châu chưa giải quyết xong, tao không muốn...
Có lẽ nồi khoai mì đã sắp chín, tôi và thằng Hương đứng dậy đi rủ các bạn gái. Thằng Hương nói với tôi:
- Mày đã gặp em Oanh chưa?
- Rồi.
- Vậy thì mình đừng rủ Kim Oanh làm gì nữa.
- Tại sao vậy?
- Mày cứ nghe lời tao một lần bộ không được sao?
Nghe thằng Hương nói vậy nên tôi gật gù đồn gý. Chúng tôi bước qua phòng 4B.
- Bích Châu có ở trong phòng không?
Thằng Hương gõ cửa và hỏi trống không như vậy. Người mở cửa cho chúng tôi lại chính Bích Châu. Thoáng trông thấy em, tim tôi đã nhảy lên lồng ngực một cách cuống quýt. Và may mắn thay đó chỉ là cảm xúc bất chợt... Xin cám ơn trái tim tôi không đến nỗi da cảm lắm như tôi đã lầm tưởng...
- Châu ơi! Anh Chánh có nấu một nồi khoai mì để chiêu đãi Bích Châu với các bạn phòng 4B qua ăn ngồi tâm sự với nhau.
Thằng Hương sao ăn nói huỵt toẹt vậy?
- Trong phòng chỉ còn mỗi mình em thôi, qua một mình kỳ cục lắm.
- Kỳ cục gì đâu, bạn bè trong lớp mà Bích Châu rụt rè như thế là không được.
- Mấy anh về trước rồi chút xíu nữa em qua sau.
Thằng Hương gật gù nói nhỏ:
- Em nhớ mang theo quyển nhật ký của anh Chánh nghe. Trả lại cho Chánh chứ mấy em giữ làm gì?
- Em giữ làm kỷ niệm được không?
- Kỷ niệm hay là "kỷ luật" Quốc Chánh?
Bích Châu cười. Chúng tôi bước về và bàn tính cho một trò chơi mới.
- Nè Hương, mày nghĩ là Bích Châu có đem quyển nhật ký trả lại cho thằng Chánh không?
- Có thể sẽ trả, và chắc chắn sẽ trả chứ giữ để làm gì?
- Mày nhớ về thông báo tin mừng đó cho thằng Chánh nhé!
Về đến phòng thì chúng tôi đã thấy hai đứa ở nhà quả là đáng khen: Nồi khoai mì thơm ngát đã nấu xong. Và cùng một lúc Bích Châu cũng đến. Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau rất vui vẻ. Thằng Kiệt hỏi:
- Châu ơi! Châu à! Em có cầm theo quyển nhật ký của anh Chánh không?
- Có đây anh Kiệt ơi!
Bích Châu đưa ra một gói nhỏ. Có lẽ quyển sổ đã được gói giấy lại cẩn thận. Ngoài có ghi dòng chữ "Nhờ bạn Phong Lan chuyển lại cho anh Chánh".
- Lẽ ra Phong Lan cầm qua, nhưng nhân tiện em qua đây vậy xin trả lại cho anh Chánh. Mọi chuyện cũ không nên nhắc lại nữa...
Thằng Chánh ngồi im chẳng thấy nói gì cả. Thằng Hương có lẽ khoái điều đó.
- Vậy Bích Châu đưa cho anh để anh đưa lại cho anh Chánh. Nhưng năm sau anh Chánh tiếp tục viết như vậy nữa thì Bích Châu đừng có trả lại nữa nhé. Có đúng vậy không anh Chánh?
- Thôi mà, đừng trêu đùa trên sự buồn bã của người khác nữa!
Tôi nói như vậy vì không muốn kéo dài không khí này nữa. Tôi chuyển sang tiết mục chính của đêm nay: Ăn khoai mì. Trên trời những ngôi sao đã thưa nhạt dần. Những ngọn gió đìu hiu chạy lào xào trên vòm cây. Tôi chợt thấy một điều xa xăm gì đó đang vọng về, có lẽ nhớ ngay nơi mà mình đang ngồi. Ngày mai, ngày mốt chúng tôi sẽ thành một sinh viên năm thứ ba. Lại thêm một tuổi nữa.
- Ăn nhiều đi Bích Châu, mừng bọn mình thêm một tuổi nữa. Lát nữa em nhớ mang một ít về cho các bạn.
- Dạ.
Đây là mẩu đối thoại duy nhất mà thằng Chánh và Bích Châu nói với nhau trong đêm này. Và ánh lửa đã tàn thì chúng tôi chia tay nhau. Bốn thằng bạn ngồi lại giữa sân trường với ngọn lửa sắp tàn, thằng Chánh cầm trên tay một kỷ niệm "thất lạc" đã trở về. Chúng tôi xé tờ giấy bọc bên ngoài, để xem em Bích Châu có viết thêm dòng chữ nào không? Vượt qua khỏi sức tưởng tượng của chúng tôi vì đây không phải là quyển nhật ký của thằng Chánh. Một quyển sổ mới. Trang đầu tiên đã ghi nắn nót một dòng như sau: "Hy vọng với quyển sổ này anh Chánh sẽ viết lại những gì mà anh Chánh muốn viết. Chúc anh một mùa hè tươi đẹp. Bích Châu". Thằng Chánh đọc xong tỏ vẻ tư lự. Vậy là mùa hè đã đến. Một mùa hè để chúng tôi về quê nhà, để hẹn hò và tất cả. Còn tôi, mùa hè của tôi đang trôi dạt về Trà Vinh, có đúng vậy không Kim Oanh? Mùa hè đã đến. Ôi mùa hè đã đến vội vã và hạnh phúc biết chừng nào...

tháng 2/1990

Hết


Xem Tiếp: ----