Chương 9

Biết mình không thể nào chiếm lĩnh được Bích Châu. Đôi mắt tròn lay láy kia không dành cho tôi những cái nhìn thân ái. Đôi bàn tay mềm mại kia chưa một lần đặt trên vai tôi. Bích Châu xa vời vợi đến nghìn trùng. Trong lớp học chỉ ngồi cách nhau một cái bàn nhưng tôi tưởng chừng như xa lắc. Trong khi đó Kim Loan và thằng Kiệt xa nhau đến 15 cây số mà tôi có cảm tưởng rất gần gũi. Những lá thư tình đã níu kéo họ lại gần với nhau. Có chủ nhật thì thằng Kiệt đạp xe về Saigon, hoặc có chủ nhật thì Kim Loan lại lên đây. Niềm hạnh phúc ấy có thật trong đời sống sinh viên của thằng Kiệt. Điều đó làm chúng tôi vui lây. Mỗi lần Kim Loan lên đây thì căn phòng của chúng tôi nhộn nhịp hẳn lên. Bao giờ cô ta cũng mang lên những thức ăn tươi mà trong ký túc xá có nằm mơ cũng không thấy. Nào là thịt, cá, rau... Mỗi thứ một ít được gói gọn trong xách tay. Thế là cả ngày chủ nhật đó, chúng tôi chỉ loay hoay với cái bếp, cái nồi để nấu nướng cải thiện bữa ăn cho mình. Sự nhiệt tình của Kim Loan như vậy làm những cây tràm trước căn phòng của chúng tôi ngày càng trụi cành, trụi lá trông xác xơ đến là thảm hại. Từ đó, có Kim Loan đến, chúng tôi thấy đời sống thêm một chút mơ mộng, thi vị của những bữa ăn ngon miệng...
Nhưng không vì nhờ vậy mà môn học tiếng Nga của tôi khá hơn. Mỗi lần nghĩ tới môn học này, tôi lại nhớ đến người học giỏi nhất lớp môn này là Bích Châu. Cái tên đó làm tôi ngao ngán bỏ tập giáo trình xuống giường rồi lăn đùng ra ngủ với những vần thơ lan man trong đầu. Sáng nay, thi học kỳ hai môn Nga văn. Chao ơi, ngôn ngữ của những nhà văn kiệt tác như Dostoivsky, Léon Tolstoi... sao không chịu nhập vào đầu tôi?
Buổi thi này chia ra làm hai phần. Phần thứ nhất là thi viết, phần thứ nhì là thi vấn đáp. Mọi sách sở giáo trình tiếng Nga đều được để ở ngoài cửa lớp. Mỗi sinh viên bước vào với tay không và chỗ ngồi cách xa nhau, khó có thể mà copy nhau được. Phần thi viết, không biết trớ trêu như thế nào mà cô Dung lại xếp tôi ngồi sau lưng Bích Châu. Buổi sáng này đã làm tôi ngây ngất. Những sợi tóc lõa xõa trên tờ giấy làm bài tập của tôi. Không biết sợi tóc có linh hồn không nhỉ? Tôi cảm thấy một niềm vui đang chậm bước vào tâm hồn mình. Bích Châu không hề biết điều đó, em cứ cắm cúi viết. Còn tôi, câu hỏi từ số một đến số năm đều xa lạ một cách đáng ghét. Khi cô Dung bước lên bục giảng, tôi thấy thời cơ thuận tiện đã đến... Tôi lấy cái bút của mình chạm nhẹ vào lưng của Bích Châu:
- Châu ơi! Sáng nay Châu mặc áo màu đỏ đẹp ghê!
Em vẫn im lặng.
- Châu ơi! Châu mặc áo đẹp sao Châu khó tính quá vậy? Châu không rộng lượng một chút nào...
Những lời ba hoa của tôi chỉ làm cho em thêm im lặng mà thôi.
- Châu ơi! Châu để tờ giấy thứ nhất qua phía tay trái giùm Lê một chút. Lê nhìn thử phần giải đáp của Lê có giống như của Châu không?
Em lẳng lặng kéo bài làm của mình qua một bên theo yêu cầu của tôi, nhưng khó hiểu là em vẫn im lặng. Em xem trên đời này, cụ thể nhất là ở phía sau em không hề có ai tên Lê cả. Còn tôi, tôi mở tròn con mắt mà ghi lại nguyên xi những gì em đã viết. Vừa ghi vừa liếc nhìn, vừa vò đầu bứt tay như mình cũng đang suy nghĩ ghê lắm. Điều đó làm cô Dung không một chút nghi ngờ gì về tôi cả. Trong lớp học không khí im lặng lạ thường. Bọn thằng Chánh cũng đang cắm cúi xuống trang giấy bài tập...
- Châu ơi! Tối nay Châu có bận chuyện gì không? Lê mời Châu đi uống cà phê cho vui nghe. Thi xong rồi thì bọn mình ăn mừng chứ!
Châu không đáp. Em viết ra mảnh giấy nhỏ dòng chữ "có thật là ăn mừng hay hối lộ người ta?". A, hay đấy! Chỉ riêng một dòng chữ như vậy cũng đủ sức cho tôi tạo cảm hứng để làm thơ. Sao mà trái tim tôi dễ dàng rung động như vậy. Bài thơ tôi chưa kịp làm xong, đã nghe tiếng chuông reng lên. Mọi người nhanh chóng dừng bút đem giấy làm bài của mình nộp cho cô Dung. Sau đó chúng tôi tiếp tục thi vấn đáp. Đây là môn mà tôi ớn nhất. Lo gì? Tôi sẽ có cách của tôi... Khi chuẩn bị bước vào phòng thì thằng Chánh bảo:
- Nè Lê, cô Dung rất khoái đọc thơ. Mày cứ thú thật mày là thằng làm thơ, dù thơ chưa hề in báo nhưng cô Dung sẽ có cảm tình với mày ngay. Rồi sao đó thì mày tùy cơ mà ứng biến.
Tôi như người chết đuối vớ được cái phao giữa trùng khơi. Âm thanh và ngôn ngữ tiếng Nga trong buổi thi vấn đáp này đã tạo thành những đợt sóng hòng nhận chìm tôi xuống. Đừng hòng! Tôi đã tự nhủ như thế.
Khi bước vào phòng, thoắt thấy cô Dung, tôi đã nhoẻn miệng cười cầu tài. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Cô Dung bảo:
- Anh hãy dịch câu này sang tiếng Nga "Có thêm một ngoại ngữ là ta sống thêm được một đời" và anh cho biết là đã sử dụng cách mấy?
Câu nầy, với trình độ kém cỏi của mình, nếu được ngồi bình tĩnh mà viết ra trên giấy thì tôi có thể làm được. Khổ nỗi, phải làm ngay lập tức... Tôi ú ớ như con vẹt mới được học dăm ba chữ. Cô Dung đểnh đoảng nhìn lên trần nhà. Tranh thủ lúc đó, đó là lúc mà cán bộ giảng dạy mệt mỏi và thích được nghỉ giải lao vậy! Tôi vội nói:
- Thưa cô, em rất thích tiếng Nga, nhất là nền thơ ca cổ điển Nga với Puskin, Lecomngtov... rất tuyệt diệu. Những vần thơ đó nếu được đọc qua một lần rồi thì người ta sẽ không thể nào quên được...
- Anh thử đọc một bài thơ nào mà anh thích nhất, thơ của Puskin, bằng tiếng Nga.
Nghe cô Dung nói như vậy, tôi cứng lưỡi. Tôi lẩm nhẩm "Anh yêu em đến nay chừng như có thể. Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai" Và phải cố gắng lắm, tôi mới thốt ra được:
- Thưa cô, đọc thơ Puskin bằng tiếng Nga với cái giọng của em - Thì em sợ rằng cô sẽ ôm bụng mà cười thôi. Nhưng chính thơ của Puskin đã tạo nên cho em một cảm hứng làm thơ ạ!
Nói xong câu đó tôi thấy lưng mình lạnh buốt mồ hôi. Còn cô Dung thực sự ngạc nhiên:
- Anh cũng có làm thơ nữa hay sao?
- Vâng, đúng như vậy thưa cô.
- Thôi được, vậy hôm nào anh chép cho tôi xin những bài thơ của anh nhé. Còn bây giờ anh hãy đọc một bài thơ của anh.
Không lẽ đọc thơ của mình? Bọn lớp tôi sẽ nghĩ như thế nào về những bài thơ tôi đã làm vì Bích Châu? Tất cả sẽ cười vào mũi tôi mà thôi. Nghĩ như thế tôi vội nói:
- Em có một tật xấu là không thể nào nhớ được thơ của mình, hôm nào em sẽ chép tặng cô sau. Còn bây giờ em xin đọc một bài thơ ngắn mà em rất thích.
Không đợi cô Dung có đồng ý hay không. Tôi đọc luôn một lèo:
- Xin lỗi em vì một lý do nào
Thềm nhà tôi vắng tiếng chân em bước
Thì lúc ấy - Lối đi ngoài cổng trước
Tôi vẫn tin cỏ chưa vội mọc đầy
Cỏ độ lượng cỏ cần biết rõ
Tôi có gì xúc phạm với em đây (Thơ Đoàn Vị Thượng)
Cứ như thế tôi đọc hết bài thơ "Xin lỗi em" của Đoàn Vị Thượng. Đến chấm dứt câu cuối của bài thơ là "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em" thì cô Dung hỏi tôi:
- Có phải câu này của Puskin không?
- Thưa cô đúng vậy.
- Thôi được, mời anh ra ngoài...
Buổi sáng thi môn tiếng Nga đã đi qua một cách thanh thản. Và tôi nghĩ rằng: Tối nay sẽ qua phòng 4B rủ Bích Châu đi uống cà phê vậy. Khi tôi chuẩn bị bước ra khỏi phòng thì Kim Oanh đến. Người bạn gái này hoàn toàn không nằm trong dự kiến của tôi.
- Tối nay anh Lê có rảnh không? Đi dạo chơi với Kim Oanh nhé, Oanh có điều cần nói với Lê.
Tôi vội mường tượng đến "Đại lộ tình yêu". Con đường rải nhựa chạy ngang dọc ngoài khu ký túc xá. Không biết tự bao giờ nó đã được sinh viên đặt cho cái tên kỳ diệu như thế. Đây là nơi sinh viên hò hẹn với nhau. Tuyệt nhất là những đêm trăng sáng như đêm nay, con đường như được trải một lớp trăng ánh bạc, và bao giờ cũng vang lên những tiếng cười trong trẻo của sinh viên. Tôi phân vân không biết trả lời như thế nào.
Liệu tôi qua rủ Bích Châu đi uống cà phê, em có đồng ý hay sẽ từ chối một cách thẳng thừng. Tôi rất sợ sự thẳng thừng đó. Tôi quan niệm: Đôi khi cần nuôi dưỡng một sự tưởng tượng mơ hồ nào đó, người ta bám víu vào nó để mà sống, cuộc sống sẽ thêm phần mơ mộng đáng yêu hơn. Bích Châu đối với tôi phải chăng cũng chỉ là một sự tưởng tượng mơ hồ? Còn bây giờ từ chối Kim Oanh thì cô ta sẽ nghĩ về tôi ra sao? Lẽ nào, một thằng con trai cứ giữ mãi một thành kiến đã qua - Đối với một người bạn gái mà trước đây hai đứa như "cặp bài trùng".
"Thôi đi chơi với Kim Oanh vậy". Tôi chặc lưỡi tự nhủ với mình. Thú thật, đi chơi với Kim Oanh, tôi không hề thấy một sự hứng thú nào cả. Hình ảnh Bích Châu nằm nguyên vẹn trong tim tôi. Câu chuyện rời rạc không níu kéo cho hai đứa lại gần với nhau. Trên đầu chúng tôi là một vầng trăng sáng ngời, nhưng tôi vẫn hờ hững không một chút xúc động. Hai bên đường những vòm cây lấp lánh dòng sữa trăng tinh khiết, nhưng tôi vẫn không thấy cái gì đáng yêu hơn đâu. Hay là trong sự im lặng như vậy, người ta cũng có thể hiểu được bao nhiêu điều cần nói. Chúng tôi cứ đi sóng đôi bên nhau. Và tôi tế nhị không nhắc đến chuyện "Cha - Cha - Cha... chát xình" của thuở nào đã qua. Không lẽ cứ im lặng mãi. Kim Oanh hỏi tôi:
- Anh Lê ạ, trong các môn học anh thích nhất môn nào?
Không cần suy nghĩ, tôi buột miệng đáp:
- Môn tiếng Nga!
- A, vậy là hai đứa mình cùng chung sở thích với nhau rồi đó.
Khi Kim Oanh vừa reo lên thì tôi thoáng thấy từ phía xa có bóng dáng của ai đó rất thân tình đang đi ngược chiều về phía mình. Tôi chợt rùng mình...
- Hay là bọng mình vào bãi cỏ này ngồi chơi, nghỉ chân một chút, Kim Oanh?
- Vâng.
Hai đứa ngồi bệt xuống bãi cỏ. Cỏ mướt như hạnh phúc. Kim Oanh không hề biết tôi đang đăm đăm nhìn lên lề đường. Tim tôi như bị ai bóp nghẹn lại. Người mà tôi thoáng thấy chính là Bích Châu. Em đang đi với một nam sinh viên khác. Người con trai này tôi không biết tên. Có lẽ, cànhg ta học ở khoa Vật Lý. Còn nghi ngỡ gì nữa, khi hai người cầm tay nhau thân mật. Cầm tay nhau chỉ xảy ra với những ai đã "phải lòng" với nhau. Tôi vội cúi mặt xuống, xấu hổ như bị ai bắt quả tang đang làm một việc gì mờ ám. Kim Oanh không đủ thông minh để hiểu được điều đó. Cô ta cứ huyên thuyên hỏi:
- Anh Lê nè, bắt đầu từ tối mai, sau khi cơm nước xong thì mình lên giảng đường học thêm môn tiếng Nga nhé! Có hai người trao đổi với nhau thì mới mau tiến bộ được anh Lê ạ!
Tôi còn biết nói gì bây giờ? Tôi chỉ muốn mau chóng trở về phòng để nằm hồi tưởng lại giây phút bất ngờ vừa qua. Nhưng Kim Oanh quyết không tha tôi.
- Anh Lê, có đồng ý không? Khi nào học xong quyển giáo trình năm thứ hai thì bọn mình dịch những bài thờ Nga ra tiếng Việt để đọc cho nhau nghe.
Lại chuyện thơ thẩn, tôi chán ngấy hết thảy mọi thứ trên đời này. Tôi muốn được về nên đã gật đầu đồng ý với Kim Oanh. Trên đường về ký túc xá ngước lên trời tôi đã thấy những vệt sao rơi... Hỡi ngồi sao xa thăm thẳm có chia xẻ giùm tôi nỗi buồn này không?