Chương 5

Tôi nhận được điện tín của Thục vào khoảng bốn giờ. Lúc đó cả nhà đi vắng. Tôi nhủ mình không nên khóc lóc làm gì mà hãy cố bình tĩnh biên cho dì Phương một lá thư ngắn nói vắn tắt về cái chết của mẹ tôi và xin phép dì về Mỹ Tho ngay. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng vừa khóc vừa biên thư. Tờ giấy vở xé vội vàng, nhem nhuốc những giòng chữ và nước mắt của tôi rơi xuống.
Tôi đưa lá thư cho chị Cúc nhờ trao lại cho dì Phương khi dì về đến. Tôi không kịp biên cho Thư chữ nào. Nhưng chắc Thư cũng thông minh để hiểu rằng tôi cần nghỉ học ít hôm và nó sẽ tới trường xin phép giùm tôi hoặc nhờ dượng Qúi viết đơn xin phép. Chị Cúc nhìn tôi ái ngại. Hình như chị cũng khóc khi phụ tôi nhét vài thứ vào chiếc va ly nhỏ. Sau đó, một mình tôi đi xích lô ra bến xe đò. Đó là một buổi chiều trời im gió, cây cối đứng bóng hai bên đường, không khí ẩm thấp, nóng bức như báo hiệu cho một cơn mưa sắp tới.
Ngồi trên chiếc xe sửa soạn chạy, tôi cố ngăn nước mắt. Tôi nhìn quang cảnh bên đường và cắn môi đến rướm máu. Mọi thứ trước mắt tôi như chìm ngập trong màu nắng nhưng là thứ nắng nhạt thếch vô hồn. Tôi không hiểu rõ về cái chết của mẹ tôi. Đúng hơn là tôi không tin điều đó. Nhưng bức điện tín của Thục dĩ nhiên không phải là một trò đùa. Ừ nhỉ, tôi đang hy vọng biết bao là Thục đùa tôi. Nó quá nhớ thương tôi nên tìm cách bắt tôi về chơi cấp tốc. Trời ạ, nếu như vậy thì tôi phải la con nhỏ một trận tơi bời.
Nhưng hy vọng trẻ con của tôi lóe lên trong một nỗi tuyệt vọng khốn cùng, như một kẻ đắm tàu mơ một tấm ván mỏng manh trên sóng lớn. Cuối cùng, tôi vẫn nghĩ về cái chết của mẹ tôi. Từ bây giờ tôi không còn ai thân thiết nữa. Tôi như một kẻ sống sót giữa thành phố chết không người.
Tôi không giấu nỗi những dòng nước mắt của mình. Quái lạ làm sao cứ nhìn một ngọn cây cũng có thể khóc được. Một cái hoa đỏ lêu nghêu giữa trời cũng làm nên nỗi tủi thân.
Một giọng nói ôn tồn nhỏ nhẹ và đầy ái ngại vang lên bên cạnh tôi:
- Cô làm rớt cái khăn.
Và người đàn ông nói câu ấy lượm lên cho tôi. Bối rối một thoáng, tôi cầm lấy chiếc khăn tay trắng của mình. Chiếc khăn ướt nước mắt trong lúc vô ý tôi làm rớt xuống chân, trước người đàn ông vừa bước lên ngồi cùng băng với tôi.
- Tại sao cô khóc?
Tôi lí nhí nói mà không hiểu mình đã giải thích thế nào với ông ta. Nhưng chắc chắn là người đàn ông không nghe rõ gì cả. Ông cười nhẹ nhàng:
- Xa mẹ hả?
Câu nói đùa trong phút chốc của ông mà đúng ngay vào tâm sự của tôi làm tôi nấc lên trong chiếc khăn tay. Người đàn ông có vẻ hơi hoảng trước lời nói của mình. Ông ta ngây người một lúc, nhìn tôi khóc rồi sau đó mới tìm cách nói:
- Xin lỗi. Tôi đùa cho cô vui không ngờ làm cô khóc thêm.
Tôi chỉ có thể đáp lời ông ta bằng sự im lặng. Tôi không nói được gì. Ngay cả những ý nghĩ trong đầu mình hình như cũng biến mất. Một khối trống rỗng, một tâm hồn mềm yếu như miếng bánh tráng nhúng nước. Tôi rũ rượi trong mái tóc xõa che gương mặt của mẹ tôi. Hình bóng của bà bay vờn trên con sông ấy.
Xe chạy. Chỉ bây giờ tôi mới nín khóc được nhưng nước mắt hình như đang ứ nghẹn, chỉ chờ để tuôn ra nữa thôi.
Tôi lấy khăn khỏi mắt và mang kiếng râm vào. Tôi thấy dễ chịu một chút với chung quanh vì nãy giờ hình như mọi người đều nhìn tôi soi mói. Tôi nhìn lại người đàn ông bên cạnh. Ông ta đứng tuổi, khỏe mạnh, gương mặt xương xương, tóc hớt cao. Áo sơ mi ngắn tay màu xám tro, quần tây đen. Ông ta xách một cái cặp như dượng Qúi, và thắt cà vạt màu xanh nhạt có những hoa trắng lớn. Ông ta không mang kiếng râm, cặp chân mày to, xếch. Đôi mắt sáng đầy vẻ thu hút, ông còn có nụ cười làm vui lòng người khác, dù họ không biết mình vui lòng vì lẽ gì. Ông ta đang nhìn lại tôi với nụ cưòi như thế.
- Cô đã nín khóc rồi à?
Tôi hơi xấu hổ cúi mặt. Ông tiếp tục nói:
- Nước mắt làm cho người ta vơi bớt nỗi khổ tâm. Nếu còn khóc được cô cứ khóc.
- Tôi không khóc được nữa.
- Có nghĩa là cô đã hết khổ tâm?
- Dạ còn. Nó còn hoài. Đó là một nỗi khổ đau lớn.
Người đàn ông vẫn đoán:
- Cô vừa chia tay với một người thân thiết?
- Hơn thế nữa. Chia tay vĩnh viễn.
- Người đó bỏ đi?
- Mẹ tôi chết.
Người đàn ông thoáng bối rối khi nghe tôi nói và không hiểu sao ông ta ngồi im. Tôi cũng không hiểu sao tôi lại có thể nói thật hoàn cảnh của mình cho ông ta nghe với cái giọng như thế. Ông ta chỉ là người khách lạ. Một người tình cờ cùng chuyến xe với tôi. Tuy nhiên hình như tôi cảm thấy lòng nhẹ đi một chút khi nói ra được điều này. Nếu ngay bây giờ ông ta hỏi tôi về hoàn cảnh, chắc chắn tôi sẽ nói hết cho ông ta nghe. Nhưng ông ta không hỏi.
Một lúc tôi thấy ông ta thở nhẹ một hơi dài và nói như tìm cách an ủi tôi:
- Xin lỗi cô. Tôi không biết. Tôi vô tình làm cô khổ thêm. Cô thương mẹ cô lắm phải không?
Tôi mím môi lại, gật đầu đáp lời người đàn ông.
- Tôi cũng vô duyên. Ai lại không thương mẹ trên đời này. Cô đừng giận tôi nhé.
Tôi lắc đầu. Ông ta nhìn tôi rồi nói:
- Mắt cô đỏ hoe.
- Tôi yếu đuối nên không ngăn nổi những giọt nước mắt. Lẽ ra tôi không nên khóc trên xe.
- Ăn nhằm gì. Mình khóc thì cứ khóc. Mặc kệ những người chung quanh.
- Ông không thấy khóc giữa đám đông là kỳ cục lắm sao?
- Không. Tôi lại thấy đó là một điều tự nhiên.
Tôi có cảm tình với người đàn ông. Tôi thấy ông ta có vẻ gì là lạ nhưng tôi chưa nghĩ ra nổi. Từ phút đó tôi ngồi im lặng, nhìn về phía trước. Xe đã ra ngoại ô, quốc lộ thênh thang mở rộng trước mặt. Buổi chiều trải nhẹ nắng trên những cánh đồng mùa hạ đất khô. Màu ra. nâu vàng kéo dài bất tận với những ngôi nhà chơ vơ, những vườn cây xanh lạc lõng. Hoa dại hai bên đường toàn màu trắng, chúng bay dạt theo gió, buồn bã trong vẻ đẹp hoang dại tội tình. Chiếc xe lao đi với tốc độ thật nhanh. Tôi nghe tiếng gió vút ngoài cửa xe, và gió cũng tràn vào làm tung bay mái tóc tôi.
Người đàn ông chép miệng thành một câu nói:
- Trời sắp sửa mưa.
Tôi tự nhủ là hãy mưa đi. Mưa một trận thật lớn. Mờ mịt tất cả những gì trước mắt tôi.
Nhưng suốt con đường, cho đến khi về tới bến xe, trời vẫn không mưa được. Đúng hơn là chỉ có một cơn gió mang theo những bụi nước rải nhẹ qua một lần rồi tạnh. Thành phố vẫn bình thản trong một buổi chiều sắp tắt.
Tôi xuống xe ở phía sau người đàn ông. Tôi nghĩ là Thục sẽ đón tôi nhưng ngó quanh quất tôi không thấy bóng dáng quen thuộc của nó. Cuối cùng tôi nghĩ làm sao Thục biết tôi về trên chuyến xe nào mà ra đón. Tôi lẩn thẩn thật. Người đàn ông quay lại hỏi tôi:
- Cô về đâu?
- Về nhà mẹ tôi.
- Mẹ cô vừa mất phải không?
- Dạ. Nhận được điện tín tôi về ngay.
- Tôi cũng có một người quen vừa mất.
- Ông về đâu?
- Về nhà người quen đó.
Tôi không hiểu người đàn ông nói gì. Tôi cũng không buồn tìm hiểu thêm.
Tôi vẫy một chiếc xích lô và bảo người đàn ông đạp xe nhanh lên. Và bây giờ tôi bắt đầu khóc. Một hồ nước xanh nhòe nhoẹt trước mắt tôi. Con đường lởm chởm đá quen thuộc dẫn về nhà đây rồi. Khung cảnh xưa, bóng những cái cây bên đường. Chỉ có mùi hoa mới nở rưng rưng trong màu trời là chút thay đổi.
Chiếc xích lô dừng lại ngoài đầu ngõ. Tôi đi bộ vào. Nước mắt tôi đầy ứ. Những bước chân tôi như muốn rũ ra không bước nổi nữa. Cái gì cũng có thể làm tôi khóc òa lên được. Bóng những cây dừa tàu lá đung đưa. Hàng bông bụp đỏ, mương nước đầy với những bọt nước lờ đờ. Một vài con học trò bò trên đám bùn non thấy người vội lẻn mất. Một vài người trong xóm ngó tôi không nói gì. Tôi biết họ nhìn tôi với đôi mắt ái ngại sau lưng.
Nhà tôi đầy người. Những đứa em tôi đã mặc áo tang. Trông chúng trắng toát. Tôi bước vào trước đôi mắt ngạc nhiên của mọi người. Tôi ôm một đứa em nhỏ nhất, nó nhìn tôi cười toe nhưng tôi thì khóc ngon lành, mùi mẫn.
Dượng Tư bước ra. Tôi chào dượng. Tôi thấy dượng đứng lặng một lúc, đôi mắt đỏ hoe. Đây là lần đầu tiên tôi thấy dượng nhìn tôi bằng đôi mắt dịu dàng, thân mật. Gương mặt dượng hốc hác, lem ố. Có lẽ dượng cũng đau đớn như tôi. Và hai người cùng chung một nỗi đau thương thông cảm và gần gũi nhau hơn.
Dượng ôn tồn hỏi tôi:
- Con mới về hả?
Tôi muốn òa khóc lớn vì tiếng "con" êm đềm dượng gọi tôi.
Tôi nói:
- Dạ. Nhận được điện tín con về ngay.
Dượng chỉ vào trong nhà:
- Mẹ con vẫn còn nằm đó. Dượng chờ con về nhìn mặt mới sửa soạn thủ tục tẩm liệm.
Tôi không biết nói sao, chỉ đứng chôn chân nhìn vào cửa buồng mà khóc. Một bàn tay êm ái đỡ lấy chiếc va ly cho tôi. Quay lại, tôi nhận ra Thục. Hình như Thục dìu tôi đi vào với những lời nói loáng thoáng tôi nghe mà không còn biết gì nữa.
Sáng hôm sau mẹ tôi được mang đi chôn ở một nghĩa trang ngoài tỉnh lỵ. Đó là một nghĩa trang của hội gì đó tôi không rõ. Chỉ biết là mẹ tôi được lo lắng khá chu đáo. Tôi đã đưa cho dượng Tư tất cả số tiền tôi dành dụm được để dượng lo cho mẹ tôi lần sau cùng. Tôi cứ nghĩ mẹ tôi chết một cách buồn thảm. Nhưng cuối cùng mẹ tôi cũng được liệm trong một cỗ quan tài khá tốt, lúc đưa đi còn có tiếng kèn, tiếng trống và tiếng tụng kinh nối dài êm ả của đêm trước đó. Tôi chắc với những hồi kinh, và sau cùng với mẹ tôi đã yên nghỉ vĩnh viễn với đời sống mới của mình. Có phải người ta chết đi là tiếp tục bước sang một đời sống khác? Nếu thật vậy, ở đó, chắc mẹ tôi sung sướng hơn.
Chỉ có dì Phương và Thư đưa mẹ tôi ra nghĩa trang. Tôi không thấy dượng Qúi và Huy. Thường cũng về trước giờ đưa mẹ tôi. Anh tìm tôi nói những lời chia buồn làm tôi cảm động. Tôi đi bên cạnh Thục và Thư. Phía sau là Thường và dì Phương. Đoàn người không đông lắm. Phần lớn là bạn bè trong sở của dượng Tư và hàng xóm, một số rất ít bạn học của tôi ở Lê Ngọc Hân. Chúng nó đứa nào mắt cũng đỏ hoe. Tôi thì hình như không khóc được nữa, nước mắt như đã khô. Bây giờ đầu óc của tôi trở nên khô cứng, tỉnh táo trong một cảm giác trơ tráo lạ lùng. Đoàn người đi theo đường xe chạy. Buổi sắng nắng lên vàng ửng cánh đồng. Tôi nghe như mùi thơm của cỏ hoa hai bên đường phảng phất trong gió. Mùi hương trầm quanh chiếc quan tài của mẹ tôi. Chiếc khăn tôi chít trên đầu. Những đứa em cùng mẹ, khác cha trắng toát trong đồ tang. Hình ảnh khổ sầu của dượng Tư. Tiếng kèn ảo não...Chỉ khi đó tôi mới tin rằng mẹ tôi đã chết. Đã cách xa tôi nghìn trùng để đến với một thế giới khác. Mẹ tôi, đau vài ngày và chết rất lặng lẽ, theo lời Thục kể. Cái chết nhanh đến nỗi Thục không kịp viết thư báo tin là mẹ tôi đau. Cuối cùng là bức điện tín chấm dứt một đời người. Chấm dứt con đường về của tôi với ngôi nhà của dượng Tư và tỉnh lỵ êm đềm này. Ít ra là tôi nghĩ như thế.
Tới nghĩa trang. Sau những hồi kinh và tiếng chuông mõ dồn dập thê thiết, tất cả trở về im lặng. Tôi biết là mẹ tôi sắp được nằm yên dưới tầng sâu đất lạnh. Giữa lúc người ta khiêng quan tài của mẹ tôi đem đặt xuống huyệt, bất ngờ làm sao, tôi trông thấy người đàn ông đã đi cùng chuyến xe với tôi trước đây. Ông ta mang kiếng râm, nhưng gương mặt buồn bã thấy rõ. Tôi nhìn ông ta chăm chú với tất cả ngạc nhiên của mình và quên đi những lớp đất đầu tiên người ta lấp quan tài mẹ tôi. Tôi tự hỏi người đàn ông ấy có liên hệ gì đến cái chết của mẹ tôi. Ông ta là ai? Một người bà con quen thuộc hay vô tình đi theo một đám tang? Tụi bạn tôi khiêng vòng hoa của trường Lê Ngọc Hân tới đặt trên mộ của mẹ tôi. Rồi những vòng hoa khác chồng chất lên. Những đứa em tôi khóc ngất trong khi dượng Tư sụt sịt như như người bị cảm. Tôi rũ ra trên vai Thục.
Nhưng tôi không khóc. Nước mắt dường như đã chảy ngược vào tim vào trí nhớ tôi. Tôi chỉ còn lại một đôi mắt vô hồn, trân trân nhìn những người phu xúc từng xẻng đất đắp mộ mẹ tôi cao dần lên. Mùi đất mới xông lên, nồng ấm. Cuối cùng mọi người ra về khi ngôi mộ đã được đắp xong dù rất sơ sài. Tôi và Thục còn đứng lại, cả anh Thường nữa.
Người đàn ông bỗng tiến về phía tôi nói:
- Thật bất ngờ cho tôi, khi gặp cô ở đây.
- Ông quan hệ với mẹ tôi ra sao?
- Không có ai thân bằng tôi và mẹ cô trên đời này, cả khi sống lẫn khi chết.
Tôi không hiểu gì hết. Tôi ngó Thục. Anh Thường và Thục cũng ngạc nhiên nhìn người đàn ông chăm chú. Ông ta nói, như là một nỗi bàng hoàng còn choáng ngợp hồn ông.
- Tôi không ngờ, chúng ta cùng mất một người thân.
- Mẹ tôi chết rồi.
Tôi buột miệng nói một câu vô nghĩa. Người đàn ông nhìn tôi chăm chú. Ông ta đứng lặng một lúc lâu rồi hỏi tôi:
- Bao giờ cô về Sài Gòn lại?
- Dạ, có lẽ ngay trong chiều hôm nay.
- Làm sao tôi gặp cô chiều nay?
- Để làm gì, thưa ông?
Người đàn ông có vẻ bối rối trước câu hỏi của tôi. Ông ta ấp úng định trả lời, nhưng không hiểu sao ông ta im lặng mở cặp rút đưa cho tôi một tấm hình cỡ lớn. Ông nói:
- Ở phía sau tấm hình có địa chỉ của tôi. Cô hãy xem kỹ tấm hình và bất cứ khi nào thuận tiện, cô có thể tới tìm tôi ở địa chỉ đó.
Tôi ngạc nhiên làm sao. Tôi lật tấm hình ra phía trước để xem. Bức hình chụp một người đàn ông, một người đàn bà, và đứa trẻ con đứng giữa cười toe toét. Bức hình đã cũ, màu vàng xâm chiếm làm mờ nhạt những gương mặt trong hình nhưng tôi cũng mơ hồ nhận ra người đàn bà là mẹ tôi ngày còn trẻ. Tôi bàng hoàng quay tìm người đàn ông, nhưng lúc đó ông ta đã đi mất. Tôi chỉ kịp nhìn thấy ông ta bước lên một chuyến xe ngược thành phố. Tôi nhìn lại tấm hình một lần nữa. Thục hỏi tôi:
- Ông ta là ai vậy?
Tôi lắc đầu. Nhưng nước mắt tôi ở đâu trào ra. Và tôi khóc òa làm Thục và anh Thường ngạc nhiên không hiểu nổi. Và làm sao họ hiểu nổi những gì đang quay cuồng trong tôi?
Dì Phương và Thư chờ tôi ở ngoài xe. Dì hỏi:
- Bao giờ cháu về?
- Dạ ngay trong chiều này.
- Dì cũng định bảo như thế. Bây giờ cháu không còn gì lưu luyến trong ngôi nhà đó nữa. Dì đã gửi cho dượng Tư một số tiền. Cháu có về thì sửa soạn về với dì luôn.
Nhưng tôi nói:
- Dì và Thư về trước. Chiều cháu sẽ lên chuyến xe chót.
- Cũng được.
Rồi như nhớ ra điều gì, dì Phương hỏi tôi với giọng nhỏ nhẹ hơn:
- Cháu còn tiền đi xe không đấy?
- Dạ còn.
Thư chồm người về phía tôi:
- Em về trước, đợi chị Ở trên nhà, chị Phiến nhé.
- Ừ, em về.
Dì Phương hỏi mọi người có muốn dì đưa về nhà không. Tôi trả lời:
- Tụi con đi xe đò được mà.
Có lẽ anh Thường và Thục cũng đồng ý như vậy. Dì Phương lên xe, và người tài xế cho xe chạy vụt đi, tôi thấy nhỏ Thư vẫy tay từ phía trong.
Anh Thường vẫy một chiếc xe đò từ hướng Sàigòn về. Chúng tôi lên xe, ngồi cùng băng với nhau. Tôi tựa vào vai Thục, mắt nhắm nghiền. Tôi nghe Thục hỏi:
- Hình của ai vậy Phiến?
Tôi đưa tấm hình cho Thục:
- Thục nhìn xem đứa bé con đang cười toe ấy là ai?
Nhìn tấm ảnh lúc lâu với vẻ chăm chú, sau đó Thục nói:
- Là Phiến. Phải là Phiến không?
- Còn người đàn ông trong hình?
- Hao hao giống người đàn ông lúc nãy.
- Thục đoán xem.
- Không biết. Nhưng chẳng lẽ...
Tôi biết Thục định nói "chẳng lẽ đó là ba ruột của tôi" nhưng...nó hiểu sẽ làm tôi đau đớn. Tôi cũng thấy rõ điều đó. Người đàn ông lúc nãy chính là Ba của tôi. Người đàn ông trong hình. Người đàn ông trong trí nhớ mòn mỏi của mẹ tôi và trong nỗi dằn vặt khôn nguôi của tôi đó sao?
Thục đưa trả cho tôi tấm hình. Tôi bỏ nó vào chiếc ví nhỏ. Tôi lẩm nhẩm cái tên của người đàn ông và địa chỉ. Sao cho tới phút này tôi vẫn không muốn tin người đàn ông ấy là ba của tôi. Như vậy là ba tôi còn sống? Nhưng lâu nay ông làm gì ở đâu? Tại sao không cho tôi biết? Chỉ đợi đến khi mẹ tôi chết, ông mới về. Nhưng ai cho ông hay? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong óc tôi, nhưng làm sao tôi giải đáp hết được lúc này?
Xe về đến bến. Anh Thường và Thục chia tay với tôi và nói sẽ trở lại tìm tôi trước khi tôi trở về Sàigòn.
Anh Thường mạnh dạn nói:
- Để anh đưa Phiến đi. Bây giờ Phiến một mình rồi.
Câu nói của anh Thường lại làm tôi tủi thân ứa nước mắt. Thục kéo anh Thường. Tôi nhìn theo họ một lúc rồi lững thững bước về nhà. Ngôi nhà đã thành kỷ niệm đau xót của tôi từ đây.
Thấy tôi về, dượng Tư dừng tay dọn dẹp, đi đến gần tôi, hỏi:
- Bao giờ con đi?
- Chiều nay.
- Không ở lại chơi với các em một hai hôm nũa sao?
- Ở lại chỉ thêm nhớ mẹ con.
- Như vậy chắc không bao giờ con trở về ngôi nhà này nữa?
Tôi không biết trả lời dượng Tư ra sao. Tôi đứng im nhìn quanh ngôi nhà. Mẹ tôi mất rồi, ngôi nhà như tiêu điều quạnh vắng hơn. Mấy đứa em nhỏ vẫn vô tư chạy chơi quanh nhà, những chiếc khăn trắng trên đầu chúng nhắc tôi nhớ một điều không thay đổi được. Cái ao sen trước nhà ngó như úa tàn sắp chết. Tiếng gió rào rào ngoài vườn cây, những trái trứng gà vàng tươi sắp chín. Không bao giờ còn thấy mẹ tôi quanh quẩn đâu đây nữa sao? Tôi chợt nghĩ tới người đàn ông có thể là ba tôi đó. Ông ta có phải là người thân thiết duy nhất của tôi không? Tại sao mẹ tôi vẫn giấu tôi về ông? Mẹ tôi biết ông còn sống hay đinh ninh rằng ba tôi đã chết?
Dượng Tư bỗng nói như dặn dò tôi:
- Dù sao, nếu có dịp con cũng nên về đây thăm dượng và các em chứ.
- Con nhớ.
Dượng Tư bảo tôi ăn cơm và nằm một chút cho khỏe rồi hãy về. Nhưng tôi làm sao ăn uống cho được? Tôi chỉ vào nhà nằm một chút, nghe tiếng gió lùa ngoài vườn cây mà chạnh lòng nhớ mẹ tôi hơn, nhớ nhất là buổi sáng mẹ thức chuẩn bị cho tôi lên Sàigòn đi học. Và tôi khóc. Có lẽ bây giờ tôi mới thật sự khóc vì nỗi mất mát lớn lao sau cái chết của mẹ tôi. Tôi muốn khóc một lần cuối cùng trong ngôi nhà này trước khi thật sự rời bỏ nó, vĩnh viễn. Trong lúc khóc, tôi vẫn nhủ hay là mẹ tôi đang ở ngoài vườn hoặc bà đang làm gì ở sau bếp và vẫn nhẹ nhàng ra vào thăm chừng giấc ngủ của những đứa con?
Buổi chiều Thục và anh Thường tới. Lúc đó tôi đã dậy rửa mặt tỉnh táo và chuẩn bị về Sàigòn. Tôi ngồi nhìn đứa em nhỏ chạy chơi trong sân đang đuổi bắt con bướm vàng bay chập chờn bên hàng cây dâm bụt.
Dượng Tư nhìn tôi thật buồn. Dượng hỏi:
- Bây giờ con đi hả?
Tôi đáp khẽ, như sợ mẹ tôi thức giấc:
- Dạ thưa dượng con đi
Những đứa em lúc đó mới chạy vào vây lấy tôi. Tôi vuốt tóc và ôm hôn từng đứa trong im lặng rồi xách valy theo Thục với anh Thường ra khỏi nhà.
Ba người vào một quán nước trong lúc chờ xe. Thục hỏi tôi:
- Phiến đã ăn gì chưa?
Tôi quay nhìn Thục, lắc đầu. Mà quả thật tôi cũng không thấy đói. Hai ngày nay tôi chả có miếng gì trong bụng nhưng tôi no ứ vì nước mắt.
Anh Thường lo lắng bảo tôi:
- Phiến nên ăn chút gì chứ không sẽ ngã đấy.
- Làm sao ăn được hở anh?
- Cũng phải ráng mà ăn chứ?
- Phiến chỉ thấy khát thôi. Không đói.
Thục nói:
- Vậy Phiến uống cam tươi nhé?
Tôi gật đầu. Anh Thường gọi cho tôi và Thục hai ly cam tươi. Anh Thường uống cà phê đá. Những ngụm nước cam ngọt làm cho tôi bớt khô khát. Tôi cố không nghĩ gì nữa. Và đưa mắt nhìn buổi chiều dần xuống với vẻ thờ ơ cố tình mà tôi biết đó là sự lừa dối của chính mình. Làm sao mà tôi quên được mẹ tôi khi còn luẫn quẩn trong thành phố nhỏ này?
Thục hỏi:
- Rồi Phiến quyết định thế nào?
- Chưa biết. Phiến sẽ hỏi ý kiến dì Phương.
- Nếu dì Phương bảo đó là ba của Phiến và cho phép Phiến đi tìm?
- Phiến sẽ đi.
- Dù sao như vậy cũng vui hơn. Mất mẹ còn ba. Cứ tưởng rằng ba mình đã chết hay không bao giờ biết mặt cũng buồn lắm.
Tôi nhìn Thục. Tôi biết ơn người bạn thân nhất đời tôi. Đó là một câu nói đầy thương yêu mà Thục muốn an ủi tôi lúc này. Tôi cũng nghĩ như Thục, dù sao, mất mẹ còn ba vẫn hơn là không biết, không có ba trên đời. Bây giờ tôi hình dung lại gương mặt người đàn ông ấy. Ba tôi đó. Ông có vẻ già hơn so với trong tấm hình. Dĩ nhiên thôi, vì bức hình chụp từ ngày tôi còn bé. Nhưng tôi không hiểu vì sao tấm hình chụp chung một cách hạnh phúc như thế lại đi tới một kết cuộc chia ly buồn thảm. Mẹ tôi có chồng khác. Còn ba tôi, ông cũng có vợ khác hay sống một mình?
Thục nhìn tôi như sắp khóc:
- Đừng bao giờ quên Thục và quên Mỹ Tho nhé Phiến?
Tôi ứa nước mắt, cầm tay Thục hồi lâu:
- Không bao giờ đâu.
- Khi nào về chơi với Thục? Mùa hè đi?
- Không dám hứa. Nhưng khi nào về được, Phiến sẽ về ngay. Chúng ta vẫn biên thư cho nhau mỗi tuần mà.
Anh Thường pha trò:
- Hai cô bé này làm cho tôi cũng muốn khóc theo.
- Anh không hiểu người ta thương nhau như thế nào à?
- Thương nhau như mèo với chuột. Phải không?
Thục ném cho anh Thường một cái nhìn sắc như dao. Tôi không ngờ ngày mình có dịp về Mỹ Tho bất ngờ lại là ngày buồn bã nhất trong đời. Tôi không đem niềm vui nào về cho Thục. Không đi chơi với Thục qua những con đường xưa, hay ra bờ sông và đến ăn một ly kem nước dừa béo ngậy. Tôi đi lần này có lẽ để rồi xa mãi. Nhưng tôi nào dám nói với Thục như thế.
Anh Thường hỏi tôi:
- Người đàn ông lúc sáng là ba Phiến đấy hả?
- Có thể như vậy.
- Trời đất. Ba mình mà nói có thể hoặc không.
- Làm sao Phiến dám nói chắc? Phiến còn chưa biết gì kia mà.
Anh Thường nhìn tôi bằng ánh mắt nồng nàn, dường như anh muốn vỗ về che chở cho tôi bằng ánh mắt ấy. Có lẽ hơn lúc nào hết, tôi đang cần tình thương và sự âu yếm của tất cả mọi người. Dù tất cả không thể thay thế được mẹ tôi.
Anh Thường nhắc tôi:
- Uống nước đi, xe sắp chạy.
Tôi vội vàng uống hết ly nước. Anh Thường trả tiền rồi ba người cùng đứng lên ra chỗ chiếc xe. Thục mua cho tôi mấy bịch kẹo chuối. Nó bắt tôi phải cầm lấy. Tôi giẫy nẩy mãi, nó phải giành lấy cái valy của tôi và bỏ vào trong đó. Con nhỏ này hay có những cái lẩm cẩm. Nó biết đâu được, làm như thế chỉ khiến tôi thêm tủi thân.
Anh Thường đã mua vé xong. Hai chiếc vé cho tôi và anh. Người lơ xe giục mọi người ngồi vào chỗ vì xe sắp chạy. Tôi theo anh Thường lên xe. Thục cuống quýt dặn tôi đủ thứ chuyện. Tôi chỉ biết gật đầu chứ không trả lời nó được. Thục khóc. Tôi cũng khóc. Xe lăn bánh, bỏ lại trên bến dáng Thục đứng chơ vơ một mình, nhìn theo.
Anh Thường đưa cho tôi chiếc khăn của anh. Tôi cầm lấy nhưng không chậm nước mắt. Tôi nhớ lời ba tôi - Ông đã nói với tôi trên chuyến xe về Mỹ Tho ngày hôm đó, hãy khóc khi cần phải khóc.
Anh Thường lặng im hút thuốc, những sợi khói thơm nồng nhắc tôi nhớ có anh bên cạnh. Tôi vẫn thầm hỏi có định mệnh không? Tại sao tôi gặp ba tôi đúng vào ngày hôm đó, trên chuyến xe không hẹn trước đó? Chuyến xe này là chuyến cuối cùng rời tỉnh lỵ. Nó mang cái vẻ gấp gáp thường lệ khi thời gian không còn nhiều. Nhưng tôi, lòng chợt tê dại, dửng dưng trước mọi điều. Tôi không muốn ở lại mà cũng không muốn về. Bởi nơi này bây giờ tôi cũng chỉ là con chim không tổ, lạc bầy.
- Phiến mệt không?
Anh Thường dịu dàng nhìn tôi và hỏi như thể sợ tôi gục xuống thật. Tôi đáp lời anh:
- Hơi mệt.
- Phiến có ăn uống ngủ nghê gì đâu mà không mệt.
- Bây giờ buồn ngủ đây. Anh.
- Có thể tựa vào vai anh mà ngủ.
Anh nắm nhẹ bàn tay tôi. Không nói gì. Nhưng tôi hiểu đó cũng là một cách nói. Tôi khẽ rùng mình. Nhưng tôi không rụt tay về như lần đầu anh Thường nắm tay tôi dẫn vào rạp chiếu bóng. Tôi chỉ liếc nhìn bàn tay mình, bàn tay xanh mướt. Những ngón tay anh dài, mềm mại đang âu yếm vỗ về những ngón tay tôi. Gió lướt vào trong xe làm đôi mắt tôi ríu lại, buồn ngủ. Nhưng tôi cố gắng để đừng ngủ. Bởi vì nếu tôi nhắm mắt lại ngủ yên trên vai anh Thường suốt cuộc hành trình thì cũng có nghĩa là tôi ngủ ngoan trong cuộc tình vừa chớm.
Tôi cảm thấy những ngón tay của anh Thường siết nhẹ những ngón tay mình. Không hiểu sao tôi hoảng hốt rút tay về và giấu mặt trong mái tóc dài buông xõa. Anh Thường không nói gì. Chỉ lúc lâu sau, anh mới hỏi:
- Phiến không ngủ sao?
Tôi lắc đầu nhè nhẹ. Và hướng mắt nhìn ra cánh đồng màu nâu xám trải rộng tới chân trời. Nắng không còn nữa. Tôi hiểu rằng tôi sẽ còn chịu đựng nhiều hơn nữa qua cái chết và hình bóng cùng những lời khuyên nhủ của mẹ tôi. Tôi không được để lòng mềm yếu. Tôi phải như một cái cây đứng giữa trời, dù tôi có tìm gặp được ba tôi hay không bao giờ được ông ấy nhìn nhận. Sinh làm con gái, sống với cha mẹ ghẻ là một điều bất hạnh, sống trơ trọi một mình lại càng bất hạnh hơn. Dẫu sao tôi vẫn phải sống, phải khôn ngoan hơn để sống. Bởi vì mất mẹ, bất cứ con đường nào tôi cũng đi một mình, một mình tôi lặng lẽ vậy thôi.

Hết


Xem Tiếp: ----