Chương 4
PHONG CẢNH THẦN TIÊN

Sau mùa đông lạnh lẽo, qua tiết tháng 2 tháng 3 nầy khí hậu điều hoà, nên phong cảnh Đà Lạt là phong cảnh thần tiên.
Trong thành, trăm hoa đua nở, phác họa đủ màu, chẳng khác nào những bức tranh đẹp đẽ do tay thợ vẽ vời mà trình bày khắp nơi. Trước sân trên cửa, dựa lộ, bên hồ, chỗ nào cũng thấy hoa, mà hoa nào cũng yêu kiều diễm lệ.
Trên mấy đồi thì cỏ xanh mướt, che phủ mặt đất, chỗ thấp cũng như chỗ cao. Có khi giữa tấm khảm xanh ấy dựng lên một vài cây thông già, sừng sững giữa trời, nhánh gồ ghề, lá thưa thớt, dường như thiên thần của tạo hoá đặt bày, để dòm ngó nhơn gian, hoặc để thử thách tuế nguyệt.
Trên triền núi, rừng thông chớn chở, che bớt hố thẳm, thêm oai đảnh cao. Nếu hỏi rừng nầy tạo ra từ đâu bao giờ và tạo ra để làm chi, thì khó mà trả lời được.
Còn ở xa xa thì non xanh lố xố chận bớt chơn trời, dãy dọc dãy ngang, đảnh cao đảnh thấp. Đứng trước quanh cảnh tốt tươi mà trù mà mật(15) nầy, người đa cảm ắt phải ngậm ngùi, người hẹp hòi tự nhiên rộng rãi.
Cách vài mươi năm trước Mộng Liêm tiên sanh trở lại chốn nầy, cụ thấy tay người chen vô mà thay đổi quang cảnh thiên nhiên càng thêm vẽ đẹp, thì cụ cảm hứng nên ngâm:
“Năm mươi năm trở lại non nầy.
Cám cảnh Lâm Viên lắm đổi thay. 
Bảy sắc hoa tiên thơm thoát tục.
 Tư bề núi phật mát hằng ngày.
Vui vầy tùng lộc mùi cầu đạo.
Khéo léo lâu đài vẽ biến gì.
Thế giới lưu ly rày đã hiện. 
Hỡi ai, ăn trái nhớ trồng cây”
Cảm hứng cũng phải, vì thay đổi thật. Hồi đầu thế kỷ 20 nầy, Đà Lạt ẩn núp trong vùng hoang vu tịch mịch, núi non tán loạn, rừng rú bịt bùng, thú cầm sanh sống tự do, người mọi lại qua rải rác. Trong một khoảng ba bốn mươi năm, mà Đà Lạt hoá thành một thị trấn rực rỡ tốt tươi như sơn động bồng lai, như thế giới cực lạc, thế thì làm sao đến đây mà không có cảm hứng.
Hoàng cũng như vợ chồng Nghiệp thuở nay chưa lên Đà Lạt lần nào, bởi vậy vừa tới đây lộ ra vẽ ngạc nhiên, không dè tạo hoá sắp sẵn mà để dành cho nước Việt Nam một khoảnh thiên đàng yêu kiều đến thế. Hoàng và Nghiệp đã từng dạo xem nhiều danh sơn thắng cảnh bên Châu Âu, nên ngạc nhiên mà không trầm trồ thái quá. Duy có cô Loan, vì thân phận côi cút, không ai dắt đi chơi xa, nên thấy cảnh lạ, hoa nhiều thì cô náo nức trong lòng, cô ngồi không an, kêu Sáu Bính biểu chạy chậm chậm cho cô thưởng thức.
Nghiệp nói mình định ở chơi lâu, vậy chẳng thiếu chi ngày giờ cho mình ngoạn cảnh. để kiếm nhà hàng mà an nghĩ cho khoẻ, rồi Nghiệp sẽ đem vợ đi xem cùng hết, không bỏ sót một chỗ nào, chơi ở đây rồi còn đi nhiều chỗ khác nữa. Cô Loan nắm tay chồng mà siết chặt, miệng mở một nụ cười chan chứa tình yêu.
Gần 4 giờ chiều hai xe ngừng trước nhà hàng Lâm Viên, là nhà hàng lớn nhứt tại Đà Lạt. Vì Nghiệp đã có đánh dây thép trước mà mướn sẵn hai phòng, bởi vậy xe vừa ngừng thì hai người bồi chạy ra mà tiếp rước. Nghiệp xưng tên, thì bồi nó đã dọn sẵn hai phòng rồi, phòng hạng nhứt, số 10 và 12 khít nhau từng dưới đất, khỏi lên thang lầu.
Bồi chia nhau xách hành lý, Hoàng với vợ chồng Nghiệp đi vô. Người quản lý đứng tại cửa mà chào rất vui vẻ. Chỉ hai phòng cho khách rồi quản lý dạy bồi hễ đem đồ vô xong thì chỉ nhà xe cho sốp phơ biết chỗ mà cất xe.
Sáu Bính với Ba Thiên, sốp phơ xe Hoàng, đi theo bồi và coi cho biết phòng của chủ. Hai người nói:
- Ông chủ tính chiều nay đi chơi không?
Cô Loan rước mà đáp:
- Đi chớ, để rữa mặt thay đồ rồi đi.
Nghiệp cười và nói:
- Khoan! Chậm chậm một chút. Để ba anh kiếm nhà ngủ mướn sẵn một cái phòng đặng tối có chỗ mà ngủ với nhau đã.
Sáu Bình nói:
-Thưa, khỏi mướn phòng. Anh em tôi ngủ trên xe. Nghiệp suy nghĩ rồi nói:
- Ngủ trên xe bất tiện...
- Thưa, có bất tiện chi đâu. Tụi tôi quen rồi.
- Còn anh Tý Cầu nữa chi?
- Anh ngủ với tôi. Anh có tính với tôi rồi. Trong ga ra xe nhiều chiếc lộn xộn, không nên bỏ đi ngủ chỗ khác. Tới giờ ăn cơm tụi tôi lấy xe đi chợ mà ãn, rồi về đây ngủ, không nên rời xe.
-Ngủ trên xe ban đêm lạnh lắm, người ta nói lạnh 14 độ, có bữa xuống 12 độ lận.
- Chúng tôi biết nên có đem mền và đồ ấm theo. Ông chủ đừng lo.
-Mấy anh đói bụng chưa?
-Mới ăn dưới Dijring còn no quá.
-Vậy thôi lau quét xe cho sạch đặng bà đầm tôi(16) sửa soạn rồi thả đi vòng chơi. Bà nóng nảy quá muốn đi liền đặng xem phong cảnh.
- Bà mới lên đây lần đầu nên bà muốn đi coi cho biết.
Cô Loan đương rửa mặt, cô day lại nói:
- Anh đừng có kêu tôi bằng bà nữa nghe hôn anh Sáu. Tôi còn nhỏ như em út. Anh kêu bằng cô thôi.
Sáu Bính dạ rồi qua phòng của Hoàng, có gắn số 12, mà rủ Ba Thiên đi lau xe cho sạch sẽ.
Hoàng với vợ chồng Nghiệp rửa mặt thay đổi áo quần, rồi cùng nhau đi lại phòng ăn mà giải khát. Hoàng với Nghiệp uống la ve còn cô Loan thì uống sữa tươi.
Loan uống riết cho hết ly sữa, rồi cứ cầm bóp dợm đứng dậy mấy  lần, tỏ ý muốn đi chơi cho mau. Nghiệp muốn làm vui lòng vợ, nên khuyên Hoàng uống mau mau đặng đi.
Ra xe, Nghiệp kêu hai anh sốp phơ mà nói:
- Hai anh đã có lên đây nhiều lần, hai anh biết đường sá rành rẽ. Vậy hai anh chạy chậm chậm, đưa chúng tôi đi khắp trong châu thành đặng xem trước, coi châu thành bao lớn, địa thế ra sao, dân cư ít nhiều, nhà cửa tốt xấu. Trước hết đi chợ, rồi bắt đó đi lần ra ngoài, đi vòng cho giáp hết đừng bỏ xót đường nào. Nhưng cứ trong thành chớ đừng ra ngoài. Mình còn ở chơi nhiều ngày, để bữa khác mình sẽ đi xem mấy vùng ngoại ô, không cần gấp lắm.
Ba Thiên thú thật anh chưa đi giáp châu thành, Sáu Bính khoe mình thạo hết, nên lãnh đi trước dẫn đường.
Xe đi vòng chợ rồi lên dinh Thị trưởng, lại nha Quản Ðạo. Cô Loan thấy phía tay trái có một cái hồ lớn, bờ hồ đơm bông rực rỡ đủ màu, cô biểu Sáu Bính quẹo qua đó cho cô xem, Nghiệp ngăn cản, khuyên sốp phơ cứ chạy theo lời mình đã dặn, chừng nào phải lại hồ thì sẽ lại, hoặc để đi giáp hết rồi sẽ trở về đó mà chơi.
Xe đi ngang nhà Huyện Mọi, qua phía nhà thương xem mấy  rẫy trồng cải, trồng hoa, rồi trở lại nhà đèn đặng vô suối Cam Ly. Sẵn đường Sáu Bính cho xe chạy luôn lên mộ của ngài Long Mỹ Quận công rồi quanh trở về viếng Y viện Pasteur, trường Nữ học “Couvent des Oiseaux”, nhà thờ, nhà Bưu điện, mấy  nhà nghỉ hè của quan viên cao cấp. Bây giờ mới chạy dọc theo bờ hồ rồi chạy thẳng ra nhà ga xe lửa.
Sáu Bính ngừng trước nhà ga và nói là đã đi giáp châu thành hết rồi. Nghiệp coi đồng hồ chưa tới 6 giờ, bèn biểu chạy trở lại bờ hồ đặng ngồi xem hoa thưởng cảnh chơi.
Vợ chồng Nghiệp xuống xe lại bàn tính với Hoàng rồi biểu vợ lấy 300 đồng phát cho ba người tùy tùng, mỗi người 100 Đồng. Nghiệp nói:
- Ba anh lấy xe ra chợ mà ăn cơm đi. Chúng tôi ở đây chơi một lát rồi về nhà hàng. Còn có một khúc đường, không cần phải đi xe. Mấy anh ăn cơm rồi cứ về ngay nhà hàng mà nghỉ.
Buổi chiều trên bờ hồ nam thanh nữ tú dập dìu, người Pháp xen lộn người Việt, đàn bà nhiều hơn đàn ông, bởi vậy y phục có đủ màu tốp đi xuống tốp đi lên, đi dựa mấy bồn bông, đứng xa xa trông rất đẹp.
Ngó qua phía hồ bên kia thì một vùng cao nguyên rộng minh mông hiện ra trước mắt, trên ấy những đồi nhỏ nằm lúp xúp cho tới chơn núi Lâm Viên đồ sộ đứng phía trong. Người ta đương bắt đầu kiến trúc trường Trung học Yersin bên đó. Sinh viên được chốn thần tiên nầy mà dồi mày tâm chí, mở mang kiến thức thì có gì sung sướng bằng. Ngặt vì ở đây phẩm thực còn thiếu thốn, mà đường giao thông với Sài Gòn chưa thuận tiện, bởi vậy giá sinh hoạt phải mắc mỏ, bề  ăn ở phải tốn hao nhiều. Muốn đào tạo nhơn tài mà lập trường lớn nơi nầy, thì cái ý định bất công đó nó thể hiện rõ ràng, vì lẽ con nhà nghèo hèn, dầu thông minh, dầu cần mẫn, cũng không thể mở rộng tri thức như con nhà giàu sang được.
Vợ chồng Nghiệp với Hoàng ở chơi tới tối mới trở về nhà hàng mà ăn cơm. Phòng ăn rộng rãi, nhưng đông khách nên ngồi giáp hết. Bàn nào cũng chuyện trò vui vẻ mà êm ấm, chớ không phải rần rạc và lộn xộn như trong mấy  nhà hàng dưới Sài Gòn.
Quang cảnh nầy làm cho Nghiệp với Hoàng nhớ đời sống của mình hồi ở bên Pháp, rồi nhắc mấy chuyện éo le lại cho cô Loan nghe chơi, khiến cho cô hiểu rõ đại chí của anh và chồng, cả hai đều nhờ kiên nhẫn mẫn cán, quản đại, tiến thủ, nên học tới thành công mỹ mãn.
Ăn cơm rồi, Hoàng đi theo Nghiệp vào phòng Nghiệp mà đàm đạo. Hoàng ngồi hút thuốc phì phà mà suy nghĩ rồi nói:
- Anh em mình tính nhơn dịp đi chơi nầy mình quan sát nhơn sanh với địa lợi coi có thể khai cơ lập nghiệp, kinh dinh công nghệ, hoặc bành trướng nông trang được hay không. Tuy mới đến đây, song tôi đã nhìn thấy nhơn công không có, vận tải tốn nhiều chi phí, nên khó mà làm được việc chi lớn ngay bây giờ. Theo địa thế như vầy có thể làm việc gì? Trồng bông hoa rau cải, rồi chở xuống Sài Gòn mà bán? Nhơn công kém, tiền chở mắc, tổn phí nuốt số lời hết. Làm nhỏ nhỏ kiếm cơm ăn thì được, chớ làm lớn thì thất bại. Còn mấy việc nầy có thể làm được song phải dò dẫm và nghiên cứu trước: Hoặc khẩn đất vùng cao nguyên mà lập sở nuôi thú vật. Phải để ý đồng cỏ với suối nước. Hoặc khẩn đất để lập vườn trồng bông vải, hay là cà phê, hay là trà, hay là dâu tằm ăn. Phải xét kỹ chất đất. Hoặc khẩn rừng núi để: 1) lấy mũ cây thông rồi lập nhà máy nấu dầu térébenthine, dầu này là vật cần thiết của ngành công nghệ và ngành y dược; 2) đốn cây thông và lập nhà máy cưa ra ván mỏng, hay gỗ vuông, để bán ra ngoại quốc. Hoặc lập hội khai thác rồi mướn bác vật khoáng sản chuyên môn đi tìm mỏ dầu lửa, than đá, mỏ sắt, mỏ chì cùng các khoáng vật khác. Đó, tôi kể sơ qua mấy chỗ tôi nhận thấy như vậy đó Nghiệp nghĩ coi có phải hay không? Nghiệp vội vàng đáp:
- Đúng lắm. Đồng ý hoàn toàn. Hiện giờ ở vùng nầy mình chưa có hy vọng làm việc gì được. Để ở chơi vài tuần rồi vợ chồng tôi đi xuống miền duyên hải Trung Việt mà quan sát nữa coi.
- Tôi rất tiếc mà không đi theo được, vì cuối tháng nầy tôi phải có mặt tại Cần Thơ đặng sắp đặt cho tá điền làm tờ tá mướn ruộng. Năm nay công việc đó phải phiền phức, vì mọi người đều phải làm tờ lá mới. Phần đất nào của tôi thì làm tá tên tôi, còn phần nào của Loan thì làm tờ tá tên Loan. Phải làm cho rành rẽ.
- Anh biểu làm hết tên anh cũng được. Bề nào vợ tôi nó cũng nhờ anh góp giùm.
- Ê, ê! Tính như vậy sao được. Muốn bắt moa làm anh chủ điền
 lù mù ở trong làng hay sao? Mùa nầy moa góp lúa, chớ qua mùa tới và luôn luôn mỗi năm, Loan phải coi cho mướn ruộng và thâu góp lúa tất cả. Việc đó phải giao cho đàn bà coi, đặng tụi mình khoẻ trí mà lo việc lớn chớ. Loan phải có một phần việc, đặng Loan lo chút đỉnh, chớ để Loan ăn rồi lại cứ nằm ngửa mà đọc tiểu thuyết hoặc thả riểu trên đường Catinat, hoặc họp bạn để nói hành thiên hạ hoài hay sao.
Cô Loan nói:
- Nếu anh bận việc thì em sẽ lãnh làm quản lý ruộng đất cho anh. Anh làm tờ tá cho rành đi, đặng em coi theo đó mà thâu góp. Hồi nhỏ em có giúp bà ngoại mà góp lúa, mấy năm sau đây má cũng phú thác cho em làm, má chỉ coi chừng vậy thôi.
Hoàng cười và nói:
- Ừ, vậy mới phải chớ! Chú Nghiệp nầy cưng vợ quá! Nầy, cưới vợ về, phải kiếm công việc cho nó làm, chớ cưng mà để vợ ở không đi chơi, ấy là xúi cho vợ hư đa, nói cho mà biết.
Nghiệp rùng vai mà đáp:
- Anh nói cái giọng trưởng lão quá! Chưa có vợ mà dám lên mặt làm thầy thiên hạ về đạo làm chồng chớ.
- Moa làm chồng đúng lắm.
- Thì làm đi. Làm thử coi!
- Moa chưa muốn làm, chớ không phải sợ. Moa đợi chừng nào cho có một công việc làm ăn đàng hoàng rồi moa mới chịu cưới vợ, biết hôn? Toa đi chơi, toa ráng kiếm giùm cho moa một cuộc làm ăn đi.
- Để tôi xuống Cà Ná tôi coi ruộng muối của người Pháp họ làm có thạnh vượng hay là không, rồi tôi sẽ kiếm từ đó ra Phan Rang, Nha Trang, coi có chỗ nào làm ruộng muối được thì mình lập thế xin làm. Như không có, thì mình sẽ kiếm ở Miền Nam Việt, Bà Rịa, Ba Tri, Ba Động, Sóc Trăng, Bạc Liêu, hoặc ở Rạch Giá chắc là làm được. Nước Việt Nam nằm dọc theo mé biển trót hơn 2 ngàn cây số ngàn, thiếu gì chỗ mà chọn đất làm ruộng muối được. Thế mà nước không đủ muối cho dân dùng, nghĩ thiệt là kỳ cục. Ấy là tại bày hạn chế sản xuất, để cho hội nầy nhóm nọ họ nắm độc quyền mà bóp họng dân chúng chớ có chi đâu. Cho sản xuất thong thả đi, người ta làm ra muối nhiều, dân được hưởng giá rẻ, chánh phủ được lợi về thuế sản xuất và thuế xuất cảng, ai cũng có lợi hết. Về thuế sản xuất thì định thâu hoặc mỗi mẫu đất hoặc mỗi tấn muối. Thuế xuất cảng thì định thuế mỗi lần muối chở ra ngoại quốc. Thuở nay Nhựt Bổn cần mua muối của mình lắm. Mà có muối bán cho Cao Mên với Lào gần đây cũng đủ rồi.
- Ừ, ra vùng Nha Trang nhớ để ý đến vấn đề cá biển nữa, phải xem coi có thể tổ chức cuộc đánh cá tối tân để lập ra hãng làm nước mắm, làm cá khô, cá mặn, hoặc cá hộp hay không.
- Nhớ chớ. Vấn đề đó là vấn đề thuở nay tôi thích hơn hết. Tôi ưa công nghệ hơn nông nghiệp. Nhưng sanh trưởng trong vùng bình nguyên, từ nhỏ hễ bước chơn ra khỏi nhà thì thấy ruộng, tự nhiên tôi không khinh rẽ ngành nông, mà lại hay quan sát. Tôi nhớ tôi đọc được một tạp chí kinh tế, tôi thấy một ngýời Pháp có bằng địa chất học, viết một bài khảo cứu về địa chất học của vùng cao nguyên Nam Việt. Bài ấy nói rằng trong vùng này có một dải đất đỏ quí lắm. Dải đất ấy bề ngang cở chừng vài ba chục cây số ngàn, còn bề dài thì dài lắm. Nó nằm từ vùng Xuyên Mộc, trong tỉnh Bà Rịa, chạy lên tới vùng KonTum, đi ngang qua đất đỏ, An Lộc, Xuân Lộc, Bà Rá, Ban Mê Thuộc, Pleiku, Kon Tum. Trong dải đất đỏ, chất đất hợp với vườn tược ; trồng cao su, dừa khô, bông vải, cà phê, trà, gai, bất luận cây gì cũng thạnh mậu cả. Vậy nếu muốn lập vườn thì nên lập trong vùng đất đỏ, phần nhiều còn hoang vu, chưa ai khai khẩn. Mà trước khi khai thác, phải lo giải quyết vấn đề giao thông, phải làm sao cho thuận tiện sự qui tụ nhơn công, sự tiếp tế lương thực cho số nhơn công ấy và sự vận tải đồ sản xuất. Theo ý tôi thì Việt Nam cần phải mở đường xe lửa cho nhiều, ngành kinh tế mới dồi dào thịnh vượng được. Trước hết phải lập đường xe lửa trực tiếp Sài Gòn-Đà Lạt. đường nầy không dài lắm, vì đã có sẵn đường Sài Gòn-Xuân Lộc rồi. Phải có đường nầy thì rau cải, bông hoa ở Sài Gòn và giá sanh hoạt ở Đà Lạt mới hạ thấp được. Đồng thời phải lập đường xe lửa Sài Gòn - Kon Tum, chạy ngang qua hoặc Thủ Dầu một, hoặc Biên Hòa rồi thẳng lên Bà Rá, Ban Mê Thuộc, Pleiku, Kon Tum. Chúng ta đã có sẵn đường sắt chạy theo mé biển. Hễ lập thêm đường sắt xuyên vùng cao nguyên rồi thì nối cho hai đường giao tiếp với nhau. Đà Lạt có đường xuống mé biển rồi, bây giờ phải nối qua Ban Mê Thuột. Cũng nên nối Nha Trang với Ban Mê Thuột và Qui Nhơn với Kon Tum nữa, thì sự vận tải và giao thông mới tiện. Phải làm việc đó trước, thì tự phiên cuộc khai thác cao nguyên tự nhiên chạy theo liền, không cần lo cũng thành tựu.
Hoàng gặc đầu nói:
- Thật quả như vậy, bộ Loan buồn ngủ. Thôi để về cho vợ chồng nghỉ vì ngày nay ngồi xe mỏi mệt.
Qua bữa sau, Nghiệp với Hoàng bắt đầu đem cô Loan đi chơi, bữa nào cũng đi, sớm mơi đi xa, buổi chiều đi gần, bữa thì dạo chơi cảnh thanh tịnh hoặc thú u nhàn, bữa thì dọ xem cách làm ăn, bữa thì tìm kiếm mấy nguồn lợi mà người ta chưa để ý.
Ban ngày đi chơi, ban đêm thì hội nhau mà bàn luận, bàn những cuộc đổi thay sắp đến, luận những điều cần thiết phải làm, làm đặng giúp nước thêm phú cường, làm đặng dạy dân mau tiến hoá.
Cô Loan ít học nhưng nghe chồng với anh nói chuyện riết rồi cô cảm nhiễm nên tâm chí lần lần rộng, kiến thức lần lần sáng thêm, cô mới thấy thói thấp hèn của thiên hạ xưa nay, cứ bu nhau mà giành giựt cái lợi bất nghĩa, cái lợi cỏn con, không biết hiệp lực đặng xây đắp cái lợi cộng đồng của quốc gia, cái danh hiển hách của chủng tộc.
Chưa quá 10 ngày mà cả vùng Đà Lạt từ châu thành ra ngoại ô, không còn chỗ nào mà không có dấu chưn của Hoàng và vợ chồng Nghiệp.
Cô Loan đã được thưởng thức cái cảnh im lìm an tịnh ở suối Cam Ly, ở rừng Ái Tình (Bois des Amours ), ở Hồ Than Thở (Lac des Soupirs). Cô Loan đã được xem sức nước ở thác Gồ Gà, cách nuôi bò, nuôi dê để lấy sữa Đăng Kia, cách trồng bông hoa, trồng rau cải, trồng đậu, trồng cao su ở Arbre Bryoé, ở Dran, ở Bellevue. Cô đã được lên đồi Point-de-Vue ngồi ngắm lại châu thành Đà Lạt, mà xem lâu đài đường sá sắp nằm có lớp có từng. Cô còn lên tới triền núi Lâm Viên, đứng xem quang cảnh tổng quát của cả vùng cao nguyên, xa kia núi chập chồng, trước mặt đồi nằm lúp xúp.
Cảnh cô Loan thích hơn hết là cảnh hai bên con đường gọi là Tour de Chasse. Cô đã xin chồng đi vòng theo con đường nầy đến mấy  lần, khi đi buổi mơi, khi đi buổi chiều. Lần nào đi được nửa đường cô cũng biểu xe ngừng lại rồi cùng chồng bước xuống đứng nhìn mấy  vùng cỏ non, chỗ nắng thì vàng, chỗ mát thì xanh, chẳng khác nào một tấm gấm khổng lồ trải trên các đồi mà khoe dệt khéo. Lại rải rác vài cây thông già sừng sựng trên đồi mà coi chừng mấy bầy nai ăn cỏ, làm cho hiện ra bức tranh tùng lộc thiên nhiên.
Cô Loan khuyên chồng chụp hình cái cảnh thanh cao đẹp đẽ nầy đặng chừng về Sài gòn cô mướn rọi ra lớn để treo trên bàn viết mà nhìn cho khoẻ trí.
Chơi đúng 2 tuần lễ rồi Hoàng sửa soạn đặng trở về Cần Thơ tiếp xúc với tá điền cho họ quen biết mà tin cậy nhau, gây tình thân ái giữa nhà nông và chủ ruộng. Vợ chồng Nghiệp cũng sửa soạn xuống Nha Trang ở chơi ít ngày rồi sẽ trở về, đi lần lần từ chặng, đặng quan sát miền duyên hải phía Nam Trung Việt.
Một buổi sáng hai xe phân rẽ nhau, mỗi chiếc đi một ngã.
-------------------
15 trù mật, phì nhiêu
16 (madame), vợ tôi, nhà tôi