Hoài Liên dịch
từ bản tiếng Đức Ansichten Eines Clowns
Chương 16

Tôi trở về phòng, tôi khép cửa phía sau lại, tôi có cảm giác tôi là  một thằng đần. Đáng lẽ tôi phải đồng ý để bố tôi pha cà phê cho tôi  và giữ ông lại thêm ít thời gian nữa. Vào lúc quyết đoán, khi ông từ  trong bếp đi ra với chiếc khay ăn rót đầy tách cà phê cho tôi, tự hào  với kì công của mình, tôi đã có thể nói: "Thế ba cho con tiền chứ!"  hoặc: "Thế ba nhả ra chứ, tiền ấy mà!" Vào lúc quyết đoán, chính là  mặt nguyên sơ, thô lỗ sẽ chiếm được ưu thế. Đấy chính là lúc người  ta nói "Các anh sẽ có một nửa nước Ba Lan và chúng tôi có một nửa  nước Rumanie... Các anh có hai phần ba hay chỉ một nửa nước  Siléaie(1)... Các anh sẽ có bốn ghế bộ trưởng và chúng tôi sẽ có xí nghiệp linh tinh". Tôi đã ngu ngốc để tâm trạng của tôi chịu thua  tâm trạng của ông, ngu ngốc là đã không chiếm ngay lấy chiếc ví  tiền của ông. Đáng lẽ tôi phải buộc ông nói chuyện về tiền nong, về  đồng tiền trừu tượng, không nhúc nhích, bị buộc chặt lại, đối với  nhiều người có nghĩa là sự sống hay là cái chết, "tiền muôn thuở"  mẹ tôi không bỏ lỡ cơ hội nào mà không thốt lên cái tiếng kêu  khủng khiếp ấy, mỗi khi chúng tôi hỏi xin bà ba mươi pfenning để  mua một quyển vở. Tiền muôn thuở. Tình muôn thuở.
Tôi vào bếp, cắt cho mình một lát bánh mì, quệt bơ vào, và ra  phòng khách, quay số gọi cho Bela Brosen. Tôi hi vọng là, với tâm  trạng bị xúc động, bố tôi chưa về ngay nhà mà trước hết qua nhà  tình nhân của ông. Tôi mường tượng rất rõ người đàn bà ấy sẽ đặt  ông lên giường với một túi chườm nước nóng và cho ông uống sữa  nóng pha thêm mật ong. Đối với người nào thấy trong người khó  chịu, mẹ tôi có thói quen đáng nguyền rủa là nói ngay về vấn đề ý  chí, sự tự chủ, nếu không là nước lạnh mà gần đây bà coi là "thứ  thuốc chữa bách bệnh".
- Bela Brosen đây!
Tôi sung sướng nhận thấy bà ta không toát ra mùi gì và có giọng  nữ trầm, ấm và sâu, thật tuyệt vời.
- Schnier, tôi nói, Hans... bà nhớ ra không?
- Nhớ ra không à? Bà ta nói với vẻ thân tình, tất nhiên!... Tôi sẵn  sàng làm tất cả mọi việc vì anh.
Tôi không biết bà ta định nói về việc gì, nhưng bà đã nói tiếp để  tôi hiểu:
- Không nên quên rằng tất cả những sự chỉ trích đều là ngu ngốc,  hợm hĩnh và ích kỉ.
- Nếu tôi có thể tin được như thế, tôi thở dài, tôi đã thấy mình đỡ  bất hạnh hơn.
- Đơn giản là anh cần phải tin như thế, bà nói. Anh thử nghĩ xem  ở mức độ ta có thể tin được vào một cái gì thôi, điều đó sẽ giúp ta dễ  sống hơn biết bao.
- Và nếu tình cờ một người trong họ có lời tán dương tôi, thì tôi cần  phải kết luận như thế nào đây?
- Ô! (bà ta cười và thêm vào tiếng ô ấy một nét lèo), hãy tin rằng  một khi có được lòng trung thực người ta sẽ quên đi tính ích kỉ.
Tôi cũng cười theo. Không biết tôi có gọi bà là Bela hay phải gọi là  bà Brosen. Chúng tôi chưa hề gặp nhau, và chưa có một quy ước  nào về phép lịch sự dạy anh cách gọi tình nhân của bố anh. Tôi  chọn cách gọi là bà Bela, mặc dù tôi thấy cái tên gọi ấy với người  nghệ sĩ nghe thật kinh khủng.
- Thưa bà Bela, tôi bị chôn rồi. Bố vừa ở chỗ tôi, câu chuyện đề  cập đến quá nhiều vấn đề làm tôi không kịp lái ông vào vấn đề tiền  nong...
Tôi có cảm tưởng là bà ta đỏ mặt. Hẳn bà ta phải là một người  phụ nữ rất thận trọng và quan hệ giữa bà và bố tôi dựa trên "tình  yêu chân thực", và những "vấn đề tiền nong" phải làm bà đặc biệt  thấy khổ tâm.
- Xin bà hãy nghe tôi, tôi nói. Bà hãy quên đi tất cả những gì lúc  này có thể làm cho bà phải nghĩ ngợi và bà không có gì phải hổ thẹn  cả. Tôi chỉ đơn giản yêu cầu bà, khi bố tôi nói chuyện với bà về tôi...  Tôi muốn nói là: bà nên lưu ý bố tôi về việc tôi cần có tiền một cách  ghê gớm. Hiện giờ, tôi không có một đồng xu nào. Bà hiểu tôi chứ?
- Phải. Bà nói nhỏ đến nỗi tôi phát hoảng.
Rồi tôi nghe thấy bà khịt mũi.
- Hans. Bà nói, hẳn anh cho tôi là một người đàn bà tồi (bây giờ  bà ta khóc thật), là hạng gái làm tiền như hiện giờ có rất nhiều kia,  tôi chắc thế. Ôi!
- Không phải! Tôi kêu lên, chưa bao giờ tôi có ý nghĩ như thế về  bà. Thật không có thế!
Tôi sợ là bà ta sẽ nhiều lời về tâm hồn bà và về tâm hồn bố tôi.  Căn cứ vào những tiếng nức nở dữ dội của bà, bà phải là một con  người đa cảm, và không loại trừ bà ta còn có thể nói với tôi về Marie  nữa.
- Thực ra, tôi vẫn tin chắc (không hẳn như thế, vì thái độ khinh  miệt bà cố ý tỏ ra đối với hạng gái làm tiền, có vẻ đáng ngờ), vâng,  tin chắc bà là người có nhân phẩm và tôi chưa bao giờ nghĩ xấu về bà (điều này không đúng). Và hơn nữa... (tôi đã muốn gọi bà bằng  tên, nhưng cái tên gọi nghe kinh khủng ấy không thoát ra được  khỏi cổ họng của tôi), hơn nữa tôi đã suýt soát ba mươi tuổi. Bà vẫn  nghe tôi đấy chứ?
- Phải, bà ta thở dài trong khi vẫn còn nức nở trong Godesberg(1) của bà ta như ở phòng xưng tội.
 - Bà chỉ đơn giản gợi ý với bố tôi là tôi đương rất cần có tiền.
- Tôi cho là, bà nói giọng nghẹn ngào, về phía tôi sẽ là sai lầm nếu  công kích ông một cách trực diện. Tất cả những gì liên quan đến gia  đình ông... hẳn là anh biết... đối với chúng tôi đều là điều kiêng kỵ.  Nhưng có thể có một cách khác... (Tôi im lặng. Thay vào tiếng nức  nở của bà chỉ còn có tiếng khịt mũi). Ông ta thỉnh thoảng có đưa  tiền cho tôi để giúp đỡ những bạn hữu gặp lúc vô phương cứu chữa,  và về điểm này tôi được toàn quyền. Anh có cho là tôi có thể để anh  lợi dụng những sự hào phóng nho nhỏ ấy như một người bạn nhất  thời gặp khó khăn được không.
- Tôi đúng là một người bạn đang gặp khó khăn, và không phải  chỉ nhất thời mà ít ra trong sáu tháng. Nhân thể xin bà cho tôi biết  những sự hào phóng nho nhỏ như bà nói nên hiểu là như thế nào?
Bà ta húng hắng ho, bật ra một tiếng ô, nhưng lần này không có  nét lèo, rồi nói tiếp rất nhanh:
- Đó thường là một sự giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp: tử  vong, bệnh tật, sinh đẻ... tôi muốn nói đó không phải là sự giúp đỡ  thường xuyên mà là được ước định như những sự cứu giúp.
- Với mức bao nhiêu?
Bà ta không trả lời ngay và tôi đã thử hình dung bà ta lúc đó. Tôi  đã thấy bà ta một lần, cách đây năm năm, vào một buổi tối Marie  đã lôi được tôi cùng đến nhà hát nhạc kịch. Bà Brosen hát trên sân  khấu trong vai một thôn nữ bị một bá tước quyến rũ và tôi đã hơi  ngạc nhiên về khiếu thưởng thức của bố tôi. Đấy là một người phụ  nữ tầm vóc trung bình, khỏe, tóc hoe tự nhiên và có chiếc cổ rõ ràng phập phồng. Tựa người vào một túp lều, rồi vào một chiếc xe bò,  bằng một giọng hữu thanh tốt bà ta đãi khán giả những cảm xúc  không có gì là bí mật.
- Alô? Tôi kêu to, Alô?
- Ô! Bà nói (lần này nét lèo rất nhẹ), anh hỏi quá thẳng thắn đấy!
- Nó phản ánh hoàn cảnh của tôi.
Tôi bắt đầu thấy lo. Bà ta trả lời tôi càng chậm thì số tiền bà cho  biết sẽ càng nhỏ đi.
- Này nhé, cuối cùng bà nói, số tiền thay đổi khoảng từ mười đến  ba mươi mác.
- Thế bà sẽ nói thế nào nếu có một người bạn rơi vào một hoàn  cảnh đặc biệt khó khăn, ví dụ: người bạn gặp một tai nạn nghiêm  trọng và đối với anh ta, trong vài tháng, một sự cứu trợ khoảng một  trăm mác sẽ không phải là thừa?
- Bạn thân mến, bà thì thầm, có lẽ anh muốn tôi phải làm chuyện  lừa bịp.
- Không đâu, tất nhiên là không. Đúng là đã có một tai nạn xẩy  ra với tôi... và tóm lại chẳng lẽ tôi không phải là một người bạn, một  nghệ sĩ?
- Tôi sẽ thử, bà nói, nhưng tôi không biết có thành công không.
- Sao cơ?
- Không biết tôi có thể miêu tả hoàn cảnh này một cách có đủ sức  thuyết phục với ông ấy... Tôi không giàu trí tưởng tượng lắm đâu.
Thật ra bà ta không cần phải nhắc đến nhận xét sau cùng ấy: tôi  đã bắt đầu coi bà ta như là một mụ đàn bà ngớ ngẩn mà tôi từng gặp  trên đời.
- Bà xem, tôi nói, có thể kiếm cho tôi một hợp đồng ở nhà hát... ở  đây... tất nhiên là một vai phụ. Tôi sẽ có thể đóng vai rất tốt.
- Chịu thôi, không, Hans thân mến, tôi không biết mánh khóe.
- Thôi được... Như vậy tôi chỉ có thể nói với bà là một số tiền nhỏ  nhất cũng tốt đối với tôi. Xin chào tạm biệt và cám ơn.
Tôi bỏ máy trước khi bà ta kịp trả lời. Tôi buồn rầu linh cảm sẽ không có đến một tia nước nào có thể tự nhiên chảy ra từ dòng suối  ấy. Người đàn bà này thật quá ngu ngốc. Cái giọng mà bà nói "có  thành công không" đã làm tôi đâm ngờ. Không thể không có chuyện  bà ta bỏ túi tất cả những khoản "cứu giúp những bạn hữu gặp khó  khăn". Tôi lấy làm tiếc cho bố tôi: tôi có thể mong bố tôi có được một  người tình không những xinh đẹp mà còn thông minh. Và tôi cũng  tiếc là đã không để ông pha cà phê cho tôi. Khi ông ở nhà người tình  của ông và quyết định vào bếp để pha cà phê, cái bị thịt ngốc  nghếch này hẳn sẽ cười mỉm coi thường ông, trộm lắc đầu, rồi khi  ông trở ra mụ sẽ đạo đức giả vỗ tay hoan hô tách cà phê tuyệt vời  của ông, như người ta khen ngợi con chó đã biết nhặt đem về được  quả bóng của nó. Điên giận tôi chạy đến cửa sổ, mở tung cánh cửa  sổ ra và cúi nhìn xuống đường. Tôi sợ rằng sớm hay muộn tôi đành  sẽ phải bám vào lời đề nghị của Sommerwild. Bất thình lình tôi móc  đồng mác ở trong túi tôi ra, quẳng nó qua cửa sổ (lại hối tiếc ngay  cử chỉ này), còn thấy được đường bay của nó một quãng rồi không  thấy gì nữa, nhưng hình như nghe thấy nó rơi vào nóc một toa xe  điện vừa chạy qua. Tôi trở vào lấy lát bánh mì phết bơ mà tôi đã để  trên mặt bàn, rồi lại trở ra cửa sổ đứng ăn, không rời mắt khỏi mặt  đường. Đã quá tám giờ và tôi đã ở Bonn gần hai tiếng đồng hồ. Tôi  đã gọi cho sáu người bạn, hoặc gọi là bạn, đã nói chuyện với mẹ tôi  và với bố tôi mà không thêm được đến một mác nào, trái lại còn hụt  đi mất một mác so với khi mới đến. Có lẽ nên đi xuống tìm lại đồng  tiền ấy, nhưng đã gần tám giờ ba mươi, và có thể Léo sẽ telephon  cho tôi hoặc bất chợt đến.
Với Marie mọi việc đều tốt, em đương ở Rome trong ngôi nhà thờ  của em và suy nghĩ về cách ăn mặc để vào yết kiến Giáo hoàng.  Zupfner, sau khi đã kiếm được một bức ảnh của Jacqueline  Kennedy(1), sẽ bắt buộc phải sắm cho em một chiếc khăn trùm dài  Tây Ban Nha và một mạng che mặt vì cuối cùng Marie hầu như đã trở thành một firstlady(2) của Giáo hội Đức. Sao tôi lại không cùng  đến Rome và xin yết kiến Giáo hoàng? Chẳng phải là ông ta cũng có  cái gì đó giống như một diễn viên hài già và khôn ngoan hay sao?
Nhân vật Arlequin đã chẳng sinh ra ở Bergame(3)? Một điều do  Genneholm xác nhận với tôi, hắn là người thông suốt mọi việc. Tôi  sẽ giải thích với Giáo hoàng rằng lễ cưới dân sự là lí do duy nhất đã làm hỏng việc đoàn tụ của tôi với Marie, và tôi xin ông nên thấy tôi  là một người trái ngược với vua Henri VIII: ông vua này theo chế độ  đa thê và tin Đạo, trong khi tôi theo chế độ một vợ một chồng và  không tin dạo. Tôi tiết lộ với ông ta sự hợm hĩnh và ti tiện đến như thế nào của các thủ lĩnh Cơ Đốc giáo Đức và khuyên ông không nên  để họ lợi dụng. Tôi sẽ cho ông xem vài tiết mục của tôi, đầu tiên loại  nhẹ nhàng như Đi đến trường học và ở trường học về. Hẳn là phải  tránh không thực hiện tiết mục có tên là Hồng y giáo chủ. Bản thân  ông cũng là Hồng ý giáo chủ, có thể ông sẽ cáu tiết. Vậy mà ông lại  đúng là người cuối cùng tôi muốn động đến.
Cuối cùng tôi vẫn cứ bị rơi vào quyền lực trí tưởng tượng của  chính tôi. Tôi tự hình dung lúc tôi vào yết kiến Giáo hoàng với  những chi tiết chính xác - quỳ trước mặt ông ta và xin ông với sự  hiện diện của một đức ông tử tế nào đó có cái cười mỉm ở miệng  (làm ra vẻ hơi khó tính) và các vệ binh người Thuỵ Sĩ ở mỗi bên  cánh cửa, vui lòng ban phước cho kẻ không tin đạo là tôi - đến nỗi  tôi sắp như đang đứng trước mặt đức chí tôn. Chắc chắn rồi tôi sẽ  kể cho Léo nghe việc Giáo hoàng cho tôi yết kiến ra sao. Còn lúc  này, tôi đã ở nơi Giáo hoàng, tôi thấy rất rõ cái cười mỉm của ông,  nghe giọng nói nông dân sang sảng của ông và tôi kể cho ông nghe  việc tên khùng ở Bergame đã trở thành Arlequin như thế nào.  Trong lĩnh vực này, Léo chứng tỏ có sự chính xác rất khắt khe, bao  giờ cũng quy kết tôi là kẻ nói dối. Vì vậy, nếu tôi có tình cờ hỏi nó:  "Em còn nhớ hôm chúng ta cùng nhau cưa gỗ không?", là nó nổi  giận và hét lên "Này, chúng ta chưa bao giờ cùng cưa gỗ với nhau  cả!" Đúng là sự việc có thật, nhưng đó là một sự thật vô nghĩa và  ngớ ngẩn. Léo lúc đó lên sáu hay lên bảy tuổi còn tôi lên tám hay  lên chín tuổi, khi chúng tôi tìm thấy ở trong chuồng ngựa một mẩu  gỗ (một đoạn cọc giậu) và một cửa gỉ, nó đòi tôi cưa giúp nó đoạn cọc  giậu. Tôi thật không thấy có ích lợi gì trong việc cưa cái mẩu gỗ buồn cười ấy và hơn nữa Léo cũng không thể nêu ra được một lí do  xác đáng nào: nó chỉ muốn cưa, có thế thôi. Còn tôi, tôi từ chối và  tuyên bố là việc này hoàn toàn phi lí, thế là Léo khóc trong suốt  nửa tiếng đồng hồ. Phải đến mười năm sau, đúng vào giữa bài  giảng của cha Wunibald về nghệ thuật sân khấu của Lessing(1),  không chút nào liên quan đến chủ đề, tôi bỗng hiểu ra điều Léo cảm  nhận lúc bấy giờ: ở nó nảy sinh ra một ao ước vừa mãnh liệt vừa đột  ngột muốn được cùng tôi cưa gỗ. Mười năm đã trôi qua và tôi bỗng  nhiên hiểu ra điều Léo cảm nhận. Tôi cảm thông ghê gớm cảm  hứng, trạng thái căng thẳng, tâm trạng sốt ruột của nó đến nỗi  đứng giữa bài giảng, tôi đứng lên múa may như một người tù khổ  sai, làm các động tác của một mẩu gỗ tưởng tượng. Tôi thấy trước  mặt tôi bộ mặt hớn hở và đỏ ửng lên trong trạng thái hưng phấn  của bé Léo, tôi đưa lưỡi cưa gỉ về phía nó, nó đẩy lại về phía tôi...  cho đến lúc cha Wunibald nắm lấy tóc tôi kéo lên để giúp tôi "tỉnh  lại". Từ đó, tôi thực sự đã cưa gỗ với Léo... nhưng Léo không hiểu  như thế. Nó là con người thực tế, cho đến bây giờ nó vẫn không hiểu  là ngày nay người ta có thể cảm thấy buộc phải tức khắc có một  hành động trông bề ngoài rõ ràng là ngu ngốc. Chính mẹ tôi cũng  thỉnh thoảng cảm thấy nhu cầu muốn thoả mãn ngay một ham  muốn đột ngột nảy sinh: như muốn chơi bài bên góc lửa hoặc muốn  tự mình xuống bếp sắc nước thuốc hoa táo tây. Bà đột nhiên muốn  được ngồi vào chiếc bàn rất đẹp bằng gỗ gụ đánh vécni, chơi bài,  phô trương hình ảnh một gia đình hạnh phúc. Nhưng mỗi khi bà  nảy ra một ham muốn như vậy, bao giờ chúng tôi cũng tuyên bố là  chúng tôi không đủ thẩm quyền. Thế là bà nổi cơn tam bành, hát  lên điệu hát lớn - về người mẹ - không được hiểu, nhấn mạnh vào  bổn phận của chúng tôi là phải vâng lời, điều giới luật thứ bốn,  nhưng rồi chung quy cũng phải thừa nhận chơi bài với bọn trẻ khi  chúng tham gia chỉ vì phải vâng lời là kì cục... và bà lui về phòng  bà, nằm khóc. Đôi khi bà cũng giở trò mua chuộc, hứa cho chúng tôi  ăn một thứ gì đó "đặc biệt ngon". Vô ích. Thế là chúng tôi lại được bà thưởng cho một buổi tối, dồi dào nước mắt như vẫn thường xảy  ra trong nhiều buổi tối. Bà không biết là nếu chúng tôi không chịu  chơi bài với bà một cách dứt khoát như vậy, là vì có con bảy cơ ở  trong cỗ bài và hơn nữa việc chơi bài kiểu nào cũng đều làm chúng  tôi nhớ đến Henriette. Nhưng cả tôi và Léo đều không bao giờ thú  nhận với bà điều đó. Và sau này mỗi khi nghĩ đến những cố gắng  của bà nhằm phô ra cảnh một gia đình hạnh phúc quây quần bên  góc lửa, trong tâm tưởng tôi lại thấy tôi đương chơi bài với bà, mặc  dù thực ra chơi bài tay đôi quả là chán. Tôi thực sự chơi bài với bà  kiểu sáu mươi sáu con hoặc là bài pikê, tôi uống nước sắc hoa táo  tây pha thêm mật ong và có ý trêu chọc, đe dọa tôi bằng ngón tay  trỏ bà còn cho tôi một điếu thuốc lá, trong khi ở đâu đó phía sau Léo  dạo một khúc luyện của Chopin, lúc đó tất cả chúng tôi đều biết - kể  cả các gia nhân - là bố tôi đương ở nhà "con người ấy". Tất nhiên là  Marie đã nghe nói về "những sự dối trá của tôi", vì hễ tôi kể ra  chuyện gì đó, là em lại nhìn tôi bằng con mắt nghi ngờ. Thế nhưng,  cái cậu bé ở Osnabruch ấy, "thật sự" là tôi đã trông thấy. Đôi khi lại  xảy ra điều ngược lại: cái gì thực sự sống đối với tôi lại hình như là  ngụy tạo và không thực. Như việc tôi đến thăm nhóm nữ thanh  niên của Marie, vào hôm tôi từ Cologne đến Bonn để nói chuyện với  họ về thánh đồng trinh Marie. Tóm lại, cái là phi ảo đối với người  khác thì đối với tôi lại là cái ảo nhất.
----------
(1) Một nước vùng Trung Âu cũ sau 1741 thuộc Phổ, một phần nhỏ thuộc áo, rồi thuộc Tiệp Khắc, đến 1919 thuộc  Ba Lan.
(1) Ghế thánh.
(1) Vợ của Tổng thống Hoa Kì, J. Kennedy. Ông này đã bị ám sát ở Dallas năm 1960.
(2) Đệ nhất phu nhân.
(3) Nhân vật vở trong hài kịch ý từ thế kỉ 17 có mặt trên sân khấu khắp các nhà hát Âu châu (Bergame, thành phố  của Italia).
(1) Lessing (1729-1781): nhà phê bình lí luận văn học và nhà viết kịch Đức, đại diện tiêu biểu cho phong trào  ánh Sáng Đức, có vai trò lịch sử quan trọng do những sáng tác phê bình và lí luận, quan niệm một sân khấu tự  nhiên hơn so với sân khấu Pháp thế kỉ 17, và lấy Shakespeare làm mẫu mực, sát với sân khấu cổ Hi Lạp, quan  niệm này ảnh hưởng đến Goethe, Schiller và cả sân khấu hiện đại.