Hoài Liên dịch
từ bản tiếng Đức Ansichten Eines Clowns
Chương 7

Tôi hai mươi mốt tuổi, em mười chín, khi ấy, vào một buổi tối tôi  điềm nhiên bước vào phòng em và cùng với em làm "cái việc" mà  một người đàn ông làm với một người đàn bà. Cũng chiều hôm đó,  tôi đã thấy em cùng với Zỹpfner từ nhà Hội quán thanh niên tươi  cười đi ra, tay cầm tay và cảnh tượng đó thật tai hại đối với tôi. Em  không thuộc về Zỹpfner và cái kiểu nắm tay nhau ngu ngốc ấy làm  tôi điên lên. Zỹpfner gần như được mọi người ở Bonn biết đến chỉ vì  mỗi việc là bọn quốc xã đã thải hồi cha hắn. Ông ta là giáo sư, thạc  sĩ. Sau chiến tranh, ông được mời giữ chức vụ chỉ đạo công tác  nghiên cứu sinh cao cấp. Có cả ý kiến muốn đưa ông lên làm bộ  trưởng, ông giận dữ kêu toáng lên "là giáo sư, tôi nhất thiết chỉ làm  giáo sư!" Đấy là một con người cao lớn và hiền hậu, giáo trình của  ông, theo tôi, có phần tẻ nhạt. Một hôm ông dạy thay giáo sư tiếng  Đức, ông đọc chúng tôi nghe một bài thơ, bài thơ về nàng tiên trẻ,  xinh đẹp Li Lo.
Trong lĩnh vực học hành, sự đánh giá của tôi không có nghĩa lí gì.  Không còn phải nghi ngờ gì nữa, bố mẹ tôi đã mắc sai lầm khi để tôi  ngồi ở trường học lâu hơn so với thời gian quy định của luật pháp.  Thời gian quy định theo luật pháp đã là quá dài đối với tôi. Về điểm  này, tôi không bao giờ lên án các ông thày học của tôi, mà chỉ lên án  bố mẹ tôi. Cái lí luận "dù sao cũng cứ phải đỗ tú tài" có lẽ phải đưa  ra xét xử ở Trung ương các hiệp hội đấu tranh chống phân biệt  chủng tộc. Đấy đúng là một vấn đề về chủng tộc duy nhất: tú tài,  không tú tài, đại học, không đại học, giáo sư thạc sĩ, giáo sư không  thạc sĩ, bấy nhiêu các chủng tộc khác hẳn nhau... Khi đã đọc hết bài  thơ về nàng tiên Li Lo, ông bố của Zỹpfner chờ một lúc mới mỉm  cười hỏi: "Trong các anh có ai muốn bình luận thêm?" Tôi đứng phắt  ngay lên và hét to: "Em thấy bài thơ hay tuyệt!". Cả lớp cười ồ lên,  nhưng ông bố của Zỹpfner chỉ cười mỉm, hơn nữa cũng không có vẻ  khinh khỉnh. Ông đúng là một con người trung hậu, chỉ phải hơi  khô khan. Tôi không biết nhiều về cậu con của ông, nhưng dù sao
cũng biết hơn ông". Một hôm đi qua sân thể thao, hắn đương cùng  bọn chơi bóng đá ở đó, tôi đứng lại xem. Bất ngờ thấy tôi, Zỹpfner  gọi: "Vào chơi với chúng tớ không?" Tôi lập tức nhận lời và vào đá ở  chân tiền vệ trái trong đội đối phương. Sau trận đấu, hắn hỏi tôi:
- Đến với bọn mình không?
- ở đâu?  - Dự dạ hội ở cư xá. 
- Nhưng tớ không theo đạo, tôi trả lời.
Câu trả lời của tôi làm hắn  và cả bọn cười phá lên.
- Chúng ta sẽ ca hát, Zỹpfner nói. Đằng ấy thích hát chứ? 
- Thích, nhưng tớ chán ngấy những dạ hội kiểu ấy rồi, tớ vừa mới  thoát khỏi hai năm nội trú!
Hắn cố tỏ ra vui vẻ, nhưng rõ ràng không phải là không bị xúc  phạm.
- Thôi được, hắn nói, nhưng nếu thích thì lại đến chơi bóng với  bọn mình.
Tôi nhiều lần trở lại sân bóng và nhiều lần cùng cả bọn ăn kem,  nhưng không bao giờ Zỹpfner còn mời tôi đến dự dạ hội ở nơi bọn  chúng nữa. Tôi cũng biết là ở đấy có cả những buổi hội họp của bọn  con gái, Marie cũng có mặt. Tôi rất biết em, quá biết là khác, vì tôi  thường ngồi chơi rất lâu với ông bố của em vào các buổi chiều khi  em chơi bóng vòng tròn với bạn, gái của em đôi lúc tôi ra tận sân  bóng để xem họ chơi. Đúng ra là: để nhìn Marie. Có khi em kín đáo  làm dấu hiệu với tôi, cười với tôi ngay trong lúc chơi bóng và tôi  cũng giơ tay đáp lại cười với em. Chúng tôi rất biết nhau. Vào thời  gian ấy, tôi thường hay đến nơi bố em, và đôi khi em cũng đến ngồi  gần chúng tôi trong khi bố em giảng giải cho tôi về Hégel và Mác;  nhưng ở nhà em, em không cười với tôi bao giờ. Việc chiều hôm đó,  ra khỏi cư xá em cùng đi với Zỹpfner, tay cầm tay, đã gây tổn  thương cho tôi. Tôi cảm thấy mình ở vào một tình thế ngớ ngẩn. Tôi  vừa rời bỏ trường học vào cuối năm học thứ hai trung học, ở tuổi hai  mươi mốt. Các cha cố đã tỏ ra rất tốt đối với tôi, họ còn mở tiệc tiễn  đưa có bia, các món tẩm bột rán, thuốc lá và côcôla cho ai không hút  thuốc.
Tôi đã biểu diễn cho các bạn cùng lớp xem một loạt tiết mục: Cơ Đốc thuyết giáo và Tin Lành giảng đạo, Ngày phát lương cho thợ,  thêm đủ các mục pha trò và mô phỏng Charlot. Tôi còn đọc cả một  bài diễn văn chia tay nói về "sự sai lầm khi người ta cứ cho rằng  trình độ tú tài là một yếu tố cần thiết của hạnh phúc vĩnh hằng".  Cuộc tiễn đưa hết sức nồng nhiệt. Ngược lại bố mẹ tôi không quên  biểu lộ nỗi cay đắng và sự thất vọng của ông bà. Mẹ tôi tỏ thái độ  đặc biệt bỉ ổi đối với tôi. Bà thẳng thừng khuyên bố tôi đưa tôi ra  ngay mỏ. Bố tôi hỏi tôi có ý định sẽ làm gì. Và khi tôi nói là tôi  muốn trở thành một anh hề, ông đáp lời tôi:
- Con định nói: diễn viên?.. Cũng được. Có thể bố sẽ gửi con vào  một trường...
- Không, tôi nói, không phải là diễn viên, mà là hề. Và không cần  có trường học.
- Thế con tưởng tượng con sẽ ra sao? ông hỏi tôi.
- Không sao, hoàn toàn không sao hết. Bố không phải lo, con sẽ tự  lập, con sẽ sớm ra đi thôi.
Tiếp theo là một thời kì kinh khủng trong hai tháng, tôi đã bất  lực không dùng hết nghị lực để chuồn đi cho mau. Mỗi miếng tôi ăn,  mẹ tôi lại nhìn tôi như thể tôi đã là một tên tội phạm. Thế mà bà đã không ngần ngại trong nhiều năm nuôi một đống bọn ăn bám, có  điều bọn chúng lại là "những nghệ sĩ và những thi sĩ!" trong đó có  tên nhà văn xoàng Schnitzler, và rồi Gruber, tên này không đến nỗi  tồi như thế. Hắn là một nhà thơ trữ tình, người béo mập, lầm lì và  bẩn thỉu. Gruber ở lại nhà chúng tôi sáu tháng không viết được lấy  một dòng. Buổi sáng khi hắn xuống ăn điểm tâm, mẹ tôi bao giờ  cũng nhìn hắn như muốn xem trên mặt hắn có dấu hiệu gì của một  cuộc vật lộn ban đêm với quỷ. Có cái gì gần như tục tĩu trong cách  mẹ tôi nhìn hắn như vậy. Và rồi một hôm hắn biến mất tăm, không  ai thấy và biết hắn đi đâu nữa. Bọn trẻ chúng tôi kinh ngạc và  khiếp sợ làm sao khi phát hiện ra trong phòng hắn có một đống tiểu  thuyết trinh thám nhầu nát và trên mặt bàn của hắn những mẩu  giấy trên đấy chỉ viết: Không gì cả. Trên một mẩu giấy hắn viết đến  hai lần: Không gì cả, không gì cả. Vậy mà, để hầu hạ loại người này,  mẹ tôi có thể đích thân đi xuống nhà hầm lấy lên cho chúng từng  lát giăm bông ăn thêm. Tôi tin là nếu tôi kiếm được những giá vẽ đồ sộ và những tấm vóc cũng đồ sộ không kém để nguệch ngoạc trên đó  những trò ngu xuẩn nào đó thì rút cuộc bà có thể sống hòa giải với  tôi. Lúc ấy có thể bà sẽ nói: "Hans của chúng tôi là một nghệ sĩ, nó  sẽ tìm ra con đường của nó. Hiện giờ nó còn đương tìm tòi". Nhưng  trong thực tế, tôi mới chỉ là một học sinh năm thứ hai trung học, rất  muộn so với lứa tuổi, và đúng chỉ có khả năng "thực hiện tạm được  vài tiết mục pha trò". Và, tất nhiên, tôi khước từ việc phải đưa ra  những "bằng chứng về tài năng của tôi" để đổi lấy khẩu phần ăn  đạm bạc người ta chia cho. Vì thế, tất cả các buổi chiều tôi đều đến  với ông bố của Marie, ông già Derkum, giúp việc lặt vặt cho ông ở  cửa hàng và ông cho tôi hút thuốc lá mặc dầu ông cũng túng thiếu.  Kiểu sống như vậy kéo dài có hai tháng, nhưng đối với tôi là cả một  thiên thu, dù sao cũng còn dài hơn cả thời gian chiến tranh. Thỉnh  thoảng tôi mới thấy mặt Marie: em chuẩn bị thi tú tài và thường  chuẩn bị bài vở với các bạn cùng lớp của em. Không ít lần ông già  Derkum bắt gặp cái nhìn của tôi về phía cửa bếp, tâm trí để đâu  đâu. Lúc ấy ông lắc đầu, nói: "Hôm nay, khuya nó mới về nhà" và  mặt tôi đỏ lên.
Ngày hôm ấy là một ngày thứ sáu và tôi biết rằng vào tất cả các  ngày thứ sáu trong tuần, ông Derkum đều đi xem phim, nhưng tôi  không biết là Marie có nhà buổi tối hay không, hoặc có thể em ở lại  nhà bạn để luyện thi. Tôi chẳng có ý nghĩ gì trong đầu, nhưng lại  gần như nghĩ đến tất cả mọi chuyện, còn tự hỏi "sau đó" em có còn  đủ sức để đi thi và tôi biết trước - sự việc tiếp theo đã xác nhận - là  một nửa thành phố Bonn, không những tỏ ra phẫn uất, mà còn tìm  cách bồi thêm: "lại đúng trước kì thi tú tài chứ!" Tôi nghĩ cả đến các  cô gái trong bọn em và nhất định họ sẽ thất vọng sâu sắc đến thế  nào. Tôi rất lo vì điều một đứa nào đó ở nội trú đã nói trước mặt tôi  về những "đặc điểm thể chất" và vấn đề về sự bất lực cũng làm tôi  bứt rứt. Điều ngạc nhiên là tôi không cảm thấy một "ham muốn xác  thịt" nào. Tôi cũng thấy, về phía tôi, thật bất chính nếu tôi vào nhà  Marie và lên buồng của em, dùng chiếc chìa khóa ông Derkum đã tin cậy giao cho tôi; nhưng tôi không thấy còn có cách nào khác hơn.  Cửa sổ độc nhất buồng của Marie trông ra phía đường, bên ngoài  nhộn nhịp đến tận hai giờ sáng, nếu muốn trèo qua nó chắc chắn tôi  sẽ bị đưa vào sở cẩm. Thế nhưng tôi phải làm cái việc ấy với Marie, tôi không thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Với số tiền tôi mượn của  Léo, tôi còn vào cả một hiệu thuốc để mua cái thứ mà bọn cùng lớp  của tôi nói rằng có tác dụng làm tăng lên gấp bội cường lực trai  tráng. Bước vào cửa hàng, mặt tôi đỏ khựng; may là người pha  thuốc lại là nam giới, nhưng tôi nói quá nhỏ, đến nỗi hắn phải gắt  lên: "Yêu cầu nói to và rõ hơn" là tôi muốn cái gì. Tôi đọc tên thuốc,  nhận hóa đơn từ tay người làm công, rồi ra két để bà vợ tay dược sĩ  tính tiền. Bà ta nhìn tôi và lắc đầu. Dĩ nhiên bà ta biết tôi và hôm  sau, khi biết chuyện xảy ra, bà ta đã không khỏi không có những ý  nghĩ hoàn toàn vô căn cứ, vì mới qua một quãng đường tôi đã mở  nắp hộp để cho các viên thuốc rơi tõm xuống rãnh nước.
Vào bảy giờ tối, biết rằng buổi chiếu phim đã bắt đầu, tôi đến phố  Gudenauggasse. Tôi đã cầm chiếc chìa khóa ở tay, nhưng cửa hàng  chữa khóa và vừa mới đẩy cửa, Marie đã ghé đầu qua tay vịn ở cầu  thang la lên:
- Có ai đấy?
- Phải, tôi nói, anh đây?
Tôi lao lên cầu thang và em nhìn tôi vẻ ngạc nhiên trong khi,  không động vào em, tôi từ từ dồn em vào trong phòng. Chúng tôi  chưa bao giờ nói chuyện nhiều với nhau, thường chỉ nhìn nhau,  mỉm cười với nhau và tôi thậm chí không biết nên xưng hô với nhau  như thế nào, gọi em là em hay là cô. Em khoác một chiếc áo choàng  màu xám đã cũ thừa hưởng của mẹ em. Tóc em đen buộc gọn về  phía sau bằng một sợi dây xe mầu xanh. (Sau này khi tháo ra tôi  mới biết đó là một đoạn dây câu của bố em). Em khiếp sợ đến nỗi tôi  thấy không cần phải thốt ra một lời nào: em biết chính xác điều tôi  muốn. "Đi đi", em nói, nhưng nói để mà nói. Chỉ riêng việc em nói  "đi đi" chứ không phải "anh cút đi", vấn đề coi như đã được giải  quyết. Em đặt riêng vào cái từ nho nhỏ ấy một sự dịu dàng đủ cho  tất cả những ngày còn lại của đời tôi và tôi gần như muốn khóc. Với  cách em phát âm từ đó, tôi hoàn toàn tin chắc là em đã biết rằng tôi  sẽ đến. Như vậy là tôi đã không hoàn toàn làm em bị bất ngờ.
- Không, không, tôi nói, anh sẽ không đi. Vả lại anh sẽ đi đâu?
(Em lắc đầu). Có cần anh phải kiếm được hai mươi mác để đi  Cologne(1)... rồi sau xin cưới em?
- Không, em nói, không đi Cologne.
Tôi nhìn em và sự lo ngại của tôi hoàn toàn biến mất. Tôi không  còn là một đứa trẻ và em đã là một người đàn bà. Tôi nhìn vào đôi  bàn tay em đặt chéo trên áo choàng giữ cho nó được khép kín. Tôi  sung sướng thấy trên mặt bàn, cạnh cửa sổ, không có một cuốn sách  học nào, chỉ có ít đồ khâu vá và một mẫu cắt áo dài. Tôi nhảy bốn  bậc một xuống cầu thang, chạy vụt qua gian hàng, khóa cửa lại và  đặt lại chiếc chìa khóa vào đúng chỗ của nó đã có từ năm mươi năm:  giữa các gói kẹo thơm beclingơ và các quyển vở kẻ ô. Trở lại gian  buồng, tôi thấy em đương ngồi trên giường và khóc. Tôi cũng ngồi  xuống một bên giường, châm một điếu thuốc lá, đưa nó cho em. Đây  là điếu thuốc lá đầu tiên em hút trong đời, vụng về đến nỗi chúng  tôi cùng muốn phì cười: em có một kiểu chúm môi đến khôi hài để  thổi khói ra như thể em muốn làm duyên. Một lần, do vô tình, em để  khói ra bằng mũi, cái vẻ hơi đồi trụy ở em lúc đó làm tôi phải bật  cười. Rồi chúng tôi bắt đầu chuyện trò với nhau và chuyện trò rất  lâu. Em nói em nghĩ đến những người phụ nữ ở Cologne, họ làm "cái  ấy" vì đồng tiền, họ tin rằng "cái ấy" làm ra tiền, nhưng đấy là thứ  không thể đổi thành tiền được, cho nên tất cả những bà có chồng đi  đến nơi đó đều có tội và em không muốn cùng chung tội lỗi với họ.  Tôi cũng nói nhiều: tôi nói là tôi thấy phi lí với tất cả những gì tôi  đọc được trong sách nói về thứ tình yêu gọi là xác thịt và về thứ tình  yêu khác, theo tôi ta không thể tách riêng chúng ra được. Thế rồi em  hỏi tôi có thấy em đẹp và tôi có yêu em không. Tôi trả lời rằng em là  người thiếu nữ duy nhất tôi muốn làm "cái ấy" và mỗi khi tôi nghĩ  đến "cái ấy", ngay khi ở nội trú, bao giờ tôi cũng chỉ nghĩ đến có em,  chỉ mình em thôi. Cuối cùng, em đứng lên và đi vào buồng tắm. Tôi  ngồi lại ở giường tiếp tục đốt thuốc lá, nghĩ ngợi về những viên thuốc  gớm ghiếc mà tôi đã cho trôi theo dòng nước.
Tôi lại bỗng thấy hốt hoảng, tôi đi ra buồng tắm và gõ cửa. Sau ít  phút do dự, Marie bảo tôi vào. Mở cửa ra và trông thấy em, tôi hết lo sợ. Những giọt nước mắt lớn chảy trên đôi má em trong khi em  xoa nước xức tóc lên đầu. Sau đó em xoa phấn lên mặt và tôi nói:
- Em làm gì thế?
- Em trang điểm, em trả lời.
Những giọt nước mắt chảy thành rãnh mờ trên làn phấn quá dày  và em nói với tôi:
- Anh còn muốn đi nữa không?
- Không...
Em còn điểm xuyết thêm và chấm nước hoa Côlônhơ lên má.  Trong khi ngồi trên thành bể tắm, tôi tự hỏi không biết hai tiếng  đồng hồ có đủ cho chúng tôi không: chúng tôi đã mất hơn nửa tiếng  đồng hồ chuyện gẫu. ở trường học, tôi đã nghe thấy bọn con trai vẻ  thành thạo nói về sự khó khăn khi phá trinh một cô gái, và tôi  không ngừng nghĩ đến chuyện tên Gunther đã đẩy Siegfried ra tiền  tuyến và cả đến cuộc thảm sát sau đó những người lùn  Nibelungen(1). Tôi nhớ lại việc xảy ra hôm chúng tôi phải giải thích  truyền thuyết những người lùn Nibelungen; tôi đã đứng lên và nói  với cha Wunibald:
- Thật ra, Brunhilde đúng là vợ của Siegfried. Cha mỉm cười nói  lại với tôi:
- Nhưng ông ta đã cưới Krimhilde, con ạ.
Nghe nói vậy, tôi nổi nóng, quả quyết rằng đấy chỉ là một sự giải  thích của các linh mục. Đến lượt cha Wunibald nổi cáu, cha đập bàn  tuyên bố là cha có quyền không cho phép người ta vô lễ đối với cha  như vậy.
Tôi đứng lên và nói với Marie "không nên khóc", và thôi không  khóc nữa em dùng chiếc nùi thoa phấn lau đi những vệt nước mắt  in trên làn phấn mặt. Trước khi trở lại phòng của em, chúng tôi  dừng lại bên cửa sổ phía ngoài để nhìn xuống đường; đương vào lúc tháng Giêng, hè đường thấm ướt, ánh sáng phản chiếu trên mặt lớp  nhựa đường tỏa ra màu vàng và xanh đúng ngay trước mặt biển  hiệu chìa ra của cửa hàng rau quả: Emile Schnitz. Tôi biết tay  Schnitz này nhưng không biết hắn có tên tục là Emile, cái tên tục  này, theo tôi, không ăn nhập tí nào với cái tên Schnitz. Trước khi  bước vào phòng Marie, tôi hé mở cánh cửa phòng và đưa tay vào phía  trong tắt đèn.
Khi bố em trở về, ít phút trước mười một giờ, chúng tôi còn chưa  ngủ. Chúng tôi nghe thấy ông đi tìm thuốc lá ở quầy hàng trước khi  bước lên cầu thang. Chúng tôi cho là ông sẽ nhận ra điều gì đó: việc  mới xảy ra to tát đến như vậy cơ mà. Nhưng hình như ông không  nhận thấy gì và chỉ đứng lại nghe ngóng một lát rồi bước lên tầng  hai. Chúng tôi nghe thấy tiếng ông cởi giày, bỏ giày rơi xuống sàn  và một lúc sau, có tiếng ông ho trước khi ngủ. Tôi tự hỏi không biết  ông sẽ nhìn nhận sự việc ra sao? Ông không còn theo đạo nữa, đã từ  lâu rồi bỏ cộng đồng nhà thờ và trước mặt tôi không ngớt càu nhàu  phê phán "quan hệ chăn gối đạo đức giả trong xã hội tư bản" và "sự  bịp bợm của bọn cha cố trong vấn đề cưới xin". Nhưng không có gì  đảm bảo là ông sẽ không nổ ra một cơn giận dữ kinh khủng khi biết  chuyện gì đã xảy ra giữa Marie và tôi. Đối với ông tôi rất thân tình  và ông đối với tôi cũng vậy. Giữa đêm, tôi đã muốn trở dậy tìm đến  ông và thú nhận hết với ông. Nhưng xét cho cùng, chúng tôi đã chẳng ở tuổi trưởng thành hay sao, tôi hai mươi mốt và Marie mười  chín, để tự chịu trách nhiệm về hành động của mình? Tôi cũng nghĩ  có những kiểu thẳng thắn giữa đàn ông với nhau còn độc ác hơn là  sự im lặng và dù sao câu chuyện cũng không quan hệ nhiều đến  ông như tôi đã tưởng. Chẳng lẽ tôi phải đến tìm ông vào buổi chiều  hôm trước để nói với ông: "Thưa ông Derkum, tôi có ý định đêm nay  sẽ đến ngủ với con gái ông..." và về việc đã xảy ra sớm muộn rồi ông  cũng sẽ biết.
Một lát sau, Marie trở dậy, ôm hôn tôi và bắt đầu tháo khăn trải  giường. Gian phòng chìm trong đêm tối, không một tia sáng nào có  thể lọt qua những tấm màn che rất dày mà chúng tôi đã cẩn thận  kéo kín lại và tôi không hiểu làm thế nào em có thể tìm ra đường đi  để tháo khăn trải giường và ra mở cửa sổ được. Em thì thầm: "Em ra buồng tắm, còn anh thì rửa ráy ở đây" và nắm lấy tay tôi em kéo  tôi ra khỏi giường, dẫn tôi trong bóng tối đến bàn trang điểm, ở đó  em đặt tay tôi lên chiếc bình xách để lấy nước, hộp đựng xà phòng,  chậu thau, sau đó em ra khỏi phòng với khăn trải giường kẹp dưới  nách. Rửa người xong tôi lại lên giường nằm, ngạc nhiên sao đã lâu  mà Marie chưa quay lại với khăn trải giường mới. Tôi mệt đứt hơi,  nhưng sung sướng vì có thể nghĩ đến cái tên Gunther chết tiệt kia  mà không thấy mình hoảng sợ. Và rồi bỗng nhiên tôi là lạ đã có  chuyện gì xảy ra với Marie. ở nội trú, bọn con giai đã kể tôi nghe  nhiều chuyện kinh khủng. Thật không dễ chịu gì khi phải nằm trên  chiếc đệm đã cũ, bị thủng lỗ chỗ, không có khăn phủ giường, hơn  nữa trên người chỉ mặc có áo gilê, tôi thấy lạnh. Tôi lại nghĩ đến bố  của Marie. Ai cũng tưởng ông là cộng sản, nhưng sau chiến tranh  khi người ta đề cập đến vấn đề đưa ông ra làm thị trưởng, những  người cộng sản lại chú ý theo dõi để gạt ông ra khỏi chức vụ đó. Tuy  nhiên, nếu trước mặt ông tôi có tìm cách đối chiếu đảng viên  phátxít với đảng viên cộng sản thì ông tức giận chồm lên và hét:  "Dù sao, cháu ạ, cháu cũng không muốn nói là cũng như nhau đấy  chứ khi người ta hi sinh cho một cuộc chiến tranh của bọn buôn xà  phòng hoặc cho một sự nghiệp người ta có quyền tin tưởng!" Ông  thật sự là người như thế nào, tôi vẫn không rõ, nhưng hôm Kinkel  trước mặt tôi nói ông là "tên đại bè phái", tôi gần như muốn nhổ vào  mặt hắn. Ông già Derkum là một trong số rất ít những người gây  được ở tôi niềm kính trọng. Đấy là một con người gầy gò, mang tâm  trạng chán chường, trông già hơn tuổi rất nhiều và vì hút thuốc lá  quá độ nên đường hô hấp bị rối loạn. Trong lúc đợi Marie, tôi nghe  thấy ở gác trên ông ho không ngớt, tôi cảm thấy tôi là một thằng đê  hèn dù tôi biết tôi không phải thế. Già Derkum, một hôm nói với  tôi: "Cháu có biết tại sao trong những gia đình tư sản như gia đình  cháu phòng của những người ở gái bao giờ cũng ở cạnh buồng bọn  trẻ trong nhà? Bác nói cháu nghe: đó là kết quả tổng hợp của một  thuyết rất lâu đời về thiên nhiên và về lòng trắc ẩn". Tôi đã rất  muốn ông đi xuống và bắt quả tang tôi đương ở trên giường của  Marie, nhưng còn như tôi đi lên chỗ ông để báo cáo gì đó với ông, thì  không, việc này vượt quá sức của tôi.
Bên ngoài, trời đã sáng. Tôi thấy lạnh, và vẻ tồi tàn trong phòng của Marie đè nặng lên lòng tôi. Đã từ lâu, gia đình Derkum được coi  là "dân túng kiết" và người ta cho sự sa sút đó là do bố của Marie  "cuồng tín chính trị". Sau thời có được một xưởng in nhỏ, một nhà  xuất bản nhỏ và một hiệu sách họ chỉ còn lại có cửa hàng giấy bút  nhỏ này, ở đây họ bán cả kẹo, mứt cho học sinh. Bố tôi một hôm nói  với tôi: "Con thấy sự cuồng tín có thể đưa người ta đến đâu... Thế  mà, sau chiến tranh, với tư cách là một người đã bị truy lùng về  chính trị, Derkum lẽ ra phải xứng đáng làm chủ tờ báo của mình".  Cá nhân tôi, tôi chưa bao giờ coi già Derkum là một con người  cuồng tín, nhưng có lẽ bố tôi lẫn lộn giữa cuồng tín và kiên trì. Bố  của Marie còn không bán cả sách kinh lễ mặc dù việc này có thể  đem lại cho ông thêm ít tiền, nhất là vào dịp các lễ ban thánh lần  thứ nhất.
Khi ánh sáng ban mai đã tràn ngập trong phòng, tôi có thể nhận  thấy họ thật nghèo khổ, Marie chỉ có ba tấm áo dài treo trên mắc:  một màu xanh sẫm tôi có cảm tưởng là em đã mặc từ một thế kỉ,  một màu vàng nhạt đã nhung nhúc, và một bộ đồng phục khiêm tốn  màu tím than em vẫn mặc ở đám rước. Ngoài ra, em chỉ còn có chiếc  áo choàng cũ màu xanh lá cây mặc mùa đông và ba đôi giày. Tôi  thoáng có ý định đứng lên và đến mở các ngăn kéo tủ kiểm tra quần  áo lót của em nhưng rồi lập tức bỏ ý định đó. Tôi tin là, dù đối với vợ  của tôi, tôi cũng không nên bao giờ làm như vậy. Đã một lúc lâu, già  Derkum không còn ho nữa. Phải quá sáu giờ Marie mới ra khỏi  buồng tắm. Tôi vui sướng đã được làm với em cái mà từ lâu tôi ao  ước; tôi ôm hôn em và thấy hạnh phúc khi nhìn em cười. Em đặt hai  tay lên cổ tôi: hai bàn tay em lạnh buốt.
- Em làm những gì ở trong ấy? Tôi thì thầm hỏi em.
- Còn hỏi! Em giặt các khăn trải giường. Em rất muốn mang tới  cho anh những tấm khăn sạch, nhưng ở nhà chỉ có bốn đôi, hai đã trải lên giường, còn hai chờ đưa giặt.
Tôi kéo em nằm sát vào tôi, lấy thân tôi ủ nóng cho em và nhét  đôi bàn tay cóng lạnh của em vào hai bên nách tôi. Em nói em thấy  như thế thật tuyệt vời, hai bàn tay của em được ủ ấm như những  con chim ở trong tổ của chúng.
- Dù sao em cũng có thể cứ thế giao cho bà Huber, Marie nói, bà ta giặt quần áo cho nhà chúng em, để rồi cả thành phố sẽ biết cái gì  đã xảy ra. Em cũng không muốn vứt chúng đi, em thoáng đã có ý  nghĩ ấy, nhưng thấy tiếc quá.
- Vậy em không có nước nóng sao?
- Không, đã lâu lắm rồi máy đun nước nóng bị hỏng.
Thế rồi đột nhiên em òa khóc và khi tôi hỏi tại sao em lại khóc,  em bỗng thì thầm:
- Trời ơi, em là tín đồ Cơ Đốc giáo, anh biết thế mà...
Tôi bèn nói là tất cả các thiếu nữ, ngay cả theo đạo Tin Lành hay  không tin đạo, cũng đều có thể khóc trong trường hợp này. Tôi còn  nói thêm là tôi biết tại sao lại có chuyện ấy. Trước cái nhìn dò hỏi  của em tôi trả lời:
- Bởi vì đúng có một cái gì đó gọi là sự trong trắng.
Em vẫn khóc, nhưng lần này tôi không hỏi em nữa: tôi biết vì lí  do gì. Đã nhiều năm, từ khi em ở trong nhóm con gái, em vẫn đi  rước với bọn chúng và hẳn là em thường phải gọi tên Đức Mẹ  Maria... và thế là em cảm thấy mình gian lận hoặc phản bội. Thử  tưởng tượng tình thế ấy của em khe khắt biết nhường nào. Thật  đáng thương hại cho em, nhưng tôi đã không thể chờ đợi lâu hơn.  Tôi nói với em là tôi sẽ nói chuyện với bọn con gái. Em giật mình  kinh hãi hét lên:
- Cái gì?... nói với ai?
- Với bọn con gái trong nhóm em, tôi nhắc lại. Anh biết đây là một  chuyện không hay ho gì, nhưng nếu nó thực quá nặng nề đối với  em, thì em cứ nói là anh đã hiếp em.
- Không, thật phi lí! Em vừa nói vừa cười. Thế anh sẽ nói gì với  những đứa con gái khác?
- Anh sẽ không nói gì cả, chỉ đơn giản tìm đến chúng, thực hiện  một vài tiết mục và kiểu mô phỏng, thế là họ sẽ nghĩ ra: A, thằng  cha Schnier này đã làm "cái ấy" với Marie... Như vậy vẫn còn hơn là  để chúng nó phải xì xào to nhỏ.
Em suy nghĩ một lúc, rồi lại cười và dịu dàng nói:
- Anh quả không ngốc...
Nhưng rồi em lại khóc và nói: em không
- Tại sao? Tôi hỏi.
Em lắc đầu không trả lời.
Tay em được sưởi ấm trong hõm nách tôi và tay em càng ấm tôi  càng thấy buồn ngủ. Dần dần chính tay em lại sưởi ấm cho tôi. Em  hỏi tôi lần nữa là tôi có thấy em đẹp và tôi có yêu em không. Tôi trả  lời rằng đấy là một điều chắc chắn, nhưng em lại nói em vẫn muốn  nghe nhắc lại cái điều chắc chắn ấy. Thế là với giọng ngái ngủ tôi  nói tôi thấy em đẹp và tôi yêu em.
Tôi tỉnh giấc khi em dậy đi rửa mặt và thay đồ. Em không có vẻ  gì ngượng nghịu và tôi cảm thấy tôi hoàn toàn tự nhiên trong lúc tôi  nhìn em thay đồ. Tôi càng nhận rõ tình trạng nghèo nàn trong  trang phục của em. Khi em mặc và cài cúc áo, tôi nghĩ đến đủ thứ  đồ đẹp tôi sẽ mua cho em nếu tôi có tiền. Tôi vẫn thường dừng chân  trước các cửa hiệu bán hàng mốt mới để nhìn ngắm những chiếc váy  và áo pulôve, giày dép và túi xách tay, như thấy tất cả những thứ  ấy sẽ rất hợp với em, nhưng về việc chi tiêu bố em lại rất chặt chẽ,  đến mức tôi cảm thấy không nên tặng quà cho em. Một hôm, ông  nói với tôi: "Sống nghèo khổ là một việc kinh khủng, mà xoay xở nhì  nhằng cho qua ngày cũng tệ hại không kém, nhưng đấy lại là hoàn  cảnh của đa số!" - "Và giàu có thì sao?" Tôi đỏ mặt hỏi ông. Ông  nhìn tôi với cái nhìn sắc sảo và cũng đỏ mặt khi ông trả lời tôi:  "Cháu ạ, như thế cũng có thể trở nên rất tệ hại, thà ít nghĩ đến còn  hơn. Nếu bác còn có can đảm và còn tin là trên đời này người ta có  thể làm được một việc gì đó, cháu biết bác sẽ làm gì không?" -  "Không" - "Bác sẽ lập ra một hội - ông càng nói, càng đỏ mặt hơn -  chăm lo cho con cái nhà giàu. Tất cả bọn ngu xuẩn ấy chỉ nghĩ đến  việc áp dụng vào những người nghèo khái niệm phi xã hội".
Có hàng lô điều tôi nghĩ đến khi nhìn Marie thay đồ. Tôi thấy  mình vừa hạnh phúc vừa đau khổ khi nhận thấy thân thể em vừa  tự nhiên vừa quen thuộc đối với tôi. Sau này trong thời gian liên tục  chuyển dịch từ khách sạn này đến khách sạn khác, tôi vẫn nằm yên  trên giường vào các buổi sáng nhìn em rửa ráy và thay đồ. Và nếu  địa thế của buồng không thuận tiện để tôi có thể nhìn thấy được em  từ phía giường, thì tôi vào nằm trong bể tắm. Sáng hôm đó, trong phòng em, tôi cứ nằm yên như thế và muốn em không bao giờ mặc  xống áo. Em kì cọ kĩ lưỡng cổ, tay, ngực và chải răng thật mạnh.  Riêng tôi, tôi vẫn lẩn tránh việc rửa ráy buổi sáng và cho đến tận  bây giờ tôi vẫn còn sợ việc chải răng. Tôi thích tắm hơn. Nhưng tôi  vẫn thích nhìn Marie rửa ráy. Em chăm sóc người em đến kĩ, và tất  cả những cử chỉ của em sao mà tự nhiên đến thế, cả đến động tác  em vặn nút ống thuốc đánh răng! Tôi cũng nghĩ đến Léo, em trai  tôi, một thanh niên rất thành kính và chu đáo, không ngớt nhấn  mạnh là nó "tin tưởng" ở tôi. Nó cũng chuẩn bị thi tú tài và như thể  thấy ngượng vì đã đạt được trình độ ấy ở tuổi mười chín (ở độ tuổi  đó là bình thường), trong khi tôi hai mươi mốt tuổi còn lẹt đẹt ở  năm thứ hai chỉ vì cái chuyện người ta giải thích gian lận khúc hát  về những người lùn Nibelungen. Léo cũng biết Marie vì đã gặp em  trong vài nhóm nghiên cứu thanh niên Cơ Đốc giáo và đạo Tin  Lành tranh luận về tính dân chủ và tính khoan dung của tôn giáo.  Léo và tôi chỉ còn coi bố mẹ chúng tôi như một cặp quản gia. Việc  phát giác ra bố tôi có người tình từ mười năm qua là một cú sốc ghê  gớm đối với Léo. Đấy cũng là một cú sốc đối với tôi, nhưng không  phải về phương diện đạo đức, vì tôi có thể không khó khăn gì hình  dung tình hình tệ hại ra sao khi có một bà vợ như mẹ tôi với sự dịu  dàng đánh lừa chỉ nhờ vào việc sử dụng những âm I và E. Bà tránh  không nói những câu chữ có âm át của A, O hoặc U. Không biết có  phải do đặc trưng đó mà bà rút gọn tên gọi của Léo thành Lé hay  không? Bà ưa lặp đi lặp lại đến nhàm tai: "Chúng ta không có cách  nhìn như nhau", thứ nữa "về nguyên tắc tôi có lí, nhưng tôi sẵn  sàng thảo luận một vài điều". Đúng hơn cú sốc đối với tôi khi tôi  biết bố tôi có người tình là về mặt thẩm mĩ: chuyện đó thật không  hợp với ông. Ông không hăng, cũng không lãng mạn, và trừ phi ông  chấp nhận người đàn bà ấy đối với ông như là một kiểu nữ hộ lí,  người an ủi tâm hồn (bất kể trường hợp nào, công thức thống thiết  "người tình" cũng không bao giờ có thể thích hợp), điều làm tôi khó  chịu trong chuyện này chính là ở chỗ nó thật không hợp với bố tôi.  Vấn đề đơn giản là với một nữ ca sĩ, một cô gái trung hậu, khá xinh  nhưng không mấy thông minh, bố tôi cũng không cần phải kiếm cho  cô hợp đồng làm thêm việc. Thật quá chu đáo. Trong khi tôi đơn  giản cho rằng câu chuyện chỉ có thể làm người ta chưng hửng, thì nó lại làm cho Léo thất vọng ghê gớm: nó tự cảm thấy trực tiếp bị  xúc phạm về lí tưởng. Và mẹ tôi chỉ biết giải thích sự ủ dột của con  trai bà bằng câu: "Lé đương trải qua một cơn khủng hoảng". Vài  ngày sau, Léo mang về một điểm năm về câu hỏi viết, bà định kéo  nó đến một bác sĩ tâm thần. Tôi đã cứu Léo khỏi tai họa đó bằng  cách bắt đầu kể cho nó nghe tất cả những gì tôi được biết về "cái"  mà người đàn ông làm với người đàn bà và giúp nó làm bài, kết quả  trong những bài kiểm tra tiếp theo nó lại thu hoạch được các điểm  bảy, điểm tám. Lập tức mẹ tôi thấy việc đưa nó đi khám bác sĩ tâm  thần không còn ích lợi gì nữa.
Marie đã choàng lên người chiếc áo dài màu xanh, tuy thấy em  phải loay hoay với chiếc khóa rút, tôi cũng không đến giúp em: tôi  thực sự thấy hạnh phúc được nhìn những bàn tay em ngó ngoáy  lung tung trên sống lưng và được ngắm nước da trắng mịn của em,  làn tóc đen nhánh của em, chiếc áo dài màu xanh của em và tôi  cũng thấy sung sướng vì em không tỏ ra bực bội. Cuối cùng khi em  quyết định đến với tôi, tôi đứng lên kéo khóa cho em.
- Tại sao em phải dậy sớm thế? Tôi hỏi.
- Bố em chỉ ngủ say vào lúc tinh mơ và nằm đến chín giờ sáng.  Em phải thu dọn sách, báo và mở cửa hàng vì trước khi đi lễ nhà  thờ, bọn học trò đôi khi đến mua vở, bút chì hoặc kẹo. Hơn nữa, em  nói thêm, anh nên rời khỏi nhà em vào lúc bảy giờ ba mươi. Em đi  chuẩn bị cà phê và trong năm phút nữa anh sẽ xuống bếp, đi khẽ  thôi.
Tôi gần như tự thấy mình là một ông chồng, khi ngồi ở trong bếp  nhìn Marie rót cà phê và quệt bơ lên các lát bánh mì cho tôi. Em  nhìn tôi, xem xét và lắc đầu:
- Không rửa mặt, không chải đầu... anh vẫn quen xuống ăn sáng  như vậy sao?
- ừ, ngay cả ở nội trú, người ta cũng không bắt được anh phải rửa  mặt khi thức dậy.
- Nhưng chẳng lẽ cứ để như vậy suốt cả ngày?
- Anh vẫn xoa nước hoa côlônhơ.
- Như vậy thì tốn tiền hơn, em nói và ngay lúc đó em đỏ mặt.
- Đương nhiên, nhưng anh có một ông chú là tổng đại lí thứ hàng  đó. Ông ấy đều đặn cho anh cả chai lớn.
Hơi ngượng ngùng, tôi đưa mắt nhìn quanh gian bếp mà tôi đã biết quá rõ: nhỏ hẹp và tối tăm, kiểu một ngăn hậu của cửa hàng  với một bếp lò nhỏ ở góc tường, Marie theo cách của tất cả các bà  nội trợ giữ lại những bánh than đã đốt dở, buổi chiều gói lại bằng  giấy báo tẩm nước, buổi sáng cời lò, đốt lửa rồi bỏ thêm vào những  bánh than mới. Tôi rất ghét mùi than bánh phảng phất ở ngoài phố  vào các buổi sáng và sáng nay nó phảng phất trong gian bếp nhỏ  khốn khổ này: gian bếp chật hẹp đến nỗi muốn đến lấy ấm cà phê  đặt trên bếp lò, Marie bắt buộc phải đứng lên đẩy lùi ghế của em  vào dưới bàn, như mẹ em và bà của em trước kia đã làm. Sáng hôm  đó, gian bếp nhỏ bé mà tôi đã biết quá rõ, lần đầu tiên hiện ra với  tôi vẻ vị lợi của nó. Nhưng có lẽ là lần đầu tiên tôi thể nghiệm nếp  sinh hoạt đơn điệu hàng ngày: phải hoàn tất một số công việc nào  đó mình không muốn chút nào. Tôi không bao giờ muốn phải rời bỏ  ngôi nhà bé nhỏ này để đi làm tròn một số nghĩa vụ ở ngoài kia,  trong đó có việc phải trả lời trước bọn con gái, trước Léo về việc mà  tôi đã làm với Marie, bởi vì bằng cách này hay cách khác rồi gia  đình tôi cũng sẽ biết. Tôi muốn ở lại đây, đứng bán kẹo, bán những  quyển vở cho đến hết đời, muốn mỗi tối lên gác nằm với Marie, thực  sự được ngủ bên em như trong những giờ cuối cùng của đêm qua,  đôi tay em thọc sâu vào hai bên nách tôi. Nếp sinh hoạt đơn điệu  hàng ngày với chiếc ấm cà phê, những lát bánh mì phết bơ và tấm  tạp dề đã bạc mầu Marie khoác ra ngoài chiếc áo dài mầu xanh của  em hiện ra với tôi vừa gớm ghiếc vừa cao cả. Tôi có cảm tưởng như chỉ các phụ nữ mới có thể chấp nhận tính tất yếu của nó như đã chấp nhận tính tất yếu của thân thể họ. Tôi thấy tự hào có được  Marie làm vợ trong khi còn chưa thật tin là tôi đã có đủ sự chín  chắn cần thiết ở vai trò của người trưởng thành từ nay sẽ là tôi.
Tôi đứng lên, vòng qua phía bên kia bàn, ôm Marie vào trong  vòng tay tôi.
- Em có nhớ đêm qua lúc em dậy đi giặt các khăn trải giường?
- Có, và em còn nhớ là anh đã sưởi ấm tay em trong nách anh.
Nhưng bây giờ thì anh phải đi đi, em nói thêm, đã gần bảy giờ ba  mươi rồi, những đứa trẻ đầu tiên sắp đến.
Tôi giúp em sắp xếp và mở các bọc báo. Đúng lúc đó, ở bên ngoài,  chiếc xe tải con chở đầy rau của Schnitz từ phía chợ quay vào, để  hắn ta không nhìn thấy tôi, tôi thụt vội vào trong hành lang, khốn  thay đã quá chậm. Hiện thân của quỷ sứ cũng không có con mắt sắc  bằng của ông hàng xóm. Lẩn vào phía sau cửa hàng, tôi ngó xem  các tờ báo buổi sáng mà số đông rất thích đọc. Với tôi, tôi chỉ thú  đọc báo buổi chiều hoặc đọc trong khi tắm. Sáng hôm đó, đầu đề  chữ lớn ở trang nhất: Strauss(1): với tất cả hậu quả đưa tới!" Có lẽ sẽ  tốt hơn nếu người ta dùng một chiếc máy điện tử để soạn các bài xã luận hoặc các đầu đề chữ lớn ở trang nhất các tờ báo. Cần phải có  giới hạn cho sự ngu xuẩn. Cửa hàng mở ra làm chuông kêu và một  em bé gái tám hay chín tuổi, có mái tóc đen, đôi má hồng hào, sạch  sẽ, xinh xắn bước vào, dưới cánh tay cắp một cuốn Kinh Lễ.
- Em muốn mua kẹo beclingô, bán cho em một groschen(1).
Tôi không rõ phải đưa bao nhiêu viên kẹo beclingô là đủ. Mở nắp  lọ kẹo, tôi lấy ra hai mươi viên nhét vào một túi phễu bằng giấy.  Lần đầu tiên tôi thấy xấu hổ về các ngón tay bẩn của tôi mà thành  lọ thủy tinh dày còn khuếch đại thêm lên. Mặc dầu em bé có vẻ rất  ngạc nhiên khi thấy hai mươi viên kẹo được bỏ vào trong túi, tôi  vẫn còn nói: "Được rồi đấy" và cầm đồng mười xu quẳng vào ngăn  kéo két.
Khi Marie trở lại, tôi hãnh diện chỉ tay vào đồng tiền. Em cười rồi  trở lại với vẻ nghiêm nghị:
- Bây giờ anh phải đi thôi.
- Tại sao nhỉ? Anh không thể đợi bố em xuống được ư?
- Lúc chín giờ, khi bố xuống, anh cần phải quay trở lại đây... Thôi,  tốt hơn hết là anh nên về nhà nói chuyện ngay với Léo trước khi cậu  ta biết chuyện qua người khác.
- Phải, em có lí... Thế chưa phải đã đến giờ em đi dự lớp à?
- Hôm nay, em không đi dự lớp, em sẽ không bao giờ còn trở lại  lớp học nữa... Nhớ quay lại sớm đấy!
Tôi phải khó khăn lắm mới rời được em, em tiễn chân tôi ra đến  tận cửa quầy và trên bục cửa, tôi ôm hôn em cốt để cho Schnitz và  vợ hắn ta có thể trông thấy. Phải nói là họ nhìn chúng tôi bằng  những đôi mắt tròn như mắt của những con cá khi chúng bỗng phát  hiện ra là chúng đã bị mắc lưỡi câu từ lâu rồi.
Tôi đi ra, mắt nhìn thẳng. Thấy lạnh, tôi lật cổ áo lên, châm một  điếu thuốc, vòng qua phía chợ, đi xuống phố Franzikanerstrasse và  đến góc phố Koblenzerstrasse nhảy lên bậc chiếc xe buýt đương nổ  máy. Cô bán vé mở cửa xe ra cho tôi, giơ ngón tay trỏ đe nẹt chỉ vào  điếu thuốc lá của tôi và lắc đầu khi tôi trả tiền đi đường. Tôi dụi tắt  điếu thuốc và nhét mẩu còn lại vào túi, rồi bước vào trong xe. Tôi  đứng đấy, ở lối đi nhìn về phố Koblenzerstrasse vụt qua và không  ngừng nghĩ đến Marie. Có cái gì biểu hiện trên mặt tôi làm một ông  hành khách đứng cạnh tôi phải bực mình. Bỏ tờ báo ông ta đương  đọc xuống, vì thế phải ngừng đọc cái chuyện Strauss: với tất cả hậu  quả đưa tới! Ông ta để tụt kính xuống mũi và nhìn tôi chòng chọc,  lắc đầu, mồm lẩm bẩm: "Không thể tưởng tượng được!" Một bà ngồi  ở phía sau ông ta - tôi đã suýt va vào chiếc túi nhét đầy củ càrốt mà  bà ta đặt ở bên cạnh - gật đầu tán thành lời bình luận của ông ta  bằng một cái lắc đầu, lặng lẽ mấp máy đôi môi.
Mặc dầu tôi đã làm một việc ngoại lệ là chải đầu bằng lược và  gương của Marie, tôi mặc một chiếc áo vét màu xám, sạch sẽ và  hoàn toàn tầm thường, và tôi không có bộ râu cứng vì chỉ mới cạo  mặt hôm trước để có thể có cái vẻ "không thể tưởng tượng được". Tôi  người không cao lớn lắm, cũng không thấp bé lắm, và mũi tôi không  đến nỗi dài ngoẵng để có thể coi là có dấu vết đặc biệt ghi vào hộ  chiếu, dấu vết đặc biệt của tôi: không có. Tôi trông không bẩn thỉu,  cũng không say rượu, vậy mà cái bà có túi cà rốt lại còn tỏ ra bực  dọc hơn cả cái ông đeo kính, ông này rút cuộc sau một cái lắc đầu  tối hậu nâng đôi mục kỉnh trên mũi lên, lại cắm đầu đọc báo, theo  dõi những hậu quả của Strauss. Bà kia thì tuôn ra những lời  nguyền rủa thầm lặng và hăng hái lắc đầu, như để truyền đạt cho những hành khách khác bức thông điệp mà miệng bà không nói ra  được. Nếu như tôi biết được kiểu người Do Thái là như thế nào - cho  đến bây giờ tôi vẫn không biết - thì tôi đã có thể tin ngay được là bà  ta đã coi tôi thuộc về họ. Song lẽ tôi cho rằng điều đó xảy ra không  phải do vẻ người của tôi, mà chính là do cái nhìn của tôi đương bị  hút xuống đường trong khi tôi nghĩ đến Marie. Dẫu sao, sự ác cảm  ngấm ngầm kia cũng đã làm tôi bực mình, đến nỗi tôi phải xuống xe  sớm một bến và phải đi bộ một quãng ngắn lối Ebertallee trước khi  rẽ về phía sông Rhin.
Trong vườn nhà chúng tôi, những thân cây sồi già sẫm đen vì ẩm  ướt, còn sân quần vợt mới quét rửa ánh lên màu đỏ. Tiếng còi tàu  dội lại từ phía sông Rhin. Bước vào phòng ngoài, tôi nghe thấy tiếng  cáu gắt của Anna ở trong bếp: "Việc đó sẽ có kết cục không hay... sẽ  có kết cục không hay", đấy là tất cả những gì tôi nghe được trong  bản đơn ca của chị ta. Qua cánh cửa mở, tôi kêu chị: ỎAnna, tôi  không cần ăn sáng!" và vội vã đi vào phòng khách. Chưa bao giờ đồ  đạc cũng như chiếc giá lớn bằng gỗ sồi trên đó đặt những chiếc cốc  chuyền tay và những chiến lợi phẩm đi săn đối với tôi lại trở nên  ảm đảm đến như vậy. Trong phòng hòa nhạc ở bên, Léo đương dạo  một điệu Mazurka của Chopin(1), lúc này nó khăng khăng đòi học  nhạc, thức dậy từ năm giờ ba mươi sáng học pianô trước khi đến  lớp. Nghe nó đàn, tôi quên cả địa điểm và giờ giấc, quên cả là chính  Léo đang chơi đàn. Nó và Chopin không hợp nhau, nhưng bản nhạc  hay đến mức tôi không còn nghĩ đến cả Léo nữa. Chopin và  Schubert(2) là những nhà soạn nhạc tôi ưa thích nhất. Tôi biết rõ là  giáo sư dạy nhạc mà chúng tôi có lí khi ông coi Mozart(3) là thiên  thần, Beethoven(4) tuyệt trần, Gluck(5) vô song và Back(6) kì diệu,  phải tôi biết như vậy. Nhưng Bach đối với tôi vẫn có vẻ độc đoán,  ông làm tôi choáng ngợp với ba mươi tập của ông. Còn Schubert và Chopin lại rất đời thường như chính bản thân tôi. Tôi thích nhạc  của họ hơn tất cả. Trong vườn, về hướng sông Rhin, tôi nhận ra  trước rặng liễu những bia bắn tập của ông nội tôi đương động đậy.  Fuhrmann chắc đã được lệnh bôi trơn chúng. Ông nội thỉnh thoảng  lại tập hợp một nhóm những "vieux garỗons"(1). Khoảng mười lăm  chiếc xe hơi đồ sộ đậu thành hàng trước nhà, trên một bồn tròn ngã tư nhỏ và khoảng từng ấy người lái xe đi bách bộ giữa các hàng rào  và cây cối, đánh răng lập cập hoặc ngồi chơi bài theo từng nhóm  trên các ghế đá. Khi một trong những tay "vieux garỗons" bắn trúng  đích, lập tức có tiếng bật nút của một chai champagne. Đôi khi ông  nội cho gọi tôi đến để trổ tài với các ông bạn già của ông. Tôi thực  hiện cho họ xem vài mô phỏng: Adenauer hoặc Erhard(2) -với một sự  dễ dàng đến phát ngán - hoặc một tiết mục nữa như Ông bầu ở toa  ăn. Và khi tôi cố hết sức tỏ ra đờ đẫn thì họ vẫn cứ tuyên bố là  "buồn cười đến chết được", thấy "điên dại như trẻ con". Mỗi lần biểu  diễn xong, tôi đi vòng quanh với một hộp đạn rỗng hoặc một chiếc  khay bằng catton, họ hầu như bao giờ cũng chịu hi sinh một tờ giấy  bạc. Mặc dầu chẳng có gì giống họ, tôi vẫn thấy khoái những tay  phá phách trơ trẽn này; tôi cũng có thể ăn ý với những viên quan lại  Tàu. Vài người trong số họ liều lĩnh đến mức bình luận diễn xuất  của tôi là "vĩ đại!", "kì diệu!". Một vài người kém, ngắn gọn hơn:  "Thằng bé này có nòi" hoặc "nó thực sự có tài".
Trong khi nghe Chopin, lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc nhận hợp  đồng để kiếm ít tiền. Tôi có thể nhờ ông nội giới thiệu tôi như một  diễn viên đơn kì khôi ở các cuộc họp của các nhà tư sản hoặc như một tay làm trò vui nhộn giúp các vị ấy thư dãn sau các buổi họp  hội đồng quản trị. Tôi đã hiệu chỉnh cả một tiết mục Hội đồng quản  trị.
Khi Léo bước vào trong phòng, hình ảnh Chopin liền tan biến.  Léo người cao lớn, tóc hoe, và với đôi kính không đai nó có vẻ một  viên tổng quản hoặc một người Do Thái Thụy Điển. Những nếp là  cứng của chiếc quần mầu xám sẫm làm tiêu tan nguồn cảm hứng
Nó bước mau, đến trước mặt tôi vài bước thì đứng sững lại, hai  tay hơi dang ra: "Hans, có việc gì đấy?" Nó nhìn vào mắt tôi, đúng  hơn là dưới một chút, như để tôi chú ý đến một dấu vết gì đó; lúc ấy  tôi mới nhận ra là tôi đã khóc. Bao giờ nghe Chopin và Schubert tôi  cũng khóc. Tôi lau đi hai giọt nước mắt trên má tôi bằng ngón tay  trỏ của bàn tay phải trước khi trả lời:
- Anh không biết là em có thể đàn Chopin hay đến như vậy. Chơi  lại một lần nữa anh nghe bản Mazurka!
- Em không còn thì giờ, em phải đến lớp. ở giờ đầu người ta giao  cho em những bài tiếng Đức để chuẩn bị thi Bachot(1).
- Anh sẽ đưa em đi bằng xe của mẹ.
- Em không thích chút nào, anh biết là em thấy kinh khủng khi  phải đi chiếc xe kì cục ấy.
Hồi ấy, mẹ chúng tôi đã mua lại "với giá rẻ mạt" một chiếc xe hơi  thể thao của một bà bạn, và Léo khó có thể chấp nhận ý kiến cho là  nó muốn lòe mọi người. Có một cách chắc chắn có hiệu nghiệm, duy  nhất, làm được nó tức giận, là nịnh nọt nó về sự giàu có của bố mẹ  chúng tôi. Lúc ấy mặt nó tức khắc tím lại, đánh người ta một cách  phũ phàng.
- Một ngoại lệ cho anh, tôi nói, ngồi vào đàn đi. Em có biết là anh  đã ở đâu đến không?
- Không, nó đỏ mặt trả lời, mắt nhìn xuống đất, em không muốn  biết.
- Anh đã ở nhà một cô gái, tôi nói, ở nhà một người đàn bà... vợ  anh.
- Vậy ư? Nó nói, mặt vẫn không ngửng lên, khi nào thì cưới.
Nó vẫn không biết nên để đôi tay vào đâu và bất thình lình đi  vượt lên trước tôi, mắt vẫn nhìn xuống. Nắm chặt tay áo của nó, tôi  giữ nó lại.
- Đấy là Marie Derkum, tôi thì thầm.
Gỡ tay tôi ra, nó hỏi lại và nói:
- Chúa tôi, không!
Nó nhìn tôi bằng một cái nhìn thiểu não, mồm lẩm bẩm gì đó.
- Sao, tôi hỏi, em nói gì?
- Vậy thì em không còn cách nào khác. Phải lấy xe đi thôi. Anh  đưa em đi chứ?
Tôi gật đầu, nắm lấy vai nó và cùng nó đi qua phòng khách. Tôi  muốn tránh cho nó khỏi phải nhìn vào mắt tôi.
- Em đi lấy chìa khóa, tôi nói, mẹ sẽ đưa cho em thôi và đừng  quên giấy tờ đấy... Mà này, nghe đây Léo, anh cần có tiền... Em còn  tiền không?
- Còn, ở quỹ tiết kiệm. Anh có thể đi lấy được không?
- Anh không biết, anh muốn em gửi cho anh thì tốt hơn.
- Gửi cho anh? Thế anh có ý định đi xa à?
- Phải.
Nó gật đầu tỏ vẻ đồng ý và đi lên gác.
Chỉ đến lúc nó đặt ra câu hỏi tôi mới biết là tôi muốn ra đi. Lúc  đó, tôi bước vào bếp, Anna đón tôi, càu nhàu.
- Tôi tưởng cậu không muốn ăn sáng. Chị ta nói giọng cáu kỉnh.
- Không ăn, chỉ cà phê thôi.
Tôi ngồi vào chiếc bàn gỗ sạch bóng và nhìn Anna, chị nhấc phin  cà phê ra khỏi ấm và để nó rỏ giọt vào tách. Chúng tôi vẫn dùng  bữa sáng ở dưới bếp cùng với gia nhân để tránh mọi nghi lễ của việc  phục vụ ở phòng ăn. Vào giờ này, chỉ có một mình Anna ở trong bếp.  Norette, người hầu gái đương ở trên phòng mẹ tôi, vừa phục vụ bà  dùng bữa ăn sáng tại giường, vừa tranh luận với bà về trang phục  và đồ mĩ phẩm. Hẳn mẹ tôi đương nhằn hạt lúa mì với bộ răng đẹp  của bà, mặt bà phủ đầy chất pha chế từ giá noãn, nghe Norette đọc  báo. Cũng có thể họ còn đương đọc kinh buổi sáng, nội dung kết hợp  giữa Goởthe và Luther(1), thường kèm theo phần bổ sung nhằm củng  cố tinh thần. Hoặc là Norette đọc cho mẹ tôi nghe một vài mục  quảng cáo về thuốc tẩy. Mẹ tôi có những cặp xếp giấy đầy các quảng  cáo dược liệu, sắp xếp theo từng tác dụng chuyên trị: tiêu hóa, tim,  thần kinh... và hễ tóm được ông thày thuốc nào là bà hỏi ngay về  "những mặt hàng mới lạ", như vậy, bà bớt được tiền khám bệnh xin  đơn thuốc và nếu tình cờ một trong số họ gửi cho bà mẫu hàng thì  bà thấy như được lên cõi cực lạc.
Tôi cảm thấy rõ là Anna, khi đó tôi chỉ nhìn thấy lưng rất sợ sẽ  đến lúc phải quay mặt lại nhìn tôi trực diện và buộc phải nói  chuyện với tôi. Mặc dầu chị có khuynh hướng đáng tiếc là cứ muốn  lên lớp cho tôi, nhưng tôi và chị có thiện cảm với nhau. Chị đã ở với  chúng tôi được mười lăm năm (một mục sư trong họ nhà chúng tôi  đã nhường chị lại cho mẹ tôi). Anna người tỉnh Potsđam, và chỉ  riêng việc chúng tôi theo đạo Tin Lành mà lại nói tiếng địa phương  vùng Rhénan đã là quái gở, đối với chị như thế là phản tự nhiên.  Tôi tin là nếu một người theo đạo Tin Lành dùng phương ngữ Bavie  trước mặt chị, thì chị sẽ coi người ấy là hiện thân của Đức Chúa  con. Dần dà chị mới làm quen được với tính cách Rhénan. Chị người  cao lớn, dong dỏng và tự hào có "cung cách của một phu nhân". Ông  bố của chị làm quản lí ở một trường trung học mà tôi chỉ biết người  ta gọi là I.R.9. Không cần phải giải thích với chị là chúng tôi không  thuộc về cái I.R.9 ấy; đối với những gì liên quan đến việc giáo dục ở Kinh Thánh
- Chết giẫm! Chị hãy nhìn tôi, Anna! Tôi tin là ở cái I.R.9 của chị,  người ta vẫn có thể nhìn thẳng vào mắt nhau, giữa đàn ông với đàn  ông.
- Tôi không phải là đàn ông, chị rên rỉ.
- Tôi buông cánh tay chị ra và quay mặt về phía bếp lò, chị thì  thầm điều gì đó liên quan đến tội lỗi và nhục nhã, về Sodome và  Gomorche(1).
- Nào, Anna! Tôi kêu lên, hãy suy nghĩ một chút, xem thật ra họ  đã làm gì, ở Sodome và Gomorrhe!
Chị hất bàn tay tôi đặt trên vai chị ra và tôi bước ra khỏi nhà bếp  mà không tiết lộ chị biết việc tôi sẽ bỏ nhà ra đi. Chị là người duy  nhất được tôi thỉnh thoảng nói chuyện về Henriette.
Léo đã đợi tôi ở trước cửa ga ra, mắt nhìn vào đồng hồ đeo tay.
- Mẹ có nhận thấy sự vắng mặt của anh không? Tôi hỏi.
Nó trả lời là không, đưa chìa khóa xe cho tôi và giữ cửa ga ra vẫn  để mở cho tôi vào. Tôi ngồi vào xe của mẹ tôi, lái xe ra khỏi ga ra và  để Léo lên. Nó không rời mắt khỏi các móng tay của nó.
- Em đã mang theo sổ tiết kiệm, nó nói với tôi. Em sẽ đi lấy tiền  vào giờ ra chơi. Thế gửi tiền về đâu cho anh?
- Gửi về chỗ già Derkum.
- Đi thôi, anh, đến giờ rồi.
Tôi cho xe chạy với tốc độ cao trên con đường rải sỏi, vượt qua  cổng chính, nhưng phải dừng trước bến xe điện, nơi Henriette đã bước lên toa xe để gia nhập đội phòng không. Có một vài thiếu nữ  trạc tuổi chị đương bước lên toa xe. Khi vượt qua toa xe, vài phút  sau tôi còn thấy nhiều cô gái khác ở độ tuổi ấy, tươi cười như chị,  đầu đội mũ nồi mầu lơ và mang áo choàng cổ lông. Nếu một cuộc  chiến tranh mới nổ ra, bố mẹ họ sẽ gửi họ đi tham gia cái trò ấy, hệt  như bố mẹ tôi đã gửi Henriette đi; các ông bà ấy sẽ dúi cho họ một ít  tiền để tiêu vặt, vài khoanh bánh mì kẹp thịt và vừa vỗ vai họ vừa  dặn dò thêm: "Hãy làm tốt công việc, con bé bỏng của mẹ". Tôi cũng  đã muốn vẫy tay ra hiệu với các cô gái ấy, nhưng rồi lại thôi. Người  ta bao giờ cũng hiểu sai mọi chuyện. Khi người ta ngồi trên một  chiếc xe hơi cà khổ thì không thể có chuyện vẫy tay với một cô gái  được. Một hôm, trong khu vườn của một tòa lâu đài, tôi tặng một  em bé nửa tấm kẹo sôcôla sau khi đã vén lượm tóc che lấp trên trán  bẩn của em. Nó khóc, và chính vì chùi nước mắt mà nó đã làm bẩn  thêm mặt và trán nó. Tôi chỉ muốn vỗ về nó. Nhưng ngay lúc ấy có  hai bà nhảy bổ vào tôi làm to chuyện, còn dọa gọi cảnh sát nữa.  Phải nghe mãi một bà hét vào mặt tôi, nói tôi là "thằng ranh con  lưu manh đê tiện, thằng ranh con lưu manh đê tiện!", rút cuộc tôi  cũng tưởng tôi là một con quỷ thật. Thật là khủng khiếp. Tuy nhiên  qua sự cãi cọ ồn ào, tôi cũng phát hiện ra được biết bao sự đồi bại  người ta chỉ có thể thấy ở một con quỷ chính cống.
Trong lúc chúng tôi cho xe chạy hết tốc độ xuống phố  Koblenzerstrasse, tôi đưa mắt tìm một chiếc xe Limuzin nào đó của  ông bộ trưởng để cào sướt nó khi tôi cho xe vượt lên. Những mayơ  lồi ra ở xe của mẹ tôi có thể giúp tôi làm việc ấy thật dễ dàng. Đáng  tiếc là chưa có một vị bộ trưởng nào đi ra ngoài vào giờ sớm tinh mơ
- Vậy là, tôi nói với Léo, thực em đã quyết định nhập ngũ?
Nó đỏ mặt và gật đầu.
- Chúng em đã họp bàn công việc, nó nói, và cuối cùng đã đi đến  kết luận coi đấy là cách tốt nhất để phục vụ nền dân chủ.
- Vậy thì cứ đi đi, cứ góp phần vào sự ngu ngốc ấy. Đôi khi anh  thấy tiếc là đã không bị bắt buộc phải tham gia quân dịch.
Léo đặt vào tôi một cái nhìn dò hỏi, nhưng khi tôi tìm mắt nó thì  nó lập tức quay đầu đi.
- Tại sao? Nó hỏi.
- Ôi, sao mà anh sẵn sàng muốn gặp lại đến thế tên thiếu tá đã ở  trọ nhà chúng ta, cái tên đã muốn đem bắn bà Wieneken! Hẳn bây  giờ hắn đã là đại tá, nếu không phải là đại tướng!
Tôi dừng xe trước cổng trường Lixê mang tên Beethoven, cho  rằng Léo sẽ xuống đấy. Nhưng nó lắc đầu nói:
- Đỗ xe vào phía sau, bên phải trường Dòng.
Tôi lại khởi động và đến đó đỗ lại. Lúc ấy tôi đưa tay ra, nhưng  với một vẻ buộc Léo phải tránh không nắm lấy tay tôi. Đầu óc tôi đã ở đâu đâu không biết, và cái cách nó cứ không ngừng xem giờ ở  đồng hồ đeo tay làm tôi phát cáu. Mới tám giờ kém năm, hãy còn  rộng thời gian.
- Em không thật có ý định nhập ngũ chứ? Tôi cố nài.
- Tại sao lại không? Nó nói vẻ bực bội. Đưa em chìa khóa xe nào?
Tôi đưa chìa khóa xe cho nó, và sau một cái gật đầu đơn giản tôi  bước đi. Tôi không ngớt nghĩ đến Henriette và thấy việc Léo nhập  ngũ thật phi lí. Tôi đi qua vườn hoa của tòa lâu đài và dọc theo  trường đại học tới khu chợ. Tôi thấy lạnh và muốn gặp lại Marie.
Đến cửa hàng, tôi thấy có rất đông trẻ con, chúng tự động lấy  trên các giá kẹo, bút, tẩy và đặt tiền của chúng lên quầy trước mặt  già Derkum. Ông không buồn ngửng đầu lên khi tôi lách qua bọn  trẻ để đi vào gian bếp. Tôi đến bên lò và ốp cả hai tay tôi vào ấm cà  phê để sưởi nóng và đợi Marie, chắc rằng trong chốc lát em sẽ vào.
Tôi không còn điếu thuốc lá nào trong túi: có nên cứ lấy hút hay trả  tiền hỏi mua ở nơi Marie? Tôi tự rót cà phê cho mình và lúc ấy nhận  thấy ở trên bàn có đặt ba chiếc tách. Khi cửa hàng đã im ắng, tôi  đặt tách của tôi xuống. Tôi thấy nhớ Marie. Tôi rửa mặt và tay ở  bồn rửa bát cạnh bếp lò, sau đó chải đầu bằng chiếc bàn chải cánh  móng tay đặt trên giá để xà phòng, vuốt lại cổ áo sơmi, co lại nút  cavát và kiểm tra lại một lần nữa các móng tay của tôi: sạch. Tôi  bỗng ý thức sự cần thiết phải làm cái gì đó mà trước đây bình  thường tôi không làm bao giờ.
Vừa lúc tôi ngồi xuống ghế thì bố của Marie vào, tôi lập tức đứng  lên. Ông cũng có vẻ ngượng ngùng như tôi, cũng rụt rè, ông không  tỏ ra giận dữ nhưng vẻ mặt ông trông nghiêm nghị ghê người, và  khi ông đưa tay ra để lấy ấm cà phê tôi không thể không khỏi giật  mình, mặc dù cũng đủ để lộ ra. Ông lắc đầu, tự rót cà phê vào tách  của ông và đưa ấm cho tôi. Tôi cám ơn. Ông vẫn không nhìn tôi.  (Đêm qua, ở trên gác, trên giường của Marie, nghĩ đến tất cả  chuyện này, tôi còn thấy rất tự tin). Tôi muốn hút một điếu thuốc  nhưng không dám tự ý rút nó ra từ bao thuốc già Derkum đã đặt  trên mặt bàn. Vào lúc nào khác thì tôi đã làm thế rồi. Tôi thấy ông,  cúi khom người xuống bàn, đầu hói gần hết, chỉ đúng còn lại một  vành tóc màu gio rối bù, vẻ ông đã rất già nua. Tôi thì thầm:
- Bác Derkum, bác có quyền...
Đập tay lên bàn, cuối cùng ông nhìn tôi qua đôi kính, ngắt lời tôi:
- Mẹ kiếp. Anh thấy có cần thiết phải... và thêm vào đó, có cần  phải để lộ ra với tất cả bà con hàng xóm hay không?
Tôi thấy thật sung sướng khi thấy ông đã không tỏ ra thất vọng  và không có ý định nói chuyện với tôi về danh dự.
- Có thật cần thiết không? Anh cũng biết rằng chúng tôi đã kiệt  quệ vì cái việc thi cử chết tiệt ấy, và bây giờ... (ông gập các ngón tay  vào rồi lại mở ra như để thả ra một con chim)... không có gì hết!
- Marie đâu? Tôi hỏi.
- Đi rồi, đến Cologne?
- Đến đâu? Tôi hét lên, đến đâu?
- Bình tĩnh nào, ông nói, anh sẽ được biết. Bác nghĩ là anh sắp  sửa nói với bác về tình yêu, về chuyện cưới xin, v.v... Miễn phải mất  công như vậy. Thôi bây giờ anh đi đi. Thật bác muốn biết rồi anh sẽ  ra sao đây. Đi đi.
Tôi ngần ngại phải đi qua mặt ông.
- Còn địa chỉ?
- Đây! Ông nói và ném qua mặt bàn cho tôi một mẩu giấy.
Tôi nhét mẩu giấy vào túi áo.
- Còn gì nữa? Ông hét lên, còn gì nữa? Anh còn chờ gì nữa?
- Cháu cần có tiền...
Ông cười phá lên và tôi thấy nhẹ cả người. Đây là một tiếng cười  lạ lùng, rắn đanh và tai ác; tôi chỉ nghe thấy ông cười như thế có  một lần, hôm chúng tôi nói chuyện về bố tôi.
- Tiền, có vẻ đúng là một chuyện đùa... Nhưng thôi, lại đây.
Và nắm lấy tay áo tôi, ông lôi tôi ra cửa hàng, ở đấy ông bước ra  sau quầy, mở ngăn kéo két và bằng cả hai tay ông vốc tiền quẳng  cho tôi: những đồng mười xu, những đồng năm xu và đồng một xu  lăn lông lốc trên các quyển vở và các tờ báo. Tôi do dự rồi bắt đầu  thu nhặt những đồng tiền ấy. Tôi đã muốn mở rộng bàn tay ra thả  chúng chạy tuột vào, nhưng nghĩ lại tôi nhặt và đếm từng đồng mác  một, nhét chúng vào túi tôi. Ông nhìn tôi làm, gật đầu tỏ vẻ tán  thành rồi rút ví tiền ra, cho tôi thêm một đồng năm mác. Cả hai  chúng tôi đều đỏ mặt. - Tha lỗi cho cháu, tôi thủ thỉ, tha lỗi cho cháu, trời ơi tha thứ cho  cháu!
Hình như ông e rằng đã làm tôi bị xúc phạm; nhưng tôi rất hiểu  ông.
- Xin ông quà cho cháu thêm một bao thuốc lá, tôi nói.
Ngay lập tức, ông lấy ra từ trên giá sau lưng ông hai bao thuốc  đưa cho tôi. Ông khóc. Gập người qua mặt quầy, tôi ôm và hôn ông  vào má. Đấy là người đàn ông duy nhất tôi từng ôm hôn.