Truyện 18
Một ông hoàng giáp làm bạn với "một cậu ấm tàng tàng"

Ngày xưa việc kén chọn nhân tài đều qua các kỳ khảo hạch, các cuộc thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi Đình là lần thi cuối cùng tổ chức ngay trước sân vua, nhà vua ra đề và chính tay vua chấm. Những người được vào thi Đình là những người "ưu tú" nhất trong thiên hạ, sau khi thi đỗ, họ sẽ ra gánh vác việc nước.
Năm 1892 dưới triều Thành Thái, vì nhà vua còn nhỏ tuổi nên các quan Phụ chánh thay mặt vua ra đề thi Đình. Biết ý vua muốn làm một cái gì để cứu nước, muốn biết về tình hình thế giới và tìm được người có hiểu biết về cái mới để giúp nước nên đã ra cái đề:"Thiên hạ thế nhi dĩ hỷ", sau đó hỏi tiếp việc thế giới: nước mạnh lấn nước yếu, các nước phải giao lân với nhau như thế nào.
Trước tình hình thế giới đang tranh chấp nhau đi tìm thị trường buôn bán và hoàn cảnh nước Việt Nam bị Pháp đô hộ, ra đề như thế là đúng. Nhưng tiếc thay sĩ tử lúc đó nặng về từ chương, mù tịt việc thời sự và thế giới, trừ Võ Phạm Hàm và Nguyễn Thượng Hiền có đọc Dinh Hoàn Chí Lược viết được đôi trang, còn ngoài ra thấy đều ngậm bút, cố gắng hí hoáy viết dăm ba câu để nộp cho đủ quyển mà thôi. Trong đám sĩ tử ngậm bút ấy có một người tức giận với cái đề thi Đình, vì nó mà anh không đạt được mộng công danh. Y liền nghĩ đến việc trả thù. Một thì ăn cả hai ngả về không, Y bèn ra khỏi sân vua và chạy thẳng qua toà Khâm sứ Huế bên bờ nam sông Hương. Anh nhờ một người bạn báo với Khâm sứ:
- "Năm nay đề thi Đình có nói động đến thời thế!".
Bọn Khâm sứ đã saÜn mối nghi ngờ ông vua trẻ Thành Thái, nghe thế chúng liền cho người qua hỏi ngay. Các quan Phụ Chánh thấy thế hoảng sợ phải thay một cái đề khác. Nhưng đến như thế mà bọn thực dân Pháp vẫn chưa bằng lòng. Chúng buộc nhà vua phải giáng hoặc cách chức các quan Phụ Chánh đã dự ra cái đề thời thế không hợp thời ấy thì chúng mới yên tâm. Khắp đất Thần Kinh xôn xao về việc này. Nguyễn Lộ Trạch con một vị quan to, hiểu biết rộng nhưng không thích việc cử nghiệp nghe nói đến cái đề có liên quan đến thời thế ấy ông đã làm bài "Thiên Hạ Đại Thế Luận" để nói lên sự hiểu biết của mình trườc thời thế. Ông đưa bài này cho Nguyễn Thượng Hiền vừa đỗ Hoàng giáp xem. Nguyễn Thượng Hiền đọc xong và cho rằng trong đám đỗ đại khoa vừa rồi không có người nào làm được một góc bài ấy. đọc xong, Nguyễn Thượng Hiền nâng bút viết ngay một bài đề hậu để tỏ lòng khâm phục con người đã bị người đời lúc ấy cho là một "cậu ấm tàng tàng". Thượng Hiền còn tặng cho Lộ Trạch một câu đối:
"Ngã đường huề mỹ tửu, đăng cao sơn, tứ cố màng nhiên, hồi thủ đông minh, khang nhật xuất;
- Quân kim bàng thang giang, kiết mao ốc, sổ bôi túy hậu, nhứt thân lương lộ, bạn hoa miên".
Dịch nghĩa:
"...Ta thường mang rượu tốt lên núi cao, bốn phía mênh mông, một góc vừng đông trời ló mặt;
...Người nay dựa bờ sông, kết nhà lá vài chung say quỵt, đầy mình sương lạnh ngủ cùng hoa".
Từ đó hai người thân nhau. Một ông Hoàng giáp làm bạn với "Một cậu ấm tàng tàng". Đến khi Lộ Trạch mất (1898) toàn bộ sách vở, tài liệu của ông được Nguyễn Thượng Hiền cất giữ cẩn thận. Nguyễn đã trao những bí thư này cho Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng mượb đọc... Các ông này mở mắt ra với năm châu một phần nhờ tư tưởng của Nguyễn Lộ Trạch.