Truyện 19
Nhà họ Đỗ

Ông Đỗ Huy Uyển là một người hay chữ nổi tiếng ở đất Nam Thành (Nam Định). Sau khi đỗ cữ nhân năm Canh Tý (1840), sĩ tử đều tin là Uyển sẽ đỗ đầu khoa thi hội năm sau (1841). Gia đình ông cũng nghĩ như thế, thân sinh ông là cữ nhân Đỗ Huy Cảnh làm tuần phủ ở Trung Việt, nhân trong lúc về hầu vua Thiệu Trị đúng vào dịp Kinh đô đang chuẩn bị mở thi Hội, gặp nhân viên hội đồng sắp đi chấm thi, Huy Cảnh mau miệng nói:
- Năm nay tôi có thằng con lớn sắp đi thi Hội, các bác phải về xem lại sách mới chấm nổi văn nó, cú đừng có hồ đồ mà cháu nó cười cho đấy!
Câu nói trong lúc cao hứng đã đến tai những người sẽ đọc quyển khoa thi hội năm ấy (hai người giữ vai trò quan trọng là Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản) mấy ông đều lấy làm phật ý.
Khi vào thi Hội, các quyển thi đều rọc phách, việc chấm bài rất chu đáo. Đến khi hồi phách quyển của Đỗ Huy Uyển bốn kỳ cộng lại được 17 phân đáng đỗ đầu. Nhưng hội đồng sực nhớ lời nói của Huy Cảnh lonh chưa hết giận nên dù không thể đánh hỏng được nhưng nhất quyết không cho Huy Uyển đỗ cao. Họ cố ý tìm trong quyển của Huy Uyển những chữ sơ sót để chỉ trích. Tìm mãi trong bài kim văn bỗng thấy có ba chữ "đáp thiên khiển" nghĩa là: "Vua phải sửa mình để tạ lỗi với trời". Các quan dâng sớ bẻ ba chữ ấy là [khiếm trang] và chỉ cho Huy Uyển đỗ gần cuối bảng (chỉ hơn được Phạm Xuân Quế ở Quảng Binh).
Thấy tên mình suýt nữa đội bảng, Đỗ Huy Uyển lấy làm nhục, toan trả lại sắc Phó bảng để kho sau thi lại đỗ cao hơn, lúc ấy bạn bè mới cho ông hay vì thân sinh ông đã cao hứng lở lời xúc phạm đến quan trường nên ông phải nhận lấy cái hậu quả ấy. Huy Uyển vở lẽ nên không trả nữa.
Sau đó Đỗ Huy Uyển làm quan đến chức biện lý bộ hình. Con ông là Huy Liệu có thực tài, thận trọng trong mọi việc ứng xử, đỗ Hoàng giáp. Huy Liêu nổi tiếng là người giỏi văn chương và có khí tiết. Huy Liêu từng làm phụ đạo cho vua Hàm Nghi. Hằng ngày ông vào Nội đọc sách và dẫn nghĩa cho vua nghe, khi về thì ông lại ở trong nhà Tôn Thất Thuyết dạy cho Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp học. Khí tiết của Huy Liêu có một phần ảnh hưởng đến vua Hàm Nghi, Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp.