Truyện 26
Ta không thụ sắc

Mầm mống phân tranh giữa hai họ Trịnh Nguyễn đời Lê Trung Hưng đã có từ ngày Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Thuận Quảng (1558), nhưng cho mãi đến khi con của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên tổ chức xong việc phòng thủ ở Phương Nam, họ Nguyễn mới ra mặt chống nhau thật sự với Trịnh. Để có thể diệt trừ âm mưu chống đối của họ Nguyễn, họ Trịnh bày mưu ép vua Lê sắc phong cho Nguyễn Phúc Nguyên chức Thái Phó, tước Thụy quận công lãnh Thuận Quảng Tiết Độ Sứ và sau đó sẽ triệu Nguyên về Thăng Long chuẩn bị đi đánh Mạc. Nếu Nguyên về thì nhân đó bắt giết đi, nếu không về là mắc tội phản nghịch họ Trịnh sẽ có cớ đưa đại binh vào đánh Nguyễn.
Nhận được sắc phong, chúa Nguyễn rất bối rối bèn họp triều thần hỏi mưu kế đối phó với Trịnh. Đào Duy Từ đã dâng kế và được chúa Nguyễn chuẩn y.
Từ cho làm một cái mâm đồng hai đáy, khoãng giữa để sắc thư đã nhận lần trước, trên mâm sắp phẩm vật đem ra Thăng long tạ Ơn họ Trịnh. Lại Văn Khuông được cử làm chánh sứ chuyến này. Để giúp cho Khuông hoàn thành nhiệm vụ, Từ nghĩ saÜn mười điều vấn đáp để dặn sứ giả phòng khi ứng đối.
Đến Kinh, Văn Khuông vào yết kiến dâng lễ vật làm ra vẻ rất cung kính. Trịnh Tráng hỏi câu gì Văn Khuông đều đáp trôi chảy minh bạch, các bộ hạ nhà Chúa ai cũng phải khâm phục. Chúa hậu đãi Khuông lắm, truyền báo đến dịch xá nghỉ ngơi. Văn Khuông đi thăm Kinh thành chờ xem Chúa Trịnh có dạy bảo thêm điều gì nữa không. Khuông bỗng nhớ đến một cái cẩm nang mà Đào Duy Từ trao cho liền mở ra xem và sau đó cả đoàn tùy tùng cùng với Văn Khuông lẻn trốn về Nam bằng đường thủy. Thấy sứ đoàn Đàng Trong đột ngột trốn về, Chúa Trịnh hết sức nghi hoặc. Chúa sai soạn phẩm vật, thấy mâm hai đáy liền cho tách mâm thì thấy tờ sắc trước kèm theo một cánh thiếp trên có viết bốn hàng chữ đen, nét bút già giặn, đẹp đẽ:
"Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch".
Nghĩa là:
"Cái xà mâu không có mấu,
Tìm không thấy dấu.
Yêu rơi cả lòng ruột,
Sức đến thì cùng đánh".
Chúa Trịnh Tráng đọc không hiểu và cả Triều thần cũng không biết ra sao. Sau Trịnh Tráng phải nhờ đến quan Trạng Phùng Khắc Khoan. Khắc Khoan đọc xong tờ thiếp trợn mắt nói ngay:
- "Đây là kiểu chơi chữ nếu không phải Đào Duy Từ thì không ai ở Thuận Quảng có thể làm được như thế này".
Trịnh Tráng nóng ruột giục Phùng giải thích. Phùng cầm tờ thiếp giơ ra trước mặt nói:
- "Chữ mâu không có nách tức là cái phẩy thì thành chữ dư (ta); chữ mịch mà không có chữ kiến thì còn chữ bất (không); chữ átmà rơi mất lòng ruột (tức là chữ lâm) thì còn là chữ thụ (nhận) chữ lực với chữ lai địch nhau thành chữ sắc. Cái thiếp này có nghĩa là "Ta không nhận sắc".
Nghe xong Trịnh Tráng biết mình bị lừa, đùng đùng nổi cơn thịnh nộ ra lịnh cho người tìm bắt Văn Khuông, nhưng may thay Văn Khuông đã theo lời dặn của Đào Duy Từ xa chạy cao bay rồi. Để trừng phạt họ Nguyễn. Trịnh Tráng định đưa đại quân vào đánh Thuận Quảng. Không ngờ lúc ấy ở Cao Bằng và Hải Dương có loạn, Trịnh Tráng đành ngậm đắng nuốt cay hủy bỏ cuộc nam chinh này.
Đoàn sứ giả hoàn thành nhiệm vụ và về Thuận Hoá an toàn được Chúa Nguyễn trọng thưởng, "mưu sĩ" Đào Duy Từ được thăng chức làm Cái Hạp. Từ đó; họ Nguyễn ở Đàng Trong không chịu sắc phong của triều đình Lê Trịnh nữa. Cuộc nội chiến bắt đầu.