Chương Kết

Tôi dùng son màu đỏ viết lên tấm bia bằng xi măng vừa mới khô xong. Tôi hỏi ý kiến Tùng:
- Mình nên viết răng hè, anh Tùng?
Tùng đang ngồi nhổ cỏ dại chung quanh mộ thằng Hợi, ngẩng lên:
- Tùy ý Tiên.
Suy nghĩ một lát tôi nắn nót viết hàng chữ in:
Nơi đây an giấc
Trần Văn Hợi
Hưởng dương 12 tuổi
Tùng khen:
- Chữ của Tiên sắc sảo ghê.
Tôi đậy nắp lon sơn lại:
- Được anh khen mai mốt Tiên mở xưởng vẽ quảng cáo.
Tùng đưa chiếc thùng nhỏ để tôi đặt lon sơn vào:
- Ý kiến hay, tôi sẽ là khách hàng đầu tiên của Tiên.
- Anh nhờ Tiên vẽ cái chi?
Tùng đưa chân đùa những chiếc lá vàng:
- Tôi nhờ Tiên vẽ hình tôi, bên cạnh có hàng chữ: "Đây, thợ xây bia mộ, số nhà... "
Tôi bật cười vì câu pha trò của Tùng:
- Tiên sẵn lòng. À, mà Tiên thấy anh xây cái mộ ni cũng đẹp lắm chứ, lại nhanh nữa.
Tùng bước lại gần tôi:
- Tiên định trồng hoa chi trên mộ thằng Hợi?
Tôi lặng nhìn ngôi mộ vừa mới xây xong nước xi măng còn láng ngời:
- Tiên muốn trồng hoa Tỵ Ngọ, hoa nớ dễ trồng mà lại đẹp nữa. Màu sắc tươi thắm của nó sẽ xua tan bớt không khí buồn bã của ngọn đồi ni. Anh nghĩ răng? Cho Tiên biết ý kiến đi.
- Ý định của Tiên thật hay. Tôi hoàn toàn đồng ý. Mà Tiên đã có giống hoa nớ ở nhà chưa?
- Chưa, vườn Tiên không có nhưng Tiên sẽ đi xin nhà bên cạnh. Hoa nớ không quí, chắc người ta cũng dễ cho.
Tùng bàn:
- Nếu Tiên không xin được, để tôi xin dùm cho. Nhà mấy đứa bạn của tôi cũng có nhiều lắm.
Có bóng người đội chiếc nón lá từ đằng xa đi lại. Tôi nhận ra bà Sâm:
- Mộ em Hợi chúng tôi đã vẽ bia xong rồi đó bà.
Bà Sâm im lặng tiến đến trước mộ, nhìn sững vào tấm bia, bà quì xuống rồi bà khóc ròng rã:
- Hợi ơi, về đây mà coi, cô Tiên và thầy Tùng thương con lắm, con có biết không?
Tôi đỡ bà Sâm đứng dậy:
- Thôi, bà đừng buồn đừng khóc nữa. Chúng tôi về, trời cũng đã trưa rồi.
Bà Sâm giở cái nón ra quạt vào tôi:
- Dạ, nắng lên nóng quá, cô thầy nên về sớm cho đỡ mệt.
Tùng nhìn đồng hồ, anh nói với bà Sâm:
- Tuần sau là 50 ngày của em Hợi, ông bà có cần chi nữa không? Chúng tôi sẽ giúp.
Bà Sâm kéo vạt áo chùi nước mắt:
- Cô thầy lo cho cháu như rứa, thiệt ơn nghĩa cao quá dày tôi mô dám đòi hỏi chi hơn nữa.
Tôi vỗ về:
- Bà đừng nói chuyện ơn nghĩa ở đây. Chúng tôi thật lòng mà.
Bà Sâm run run cầm lấy bàn tay tôi:
- Tuần sau, tôi sẽ nấu một mâm cơm cúng cho cháu, tôi xin mời cô thầy lại nhà cho linh hồn cháu được vui.
Tôi gật đầu:
- Được rồi, chúng tôi sẽ đến.
Tùng nói với tôi:
- Tuần tới mình đem hoa lên trồng luôn Tiên nghe.
- Dạ.
- Tôi đề nghị nghe, tuần tới chúng ta cùng đem hoa Tý Ngọ lên, lỡ một trong hai đứa xin không được thì còn có đứa kia. Tiên chịu không?
- Dạ phải đó.
Tôi ghé lại trường học trước khi ra về, đám học trò lao xao:
- Cô, cô, răng cô cứ bỏ dạy hoài rứa cô?
Tôi nhìn xuống lớp, những đôi mắt nhìn tôi đầy trìu mến. Tôi nói:
- Tại cô bận xây mộ cho trò Hợi. Bắt đầu tháng sau, cô sẽ dạy các em thường xuyên.
- Thiệt hả cô, thiệt hả cô.
- Ừ
- Cô nhớ dạy tụi con hát lại bài "Nắng qua khóm cây" nghe cô.
- Ủa, bài đó cô dạy rồi mà, các em chưa thuộc à?
- Dạ bỏ lâu quá tụi con quên rồi. Đầu tháng cô dạy lại nghe cô.
- Ừ
Chị Thanh Xuân chạy ra:
- Nì, nghỉ hoài học trò kiện nữa nơi tề.
Tôi cười:
- Chị khỏi lo, em hòa giải rồi.
- Công việc xúc tiến tốt đẹp chứ?
- Rồi chị, mộ xây xong rồi, chỉ còn trồng hoa cho đẹp nữa thôi. Nhờ anh Tùng hết đó.
Chị Thanh Xuan nhìn Tùng:
- Dạo ni công việc nhà thương cũng rỗi rảnh phải không anh Tùng?
Tùng nhìn lại tôi:
- Cũng bận lắm cô. Nhưng việc xây mộ cho em Hợi là một điều đáng làm, tôi không thể không giúp Tiên được.
Chuông nhà thờ đổ canh trưa. Bọn trẻ xôn xao:
- Cô cho về, cô. Cô cho về cô.
Tôi gật đầu:
- Các em ra về trong im lặng nghe...
Đám học trò con gái chạy đến bên tôi:
- Cô ơi, vài bữa nữa cô bày lại cho tụi con đường thêu xương cá nghe cô.
Tôi xoa đầu con bé đứng gần tôi nhất:
- Ừ, đầu tháng cô phát cho các em vải mới.
Những đôi môi hồng lại líu lo:
- Cô đừng mua vải quyến, cứng lắm cô ơi.
- Cô mua vải phin cho dễ thêu nghe cô.
Tôi gật. Tôi gật. Đứa nào cũng tranh nói với tôi khiến chị Thanh Xuân xua tay:
- Cô Bội Tiên nghe rồi, thôi các em về đi.
Tôi nhìn theo đám trẻ sắp hàng ngay ngắn bước ra cửa nhà thờ, lòng ấm cúng vô biên.
 
 
Giỗ 50 ngày của thằng Hợi vừa xong thì trời đã xế chiều. Tùng rủ tôi ra thăm mộ thằng Hợi một lần nữa trước khi ra về. Con Tý nằng nặc đòi đi theo, nó luôn mồm gọi cô Tiên ơi, cô Tiên ơi, cho Tý đi thăm anh Hợi với. Bà Sâm la:
- Tý, phá cô giáo nờ.
Nhưng tôi gạt đi:
- Bà để em Tý ra thăm mộ em Hợi với, cho Hợi nó mừng.
Tùng bảo tôi:
- Tiên dẫn Tý lên đồi trước, tôi ra xe lấy cái ni rồi theo sau.
Tôi định hỏi Tùng định lấy cái gì nhưng nghĩ mình tò mò quá nên lại thôi. Tôi dắt Tý mên theo con đường dẫn lên đồi đây cỏ dại, con Tý thỏ thẻ bên tôi:
- Cô Tiên ơi, anh Hợi đi mô mà lâu quá không chịu về?
Tôi hỏi em:
- Rứa Tý có nhớ anh Hợi không?
- Dạ nhớ.
Tôi ẵm Tý ngồi lên phiến đá cao cạnh mộ thằng Hợi nhưng con bé đòi tụt xuống:
- Cô Tiên ơi, cho Tý xuống ngồi gần anh Hợi với.
Tôi lại ẵm nó xuống ngồi cạnh tôi trên tấm bố vừa trải ra. Con bé lại hỏi:
- Anh Hợi mô răng Tý không thấy?
Tôi chỉ vào nấm mộ:
- Anh Hợi nằm dưới nớ, anh Hợi đang ngủ.
Con bé ngây thơ:
- Anh Hợi ngủ răng anh Hợi không nằm ở trên giường hả cô Tiên?
Tôi không biết trả lời sao, tôi đành vuốt tóc nó:
- Tý đừng nói nữa, để yên cho anh Hợi ngủ.
Tùng cũng vừa lên đến, trên tay cầm chậu cúc nhỏ. Tôi nhìn anh:
- À, anh còn có hoa cúc nữa, rứa mà khi sáng tới chừ anh dấu Tiên.
Tùng đặt chậu cúc bên trái tấm bia mộ:
- Cho Tiên bất ngờ mà.
- Có hoa Tỵ Ngọ rồi, anh thêm hoa cúc làm chi, coi chừng người ta bưng mất chậu cúc đi nớ.
- Bưng răng được mà bưng, ông bà Sâm tới thăm mộ hằng ngày mà.
 
Tôi nhìn chậu cúc xanh tươi, rồi tôi nhìn khóm hoa Tỵ Ngọ vừa mới được tôi và Tung trồng hồi sáng nạy Nghĩ mà buồn cười, như đã giao hẹn trước, cả tôi và Tung đều có nhiệm vụ xin cho được hoa Tỵ Ngọ để chủ nhật này lên trồng. Tôi thì cứ đinh ninh nhà bác Trình bên cạnh có nhiều, ba mẹ lại thân bên đó, nên việc xin hoa chắc chắn là được. Cho nên tôi làm biếng không qua dặn trước, đến chiều thứ bảy tôi tìm sang thì bác Trình gái lắc đầu cười với tôi:
- Răng cháu không nói trước, hôm tê có mấy người bạn của bác trai tới xin nên bác cho hết rồi.
Tôi ngẩn ngừ:
- Thưa bác, rứa chừ còn cây mô sau vườn không?
- Cháu ra đó mà coi, bác cũng không rõ nữa.
Tôi chạy ra sau vườn để thất vọng nhìn đám đất trống trơn.
Tối hôm đó tôi lo quá, ăn cơm không được, Bội Nga hỏi thăm, tôi kể cho Nga nghe.
Cô bé nói:
- Tưởng chi chứ hoa Tỵ Ngọ chán vạn, em xin cho chị cả ngàn cây cũng được nữa à.
- Nhưng mai chị đi rồi. Không kịp mô.
- Mai em dậy thiệt sớm đi xin cho chị.
Sáng sớm chủ nhật, Tùng lái xe của bệnh viện đến đón tôi, câu đầu tiên của anh hỏi là:
- Tiên có xin được hoa Tỵ Ngọ không?
Tôi lắc đầu. Tùng kêu lên:
- Chết rồi, suốt tuần tôi bận quá định đi xin mấy lần mà không rảnh nơi. Tôi cứ đinh ninh là Tiên xin được.
Tôi cũng cuống theo:
- Chừ mần răng anh?
Tùng mở cửa xe cho tôi:
- Tiên lên ngồi đi, tôi ghé nhà người bạn hỏi thử coi.
Nhưng Bội Nga đã phóng Yamaha từ phía tòa Khâm đi tới, cô bé dừng lại bên xe Tùng và chỉ một bao bố thật lớn đằng sau:
- Em xin cho chị hoa Tỵ Ngọ đây nì.
Tôi đỡ lấy:
- Trời ơi, Nga xin chi mà nhiều rứa?
Nụ cười của Bội Nga tuyệt đẹp:
- Cho chị tha hồ trồng. Thôi em vào nhà ngủ tiếp đã, đi ăn giỗ nhớ đem bánh về cho em đó.
Lời Tùng kéo tôi về thực tế:
- Bội Tiên đang nghĩ chi rứa?
Tôi giật mình:
- À... à... Tiên... Tiên nghĩ đến chuyện hồi sớm. Tức cười ghê anh hí, nếu không có Bội Nga thì anh và Tiên đều mang tay không đến đây rồi?
Tùng nhặt một viên sỏi cầm trong tay:
- Tay không răng được, Tiên nói sai rồi, tôi có mang theo một chậu cúc nữa mà.
- Anh Tùng cho Tiên phê bình nghe. Đáng lý ra anh phải đem theo hai chậu cúc để hai bên mộ mới đẹp, anh để một chậu cúc thôi, Tiên thấy không cân xứng nơi.
Tùng nhìn tôi, cười hiền lành:
- Tiên lầm rồi, tôi mô có ý định trang hoàng phần mộ,  đem cúc để bên mộ thằng Hợi, tôi chỉ muốn linh hồn Hợi được thư thái khi biết rằng cô giáo Tiên yêu quí của nó vẫn luôn luôn ở cạnh nó. Tiên là hoa cúc mà, Tiên không nhớ lời tôi nói với Tiên dạo nớ à?
Tôi lặng người xúc cảm, tôi cúi nhìn màu đất đỏ vương trọn lối đi:
- Tiên nhớ, nhưng Tiên nghĩ đó chỉ là lời nói đùa của anh.
Tùng chau mày:
- Tiên, Tiên nghĩ như rứa là phật lòng tôi lắm đó.
Nghẹn ngào cả một phút, tôi mới nói được với Tùng:
- Tiên... Tiên xin lỗi anh.
- Không, Tiên không có lỗi chi hết. Tôi chỉ ước mong, lần sau Tiên đừng bao giờ nghi ngờ lời nói của tôi, Tiên hứa nghen.
- Dạ Tiên hứa với anh.
Con Tý gối đầu trên chân tôi đã thiu thiu ngủ, gió chiều thổi êm mái tóc mềm bay bay như tơ trời óng ả, gương mặt trẻ thơ hồng hào và cánh mũi nhỏ phập phòng hơi thở bình yên. Tôi bảo Tùng:
- Dạo ni, Tiên thấy con Tý mập mạp hẳn đi đó anh Tùng.
Tùng ném hòn sỏi ra xa rồi đến ngồi xuống bên tôi:
- Trong thời gian nằm bệnh viện, con bé được săn sóc đến sức khỏe thật chu đáo. Kể ra thì chứng bệnh nớ, dù chưa tái phát nhưng cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng rất nhiều. Tiên thấy không, trước nớ, con Tý lớn không nổi, nó nhỏ bé hẳn đi đối với những đứa trẻ đồng trang lứa.
Tôi nhìn hàng chữ viết trên mộ bia, màu đỏ hơi thẫm đi trong bóng chiều vừa buông xuống:
- Theo Tiên nghĩ, thằng Hợi đã đem lại một hạnh phúc quí giá cho con Tý, đó là sức khỏe, đó là sự sống, lòng thương em của nó thật vô bờ.
Tiếng chuông nhà thờ vang đổ xua tan bầu không khí tĩnh mịch, tôi đưa tay nhìn đồng hồ:
- 6 giờ rồi anh Tùng, ta về thôi.
Tùng hỏi tôi:
- Bắt đầu tuần sau, Tiên đi dạy lại?
- Dạ.
- Chừng mô Tiên mới thi?
- Tháng sáu lận anh.
- Nếu Tiên có bận, tôi sẽ xuống dạy thế cho Tiên, khỏi phiền đến cô Thanh Xuân.
- Dạ, Tiên cám ơn anh trước.
- Khi mô tủ thuốc của trường Tiên hết loại nào, Tiên cứ nhắn Kim Thoa, tôi sẽ mang đến bổ khuyết, nghe Tiên.
- Dạ, anh tốt với Tiên quá.
- Bất cứ các hoạt động gì, chữa bệnh, phát thuốc hay dạy học, nếu cần, Tiên cứ gọi, tôi sẵn sàng giúp đỡ Tiên.
Tôi hỏi một câu thật vô duyên:
- Anh Tùng, răng anh tốt với Tiên rứa?
Tùng cười, vẫn nụ cười cuốn hút, đôi môi tươi và màu răng trắng ngà:
- Tại răng... Tiên có biết không?
Tôi vuốt nhẹ mái tóc con Tý để ngăn nỗi xúc cảm trào dâng:
- Tại anh... anh xem Tiên như Kim Thoa?
Tùng lắc đầu:
- Còn hơn rứa nữa.
Tôi ngập ngừng:
- Tại anh... anh xem Tiên như một người bạn thân?
Tùng lại lắc đầu:
- Càng sai hơn, cho Tiên nói thêm một tiếng nữa đó.
- Tại anh... thôi Tiên chịu.
Giọng Tùng trầm như một tiếng đàn rung nhẹ vào tim tôi:
- Tại vì... anh yêu Tiên.
Tôi sững sờ, tôi như người từ cung trăng rơi xuống, còn xa hơn nữa, hình như tôi lạc bước từ một thái dương hệ khác xuống đây.
- Kìa... anh Tùng... anh nói chi lạ rứa?
Tùng vẫn nhìn tôi:
- Có chi lạ mô nờ. thì anh yêu Tiên, như bất cứ người con trai nào yêu một người con gái, Tiên cho là lạ sao?
Tôi ấp úng:
- Không... nhưng đối với Tiên, quả là... quả là ngoài sức tưởng tượng.
Tùng nhắc lại:
- Tiên, anh muốn nói là... anh yêu Tiên.
Tự dưng tôi oà khóc:
- Anh Tùng, anh đừng giỡn rứa, tội nghiệp Tiên.
Tùng ngạc nhiên, anh để tay lên vai tôi:
- Tiên, Tiên lạ lùng chưa? Tiên vừa mới hứa với anh là Tiên sẽ không bao giờ nghi ngờ lời nói của anh, tại răng chừ Tiên lại không giữ lời hứa?
Tôi đưa hai bàn tay ôm lấy mặt:
- Tùng ơi, Tiên không xứng đáng với anh mô.
- Tiên lại nghĩ bậy rồi. Tiên rất xứng đáng.
Tôi vẫn nói:
- Tiên xấu xí, Tiên vô duyên, Tiên quê kệch, Tiên...
Tùng cầm tay tôi đưa lên môi:
- Nhưng anh nói Tiên đẹp, cái đẹp của tâm hồn mới đáng quí. Tiên học giỏi nhưng Tiên không kiêu căng, Tiên con nhà giàu nhưng Tiên không ích kỷ, Tiên biết hòa mình vào xã hội lầm than, Tiên biết hy sinh sự nhàn hạ của mình để giúp đỡ đám trẻ quê có phương tiện học hành, Tiên đã đem tiền bạc của mình để làm những việc hữu ích, để đem lại hạnh phúc cho người khác.
Bàn tay tôi run rẩy trong lòng bàn tay Tùng:
- Anh Tùng, đó chỉ là...
Tùng vẫn say sưa nói:
- Tiên lại là một người con gái đoan trang thùy mị. Tiên kính yêu ba me, Tiên mến thương Tuấn, Tiên chiều chuộng săn sóc Bội Nga, Tiên đã quên mình để sống cho những người thân yêu. Tiên, từ ngày được đến thôn xóm ni, hoạt động chung với Tiên, anh có cảm tưởng như chính Tiên là nàng tiên thật, đám trẻ ở đây chắc chúng cũng nghĩ giống anh, tụi nó mến thương Tiên hết lòng.
Tôi cúi đầu lặng thinh. Tôi đang mơ hay tỉnh, Tùng ơi, có thật anh đang nói bên em những lời êm đềm đó không? Cơn mưa trìu mến sẽ đưa dáng lạc đà xấu xí từ sa mạc khô cằn vào chốn đồng cỏ xanh tươi, hoa sẽ nở và nắng sẽ lên, đời em bắt đầu có màu hồng, em đã hồi sinh rồi phải không anh?
- Tiên, răng em không nói?
Tôi chớp mắt, những giọt lệ mừng ướt má mặn môi:
- Tùng, em ngỡ... em đang mơ.
- Tiên, chúng mình sẽ sống hoài trong giấc mơ nớ.
Hoàng hôn xuống dần trên ngọn đồi buồn tênh. Tôi đánh thức con Tý dậy:
- Tý ơi, dậy em. Trời tối rồi, dậy cô dẫn em về.
Khi tôi theo Tùng ra xe, anh nói với tôi:
- Tiên, hồi nãy Tiên chưa nói với anh.
Tôi vén vạt áo ngồi ngay ngắn:
- Nói chi anh?
Tùng cho xe chạy thật chậm:
- Tiên chưa nói, Tiên có yêu anh không?
Đôi má tôi nóng bừng. Tôi im thin thít. Tùng giục:
- Tiên nói đi.
Tôi mân mê cuốn sách cầm trong tay:
- Anh Tùng, suốt mười tám năm qua, Tiên cứ ngỡ rằng mình sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc, mặc cảm xấu xí đã làm Tiên chán chường cuộc sống.
Tùng nói nhỏ:
- Tiên, Tiên hơi lạc đề rồi đó nghen.
Tôi lắc đầu:
- Tiên không lạc đề mô. Tiên đang trả lời câu hỏi của anh đây mà. Anh chính là hạnh phúc của Tiên.
Giọng Tùng run run:
- Tiên, Tiên cũng rứa, đối với anh, trên đời này, không có một người con gái nào bằng Tiên.
Tôi nhìn quãng đường dài trước mặt:
- Tiên thua kém tất cả mọi người.
- Không, anh muốn nói, đa số các cô bây giờ chỉ biết sống cho bản thân mình, se sua chưng diện, họ không biết hy sinh, họ không biết thương xót những người nghèo khổ đang lây lất sống chung quanh họ. Tiên, em chính là viên ngọc quí.
Tôi cười:
- Viên ngọc với màu sắc thật xấu...
Tùng ngắt lời:
- Nhưng bên trong không có một chút tì vết nào. Người  ta quí ngọc là ở chỗ đó. Tiên không biết à? Tôi lại nhớ đến lời mẹ thường khuyên:" Con không đẹp nhưng tâm hồn con đẹp, sự thua thiệt của con sẽ được đền bù xứng đáng". Đã đến lúc trời thương tôi rồi, bà Tiên trên đỉnh Tuyết Sơn, đã tha tội cho con Bọ dừa hợm hĩnh, tôi đã được Tùng yêu.
Thành phố mới lên đèn, cầu sông Hương rực rỡ dưới hai hàng néon chói sáng, tôi liên tưởng đến vùng hạnh phúc chan hòa vừa lan rộng khắp hồn tôi.
Tùng âu yếm hỏi tôi:
- Năm ni đậu, Tiên định học chi?
- Ba Tiên muốn Tiên vào y khoa, ba Tiên nói, sau này Tiên sẽ là phụ tá cho ba Tiên.
- Không được mô. Tùng kêu lên.
- Ủa, răng lại không được?
Tùng dí dỏm:
- Tiên sẽ phải là phụ tá của anh mới đúng, phụ tá kiêm nội tướng, Tiên bằng lòng chứ?
Tôi vừa cảm nhận được hơi gió thoảng từ mặt sông êm mát, len qua hàng dừa cao, nghe vi vu như tiếng sáo diều, dìu dặt thiết tha. Con đường Lê Lợi dẫn đến nhà tôi thênh thang vô bờ cùng bóng hình Tùng rực sáng trong tim.
Viết xong 4-7-1972
Thùy An
 

Xem Tiếp: ----