Chương 11

Cuối tuần là một khoảng thời gian quý báu nhất của bất cứ ai, có người đi nhảy đầm, có người đi hộp đêm nghe nhạc, có người đi bơi lội, có người đi uống rượu, cũng có người ngồi nhà xem tivi, mà kẻ cô đơn nhất cũng đi tản bộ một mình.
Nhược Lan với Thu Phàm đi xem triển lãm hội họa, họ thưởng thức những cảnh sông, núi, nhân, vật, hoa, cỏ, chim, thú cá và rắn... Họ tìm hiểu tư tưởng và lối sống của tác giả trong tranh. Hai người đều có một lối ưa thích giống nhau, những gì Thu Phàm thích thì Nhược Lan thích, những gì Nhược Lan khen thì Thu Phàm cũng khen. Cả buổi chiều thứ bảy hình như họ đã hao trọn cho cuộc triển lãm này.
Thu Phàm chỉ một bức tranh nói:
- Nhược Lan, cô có thích bức tranh này không? Người đẹp ngồi trong kiệu, ngoài ra còn núi ở xa xa, trăng sáng lung linh, tơ liễu lướt thướt, ngoài ra còn hồ cá nữa...
- Ồ tuyệt đẹp, đúng là "Thanh Phong Minh Nguyệt"
- Để tôi mua bức tranh này tặng cô.
- Đừng...
Nhược Lan không ngờ Thu Phàm là người dám xài tiền như thế, vì chính nàng cũng đã nhìn thấy giá biểu đề ở góc bức tranh là sáu ngàn đồng, mặc dù nàng rất thích bức tranh đó, nhưng phải bỏ sáu ngàn đồng để mua chỉ có một tờ giấy như vậy đem về nhà quả thật là rất tiếc tiền.
- Cô không vui lòng hay sao?
Nhược Lan nghe Thu Phàm hỏi mình như vậy, nàng vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, nàng chẳng biết trả lời sao, sự vui mừng khiến nàng gần như chảy nước mắt. Vì trong những ngày tháng qua, nàng chưa hề gặp một người đàn ông nào "ga lăng" như chàng.
Thu Phàm đã đến bên bàn của quản lý để làm thủ tục mua bức tranh đó, tuy nhiên người mua vẫn chưa có thể mang tranh về nhà mà phải đợi cho đến khi nào cuộc triển lãm bế mạc rồi người ta mới mang đến nhà cho chàng.
- Hồi nãy anh nói muốn đi lãnh “măng đa” nhưng bây giờ tại sao có nhiều tiền để mua bức tranh này?
- Cô quên tôi là nhà văn hay sao? Người ta cũng biết tên tuổi của tôi rồi, chỉ cần tôi ký tên nhận mua thì đến khi nào tranh mang đến nhà thì tôi mới trả tiền có muộn chi.
- Anh làm vậy kỳ quá để tôi trả tiền, nhưng anh cứ để tên đề tặng cho tôi cũng được có sao đâu.
- Phải cô cho rằng tôi không đủ sức tặng cô bức tranh đó?
Nhược Lan không biết trả lời sao nên nàng ngập ngừng:
- Không... không... phải thế... nhưng tôi...
Thu Phàm nhìn Nhược Lan đăm đăm với thái độ thành thật và dường như nài nỉ:
- Cô có thể để cho tôi một chút lòng tự tôn của nam nhi tính không?
Nhược Lan cúi đầu và bỗng dưng nàng trở nên yếu ớt, nước mắt chẳng biết từ đâu trào qua mi chảy xuống má, nàng vội móc khăn lau nước mắt, quả thật nàng quá mừng và cảm động.
- Xin lỗi Nhược Lan.
- Đừng nói thế anh, em cảm động lắm.
Bây giờ hai người nắm tay nhau, cái nắm tay bất ngờ vô ý thức, cái nắm tay theo phản ứng của bản năng phản xạ tay nắm tay thật chặt. Rồi bốn mắt nhìn nhau cười, nụ cười cởi mở và ánh mắt thâm tình.
- Bài thơ trong tranh viết tháo quá anh có đọc được không?
- Dường như đó là một bài cổ thi của nhà thơ nào đó, tác giả mượn bài thơ đó để diễn đạt tâm trạng tưởng nhớ người yêu.
- Anh đọc một bận cho tôi nghe nào.
- Tôi không biết ngâm thơ cô đừng cười nhé.
Nhược Lan gật đầu, Thu Phàm bắt đầu đọc:
"Du bích hương xa bất tái phùng
Hiện vân vô tích nhậm tây đông
Lê hoa viện lạc dung dung nguyệt
Liễu thứ trì dường đạm đạm phong
Kỷ nhựt tịch liêu thương tửu hậu
Nhất phiên tiêu sách cấm yên trung
Ngư thư dục ký hà do đạt
Thủy viễn sơn dao xứ xứ đồng"
(Chiếc kiệu xanh biếc không còn gặp lại nữa,
mây trên lưng trời phiêu bạt về tây rồi lại đông,
hoa lê rơi rụng trong vườn, và ánh trăng tràn ngập trần gian,
tơ liễu phất phơ bên hồ cá trong cơn gió hiu hiu thổi,
bao ngày tịch liêu và nỗi buồn sau chung rượu,
thơ tình chẳng biết gởi về đâu,
sông núi mênh mông nơi nào cũng như nơi nào).
Bức tranh này đã diễn đạt được tình ý của bài thơ đó.
Nhược Lan nhìn Thu Phàm rồi nhìn đồng hồ nói:
- Gần bốn giờ rồi, bây giờ chúng ta đi đâu?
- Tôi muốn tìm một nơi nào đó nghe nhạc, cô có thích âm nhạc không?
Nhược Lan trầm ngâm một lát rồi nói:
- Chúng ta tìm nơi thanh vắng một tí, tôi chán Tây Môn Đình lắm.
- Đến Lam Thiên nhé, ở đó có nhạc cổ điển, nghe nhạc cổ điển có lẽ bổ ích cho tâm linh hơn.
Thu Phàm dìu ngang hông Nhược Lan xuống lầu, nàng trông thấy người ta nhìn nàng với ánh mắt thèm thuồng và ngưỡng mộ, chính nàng thì cảm thấy có phần luống cuống.
Bây giờ hai người đang ngồi trong một góc phòng có ánh sáng vừa đủ để cho người ta nhìn thấy nhau, Nhược Lan hỏi:
- Anh thường đến đây lắm phải không?
- Chỉ thỉnh thoảng thôi.
- Một mình đến đây phải không?
- Vâng ngồi đây nhắm mắt lại nghe nhạc, hay là trầm ngâm để dệt một giấc mộng.
- Anh còn tâm tình đi dệt mộng sao?
- Bất cứ ai cũng nên có một giấc mộng, từ trẻ con cho đến thanh niên, thậm chí những người già cả nữa, cuộc đời là đeo đuổi một giấc mộng mà thôi.
Ngừng lại một lát Thu Phàm hỏi:
- Có phải thế không hả Nhược Lan?
- Nhưng đã lâu lắm rồi, tôi không dám dệt mộng nữa, tôi sống đây là sống cho qua ngày tháng mà thôi.
- Mọi người đều có quyền dệt mộng.
- Nhưng đã có một số người đã bị hiện thực cướp đoạt mất cái quyền hạn thiêng liêng và tối thiểu đó.
- Phải chăng cô cho rằng cuộc hiện thực không dành cho cô thì giờ để dệt mộng?
- Không phải thế, nhưng có mộng đâu để mà dệt?
Nghe Nhược Lan nói, Thu Phàm cười, nhưng khi đó ánh mắt của nàng nhìn thẳng vào mặt chàng, ánh mắt đó sắc bén như dao.
- Tôi là hạng đàn bà tầm thường lắm phải không?
Thu Phàm phủ nhận:
- Ở đây không quan hệ gì đến vấn đề tầm thường hay không tầm thường, bất cứ một người tầm thường nào cũng có một giấc mộng, có người mơ mộng mình sẽ phát tài hay là mơ ước được làm quan to.
Ngay khi đó mỗi cặp tình nhân trong phòng này đều má tựa vai kề nhưng Nhược Lan và Thu Phàm thì có khác. Nhược Lan nhìn một cặp trai gái dìu nhau đi ngang qua bàn nàng ngồi rồi nàng di chuyển ánh mắt sang Thu Phàm cười, nụ cười thật hàm súc khiến cho người ta khó lòng suy đoán nụ cười đó ẩn chứa gì. Thu Phàm suy nghĩ, tại sao nàng cùng ta đến đây nghe nhạc? Giữa hai người đều tự đi tìm một giải đáp. Tiếng nhạc đang du dương quyến rũ, tâm hồn của họ cũng hòa vào trong tiếng nhạc đó.
Tình yêu là gì? Hai chữ tình yêu nhiều khi buồn cười thật, nó khiến cho người hiện thực trở nên mơ ảo, người già càng trở nên trẻ trung. Tình yêu có một sức mạnh vô biên, nó có thể khiến cho chiến tranh bộc phát, khiến cho người hiền lành trở nên dữ tợn. Bỗng Thu Phàm như thức tỉnh, bây giờ chàng đã ý thức được tính chất quan trọng của tình yêu đối với loài người, nó gần như là mục đích mà người đời theo đuổi, nếu thiếu hai chữ tình yêu thì cuộc đời mất đi giá trị và ý nghĩa. Bây giờ chàng đã sáng mắt lên rồi, chàng đã hiểu rõ tại vì lý do gì mà Nhược Lan nói nàng không có mộng.
Ngày xưa người ta lấy đạo đức để đo lường tình yêu, muốn yêu nhau phải hội đủ điều kiện môn đăng hộ đối. Nhưng ở các quốc gia tây phương hay chính tuổi trẻ của chúng ta nữa, đối với quan niệm yêu đương đã biến đổi đi nhiều. Nếu trong người của mình có mang chủ nghĩa duy ái tình hay trọng ái tình thì mình không cần phải quan tâm đến những điều kiện gì ngoài ái tình nữa, chúng ta chỉ biết ái tình là ái tình thế thôi, yêu tức là yêu, không yêu tức là không yêu. ái tình không bị chi phối bởi đạo đức và pháp luật, nó là vấn đề siêu nhiên, nó là vấn đề chí cao, chí thuần, chí thiện và chí mỹ. Nó không bị ràng buộc bởi bất cứ một ngoại cảnh nào. Nếu không thì không nên bàn đến hai chữ ái tình. Mà hiện bây giờ Thu Phàm và Nhược Lan cũng đang lẩn quẩn trong hai quan niệm trên. Hai người đều ưa thích nhau, nhưng thật ra hai bên còn do dự điều gì.
Nhược Lan cười hỏi:
- Anh đang suy nghĩ chuyện gì thế?
- Tôi đang suy nghĩ tại sao cô không có mộng.
- Mộng của tôi đã tan vỡ rồi.
- Cô có thể dệt lại một giấc mộng khác, cuộc sống của cô hiện nay tốt đẹp lắm kia mà?
Nhược Lan bùi ngùi nói:
- Cuộc sống như thế gọi được là cuộc sống hay sao? Chỉ có hai mẹ con hơn nữa con bé lại mất dạy quá.
Thu Phàm hỏi:
- Thế còn ba của Mộng Linh đâu?
- Cháu là đứa con hoang, xin tha thứ cho sự thành thật của tôi.
- Không phải thế, lẽ ra phải trách tôi quá đường đột mới đúng.
Nét mặt của Nhược Lan hơi buồn buồn nói:
- Tôi không muốn nhắc đến dĩ vãng, đời tôi khổ lắm.
Thu Phàm an ủi:
- Bất cứ ai cũng có một câu chuyện dĩ vãng, nếu thật câu chuyện đó tốt lành thì quả đáng ghi nhớ nhưng dĩ vãng đã trở thành quá khứ mất rồi.
- Trong xã hội ngày nay lòng người hiểm độc, đi đến đâu cũng đều nghe người ta nói hiện thực, thực tế.
- Nếu khi nào cần, cô cho tôi biết thì tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ cô, mặc dù tôi từ trong hiện thực đến đây, mặc dù tôi từng nếm thất bại trong trường đời, nhưng tôi không nản lòng, tôi nhất định phải cầm bút, tôi phải viết tất cả những gì thiện ác trong cõi đời này.
- Tôi cảm thấy sự quen biết giữa chúng ta như một giấc mợ Sự quen biết này đối với tôi là một niềm vinh hạnh.
- Cô không nên nói khách sáo như vậy.
- Có lẽ anh ngạc nhiên về tôi lắm phải không?
- Cô muốn nói vấn đề gì?
- Về thân phận của tôi.
Thu Phàm gật đầu, Nhược Lan ngó xuống thật lâu rồi nàng dùng khăn lau mắt. Thu Phàm vội hỏi:
- Có phải tại tôi gợi lên tâm sự buồn của cô?
- Nếu tôi có thể nói rõ cho anh nghe thì anh có thông cảm với tôi không?
- Tôi hiểu biết cô.
- Nếu một ngày nào đó anh đã rõ cuộc đời tôi thì anh còn đối đãi với tôi như hiện giờ không?
- Chúng ta quen nhau là hiện tại, quá khứ không cần biết đến nó làm gì, chỉ có hiện tại là thực tế nhất.
Thu Phàm trầm ngâm giây lát rồi như nhớ lại nói:
- Ồ quên nữa, để tôi đi gọi điện thoại.
- Anh còn việc phải làm sao?
- Không, tôi cần điện thoại cho người bạn tí.
Bây giờ Thu Phàm đứng bên cạnh điện thoại quay số và nói:
- Tôi là... giáo sư Phàm đây.
- Giáo sư đó hả, chị Linh đi rồi, tôi cản chị ta lại nhưng không được, có lẽ chị ấy đi nhảy đầm đó.
Thu Phàm hỏi:
- Cô ta đi vũ trường nào em có biết không?
- Có lẽ chị ấy đi Hỷ Lâm Môn.
- Thôi được, để thầy nghĩ cách.
Thu Phàm gác ống điện thoại rồi trở về chỗ ngồi nói với Nhược Lan:
- Bây giờ tôi đã có ý kiến hay.
- ý kiến thế nào?
Thu Phàm nhìn Nhược Lan cười:
- Nhưng cô có đồng ý không?
- Đâu anh nói tôi nghe nào.
- Đâu cô thử đoán coi có đúng không?
- Thuộc về loại nào?
- Nếu nói ra thì khác nào cho cô biết trước.
Nhược Lan lẩm bẩm:
- Hôm nay chúng ta xem triển lãm, nghe nhạc...
- Còn nữa?
- Tôi đã kể chuyện con Mộng Linh cho anh nghe.
- Tôi định mời cô xem xuất chiếu bóng năm giờ.
- Phim gì thế?
- Cô chọn đi.
- Tốt hơn hết là xem phim vui, vì cuộc đời quá buồn chán, chúng ta không nên xem phim buồn nữa.
- Vậy thì chúng ta xem...
Thật ra Thu Phàm chưa biết tuồng nào hay, chàng vội gọi bồi bàn mang cho chàng một tờ báo. Nhược Lan trông thấy cử chỉ có khi giống trẻ con của chàng mà nàng mở một nụ cười thật hồn nhiên.