Phần 25
Lễ An Táng

Sơn dương đem La Bàn đi tìm long mạch mãi mới chọn được một huyệt rất tốt. Theo phép địa lý nói rằng chôn vào huyệt này mả sẽ phát con cháu... đẻ như... gà đẻ.
Huyệt đào rất sâu, bên dưới lót toàn cỏ non mềm dịu, chung quanh mình Gà cũng bọc toàn lá non. Nhà đại văn hào Sóc được lệnh phải làm một bài văn tế ca tụng những đức tính quí hóa của Gà Mái. Sóc thấy Quốc Vương trao cho hắn trách nhiệm nặng nề quá, sợ toát cả mồ hôi. Xưa nay tuy Sóc nổi tiếng “ đại văn hào “ thực, nhưng lúc còn đi du học, văn chương của hắn chỉ chuyên dùng để viết thư xin tiền cha mẹ. Đến lúc về nhà thỉnh thoảng hắn cũng có viết lách lăng nhăng, nhưng chỉ chuyên môn viết loại văn “ Báo hỉ”, “ Ai tín”, hay “ Bá cáo việc riêng”, “ Minh tạ lương y” chi loại mà thôi. Phần nhiều người ta chỉ nhờ hắn viết loại ấy và trả tiền nhuận bút rất hậu, vả lại công việc cũng dễ dàng, mẫu “ văn chương” đã có sẵn chỉ thay đổi tên họ và ngày tháng của “ tang gia” “ đương sự” hay “ đôi trẻ” gì đó là xong, ăn tiền ngon lành và dễ như ăn ớt. Lâu nay hắn vẫn sống bằng ngòi bút và cái chức “ đại văn hào” của mình một cách phong lưu như thế nên thấy đời sao mà đẹp lạ lùng, miễn là thiên hạ cứ cần phải nhờ hắn viết những tấm thiếp “ báo hỉ”, “ ai tín” ấy là hắn còn phong lưu sung sướng.
Kể từ lúc Quốc Vương Sư Tử lên cầm quyền hắn bắt đầu cảm thấy mình hơi thiếu chữ. Mỗi khi Quốc Vương bảo viết bài văn nào là như rằng hắn không tìm thấy những chữ cần dùng thích hợp. Hôm nay cũng thế, Sóc lật tất cả những sách báo cũ, giấy nợ, thư tình, giấy cầm đồ v... v... tung cả lên để tìm, hy vọng có bài nào hơi giông giống một chút chép đại ra dùng tạm. Đến lúc đọc dặn mấy con gà con cứ khóc bù lu bù loa tướng lên thì chẳng còn ai nghe thấy gì nữa. Nhưng khổ một cái tìm mãi chẳng có bài nào hơi giống, hay văn tế người khác cũng không có để hắn có thể “ phỏng” hay “ lược” hay “ sao lục” cho đỡ khổ.
Sau cùng Sóc nhớ lại lúc còn bé có đi xem đưa đám một danh nhân, hắn có nghe lõm bõm người ta đọc văn tế, cái gì mà “ hỡi ôi” “ than ôi” rồi “ nhớ linh xưa” rồi “ ô hô” “ ai tai” gì lung tung cả lên. Hắn bèn cắn bút nghĩ ngợi và viết đại một bài để nộp. Điều hắn khổ tâm nhất là Quốc Vương nhất định đứng chủ tế cho được lòng bách thú, nếu không, dù hắn có đưa bài hát “ Mong anh khóa” ra đọc cũng không ai biết.
Sóc cố sắp ngang, sắp dọc, xoay bên tả, xoay bên hữu tất cả mấy cái chữ “ hỡi ôi”, “ nhớ linh xưa” ấy, góp với những đức tính của mụ Gà Mái hắn vừa điều tra viết mãi mới được mấy dòng:
Văn tế Gà Mái
Hỡi ôi! Hỡi ôi! Hỡi ôi!
Gà Mái! Gà Mái! Gà Mái!
Nhớ linh xưa,
Đoán mộng như thần
Lại biết tinh nghề toán bói
Thời oanh liệt, trong một năm đẻ trứng hơn ba trăm
Từng độc chiếm giải “ quán quân sinh sản”
Buổi tang thương, chỉ mấy phút, chết con hàng nửa tá
Được tứ ban câu “ Kê đức khả phong”
Than ôi!
Từ nay..
Lấy ai dạy trẻ viết ngoài vườn
Hết kẻ ấp con nằm trong ô?
Bọn “gà bồi” chẳng được dạy răn
Việc “ tục tác” thôi đành bỏ dơ?
Hỡi ôi!
Hồn có linh thiêng
Xin chứng dám
Vài hạt gạo
Một nắm co?
Lễ đơn sơ nhưng chan chứa lòng thành
Mai đây dù chẳng hiển linh
Cũng phải nhớ về phù hô.
Lễ hạ huyệt cử hành rất long trọng, Sư vương nói mấy lời chia buồn với tang gia, không quên nhấn mạnh rằng: “ Kê phu nhân chết như vườn Thượng Uyển mất một đóa hoa xinh đẹp nhất” Vương Phi tuyên bố: “ Kê phu nhân là một Nữ Anh Hùng của dân tộc, suốt đời đã tranh đấu cho Nữ quyền.. v. v.”
Lừa tán dương: “Kê phu nhân là người mẹ kiểu mẫu”. Điều này ai cũng có thể chấp nhận được. Đến lúc Chuột Nhắt dám quả quyết rằng: “ Kê phu nhân suốt đời đã tận tụy hy sinh cho tổ quốc và giống nòi, mặc dầu Bà mất đi nhưng tinh thần tranh đấu kiên cường vẫn còn tồn tại mãi với non sông “ thì ai cũng thấy là hơi... lạc đề!
Nhưng thôi, đời ai chẳng có một lần chết, nhằm nhò gì ba cái lặt vặt cho đẹp lòng nhau ấy. May rủi cả, nếu biết chết cho đúng lúc, đúng kiểu thì lắm khi cũng thu hoạch được khá nhiều lời chúc tụng vui vẻ cả làng. Đối với một kẻ “ tài hoa bạc mệnh” như mẹ Gà Mái thì chỉ nên thương chứ không nên ganh ghét.
Đọc diễn văn xong, Sư vương vừa đói vừa mệt. Trở về chưa đến nhà đã kêu đói ầm lên, bảo Vương Phi phải làm ngay món ăn tẩm bổ: một tá trứng gà tươi chiên ốp lết với nấm Linh Chi để khai vị. Món chính là 6 con gà tơ chưng cách thủy với Hà Thủ Ô và Kỷ Tử. Đáng lẽ ngày thường thì món gà luộc chấm với tiêu muối chanh hành rau răm cũng ngon tuyệt vời rồi, nhưng nay gà Mái mẹ đã được phong: “ Nhất Phẩm Kê Phu Nhân” thì con cháu cũng có phần thơm lây. Phải nấu ăn cách nào cho xứng với chức tước và danh dự của chúng nó.
Lễ an táng hoàn tất, tấm bia trên có khắc mấy chữ “ Kê phu nhân chi mộ” cũng đã dựng xong, bá quan ai về nhà nấy yên nghỉ, chỉ có một mình Thỏ xin tình nguyện ở lại canh mộ cùng với tang gia. Sáng hôm sau Thỏ thức dậy rất ngạc nhiên và mừng rỡ thấy bệnh nhát gan kinh niên gia truyền của hắn đã khỏi hẳn. Tin này loan ra rất chóng, chẳng mấy chốc tất cả triều đình đều biết. Chó nhà đến mách với chó Sói, và Sói cũng muốn đến nằm bên mộ để may ra khỏi bệnh ngu đần.
Sói mời Sóc, Khỉ và một số đông các quan văn võ cao cấp cùng đến làm lễ mở cửa mả. Cả bọn nằm xuống bên cạnh mộ, một lúc sau Sói đứng dậy và tuyên bố bệnh ù tai kinh niên của hắn đã khỏi hẳn, còn bệnh ngu đần không nghe nhắc đến.
Sóc kêu lên một cách thành kính:
- Thật là thánh tích!
Sói thêm:
- Như thế nghĩa là Chồn đã hại một Nữ Thánh của chúng ta!
Lợn Lòi đi ngang qua nghe thấy lắc đầu thở dài:
- Tội nghiệp cậu Chồn, phen này có chạy đằng trời!