Chương 16
Những phút cuối cùng của Lê Phong

Bỗng thấy tiếng cười làm Lê Phong quay nhìn lại. Người trẻ tuổi, bộ mặt độc ác, vừa nhoẻn miệng một cách khả ái vừa hỏi Lê Phong:
- Thế nào, ông Lê Phong, nhà thám tử đại tài, ông không quát nữa đi? Thế ra trước sự chết người ta không được hùng hổ lắm nhỉ.
Lê Phong không thèm đáp, đôi mắt lạnh lùng nhìn thẳng vào mặt hắn, mặt không biến sắc, và tuy bị trói ngồi ở một mép phản gỗ, anh cũng không tỏ ra một dáng gì là khiếp nhược.
Ngực anh ưỡn lên ngạo nghễ, như khiêu khích kẻ thù.
Người trẻ tuổi cười gằn:
- Hừ! Ông Lê Phong định trêu tức tôi, định đáp lại tôi bằng cái yên lặng khinh bỉ. Nhưng nhờ trời, tôi được cái không nóng tính làm việc gì cũng có phương pháp, có thì giờ hẳn hoi.
“Bây giờ, trong lúc ông còn ở dương gian, tôi còn muốn cho ông mến cái tài hành động của tôi... không ít ra cũng phải biết tôi có những thủ đoạn gì... để khỏi ân hận rằng không có người địch thủ xứng đáng... ”
Rồi hắn lại cười, ngồi xuống phản bên cạnh Lê Phong, xem đồng hồ tay, lấy thuốc ra hút, ngoảnh nhìn mọi người sắp nói một câu chuyện bình thường và thân mật.
- Ông Lê Phong ạ, mỗi người chúng ta có một tính xấu nhỏ. Cái tính xấu nhỏ của tôi cũng tương tự như lòng tự ái của tác giả một quyển sách, nghĩa là tôi muốn cho người khác, thí dụ như ông chẳng hạn, hiểu cái đẹp của sự nghiệp mình...
Vụ án mạng Trần Thế Đoàn, thưa ông, cũng là một tác phẩm có giá trị đấy. Tác giả, Nghĩa là người chủ động vụ án mạng, chính là Lương Hữu, chính là người có cái hân hạnh được hầu nghe, chuyện ông đây... Vậy trước khi đưa ông đi sang thế giới khác, tôi xin ông hãy lắng tai mà nghe.
Lê Phong vô tình chú ý. Anh quên cả cái thế nguy hiểm cho mình lúc đó, đôi mắt long lanh tỏ ra vẻ muốn hiểu, muốn biết. Thấy thế người trẻ tuổi cười, gật đầu:
- Ông quả là một nhà nghệ sĩ, tôi rất vui lòng rằng câu chuyện của tôi không bị ông bỏ ngoài tai. Vả lại, ông có đủ các nhẽ để biết cho tường tận... Trước hết tôi tưởng nên nói để ông rõ uyên uỷ việc hành động này phần nhiều nhờ vì nghệ thuật...
Bỗng Lê Phong cười gằn:
- Phải, nghệ thuật sát nhân, nghệ thuật ăn cướp.
Lương Hữu thản nhiên đáp:
- Giết người, ăn cướp! Cũng là nghệ thuật chứ sao?
Lê Phong thấy chướng tai, thấy những lời sống sượng kia nói ra một cách bình tĩnh ghê gớm, thì cơn giận lại đùng đùng chực nổi, anh cố nén mới khỏi để lộ ra nét mặt.
Lương Hữu lại tiếp luôn:
- Chứ không ư? Nếu không có những phương pháp nghệ thuật tuyệt xão, tuyệt mỹ thì khi nào việc này nhanh chóng được đến thế? Ông tính, giữa trường đại học, trước bao nhiêu là con mắt, ấy thế mà chỉ thoáng một cái, một người chết ngay tại trận, chết một cách quyền bí lặng lẽ, không ai ngờ vì không ai hiểu, cả đén những tay thành thạo của sở Liêm phóng cũng vậy:chỉ trừ ra có ông... Phải chỉ có Lê Phong! Lê Phong biết trước việc của chúng tôi, nhưng biết trước cũng vô ích. Vì lúc ấy nhà phóng viên đại tài có ngờ đâu đến cái vật nhỏ mọn này.
Nói đoạn, hắn đưa cái máy ảnh vẫn cầm ở tay lại gần cho Lê Phong xem, và làm như một người giảng bài, hắn vưà chỉ vào các bộ phận vừa nói:
- Một vật rất nhỏ mọn, không có dáng chi hết, hay chỉ có dáng hiền lành của một cái máy ảnh thôi. Ấy thế mà công dụng của nó lớn lắm kia đấy. Ông xem, cũng ống objectif cũng khuy vặn mise au point để ngắm, cũng khuy bấm déclencheur, cũng cái kính viseur...
“Một công trình sáng tác có một không hai mà tôi đã khổ tâm lắm mới nghĩ ra được... Ông xem cuộc du học của tôi trong mấy năm ở bên Pháp có phải là vô ích đâu...
“Nếu ông Lê Phong của tôi cũng đã khảo cứu về máy móc, ông sẽ phải nhận đấy là một chứng cớ  của một thứ thông minh sáng tác, nhưng tôi, tôi chỉ xin nói đến cái thông minh hoạt động trong vụ ám sát khó khăn này.
“Việc cốt yếu của chúng tôi là phải giết một người, một người có danh tiếng nhất nước Nam, phải giết ngay, nếu để chậm mấy giờ là mọi việc lớn hỏng cả. Thế mà người ấy không ở chỗ vắng, không có một cái gì ra khỏi Hà Nội, để chúng tôi có thể lừa bắt được, như đã lừa bắt được ông Lê Phong... Lúc người ấy cần phải chết lại là lúc khó giết nhất.
“Vậy làm thế nào?
Ngừng lại một lát để châm điếu thuốc thứ hai, rồi hắn lại tiếp:
- Trả lời được câu hỏi đó, chúng tôi đã có cái máy ảnh...
“Vậy cùng với đám công chúng, sáng hôm nay, tôi cầm cái máy ảnh vào dự lễ phát bằng. Được lắm. Nhà thiếu niên y khoa bác sĩ ngồi kia, ở trước mặt và cách chúng tôi chừng hơn hai chục thước. Tôi cũng làm như một người chơi máy ảnh thực thụ, vặn objectif là một thứ miệng súng lục trong cái máy ảnh của tôi... cái ống objectif ấy sẽ không thu hình người tôi ngắm, nhưng sẽ phát ra một thứ đạn riêng ở ngăn buồng tối. Thứ “đạn” ấy là một thứ kim tiêm chế theo một kiểu thích hợp, trong lòng tiêm có một thứ thuốc độc mau nhậy một cách không ngờ. Cái kính viseur dùng trong các máy thường, để cho đúng chỗ chụ thì ở máy này dùng để nhắm đúng cái điểm nào trên người ông mà kim sẽ bắn tới. Còn cái vặn mise au point là thứ không có ích chỉ để đấy làm vì...
“Thực là một thứ súng lục tối tân, có phải không ông? Nhưng thứ súng lục này có thể mang vào các nơi mà người dùng nó không bao giờ bị ai ngờ vực gì... Tôi có thể giết người ở giữa đám đông người cũng dễ như những hung thủ tầm thường giết người ở chỗ vắng...
“Vâng tôi chỉ có việc ngồi trên cái ghế trong trường Cao đẳng, ngắm trước người tôi sẽ giết và đợi dịp và đợi dịp... Dịp ấy là lúc có những luồng chớp magnésium của những người thợ ảnh trong nghề. Tôi chỉ giơ máy lên một cách tự nhiên, tôi nhắm rồi tôi bấm déclencheur, rồi ung dung ngồi xem kết quả”.
Hắn cười lên mấy tiếng khẽ:
- Kết quả thật nhanh chóng. Đoàn bị giết ngay lập tức, không kịp cử động, không tỏ một dấu gì là đau đớn, đến nỗi không ai ngờ đến án mạng, không ai dám bảo là Trần Thế Đoàn bị giết, trừ có ông Lê Phong...
“Bài tường thuật của ông trong số báo “Thời Thế” ra chiêu hôm nay, xin thú thật rằng đã làm tôi bất mãn nhiều lắm, bởi vì những điều nhận xét của ông rất đúng và cuộc điều tra mà ông hứa sẽ theo đuổi, thế nào cũng sẽ trở ngại cho công việc riêng tôi. Đối với một tay phóng viên thường, thì có lẽ một bài công kích khéo viết của tôi cũng đủ lấy lại dư luận ngay, nhưng tôi đã có nhiều lần biết tiếng ông, và phục tài ông nữa. Tôi biết rằng nếu tôi để ông yên, thì trái lại, ông không khi nào để tôi yên. Ngay từ số báo hôm nay, tôi đã thâý rõ sự quả quyết của ông và đã lo rằng việc của tôi có lẽ bại lộ mất...
“Bởi vậy, muốn cho việc trước và những việc quan trọng của tôi sau này được hoàn hảo như ý tôi đã định, tôi phải mời ông đến đây... ”
Rồi hắn nhìn Lê Phong bằng đôi mắt lạ lùng nữa như dò xét, nữa như chế giễu:
“Hừ! Tôi mời ông đến đây- mời bằng một cách riêng của tôi- Không phải là để có ý dụ dỗ ông đâu, vì tôi biết lương tâm nhà nghề là một điều ông trọng hơn cả tính mệnh! Tôi mời ông đến, chỉ có một chủ ý, một chủ ý tha thiết... là...
Đôi mắt hắn bỗng như sáng lên bởi cái ý nghĩa nham hiểm. Hắn giơ cái “máy ảnh” lên, rồi lại tiếp:
“Là... như tôi đã nói, để thí nghiệm, để ông được biết cái hiệu lực thứ thuốc độc tôi chế ra dùng trong vụ này... Ồ! Ông Lê Phong không lo, vì ông sẽ không đau đớn lâu, có lẽ chỉ trong mấy giây đồng hồ thôi, vì cái kim tiêm bắn ra, máu chỉ thông chuyển độ hai giây là quả tim ông ngừng đập... Bây giờ là mười hai giờ mười phút, nghĩa là còn mười phút nữa, tôi sẽ ở nhà cô Loan, tôi tiếc là phải vĩnh biệt ông ngay, giá còn thì giờ thì tất tôi không bỏ phí một dịp tốt được hầu chuyện ông...
“Nào bây giờ là lúc quan trọng, ta phải đưa người này sang đời khác, anh em đứng đó cho lễ phép để chào ông Lê Phong”.
Nói đoạn Lương Hữu cũng đứng lên, trong lúc ba tên kia vây chung quanh anh, lột vẻ mặt sung sướng như sắp được thấy một trò vui mắt.
Lê Phong lúc đó mới chợt tỉnh lại. Anh mới hiểu lại cái chủ ý của bọn gian ác và lấy làm lạ rằng sao mình đã thản nhiên từ trước đến giờ.
Tuy anh vẫn không lộ ra vẻ khổ sở tuyệt vọng, song trong lòng không khỏi có những tình cảm bi đát não nùng.
Có ngờ đâu cái kết quả công lao khó nhọc của anh lại thảm khốc đến bực này, anh biết rằng không có một phương kế gì làm cho bọn người không có chút lương tâm kia ngừng tay lại nữa.
Cái máy ảnh vẫn giơ trước mặt anh.
Lê Phong nín thở vì trông thấy ngón tay trỏ của Lương Hữu đã cẩn thận đã đặt vào khuy bấm và lựa cho ống ảnh trỏ vào quả tim anh. Sự yên lặng ghê gớm như đè nén không khí xuống. Sự yên lặng nặng nề, nghiêm trọng, khiến cho cả mấy tên gian ác cũng như lo sợ và thầm mong cho việc kết liễu nhanh hơn lên...
Lương Hữu thì vẻ mặt trầm ngâm, lại hình như lấy làm khoan khoái được thấy kẻ thù bị khốn trong tay mình. Hình như nó thấy cái “hấp hối” của Lê Phong càng kéo dài ra nó càng vui thích... Rồi chợt nghĩ ra một kế, hắn bật cười bảo một tên đồng đảng:
- Lấy diêm.
Tên đồng đảng lấy một bao diêm cầm ở tay.
- Đánh lên!
Tên kia theo đúng như lời.
- Cầm ngang que diêm để giữ cho nó cháy đến hết. Que diêm ấy tức là những phút chót cuối cùng của Lê Phong đấy... Kìa, nó đang cháy, nó cháy mãi, đến lúc nó tắt thì một cái bấm máy, một tiếng “tách” thế là hết đời nhà phóng viên...
Lê Phong, như trong giấc mơ, nhìn ngọn lửa kia như nhìn thấy cái chết của mình.
Que diêm ngắn dần, trước còn một nữa rồi còn đến phần ba, rồi sau chỉ còn một điểm sáng rất nhỏ, rất yếu, chỉ chực tắt... Rồi sau cùng, tắt hẳn.
Ngón tay trên khuy máy vừa bấm xuống được chừng non nữa phút, thì Lê Phong, mặt tái mét, ngã rũ xuống đầu gục bên chân phản, hai mắt nhắm nghiền.
- Thế là xong!
Đó là lời của Lương Hữu  nói lên trước hết.
- Bây giờ đến nhà con Loan. Trước ba giờ đêm nay, mọi việc phải xong cả.
Giọng nói nghe quả quyết lạnh lùng như một câu truyền lệnh. Mấy tên đồng đảng rấp nghe theo. Chúng không nói nửa lời, đưa mắt nhìn cái thây chết một lần cuối cùng, rồi yên lặng ra đi. Lương Hữu thong thả bước ra sau điềm nhiên như người ra khỏi hàng cao lâu, một mẫu thuốc lá vẫn phí phèo cháy ở một bên mép.