Chương 10

Cô bảy Hợi từ nhà bên cạnh chạy về, hấp tấp leo luôn lên gác gọi ông sáu Long:
- Anh sáu à! Anh sáu!
Ông sáu Long đang ngồi xếp một con cò bằng giấy cho con Nương chơi, nghe cô bảy gọi giật ngược, ông quay quắt lại phía cầu thang. Dáng điệu của cô bảy làm cho ông hơi băng khoăn:
- Việc gì vậy, cô bảy?
Cô bảy Hợi sà xuống ngồi xổm bên cạnh ông hỏi nhanh:
- Anh muốn đi làm hôn?
Ông sáu Long xoáy mắt nhìn em mình:
- Cầu có việc mà làm chớ. Nằm không hoài cho mục xuơng hay sao? mà làm công việc gì đó, cô?
- Làm cu li.
Ông sáu Long cười lạnh và tỏ vẻ chán nản:
- Cũng cu li nữa! Rồi họ bắt tôi rửa cầu, hốt giấy dơ nữa! Thôi tôi xin bái!
Cô bảy Hợi nói nhanh:
- Không, không phải làm thứ cu li trong hãng kêu anh hôm trước đó đâu. Làm chõ nầy sướng lắm mà.
Nghe vậy, ông sáu Long chận hỏi:
- Làm ở đâu?
- Trường học. Tối ngày chỉ có việc đóng cửa trường, mở cửa trường. Lớp học thì có học trò nó quét, anh cũng khỏi quét. Chỉ có bao nhiêu công việc vậy thôi.
Ông sáu Long tỏ vẻ vui mừng:
- Trường nào đâu?
Cô bảy Hợi chỉ tay:
- Trường học đằng trước nhà mình đây nè.
Ông sáu Long liền phăng tới:
- Ai nói cho cô biết trường học đó cần cu li?
- Cô giáo Đào ở khít vách mình đây nè. Cô dạy học trong trường đó đó. Nãy giờ, tôi ngồi bên nhà cổ, tình cờ cổ nói chuyện nên tôi mới biết. Nếu anh chịu làm thì tôi chạy qua nói với cô giáo Đào, nhờ cổ đem vô dùm.
Ông sáu Long gật đầu không cần đắn đo:
- Ừ, cô qua hỏi thử cô giáo coi.
- Còn hỏi thử gì nữa, tôi nhờ cổ là đuợc liền mà. Bây giờ, anh đi với tôi, qua bên cô giáo chơi rồi nói chuyện luôn.
Ông Long mừng rỡ:
- Đi thì đi.
Nói đoạn, ông ẵm Nương đứng dậy theo cô bảy Hợi sang nhà cô giáo Đào.
Vừa bước vào cửa là cô bảy Hợi nhanh miệng giới thiệu:
- Anh sắu của tôi đây,cô ba.
Cô giáo là một thiếu phụ trẻ đẹp. Cô mặc bộ bà ba trắng trông cô như một nữ sinh, không ai biết được rằng cô đã có một con, đứa con trai mới biết đi lẫm đẫm. Cô giáo Đào đang đứng trước gương tủ chảy tóc, nghe tiếng cô bảy Hợi, cô liền quay ra tươi cười và khẽ cúi đầu chào ông sáu Long:
- Thưa bác. Mời bác ngồi chơi.
Ông sáu Long chào đáp lể chủ nhà, đoạn bước thẳng vào trong. Cô giáo đào tất tả ra kéo ghế mời ông ngồi và chạy đi rót trà mời ông uống.
Ông sáu Long đã biết mặt vợ chồng cô giáo Đào từ ngày mới lên đây, nhưng mãi tới hôm nay ông mới bước qua nhà cô giáo. Vì vậy, tuy quen biết mà thành xa lạ. Ông đảo mắt quanh nhà, đoạn khơi đầu bằng một câu xã giao, nhưng không kém thân mật:
- Thầy giáo chạy đâu vắng rồi cô?
Cô giáo Đào ngồi lại bên cạnh cô bảy Hợi bên ( đi văng ) vừa đáp:
- Anh ba con mới dắt thằng Thái ra chơi trước đường á bác. Chắc chút xíu nữa anh vô bây giờ.
Cô bảy Hợi phát nhẹ lên vai cô giáo:
- Mai cô có đi dạy hôn, cô ba?
Cô giáo Đào khẽ lắc đầu:
- Dạ không, mai thứ năm, tôi ghĩ. Chi vậy, cô bảy?
Cô bảy Hợi ra vẻ nghiêm trọng nói nhỏ:
- Anh Sáu tôi với tôi tính qua nhờ cô ba với thầy ba một việc...
Dường như cô bảy Hợi còn ngại ngùng nên nín lặng luôn tại đó.
Cô giáo đào vẫn giữ nguyên nụ cười tươi trên môi:
- Việc chi đó, cô bảy?
Cô bảy Hợi đưa mắt qua ông sáu Long, rồi nhìn ngay cô giáo:
- Về việc trong trường học cần người làm cu li mà cô mới nói chuyện với tôi hồi nãy đó.
Kịp hiểu ý cô bảy Hợi, cô giáo Đào khẻ gật:
- Dạ, nhà trường đang cần gấp lắm.
Cô bảy Hợi nhanh miệng phân trần:
- Anh sáu tôi đang kiếm chổ làm. Hồi nãy, tôi nghe cô nói vụ đó, tôi mới chạy về cho anh sáu tôi hay coi ảnh chịu làm cu li trừơng hay không, rồi mới qua nhờ cô giúp dùm...
Cô giáo Đào vui vẻ đỡ lời cô bảy:
- Dạ được, nếu bác sáu bằng lòng làm trong nhà trường thì tôi giới thiệu cho.
Ông sáu Long định xen vào thì cô bảy Hợi hớt ngang:
- Vậy thì xin cô làm ơn giúp cho ảnh có chỗ làm. Theo tôi thì muốn ảnh ở nhà trông coi nhà nữa dùm tôi đặng tôi đi bán trái cây, nhưng mà ảnh không chịu ngồi không.
Cô giáo Đào nhìn sang ông sáu long:
-Ngày mai thứ năm, trường nghĩ, mình phải chờ sáng thứ sáu. Sáng mốt, bác đi với con ra ngoài trường, rồi con sẽ giới thiệu cho bác vô làm.
Ông sáu Long nhẹ gật:
- Dạ, mọi việc nhờ cô. Cô giúp dùm tôi, tôi đội ơn cô lắm.
- Không có chi bác à. Cùng xóm với nhau, giúp đỡ nhau là thường mà, không có chi đáng là ơn nghĩa đâu bác.
Cô bảy Hợi hỏi nhỏ:
- Cô ba có biết làm trong trường  mà được chừng bao nhiêu lương hay không?
Cô giáo Đào đáp gọn:
- Sáu trăm.
Cô bảy Hợi tắc lưỡi:
- Khá lương quá chớ.
Cô giáo Đào cho biết thêm:
- Như tôi đã nói chuyện cho cô nghe hồi nãy là làm cu li trong đó chẳng có gì nặng nhọc hết. Nếu không có nhà ngoài thì ở luôn trong trường cũng được. Thứ năm, chúa nhật lại được nghĩ nữa.
Ông sáu Long nghe cô giáo nói vậy, ông lấy làm vui mừng.Ông vừa định hỏi cô giáo, thì cô bảy Hợi nhanh miệng:
- Còn mấy kỳ bải trường?
Cô giáo Đào đáp:
- Bãi trường cũng được nghỉ, chỉ làm việc ngày nào có học trò vô lớp mà thôi.
- Như vậy, mình có được ăn lương hay không, cô ba?
- Cũng vẫn ăn lương như thường chớ.
Thế rồi câu chuyện giữa cô bảy Hợi với cô giáo Đào cứ tiếp nối không ngớt. Cô bảy Hợi dồn dập hỏi đủ điều làm cô giáo Đào trả lời muốn không kịp.
Ông sáu Long chỉ ngồi nghe mà chẳng xen vào được câu nào.
Kỳ đầu tiên, lãnh được 12 ngày lương, ông sáu Long liền ngồi xe ngựa đi thẳng xuống chợ Saigon mua một thước hai vải bông màu xanh,  đỏ với một cái xà rông. Cái xà rông là phần của ông, còn vải bông thì ông định đem về mượn cô bảy Hợi cắt may cho con Nương một bộ đồ.
Mua chỉ có bấy nhiêu đó mà ông đi từ hồi tan học chiều cho đến tám giờ tối ông mới về tới nhà.
Vợ chồng ba Đông đang đứng ngóng đợi ông trước cửa. Vừa thấy ông về tới với gói giấy trên tay, cô bảy Hợi liền hỏi:
- Anh đi dâu dữ vậy, anh sáu?
Như không mấy hài lòng về câu hỏi của cô bảy Hợi, ông đáp giọng nghe xuội lơ:
- Đi chợ Saigon.
- Anh đi Chợ Saigon chi vậy?
- Mua vải may quần áo cho con Nương.
Cô bảy Hợi còn đứng chận ông ngoài hàng ba:
- Tiền đâu mà anh mua?
- Mới lãnh lương.
Cô bảy Hợi cũng không mấy vui:
- Chưa chi hết mà anh đã lo cho con Nương rồi.
Nét mặt ông sáu Long sa sầm:
- Tội nghiệp nó, quần áo nó không còn cái nào lành lặn hết.
Cô bảy Hợi rút lấy gói vãi kẹp trong nách ông sáu Long hạ thấp giọng phân bày:
- Vậy mà anh không nói với tôi, có may thì để thủng thẳng rồi tôi mua vải may cho nó với mấy đứa nhỏ kia. Anh mới đi làm được chút đỉnh thì nên cất đó, mua sắm thứ gì cần cho anh đó thôi.
Ông sáu Long đi thẳng vào nhà, vừa nói:
- Thôi, cô chạy ăn là quá rồi. Quần áo của con Nương để tôi lo. Tôi lo cho nó đến đâu hay đến đó.
Ông vừa dứt lời thì con Nương loạng choạng chạy ra ôm chân ông sáu Long rồi khóc sướt mướt. Tưởng là nó tủi thân vì ông bỏ nó. Ông cúi xuống ẵm nó lên tay xoa đầu nó:
- Thôi con, Nội đi mua đồ mà, mua vải may quần áo mới cho con mà, chớ đâu phải nội bỏ con, nội đi chơi một mình...
Bổng ông nghe bàn tay ông ướt nước, xoè tay ra ánh đèn xem, ông mới biết tay ông dính muối, muối đó từ trên đầu con Nương. Ông sáu Long liền vạch tóc con Nương xem xét rồi ông kêu lên thảnh thốt:
- Ủa! Đầu con sao u một cục bằng cái trứng vịt vầy nè?
Cô bảy Hợi đứng sau lưng ông sáu Long nháy nhó ra dấu với mấy đức con, nhưng con Hớn vô ý vọt miệng:
- Thằng Hơn xô con Nương té đó à cậu sáu. Má con mới lấy muối đắp cho nó đó.
Ông sáu Long tắt lưỡi xót xa và hỏi con Hớn:
- Con Nương té chổ nào mà u đầu?
- Nó ngồi trên di văng té ngữa xuống đất.
Ông sáu Long không ngớt tắt lưỡi:
- Trời đất ơi! May hôn bể đầu con nhỏ.
Và ông hỏi sang thằng Hơn:
- Sao con xô em cho nó té vậy, Hơn?
Thằng Hơn cúi mặt làm thinh. Con Hớn mới hài tội em nó trước sự bất bình của cô bảy Hợi:
- Con Nương ngắt đầu con dế mọi của thằng Hơn, rồi thằng Hơn giận xô con Nương té.
Nghe con Hớn nói vậy, ông sáu Long lấy làm tức giận, nhưng không dám rầy thằng Hơn, sợ vợ chồng cô bảy Hợi buồn và cho rằng ông binh người dưng mà bỏ con cháu ruột.
Ông chỉ vò đầu con Nương vỗ về:
- Thôi, nín đi con. Để rồi Nội rầy thằng Hơn. Nín mất đi con.
Con Nương vẩn còn khóc tức tửi. Ông sáu Long ẵm nó đi ngay ra sau bếp lấy nước rửa mặt cho nó trong lúc cô bảy Hợi hét thằng Hơn:
- Mày lớn đầu rồi nghe Hơn. Mày có nuôi dế thì mày dấu đâu, đừng cho con Nương thấy. Mày chưng chưng trước mặt nó làm chi cho nó ngắt đầu rồi mày xô nó. Nó nhỏ mà nó biết gì.
Thằng Hơn lằm bằm:
- Ai chưng trước mặt nó đâu? Con cho hai con dế đá,cái nó chạy lại nó bắt ngắt đầu của người ta. Ai biểu... té ráng chịu.
Cô bảy Hợi nhìn chừng ông sáu Long và hét lớn hơn:
- Mày đừng ngu quá như vậy. Mày xô nó, rủi nó bể đầu, làm sao? mai mốt mà mày còn như vậy nữa là mày coi tao.Tao đập mày chết.. Tao đập mày chết...
Cô bảy Hợi cứ nhai đi, ngiến lại những tiếng đe dọa: tao đập mày chết.. Tao đập mày chết! Nhưng thằng Hơn chẳng chút nao núng, nó còn trề môi, le lưỡi, nhắm một con mắt nháy lại.
Thấy vậy, con Hớn cú lên đầu nó cái cốc:
- Thằng quỷ!
Cô bảy Hợi lại binh vực cho thằng Hơn, mắnh lại con Hớn:
- Sao mày rủa nó? Việc gì thì để tao dạy nó, mày đâu được phép mắng rủa nó.
Biết là cô bảy Hợi binh con, giả đò la hét thằng Hơn cho mát ruột anh mình, ông sáu Long hết sức bất bình, nhưng ông không dám hở môi, sợ xảy ra việc buồn vui trong gia đình. Ông phải cố nén lòng làm thinh..
Ông ẵm con Nương leo luôn lên gác. Thấy cái đầu u của con Nương, ông càng đau đớn trong lòng. Ông thả nó ngồi xuống ván sàn, nó liền đưa tay nhẹ rờ cục u, rồi lại mếu khóc nữa.
Ông ứa nước mắt, vuốt ve nó:
- Thôi con, Nội biết rồi... Con té đau lắm, phải hôn? Phải biết trước, thì Nội đâu có đi chợ.
Đoạn ông kéo vạt áo mình đem lau nước mắt cho con Nương. Con Nương rúc đầu vào ngực ông để tìm sự an ùi, chở che.
Nhìn thương tích trên đầu con Nương, nghe những tiếng tức tửi của con Nương, ông sáu Long càng nghe tâm canh mình nhói đau. Nếu thằng Hơn là anh của bé Nương, thế nào ông cũng phải sửa trị nó bằng một trận đòn đáng đích.
Đến khi con Hớn chạy lên gác mời ông xuống ăn cơm, ông bảo con Hớn nói vợ chồng ba Đông là ông đã ăn ngoài chợ rồi. Đến lượt thằng Hài lên mời ông lần nữa:
- Ba má con biểu lên thưa cậu  sáu xuống ăn cơm thêm, chiều có cá bóng chưng tương. Cậu sáu xuống nhậu đi, cậu sáu.
Ông sáu Long lạnh lùng lắc đầu:
- Tao không đói...
Thằng Hài tuột xuống, được một lúc thì ba Đông, rồi đến cô bảy Hợi lên mời năm hồi, bảy hiệp, ông sáu Long cũng không chịu đi ăn cơm.
Cô bảy Hợi đoán biết ông buồn và cũng hiểu tại sao ông buồn, không ăn cơm chiều, nhưng cô phải chịu chớ không biết nói sao. Cô buộc lòng bới một chén cơm nhỏ, bỏ thức ăn, rồi sai con Hớn đem lên gác đút cho con Nương ăn.
Đêm đó, ông sáu Long thao thức không ngũ. Nổi buồn của ông càng đậm đặc lại như màu đêm bên ngoài. Trong lòng ông ngổn ngang trăm thứ: thương, nhớ, buồn, ghét, nhưng ông giận là nhiều hơn hết.
Không biết ông giận ai đây? thằng Hơn hung hăng hay cô bảy Hợi nuông con, binh con một cách phi lý? Kiểm điểm lại, ông thấy ông tự giận lấy ông. Ông giận mình vì vừa thầm nghĩ rằng:
- Mình cũng có nơi, có chổ sống yên thân rồi. Mang đầu lên đây ăn bám, ăn chực cho con nít nó khinh khi.
Nghĩ đến đó, ý định quay trở về Phú Thành lại nảy sinh trong tâm nảo ông. Ông muốn trở về quê lắm, ở đây thì thấy tủi thân, nhưng ông thấy việc trở về đây không phải là dể. Chắc chắn là vợ chồng ba Đông không bao giờ để cho ông về.
Ông lại thầm tính cách khác là xin vào ở luôn trong trường học, nhưng mới vô làm mà xin xỏ việc này, việc nọ thì ông ngại.
Ông bối rối chừng nào, ông lại càng giận mình  chừng nấy. Nào ai thấu được nổi lòng của ông. Phải chi con Nương đã có chút trí khôn thì ông không đến nỗi phải khổ tâm lắm.
Vắt tay lên trán, ông thở dài:
- Chắc sớm muộn gì cũng phải về. Bỏ quê hương, bỏ xứ sở lên đây cũng làm thằng cu li chớ có ra quái gì. ờ phải rồi! Mình phải về hỏi thăm làng xã coi vụ thằng Cung đi tới đâu rồi. Không biết bây giờ nó bị giam ở đâu. Nếu mình ở luôn trên này, may ra người ta thả thằng Cung về, thì nó có biết con nó ở đâu mà kiếm. Một phải về, hai cũng phải về...
Đã thầm quyết định như vậy rồi, ông sáu Long nhổm đầu dậy nhìn qua lỗ gió xem trời đã hừng sáng hay chưa, nhưng bên ngoài có trăng nên ông không biết là giờ nào.
Ông làm động ván sàn, con Nương giật mình lăn ra phía ngoài, nhưng vết thương u trên đầu không cho nó nằm được yên, nó rên nho nhỏ và quay lại nằm nghiêng qua phía ông sáu Long.
Ông sáu Long xoa nhẹ trên lưng nó:
- Nội đây con. Nội thoa lưng, con ngủ đi.
Nghe tiếng nói thì thầm của  ông, con Nương nhướng mắt lên nhìn ông. Rồi không hiểu con bé nghĩ sao, nó lại xoè tay xoa đầu, vừa mếu máo.
Biết con Nương hãy còn tức tữi, ông sáu Long khẽ hôn nó bằng một nụ hôn đậm đà tình thương:
- Ừ... ừ... Nội biết... Thôi, con nhắm mắt ngủ đi. Để sáng, nội thường cho con cái bánh kẹp.
Nghe được bồi thường bằng cái bánh kẹp, thứ bánh mà con bé thích nhứt, nó ngoan ngoãn nhắm hít mắt lại dúi đầu vào ngực ông sáu Long.
Ông chợt nghe cai vị chua cay chợt trào dâng lên đầu lưỡi! ông tự cho rằng ông lạ đời hơn ai hết, con cháu ruột chẳng cưng, mà lại đi thương người dưng, nước lã. Nếu hồi chiều mà ông không dằn lòng được, ông rày mắng thằng Hơn, có lẽ là cô bảy Hợi sẽ trách ông bằng câu đó chẳng sai. Mà ông thương con Nương nhiều hơn thằng Hơn là phải, vì thằng Hơn đủ cha, đủ mẹ, không thiếu thốn cái gì hết. Còn con Nương quá nhỏ dại, còn măng răng sửa, tóc máu, mà phải trơ trọi một thân, sống quấn quít theo những người không phải là cha, là mẹ, mà cứ tưởng rằng đó là cha mẹ!
Suy nghĩ cho cặn kẽ về thân phận con Nương, nước mắt của ông phải trào lên khoé.Ông khóc cho con Nương, ông khóc cho những người tạo ra hình hài con Nương lần này nữa không biết là lần thứ mấy rồi. Ông khóc còn hơn nhiều ông khóc cho con trai, con dâu ông nữa.
Đồng hồ nhà ai đổ đều bốn tiếng.
Âm thanh của thời gian như thúc đẩy ông mãnh liệt, ông bật ngồi dậy bằng tất cả cương quyết hiện hữu trong lòng. Đoạn ông rón rén đi lại góc nhà, giở nấp rương, lôi ra hết những quần áo của ông và của con Nương, gói lại thành một gói.  Xong xuôi, ông tuột xuống gác, ra nhà sau tìm nước rữa mặt. Khi trở lên gác, ông mang theo cai khăn ướt lau mặt, lau tay chân cho con Nương, đoạn ông lấy bồ đồ ít lỗ vá nhứt thay mặc cho nó. Ông làm gì mặc ông, con Nương cứ nằm ngủ ngon lành.
Thay quần áo cho Nương xong, ông cũng đi thay quần áo của ông. Ông cũng không lành lẽ gì hơn con bé. Một già, một bé đồng cảnh ngộ, ông đau đớn trong lòng, còn con Nương mang thương tích trên thân thể kia.
Sửa soạn yên đâu đó, ông ngồi quấn thuốc hút chờ sáng một chút, để con Nương khỏi phải mất giấc ngũ. Nhưng tàn một điếu thuốc, đến điếu thứ hai, rồi thứ ba..., đồng hồ điểm năm tiếng, mà con Nương vẩn chưa thức giấc.
Dường như ông đã sốt ruột, ông đứng lên bước lại thò đầu ra lỗ gió tìm sao giăng trên trời. Chỉ thấy toàn là nóc nhà lố nhố. Ông không tìm được giải mây ngang ngoài phương đông.
Bỗng con Nương trở mình, quờ quạng đôi tay như tìm ông sáu Long và rên khe khẽ nghe xót xa vô cùng.
Ông sáu Long lật đật quay vào đỡ nó lên tay:
- Con à! Nương à! Dậy nghe con!
Tội nghiệp, con bé cố nhướng mắt lên nhìn ngơ ngác. Ông sáu Long kề miệng bên tai nó bảo tiếp:
- Dậy về với Nội. Dậy đi xe hơi với nội, nghe con.
Con bé nắm hai tay dụi mắt lia lịa, đọan ngã đầu nằm lên vai ông sáu Long thiếp ngũ lại nữa. Ông vác nó luôn trên vai, rồi một tay ôm gói quần áo, một tay ôm choàng con Nương, ông sáu Long dò dẫm bước xuống cầu thang.
Dưới nhà, vợ chồng cô bảy Hợi còn say ngủ nên chưa hay biết gì cả. Ông sáu Long bước đến đứng trước đầu giường cô bảy Hợi một hồi lâu ông mới cất tiếng gọi nhỏ:
- Cô bảy à! Cô bảy!
Cô bảy Hợi nghe tiếng gọi liền lóp ngóp ngồi dậy, khoát mùng nhìn ông sáu Long và gói đồ trên tay ông, lấy làm ngạc nhiên:
- Anh làm cái gì vậy, anh sáu?
Ông sáu Long đáp nhỏ:
- Tôi về...
Cô bảy Hợi vội vàng bỏ chân xuống giường, chận hỏi ông sáu Long:
- Anh về dưới hả?
Ông sáu Long khẽ gật:
- Ừ, tôi về dưới thăm nhà...
Dường như cô bảy Hợi hơi bất bình, cô ngắt ngang lời ông sáu Long:
- Còn nhà cửa gì ở dưới mà anh thăm, anh viếng?
Giọng ông sáu se buồn:
- Tôi về dưới thăm mả vợ chồng thằng Luông.
Ba Đông nằm ngủ nơi " đi văng" ngoài, nghe tiếng cô bảy Hợi nói chuyện với ông sáu Long, ông ba Đông cũng chạy vào hỏi:
- Ủa! anh tính về dưới sao, anh sáu?
Ông sáu Long gượng làm vui ngoài mặt đáp:
- Tôi về ít bữa tôi lên dượng à.
Cô bảy Hợi tìm cách cầm anh mình:
- Anh đang đi làm mà anh về ít bữa sao được?
Nhưng ông sáu Long quyết kiếm cớ để đi, ông nói nghe như nghẹn ngào:
- Thế nào tôi cũng phải về. Hồi hôm này, tôi nằm chiêm bao thấy vợ chồng thằng Luông lên thăm tôi.Hai đứa nó còn khóc lóc, nói với tôi là bầy heo hàng xóm tới ủi phá mồ mả của tụi nó ở dưới. Tôi phải về coi sao.
Cô bảy Hợi gạt ngang:
- Ối! Tưởng gì chớ chiêm bao, mộng mị vậy mà anh cũng tin. Hỏng có heo, bò nào ủi phá mồ mả tụi nó đâu mà anh lo. Anh cứ lo đi làm đi, rồi cuối tháng sau, tôi đi về dưới với anh.
Ông sáu Long lắc đầu:
- Hổng được, tôi phải về liền bây giờ. Thức giấc dậy, tôi nhớ vợ chồng thằng Luông quá cô bảy, dượng bảy à.
Ba Đông đề nghị:
- Hay là anh chờ cuối tuần sau rồi tôi đưa anh đi.
Cô bảy Hợi quấn lại cái búi tóc, vừa cằn nhằn:
- Tánh anh sao kỳ cục quá hà! Khi không mà nữa đêm thức dậy đòi đi về dưới.
Và như chợt nhớ ra, cô bảy nhìn lên tấm lịch treo vách, cô phân bày:
- Sáng ra nhằm ngày mười bốn mà anh đi cái gì? Mùng năm, mười bốn, hăm ba..., ai đi xe đi cộ mấy ngày đó. Nếu anh có nóng ruột về dưới thăm mả vợ chồng thằng Luông, thì hãy dời lại ngày khác đi.
Ông sáu long vẫn cương quyết:
- Ngày nào cũng là ngày của trời đất. tôi nhớ tụi nó quá chịu không nổi. Bây giờ trời mưa, trời bão tôi cũng đi.
Cô bảy Hợi nhẹ cau mặt:
  - Mà anh về coi cái nấm đất đó chớ có cái gì, đâu có thấy mặt thấy mày vợ chồng thằng Luông được mà anh nằng nằng quyết một đòi về. thôi anh, anh đem cất gói đồ đi.
Giọng ông sáu Long trầm xuống  mang ít nhiều nổi niềm của ông còn ẩn kín trong lòng:
- Tụi nó chết rồi, đứng nhìn nấm đất thì cũng như nhìn mặt tụi nó rồi, miễn được thấy chổ đất đó là chổ của tụi nó nằm... cho đỡ nhớ đỡ thương...
Ba Đông giảng giải:
- Anh đang đi làm ngoài trường học mà bỏ về ngang như vậy đâu được. Mình mới vô, nên giữ thế một chút.
Cô bảy Hợi đã bất bình ra mặt:
- Anh bỏ về ngang, coi chừng người ta đuổi à.
Ông sáu Long nhếch môi cười lạnh:
- Đựơc thì làm, không được thì thôi. Đâu phải làm thầy, làm bà chi đó mà lo.
Cô bảy Hợi níu  vụt đứng dậy:
- Anh nói vậy sao được. Công ơn cô giáo Đào cổ giới thiệu cho anh vô, rồi anh muốn thôi anh thôi, thế nào cổ cũng buồn. Sau này, ai dám giới thiệu cho anh việc gì nữa.
Cô bảy Hợi níu cái gói đồ của ông sáu Long và bảo tiếp:
- Anh đưa cho tôi cất. Anh ẵm con Nương lên trển ngủ lại đi. Hổng có về đâu hết á.
Ông sáu Long liền giằng cái gói lại và kẹp cứng trong nách:
- Tôi nói không được, thế nào tôi cũng về cô bảy à. Sáng, cô qua nói cho cô giáo Đào biết rõ tình cảnh của tôi như vậy... như vậy đó. Chắc cổ cũng không có buồn phiền gì đâu.
Ông Ba Đông đứng chống nạnh thở dài trong lúc cô bảy Hợi hỏi gạn:
- Bây giờ anh nhứt quyết về là  về phải hôn?
Ông sáu Long đáp:
- Tôi về vài bữa tôi  trở lên.
- Vài bữa là mấy bữa? Anh phải cho tôi biết chắc chắn ngày nào anh lên, đặng tôi thưa lại với cô giáo chớ.
Ông sáu Long ngập ngừng:
- Chiều bữa kia... tôi lên tới.
Thấy không cầm bằng cách này được, cô  bảy Hợi tìm cách khác. Cô bước lại bàn vặn tỏ ngọn đèn lên và nói:
- Vậy thì anh đi một mình thôi, ẵm con Nương theo làm chi?
Ông sáu Long quay mặt qua hôn nhẹ trên tóc con Nương:
  - Để nó ở lại trên này, sợ nó nhớ tôi, tội nghiệp.
Cô bảy Hợi tắc lưỡi:
- Anh đem nó theo, rủi mắc nắng, mắc mưa, rồi nó đau lại thêm khổ cho anh nữa.
Ông sáu Long vẫn khư khư không thay đổ ý định:
-Chắc không sao. Lúc này không có mưa.
Cô bảy Hợi gắt khéo:
- Anh để nó ở nhà cho tôi rồi tôi ăn thịt nó hay sao mà anh sợ? Anh cứ đi một mình đi, bỏ con Nương lại tôi giữ nó cho.
Ông sáu Long lắc đầu, giọng ông cả quyết:
- Thôi, để tôi ẵm nó về cho nó thăm mả mẹ nó luôn.
Cô bảy Hợi lén lườm anh mình:
- Anh nói chuyện nghe tức cười. Con nít mới bây lớn đó mà biết mẹ gì mà nói thăm mồ, thăm mả.
Ông sáu Long làm thinh. Ra gần đến cửa, thấy cửa chưa mở khóa, ông dừng lại nói với ba Đông:
- Tôi đi nghe dượng bảy.
Ba đông nói nhanh:
- Anh chờ tôi đưa anh ra bến xe.
- Thôi dượng, đưa đón nỗi gì. Dượng ở nhà nghĩ đi.
Cô bảy Hợi bưng đèn đi theo ông sáu Long với nét mặt buồn đậm. Cô thấy không còn cách gì cầm ông sáu Long ở lại được. Nghi là ông sẽ về luôn, không trở lên nữa, cô muốn bắt con Nương lại để làm con tin mà cũng không được.
Cô cũng biết rằng chỉ vì vụ thằng Hơn xô con Nương té u đầu, nên ông sáu Long đi về thình lình như vậy. Nhưng việc đã lỡ rồi, cô không biết phải xử sự sao đây. Chẳng lẻ bây giờ cô lôi thằnh Hơn dậy đánh đòn một cách nguội lạnh. Mà đối với ông sáu Long, cô cũng không biết phải ăn nói làm sao cho anh mình mát ruột. Ba Đông đang mở khóa cửa. Ông sáu Long dặn thêm cô bảy Hợi mấy lời:
- Sáng, cô bảy nhớ thưa dùm với cô giáo, tôi về xứ vài ba ngày tôi lên.
Cô bảy Hợi nhiếu mày, tắc lưỡi:
- Anh đi bất tử quá như vầy rồi trong trường người ta lấy ai làm công việc thay cho anh?
Ông sáu Long đáp:
- Trong đó có một người nữa chớ đâu phải một mình tôi. Tôi đi thì còn ông già Đang thay thế.
Cô bảy níu gói quần áo của ông sáu Long:
- Anh về dưới có mấy bữa thì đem theo một bộ thôi, mang chi lùm xùm dữ vầy nè? Anh bỏ bớt lại đi.
Ông sáu Long cũng thừa hiểu rằng cô bảy Hợi muốn lấy gói quần áo của ông lại, để ông không thể ở dưới quê lâu ngày được, ông cứ kẹp cứng gói giấy trong nách:
- Để tôi đem hết về dưới đặng tôi soạn cái nào rách, tôi vá lại, cái nào đứt nút, tôi kết nút khác.
Cô bảy Hợi ngắt ngang:
- Vậy chớ anh để lại trên này tôi vá, tôi đơm lại cho không được hay sao mà anh phải ôm hết về dưới?
Ông sáu Long gạt phăng ý kiến cô bảy:
- Thêm bận rộn cho cô. Sẵn về dưới ở không, tôi làm được.
Nói chưa dứt lời, ông sáu Long vội vàng lách mình qua khỏi cánh cửa. Ông sợ đứng lại lâu rồi em của ông còn kiếm cớ này cớ khác cản ngăn không cho ông về
Cô bảy Hợi cũng nối bước theo sau ông đi ra đường hẻm. Thấy vợ đi tiễn ông sáu Long ra đường cái, ba Đông cũng khóa cửa rồi chạy theo.
Ba người ra đến đầu hẻm, trong lúc ông sáu Long còn đứng đón xe xích lô, ba Đông nhét vào tay ông mấy tờ giấy bạc cuốn tròn vừa nói nhỏ:
- Anh cầm... đi xe.
Ông sáu Long  nhẹ gạt tay ba Đông:
- Thôi dượng..., tôi có... Tôi mới lãnh lương mà...
Ba Đông lại nhét tiền vào tay ông lần nữa:
Anh mới làm có mấy ngày mà lãnh được bao nhiêu.
Ông sáu Long cũng gạt tay em rể mình:
- Nhiều! Gần nửa tháng lận mà.
Cô bảy Hợi đỡ lời chồng:
- Anh cứ cất đi anh sáu. Tiền lương của anh, anh phải dành riêng đó đặng sau này anh muốn mua sắm gì thì có sẳn. Anh không lấy, tôi với ba nó buồn lắm à.
Ông sáu Long vẫn lắc đầu cương quyết:
- Không, phải chi tôi không có thì cô dượng cho bao nhiêu tôi cũng lấy hết.
Ông vừa nói, vừa vẫy gọi một chiếc xích lô đạp vừa chạy trờ lại, đọan hấp tấp bước lên xe:
-Cô dượng vô đi.
Cô bảy Hợi muốn ứa nước mắt:
-Chiều bữa kia, anh lên thiệt à, nghen anh sáu.
Ông sáu Long gượng cười làm vui cho vợ chồng ba Đông:
- Tôi lên mà. Cô dượng trở vô đi.
Chiếc xích lô lăn bánh. Cô bảy Hợi đi dài theo bờ lề dặn vói theo:
- Anh đừng ở dưới lâu, tôi trông lắm à nghen anh sáu.
Ông sáu Long ngoáy cổ lại gật mạnh:
- Ừ...
Ông sáu Long chưa kịp nói gì thêm nữa, bỗng thấy ba Đông lúp xúp chạy theo sau xe, rồi ném đại cuộn giấy bạc vào lòng ông. Ba Đông vừa bảo người phu xe:
- Anh cứ chạy đi. Chạy luôn đi...
Dù muốn, dù không, ông sáu Long buộc lòng, phải cầm lấy những tờ giấy bạc mà trong lòng xót xa, bùi ngùi...
Về đến nhà thì mặt trời vừa xế. Ông không nén được xúc động trong lòng khi nhìn thấy căn nhà ấm cúng của ngày nào, giờ đây lại trống không, có còn gì chăng thì chỉ là những rác rưới  không biết ai đã gom từng đống to đống nhỏ bỏ đó. Cột xiêu, vách đổ thành lỗ nhỏ lỗ to và dấu chân heo dẫm, dấu chân chó cào, nát tan khắp nhà. Nhện giăng bốn phiá như lưới bủa, đi đến đâu, ông sáu Long phải bứt lưới nhện tới đó.
Ông cảm thấy đôi bàn chân lạnh ngắt. Hơi lạnh đó toát ra từ mặt đất của nền nhà hoang. Ông phát rùng mình và bất giác lệ loáng uớt trong khoé mắt ông.
Đi vào đến tấm vách ngăn buồng của vợ chồng tư Luông, ông liền quay trở ra. Con bé Nương không hiểu gì hết, nó cũng không biết nơi này là nơi nào. Nó ngơ ngác nhìn quanh rồi nhìn ông sáu Long.
Ông sáu Long vừa ra đến trước thềm bỗng có tiếng đàn ông gọi lớn:
- Sáu Long!
Nhìn ra trước con đường mòn, chợt thấy một ông già khăn đen áo dài chỉnh tề, che dù đứng dừng lại ngay đầu ngõ nhìn vào nhà, ông sáu Long liền thả con Nương xuống đất, đoạn chắp tay xá:
- Bẩm cả!
Phải! Ông lão kia là hương cả Hoài. Cả Hoài ngã cây dù ra phía sau lưng và vui vẻ hỏi:
- Chú về hồi nào, chú sáu?
Ông sáu Long cúi xuống ẵm con Nương, đoạn tiến ra sân, vừa lễ phép đáp:
- Bẩm cả, tôi mới về tới.
Cả Hoài bước qua cầu và hỏi tiếp:
- Hổm nay chú đi đâu mà tôi qua lại đây hoài, không thấy chú? Tôi nghe người ta nói chú đi Saigon, phải hôn?
Ông sáu Long khẽ gật:
- Dạ, phải. Tôi lên nhà con em thứ bảy tôi.
Cả Hoài dừng lại dưới bóng cây ; ông đưa mắt nhìn vào nhà, vừa ngạc nhiên hỏi
- Ủa! Sao nhà cửa trống trơn vậy, chú?
Ông sáu Long nghiêm nghị phân trần:
- Không nói giấu chi cả, hôm trước, tôi tính lên Saigon kiếm công việc làm ăn, nên đồ đạc tôi cho người ta hết.
Cả Hoài thảnh thốt:
- Nói vậy chú về đây chơi rồi trở lên Saigon nữa hả?
Ông sáu Long lắc đầu:
- Thưa không, tôi về ở luôn dưới này.
Cả Hoài chép miệng:
- Cái đất Sài gòn coi vậy mà khó kiếm công ăn việc làm lắm à chú sáu ha.
Ông sáu Long đua xuôi:
- Dà...!
Nhìn con Nương đang đứng ôm chân ông sáu Long, hương cả Hoài nói tiếp:
- Thôi, ở dưới này thiếu gì việc làm. Chú lặn lội chi tới trên Sài gòn. Nói cùng mà nghe, ở đây mà chú không làm cũng không đến nỗi phải đói.
Ông sáu Long vẫn giữ vẻ kính cẩn bằng đôi bàn tay đan ngón nắm lại trước ngực. Ông sáu Long mỉm cười làm vui câu chuyện:
- Dà...! dạ phải! Ở vườn thì dể, miễn mỗi ngày kiếm được một chén gạo, rồi tuột xuống mương, xuống đìa xúx cá tép, vậy là qua ngày. Còn ở châu thành thì phải chạy từng miếng ăn, chạy từng ngoe củi, giọt nước...
Ông cả Hoài vừa xoay đầu ngoéo cây dù, vừa gật đầu:
- Ừ, vậy đó chớ sao.
Thấy ông cả vui vẻ khác thường, ông sáu Long chỉ vào nhà phân bua:
- Bây giờ, trở về đây, trống trước, trống sau như vậy đó cả, tôi phải đi xin vài cây tre làm cái chõng đặng nằm, không thì nằm đâu. Vách phên thì bị heo hàng xóm nó thọt ra, tan hoang hết, tôi còn phải sửa nữa.
Ông cả hỏi:
- Tại chú bỏ hoang từ hôm đi Sài gòn tới nay đó chớ gì?
Ông sáu Long khẽ gật:
- Dạ.
- Chú tính sai nước cờ.
- Tại hôm trước con em tôi nó đốc quá nên tôi buộc lòng phải nghe, chớ tôi đâu có chịu bỏ làng bỏ xóm mà đi như vậy đâu, cả.
Đến đây, cả Hoài liền ngồi xổm xuống, đoạn đổi giọng nghiêm trọng bảo ông sáu Long:
- Chú ngồi đây, tôi nói chuyện này cho chú nghe, chú sáu.
Ông sáu Long năn khoăn nhìn cả Hoài, vì ông chưa biết chuyện gì mà ông cả sắp đem ra nói, lành hay dữ thế nào. Nhớ lại trong nhà chẳng còn chổ nào có thể mời ông cả Đoài vô nhà ngồi tạm, ông sáu Long đành để cho ông cả ngồi như vậy.
Ông sáu Long ngồi xuống, đối diện với cả Hoài, đoạn hỏi:
- Thưa chi đó cả?
Ông cả Đoài còn loanh quanh vấn đề:
- Từ hôm nào tới nay tôi có ý kiếm chú, mà tụi nó nói chú đi Sài Gòn ở với cô bảy, cô tám gì trển đó.
Ông sáu Long nói nhanh:
- Cô bảy nó...
-ờ, may đâu sẵn gặp chú về đây, vậy thì tôi nói chuyện... với chú luôn.
Ông sáu Long sốt ruột nhìn ông cả Hoài chẳng nháy mắt:
- Dạ...
Ông cả còn dò dẫm:
- Chú về ở dưới này luôn à há?
- Dạ, tôi không trở lên nữa đâu cả.
- Vậy mà chú có tính làm rẫy, làm vườn gì chưa?
Ông sáu Long ra dáng đắn đo:
- Thưa cả, tôi cũng chưa biết tính sao nữa. Để mai mốt rồi coi.
- Tôi nhờ chú giúp tôi một việc nghe hôn?
Ông sáu Long đáp nhanh:
- Dạ.. cả cứ dạy...
Ông cả Hoài tỏ ra thân mật với ông sáu Long, nghiêng nữa nóc dù che cho ông sáu Long và con Nương vừa tươi cười:
- Tôi có một vườn cam quít gần ngoài bãi, chắc chú thấy sở vườn đó rồi chớ gì
Ông sáu Long  gật nhẹ:
- Dạ, Tôi thấy. Ối! minh mông thiên địa! Mấy năm nay chắc đã có huê lợi nhiều rồi hả cả.
Ông cả trợn mắt, dựng mày:
- Ừ, năm rồi trúng mùa dữ chú! Mà năm nay chắc phải nhiều hơn năm rồi.
  - Vậy mà tôi thấy không ai trông nom, gìn giữ cho cả hết. Ngoài bãi thì không có nhà cữa ai hết, tôi sợ họ phá lắm à cả.
Ông cả Hoài nhanh miệng chụp ngay lấy câu nói của ông sáu Long:
- Đó đó, cây trái nhiều thì thế nào cũng bị ăn trộm, không ai hái trộm thì cũng bị con nít hái lén, một đứa ăn vài trái, cả chục đứa nó đi bao nhiêu, hao hớt của mình dữ lắm chớ. Vì vậy mà tôi tính nhờ chú... Tôi coi rồi, ở đây, tôi không có tin cậy ai được hết.
Cả Hoài dừng lời, chờ đợi ý kiến của ông sáu Long. Ông sáu Long cũng chờ đợi cả Hoài nói tiếp.
Qua một lúc im lặng, cả Hoài hỏi:
- Sao? Chú liệu có thể giúp tôi được hôn?
Ông sáu Long hỏi lại:
- Cả muốn tôi lui tới ngoài đó coi chừng vườn tược?
Ông cả rắn giọng gần như là quyết định:
-Không, chú ở luôn ngoài đó. Chú phải ở tại đó thì tôi mới vững bụng được.
Thấy ông sáu Long ra dáng do dự, cả Hoài đoán hiểu ý ông, nên liền phân bày:
- Tôi lo nhà cửa chú ở. Tôi mướn thợ đốn dừa dựng cất lên một căn, một chái hẳn hoi cho chú. Chú khỏi phải lo gì hết. Còn cái nhà của chú đây, chú ở cao lắm là qua mùa mưa này là nó xẹp xuống rồi. chú bỏ đi, hổng nên tiếc cái gì nữa
Ông sáu Long cúi đầu ra vẻ suy tính, chớ chưa chịu quyết định sao hết.
Thấy vậy, ông cả Hoài nói tiếp:
- Hễ chú ừ một tiếng là ngày mai tôi có thợ hạ cây cất nhà cho chú liền. Còn các thứ quần áo, cơm nước, thuốc men gì cho chú, tôi cũng lo hết. Chú khỏe ru hà. Chẳng phải bao nhiêu đó thôi, công lao của chú tôi sẽ tính xứng đáng cho.
Nghe ông cả Hoài nói vậy, ông sáu Long lấy làm mừng thầm trong bụng, nhưng ngoài mặt còn làm ra vẻ đắn đo:
- Không biết tôi coi xuể hay không?
Ông cả Hoài cau mày:
mắt  coi chừng dùm tôi vậy thôi. Có chú ở ngoài đó thì không ai dám tới phá phách.
Ông sáu Long hỏi gạn:
- Sau cả không cho cậu nào ra đó ở giữ?
Ông cả hoài khoa tay lia lịa:
- Thôi, thôi, tụi nó không có đứa nào tôi tin cậy được hết. Có đứa nào thua một độ gà là cây vườn tôi không còn một trái làm thuốc. Đám con tôi, trừ thằng Vinh có vợ có con rồi thì không nói, còn lại mấy đứa ở  nhà, đứa nào cũng nghiệt lắm chú ơi.
Cả Hoài khều nhẹ trên cánh tay ông sáu Long tỏ ra thân mật lắm, vừa nói tiếp:
- Đó, vì vậy đó mà tôi muốn nhờ một người như chú vậy đó, để trông nom cây trái dùm tôi, tôi mới chắc ý. Chú coi, xóm mình thiếu chi người, nhưng mà tôi đâu có dám nhờ họ.
Ông sáu Long vẫn còn lặng thinh ra dáng suy nghĩ, khiến ông cả Hoài hơi sốt ruột:
  - Sao chú? Chú tính sao chú? Có thể giúp tôi được hôn?
Ông sáu Long ngập ngừng:
- Tôi thấy...
Tưởng đâu là ông sáu Long còn mặc cả công lao, cả Hoài liền nói tiếp theo câu nói bỏ lửng của ông sáu Long:
- Hay là như vầy. Công lao của chú tôi không biết phải tính sao cho vừa. Như tôi vừa nói chuyện với chú, tất cả cac thứ từ ăn mặc cho tới thuốc men, cái gì tôi cũng lo cho chú đầy đủ hết á. Còn công lao săn sóc của chú thì tôi tính như vầy..., tôi nói, hể chú bằng lòng thì chú ừ cho tôi biết, còn nếu chú thấy hẹp hòi thì chú cũng nói thẳng với tôi, nghen.
Ông sáu nhẹ gật:
- Dạ...
Cả Hoài đổ giọng nghiêm trọng:
- Tôi có chú thêm một bờ cây, tùy ý chú muốn lựa chọn bờ nào cũng được, rồi chú trồng trọt thêm mà hưởng huê lợi. Chú thấy sao? Chú cứ trả lời thẳng cho tôi biết.
Ông sáu Long phân bua:
- Giúp cả việc gì, tôi cũng giúp được hết, tôi không nề hà. Nhưng còn ngặt một nỗi là...
Ông sáu Long thấy còn ngại ngùng nên chưa dám nói trọn câu.
Cả Hoài chớp mắt lia lịa:
- Sao, chú?
Ông sáu Long cười chúm chím:
- Tôi sợ..., mấy cậu túng rồi mấy cậu ra vườn hái trái cây đem bán lén cả, tôi làm sao dám ngăn cản mấy cậu. Bằng để cho mấy cậu được vừa lòng, rồi tôi không biết ăn làm sao, nói làm sao với cả cho xuôi.
Cả Hoài lắc đầu lia lịa:
- Hổng dám đâu! Tụi nó hổng dám đâu. có chú nó sợ chú mà. Nếu có đứa nào ra vườn dòm ngó cây trái thì chú cứ cho tôi hay, chú đừng ngại. Chú ừ đi nghe hôn.
Ông sáu Long khẽ gật đầu:
- Dạ... Thà cả nói trước như vậy thì tôi mới dám lãnh.
Cả Hoài ra vẻ vui mừng hớn hở sau khi được ông sáu Long nhận lời ở giử vườn. cả quay tròn cây dù trên vai:
- Như vậy là chú hứa chắc rồi đó há?
- Đã nhận lời thì tôi không dám thất hứa với cả.
- Ừ, vậy thì ngày mai tôi kêu thợ tới bắt tay vào việc liền. Chừng mười ngày là chú có nhà ở đàng hoàng. Nếu sáng mai chú rảnh thì chú chịu khó bước qua vườn coi thợ họ làm. Có cái gì không vừa ý chú, chú cứ chỉ vẻ cho họ làm, nghe chú.
- Dạ.
Cả Hoài vụt đứng lên:
- Như vậy là đỡ một phần lo cho tôi rồi. Có chú trông coi cho tôi thì nay mai tôi biểu tụi nó chở về một mớ cây giống, phá chuối, trồng thêm cây ăn trái ở mấy bờ ngang đó nữa.
Quả thật, ngay hôm sau, cả Hoài liền mướn cả chục phu, thợ, kẻ hạ cây, người đắp nền, dựng cái nhà cho ông sáu Long ở. Ông sáu Long không ngờ được mình gặp hên quá như vậy. Từ ngày ông trở về Phú Thành cả xóm ai cũng lấy làm vui mừng, vì người ta không ai muốn ông phải lìa bỏ làng xóm.
Ngày lại, ngày qua, cuộc sống của Ông sáu Long với bé Nương được ấm no, yên ổn nhờ sự bảo bọc của gia đình cả Hoài. Ông cả Hoài còn đề cử ông ra làm chủ ấp thay thế cho chủ ấp Hiệu biệt tích từ mấy tháng nay, nhưng ông cương quyết chối từ.
Thấy ông được cả Hoài trọng dụng, xóm làng càng tỏ ra nể nang ông nhiều hơn.
Cho đến mấy đứa con trai của cả hoài như cậu ba Thạnh, cậu tư Thới, bị ông hét một tiếng là phải lấm lét chạy.