Chương 15

Tiệc tùng đã mãng. Các vị chức sắc trong làng và khách hàng xóm đều ra về hết. Ông sáu Long còn ở lại chỉ bày cho mấy cậu nhỏ dọn dẹp sắp đặt lại bàn ghế dùm cho ông cả Hoài, rồi mới ra về sau hết.
Dưới nhà bếp, phần Nương chùi rửa chén bát cũng vừa xong. Nàng định ra về, nhưng bà cả  bắt nàng ở lại bằng lời buộc khéo:
- Con về chưa có được. Con ở lại chơi một chút rồi bà nhờ chuyện khác, buổi chiều, con ăn cơm bên này luôn.
Thấy con cháu, dâu rể của bà cả tụ về đầy nhà, mà trong đó có mặt cả vợ chồng cậu hai Vinh và Thái, Nương ngại ngùng nên cố tìm lời từ chối:
- Còn ciệc chi nữa, bà chỉ cho con làm đặng con còn về bên nhà có chút việc. öng nội con dặn...
Đoán biết Nương nói dối chớ ông sáu Long chẳng có dặn dò gì hết, bà cả liền vui vẻ chận lời nàng:
- Chút nữa mới có chuyện làm. Chiều tối rồi con hãy về nhà. Lâu lâu bà nhờ cậy một lần, con bỏ về bà giận lắm à.
- Nội con trông...
- Anh sáu biết con ở bên nây rồi, ảnh hổng có trông đâu.
Mợ hai Vinh, má Thái cũng xen lời:
- Ở lại chơi đi cháu. Cháu ở bên nầy thì chú sáu không có rầy rà gì đâu mà sợ.
Nương hết cách thoái thoát nữa được, nàng đành phải vâng lời bà cả Hoài
Nhưng ở lại chẳng lẽ ngồi không bó gối, hay dựa cột khoanh tay, Nương phải đi tìm việc vặt để làm cho đở ngượng nghịu. Nàng khó chịu nhứt là chốc chốc THái lại kiếm cớ đi xuống nhà bếp, r-éi liếc nàng mà cười chúm chím...
Nàng lấy  cây chổi nhỏ quét tro bếp. Thái giả bộ cầm đi-&u thuốc vô bếp mồi lửa. Thấy Thái đang đứng gần bên cạnh, Nương vội vàng xê ra xa.
Thái liếc ngang nàng mà cười cợt:
- Em lên nhà trên ngồi ăn trầu.
Thình lình nghe Thái nói giễu với nàng như vậy, nàng sợ những người trong nhà nghe được, nàng đảo mắt quanh, đọan lằm bằm với Thái:
- Hỏng có giởn à nha.
Điếu thuốc đã cháy rồi, mà Thái vẩn còn cặm đầu trong cục than bếp:
- Người ta mời lên ăn trầu, uống nước mà giỡn cái gì.
Nương lấy đầu chổi đùa tro lấp lên cục than mà Thái đang mồi thuốc, vừa xua đuổi:
- Thuốc cháy rồi, đi ra đi. Cứ đứng đó giỡn nhây hoài, Mợ hai đi xuống kia kìa. Liệu hồn ...
Thái lấy điếu thuốc cắm xéo trên môi, vừa liếc chừng lên phía cửa nhà trên, vừa dặn nhỏ nàng:
- Chừng nào về, cho anh hay, nghe Nương.
Nàng xẳng giọng hỏi:
- Chi vậy?
- Anh đi với ;
- Muốn đi thì đi một mình, đừng lộn xộn.
Thái làm nghiêm lại:
- Anh muốn đi với em, rồi dọc đường anh sẽ nói cho em nghe một chuyện, hay lắm.
Thái mới nói đến đó thì từ nhà trên có tiếng của mợ hai Vinh gọi vông:
- Thái à!
Thái nhanh miệng dạ lớn một tiếng, đoạn dặn lại Nương một lần nữa:
- Nhớ nghe, chừng nào về thì... ra dấu cho anh biết.
Sợ mẹ xuống bắt gặp mình to nhỏ với Nương, Thái liền quay lưng sau khi bị Nương  nguýt dài:
- có hộp quẹt, lại thiếu gì đèn ở trên nhà trên, sao khéo cầu kỳ... mang xuống đây mồi...?
Từ đó đến bữa cơm chiều, Nương không nghe bà Hoài sai biểu việc gì hết. Nương biết là bà cầm ở lại để lo dọn ăn cho gia đình con cháu của bà, vì con dâu của bà đâu có chịu làm động móng tay, để nàng ra về thì bà biết ai mà nhờ cậy.
Dọn dẹp xong một lần nữa, nàng ra về thì trời cũng vừa nhá nhem tối. Nàng định trrước rằng nàng sẽ lén Thái đi cho êm,nhưng Thái cứ lẩn quẩn ngoài sân có ý canh chừng nàng.
Nàng ra khỏi vuông rào bông bụt được vài khoãng dừa thì Thái nhanh chân chạy theo.
Nàng cũng lanh trí, nàng đứng nép vào bên gốc dừa núp trốn Thái.
Thái đã thấy kịp hành động của nàng rồi, nhưng chàng giả như không biết, bỏ đi thẳng luôn. Qua khuất một khúc quanh, Thái cũng bắt chước nàng, núp vô một gốc dừa khác chờ nàng.
Nương lại tin chắc rằng Thái không thấy được mình, nên nàng lấy làm mừng thầm trong bụng. Độ chừng Thái đi qua đã xa, Nương mới dám bước ra khỏi gốc dừa. Nàng vừa đi, vừa nhìn chừng phía trước, sợ Thái quay lại rồi bắt gặp nàng ;
Nhưng Nương nào ngờ... Nàng vừa đến khúc quanh thì Thái phóng ra trước mặt nàng
- Hù...!
Nương giật mình la oái lên, vừa nhảy lùi một hơi bốn năm bước.
Thái ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Nương dừng lại, một tay ấp lên ngực trấn tỉnh, đoạn trách Thái:
- Chơi cái điệu gì lãng quá hà! Làm người ta hết hồn hết viá vậy đó. Quỷ à.
Thái cố nén cười, phân bua:
- Ai biểu em núp trốn người ta, thì người ta núp hù lại chớ có gì đâu. Trốn đi, Bộ người ta không thấy sao.
Nương phát cáu:
- Người ta núp, chớ người ta có hù anh đâu mà anh hù người ta. Mà người ta về, để cho người ta về, để cho người ta về, còn chạy theo làm chi? Làm như vậy, rủi nội bắt gặp được, nội rầy người ta rồi ai chịu đây?
Thái chậm chậm tiến đến gần nàng và thốt lời hàm tình tứ:
- Mình đứng đây..., chỉ có cây lá chung quanh mình biết mình mà thôi. Đâu có ai thấy được mình mà em lo ngại.
Chàng đổi sang giọng nghiêm trang:
- Anh có chuyện này..., anh muốn nói với em...
Nàng luôn giữ dáng vẻ nghiêm trang:
- Chuyện gì? Sao hồi tôi còn ở trong nhà, anh lại không chịu nói, để tôi ra về rồi anh chạy theo?
- Trong nhà, có người này, người nọ, anh không thể nói được.
Nương nhẹ cau mày ra vẻ nóng ruột:
- ờ thôi, việc gì thì anh nói mau đi rồi để cho tôi về. Ở bên nhà, nội đang trông tôi.
Thái đứng ngay thẳng, khoanh tay trước ngực như học trò sắp sửa trả bài. Và chàng phải đắn đo lâu lắm mới chịu nói:
- Anh muốn nhắc lại với Nương một chuyện..., mà cách đây hai năm về trước, anh đã có lần giải bày với Nương. Anh nói đến đây, chắc em đã nhớ ra rồi? Và em đã biết ngay là giờ đây anh định nói với em những gì rồi.
Nương lắc đầu:
- Tôi không còn nhớ gì hết. Chuyện hai năm về trước là chuyện gì mới được chớ?
Thái vẫn còn úp mở:
- Nương còn nhớ buổi chiều hăm tám Tết năm ấy không?
Nàng nhăn mặt tỏ vẻ khó hiểu:
- Từ hồi tôi biết anh tới giờ; bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu cái chiều hăm tám Tết rồi, tôi đâu có nhớ nổi chuyện gì là chuyện gì... chiều hăm tám Tết. Anh phải nói rõ ra chớ, khi không anh hỏi vậy, tôi nào hiểu gì đâu.
Trong bóng đêm dần đậm đặc, nàng thấy Thái chớp mắt:
- Em không còn nhớ... thật sao?
Nương nhìn chừng về phía nhà; nàng thúc giục:
- Tội nghiệp quá! Anh cứ nói đại đi, đừng hỏi vòng vo gì nữa hết á. Bằng không muốn nói thì thôi, trở vô đi, để cho tôi về. Nội tôi khó lắm, anh cũng biết mà.
Thái cũng sợ lỡ mất cơ hội, chàng hạ giọng thấp:
- Chiều hôm ấy..., anh có nói với em rằng: Anh yêu em...
Điệu bộ Nương như giật mình sau khi nghe ba tiếng chót trong câu nói của Thái, nàng quay phắt lại nhìn thẳng vô mặt Thái:
- Hả...?
- Anh nhắc cho em nhớ chuyện tình yêu củ mình...
Nương cũng hạ giọng nói nhỏ như Thái:
Nhắc đi nhắc lại chi vậy?
- Để em biết rằng, dù hai đứa mình sống chia cách nhau thành đôi nơi, nhưng không bao giờ anh quên em, không bao giờ quên lời hẹn ước ngày xưa...
Nương cắn môi, rồi đầu nàng dần cúi thấp. Tâm trạng của nàng khác hẳn với hai năm trước, bây giờ, nàng phải suy gẫm rất nhiều về hai chữ tình yêu mà người con trai vừa thốt ra.
Qua một chút dò dẫm thái độ cùa nàng, chàng tiếp:
- Đêm qua, sẵn có mặt ba má anh về đó, anh sẽ đem chuyện lứa đôi của mình trình bày với nội và ba má. Anh sẽ xin ba má cưới em nội trong mùa đông năm nay. Em nghĩ sao?
Nương cứ cúi đầu lặng thinh. Nếu trời sáng trăng, chàng sẽ thấy đôi môi nàng e ấp...
và đôi mắt nàng long lanh ước vọng ban đầu...
Thái lặp lại câu hỏi:
- Em nghĩ sao Nương?
Nương lắc đầu:
- Tôi không biết nghĩ sao hết.
- Em có bằng lòng hay không, cứ nói thẳng cho anh biết.
Nàng đáp nhanh:
- Anh nên hỏi Nội tôi.
Thái mỉm cười, nhích thêm một bước bên cạnh nàng:
- Như vậy, nghĩa là phần em, em đã bằng lòng?
Nàng ỡm ờ:
- Hỏng biết...
Thái sung sướng khéo vẽ chuyện tương lai:
- Đám cưới mình rồi. Tết năm nay, mình sẽ đi du ngoạn... Qua Tết, anh sẽ mua nhà, rồi rước em lên Sài gòn. Ngày ngày, anh đi làm việc, em ở nhà cơm nước vá may... Rồi một vài năm sau đó, mình có con...
Thái nói đến đó thì Nương nũng nịu ngắt ngang:
- Thôi, đừng nói nữa...
Thái cầm lấy tay nàng:
- Em nên để anh kể cho em nghe một câu chuyện tình thật gắn bó, thật thắm thiết của một đôi vợ chồng...Đôi vợ chồng đó là anh với em... là đôi chim... dù gặp bao nhiêu bão tố trong đời cũng chẳng rời nhau.
Nương để tay mình nằm yên trong lòng tay ấm áp của Thái. Nàng ngẩng mặt lên gạt ngang câu nói đậm đà tình tứ của chàng:
- Người ta biểu thôi, đừng nói nữa mà.
Thái cắc cở hỏi nàng:
- Nương à! Em thích con trai hay con gái?
Nàng chợt nghe nóng bừng lên má khi nghe Thái đặt cho nàng một câu hỏi quá sớm như vậy, làm sao trả lời được, nàng gạt phăng đi:
- Tôi cấm anh hỏi nữa à nha.
Thái cầm cả đôi tay nàng; chàng thốt lời tha thiết hơn:
- Nói với anh, em phải xưng em chớ.
Nàng lắc đầu:
- Khó sửa lắm.
- Em thử nói một câu có tiếng xưng em trong đó đi, Đâu có gì mà phải ngượng miệng ngượng mồm.
Nương len lén rút tay mình lại, vừa lắc đầu lia:
- Thôi, anh buông tôi đi, để tôi về.
Thái giữ chặt đôi tay nàng:
- Cho anh một câu có tiếng xưng em trong đó đi, rồi anh cho về. Nói đi em.
Những ngón tay nàng giãy giụa một cách  yếu ớt trong lòng tay chàng:
- Thôi mà...
Thái buộc khó:
- Không chịu nói, anh không cho về.
Nàng tìm cách lừa Thái:
- Để khi khác...
Thái nài nỉ:
- Ngay bây giờ mới được.
- Buông ra đi.
- Nói cho anh nghe rồi anh mới buông.
Nương làm dáng giận dổi:
- Tức mình quá! Buông ra rồi... bộ người ta chạy sao.
Chàng vẫn cương quyết:
- Không phải sợ em chạy, nhưng mà anh nhứt định không buông. Xưng em với anh một tiếng đi, rồi anh buông liền.
Nương cúi xuống gần cánh tay Thái, hăm dọa:
- Hổng chịu buông..., cắn à...
Thái làm lì:
- Em cứ cắn đi. Anh rất sung sướng được... em cắn một cái cho thật đau lên tay anh, hay bất cứ nơi nào em muốn cắn.
Thấy hăm cắn mà chàng chẳng nao, Nương phụng phịu:
- Tôi khóc à... Tôi khóc thiệt à.
Thái nghiêng mặt nhìn gần sát mặt nàng:
- Em khóc đi. Anh ao ước được ngắm em khóc. Em khóc, chắc em phải đẹp hơn nhiều
Nương làm bộ hít mũi, giả đò thút thít.
Thái phì cười:
- Tiếc rằng trời chẳng sáng trăng để anh thấy đôi giọt lệ của em rưng xuống má và đọng lại trrên vành môi thắm, để anh tưởng tượng đó là một đóa hoa hồng đang ngậm sương khuya... Áo anh đây, em hãy lau nước mắt của em lên áo anh đi...
Nương bực dọc gạt ngang:
- Thôi đi, đừng nói chuyện cầu kỳ... không ai hiểu. Anh nói anh nghe chớ không nghe. Kia kìa! Nội kêu văng vẳng kia kìa. Buông tôi ra, mau.
Thái để tai lắng nghe, đoạn cười chúm chím:
- Nói gạt anh chi, hả em?
Thấy Thái quá lì lợm, nàng lớn tiếng:
- Bực mình lắm rồi à nghen.
Giọng Thái hơi buồn:
- Xưng em với anh một tiếng, em có phải mất gì đâu, mà em tiếc với anh từng lời nói như vậy, hả Nương? Hay là em muốn bắt anh phải quỳ dưới chân em mà van xin...? Anh cũng bằng lòng, anh cũng vẫn chìu em được hết. Để anh quỳ... nha em?
Nghe Thái nói vậy, Nương đã đo lường được lòng dạ của chàng đối với nàng. Lời chàng tha thiết quá, làm cho nàng mềm lòng. Nàng thấy cũng không nỡ để cho chàng nài nỉ mãi. Đôi bên giằng co hoài, nàng sợ có ai đi qua trông thấy rồi mách lại với ông sáu Long thì khổ cho nàng.
Nàng định bụng:
-Thôi thì mình ráng chìu ảnh, đặng ảnh buông cho mình về.
Thấy nàng lặng thinh có vẻ đuối thế, Thái lay lay tay nàng, vừa thúc giục:
- Nương! Nói đi em.
Nàng giao kết:
- Một tiếng... một thôi nha.
Thái hí hửng:
- ờ, một tiếng thôi, anh không đòi hỏi chi nhiều.
Nàng ỡm ờ:
- Ai mà biết nói gì đây?
- Em muốn nói gì đây?
Nàng khẽ cau mày:
- Thôi thì anh hỏi đi, rồi...  rồi tôi trả lời. Nhưng mà giao trước, anh hỏi tầm bậy, tôi không trả lời đâu nghen.
Thái suy nghĩ, ngập ngừng một lúc mới đặt thành câu hỏi ẩn cả tình chàng trong đó:
-Em có yêu anh không, em?
Thẹn thùa làm cho nàng giận dỗi một lần nữa:
- Coi kìa...! Em hổng thèm nói đâu.
Thái cười toại nguyện:
- Một...
Nương ngạc nhiên:
- Cái gì mà đếm... một?
Thái hỏi tiếp:
- Có bao giờ em tưởng tượng cái ngày đám cưới của mình không em?
Nàng ngoảnh mặt:
- Em đã nói rồi, hỏi đi hỏi lại những chuyện đó, em hổng thèm trả lời.
Thái  lại đếm:
- Hai... ba...
Nương ngơ ngác:
- Ơ... kỳ cục hôn? gì mà hai ba? bộ anh điên hả?
- Anh điên vì em đó?
- Sao lại điên vì em?
- Bốn...
- Đếm sao trên trời hả?
Những lời tình tứ của người con trai càng bay bướm:
- Phải rồi, anh đếm những vì sao long lanh điểm trên khung trời tình ái!
Nương giật mạnh đôi tay:
- Em biểu thôi, đừng có nói chuyện bao la, cầu kỳ...
Thái khúc khích một cách đắc chí:
- Năm rồi...
Chợt nhớ lại, Nương thảnh thốt:
- Ủa! Tôi nhớ tôi đã xưng... em với anh rồi thì buông cho người ta về đi chớ. Tôi đã giao trước  một tiếng thôi, đâu có đòi nhiều hơn nữa được, Buông đi...
Thái tính toán:
  - Tự nãy giờ, anh nghe được tới năm tiếng xưng em tất cả chớ không phải một. Anh lời... Em hãy nói chuyện với anh bằng những tiếng xưng em ngọt ngào như vậy mãi đi em.
Bây giờ Nương mới chợt hiểu ra vừa rồi Thái đếm một... hai... là đếm từng tiếng xưng em của mình, mà mình chẳng hề hay biết. Nàng bực tức dậm chân, cau mặt:
- Người ta quên... Vậy mà đếm... đếm... Ăn gian người ta... Tức mình quá đi! Ghét quá đi! Tôi ngậm câm luôn à, hỏng có thèm nói nữa đâu.
Nương bực tức là phải. Nàng không biết do huyền phép nào xúi giục nàng đã thốt ra những câu với bao nhiêu tiếng xưng em mặn nồng tình yâu với Thái mà nàng không hề hay biết gì cả. Nhưng trong sự tức bực của nàng, nàng vẫn cảm thấy như tâm tình thầm kín của mình được thoát nhẹ đi rất nhiều.
Thái từ từ nâng đôi bàn tay dịu mềm:
- Em...
Tình yêu của nàng con gái đột nhiên thay đổi hẳn. Nàng đáp lại những lời thiết tha của nàng:
- Cho em về đi, anh.
- Để anh đưa em tới nhà.
Nàng lắc đầu:
  - Không nên, anh đừng để nội rầy em.
Thái phân bày:
- Anh đưa em về gần tới nhà, rồi anh trở lại. Anh đâu có vô nhà mà em sợ nội nghi... Nghe em.
Nương cũng lắc đầu:
- Em nói thôi, để em về một mình.
Thái vẩn nài nỉ:
- Cho anh đưa em... Đi đường có anh, có em, hai đưá mình đủ đôi.
- Em nói anh không chịu nghe, em giận lắm à.
Nghe Nương nói vậy, chàng sợ nàng giận, nàng hờn, nên chàng phải đành thôi. Và trước khi tạm chia tay nhau, Thái đánh bạo đem một nụ hôn đầu tiên cài lên mái tóc thơm tho cùa nàng.
Không như năm nào, nàng cúi đầu tiếp nhận nụ hôn nồng nàn ấy bằng tất cả chân tình. Bóng đêm xóa nhòa bóng chàng và bóng nàng, còn lại đôi tâm hồn dìu nhau đi về một thế giới kỳ bí...
Lá cành lại cũng bàng hoàng...!
Thái đi qua đi lại trước mặt mẹ mấy lần, nhưng vẫn chưa thố lộ được lời nào. Sự hiện diện của ông, bà, chú, thiếm trong nhà cho Thái mất hết cam đảm. Chàng sợ nói ra đây rồi mọi người nghe được sẽ cười nhạo chàng rằng:
- Trai tơ đòi vợ khóc thầm...
Để ý thấy cử chỉ của con trai hơi khác lạ, mợ hai Vinh hỏi:
- Mày làm cái gì mà đảo qua đảo lại hoài vậy, Thái?
Thái nhanh miệng:
- Dạ... đâu có chi đâu, má.
Vô tình mà bà nội Thái điểm đúng tâm lý, bà cười hệch mồm thấy đỏ loét bã trầu:
- Tao coi bộ thằng Thái đòi  vợ rồi à bây. Bây lo lần đi thì vừa, không thì nó dắt con gái người ta à.
Cậu ba Thạnh xen vào:
- Nó làm việc cũng có tiền rồi, anh hai, chị hai nên sớm lo vợ con cho nó đi. Hay là biểu nó coi cô ký nào làm chung trong sở nó đó,mà nó vừa ý thì cưới đại cho nó.
Thái cười thẹn, gạt ngang:
- Thôi chú ơi. Chú nói kỳ...
Dứt lời, Thái lẻn đi chỗ khác, nhưng chàng vẫn còn nghe rõ câu nói của cha:
- Tôi chấm con Tuyết Nhung con gái của vợ chồng ông Nam Long rồi. Tôi có nói chuyện với má nó, để rồi tháng sau chọn ngày đi hỏi đó chú.
Bà cả Hoài vọt miệng:
- Nam Long nào? Nam Long chủ tiệm cầm đồ ngay của nhà mày đó hả?
Cậu hai Vinh đáp:
- Dạ, Nam Long đó má.
Bà cả nhanh miệng:
- Ý! Con nhỏ đó được à. Nó xứng đôi với thằng Thái lắm à. Mấy lần tao lên mày, nó chạy qua chơi, kêu tao bằng Nội ngọt xớt vậy hà. Được lắm à! Tao chịu con Nhung lắm à. Vợ chồng bây cứ bước tới hỏi cho thằng Thái đi.
Nghe cả nhà đang nhắc đến cái tên Tuyết Nhung, sắp bước qua khỏi ngưỡng cửa thông xuống bếp mà Thái phải dừng ngay lại để dò dẫm tình hình ra sao.
Mẹ Thái khoe con dâu tương lai:
- Con Tuyết Nhung nó cũng mới đi làm việc đâu chừng hơn tháng đó má. Nó cũng đậu đíp lôm như thằng Thái vậy, nhưng mà nó đậu sau thằng Thái một năm.
Bà cả chớp lia đôi mắt:
- Vậy ha?
- Vậy mà nó còn học thêm nữa để thi Bắc ( baccalauréat ) tú tài toàn phần )  đó má.
Bà cả tắc lưỡi:
- Chà! Con gái mà học cao dữ ha! Bây cưới đâu thì cưới cỡ đó mới xứng. Bên nây vợ chồng bây có tiệm giày, bên kia người ta có tiệm cầm đồ. Còn thằng Thái thì có bằng cấp, con nhỏ cũng có bằng cấp...
Đến đây, ông cả Hoài mới tìm được câu chuyện để xen hỏi:
- Bây có biết con nhỏ đó tuổi gì hôn?
Cậu hai Vinh cau mày hỏi vợ:
- Mình biết con Tuyết Nhung mấy tuổi hôn mình?
Mợ hai Vinh đáp gọn:
  - Mười chín.
Ông cà Hoài nheo mắt, bấm đốt tay:
- Vậy thì nó tuổi dần. Còn thằng Thái tuổi gì bây ha?
Mợ hai Vinh nhanh miệng đỡ lời chồng:
- Thằng Thái lớn hơn con Tuyết Nhung có một tuổi hà ba.
Ông cả thang thốt:
- Nói vậy thằng Thái tuổi sửu, con trâu.
Mợ Vinh nhẹ gật:
- Dạ, tuổi nó con trâu.
Ông cả Hoài đưa tay se vài sợi râu bạc ra dáng nghĩ ngợi, đoạn chậm rãi nói:
- Con nhỏ kia cọp, còn thằng Thái là trâu. Trâu với cọp sợ xung khắc..., không ở đời với nhau được.
Nghe ông nói với cha mẹ như vậy. Thái liền thở nhẹ nhõm như trút xong một gánh nặng lo âu. Chàng lén nghiêng đầu, nép mặt bên khung cửa nhìn lên trần nhà trên, chợt thấy nét mặt của cha mẹ không được vui, có lẽ vì lời bàn của ông nội chàng vừa rồi.
Nhưng lo âu lại bám víu lấy chàng trong lúc cha chàng hơi cương quyết:
- Theo con thì đời bây giờ, việc cưới hỏi không cần coi tuổi coi mạng làm chi ba à. Miển hai đứa nó biết thương yêu, đối xử hòa thuận với nhau là được rồi.
Ông cả lắc đầu:
- Không được, phải coi tuổi của hai đứa cho kỹ lưỡng. Dầu cho hai đứa thuận hòa, mà hai tuổi lại khắc nhau thì trời đất cũng xui khiến có chuyện hai đứa phải xa nhau, hoặc phải chịu gãy gánh giữa đường...
Mợ hai Vinh cũng cố tìm lời đánh đổ thành kiến của cha chồng:
- Con thấy cũng có nhiều cặp vợ chồng, trước khi cưới hỏi, cha mẹ đôi bên cũng coi tuổi, coi mạng kỹ càng lắm, mà rồi về ở với nhau đầu hôm, sớm mai thì chàng đi đường chàng, thiếp đi đường thiếp...
Ông cả không chịu đuối thế với con dâu:
- Đó là vì hồi trước, họ đã nhờ một ông thầy coi tuổi quá đở, coi lịch, coi sách ba chớp rồi nói bừa, chớ lịch sách ghi cung mạng mấy đời lại sai được, con.
Bà cả giảng giải:
- Để coi kỹ lại ngày sanh, tháng đẻ của thằng Thái với con Nhung  lại coi. Mình thấy cọp khắc với trâu rồi đó, nhưng biết đâu ngày sanh tháng đẻ của hai đứa lại hạp.
Thế rồi cả gia đình, mổi người một câu, bàn tán về việc cưới hỏi xưa và nay, nhứt là vấn đề coi tuổi tác, cung mạng của chàng rể, nàng dâu, làm Thái nghe không muốn hết.
Mợ hai Vinh thì chốc chốc lại nhắc đến tên Tuyết Nhung, hay vợ chồng ông chủ hiệu Nam Long, cố ý phô trương sự giàu sang của Tuyết Nhung...
Nếu Thái đã yêu Tuyết Nhung tha thiết như đã yêu Nương, thì khi nghe cha mẹ, ông bà bàn tính đến chuyện cưới hỏi Tuyết Nhung, chắc là Thái sẽ thành rồng cỡi mây... Trái lại, Thái chẳng mừng vui chút nào, mà chỉ thêm lo âu cho cuộc tình duyên của chàng với Nương phải tan vỡ.
Đêm đó, chàng thức trằn trọc  trăm nhớ nghìn thương và mộng ước chất ngất như lâu đài! Chàng định bụng là phải sớm cho cha mẹ biết nỗi lòng mình, chớ không thể chậm trể, e cha mẹ đến nói chuyện lứa đôi  với ông bà Nam Long, thì lại thêm rối rắm cho chàng.
Sáng hôm sau, Thái thừa lúc mợ hai Vinh ra ngồi một mình bên bờ ao sau nhà xem cá ăn cám, chàng liền theo ngồi bên cạnh mẹ.
Chàng phải dọn miệng, dọn mồm mấy lần, ấp a, ấp úng mấy lượt mới nói được một câu mà nghe chẳng có đầu đuôi gì hết:
-Má à! Con đã nghe ba má với nội... tính... ơ... vụ đó...
Đến đó, Thái cứng miệng nên nín thinh luôn, không biết phải nói gì nữa cho xuôi.
Mợ hai Vinh ngạc nhiên nhìn ngang con trai:
- Mày nói cái gì vậy, Thái?
Thái thẹn đỏ mặt như con gái mới bước chân vào phòng hoa chúc. Chàng thu hết cam đảm nặn thêm mấy tiếng nữa:
- Con... nói về chuyện... cô Tuyết Nhung.
Nghe Thái nhắc đến tên Tuyết Nhung, mợ hai Vinh lại hiểu lầm về những lời úp mở của con, mợ để mắt ngắm bầy cá nhô đầu giành mồi, vừa cười chúm chím:
-Chuyện đó má đả tính trước từ lâu rồi. Nhưng con phải để chậm rồi ba má lo cho chớ làm gì gấp dữ vậy con.
Thái lắc đầu nhăn mặt:
- Ý con không phải vậy...
Mợ Vinh hốt nắm cám rải xuống ao, vừa hỏi gạn:
- Vậy chớ sao?
Thái lí  nhí:
  - Con xin ba má gạt bỏ ý định làm sui với vợ chồng ông Nam Long.
Mợ Vinh quay lại,  xoáy mắt nhìn con:
- Tại sao con không bằng lòng ba má làm sui với vợ chồng ông Nam Long? Người ta cũng tử tế, hiền hậu mà, con.
- Đã biết rằng ông bà Nam Long tử tế, hiền hậu, nhưng vì con... vì con...
Thái muốn nói vì con đã yêu Nương, nhưng tự nhiên chàng thấy mình mất hẳn bình tỉnh, nên đành bỏ lửng câu nói.
Nét mặt của mợ hai Vinh đã mất vui, mợ phăn hỏi:
- Vậy chớ con thấy sao? Con cứ nói đi.
Thái đáp nhanh:
- Cô Tuyết Nhung không hạp nhãn con.
Mợ hai Vinh khẽ cau mày:
- Cô Tuyết Nhung như vậy mà mày chê, hả Thái? Người ta đẹp đẽ như tiên, lại thêm học cao, cũng bằng cấp này, bằng cấp nọ, nó hơn mày, chớ đâu có thua mày chỗ nào đâu. Vậy mà mày còn lựa chọn sao nữa, hả Thái?
- Không phải con chê...
Tưởng đâu Thái nói chuyện đùa giởn, mợ hai Vinh xỉ lên đầu Thái:
- Không chê thì còn gì nữa? Mày đừng làm bộ quỷ mày.
Thái ấm ức:
- Con chưa nói hết mà má.
Mợ Vinh lại cười ý nhị:
- Còn vụ gì nữa?
Thái đáp gọn:
- Con không chê, nhưng con không thương...
Mợ hai Vinh tỏ ra thấu hiểu tâm lý con trai:
- Bay giờ, hai đứa chưa ăn ở với nhau thì vậy... nhưng chừng cưới rồi, có chung mâm, chung gối rồi... thì hai đứa mới có thương yêu nhau được chớ.
Thái biết ý mẹ muốn nói rằng: Dù bây giờ chàng chẳng yêu Tuyết Nhung, nhưng chừng cưới Tuyết Nhung rồi, tự nhiên sẽ nối gót hôn nhân mà đến sau.
Thái lắc đầu cương quyết:
- Con nhứt định... không thể cưới Tuyết Nhung làm vợ được.
Mợ hai Vinh luôn tìm lời đề cao Tuyết Nhung, mong thuyết phục Thái:
- Má không hiểu nổi ý con rồi à. Má thấy con Nhung nó đứng đắn, lễ phép lắm, chớ không phải lang bang, kiểu cách như con gái người ta. Vậy mà tại sao con không chịu con Nhung?
Thái cán môi thu hồi chút bình tĩnh, đoạn đáp nhanh:
- Con lỡ thương người ta rồi má à.
Mợ hai Vinh thảnh thốt:
- Người ta nào? Người ta là ai? Mày thương đứa nào?
Thái lí nhí trong miệng:
- Con đã thương... con Nương...
Nghe tiếng được, tiếng mất, mợ Vinh nhíu mày:
- Hả? Con nói con thương đứa nào? nói lớn lớn một chút coi.
Thái bấm thật mạnh làm cho một cục đất bên bờ ao bật lên rồi rớt tõm xuống nước. Chàng bộc lộ tâm trạng mình qua cử chỉ ấy. Chàng cúi đầu không dám nhìn mẹ nữa:
- Con thương Nương...
Mợ hai Vinh giương tròn mắt ngạc nhiên:
- Con Nương nào?
- Cháu nội ông sáu Long.
Mợ hai Vinh rắn giọng:
- Mày nói thiệt, hả Thái?
- Dạ, con thưa thật với má...
Mợ Vinh nóng ruột phăn mau:
- Mày thương con Nương từ hồi nào?
- Lâu rồi.
- Lâu là hồi nào?
- Năm ngoái... năm kia...
Mợ Vinh ngạc  nhiên:
- Trời đất ơi!
- Vì vậy cho nên con xin ba má đừng tính đến chuyện đi cưới cô Tuyết Nhung
Nỗi nghi ngờ về chuyện yêu đương, dan díu giữa gái trai, bắt đầu lớn lên trong đầu mợ hai Vinh, vì mợ chưa biết được cái khoãng thời gian một hai năm thầm lén đi lại với Nương, con trai mình có quá bước vào đường ân ái hay không?
Mợ lựa lới hỏi khéo:
- Mày đã có gì với con Nương chưa?
- Con hứa... sau này sẽ đi cưới Nương.
Mợ hai Vinh tỏ ra bất bình:
- Mày có biết tao với ba mày bằng lòng hay không mà mày hứa bướng với con người ta  vậy?
Thái ngồi ngậm câm.
Mợ Vinh đưa mắt nhìn con từ đầu đến chân, rồi từ chân trở lên đầu, đoạn mợ quay về mục tiêu của vấn đề:
- Có điều tao muốn hỏi mày cho cặn kẽ là mày... đã có gì... thầm lén với con gái người ta không đó?
Kịp hiễu ẩn ý mẹ, Thái lắc đầu:
- Thưa không.
Mợ còn vặn:
- Chắc hôn?
Giọng chàng quả quyết:
- Con chỉ có bàn tính với Nương để đi đến hôn nhân.
Bỗng mợ hai Vinh rắn giọng gạt ngang:
- Không! Không thể được!
Thái sa xầm ngay nét mặt và ngước nhìn mẹ bằng đôi mắt đầy van lơn:
- Con xin ba má...
Mợ cắt lời con trai bằng giọng xẵng:
- Tao nói không là không.
Cậu hai Vinh chấp tay sau đít, từ trong nhà thong thả đi ra. Thái nín lặng luôn, không dám nói gì thêm nữa.  Mợ hai Vinh lớn tiếng nói tiếp, có ý để cho chồng nghe:
- Thôi nghe, mày phải dứt khoát đi nghe, Tao cấm tuyệt mày không được lui tới nhà ông sáu Long à, tao nói cho biết trước. Nếu tao thấy mày lẻo đẻo mang đầu lại đằng đó thì đừng có trách tao à.
Nghe vợ to tiếng rầy con, cậu hai Vinh dừng lại sau lưng mợ cất tiếng hỏi:
- Vụ gì vậy?
Mợ chỉ Thái:
- Con trai của mình đây nè.
Cậu hai Vinh ngơ ngác:
- Thằng Thái làm sao? Mợ Vinh lắp bắp đáp:
- Nó... nó... tò tí... với con Nương cháu nội ông sáu Long.
Cậu hai Vinh dựng mày, thảnh thốt:
- Hử?
Mợ đáp nhanh:
- Nó nói nó thương con Nương
Cậu hai Vinh nheo mắt:
- Bộ mày điên hả Thái?
Thái khổ sở ngồi cúi mặt cắn môi muốn rướm máu mà chẳng thốt được nữa lời.
Mợ hai Vinh hỏi chồng:
- Nó đòi cưới con Nương cho nó đó. Ông chịu hay không.
Cậu hai Vinh theo câu hỏi của mợ để đáp cho Thái nghe:
- Mày cứ hỏi ý kiến nội với má mày đó, rồi má mày với nội quyết định cho.
Mợ Vinh nghiêm nghị hạ thấp giọng hỏi con:
- Mày không biết cha mẹ cuả con Nương ra sao, phải không?
Thái nói nhỏ nhẹ:
- Con biết... ba Nương ở tù..., Má nò chết... từ hồi nó còn nhỏ...
- Rồi sao nữa?
- Ông sáu Long nuôi nó tới bây giờ.
- Sao mày biết?
- Hồi đó, má có nói cho con nghe...
Mợ hỏi gạn:
- Rồi mày còn nhớ câu chuyện đó ra làm sao hôn?
Thái làm thinh, dường như chàng không đành bới xới lại một câu chuyện quá não nề của gia đình cha mẹ người con gái mà mình thương yêu.
Mợ hai Vinh tiếp gạn:
- Mày có biết vì sao ba con Nương ở tù, mẹ nó chết... hay không? hả Thái?
Thái cũng làm thinh:
Giọng mợ Vinh bực dọc:
- Mày biết hay không mà mày làm thinh?
Thái chỉ lắc đầu.
Mợ Vinh đổi giọng nghiêm trọng, chậm rãi nói tiếp:
- Làm gì mà mày không biết... Má nói với con đây, con phải để vào tai mà suy nghĩ. Không phải vì má thấy con Nương nghèo nàn mà má ngăn cấm chuyện yêu thương của con. Má thấy rồi, con Nương không thể về làm dâu ba má được...
Thái nhanh miệng chận lời mẹ:
- Nương mới là người đoan trang, hiền hậu hơn Tuyết Nhung à má.
Mợ Vinh điểm ngón tay:
- Má công nhận như vậy. Con phải để cho má nói hết cho con  nghe.
Cậu hai Vinh thừa biết mợ sắp nói cái gì rồi nên cậu không cần đứng lại để nghe tiếp, cậu bỏ lảng đi chỗ khác có ý để cho vợ dể răn dạy con.
Mợ Vinh tiếp phân trần:
- Má nhắc cho con nhớ là hồi trước, má con Nương lấy trai, lấy cái ông đó làm chủ ấp này nè. Nửa đêm, ba con Nương về bắt gặp tại trận nên mới chém má nó chết. Còn thằng cha chủ ấp kia thì chạy khỏi và trốn biệt xứ mấy chục năm nay. Vì vậy nên ba con Nương mới bị bắt bỏ tù, rồi lưu đày ngoài Côn đảo...Bây giờ, không biết ba nó còn sống hay đã chết bỏ xác ngoài đó rồi hổng biết nữa.
Nói đến đây, mợ hai Vinh chợt thấy Thái chớp mắt mấy cái, bỗng nhiên một giọt nước mắt thương tâm rụng xuống cánh tay chàng. Mợ Vinh hỏi nhanh:
- Sao mày khóc?
Thái ngoảnh mặt đi nơi khác.
Mợ hai Vinh phát mạnh lên vai con trai:
- Bộ mẹ mày chết sao mà mày khóc?
Thái nuốt ực sự xúc động xuống cổ họng để nghe lòng mình quặn đau như ai cắt xé, phần đau dùm thân phận của Nương, phần đau vì tuyệt vọng của tim mình.
Mợ hai Vinh giữ luôn cái giọng chát xẵng vừa rồi:
- Tao nói mày phải nghe. Con Nương không thể về làm vợ của mày được. Mẹ nó là một người đàn bà trắc nết, lấy trai... đẻ ra nó ;
Thái ra mặt chống đối mẹ:
- Má nó lấy trai, chớ bộ nó lấy trai...
Không muốn để Thái nói hết lời, Mợ Vinh liền chận ngang:
- Nhưng rồi con nhỏ đó, khi nó có chồng, nó cũng sẽ lấy trai. Nó có nòi như vậy mà. Mày không nghe mấy bà già thường nói: Mua heo chọn nái, cưới gái lựa dòng, hay sao? Tao không phải là thầy bói coi tướng, nhưng mà tao coi tướng con nhỏ nào, tao cũng biết nó đứng đắn hay không rồi hà. Cặp mắt con Nương là cặp mắt lả lơi...!
Thái quay lại nhìn mẹ bằng đôi mắt van xin:
- Xin má cho con được phân trần với má:
Mợ hai Vinh chớp mắt:
- Còn sao nữa?
Lời Thái vướng vấp:
- Con đã lỡ thương con Nương, mà Nương cũng thương con nữa. Con xin ba má thương con, tác hợp cho hai đứa nên vợ chồng. Con biết Nương là người con gái đứng đắn, xứng đáng là dâu thảo của ba má, vợ hiền của con...
Mợ Vinh khoát tay lia lịa:
- Thôi, thôi dẹp di mày. Tao nhứt định là không được rồi, mày đừng năn nỉ, vô ích. Mày dám cãi lời tao là tao từ mày à.
Thái tuyệt vọng, chán chường đứng dậy lững thững đi ra vườn. Mợ hai Vinh tưởng là con trai mình đã chịu nghe lời rồi, nên mợ cũng không cần nói gì thêm nữa. Nhưng mợ nào có biết Thái đứng dậy bỏ đi chổ khác là để dấu che sự xúx động hàm ẩn trong khóe mắt Thái, để tỉm một lối thoát cho tâm tình Thái.
Chàng định bụng rằng:
- Thôi thì chờ hôm nào ba vui, mình sẽ trình bày với ba. Mình van xin mãi chắc cũng phải được.