PHẦN II : Các Bài Viết
Nước có lễ nghĩa

Trình độ giáo dục của một cá nhân cùng phẩm chất của cả dân tộc hoàn toàn thể hiện ra qua những tiếp xúc giao tế bề mặt của xã hội. Các vị chắc nhớ tác phẩm tên là " Kính hoa duyên " (Truyện hoa trong gương). Đường Ngao đến " Nước quân tử ", định nghĩa nước lễ nghĩa nào là " thánh nhân truyền lại ", " dùng lễ nhạc để giáo hóa ",v.v...Kỳ thực chẳng qua ông chỉ căn cứ trên cái việc trẻ con và người già có bị lừa khi đi mua bán hay không. " Nước quân tử " là nơi họ không bị lừa, và mỗi lần gặp một nước như vậy ông lại quỳ xuống vái.
ở Mỹ, chuyện người già và trẻ con không bị lừa gần như là một chuyện đương nhiên. Vì không những giá tiền đều được quy định mà thái độ phục vụ cũng không có chỗ chê. Lúc chúng tôi ở Las Vegas vợ tôi có đến một cửa hiệu nhỏ tìm mua một cái áo khách [một loại áo cánh dầy và dài - jacket]. Trong tiệm có một cái đề giá là 12 đô. Tiền đã trả xong, chỉ còn chờ gói hàng, lúc ấy vợ tôi mới chợt thấy dưới cánh tay áo bên phải hình như có một vết đen bé bằng hạt gạo, liền nói: " ái dà, cái gì thế này? "
Bà già bán hàng cầm lên xem rất kỹ, và nói như xin lỗi: " Thực ra vết bẩn này có thể giặt sạch, nhưng cũng có thể không. Nếu bà vẫn đồng ý mua, tôi đi hỏi chủ tiệm xem có thể bớt được ít tiền không? " Nói xong lật đật lên lầu, rồi lại lật đật chạy xuống bảo có thể bớt cho vợ tôi 2 đôla. Nghe vợ tôi kể lại chuyện này tôi hơi choáng váng.
Vốn bị người bán hàng ngược đãi đã thành thói quen, bây giờ như bỗng có một ngọn gió xuân đến làm rơi mưa xuống, tôi thật tình chỉ muốn đến mà hôn vào mồm bà bán hàng ấy một cái.
Nếu chuyện này mà xảy ra ở Đài Bắc hay Hồng Kông, có lẽ nó sẽ là một tiết mục đấu súng giữa cảnh sát và ăn cướp. Nhất định sẽ ầm ĩ lên như kiểu này: nếu bà khách chết tiệt kia dám cả gan bới lông tìm vết, người bán hàng tất phải phùng mang trợn má sấn sổ ngay:
" Cái gì? Nói thế nào? Đen à? Buồn cười thật! Bộ người ta không có mắt hay sao? Dù có đen nữa đi mà ở dưới nách thì có hề hấn gì. Chẳng lẽ lúc nào cũng cứ dơ nách lên cho người ta xem à?
Muốn bới móc thì cứ nói thẳng ra. Người mua cũng còn khối kẻ thật thà chán! Bây giờ đã ngả giá rồi còn định trả hàng lại đấy chắc? Giảm giá à? Giời mà hiểu được! Lần sau có đi mua hàng thì cứ phải đếm trước hầu bao đi cái đã. Tiền không có mà cứ làm bộ như ta đây giầu lắm! Cái gì? Còn không đúng ấy à?
Người ta là con người của một nước lễ nghĩa, văn hóa truyền thống 5.000 năm, đối với khách như đối với kẻ về nhà, chẳng lẽ không thấy được điều ấy hay sao mà còn lậu bà lậu bậu như kiểu bị người ta lừa mình đấy!
Cửa hàng của người ta to thế này mà cứ trông mong vào mấy đồng xu của các người thì có mà chết đói! Mấy cái đồ ngoại quốc nhà quê, văn hóa nông choẹt. Chẳng bõ công cho người ta đi kêu cảnh sát.
Cứ nói huỵch toẹt ra! Mua không nổi chứ gì? Thôi! Quên đi! Đưa đây! ".
Las Vegas là một thành phố cờ bạc ; 99% người đến đấy là du khách và 99% trong số này có lẽ chỉ đến đây thăm một hai lần trong đời họ. Nếu những kẻ bán hàng ở đây muốn lừa khách thì họ hoàn toàn chẳng phải lo ngại gì đến hậu quả của nó cả.
Thế mà họ vẫn cứ chẳng khác gì như những nơi khác trên đất Mỹ, rất thân thiết và đứng đắn.
Trích từ " Dẫm lên đuôi nó "