PHẦN II : Các Bài Viết
Nói chuyện về " Người Trung Quốc xấu xí "
Trần Văn Hòa viết cho Bá Dương :

Cái bài báo " Người Trung Quốc xấu xí " của ông trong " Tự lập vãn báo " làm tôi không cầm lòng được. Nếu không thổ lộ với ông thì tôi không thể nào chịu nổi.
Tôi nghĩ những ý kiến dưới đây của tôi có thể giúp ông tham khảo thêm chăng?
Về việc ông nói rằng " phải biết thưởng thức và phải có năng lực thưởng thức ", tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nhưng trước khi nói đến người thưởng thức, và năng lực thưởng thức, tôi nhận thấy người Trung Quốc rất bủn xỉn trong vấn đề ca ngợi người khác. Chỉ có bản thân mình là đáng khen, còn những người khác đối với họ đều là cứt chó hết. Trong tiếng Trung Quốc các thành ngữ kiểu: " Trí thức hay khinh nhau " (Văn nhân tương khinh), " Cùng nghề hay ghen nhau " (Đồng hành tương kỵ), " Cùng tính thì hay khích bác nhau " (Đồng tính tương xích),v.v...nhiều không kể xiết. Cho nên nếu mọi người đều dám ca ngợi, mà ca ngợi một cách công khai, thì tự nhiên sẽ có sự thưởng thức và đánh giá.
Ngạn ngữ phương Tây bảo: " Cái kẻ địch mà lòng dạ hẹp hòi là loại kẻ địch đáng sợ nhất ". Đặc biệt người Trung Quốc thường không chịu được người khác khá. Người khác mà khá, y sẽ bảo làm gì có chuyện đó. Người ta có thật sự tốt đi nữa thể nào y cũng phải đi bảo với tất cả mọi người rằng không phải vậy.
Vì sao người Trung Quốc không thích ca tụng, thưởng thức? Tôi nghĩ điều này cũng có liên quan đến việc ông bảo: " Người Trung Quốc không thích nói sự thật "
Ngoài chuyện này ra, người Trung Quốc còn không dám tức giận trước mặt người lạ. Vì không dám công khai tức giận nên cũng không dám công khai ca tụng, không dám yêu mà cũng không dám ghét. Tôi cho rằng người Trung Quốc còn có thêm đặc tính là ít khi biểu lộ sự biết ơn chân thành. Nếu một người Trung Quốc thành công, anh ta sẽ nghĩ đấy là kết quả của sự cần cù nỗ lực của riêng mình chứ chẳng liên quan gì với xã hội, nhân quần. Chẳng phải ơn huệ gì đối với cái cơ hội đã giúp anh ta thành công cả. Việc này giải thích thái độ vô trách nhiệm đối với xã hội của người Trung Quốc.
Ngoài ra, sự thành công của người Trung Quốc chỉ mang lại huy hoàng cho một gia đình, một họ tộc. Những người bên ngoài không thể chia xẻ được cái vinh dự đó. Cái thành công của anh là việc riêng của anh. Cái thành công của tôi là việc riêng của tôi, chẳng có gì liên can đến người ngoài, người khác cả.
Không chịu khen ngợi, không dám tức giận, thích những lời giả dối, bịa đặt, những thứ này có thể đều do kết quả của tính " nội quan " quá trớn trong văn hóa Trung Quốc. Người Trung Quốc dưới sự hun đúc của văn hóa Trung Quốc mang một tâm địa cực kỳ mù mờ, tăm tối. Cái tâm địa này làm cho người ta không dám yêu, ghét, không dám biết ơn và hy sinh.
Không ai muốn hy sinh, vì hy sinh tức tạo nên sự thành công cho kẻ khác. Nghĩa là " chỉ có lợi riêng cho một người nào đó mà không thể có lợi cho mọi người ". Vì vậy không những chẳng ai muốn hy sinh, mà còn tệ hơn nữa là tự bản thân mình không muốn hy sinh, nhưng lại muốn người khác hy sinh cho mình.
Tôi gọi đó là cái " mặc cảm liệt sỹ ".
Bao khổ nạn của người Trung Quốc đều từ cái vòng luẩn quẩn đó mà ra. ˜™
Gửi Ông Trần Văn Hòa:
Sự phân tích của ông làm tôi rất cảm phục. Đúng là nghe được một tiếng khen từ mồm người Trung Quốc khen một người Trung Quốc khác cũng khó như đi lên trời.
Dĩ nhiên không phải hoàn toàn không có sự khen ngợi người khác nơi người Trung Quốc. Nhưng những sự ngợi khen đó thường mang tính chính trị - không phải là lời nói thốt từ đáy lòng. Nó là cái thứ " tình hư, ý giả ". Mà thực ra không ai biết nó muốn nói gì, chẳng khác nào đối với một con ngựa lại khen cái sừng nó đẹp.
Đa số người Trung Quốc đều sống một cuộc đời đầy tình cảm tự ty đến độ bệnh hoạn, không làm sao có khả năng thấy được ưu điểm của người khác, càng không thể đánh giá được sự khác biệt giữa mình và người.
Nếu một người Trung Quốc vô tình tán dương một người khác, tức thì phát sinh ngay những tình huống sau đây:
1- Nếu người được tán dương có tý địa vị, thì sẽ nghe người ta nói: " - Sao? Lại đi bợ đít nó à? "
2- Nếu người đó địa vị thấp kém, thì: " - Sao? Lại mua bán nhân tâm à? "
3- Người đó là họ hàng hay bè bạn của anh, sẽ có câu: " - Dĩ nhiên! Quan hệ của các anh là đặc biệt rồi! Đương nhiên anh phải bốc thơm anh ta chứ! "
4- Người đó hoàn toàn xa lạ, tức khắc: " - Anh có biết đếch gì về người ta đâu! Nếu biết rõ chắc anh cũng chẳng dám nói mò như thế! ".
Dù thế nào đi nữa, tán dương người khác là một sự không thể chấp nhận được. Cái mà có thể chấp nhận được là chửi bới sau lưng.
Người Trung Quốc hễ cứ tụ tập lại một nơi, nếu không ngồi lê đôi mách về chuyện người khác thì không thể nào là con cháu của " ông vua vàng ", của " rồng thiêng " được. Có câu: " Đại Hán thiên thanh ". Thiên thanh là gì? Đó là tiếng nói của người Trung Quốc khi tụ tập lại với nhau để công kích, bới móc đến không còn một cái gì về đời tư của kẻ khác. Kỳ thực chuyện này không nhất thiết lúc nào cũng hàm chứa ác ý nhưng là một thứ phản ứng tự nhiên của sự phát bệnh do vi-rút Tầu.
Chắc anh phải biết ông Chó chứ? Ông Chó mỗi lần gặp mặt một đồng loại tức thì ngửi ngửi đít lẫn nhau. Hễ mùi xông lên tới não thì cả hai đều rất lấy làm thỏa mãn lắm. Cái động lực đẩy người Trung Quốc tụ họp lại với nhau là cái nhu cầu phê bình kẻ khác. Một khi có người vỗ tay bảo anh phê bình đúng, tức là đã ngửi được đít anh và lấy làm thỏa mãn về cái mùi của anh rồi, tức là hai người đã cảm thấy đồng điệu với nhau đấy.
Nhà văn Lỗ Tấn cổ động chúng ta phải dám thương, dám ghét. Yêu và ghét là hai khả năng mà vì lo sợ một cách bệnh hoạn thành ra người Trung Quốc đều đã đánh mất cả. Yêu thì sợ chúng cười, ghét thì sợ chúng thù. Thế là yêu và ghét quện với nhau thành một thứ lực lượng gian ác.
Chính sức mạnh này đã nổ bùng lên trong cái tai họa lớn 10 năm tại lục địa qua cái gọi là Cách Mạng Văn Hóa. Tất cả những dã man, hung bạo, xảo trá, đố kỵ, tàn nhẫn tiềm tàng trong nội tâm sâu thẳm, thâm nhập vào xương cốt người Trung Quốc đều đã được biểu hiện qua nó, làm cho nhân cách người Trung Quốc càng thấp hèn.
Đừng nói đến hướng thượng, đi lên. Chỉ để khôi phục cái mức độ của những năm 30 sợ rằng phải mất đến năm mươi năm nữa. Bởi vì xây dựng bất cứ một cái gì thường phải mất gấp năm lần thời gian dùng để phá hoại nó.
Cứu vớt cả một dân tộc, cái trọng trách này chúng ta không thể để trong tay một vài quan chức cầm quyền, mà mỗi người Trung Quốc chúng ta phải chia ra mà tự đảm đương.
Một quốc dân hạng ba không thể nào sinh ra được một chính phủ hạng nhất, cũng như một chính phủ hạng ba không thể nào có được một quốc dân hạng nhất cả.
Chúng ta, anh bạn trẻ và tôi - một người đã già nua ; chúng ta phải bắt đầu việc ấy. Chúng ta không thể nào chỉ trong chốc lát mà thay xương đổi thịt. Nhưng nếu thay đổi được - dù chỉ một tế bào - thì chúng ta cũng phải làm ngay.
Anh có nghĩ rằng việc đấy là một việc nằm trong tầm tay chúng ta không?
Trích từ " Quảng trường Thông giám "