PHẦN II : Các Bài Viết
Noi gương Tây Phương nhưng không làm nô lệ

Trong " Truyện Phong thần ", một thứ Iliad (I-li-át) của Trung Quốc, thì thần tiên như mây, yêu quái như mưa, tuy rằng rốt cục đều quy về chuyện tà không thể thắng chính, nhưng trong quá trình hai bên đấu với nhau có những màn rất gay cấn, rất oanh liệt.
Trong số thần thánh của " Truyện Phong thần ", lợi hại nhất phải kể tới Ân Giao với cái Phiên Thiên ấn - một loại bửu bối vô địch thiên hạ. Chỉ cần ông ta niệm thần chú rồi hô lên một tiếng tức thì cái vũ khí ấy bay vút lên không. Lúc nó hạ xuống, đừng nói đến xương thịt con người, ngay cả ngọn núi Hy-ma-la-ya kia cũng có thể bị bửa làm đôi.
Phải kể đến cái hay nữa của nó là chính ngay Quảng Thành Tử, sư phụ của Ân Giao, cũng không có cách nào chống cự được vũ khí này, nên khi thấy học trò mình trở mặt, trắng trợn vứt bửu bối ấy lên, thì cũng bay hồn bạt vía, vội vàng tháo chạy.
Bá Dương tôi đang lúc được yên thân, bỗng nhiên cũng bị cái vũ khí vô địch này giáng xuống, nhưng vì thời đại đã đổi thay, bây giờ vì hiện đại hóa nên Phiên Thiên ấn không còn gọi là Phiên Thiên ấn nữa mà đổi tên đổi họ, gọi là " Sùng dương, mị ngoại " (Tôn sùng Tây phương, nịnh nọt nước ngoài). Chỉ cần bị ông Ân Giao hiện đại giáng cho một câu " Sùng dương, mị ngoại " này thì so với cái " Phiên Thiên ấn " 3.000 năm về trước còn nặng hơn cả nghìn cân.
ở Los Angeles, lúc tôi đang nói chuyện trong buổi hội thảo, bỗng có thính giả chuyển đến một tờ giấy, trên ấy viết thế này: " Lão già kia! Không ngờ nhà ngươi lại thờ Tây, nịnh ngoại như vậy, cứ nhất thiết cho rằng nước Mỹ là hoàn mỹ, nhưng thực ra nước Mỹ lại không phải hoàn mỹ như ngươi tưởng đâu! ".
Sau đó ít lâu, một tờ báo ở Los Angeles tên là " Nam Hoa thời báo " có đăng một bài của Đạc Dân tiên sinh với đoạn viết thế này:
" Phải kịch liệt phê bình cái quan niệm " Thờ Tây nịnh ngoại ". Ông Bá Dương cũng giống như bao nhiêu người Trung Quốc khác, lúc vừa mới đặt chân đến đất Mỹ, bị lầm lạc giữa những biểu tượng xã hội tốt đẹp của nó, bỗng thấy xấu hổ vì cái nhơ bẩn của mình đâm ra có mặc cảm tự ti. Ví thử ông Bá Dương cứ ở đây thêm vài ba năm nữa, tôi tin rằng cái quan niệm của ông ấy về Mỹ tất chẳng còn giống như bây giờ ".
Cái vũ khí ghê gớm " Thờ Tây, nịnh ngoại " này đại khái đã được hình thành trong những năm 40 của thế kỷ thứ XIX sau Chiến Tranh Nha Phiến (1840) để hại người đời. Muốn hiểu rõ nội dung của nó ta có thể đọc những lời mạt sát sau đây của một ông bạn già người Trung Quốc: -" Những kẻ " Sùng dương, mị ngoại " như các người [một cách nói rất khách sáo đấy, còn không sẽ thẳng thừng gọi là Hán gian, bồi Tây (dương nô), đồ bán nước (mãi quốc tặc) - BD]. Trăm câu nghìn chữ nói gì đi nữa chẳng qua cũng chỉ để ca ngợi rằng nước Mỹ là tốt đẹp. Nếu nói các nhà khoa học Mỹ giỏi, cái đó có thể cho là đúng, còn lại đi bảo là văn hóa Mỹ hay hơn văn hóa Trung Quốc thì không ai ngửi được. Ai dám nói rằng chúng ta lại phải đi học làm người theo kiểu Mỹ? "
Cái cách nói này không phải chỉ riêng của ông bạn già đó mà còn là giọng điệu của quá nhiều người Trung Quốc khác, quá nhiều đến độ nó làm cho huyết áp của tôi tăng lên ghê gớm!
Sự kiện này đưa ra ánh sáng một vấn đề rất quan trọng: Có một số người hay đem hai sự kiện hoàn toàn khác nhau, hai hành vi không liên hệ nhân quả gì với nhau mà dán dính vào nhau; không dùng đầu não nhưng dùng nước bọt để dán, đúng là những kỹ thuật viên cao cấp!
" Thờ Tây " và " nịnh ngoại " là hai thứ cách nhau cả mười vạn tám nghìn dặm, chẳng có gì dính dáng với nhau, nhưng nếu một khi đem dán dính vào với nhau, chúng có thể dùng làm công cụ để " đánh vỡ đầu " và có thể " tặng thêm " cho vô số những tai họa khác.
Thật ra kẻ bị tổn thương nhất trong chuyện này không phải là những kẻ bị chửi là " thờ tây, nịnh ngoại ", mà chính là những kẻ vì sợ bị gọi là nịnh ngoại nên không dám " thờ Tây ", nghĩa là không dám nhận rằng mình tán thưởng những điều hay của Tây phương. Tôi không bảo không có những người đích thực là " Sùng dương, mị ngoại ". Cái loại động vật này nhiều không biết bao nhiêu rổ đựng cho hết. Nhưng tôi chỉ muốn nói rằng còn có rất nhiều bạn bè khác tuy là " thờ Tây " nhưng không " nịnh ngoại " tý nào.
Tại hội trường ở Los Angeles hôm đó, trong chốc lát, vì quá căng thẳng mà tôi quên mất cái thân phận làm khách của mình đi, mới bộc lộ chân tướng bằng những câu hỏi sau đây đối với thân hào nhân sĩ trong buổi họp:
Các vị hôm nay đến đây bằng gì? Bằng xe ô-tô hay xe cút-kít? Nếu dùng xe ô-tô tức là thờ Tây rồi đó. Tại sao trên đầu các vị không tết đuôi sam, hoặc vấn tóc lên đỉnh đầu mà lại rẽ ngôi bên phải, bên trái? Rẽ ngôi như thế chẳng phải là thờ Tây à? Tại sao các bà không bó chân đi rón ra rón rén mà lại đi giầy cao gót? Không bó chân mà đi giầy cao gót là thờ Tây rồi. Tại sao đàn ông không mặc áo thụng, áo cánh, áo lương tay rộng mà lại mặc âu phục? Mặc âu phục tức là thờ Tây vậy. Sao, các vị không hút thuốc lào (điếu nước) mà lại hút thuốc lá thơm? Hút thuốc lá cũng là thờ Tây. Sao các người không nấu cơm bằng than, củi, rơm và thổi lửa để nhóm bếp mà lại dùng lò điện, bếp ga? Lò điện, bếp ga cũng là thờ Tây. Sao các người không ngủ trên cái kháng (một loại giường xây bằng gạch hoặc đất, ở dưới có bếp lửa vừa để nấu ăn vừa sưởi ấm vào mùa đông ở miền Bắc Trung Quốc ) mà lại ngủ trên giường nệm, giường lò xo? Ngủ trên giường lò-xo, giường nệm không phải là thờ Tây hay sao? Tại sao khi các người gặp sếp của các người, các người không quì mọp, đập đầu xuống đất cho kêu lên binh binh, mà lại chỉ bắt tay nói " Hai! " [ Hi ]? Bắt tay rồi chào " Hai! " không phải thờ Tây là gì? Tại sao các người không thắp đèn dầu để đọc sách thay vì dùng đèn điện? Dùng đèn điện cũng là thờ Tây đấy. Vì sao lúc gửi thư lại không nhờ bạn bè đi đưa hộ mà lại dán tem bỏ vào thùng thư? Dán tem và bỏ thư vào thùng không phải là thờ Tây à? Tại sao các người không đi xem chiếu bóng ảnh bằng da lừa, mà lại đi xem xi-nê? Xem xi-nê không phải thờ Tây là gì? Tại sao các người không gân cổ lên mà kêu gọi, la hét thay vì đi gọi điện thoại? Gọi điện tức là thờ Tây chứ còn gì nữa. Tuy nhiên tôi không tin rằng tất cả các ông, các bà lại đi nịnh ngoại.
Sau đó, lúc trở về Đài Loan, tôi càng cảm thấy nặng nề như đeo một quả cân, cảm thấy sự việc cần được làm sáng tỏ để cho lòng được thanh thản. Cuộc duyệt binh lớn ngày Quốc khánh Đài Loan (mồng 10 tháng 10) vừa qua, chắc vẫn còn trong ký ức các vị những hình ảnh nóng hổi, nào súng tây, pháo tây, trống tây, kèn tây, dao tây, kiếm tây, dàn nhạc tây. Những thứ ấy phải chăng đều là những sản phẩm thờ Tây, nhưng có phải chăng vì thế đều là nịnh Tây hết? Từ những thứ đi trên mặt đất cho đến những thứ bay trên không trung đều là những sản vật thờ Tây. Có thể nào nghi rằng vì có một sự cấu kết, nịnh bợ nước ngoài nào đó chăng?
Nhìn vào bên trong một gia đình, hiện tượng trên đúng là càng trầm trọng hơn. Tất cả những người viết văn viết báo, viết thư nặc danh để chửi tôi là kẻ làm hại đến tình cảm tốt giữa " nhân dân " và " nhà nước " thường vẫn dùng bút nguyên tử, bút máy, mà không dùng bút lông. Dùng bút nguyên tử, bút máy, rồi đánh máy, sao chụp, những người này nỗ lực thờ Tây thế có nịnh ngoại không?
Trong phòng khách, phòng làm việc, các công sở toàn thấy những ghế sô-pha, ghế bành mà không thấy dùng trường kỷ. Tuần trước tôi đến thăm một người bạn. Anh ta chỉ mặt tôi quát bảo: " Đồ thờ Tây, nịnh ngoại! ". Tôi bị quát thành thử mới điên lên, tìm được một cái búa đã định đập cho tan nát cái nhà xí bệt ở nhà anh ta. Vợ anh ta ra năn nỉ, tôi cũng cóc cần, tôi thề không đội trời chung với cái loại nhà xí bệt giật nước " thờ Tây, nịnh ngoại " này.
Tôi mà đập xong cái nhà xí thì thế nào cũng sẽ đập tiếp đến cái vô tuyến, cái đài, cái tủ lạnh, bếp ga, điện thoại, đèn điện,.v.v...Cuối cùng, cô con gái của anh ta - nữ sinh tốt nghiệp đại học, bị trúng độc thờ tây rất nặng, chẳng còn biết kính lão, tôn hiền, cũng không biết gì là lễ nghĩa - bèn gọi cảnh sát đến để đuổi tôi ra khỏi nhà. Thế là chấm dứt cuộc xung đột đó. Nếu không, với cái búa của tôi, mà họ lại ở tầng 12, cả gia đình họ chưa chắc còn chỗ để đặt đít ngồi.
Sau đó suy nghĩ mãi, tôi cũng không thể nào hiểu được tại sao con gái anh ta lại có thể hành động như một kẻ nịnh ngoại kiểu đó được. Than ôi! không thể tưởng tượng nếu thượng đế nổi trận lôi đình, tịch thu tất cả những thứ mà người Trung Quốc tích lũy từ ngày thờ Tây đến giờ, không biết sẽ còn lại được gì?
Anh bạn tôi với cái Phiên Thiên ấn chắc chắn sẽ nói: " Ai bảo chúng ta để làm người, để xử thế lại phải đi học Tây phương? "
ái dà! Anh này đúng là dớ dẩn, thế mà còn phải hỏi! Về mặt làm người, xử thế đương nhiên lại càng phải thờ Tây, học những cái ưu điểm của họ chứ, nhưng như thế không có nghĩa là phải đi nịnh họ.
Về phương diện chính trị, chúng ta lại không phải đã thờ Tây đến ngập đầu rồi hay sao? Đầu tiên chúng ta đã vứt cái hệ thống vua quan từ 5.000 năm để nhất quyết học theo lối bỏ phiếu bầu cử của họ. Tiếp theo là đã cho cái truyền thống phong kiến một cái đá đít để học theo con đường chính trị dân chủ.
Về chế độ kinh tế, chúng ta cũng đã bỏ cái 5.000 năm trọng nông khinh thương, học theo người Tây phương trọng công nghiệp và buôn bán. Như vậy là đã vứt đi cái nhân sinh quan 5.000 năm xem việc làm quan là con đường tiến thủ duy nhất để học người Tây phương cái kết cấu xã hội nhiều tầng lớp rồi còn gì.
Về mặt văn hóa, tất cả những công cụ truyền bá đại chúng, kể cả báo chí, vô tuyến; tất cả các nghệ thuật, sáng tác, kể cả tiểu thuyết, thơ, kịch nói, hội họa, âm nhạc có cái nào mà không bắt chước Tây phương đến chóng cả mặt? Nhưng tất cả những thứ này có làm cho cả nước trên dưới đều thành những kẻ nịnh hay vọng ngoại không?
Cái Phiên Thiên ấn " Sùng dương, mị ngoại " này đem dùng cho con người, chỉ là một sự sai lầm về ngữ nghĩa học, thật không thể nào hiểu và phân tích nó được.
Ông Đạc Dân bảo: " Nếu tôi ở lại Mỹ thêm vài ba năm nữa, cái lòng tin của tôi chắc chắn sẽ không còn như thế nữa ". Đó là một điều có thể có mà cũng có thể không.
Nếu chúng ta mong mỏi vũ khí của Trung Quốc được tinh vi hơn, tất nhiên cần phải học hỏi phương Tây. Nếu chúng ta mong mỏi việc quản lý công thương nghiệp được hiệu quả hơn, cũng phải học phương Tây. Nếu chúng ta muốn xã hội Trung Quốc được văn minh hơn, tất phải học cái cách nói " xin lỗi ", " cảm ơn " của người phương Tây. Nếu chúng ta muốn người Trung Quốc xếp hàng, tôn trọng chỗ qua đường của bộ hành, đi qua cửa lò xo biết từ từ thả cửa ra thì chúng ta phải học tập người phương Tây.
Nếu chúng ta muốn người Trung Quốc có thể mở rộng cái tấm lòng nhỏ hẹp ra, chúng ta phải học tập của người phương Tây sự vui vẻ phóng khoáng, tấm lòng thích giúp người. Nếu chúng ta muốn người Trung Quốc thân thể cường tráng tất phải học tập người Tây phương dùng thì giờ để vận động chứ không phải để xâu xé lẫn nhau.
Tất cả những thứ này có gì là nịnh ngoại đâu? Đứng trước người Tây phương, lễ độ, lịch sự, có thật là chúng ta không cảm thấy thẹn vì mình thấp hèn không? Thế mà chúng ta chỉ biết phản ứng bằng cách cho đến đít vẫn " không quên cái gốc của mình ", đến cùng vẫn cau mày, quắc mắt. Sách cổ có câu: " Biết xấu hổ tức là có can đảm ", thế mà cho đến chết cũng không nhận cái sai của mình, chỉ biết kích động giận dữ và cho rằng như vậy là viên mãn, đạt đạo rồi. Thật ra biết xấu hổ, không chỉ cần có can đảm mà thôi, còn cần có cả trí tuệ nữa.
Ông Đạc Dân cho là " tự thẹn vì mình thấp hèn " sẽ dẫn đến chỗ " tự hạ mình ", nhưng thật ra hai ý niệm này hoàn toàn không có liên hệ nhân quả. " Tự cảm thấy mình chưa được " cố nhiên có khả năng đưa đến chỗ " tự xem mình không ra gì ", nhưng cũng có thể đưa đến chỗ tự biết mình và vì vậy có thể tự sửa mình cho khá hơn. Trường hợp Minh Trị Duy Tân của Nhật-bản cũng như thế thôi.
Trói buộc con người vào trong cái vòng của tâm tình kích động, cái đó thuộc về chiến thuật phong hỏa liên hồi của thời đại Phiên Thiên ấn nhưng đồng thời cũng là một trong những đặc tính của người Trung Quốc.
Có vị giáo sư người Mỹ viết một quyển sách nhan đề " Nhật Bản là số một ", thế mà không có một người Mỹ nào tức giận bảo rằng ông ta là đồ phản quốc hoặc đi làm bồi cho nước ngoài.
Bá Dương tôi bất quá chỉ viết một vài thiên phóng sự dựa trên những ấn tượng hoàn toàn hời hợt mà cái Phiên Thiên ấn kia đã bay xuống chực chụp vào đầu không biết bao nhiêu lần.
Than ôi! Dù anh có nhắm vào cổ tôi mà giáng xuống thì tôi vẫn cứ kêu lên rằng: " Tuyệt đối phải bắt chước phương Tây, nhưng không làm nô lệ cho họ ".
Xin độc giả lượng thứ!
Trích từ " Dẫm lên đuôi nó "