PHẦN III : Các Bài Phê Bình
Có văn hóa không có văn minh?

Hồ Cúc Nhân
Báo " Luận đàn ", Los Angeles, ngày 6/2/1985.
" Văn minh " và " Văn hóa " là hai khái niệm hay bị nhầm lẫn. Văn minh thật ra là gì? Còn cái gì gọi là văn hóa? Định nghĩa như thế nào? Thường thường mỗi người mỗi cách.
Một vài người trí thức Trung Quốc sô-vanh có cách nói rất cổ quái ly kỳ là Tây phương không có văn hóa, chỉ có văn minh. Hoặc xua tay một cách khinh miệt: " Nước Mỹ không có văn hóa! ", nhưng không hề nghe họ nói nước Mỹ không có văn minh.
Giả sử chúng ta lại hỏi một câu: Trung Quốc có một văn hóa ưu tú, nhưng không có văn minh ư? Hoặc hỏi: Thế văn minh quan trọng hay văn hóa quan trọng? Không có văn minh làm sao có văn hóa?
Kỳ thực văn minh và văn hóa tuy hai mà một, tuy một mà hai, không thể tách rời ra được. Chúng ta có thể nói cái tương quan của chúng như sau: văn minh là sự thể hiện của văn hóa, văn hóa là bà vú nuôi của văn minh.
Văn hóa khi được biểu hiện cụ thể trong sinh hoạt và xã hội, cái đó là văn minh. Lấy một ví dụ giản dị nhất: lễ phép là sự biểu hiện của văn minh. Mà Khổng Tử hệ thống hóa chữ " lễ ", chính đó là văn hóa.
Tại Trung Quốc từ hơn 2.000 năm nay cái nghi lễ của Khổng giáo được thể hiện trong chế độ xã hội, trong lời nói và việc làm, ở sinh hoạt thường ngày của nhân dân cũng như qua dịp lễ tiết quanh năm bốn mùa và những nghi thức khác. Tất cả những cái đó chúng ta phải hiểu là văn minh Trung Quốc. Văn minh chính là cuộc sống.
Nếu chúng ta chấp nhận cách nói này thì người Trung Quốc xem ra rất đáng bị chê cười. Vì ngay cả văn minh Trung Quốc chúng ta cũng không có, nói gì đến có thể có cái thứ xa xỉ là văn hóa. Bởi vì cái văn minh của chúng ta (nếu như có) thì đối với cái văn hóa của chúng ta nó thật không tương ứng tý nào. Vậy làm sao nó thể hiện được cái văn hóa của chúng ta?
Nói thế có nghĩa là cái mà chúng ta thể hiện trong sinh hoạt hôm nay không phải là các giá trị của văn hóa Trung Quốc mà chỉ là những thứ đến từ văn hóa khác.
Vì vậy văn minh Trung Quốc ngày nay, nếu có nó, thì nó là một thứ con tư sinh mà đối với mẹ nó - văn hóa truyền thống Trung Quốc - không có gì gọi là liên hệ huyết thống nhiều lắm.
Gần đây tôi có đọc tác phẩm mới của ông Bá Dương là " Dẫm lên đuôi nó ", trong đó nói đến ấn tượng của ông khi sang thăm nước Mỹ. Ông thấy rằng nếu so sánh thì người Mỹ lễ phép hơn người Trung Quốc. Điều này cũng là ấn tượng của tôi khi đi du lịch ở Mỹ.
Người Trung Quốc so sánh với người Mỹ - những người bình thường trong cuộc sống hàng ngày - thì trở thành những người " nguyên thủy ", " man rợ ", vì chúng ta ngay cả " Cảm ơn! ", " Xin lỗi! " đều cũng không biết nói.
Điều này hoàn toàn không phải tôi đặt điều. Nhân dân Trung Quốc, về lễ độ - biểu hiện của văn minh - không thể nào sánh được với nhân dân Mỹ, cũng không thể sánh được với Nhật Bản và Nam Hàn.
Nếu không có cái văn minh sinh hoạt cơ bản, làm sao có thể còn huênh hoang được về cái văn hóa của tổ tiên đã bị mai một rồi?
Không có văn minh làm sao có được văn hóa?
Cho dù có văn minh thì cũng chỉ là một thứ văn minh lai căng, còn nói cái văn hóa Trung Quốc nào nữa?