CHƯƠNG 21
Xóm Liều

Tối cần không biết đến luật pháp
St. Augustin37
Con bé cave  nhất định không cho tôi đụng vào người nó. Con bé thật có bản lĩnh. Nó nói rằng nó coi tôi như em trai nó. Nó đã chứng kiến rất nhiều sự sa ngã của con người ta chỉ vì đã không làm chủ được mình. Tâm hồn tuổi trẻ như tờ giấy trắng, hãy viết lên đấy những dòng chữ đầu tiên ngay ngắn chứ đừng lệch lạc. Đại để như thế. Nó nói một cách giản dị và khá kiên quyết. Thoáng nhìn trong ánh mắt nó, tôi thấy có một nét gì như sự hối tiếc, còn có thể có chút nanh nọc và ghê gớm nữa. Nó khuyên tôi nên đi theo nó vào xóm Liều, nó sẽ chỉ cho tôi một “phi vụ” làm ăn có thể kiếm được tiền triệu rồi mang số tiền đó về mà chuộc lỗi đối với gia đình.
Khi xuống quầy bar, con bé giành lấy quyền thanh toán tiền phòng và tiền bữa ăn. Bọn bạn bè nó trêu chọc, bảo nó chắc “chăn” được tôi là một con nai ấm ớ ở đâu lạc vào. Nó chỉ cười, bảo hiện nay tôi là “bồ nhí” của nó và cảnh cáo bọn kia không được đụng vào.
Con bé đi chiếc xe máy nhãn hiệu “Best” màu đỏ rất oách. Tôi khen chiếc xe máy đẹp thì nó cả cười:
“Sang như đĩ” mà lại! Làm đĩ mà không sang thì đi làm đĩ làm gì?
Tôi biết, thế là từ thâm tâm nó đã chấp nhận số phận, chấp nhận “cuộc chơi” này và bỗng dưng tôi thấy nể nó. So với nó, tôi đúng là một con nai ấm ớ, hoàn toàn không đáng là “cái đinh” gì!
Con bé dừng xe ở nhà bưu điện ven đường. Nó bắt tôi gửi hai tờ giấy cắm xe ở tiệm cầm đồ về nhà. Tôi nghĩ đến dáng vẻ đau buồn của bố tôi khi nhận được bức “tối hậu thư này” lại đâm e ngại. Bố tôi là người cả nghĩ, ông thường vẫn hay tự dằn vặt, tự trách mình khi có chuyện gì xảy ra với mình và những người thân. Mặc dầu bản tính hóm hỉnh và đôi khi “hư vô chủ nghĩa” nhưng ông vẫn lấy câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” làm phương châm sống. Ông hay bắt chước nhân vật trong một vở kịch phương Tây (tôi không nhớ là vở kịch gì) tên là Gioócgiơ Đông đanh mỗi khi gặp phải sự cố tai nạn ở trong cuộc đời thì lại đấm ngực thùm thụp trách mình: “Tại mày muốn thế! Gioócgiơ Đông đanh! Tại mày muốn thế! Gioócgiơ Đông đanh!”.
Tôi hình dung thấy bố tôi đọc xong hai tờ giấy cắm xe, ông thừ người ra lẩm bẩm: “Tại mày muốn thế! Gioócgiơ Đông đanh! Tại mày muốn thế! Gioócgiơ Đông đanh!” rồi chìa nó ra cho mẹ tôi xem. Mẹ tôi đọc xong sẽ tru tréo lên, đổ lỗi cho “phương pháp giáo dục tự nhiên” của bố tôi. Bố tôi lúc ấy sẽ cười đau đớn và bảo: “Thôi đi bà! Hãy mở tủ ra lấy tiền cho tôi! Thế là đi toi mất khoản nhuận bút cả một năm trời! Tôi đã định thôi viết văn “rửa tay gác kiếm” nhưng như thế này thì phải theo cái nghề viết lách khốn kiếp này đến hết đời! Tại mày muốn thế! Gioócgiơ Đông đanh! Tại mày muốn thế! Gioócgiơ Đông đanh!”.
Con bé cave thấy tôi đứng thần mặt ra thì bực mình lấy bút, hỏi tên tuổi, địa chỉ của bố tôi rồi tự nó viết vào phong bì, dán tem lại gửi đi. Nó viết nắn nót với nét chữ tròn trĩnh khá đẹp, phía trên phong bì nó ghi là “người phương xa”. Nó cười khanh khách bảo tôi:
Như thế để bố anh lại tưởng là thư của bồ... phen này thì cậu ấm ăn mười cái roi là chắc.
Chúng tôi đi vào xóm Liều ở phía sau ga Yên Viên. Những năm gần đây, làn sóng “dân phiêu tán” từ nông thôn đổ ra thành thị khá nhiều. Những người nhà quê tranh thủ những dịp “nông nhàn” thường kéo nhau ra thành phố kiếm sống. Họ làm đủ những việc “tự do”: đàn ông thì làm cửu vạn (chuyên chở hàng hóa), đi xây cất nhà cửa hoặc những việc linh tinh khác; đàn bà thì đi buôn bán ở chợ, làm ô sin giúp việc cho những gia đình giàu có, trẻ hơn thì đi làm cave, tiếp viên ở những nhà hàng. Lẫn trong số đó có cả những bọn lưu manh giang hồ. Thường thường, họ hay thuê nhà hoặc chiếm dụng đất công cộng ở những vùng giáp ranh giữa khu phố này với khu phố kia, giữa tỉnh nọ với tỉnh kia để cất lên những ngôi nhà tạm. Sau đó lâu lâu “cứt trâu hóa bùn”  có khi người ta dời cả gia đình ở quê lên đấy. Những vùng giáp ranh là nơi chính quyền địa phương ít để ý nhất. Những xóm Liều ra đời từ đó. Ở Hà Nội có lẽ phải có đến hàng trăm xóm Liều khét tiếng về những tệ nạn ma túy, mãi dâm như ở công viên Thanh Nhàn hay ở khu bãi rác Thành Công, đến nỗi nhà nước phải huy động lực lượng cảnh sảt đến giải tỏa hàng tháng trời mới dẹp đi được.
Sau này, đi đó đi đây, tôi mới thấy không phải chỉ ở Hà Nội, mà ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Thái Nguyên v...v... ở đâu cũng như vậy. Những xóm Liều, đúng như tên gọi của nó, không phải là nơi “đất lành chim đậu” là nơi cư trú bình an của người lương thiện muốn ôm ấp hy vọng để đổi đời.
Xóm liều mà con bé cave Hương đưa tôi vào đường đi lối lại cực kỳ ngoắt ngoéo. Những ngôi nhà tạm, xây cất bằng những vật liệu rẻ tiền, lợp giấy dầu hoặc những tấm lợp nhựa tổng hợp đều na ná như nhau: chúng giống như hình ảnh các khu nhà ổ chuột ở Rio de Janero (Brazil) hay ở Trung Đông chiếu trên tivi. Những đường dây điện dọc ngang nhằng nhịt trông rất nguy hiểm. Hệ thống cống rãnh thoát nước không có nên mùi xú uế tỏa ra nồng nặc.
Chúng tôi vào một ngôi nhà ở cuối xóm Liều. Ở đây giáp với cánh đồng. Từ chỗ này đi tới đường xe lửa chỉ vài trăm mét. Bọn buôn lậu từ Lạng Sơn về Hà Nội vẫn lấy đây làm nơi tập kết hàng. Hàng hóa đựng trong những bao dứa hay bao nylon được lăn từ trên tàu xuống dưới lề đường. Chỉ trong vài phút, đám cửu vạn từ trong xóm Liều đổ ra dọn sạch, đưa về cất giấu trong những kho hàng bí mật ở đây.
Chủ nhà mà chúng tôi vào có vẻ như một “đầu nậu” có kinh nghiệm và từng trải. Anh ta chừng 40 tuổi, trên mặt có một vết sẹo trông khá dữ dằn. Con bé cave Hương giới thiệu tôi với anh ta, nói tôi là “thằng em họ” đang là sinh viên đại học, muốn tranh thủ trong mấy ngày nghỉ để đi kiếm thêm tiền học. Anh mặt sẹo cười khẩy bảo nó:
Anh lạ gì cô! Cái tính thương người của cô có ngày sẽ giết cô và các “chiến hữu” của cô! Thằng nào cũng là anh họ, em họ rồi vào nhà giam bóc lịch có ngày.
Con bé Hương thề sống thề chết đứng ra “bảo lãnh” cho tôi. Nó bắt tôi đưa thẻ sinh viên ra để làm tin. Anh mặt sẹo có vẻ xuôi xuôi, xem xét cái thẻ sinh viên của tôi một cách kỹ lưỡng, anh ta đối chiếu tấm ảnh trong thẻ sinh viên xem giống tôi không, cuối cùng chặc lưỡi bảo con bé Hương:
Thôi anh cũng liều với cô chuyện này. Nếu có thế nào thì anh sẽ “đánh tiết canh” cô đấy! Nhưng sinh viên sao lại đi ăn mặc quần áo “quân khu” thế này?
Tôi kể lại chuyện hầu thằng Hải Anh ở trong bệnh viện X. cho anh ta nghe. Anh ta lập tức bấm số điện thoại di động liên lạc với phòng y vụ bệnh viện X. hỏi xem có bệnh nhân nào tên là Hải Anh nằm ở khoa xương hay không? Sau khi xác nhận câu chuyện tôi kể có thật anh ta bảo tôi:
OK! Bây giờ thì ta có thể vào việc được rồi.
Hóa ra công việc mà anh ta giao cho tôi cũng khá đơn giản. Tôi phải mang một số tiền lớn đựng trong túi xách đi lên Lạng Sơn giao cho một ông Chu nào đấy ở chợ Kỳ Lừa. Để tránh bị chú ý, tôi sẽ đóng vai như một sinh viên đại học đi tàu về quê. Những người kiểm tra liên ngành (ngành thuế vụ, ngành công an, cảnh sát đặc nhiệm và chống buôn lậu...) trên tàu đã từng nhẵn mặt bọn buôn lậu nên chẳng lạ gì những ai hay đi trên tuyến đường này. Ngoài ra, những bọn “kỳ phùng địch thủ” trong giới buôn lậu giang hồ cũng sẽ sẵn sàng “thịt” người anh em của họ để cướp lấy tiền, lấy hàng nếu như có dịp. Tôi không được để lộ hành tích của mình trước cả hai thế lực của “xã hội đỏ” và “xã hội đen”. Giao tiền cho ông Chu xong, tôi sẽ được nhận được hai triệu đồng tiền công ngon lành. Nếu tôi “dở chứng” giữa đường, đương nhiên tôi sẽ bị “đánh tiết canh” ngay tức khắc. Cũng sẽ có người luôn đi theo dõi tôi và tôi không biết mặt hắn. Tôi sẽ được thay bộ đồ sinh viên xịn và sẽ lên tàu từ ga Hà Nội tuốt lên Lạng Sơn để tránh nghi ngờ. Từ nay cho đến lúc lên tàu vào 5 giờ sáng hôm sau, tôi chỉ được phép quanh quẩn trong ngôi nhà này không đi đâu cả.
Con bé Hương tạm biệt tôi đi về. Lừa lúc anh chủ nhà mặt sẹo quay đi, nó kéo tôi lại gần và hôn lên môi tôi. Nó bảo:
Này nai! Nếu việc thành công đừng quên chị nhé!
Hóa ra, nó vẫn coi tôi như thằng em ruột xấu số của nó.
Nó lên xe máy phóng đi. Tôi đứng lại bất giác đưa tay lên môi.
Lần đầu tiên trong đời có người con gái hôn tôi! Đấy lại là cái hôn của một cô gái cave, cô gái giang hồ! Cái hôn của một con điếm!
Tôi đã bảo rồi, cái thời của tôi đang sống là thời chó má!
Tuy nhiên, từ trong thâm tâm, tôi vẫn thấy cái hôn ấy ngọt ngào. Tôi sẽ không bao giờ quên cái hôn ấy. Rất có thể, dẫu rằng tôi đã xếp hàng, sau 100 nghìn lượt người để tiếp nhận cái hôn cay đắng ấy!
---
37.  Đề từ trích trong “Bách khoa danh nhân từ điển” (sách đã dẫn).