CHƯƠNG 26
Robinson Crusoe

Robinson! Robinson! Robinson Crusoe! Tại sao mày lại ở đây?...
Daniel DeFoe43
Cái ông nhà thơ điên rồ thả tôi xuống giữa đảo hoang, tôi không biết đây là đâu, ở địa phận nào. Bên cạnh tôi chỉ có mấy thứ tối thiểu phục vụ sinh hoạt: một cái chăn, một cái nồi, con dao, cái bật lửa... Tiền không, gạo không, tôi chẳng có thứ gì đáng kể trên người. Nhìn ra xung quanh bốn bề chỉ là biển cả mênh mông. Tôi hiểu thế là tôi bị đẩy vào một tình thế hoặc phải chết, hoặc phải đấu tranh để tự tồn tại, để sống.
Câu chuyện về Robinson Crusoe kích thích tôi kinh khủng. Hồi bé tôi từng đọc cuốn truyện của nhà văn Daniel DeFoe nhiều lần và tôi rất thích. Đúng là tiểu thuyết! Một chuyện bịa đặt hoàn toàn nhưng lại hấp dẫn kinh người. Số phận oái oăm, tôi không ngờ giờ đây tôi lại lâm vào tình trạng giống như anh chàng Robinson Crusoe xấu số đó.
Giống như Robinson Crusoe, công việc đầu tiên của tôi là dạo thử một vòng xem hòn đảo này có gì. Đây là một hòn núi đá nhô lên giữa biển, hiểm trở kinh người. Trông ra xa, tôi nhận thấy có rất nhiều hòn đảo như vậy. Như thế, tức là tôi đang ở trên một hòn đảo nào đó trong khu vực vịnh Hạ Long – Cát Bà. Mặc dầu dốt về địa lý nhưng tôi cũng biết đây là một vùng vịnh biển đặc sắc nhất ở Việt Nam và thế giới, có tới hơn 1700 hòn đảo lớn nhỏ.
Hòn đảo mà tôi đứng đây hẳn gần với khu vực đảo Cát Bà, Cát Hải hơn là vịnh Hạ Long. Buổi tối, còn nhìn thấy cả ánh đèn điện phía xa xa, có vẻ ở đó là đảo Cát Bà hoặc đảo Tuần Châu là những trung tâm du lịch sầm uất.
Hòn đảo mà tôi ở có lẽ đúng là không có người thật. Tôi không biết bên kia đảo (tức là bên kia dãy núi đá vôi) có người hay không nhưng suốt một chặng đường dài chừng một cây số bên này thì chẳng có bóng dáng một ngôi nhà nào. Không có dấu vết canh tác gì ở đây vì đúng là núi đá thì khó mà trồng trọt được gì. Những chỗ nào có đất thì đều thấy ở đấy mọc lên vô số những cây đu đủ (sau này tôi biết dân ở vùng vịnh đảo gọi đây là cây thầu dầu). Những quả đu đủ không to lắm nhưng quả nào chín thì rất ngọt. Cây cối trên hòn đảo này không phong phú gì cho lắm, không có cây to, cổ thụ, chỉ thấy toàn những cây trông giống như cây si, cây sao. Đa số là cây thân gai, cây chó đẻ.
Ở trên núi cao quạ nhiều vô kể. Có lẽ đây là xứ sở của quạ. Khu vực Cát Bà – Cát Hải là những cảng cá nên có rất nhiều cá chết. Chắc bọn quạ vẫn bay về đấy “đi chợ”, đánh chén no nê sau đó lại bay về đây trú ngụ.
Gần biển có rất nhiều hang đá khá đẹp nhưng tôi rất sợ ở đấy. Có thể khi thủy triều lên hoặc khi mưa bão, những hang đá đó sẽ bị ngập trong lòng biển.
Tôi đi lang thang, cố tìm cho được một chỗ để ngủ qua đêm rồi sẽ tính sau. Một sức mạnh sinh tồn bản năng thế nào đấy thức dậy trong tôi khiến tôi không thấy sợ, cũng không thấy tuyệt vọng. Thậm chí tôi cũng không có cảm giác thèm heroin như khi ở trên đất liền, ở “ thế giới văn minh”. Có thể vì tôi còn trẻ, mới hai mươi tuổi. Vả lại, rõ ràng là tôi vẫn đang ý thức được, ma túy không thể đánh gục nổi tôi. Gì thì gì, tôi cũng vẫn là một người được “hưởng thụ nền giáo dục cao cấp” cơ mà!
Cuối cùng thì tôi cũng tìm được một chỗ như ý trên lưng chừng núi đá. Ở đây có thể quan sát ra xa, đồng thời xuống biển cũng gần. Điều tuyệt vời chỗ này là một hốc đá khá phẳng có thể nằm được, nếu đứng dậy thì phải đứng lom khom nhưng cũng không sao. Nhược điểm duy nhất của hốc đá này là không có “bình phong” nên gió thổi vào rất ác. Tôi phải hì hục xếp một bức tường đá để chắn trước cửa cho đỡ gió.
Những quả đu đủ chín là thực phẩm của tôi. Bọn quạ ở đây rất dạn dĩ, nhiều khi chúng bay sà đến trước mặt tôi như khiêu khích. Nếu tôi đuổi chúng, chúng kêu lên những tiếng “quạ, quạ” đinh tai nhức óc rồi bay lên phía cao trên núi.
Tôi không biết trên đảo này có thú hay không? Chắc núi đá như thế này thì không thể có những con thú to như hổ, gấu được... Có thể có rắn và đấy là thứ mà tôi rất sợ. Để cho cẩn thận, tôi kiểm tra xung quanh chỗ ngủ của tôi, dùng dao phát quang những cây gai và cây chó đẻ. Tôi đốt một đống lửa nhỏ rồi chui vào chăn nằm.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi “tự phê phán” – nói cho văn hoa tức là “tự mình đối diện với bản thân mình”. Tôi suy nghĩ rất lung, suy nghĩ về tất cả.
Này, nhưng có cần kể ra tất cả những suy nghĩ ấy hay không? Tôi, tôi chẳng ân hận gì về những việc tôi đã làm. Có lẽ tôi chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh sống của tôi. Nếu con người là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” thì bất hạnh thay, tôi có lẽ là một cái “nốt” nhạy cảm hơi quá đáng. Do đó giờ đây tôi mới phải một mình trên hoang đảo này. “Một mình sống giữa quạnh hiu. Còn hơn hiu quạnh giữa người thân thương”. Không biết ai đã nói ra câu ấy. Tự dưng tôi hiểu ra ý nghĩa thâm thúy trong cuốn sách của Daniel DeFoe. Robinson Crusoe trên hoang đảo không phải chỉ là một truyện phiêu lưu mua vui, nó là tiếng nói “không” với thế giới con người ích kỷ, với cuộc đời tang thương của kiếp người cứ tưởng bở là có ý nghĩa gì cho lắm. Xin lỗi, kể cả bố tôi “ông nhà văn danh tiếng”, thằng anh trai tôi “nhà điêu khắc tương lai”, của bác Trạch – chuyên gia máy vi tính mặc quần sooc, của con Dung cận, con Liên lùn... hay những người mà tôi quen biết. Cái thế giới thanh bình giả tạo với ti tỉ những phong tục tập quán, với những tiện nghi, những đạo lý thành văn và bất thành văn cố gắng trói buộc con người không chóng thì chày rồi cũng bị tấn công bởi nạn khủng bố, bởi ma túy hoặc thứ gì gần giống như thế. Tự nó không bị tấn công thì nó cũng sẽ hủy hoại nó, cũng thối rữa ra... Nó phải được rửa ráy lại, tự nó phải trục độc từ trong máu nó, nó phải rà lại những giá trị mà nó có được chứ đừng tưởng bở rằng mọi thứ sẽ là bất biến, sẽ là vĩnh cửu.
Tôi đứng đây giữa đảo hoang, trên trời xanh, giữa biển xanh. Đây là lần đầu tiên trong đời mình, tôi cảm giác được giá trị sự sống, tôi tự tin vào mình hơn hết. Mẹ khỉ, tôi đúng là Robinson Crusoe!
---
43.  Daniel DeFoe: Nhà văn Anh, tác giả cuốn truyện phiêu lưu “Robinson Crusoe”, xuất bản lần đầu năm 1727.