Chương 11
Còn Nước Còn Tát

Gần một năm trời sum họp với gia đình làm Trang ngao ngán. Ðại gia đình của nàng mặc dầu trải qua mấy lần kinh hoàng với thời cuộc, trải qua bao nhiêu biến cố chết đi sống lại, vẫn không hề thay đổi chút nào. Hay là chỉ thay đổi tạm thời cho thích hợp hoàn cảnh, rồi khi sóng yên gió lặng, mọi nhân vật với những cá tính đặc biệt lại trở về với những thói quen xưa. Thì ra người ta chỉ tha thứ, hợp tác, tin cậy và dễ dãi với nhau trong cơn tai nạn mà thôi!
Và những đứa con đã lớn, đã sống độc lập, đã chìm nổi gió sương bao nhiêu năm, khi trở về với đại gia đình, nó lại hiện nguyên hình trong nền nếp cũ: phản đối ngấm ngầm, phục tùng giả dối... Phần nhiều ý nghĩ và hành động trái ngược nhau một cách mỉa mai.
Trang không muốn nghĩ ngợi sâu hơn nữa về cha mẹ. Trang thấy ai cũng đúng mà ai cũng có điều sai lầm. Mỗi người đều cương quyết đi đến một cực đoan và không ai muốn quay đầu trở lại, thành ra sự lãnh đạm, xa cách càng ngày càng sâu. Tình yêu của cha mẹ, cái “Tình thiêng liêng” ngày xưa đã chết! Một chút Nghĩa rất mong manh giữ họ phải sống chung dưới một mái nhà mà mỗi người mơ một cảnh giới khác..
Ba Trang mặc dầu rất muốn xa hẳn bà vợ già để vui hạnh phúc với cô vợ trẻ nhưng không lẽ gần bốn chục năm trời tình nghĩa bây giờ đã lên cụ, đã thành ông nội, bà cố, đã gần đất xa trời lại còn bày chuyện ly dị cho thiên hạ chê cười. Dù sao vì danh tiếng của gia đình, vợ chồng vẫn phải nhẫn nại, cố chịu đựng để giữ tiếng với bà con thân thuộc, mà sự thực trong lúc ấy, làng trên xóm dưới đã kể chuyện giựt gân của họ không bỏ sót một chi tiết nào.
Xưa kia đã có lần Trang tưởng mình khổ, nhưng bây giờ so với tâm sự của mẹ, là một khôi hài mỉa mai. Tóm lại cũng chỉ vì không hiểu nhau mà ra cả. Cha mẹ hơn bốn chục năm trời chung sống còn chưa hiểu nhau thay!
Nhưng tại sao lại không hiểu? Tại người ta không muốn hiểu, không chịu hiểu, không hiểu nổi hay mình không giúp cho người ta hiểu?
Trang ngập ngừng thấy mình cứ muốn đi sâu vào tâm tư của cha mẹ. Nếu cách đây ba chục năm, đó là những “đấng thiêng liêng” mà các con chỉ biết cúi đầu vâng lệnh chứ không bao giờ dám cãi lại, hay phê bình phải, trái, dở, hay...
- Chị ơi, có thư!
Tân ở ngoài cửa vừa chạy vào vừa gọi Trang, đưa cho nàng một bức thư. Nhìn nét chữ Trang nhận ra thư của Dung. Dung hiện đang ở với hai con làm việc với một hãng buôn ở Saigon, cuộc sống cũng hơi chật vật. Trang bóc thư ra xem xong đem lên nhà đưa cho cha. Trang đứng bên cạnh chờ, nhìn kỹ nét mặt để xem sự phản ứng của ông thế nào.
Ông nằm trên phản gỗ ở giữa nhà hóng mát. Cô Tư ngồi bên cạnh đang đếm xâu hạt ngọc. Cô lần từng viên nói to:
- Sanh... lão... bệnh.... tử. Sanh, lão, bệnh, tử...
Ba Trang cầm bức thư, không tìm thấy kính đâu, ông cau mày hỏi:
- Nó gửi cho ai? Ðọc nghe, Nó nói gì trong ấy?
- Dạ chị con gửi cho con. Nói nhờ bà Ban giúp nên mới được việc làm hiện tại. Bây giờ xin gởi vào cho chị một cặp nón Gò Găng để tặng bà Ban vì bà ấy đi xa muốn một đôi nón tốt nhưng tìm không có.
- Mua độ bao nhiêu tiền?
- Dạ độ một trăm đồng.
Ông cau mày:
- Hừ, những một trăm đồng! Mua nón cho nó làm ơn làm nghĩa! Tao thôi việc nằm đây còn làm gì ra tiền! Con cái đứa thì ăn, đứa thì xin.
- Dạ!
- Người ta thì con cái thành ông nọ bà kia cả, tháng tháng cung cấp cho cha mẹ, còn tao thì...
- Dạ, thưa ba muốn ăn trái thì phải trồng cây...
Ông quát lên:
- Ðấy, lại sắp dở giọng! Thôi đi xuống nhà!
Trang lẵng lặng đi xuống, nàng nghe cô Tư cười rú lên:
- Hi hi hi, « Sanh » cụ ơi! Cụ mua chuỗi ngọc cho em đi. Chuỗi ni tốt lắm. Có sáu ngàn thôi mà. Chuỗi ni hên lắm. Sanh mà lị!
Trang lặng cả người. Thực là một cảnh tượng mâu thuẫn mỉa mai. Ðứa con gái thuở bé không cầu, nhưng lớn lên đã làm ông đắc ý ngâm mấy câu Ðường thi:
- « Tùng thử thiên hạ phụ mẫu tâm
Bất trọng sanh nam trọng sanh nữ”...
Mặc dầu Dung không làm Hoàng hậu, Vương phi gì cả như bài thơ tả nàng Dương Quý Phi, nhưng nàng đã nai lưng ghé vai lãnh cái gánh nặng của gia đình lúc nguy nan nhất trong thời loạn. Ðứa con ấy bây giờ đang sống lao đao chật vật, xin ông một đôi nón Gò Găng để tạ ơn ân nhân ông cũng dằn vặt, trong khi cô hầu non đang đếm từng hạt ngọc “Sanh, lão, bệnh, tử” xem chữ nào đúng vào hạt may mắn.
Ba Trang cầm chuỗi hạt lên xem gật gù:
- Em thích thì mua nhưng...đừng cho bà biết. Nói là em tự mua nghe không?
Cô Tư bĩu môi:
- Hừ, em thiếu chi tiền! Tiền em cho vay đặt nợ đòi về hết cũng đủ mua một trăm chuỗi.
Cô nói mà không cười, vì bệnh nói khoác đã thâm nhập vào tâm can phế phủ từ lâu, thành bệnh kinh niên rồi, nên cô nói khoác không còn ngượng miệng nữa, và cũng không còn phân biệt được lúc nào là nói phét, lúc nào là nói thật.
Sự thực từ ngày chồng cô cưới cô vợ “đồng chí” trên khu, cô làm bánh bông lan bán sỉ, hai mẹ con kiếm đủ chi tiêu là may lắm rồi. Nhưng cuộc sống vật lộn vất vả cho cô một cái kinh nghiệm là càng khoe khoang nhiều, càng diện sang, càng dễ...đi vay, và với đàn ông, càng xem nhỏ đồng tiền, thì họ càng cho nhiều mà không dám tiếc.
- Nào ai nói em không tiền, nhưng mà tôi sợ...
Cô xoa bụng cười một cách kiêu hãnh:
Trang thấy say sưa tràn ngập trong sung sướng. Ðối với Trang không lúc nào cuộc đời tươi sáng và dễ thương như lúc này. Trang đã quên nghĩ đến ngoài những cái tình trói buộc trong ích kỷ, tình lợi dụng, tình xô đẩy vào vòng xâu xé, ám hại nhau cũng còn một thứ tình khác: tình bạn. Tình bạn thiêng liêng không vụ lợi, không tranh giành, không ích kỷ, ganh tị...
Trang thấy mình đã là một đứa con cưng của Thượng Ðế mà không biết! Nàng đã được thứ tình dù có cả một kho tàng cũng không thể nào đánh đổi được.
Bức thư thứ hai đúng là của Bình. Trang không cần đọc cũng biết thư viết gì. Trong những năm tháng xa nhau Bình đã gửi đều đều cho Trang mỗi tuần lễ hai bức thư như thế. Bình, con người mặc dầu không biết tán tỉnh hoạt bát và văn tài của anh dù “yên sĩ” có lên đến độ cao nhất cũng không bao giờ đủ hứng để viết thành một truyện ngắn truyện dài nào, nhưng anh đã có đủ kiên nhẫn và nhất là “thiện chí” để viết một mạch cả trăm bức thư tình cho.... vợ mà không chán thì cũng phục thật! Nhớ đến câu cách ngôn “Muốn sống sung sướng, sống ẩn dật”, Trang nghĩ thầm biết đâu Bình đã chẳng lĩnh hội được cái “triết lý cao siêu” ấy mà mình không ngờ!
Mỹ thấy Trang về chạy đến ôm chầm lấy chân mẹ đòi bức thư:
-Me, cho con thư ba!
Trang đưa bức thư còn nguyên phong cho con dặn:
- Cho con chơi nhưng cấm không được xé ra nghe không!
Mỹ cầm thư cha vui mừng nhẩy tung tăng đi khoe với mọi người:
- Em có thư, em có thư!
Trang nhìn theo con như cố tìm can đảm để phấn đấu, để chịu đựng những thử thách của một cuộc phiêu lưu sắp tới nay mai...

Linh Bảo

(Viết xong 1957)

Xem Tiếp: ----