Thế sự thăng trầm

     ụ Phán Cận ngừng tay đánh máy, cúi đầu ngước nhìn qua phía trên đôi kính trắng và kêu lên:
- Ủa, gì mà họ chạy rầm rầm trên thang gác thế?
Tất cả nhân viên trẻ tuổi của phòng “Việc Bản xứ” dưới kia ùa vào. Phán Kính đi đầu nói:
- Hôm nay ông Phó đi vắng. Mắc bầu cử chánh tổng Bảo Nham.
Phán Hòa tiếp:
- Lên đây phá một bữa cho vui.
Những người vừa vào lần lượt tới bắt tay Đồng, ông Phán mới đổi về Tòa Sứ tỉnh đây được đâu ba ngày. Khi tới lượt Hòa, anh ta đưa cả hai tay bạn đồng nghiệp mới, rung rất mạnh và nói:
- Thưa cha ạ.
Tất cả nhân viên “Việc Bản xứ” cười phá lên. Nhân viên “Kế toán” chỉ mỉm cười, duy có cụ Phán Cận cười lớn, ra ý hỏi câu chào đùa ấy. Ông Phán Đồng thì hơi nhếch mép có cái cười ngượng nghịu của kẻ bị đem khôi hài giữa một xã hội chưa quen thuộc..
Cụ Phán Cận khen:
- Me-xừ Hòa thánh thật. Làm sao mà biết được me-xừ Đồng có công nương?
Hòa vỗ ngực kiêu hãnh:
- Đã bảo Thổ Công chính là mỗ mà lại.
Quả thật anh ta cũng xứng cái biệt hiệu ấy. Anh có một quyển sổ lớn đóng bằng tờ giấy thừa rọc trong sổ đinh điền cũ của phòng “Thuế” trong đó anh ghi đầy đủ những điều đã thu lượm được về các cô trong tỉnh: tên cha mẹ, nghề nghiệp, sinh quán, tóc, trán, mắt, mũi, môi, cằm, sẹo, áo thường mặc, tính nết.
Ở cột “bị chú”, anh ghi những cuộc thuyên chuyển về các cô: “Hôm nay con Lan đi Hà Nội”, “Mai Thúy Liễu đáp tàu 12 giờ đêm vào Nam”. Ai hỏi anh làm sao biết rõ thế, anh chỉ mỉm cười, kín đáo nói: “Bí mật nhà nghề”.
Kể ra tài của anh chỉ thu lại ở cái tài bắt quen với thằng xe và con sen. Cụ Phán Cận đùa:
- Có muốn làm rể thì nói, tôi đứng mối cho. Tôi quen bác Phán từ hồi còn để chỏm, mỗi đứa xách một bụng giun tướng chạy nhong nhong ngoài phố kia đấy.
Đình “Bản xứ” giễu:
- Sao mà cụ nhắc lại thời thơ ấu một cách kém vệ sinh như vậy?
Căn phòng lại ồn lên những tiếng cười. Cụ Cận tiếp:
- Nhưng thôi, để tôi làm mối cho me-xừ Phúc, lủy hiền lành hơn, phải không?
Phúc nãy giờ vẫn ngồi cắn bút yên lặng nghe, bỗng đỏ mặt lên vì thấy ai nấy đều ngoảnh nhìn mình mà cười. Hòa kêu lên:
- Ôi giời ơi, cha ạ, cha đừng gà cho “ông Lý”, “ông Lý” lấy cô Thu Tâm rồi.
Phúc lại đỏ mặt lần nữa, nhưng lần này không phải vì thẹn Hòa vẫn quen chế giễu chàng là “ông Lý” vì thấy chàng lù khù trong Nam phục. Anh ta lại thích gán đùa chàng cho Thu Tâm là cô nữ học sinh phóng túng nhất tỉnh để sự tương phản rõ rệt đượm cho câu khôi hài thêm đậm đà thấm thía. Vì Hòa là tay ăn chơi nhất Tòa và bị các cụ Phán già cười chê, anh ta sinh ghét Phúc mà tính chín chắn đã được ca tụng trước mặt anh ta. Hòa giễu lại có ý định thầm kín rằng sẽ lôi kéo được chàng đi cùng đường với mình; tuy biết mình đã sa vào đường xấu: đó là tính chung của người đời.
Phúc giận lắm. Chàng nghĩ thầm: “Thì mày cũng đẹp tốt gì với ai. Cái chuyện mày trọ nhà Ký Dương rồi không trả tiền để nó sai đàn bà đến Tòa réo nợ, mày quên mau thế à?” Chàng định gợi lại chuyện làm cho Hòa xấu mặt.
Nhưng căn phòng huyên náo những tiếng nói cười hỗn độn. Hòa tới đứng sau ghế ông Phán Đồng và phủi lưng cho ông, ra dáng một chàng rể ân cần lắm, Đồng đã tỏ vẻ bắt đầu khó chịu. Chợt người tùy phái chạy lên báo:
- Thưa các quan, cụ Sứ xuống Tòa.
Thế là trong phút chốc, căn phòng im lặng hẳn. Mấy ông “Việc Bản xứ” đã lũ lượt kéo nhau xuống gác, chân rón rén bước trên bực, tay cầm một tờ giấy đã vớ chằng, để có bộ đi hỏi về công việc. Cụ Phán Cận lại đánh máy lách cách; Ông Phán Đồng thì tỏ vẻ sung sướng thoát khỏi trò đùa nghịch của mấy ông “Việc Bản xứ”; Phúc lại cặm cụi làm việc nhưng trong bụng không bằng lòng với mình, vì đã để lỡ dịp báo thù Hòa. Chàng tự trách mình hèn nhát quá: lúc nãy có đông người thì cuộc báo thù của chàng càng rạng rỡ, cớ sao chàng lại vì thấy đông mà không đám nói?
Ngày Chủ nhật ấy, Phúc tới thăm ông Phán Đồng. Chàng mặc một cái áo sa-tanh súp, đi đôi giày véc-ni bóng nhoáng. Chàng lại có giỏ một giọt nước hoa vào khấn tay, và khi chải đầu chàng đã dùng lọ dầu “Pompéia” mà chàng vẫn cất tận đáy hòm để chỉ lôi ra trong những trường hợp đặc biệt: đi chúc Tết ông Sứ, dự tiệc tiễn bạn đồng nghiệp - Chàng là công chức lương mới.
Trước khi đi, chàng liếc vào gương, tự cho mình xinh trai, và mỉm một nụ cười tin chắc, bởi chàng có ý định bắt tình với con gái ông đồng nghiệp “Cho thằng Hòa biết tay”, chàng nghĩ thế.
Đường tới nhà ông Phán Đồng không xa, nên Phúc đi thong thả. Chàng đi thong thả lại vì một cớ khác nữa: chàng thấy tim mình rờn rợn. Mỗi khi đi tới nhà có con gái lớn, chàng vẫn có cái tật nhát sợ đáng ghét ấy. Chàng tự gây trong óc một cuộc độc thoại vơ vẩn, để quên sợ: “Tên con bé là gì nhỉ? Cậu Cận bảo là Tường Vân - có phải Tường Vân không nhỉ? - Ừ phải đấy - Sao lại đặt là Tường Vân? Tường Vân có ý nghĩa gì không? Các cô bây giờ chỉ kiếm những tên cho kêu, cho đẹp thôi”. Và cứ thế chàng kéo dài. Phúc vấp phải một mô đá: chàng nhận ra mình đã tới cổng nhà ông Phán Đồng. Chàng hồi hộp đứng lại. Nếu ông Phán Đòng nghi chàng chim chuột con ông? Ý nghĩ ấy không làm chàng lo sợ nhưng khiến chàng thèn thẹn, bởi vì, như những chàng trai nhút nhát khác, chàng cho rằng nếu bị người ta bắt được tình ý của mình thì xấu hổ quá. Những người như chàng không phải bao giờ cũng nghĩ điều tốt, nhưng họ không làm bậy là chỉ bởi sợ dư luận.
Trong sân nhà có tiếng trẻ con nô đùa. Chàng ghé qua bụi ngâu xén tròn trồng làm bình phong giữa lối vào thấy hai đứa trẻ bận đồ lính thủy đương đuổi bắt một cô gái áo đỏ thắm. Chàng lẩm bẩm: “Tường Vân” và nói thêm: “Cũng xinh đấy chứ”. Cô gái chỉ trạc mười lăm, mười sáu, mái tóc buông thõng sau lưng dài chưa tới hông. Cô bị đuổi riết vừa chạy vừa thở, vừa kêu: “Ối giời ơi, ối giời ơi!”
Phúc ngắm nghía mỉm cười tự bảo: “Ồ! Còn ngây thơ lắm”. Điều nhận xét ấy khiến chàng vững tâm. Bởi chàng chỉ sợ những cô gái lớn mà luồng mắt đưa tình và môi son khêu gợi khiến cả hồn chàng xao động và chân tay chàng luống cuống. Phúc bèn bước vào.
Tường Vân bỗng chạy ra phía cổng và ôm chặt lấy Phúc mà nép sau lưng. Phúc luống cuống đỏ bừng mặt. Vân áp đầu lên lưng chàng, kêu lên: “Anh Bảo ơi, cứu em với, có bọn cướp đường nó đuổi em ghê quá”.
Hai đứa bé thấy người lạ, đứng lại, há miệng “Ô ô” mãi. Bấy giờ Vân mới buông tay, kêu lên một tiếng ngạc nhiên, rồi, thẹn vì cái lầm to lớn, cô bé chạy tuồn tuột vào nhà, trên đôi săng-đan cao gót.
Phúc hỏi hai đứa bé:
- Thầy có nhà không, các em?
Đứa lớn hơn đáp:
- Thầy đi vắng rồi, thầy đi mua bàn ghế.
Đứa nhỏ tiếp, giọng còn hơi ngọng:
- Thầy bảo thầy mua cả con búp bê biết nháy mắt nữa cơ. Còn me thì ngủ lâu lắm rồi mà chưa dậy.
Lời ngây thơ ấy khiến Phúc sực nhớ đã nghe cụ Cận nói rằng ông Đồng góa vợ. Chàng chợt thấy bóng Tường Vân loáng thoáng sau cánh cửa. Cô bé chỉ hé một chút đầu nhìn ra trong thái độ nửa e thẹn, nửa nghịch ngợm của những cô vừa mới lớn lên nhưng chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng. Chàng bèn đi vào. Vân lại chạy tuột vào buồng. Thấy nhà không có ai, Phúc sinh bạo dạn. Chàng gọi:
- Vân ơi, ra anh bảo tí này.
Có lẽ lần đầu tiên chàng xưng anh với một cô gái. Vân đứng trong buồng nói vọng ra:
- Ông hỏi gì?
Phúc bảo:
- Lúc nào thầy về, Vân bảo có ông Phán Phúc đến chơi nhé.
- Ông cũng làm trên Tòa à?
- Ừ, anh làm cạnh bàn thầy đấy.
Phúc cho tiếng “thầy” và tiếng “anh” sao mà tình tứ! Chàng nhắc:
- Thưa với thầy hộ anh thế nhá.
- Vâng.
Bấy giờ Vân mới ló mặt giữa hai cánh cửa buông he hé. Phúc nói:
- Các em chơi, anh về nhé.
Vân hé miệng cười, làm cho hồn chàng trai xao động. Ở hai khóe môi cô gái, hai lỗ tròn nhỏ nũng xuống, dễ thương lạ. Thằng bé ngọng chạy theo Phúc mà bập bẹ:
- Ông không đợi thầy về mà xem búp bê à?
Vân cười chạy ra bế em. Phúc được dịp tới gần, tát yêu và hôn thằng bé. Mặt chàng ghé sát mặt cô gái.
Chiều hôm thứ Hai, bỗng dưng Hòa chạy lên phòng “Kế toán” vừa nhăn nhở cười vừa nói:
- Chết “ông Lý” rồi! Hôm qua lúc chín giờ sáng đi đâu?
Phúc muốn vỗ ngực trả lời: “Tới nhà Tường Vân, con ông Phán Đồng chứ đi đâu! Anh tưởng chỉ có anh mới tán được gái thôi à?” Nhưng chàng chỉ đỏ mặt ngôi im lặng. Không biết tại sao, sự có mặt ông Phán Đồng khiến chàng ngượng nghịu. Hòa vẫn chưa tha, tới vỗ vai ông Phán Đồng và nói:
- Hôm qua “ông Lý” đến nhà cha đấy, cha ạ. Nhưng lúc ấy cha đi vắng.
Ông Phán Đồng trả lời:
- Tôi đã biết. Khi tôi về, con bé cháu có nói lại.
Giọng ông thản nhiên gần như lạnh lùng. Phúc nguýt Hòa một cái, nghĩ thầm! “Bêu chưa! Bẻo lẻo lên mách, chẳng được công gì”. Nhưng khi liếc nhìn ông Phán Đồng, chàng chợt gặp ông cũng đang đưa luồng mắt sang mình, miệng chúm chím cười. Chàng cúi mặt: nụ cười và luồng mắt ấy có ý nghĩa gì mà khiến chàng khó chịu quá.
Cụ Phán Cận chen vào câu chuyện:
- Tôi thế thì tôi đứng mối cho. Phụ tử đồng... bàn giấy, ha ha, cảnh xum họp thế là quý lắm đấy chứ. Tôi chỉ đòi một cái áo sa thôi. Me-xừ Phúc ạ.
Ông Phán Đồng cười. Phúc giả bộ không nghe, lẩm nhẩm tính. Hòa nãy giờ đứng đó, hơi có ý trơ trẽn, tới quàng vai cụ Phán Cận nói:
- À thế ra cụ ruồng bỏ tôi à? Cụ cứ khen “ông Lý” thôi; tôi cũng ngoan lắm đấy chứ. Đây này.
Anh ta ghé hôn chụt một cái vào má cụ, khiến cụ ngửa lưng trên ghế cười ngất.
Phúc giận lắm. Trước kia, hễ bị Hòa giễu, chàng chỉ mỉm cười tỏ ý khinh bỉ. Nhưng lần này, chàng tức sôi lên, có lẽ vì có mặt ông Phán Đồng, cha một cô gái xinh đẹp. Chàng nói:
- Ngoan cũng chưa đủ. Anh nào ít mụn nhất thì cụ hãy làm mối.
Trừ Hòa, mọi người cười ầm, nhất là ông Phán Đồng, có lẽ bởi ông đã bắt đầu ghét anh ta. Phán Hòa biết Phúc muốn chế cái mặt sân si đầy mụn của mình, nhưng không có tài đối đáp, chỉ nói:
- Thôi đi, “ông Lý Toét”!
Rồi nhân có người tùy phái đi qua trước cửa anh quay ra đi theo và nói vu vơ:
- Này, cái Note lúc nãy đi Lục lộ đã chạy chưa? Gấp đấy nhé!
Phúc lại bắt đầu làm việc hoặc là giả tảng thế; lòng vui sướng quá chừng, chàng không chú ý được vào những hàng con số dài dằng dặc phải cộng. Đó là lần đầu chàng đối đáp lại lời chế giễu của Hòa. Lời đối thực đã đích đáng cay độc bao nhiêu! Chàng bằng lòng mình lắm, bằng lòng cả cụ Phán Cận, và thấy yêu ông Phán Đồng không biết vì lẽ ông có con gái đẹp, hay vì lẽ ông đã chứng kiến cuộc đấu lời giữa chàng và Hòa, trong đó chàng đã thắng một cách vẻ vang.
Lúc về, vừa xuống khỏi thang gác, Phúc nghe Phán Kính hỏi:
- Hôm qua đi làm rể đấy à?
Chàng chỉ mỉm một nụ cười hết sức bí mật, không đáp.
Chủ nhật sau, trong lúc đạp xe dạo phố, Phúc bỗng gặp Hòa. Để trêu tức, chàng quay xe ra bộ muốn lánh. Chàng giả cách nhìn theo một người bộ hành đi ngược lại để liếc về sau: Hòa vẫn tiễn tới. Chàng bèn rẽ vào cổng nhà ông Phán Đồng. Thấy Vân đứng ở sân, chàng hỏi:
- Thầy có nhà không em?
Ông Phán bước ra đon đả đỡ xe đạp ghếch hộ cạnh tường, mời chàng vào chơi, gọi pha nước ầm ỹ. Vừa lúc ấy, Hòa bước vào. Ông Phán Đồng chỉ hơi nhổm dậy trong ghế, và lạnh nhạt mời ngồi. Phúc liếc nhìn Hòa đắc thắng.
Hòa vào nhà lạ, bớt vẻ láo xược. Anh ta nhìn những câu đối, hoành phi và vớ vẩn hỏi tên người tặng, hoặc khen bức tranh đẹp. Cách tiếp đãi lãnh đạm của chủ nhân khiến anh ta không dám đem thi hành hoặc những hẳn ý định lúc bước vào nhà: chọc Phúc. Phúc trái lại, có dáng điệu thân mật như người nhà. Chàng bóc phong thuốc lá thằng nhỏ mua về, rót nước ra chén; ông Phán Đồng đỡ lấy ấm, nhưng chàng bảo: “Laissez, laissez”. Chưa khi nào chàng tự nhiên được đến thế. Đó là bởi chàng đã được thái độ vồn vã của ông chủ khuyến miễn; và cũng bởi chàng muốn trêu tức Hòa nữa. Chàng liếc nhìn kẻ thù, nghĩ thầm: “Hừ, láo cho lắm, giờ vào đây ngồi trơ thổ địa. Thế mà gọi ai là ông Lý”. Phúc gọi Vân bảo:
- Nào em học đến lớp gì rồi nào, cho anh xem vở học với nào.
Vân cười và nguây nguẩy, nhưng ông Phán Đồng bảo:
- Kìa con, đưa vở cho ông xem. Ông còn trẻ thế, chứ đỗ bằng cao hơn cô giáo mày rồi đấy.
Phúc lần giở từng trang, khen chữ tốt, bài làm khá. Liếc thấy Hòa ngẩng lên trần nhà; miệng mỉm cười vẩn vơ trong đó chàng tưởng đọc thấy ý chế giễu, Phúc càng làm già. Chàng gà cho Vân những phốt ở bài ám tả, dạy chữa lại những lời giải trong bài tính đố và thỉnh thoảng lại khôi hài để được đưa mắt nhìn cô gái mà mỉm một nụ cười rất có duyên.
Ý chừng đã khó chịu vì vai trò câm đóng nãy giờ, trong khi người lù khù mà mình vẫn giễu là ông Lý ăn nói hoạt bát với một cô gái trẻ, Hòa bèn đứng dậy cáo từ:
- Thôi, ô-voa nhé. Moa phải về có chút việc.
Phúc nghĩ thầm: “Hừ, chào người gấp bội tuổi mình mà chỉ nói trống không thế thôi. Lại cái tiếng ‘moa’ đều giả ấy nữa”. Và chàng lẩm bẩm. “Quelle insolence!” Hòa lằm lằm nhìn, Phúc quay đi, chính là vì sợ, nhưng chàng tự nhủ để khỏi tổn thương tự ái: “Làm thế để chọc tức nó thêm”.
Không dám cùng ra với Hòa, chàng ngồi rốn dăm phút mới cáo từ ông Phán. Chàng tự nói phách với mình: “Để cho nó nghi: mình có tình ý gì với Vân mới ngồi lâu thế chứ!”
Phúc nhận thấy nắm tay ông Phán chặt chẽ hơn mọi khi. “Một nắm tay paternel”, chàng mỉm cười trong ý nghĩ ấy. Ông Phán nhắc:
- Kìa Vân, chào ông đi chứ.
Phúc quay nhìn, nói:
- Ô-voa Vân nhé!
Từ hôm đó, cảm tình ông Phán Đồng đối với Phúc càng rõ rệt, thắm thiết. Mỗi khi ra về với cụ Phán Cận, ông không quên rủ luôn chàng. Có khi bận việc, ông mượn chàng làm bảng thống kê cuối tháng; ông khen chàng tính nhanh và đúng. Đối với Phúc ông có ý suồng sã hơn những bạn đồng nghiệp khác. Dù có mặt chàng, ông không ngượng ngùng khi kể cho “bác Cận” nghe những cái tốt đẹp về con gái mình, nào nó thêu giỏi, nào biết chơi đàn tây, nào đã được thưởng về môn nữ công.
Phúc giả cách cặm cụi viết, nhưng hai tai đều vểnh lên nghe ông Đồng ca tụng con gái. Chàng tự phụ lắm: bởi chàng biết ông Phán muốn coi mình vào chỗ rể con. Chàng nghĩ: “Chứ những đứa láo xược như thằng Hòa thì lạy dập đầu người ta cũng chẳng gả con cho! Cứ ‘ông Lý’ thế mà hơn”.
Bởi thế chàng vênh mặt nhìn Hòa mỗi khi gặp anh ta. Hòa có chế giễu, chàng chỉ im lặng, cái “im lặng kiêu hãnh”. Chàng cho thế.
Ý mong muốn của ông Phán Đồng càng rõ rệt, nhân một câu chuyện không đâu. Hôm ấy, ông Phán Tiến đùa:
- Không biết Me-xừ Đồng có sức hút nam châm gì mà bao nhiêu ông Phán trẻ cứ ngày ngày lên tụ cả ở đây. Quan chưa kén rể, còn đợi dịp nào nữa.
Phúc thấy khó chịu lạ lùng, tưởng như ông muốn ám chỉ riêng mình. Ông Phán Đồng đáp:
- Khách đông sàng cũng đã chọn rồi đấy ạ.
Phúc cúi gằm mặt, tuy muốn dò ý trong vẻ mặt cha cô gái. Ông Phán Tiến lại cười:
- Ôi chà, nói khéo quá nhỉ. Cụ Cận có biết ẩn ý Me-xừ Đồng không? Khách đông sàng là khách giường phía đông, giường phía đông hay là bàn giấy phía đông cũng vậy, mà bàn giấy phía đông thì Me-xừ Phúc ngồi chứ còn ai nữa!
Ông Phán Đồng có lẽ trúng ý, cười hà hà. Phúc đỏ mặt tía tai liếc nhìn, chợt gặp luồng mắt cha cô gái đưa tới.
Phúc hầu thành chàng rể chính thức ông Phán Đồng. Ông này càng suông sã với chàng, chàng càng mất tự nhiên trước mặt ông. Đến nước chàng không dám nhờ ông cho mượn cục tẩy hoặc vứt cho cái thước. Chàng ở vào tình cảnh khó nói, khó xử quá. Nẽu như ông chỉ là bạn đồng nghiệp suông, chàng sẽ đối đãi như người ngang hàng. Hoặc giả chàng đã cưới hỏi con ông, chàng sẽ chẳng ngượng ngùng xưng hô “con” và “thầy”. Đằng này bạn không ra bạn, cha chưa hẳn cha!
Trong Tòa các ông Phán thường có lối gọi tên nhau là quan, Phúc chia các bạn đồng nghiệp ra làm hai hạng: những người trạc bốn mươi, ngang tuổi anh cả chàng, và trẻ hơn, gọi “anh”, còn những người khác chàng đều một loạt tôn lên “cụ”. Nhưng với ông Phán Đồng, chàng khó nghĩ, ông chỉ vào khoảng băm lăm; mà chàng không thể quyết định gọi “anh”; gọi “cụ” lại càng khó nghe nữa. Chàng nguyền rủa cái tôn ti trật tự của Đông phương; mỗi lời cần phải nói với ông, chàng dùng tiếng Pháp và chữ “vous” chạy trơn trong câu, không ngượng nghịu.
Tuy vậy, Phúc bắt đầu nhận thấy bị phiền rầy bởi cha cô gái.
Một hôm, chàng nhận được thư nhà. Cha chàng báo tin ông Lý Hảo sắp vào tỉnh chơi. Tên ông Lý Hảo đưa chàng liên tưởng tới Thao, cô gái đầu lòng của ông, cô gái có đôi mắt hạnh nhân và má hồng thắm.
Hồi soạn thi Thành Chung, Phúc bỗng mê một cô nữ sinh bán hoa trong cuộc chợ phiên tỉnh nhà. Cô kia có đôi môi chúm chím, luồng mắt đưa tình, giọng nói hoạt bát, dáng điệu tung tăng, khác hẳn với Phúc, tính trầm mặc và e lệ. Vậy mà chàng yêu nàng ngay lúc gặp mặt ban đầu. Sự trái ngược đó có phải là lệ tương cầu chung cho tất cả các tình duyên không. Cô kia vừa cắm hoa vào ngực chàng, tim Phúc bỗng nhiên đập mạnh: khi bỏ tiền vào ống, tay chàng run run. Thế rồi về, chàng cặm cụi làm thơ để khóc mối tình đầu khổ sở, than thở rằng lời hát của chàng “tan trong mây khói” mà “thanh âm không hề vang động trái tim ai!” Thì chàng có dám viết thư cho cô kia đâu! Chàng lại ví von rằng lúc cô cắm hoa “tình ái” vào ngực chàng, thì cũng là lúc cô rạch sướt tim chàng: quả thực hôm ấy, bị kim đâm lên da, chàng thấy đau nhói một giây, nhưng không dám kêu.
Nhưng khi Phúc đỗ rồi và trở lại quê nhà, gió bể thổi dịu nỗi lòng chàng và chàng quên rất mau cô bé “lãnh đạm” và “bạc tình”. Chàng quay về với cô gái hiền lành, chất phác mà sự sống trong gió lành và mặn khiến tầm vóc nở nang, mà ánh nắng chan chan nhuốm thắm da thịt. Chàng bắt tính cách dễ dàng với Thao, vì nàng ở ngay bên cạnh, vẫn thỉnh thoảng đi lại nhà chàng. Thao mê Phúc vì Phúc xinh trai, và vì tài nữa: có hôm ông Tây Đoan vào khám nhà nàng, Phúc chạy sang nói tiếng Pháp liến thoắng, ông Tây Đoan gật gù đi ra..
Một lần Thao đương nói chuyện với Phúc, chợt cha chàng về. Thao chạy tuồn tuột về nhà, như bị bắt quả tang làm điều xấu. Cha Phúc nheo một mắt nhìn con, khiến chàng khó chịu đỏ mặt. Thấy vợ đi chợ về, ông nói với giọng oang oang của những người quen hò hét trong huyên náo của sóng bể.
- Bà này, mai tốt ngày, đi mua cho tôi buồng cau với hai chai rượu,
Thấy vợ ngạc nhiên, ông tiếp:
- Để tôi sang ông Lý Hảo.
Bà cụ thấy Phúc cúi gầm mặt thì hiểu ý cười tít mắt. Phúc bằng lòng quá, nhưng muốn vờ cãi cho đỡ ngượng, nhưng lại ngượng không nói nên lời.
Phúc đang mỉm cười ôn chuyện cũ, chợt một bàn tay đập vào vai chàng. Ông Phán Đồng đã đứng cạnh hỏi:
- Thư nào đấy? Thư ông cụ ngoài nhà à?
Phúc hơi giận, vì cử chỉ đột ngột của ông đã làm chàng giật mình, nhưng chàng lễ phép đáp:
- Vâng.
- Ngoài ấy có lẽ mùa hè mát lắm nhỉ. Hôm nào có dịp tôi ra chơi ít hôm.
- Vâng.
- À này, làm hộ tôi cái bảng thống kê nhé. Tôi bận quá.
Phúc lại “vâng” lượt nữa, nhưng để rồi tự giận với mình. Chàng đang tríu việc cuối tháng, cớ sao lại còn nhận lời giúp ông ta, nhất là khi ông ta nói với chàng một cách thiếu lễ độ thế kia. Ông ta nhờ hay sai chàng đấy?
Thế rồi có một bảng thống kê, chàng làm mãi mãi, sai không biết mấy lần, hại không biết bao nhiêu giấy nhà nước. Con số này viết lầm: bỏ; con số kia chép chệch hàng: xé. Đã có lúc chàng vứt bút chống tay nghĩ ngợi. Chàng nghĩ: “Cứ cái lối rể hờ thế này thì hao quá. Mình phải làm cách nào cho ông ta biết mình đã hỏi vợ rồi, nếu không ông ta cứ tưởng sắp được làm ông nhạc mà sai phái tràn đi thì thực tai hại”.
Chàng càng tức khi nghĩ tới một chuyện nhỏ trong đó chàng hai lần đóng vai nạn nhân.
Hôm ấy nhà ông Phán Đồng có tiệc. Chàng tới trước tiên, của đáng tội, cũng là có ý để tỏ cảm tình riêng với ông. Thấy chàng vào, ông Phán vẫn ngồi bảnh choẹ trong ghế bành, chân chạng háng, bắt tay chàng và bảo:
- Ngồi đây uống nước.
Thế mà khi các ông Phán khác vào, thì ông ta đứng dậy, chào mời rối rít. Trong lúc ăn, Phúc ngẫm nghĩ: “Thì ra mình càng thân mật, người ta càng lạnh nhạt, không cần lễ độ với mình nữa”. Sau bữa tiệc, Phúc ngồi lại lâu nhất. Cố nhiên không phải chàng tiếc lối tiếp đãi của chủ nhân; cũng không phải vì chàng đương vui chuyện với Bảo; chỉ là vì cô Vân đứng cạnh ghế nghe chuyện của chàng. Phúc lại muốn tỏ cho Hòa biết chàng đã đi sâu vào cuộc đời gia đình cô gái đến bực nào. Bảo là anh họ Vân, thỉnh thoảng mới lên tỉnh chơi, thế mà chàng đã quen một cách khá thân mật. Hai chàng nói đùa nhau cùng cười ha hả. Phúc sung sướng vì đã kiếm được nhiều câu ý nhị làm cho Vân mỉm cười.
Chợt Phúc kêu:
- Ô, khuya rồi, tôi phải về.
Bảo hỏi:
- Anh ở gần đây chứ?
- Cũng gần, mai mời anh đến chơi. Vân đã biết đường, dẫn anh Bảo tới nhà.
Bảo hỏi:
- Mai anh có định đi chơi đâu xa không?
Phúc được dịp khoe đời sống tử tế của mình:
- Không, Chủ nhật tôi chỉ nằm co đọc sách, ngâm thơ thôi.
- Ồ thế thì hay lắm; bởi tôi muốn mượn xe đạp của anh đi sang Nghi Hồ một chút. Có được không anh?
- Sẵn lòng!
Thế rồi sáng hôm sau, Vân và Bảo lù lù dẫn nhau tới. Lúc đưa xe ra, Bảo nhìn trời và lo cho cuộc đi chơi xa:
- Trời muốn mưa quá nhỉ.
Phúc đã mong Bảo sẽ ngại mưa mà bỏ cuộc. Nhưng Vân nói:
- Anh Phán có cái áo tơi đâu?
Thế là Phức lon xon chạy đi lấy áo cho Bảo mượn.
Cả buổi sáng hôm ấy chàng nằm co trên giường, không phải để đọc sách ngâm thơ mà để tự nguyền rủa: “Hừ, sao mình tử tế quá thế? Nó hỏi mượn xe đạp, mình rầu cả dạ, thế mà miệng thì vội đáp: ‘Sẵn lòng!’ Cứ cho ông ấy quần một ngày trên cái đường đi Nghi Hồ lởm chởm những đá, rồi đến mai mình tha hồ xoay trần mà vá lốp. ‘Sẵn lòng!’ Cũng tại con Vân đấy. Nếu không có mặt nó lúc ấy, thì mình đã chối phắt không ngượng mồm. Ừ, chán gì cớ: xích đứt, lốp vỡ, hoặc đã hứa cho người khác mượn, thế có phải bây giờ mình còn nguyên vẹn cái xe đạp cạnh đây không!”
Nhưng Phúc tự an ủi rằng mình không phải người độc nhất đã mắc cái dại nịnh đầm ấy. Một người bạn chàng đã không ngần ngại cho em tình nhân mượn cái đồng hồ tay, để rồi không bao giờ lấy lại được. Một người bạn khác đã thụt két, vung phí tiền với tình nhân và với người mà tình nhân vẫn nói là anh họ để giấu danh hiệu chồng chính thức của mình, thụt két cho đến khi hai tay đưa vào ổ khóa xích. Thêm một thằng si tình là thêm một thằng dại, Phúc nghĩ thế. Anh nào cũng muốn tỏ bộ hào phóng, rộng rãi trước mặt đàn bà, nhất là người yêu; hào phóng cho đến ngày không còn một xu dính túi, hay đến ngày ngồi bệt trong nhà đá ăn cơm hẩm.
Nhưng đến chiều, chàng lại tự nhằn mình lần nữa. Một người bạn cũ tới rủ chàng đi xem chớp bóng. Thấy trời mưa phơn phớt chàng do dự; nhưng nhan đề cuốn phim mà bạn hát lên nhiều lượt theo đủ giọng điệu: “Blanche Neige et les sept nains”, như quyến rũ chàng. Cuốn phim chiếu lần chót ở rạp tỉnh nhà; sợ mất dịp coi, Phúc đành đứng dậy mặc áo. Khi ra đường, thấy Phúc chạy lom khom hai tay thu dưới tà áo, người bạn hỏi:
- Áo tơi anh đâu?
Phúc thẹn với mình, nói giấu:
- Tôi để quên ở nhà quê hôm về chơi.
Cuốn phim hay, nhưng chàng coi mất thú. Vì chuyện cho mượn áo tơi cứ lởn vởn hồn chàng theo cảm giác lành lạnh của nước mưa thấm qua vai áo. Chàng không thể trách ai được nữa. Chính chàng đã tự ý chạy đi lấy áo cho Bảo mượn; chứ Vân chỉ nói: “Anh Phán có áo tơi đâu?” Chàng nghĩ: “Sao mình lại tử tế quá thế. Thực là tai hại”.
Từ đó Phúc kiếm dịp để tỏ cho ông Phán Đồng biết mình đã có vị hôn thê. Nhưng chàng không thấy dịp nào tới. Không lẽ tự dưng chàng khai với ông: “Tôi đã hỏi vợ rồi”. Mà bắt chuyện quanh co để đi tới câu đó thì chàng không có tài.
Chỉ có một hôm, nhân cụ Phán Cận bàn về sự lựa chọn trong hôn nhân, chàng chen lời:
- Lấy vợ nhà quê thế mà hơn đấy.
Nhưng ông Phán Đồng không để ý đến câu chuyện, vì đương rối rít tìm một tờ thông tư Tòa Khâm. Phúc mong cụ Phán Cận sẽ trả lời chàng, gây một cuộc bàn cãi quanh ý chàng vừa nêu lên để chàng có dịp bênh vực cô gái quê và nói xa xôi cho ông Đồng hiểu; nhưng nghe tiếng giày cồm cộp trên thang gác mà cụ đoán là tiếng giày ông Phó, cụ chúi mũi vào công việc, mồm tính “thất thất tứ cửu, thất ngũ tam ngũ” thực lớn.
Một lần khác có đông ông Phán trong phòng, một cuộc biện luận nổi lên quanh vấn đề “Nên lấy vợ thôn quê hay tỉnh thành” nhân một bài nhảm nhí mà Kính vừa đọc ở trang Phụ nữ của một tờ nhật báo. Các ông đều dùng giọng cợt nhã. Họ bàn cãi không phải vì tin tưởng mà để đùa, để có dịp nhắc đến chuyện bác nhà quê kia chui vào váy vợ trốn cướp - ích lợi của cái váy! - hoặc ông ký nọ mỗi lần mua phấn cho vợ là mỗi lần mếu máo.
Phúc muốn góp ý kiến thành thực của mình, nhưng không dám chen lời: một là bởi đám đông khiẽn chàng e lệ, hai là bởi trong đám có Hòa. Chàng nghĩ: “Nếu mình bênh vực cô gái quê, nó lại càng giễu già: ông Lý tất phải thích cô gái quê”. Xưa nay chàng vẫn giấu chuyện hôn nhân với các đồng nghiệp là vì thế; chàng sợ Hòa chế nhạo: “Ông Lý lấy con ông Lý thực chí lý”.
Khi các nhà hùng biện đã giải tán, Phúc ngồi ngơ ngẩn tiếc dịp tốt đã mất, Hòa lại một lần nữa bị rủa thầm: “Nếu không có thằng ấy thì mình đã nói trơn câu nói rồi. Mấy lâu nay đã thấy vắng, sao lại nhè hôm nay mà dẫn xác lên”.
Nhưng thực Hòa oan, vì số mệnh đã định rằng Phúc không khi nào nói trơn đtrợc câu nói trước mặt ông Phán Đồng. Ít hôm sau đó, cụ Cận lại giở chuyện mối lái:
- Me-xừ Phúc thực chưa để mắt xanh vào cô nào chứ?
Phúc đáp nho nhỏ:
- Chưa.
Lần này không có Hòa đứng đấy nữa đâu mà chàng hòng đổ tội nhé, Tại sao chàng nói “Chưa?” Ai cấm đáp “Rồi”? Ai cẩm? Chính chàng cũng không biết tại sao. Có lẽ tại cụ Cận, tại cái lối hỏi của cụ. Nếu cụ hỏi: “Me-xừ Phúc hỏi vợ rồi à?” Chàng sẽ “Vâng” mà không ngượng nghịu. Đằng này cụ lại hỏi: “Thực chưa để mất xanh vào cô nào chứ?” làm như chàng đã có nói thế nên bây giờ cứ hỏi lại cho đích thực. Tuy vậy chàng cũng nhận một phần lỗi lớn về mình và tìm cách chuộc lại. Chàng tiếp:
- Chưa nghĩa là cũng rồi đấy, cụ ạ.
Chợt chàng thấy ông Phán Đồng quay nhìn chàng mà mỉm cười. Chàng hiểu ý nghĩa nụ cười... tùng phạm ấy. Câu đáp của chàng đã tối nghĩa quá, khiến ông ta hiểu lầm theo ý của ông. Chàng đợi cụ Phán Cận hỏi thêm để giảng rõ, nhưng cụ chỉ nói:
- Thế là tôi mất cái áo sa, hà hà.
Rồi đến nước Phúc tuyệt vọng. Chàng không ngờ chỉ vì muốn chọc tức Hòa, chàng có thể sa vào một tình thế nguy hiểm như vậy. Đã có lúc chàng nghĩ: “Hay lấy quách Tường Vân? Nó cũng đẹp đấy chứ”. Nhưng chàng xua đuổi ý kia ngay. Phụ Thao? Chàng sêu tết nhà nàng đã ba năm trời. Chàng đi hỏi Thao khi còn là anh học trò suông, một tay nắm bằng Thành Chung, một tay bám lấy cha mẹ; bây giờ chễm chệ làm ông Phán Tòa Sứ, chàng mặt mũi nào phụ người tình cũ. Phúc nhớ chuyện một bác lái kia trong làng, khi bà thông gia đưa chè rượu tới bù lại để hồi hôn, bác đến chửi ba ngày, đến nỗi về sau không ai đám hỏi con gái bà nọ. Nếu chàng không thuận cưới Thao, ông bà Lý hiền lành chẳng nỡ cư xử như bác lái. Nhưng chính vì nghĩ thế mà chàng không nỡ dứt đứt dây thân ái giữa hai nhà.
Chàng lại nhớ tới những sự nhờ vặt của ông Đồng. Chàng chưa ăn nói gì mà ông đã lên cách sai bảo thế, nếu như chàng đã lấy Tường Vân rồi, có lẽ ông sẽ coi chàng như người phụ việc. Các ông Phán già vẫn thế; về nhà là quây quần quanh chiếu tổ tôm, để khi ngồi ở sở chỉ muốn nghỉ.
Phúc quyết định gọi ông Phán bằng anh. Một lần, thu hết nghị lực, chàng nói với ông:
- Anh cho tôi mượn cái bàn tính máy.
Nhưng hoặc vì chàng nói tiếng “Anh” nhỏ quá, hoặc vì ông ta đang bận trí vào việc, Phúc không thấy ông ta tỏ vẻ gì khác, và trong khi tay trao bàn tính cho chàng, ông ta vẫn lẩm nhẩm đọc những con số để đối chiếu bản tính và bản sao.
Chàng sẽ thở dài. Gỡ sao cho thoát!
Nhưng một hôm, Phúc bỗng kêu lên một tiếng vui mừng: “Eurêka!” Chàng sẽ cưới Thao, thế là xong việc. Có thế mà chàng nghiền ngẫm trong hai tháng trời không ra để phải chịu bao nhiêu... ức hiếp của ông Phán Đồng. Phòng khi các cụ bắt đợi ngày lành tháng tốt mới cho cưới, chàng nghĩ thêm một cớ khác - sao lúc ấy trí chàng minh mẫn thế? - để thoát ngay được vòng nô lệ của ông Phán. Chàng viết thư cho cha trong đó chàng nói về cuộc hôn nhân giữa chàng với Thao - Không phải để gửi thực đâu; chàng hay thẹn đến nước không hề bàn chuyện vợ con với cha mẹ. Chàng chỉ để thư trên bàn ông Phán Đồng, vì chàng biết thế nào ngày hôm sau, Chủ nhật nó cũng sẽ lọt vào tay ông, hôm ấy đúng lượt service. Phúc sống ngày Chủ nhật trong bồn chồn. Sáng thứ Hai, khi tới sở, chàng không thấy thư nữa. Khi ông Phán Đồng bước vào, tại sao chàng lại cúi gằm mặt? Ông móc túi đưa cho chàng bức thư và nói:
- Thư sao lại bỏ quên thế? Hôm qua tôi nhặt được trên bàn.
Giọng ông không có gì đổi khác, nhưng câu nói đã có ý lễ phép hơn.
Trong ba hôm tiếp theo, ông không nói với chàng một lời nào nữa; hai người như thể giận nhau. Nhưng sáng hôm thứ Tư, ông Phán Đồng chợt nói:
- Me-xừ Phúc làm ơn cho tôi mượn biên bản cuộc trưng cơm tù.
Câu nói lễ phép khiến chàng lạ tai.
Trong khi làm việc, Phúc liếc nhìn ông Phán và thấy mặt ông có một vẻ gì như nhẫn nhục, hoặc là chàng tưởng thế.
Bao nhiêu tình cảm trái ngược đến chiếm hồn chàng. Chàng bỗng sinh thương hại cho người mà hôm qua còn làm cha hờ nay nhảy xuống hàng bạn. Chàng hối hận như đã chơi ác ông Phán; chính thái độ chàng đã gây mầm hy vọng cho ông, Một ý tiếc nhớ len lỏi vào lòng, khi chàng nghĩ tới Tường Vân với nụ cười làm núng khóe môi.
Trong mấy hôm, ông Phán Đồng làm việc hơi uể oải. Ông mượn báo đọc đến cả phụ trương, tiểu thuyết, sự hiếm có ở những người có tuổi. Ông Phán Tiến sang chơi, vỗ vai hỏi:
- Đọc truyện gì thế?
Ông đáp, giọng chậm rãi:
- “Thế sự thăng trầm”.
Và Phúc, sẽ giật mình, liếc nhìn xem đó có phải là lời than trách kín đáo của ông nhạc hụt.