20. Mã Tuấn

Tuấn, tên chữ là Long Môi, con một người lái buôn, phong thư đẹp đẽ, tính tình phóng khoáng, thích múa hát, thường theo bọn làm trò, lấy khăn buộc lên đầu, đẹp như con gái, nên lại có thêm tên hiệu là Tuấn Nhân.
Năm mười bốn tuổi được vào trường quận, nổi tiếng học giỏi. Cha già yếu, nên nghỉ buôn, một hôm gọi sinh đến bảo:
- Mấy quyển sách này, đói không thể thổi cơm mà ăn, rét không thể may áo mà bận, sao bằng học buôn bán, nối lấy nghề cha còn hơn!
Thế là Mã tập nghề buôn, theo người ta ra biển đi buôn. Một hôm thuyền bị gió bão cuốn đi suốt mấy ngày đêm đến một nơi đô thị, người xứ này xấu như ma lem. Nhưng khi thấy Mã, họ lại cho là yêu quái, kêu rầm lên, kéo nhau bỏ chạy tán loạn.
Thoạt đầu trông thấy hình dạng của họ, Mã sợ lắm. Nhưng sau mới biết là họ sợ mình, bèn làm cứng, bắt nạt lại. Gặp họ đang ăn uống, liền sấn đến, họ sợ chạy trốn, thì ngồi vào ăn nốt những thức ăn còn lại.
Lần đầu tiến sâu vào mấy làng trong chân núi. Ở đây có một số người mặt mũi cũng hơi giống người thường nhưng quần áo rách rưới như ăn mày. Mã ngồi nghĩ dưới gốc cây, người làng không ai dám đi qua, chỉ đứng đàng xa mà ngó. Lâu lâu, biết Mã không phải giống ăn thịt người, mới mon men lại gần. Mã lân la hỏi chuyện, tiếng họ nói tuy khó nghe, nhưng cũng lõm bõm hiểu được một nữa.
Mã liền nói cho họ biết mình từ đâu tới, mấy người kia mừng, phô khắp với mọi người trong thôn rằng: "Khách không phải định đến đây cắn xé ai đâu!". Ấy vậy mà có một người xấu xí nhất vẫn đứng xa xa, rồi lập tức trốn mất, không dám tiến lên.
Bọn người dám đến gần Mã là những người mồm, miệng, tai mắt mọc đúng chỗ của nó, trông cũng hơi giống với người Trung Quốc. Họ bày rượu thịt ra mời Mã ăn. Mã hỏi:
- Tại sao họ sợ tôi như vậy?
Bọn ấy trả lời:
- Trước thường nghe ông cha kể lại, cách phía Tây hai vạn ngàn dặm có nước Trung Quốc dân ở đó hình dạng kỳ quái. Nhưng chỉ nghe thế thôi. Bây giờ mới tin thật.
Mã hỏi:
- Sao các ông nghèo thế?
Đáp:
- Nước chúng tôi không trọng văn chương mà chỉ trọng dung mạo: Ai đẹp nhất thì làm thượng khanh, ai đẹp vừa thì làm quan cai trị các dân xã, hạng kém nữa cũng được ngồi trên yêu chuộng nên mới có lương bổng để nuôi vợ con. Còn bọn chúng tôi khi mới sinh ra, cha mẹ đều cho là xấu xa, phần nhiều đem vứt ra đường, trừ nhà nào hiếm hoi, không có con nối dõi, mới phải bất đắc dĩ mà nuôi vậy?
Hỏi:
- Nước này gọi là nước gì?
- Đại La Sát. Kinh thành ở phía Bắc, cách đây ba mươi dặm.
Mã nhờ dẫn đi xem cho biết. Hôm sau gà gáy đã trở dậy cùng đi, sáng ngày mới đến đô thành. Tường thành xây bằng một thứ đá đen như mực, lầu các cao gần trăm thước, nhưng ít có nhà lợp ngói, chỉ lấy đá đổ úp lên nóc, nhặt một mảnh đá vỡ, lấy móng tay cạo ra, thì không khác gì son tàu.
Lúc ăn, nhằm buổi tan chầu, có một vị quan lớn che lọng từ trong triều đi ra. Người làng trỏ bảo:
- Kia là quan Tướng Quốc.
Mã ngẩng lên trông, thấy hai tai quan Tướng Quốc đều mọc ngược trở lại, mũi ngài có ba lỗ, rèm mi rủ xuống che kín cả mặt như bức mành mành.
Kế đến mấy người cưỡi ngựa nối gót theo sau. Người làng lại nói:
- Đấy là các quan đại phu.
Rồi lần lượt chỉ khắp các mặt quan giới thiệu cho Mã coi: Ông nào ông nấy râu tóc lởm chởm, hình dạng quái dị. Kỳ nhất là hễ quan chức càng nhỏ thì mặt mũi càng đỡ xấu.
Một lúc Mã ra về, người đi đường trông thấy đổ xô mà chạy, ngã dúi vào nhau, như gặp quái vật. Người làng cố giải thích cho họ nghe, họ mới dám đứng lại, nhưng cũng chỉ đứng xa xa.
Từ bấy giờ, trong nước, từ lớn chí bé, ai cũng biết sơn thôn hiện có người quái ở. Thế là các quan khanh, quan đại phu muốn xem cho rộng tầm con mắt, tranh nhau sai người trong thôn mời Mã đến. Nhưng mỗi khi đến nhà nào, người canh cổng liền đóng ngay cổng lại, đàn ông đàn bà nấp trong cửa nhìn ra, thì thào bàn tán, đi suốt ngày không ai dám mời vào nhà. Người làng nói rằng:
- Ở đây có quan chấp kích đã được tiên vương sai sứ đi ngoại quốc, trông thấy người lạ cũng nhiều, hoặc giả ông ấy không sợ chăng?
Bèn cùng đến nhà chấp kích, quả thiên ông ta vui mừng, vái chào đón và tôn làm thượng khách. Mã ngắm nghía vị lão quan thấy tuổi trạc tám chín mươi, mắt lồi hẳn ra ngoài, râu ria tua tủa như lông nhím nói rằng:
- Kẻ hèn này lúc trẻ phụng mệnh vua đi sứ rất nhiều nước, duy có nước Trung Hoa là chưa đến bao giờ. Năm nay đã một trăm hai mươi tuổi, ai ngờ lại còn được trông thấy nhân vật thượng quốc thực là may mắn! Việc thế nào cũng phải tâu lên thiên tử mới được. Nhưng lão phu ẩn cư sơn dã, đã lâu không bước tới sân rồng, sáng mai xin vì ông đi một chuyến.
Liền sai mở tiệc, phân ngôi chủ khách mời ngồi, rượu được vài tuần, lão quan truyền đòi bọn nữ nhạc ra, tất cả tới hơn mười cô, thay đổi nhau múa hát, trông cô nào cũng xấu như quỷ dạ xoa, đầu bịt gấm trắng áo đỏ dài quét đất, giọng hát líu lường, không rõ ra câu gì, nhịp điệu thực là kỳ dị.
Chủ nhân ra vẻ vui thích lắm, hỏi rằng:
- Bên Trung Quốc các ông có đàn ca thế này không?
Thưa rằng: "Có!"
Lão quan xin Mã hát thử cho nghe, Mã bèn gõ vào bàn mà hát một bài, chủ nhân mừng, nói rằng:
- Lạ quá! Tiếng nghe như phượng hót rồng ngâm, lão phu quả thực chưa từng được nghe bao giờ.
Hôm sau lão quan vào triều tiến Mã lên quốc vương. Vương vui vẻ hạ chiếu vời. Có hai ba vị đại thần can rằng: Mã hình dạng quái dị e đức vua trông thấy sợ quá mà chết khiếp đi, có hại đến long thể chăng? Vua bèn thôi.
Lão quan về nói với Mã, có ý tiếc rẻ hộ chàng.
Ở nhà chấp kích được ít lâu, một hôm uống rượu say với chủ nhân, say, bèn rút kiếm đứng lên múa, lại lấy than bôi vào mặt, giả làm Trương Phi. Chủ nhân cho là đẹp, nói rằng:
- Xin khách cứ để nguyên bộ mặt Trương Phi như thế, ngày mai vào chào tể tướng, tất thế nào tể tướng cũng vui lòng dùng ngay, bổng lộc không lo gì thiếu.
Mã nói:
- Trời đất! Chỉ làm trò chơi chốc lát thì còn khả dĩ, chớ ai lại nhờ vào bộ mặt để cầu công danh bổng hậu bao giờ!
Chủ nhân nài mãi, Mã phải bằng lòng vậy. Rồi bèn truyền mở tiệc mời các quan đến uống rượu, dặn Mã vẽ mặt để ngồi chờ đợi. Một chốc khách đến gọi Mã ra chào. Khách kinh ngạc nói:
- Ô hay! Quái lạ thực! Sao ngày trước xấu xí thế, mà bây giờ lại đẹp đẽ thế này?
Bèn kéo cùng ngồi uống rượu rất vui. Mã đứng lên uốn éo hát một bài theo điệu thợ cấy, cử tọa không ai là không mê thích. Hôm sau tranh nhau dâng sớ tiến cử Mã lên Hoàng đế, vua mừng lắm, sai mang cờ tiết ra triệu Mã vào triều bái yết, vua phán hỏi đạo trị an ở Trung Quốc thế nào, Mã trình bày cặn kẽ, được vua khen lắm, truyền bày yến tiệc ở Ly Cung, ban thưởng cho. Rượu đã say, vua phán hỏi:
- Nghe đồn khanh múa hát giỏi lắm, có thể cho quả nhân nghe một bài được không?
Mã lập tức đứng lên múa, cũng bắt trước lấy gấm trắng bịt đầu, hát theo điệu cò lả. Vua bằng lòng lắm, ngay ngày hôm ấy xuống chiếu phong cho làm Hạ đại phu, luôn luôn cho ngồi hầu yến, ân sủng đặc biệt.
Lâu dần các quan trong triều đều biết là Mã khoác bộ mặt giả, đi đến đâu cũng thấy người ta thì thầm bàn tán, không vồn vã thân mật như trước, Mã tự thấy mình cô lập, trong bụng áy náy không yên bèn dâng sớ xin về hưu, vua không nghe. Lại xin nghỉ dưỡng sức ít lâu, vua bằng lòng cho nghỉ ba tháng.
Mã liền lấy ngựa chở vàng về sơn thôn. Người trong thôn quỳ xuống mà đón. Mã lấy vàng lụa phân phát cho mấy người quen thân từ trước, tiếng reo mừng vang lên như sấm.
Lời bàn:
Bài văn này, đọc kỹ mới thấy rõ phần u mặc độc đáo của nó
Trang Tử nói: "Có người bệnh hủi kia nửa đêm sinh đặng đứa con. Bèn lật đật kiếm cho đặng lửa để xem, chỉ nơm nớp lo sợ nó không giống mình."
Ông lại bảo: "Đồng với ta, cho ta là phải, không đồng với ta, cho ta là quấy". Ôi, lẽ Thị Phi của con người ta chỉ có thế mà thôi ư!
"Họ Tử xa có con lợn nái sắc đen huyền, đẻ một lứa ba con, hai con đen huyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình, thì ghét bỏ, sau cắn chết, xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi". Tình sử Trung Hoa cũng có câu chuyện u mắc như sau: Có một chàng si tình, yêu một ý trung nhân một mắt. Ra đường anh ta nhìn đàn bà chung quanh, hết sức bất mãn tại sao họ lại có dư một con mắt!
Có thể nói, nếu muốn tóm tắt ý nghĩa sâu xa của bài văn nầy, ta có thể mượn lời của Maurice Maeterlinck mà rằng: "Trong nhà thương điên, dưới con mắt của các người điên, kẻ điên nhất phải chăng là ông giám đốc bệnh viện"
Phan Sào Nam bàn về quẻ Bác có viết rất đúng: Quẻ Bác là quẻ âm cực trưởng, dương cực tiêu. Âm là tiểu nhân, dương là quân tử. Ở thời buổi này, tiểu nhân đắc chí hoành hành, người quân tử không còn chỗ nào mà hành động được nữa, chỉ nên ẩn dật mà chờ thời, may ra mới khỏi bị bọn tiểu nhân hãm hại".
Đúng là tâm sự của những bậc "ấn quân tử" thời Xuân Thu Chiến Quốc. Sở cuồng Tiếp Dư khuyên ngăn Khổng Tử: "Phụng ơi! Phụng ơi! Lúc đời vô đạo, sao không ở ẩn? Đức sao mà suy thế! Từ nay trở về trước thì không sao can được! Nhưng mà từ đây về sau, còn có thể tự hối lại được! Nên thôi đi! Nên thôi đi! Ngày nay mà đi làm chính trị, nguy lắm thay!"
Lão đánh cá quả có lý khi khuyên Khuất Nguyên: "Thánh nhân tùy thời mà không câu nệ việc gì. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục thêm một thể? Loài người say cả sao. Ông không biết ăn cả men húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa nghĩ sâu đến nỗi phải bị phóng khí?" Chính là chỗ mà Trang Tử đã nói: "Ôi! Hạng thật mê, suốt đời không tỉnh. Hạng thật ngu, suốt đời không khôn. Ba người cùng đi mà có một người mê, thì chỗ mình định nói còn có thể mong đạt tới được, là vì kẻ mê ít, mà người tỉnh nhiều. Nếu ba người cùng đi mà có tới hai người mê, thì chỗ mình định nói đến không thể mong đạt tới được là vì người mê nhiều mà người tỉnh ít. Nay cả thiên hạ đều mê, ta dù có muốn chỉ đường cũng không thể được. Chẳng cũng xót xa lắm sao!... Biết là sự không thể được mà vẫn cứ gượng làm (tri kỳ bất khả nhi vi chi) đó lại còn mê hơn thiên hạ nữa!"
Câu chuyện Mã Tuấn trên đây của Bồ Tùng Linh quả là một thứ trào lộng u mặc thượng thừa... Hay nhất là đoạn chót: "Mã Tuấn làm trò, bôi mặt giả làm Trương Phi... Bấy giờ lại được người nước La Sát quý mến và yêu cầu giữ luôn bộ mặt giả ấy. Nhờ vậy mà Mã được giàu sang vinh hiển. Nhưng sau dần, người ta biết rõ là Mã mang bộ mặt giả nên không còn thích nữa, cũng chẳng ai ưa gì những con người giả dối ấy". Mã Tuấn quả là người sáng suốt nên đã biết lo xa mà xin về hưu trước.