24. A Lưu

Lưu là tên tiểu đồng ông Chu Nguyên Tố. Nó thực là ngây ngô, không được việc gì cả. Vậy mà Chu Nguyên Tố nuôi nó suốt đời.
Lúc ông bảo nó quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch được cái buồng con. Ông giận mắng, thì nó quăng chổi, lẩm bẩm: "Ông quét giỏi thì phiền đến tôi làm gì!"
Khi ông đi vắng, sai nó chực ngoài cửa, dù khách quen đến, nó cũng không nhớ được tên ai. Có hỏi, thì nó nói: "Người ấy lùn mà béo. Người ấy gầy và lắm râu. Người ấy xinh đẹp. Người ấy tuổi cao và chống gậy". Đến lúc đó nó liệu chừng không nhớ xuể, nó đóng cửa lại, không cho ai vào nữa.
Trong nhà có chứa một ít đồà cổ như chén, lọ, đỉnh, đôn. Khách đến chơi, nó bày ra cho xem.
Lúc khách về, nó lẻn đến gõ các thứ ấy mà nói: "Những thứ này có khi bằng đồng, mà sao nó đen sì như thế?" Rồi nó chạy đi lấy cát, lấy đá, lấy nước để đánh.
Nhà có cái ghế gãy chân, ông sai nó đi chặt cây có chạc, để chữa lại. Nó cầm búa, cưa, đi khắp vườn. Hết ngày, về, nó chìa hai ngón tay làm hiệu mà nói: "Cành cây có chạc đều chĩa lên cả, không có cành nào chúc xuống đất". Cả nhà đều cười.
Trước sân có vài cây liễu mới trồng. Ông sợ trẻ láng giềng đến nghịch hỏng, sai nó trông nom giùm. Đến lúc nó vào ăn cơm, nó nhổ cả cây lên và cất đi một chỗ.
Công việc nó làm, nhiều chuyện đáng cười như thế cả.
Ông Chu Nguyên Tố là người viết chữ chân tốt, mà vẽ lại giỏi lắm. Một hôm, ông hòa phấn với mực để vẽ. Thấy A Lưu, hỏi đùa: "Mầy vẽ được không?". A Lưu đáp: "Khó gì mà không được!" Ông bảo vẻ, A Lưu vẽ nét đậm, nét nhạt, nét xa, nét gần như người xưa nay vốn đã biết vẽ. Ông thử luôn mấy lần, lần nào A Lưu vẽ cũng được như ý cả. Từ bấy giờ, ông dùng đến A Lưu luôn, không lúc nào rời.
Sau A Lưu nổi tiếng là một nhà danh họa.
Lời bàn:
Câu chuyện dường như cố ý nêu lên những cái ngây ngô đờ đẫn... để rồi đưa ra một nhận xét bất ngờ của Hàn Tín dụng quân: "Dụng nhân như dụng mộc". Trong trời đất, không vật nào là vật bỏ, chỉ vì ta không biết dùng do thành kiến mà phí uổng không biết bao nhiêu là nhân tài của đất nước
Nhưng có A Lưu, cũng phải có Chu Nguyên Tố, có Hàn Tín phải có Trương Lương.