33. Tiền Xích Bích

Ngày rằm tháng bảy mùa thu năm Nhâm Tuất, Tô Tử cùng với khách bơi thuyền chơi ở dưới núi Xích Bích.
Hây hây gió mát, sóng lặng như tờ, cầm chén rượu lên mờ khách, đọc bài thơ Minh Nguyệt và hát một chương Yểu Điệu. Một lát, mặt trăng mọc lên trên núi Đông Sơn, đi lững thững trong khoảng hai sao ngưu đẩu. Khi đó sương tỏa trên mặt sông, vẻ nước trong tiếp đến chân trời. Tha hồ cho một chiếc thuyền nhỏ đi đâu thì đi, vượt qua trên mặt nước mênh mông muôn khoảnh. Nhẹ nhàng như cỡi gió đi trên không mà không biết là đi đâu, hớn hở sung sướng như người quên đời đứng một mình, mọc cánh mà bay lên tiên. Vì thế uống rượu vui lắm, rồi gõ vào mạn thuyền mà hát. Hát rằng:
"Thung thăng thuyền quế chèo lan,
Theo vừng trăng tỏ vượt làn nước trong.
Nhớ ai canh cánh bên lòng
Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời"
Trong bọn khách có một người thổi ông sáo, bèn theo bài ca của ta mà họa lại. Tiếng sáo não nùng rên rỉ như sầu như thảm, như khóc như than. Tiếng dư âm vẫn còn lanh lảnh, nhỏ tít như sợi tơ chưa đứt. Làm cho con giao long ở dưới hang tối cũng phải múa mênh, người đàn bà thủ tiết ở một chiếc thuyền khác cũng phải sụt sùi.
Tô Tử buồn rầu sắc mặt, thu vạt áo, ngồi ngay ngắn mà hỏi khách rằng:
- Làm sao lại có tiếng não nùng như vậy?
Khách đáp rằng:
- Câu "Minh nguyệt tinh hi, ô thước nam phi" chẳng phải là câu thơ của Tào Mạnh Đức đó ru? Đương khi Tào Mạnh Đức phá đất Kim Châu, xuống thành Giang Lăng, thuận dòng mà sang mặt đông, tàu bè muôn dặm, cờ tán rợp trời, rót chén rượu đứng trên mặt sông, cầm ngang ngọn giáo ngâm câu thơ đó thực là anh hùng một đời mà nay thì ở đâu? Huống chi tôi với bác đánh cá, kiếm củi ở trên bến sông này, kết bạn cùng tôm cá, chơi bờ với hươu nai, bơi một chiếc thuyền nho nhỏ, nhắc chén rượu để mời nhau, gởi thân phù du ở trong trời đất xem ta nhỏ nhặt như một hạt thóc ở trong bể xanh, thương cho sự sống của ta không bao lâu mà khen cho con sông này dài vô tận. Vậy mà muốn được dắt tiên bay để chơi cho sung sướng, ôm lấy vần trăng tỏ mà sống mãi ở đời. Tôi không biết làm sao được như vậy cho nên nảy ra tiếng rầu rĩ ở trong cơn gió thoảng!
Tô Tử nói:
- Vậy thế bác có biết nước và mặt trăng không? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ, mặt trăng khi tròn khi khuyết như vậy mà chưa từng thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi "biến" mà xem nên thấy cuộc trời đất chỉ ở trong một cái chớp mắt mà thôi, nhưng nếu tự ở nơi " bất biến" mà xem, thi muôn vật cùng với ta đều không bao giờ cùng tận cả, cần gì phải khen lẽ vô cùng của Trời Đất!
Vả lại, ở trong Trời Đất, vật nào có chủ nấy, nếu không phải là ta thì của dẫu một ly ta cũng không thể lấy. Chỉ có ngọn gió mát trên sông cùng vừng trăng sáng trên núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, mà dùng thì không bao giờ cùng tận! Đó là kho tận của tạo hóa mà là cái vui chung của bác với tôi.
Khách nghe vậy, mừng cả cười, rửa chén lại, rót rượu uống lần nữa. Khi đồ nhắm hoa quả đã khan, mâm bát đổ ngổn ngang, cùng nhau gối đầu ngủ ở trong thuyền, không biết vừng đông đã sáng bạch từ lúc nào.
Lời bàn:
Đây là một bài văn đầy hương vị của Hư vô. Câu nào cũng tuyệt diệu. Nhất là những câu... "Nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên không mà không biết đi đâu"... "Tha hồ cho một chiếc thuyền nhỏ, đi đâu thì đi..." đã nói lên được phần nào cái mà Trang Châu gọi là "Vô hà hữu chi hương" Phật gọi là "ưng vô sở trụ". Đời người phải chăng chỉ là một cuộc du hành vô tận (éternel voyage) trong cõi đời vô trụ, vô tướng... vì hết sức vô thường?
Trước cảnh đẹp của một đêm trăng trên sông Xích Bích lòng khách sinh quyến luyến mà đâm ra sợ cảnh vô thường... "Thương cho sự sống ta chẳng được bao lâu mà khen cho con sông này dài vô tận...". Không khí bỗng như nghẹt thở, khiến cho ai ai trên thuyền, khi nghe tiếng sáo của khách mà rơi lụy.
Nhưng, khi nghe Tô Tử nói: "Tự ở nơi cảnh "biến" mà xem thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt, nhưng nếu tự đứng nơi "bất biến" mà xemm thì muôn vật cùng ta đến không bao giờ tuyệt cả... "Khách bèn tỉnh ngộ mừng rỡ, cười lên... cùng nau ăn uống no say, rồi "cùng nhau gối đầu ngủ ở trong thuyền, không biết vừng đông đãõ sáng bạch từ lúc nào!"
Quả có đúng lời nói này của người xưa: Chết đâu cho đáng sợ. Sợ chết mới đáng sợ. Bởi "sợ" mà khách buồn, bởi không còn "sợ" nữa mà lòng khách lâng lâng... cho nên u mặc hay nhất trong bài văn là câu cuối cùng: "Cùng nhau gối đầu ngủ trong thuyền, không biết vừng đông đã sáng từ lúc nào"