Chương 11

Lễ Quốc Khánh được tổ chức tại công viên Roosevelt của thành phố. Tường đến sớm hơn giờ khai mạc gần một tiếng đồng hồ, nhưng thật ngạc nhiên, người đến tham dự đã đông nghẹt. Dọc theo các con đường cắt ngang đường Santa Clara như Nineteenth, Twentieth... không còn chỗ đậu xe. Quang cảnh nhộn nhịp nhưng trang trọng. Từng tốp người đứng chụm chung quanh một kỳ đài được dựng ở giữa công viên. Hàng quốc kỳ và các biểu ngữ chống cộng giăng hai bên, làm mọi người có mặt đều mang tâm trạng đang dự một buổi lễ quốc khánh trong nước. Cuộc biểu dương tinh thần chống cộng của cộng đồng người Việt tỵ nạn ở San Jose đã đạt một thành quả cao. Đủ mọi thành phần, tuổi tác. Mỗi người trên tay là một lá quốc kỳ bằng giấy được phát trên đường vào công viên. Tường cũng nhận được một lá cờ từ tay một cô gái trạc hai mươi, tóc xõa và có nét mặt dễ nhìn.
– Cám ơn cô.
Cô gái gật đầu và quay về công việc đang làm. Tường bước theo giòng người, để tâm tìm Hoàng trong đám đông. Họ đã hẹn nhau đến đây sáng nay, nhưng với tình trạng này thật khó lòng mà tìm được. Người và người lẫn vào nhau với đủ thứ y phục làm rối mắt. Tường vòng qua phía sau kỳ đài. Lẫn lộn trong đủ loại áo quần của mọi người là những bộ quân phục hoa rừng quen thuộc hiện lên. Hẳn đây là một số anh em trong hội Cựu Quân Nhân. Có đủ các binh chủng với trang phục riêng biệt. Màu nón đỏ của Dù, màu nón xanh của Biệt Cách 81, Thủy Quân Lục Chiến và màu nâu của Biệt Động Quân. Tường bồi hồi nhìn màu nâu xưa cũ với huy hiệu binh chủng trên quần áo của những người đàn ông. Có một điều gì đó dấy lên trong lòng làm thành từng đợt cảm xúc khác nhau. Hãnh diện pha trộn xót xạ Lạc quan lẫn với tủi thẹn. Mặt Tường nóng bừng như vừa uống xong một ly rượu mạnh. Anh cúi xuống, nhìn vào hai bàn chân của mình nằm trên đôi dép nhật. Cô đơn giữa những mũi giày trận u lên, tròn trịa ở mũi. Mười mấy năm mà ngỡ như hôm quạ Cũng một đôi dép nhật được xỏ vội vàng vào chân, lúc quân phục vừa được cởi bỏ vào ngày cuối tháng tự Súng đập gãy và nón vất xuống ruộng. Hối hả thay lốt rồi hoang mang tìm đường về nhà... Mười bốn năm mà hình ảnh còn sáng nét trong trí như hôm quạ Và hôm nay, Tường cô đơn giữa những người cùng binh chủng như chưa bao giờ là lính. Anh đã đánh mất anh từ lúc nào?
Tường nhìn đăm đăm vào chiếc phù hiệu có hình con cọp nhe răng trên nền vàng. Dấu hiệu này đã bao lần Tường đeo trên áo sao hôm nay xa lạ. Đó không phải hình ảnh cái đầu cọp in trên phù hiệu mà anh đã mân mê, chọn lựa để may trên bộ đồ bông, ngày đầu tiên về trình diện Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân hay sao? Hay không phải là hình ảnh đầu cọp mà Tường đã vì nó, nổi tự ái binh chủng lên bắn què giò một thằng thiếu úy Sư đoàn 22 bộ binh vì thằng này dám gọi đó là hình ảnh của con mèo nước tương, tại quán cà phê Thùy ở Tam Quan, Bình Định hay sao? Hoặc không phải hình ảnh đầu cọp, mà anh đã hãnh diện, ngắm nghía khi dạo phố trong lần về phép đầu tiên tại Sài gòn hay sao?... Tường ngơ ngác nhìn chiếc phù hiệu Biệt Động Quân trên áo người lính khi kỷ niệm kéo về trong trí. Lá cờ trên tay Tường đang nhẹ tênh bỗng chĩu nặng. Những hình ảnh cũ của ngày còn mặc áo lính tưởng mất, lại trở về với sự xúc động, lẫn vào thực tại làm Tường hụt hẫng. Anh nuốt nhanh một ngụm nước bọt, cố trấn tĩnh và định bỏ đi thì một bàn tay đập vào vai, từ phía sau. Tường quay lại, đó là một người lính cũ cùng đại đội ngày xưa. Trên người anh ta là bộ quân phục với chiếc nón nâu được cài ở cầu vai.
– Ông thày đi lễ?
Câu hỏi của người lính cũ, với hai tiếng “ông thầy” ngày xưa, được dùng thật tự nhiên như những lần gặp trước làm Tường xấu hổ. Không phải là lối xưng hô đầy mai mỉa. Tường biết rõ điều này. Với anh ta, bản chất giản dị và chân thành của người dân quê miền Nam vẫn còn, dù đã sang đến đây. “Ông thầy” là “ông thầy” không có gì là khinh bạc hay giễu cợt. Tự nhiên và bình thản như ngày còn chung đơn vị. Có thêm vào cũng chỉ là chút vui vẻ của tình thân tưởng mất nhưng tìm lại được. Dù bây giờ, đứng trên một cái nhìn nào đó, rõ ràng anh ta bảnh hơn Tường. Ban đầu gặp lại Tường hơi ngượng nghịu trước lối xưng hô này, nhưng trước sự thành thật và cởi mở của người lính, Tường quen dần và cuối cùng thì thấy bình thường như các tiếng xưng hô khác của mọi người. Và cũng với anh ta, lối xưng hô này tự nhiên như việc mặc lại bộ quân phục của binh chủng trong ngày lễ. Chẳng có gì phải e dè hay suy nghĩ. Tự nhiên như mọi hành động cần thiết để làm nên cuộc sống... Vậy cái còn lại của sự xấu hổ sau câu hỏi là sự ngạc nhiên của người lính. Rõ ràng anh ta nghĩ việc Tường có mặt tại đây quả là bất ngờ. Ông thầy đi lễ? Mẹ kiếp! Rất tự nhiên và cũng rất là không tự nhiên một chút nào hết. Làm như anh thuộc một sắc dân xa lạ nào đó.
Bất giác Tường nhìn lại mình. Chiếc áo xanh bỏ ra ngoài, chiếc quần nâu nhăn nhúm và đôi dép nhật thảm hại. Cả một sự bê bối và luộm thuộm hiển hiện giữa chốn này.
– Ờ... Ờ...
– Chắc ông thầy tới để viết bài?
Người lính lại hỏi và vui vẻ kéo tay Tường.
– Ông thầy tới đây với anh em, ông thầy lặn lâu quá rồi. Tới đây, tui giới thiệu với chi hội mình.
– Thôi... để bữa khác đi.
Tường rút tay lại, người lính ngạc nhiên.
– Sao vậy ông thầy? Anh em không à! Toàn là dân Biệt Động Quân tụi mình.
Tường lắc đầu, cố gắng lái sang câu chuyện khác. Người lính sau thoáng ngạc nhiên cũng xoay theo chiều Tường nói. Bản chất chân thật và giản dị đến độ vô tâm của anh ta làm Tường càng xấu hổ. Anh đã tự bỏ quên mình, lảng tránh mình từ lúc nào? Không còn nhớ nổi hay chính Tường không muốn nhớ?
Tháng tư, tháng tư... Tường lẩm nhẩm trong đầu những hình ảnh của các tháng tư cũ trong đời một cách mệt mỏi, khi người lính vẫn thao thao nói về công việc đang phát đạt với số khách sửa xe ngày một tăng. Tường gật đầu, Tường lắc đầu, Tường nói “ừ”, Tường nói “không”, theo diễn tiến của câu chuyện cho đến lúc có tiếng gọi tên người lính từ đám đông vang lên mới dứt tâm trạng dật dờ. Sau câu chào, anh ta bỏ lại Tường một mình.
Tường đứng lơ ngơ giữa đám đông như đã lơ ngơ trong cuộc sống từ bấy lâu naỵ Bắt nguồn từ ngày tháng tù đày với đắng cay, tủi nhục cùng cực hay bắt nguồn từ sự sống sót của lần vượt thoát đầy kinh hoàng. Ở đó, ở những nơi đó đã không còn các lằn ranh bình thường của cuộc đời. Nhân phẩm và liêm sỉ chỉ gói ghém trong ý nghĩ. Bản năng phản kháng hay buông xuôi nhận lãnh cái chết chỉ bằng sự bất lực trong tia nhìn. Nhân tính và thú tính không thể định mức trong khoảng khắc đó. Chỉ còn lại ý niệm thèm sống, khao khát được trở lại cuộc sống bình thường. Rất giản dị nhưng tưởng như không bao giờ thực hiện được. Để lúc đến chốn an lành mới giật mình, hiểu mình vừa sống lại, vừa tìm lại được những gì ngỡ rằng đã mất. Đời sống quấn quít trước mặt, sau lưng, lúc thức và ngay cả khi ngủ. Nâng niu từng khoảng khắc được làm người, trân trọng đón nhận từng thái độ, hành động của người chung quanh. Nhìn đời bao dung hơn và đem cả yêu thương gói vào cách thế sống. Những hào nhoáng cũ của một thời, những hạnh phúc, khổ đau riêng lẻ, những dằn vặt, tủi nhục tưởng sẽ thành oán thù chất ngất bỗng dưng tầm thường, nhỏ nhoi dần và mất hẳn. Quên lãng để mỗi nhịp thở, tia nhìn gắn liền vào thế giới chung quanh. Dè xẻn từng khoảng khắc thời gian như một gã nhà giàu bủn xỉn, đếm từng xu nhỏ, trả giá cuộc đời. Nhưng cũng rất hào phóng như một anh nhà nghèo tung hê tất cả những gì mình có vào cuộc đời. Tường lơ ngơ và Tường chăm chú với đời đến độ bỏ quên mình. Và bước ra khỏi sinh hoạt thường nhật, để nhìn ngắm mọi thứ với tâm trạng yêu thương và sợ hãi. Yêu thương bởi đã gặp lại những gì tưởng mất và sợ hãi bởi e rằng những điều đó lại mất đi... Và thế, chỉ mình Tường trong tháng ngày vừa qua như mình Tường hôm nay.
Người đến dự lễ đã đông. Chung quanh kỳ đài ngập người. Từng nhóm, từng tốp với đủ loại quần áo. Hoàng hẳn cũng đang đứng tại một nhóm nào đó. Với những người lính hoặc với những người cùng một hội đoàn. Chẳng ai lẻ loi và chỉ có một mình, với lá cờ mỗi lúc một nặng trĩu trên tay, như Tường. Tự nhiên anh cảm thấy ngượng cho mình và cho người chung quanh. Anh là ai, sao tại tự tách ra và bị tách ra khỏi các nhóm người. Sao anh không có một nhóm nào để đến, hay không có một nhóm nào gọi anh nhập bọn lúc này? Người lính cũ hẳn bây giờ cũng đã quên mất Tường như Tường đã quên mình là lính bao nhiêu năm... Vậy đứng đây làm gì? Anh cuốn lá cờ trên tay lại và rảo bước về con đường đất.
Ngang qua nhóm người đứng dưới gốc cây sát kỳ đài, Tường gặp Quán.
– Anh... đi lễ...
Suýt nữa Tường chửi thề! Sau người lính cũ là Quán với câu hỏi đó. Rõ ràng anh thành một sắc dân xa lạ.
– Em hôm nay trông lạ ghê!
– Lạ gì anh?
– Thiếu phấn son, và hiền lành như một cô gái vừa lớn
– Thì... thì nhập gia tùy tục mà anh.
Quán cười rạng rỡ. Quả tình cô bạn cũ hôm nay khác hẳn mọi bữa. Không một vệt son, không một kẻ chì, chỉ đôi hoa tai nhỏ xíu bằng vàng tây. Quán giản dị và hiền lành như chưa bao giờ biết đến những thứ mỹ phẩm. Tường ngắm nghía một lúc. Cô bạn cũ có vẻ hơi ngượng.
– Nhìn gì thế anh?
– Trông hay lắm. Chả còn dấu vết gì của một cô Quán từng trải, coi đời như pha, uống rượu như nước lạnh.
– Ghê... anh cứ làm như em là...
Quán tru môi nhõng nhẽo. Cạnh môi đưa ra, một vài nếp nhăn hằn trên mép. Cô bạn cũ của Tường tự nhiên thành lạ hoắc. Có nét gì đó trên Quán đã làm Tường thành thiếu tự nhiên và ngán ngẩm. Anh vẫn thích Quán của ngày thường với các loại mỹ phẩm trên người, với phong thái từng trải, với nét phóng túng hơn là Quán hôm nay với một khoảng cách. Khoảng cách không tự nhiên, khác đời sống vốn tự nhiên của hai người.
– Em đến đây với ai?
– Với anh Hoàng.
– Hoàng?
– Vâng! Anh ấy vừa chạy sang với mấy người bạn.
Hai bàn tay Quán vân vê lá cờ nhỏ. Vạt áo dài màu xanh ép trước bụng, chiếc quần đen bóng nhẫy dưới nắng, đôi giày mũi nhọn bằng da giả màu vàng... mọi thứ bọc quanh Quán khi thân thể lắc qua, lắc lại theo lời nói. Cứ như là một cô gái thẹn thùng khi nhắc đến tình yêu đầu tiên. Tường liên tưởng đến tối chủ nhật trước, lúc vừa ở Sacramento về, tình cờ thấy Quán và Vĩnh từ quán ăn Sizzler ra. Ngả ngớn, phóng túng trong hành động dựa sát vào vai Vĩnh lúc vòng tay của Vĩnh ôm ngang eo. Hai cô Quán của hai thời điểm thật khác biệt. Bất giác Tường cảm thấy khó chịu trước cử chỉ làm duyên của Quán. Anh quấn lá cờ giấy vào ngón tay trỏ.
– Anh kiếm Hoàng nãy giờ.
– Anh có hẹn với anh ấy?
– Ờ, nó rủ đến đây... chơi. Tìm mãi chả gặp, hóa ra nó đứng đây với em.
Quán ré lên cười, đưa tay đập vào vai Tường. Thái độ của Quán vẫn có vẻ thiếu tự nhiên.
– Đứng với em thì sao cơ! Anh thật là...
Tường cười gượng, gỡ tay Quán ra khỏi vai, lảng qua chuyện khác.
– Đông ghê Quán nhỉ?
– Vâng, Quốc Kháng mà anh.
Một lần nữa Tường phải nhìn lại. Quán nói hai chữ Quốc Kháng gọn lỏn, trơn tru như việc tham dự những buổi lễ là điều bình thường. Hệt như lúc trước Quán nói đến dạ vũ hay các loại mỹ phẩm. Thằng Hoàng này khá thật! Cảm hóa được một cô bạn ăn chơi cỡ Quán đâu có dễ. Hay tại tình yêu? Vừa thoáng qua ý tưởng này, hình ảnh Quán và Vĩnh trước cửa quán ăn Sizzler lại hiện về. Mẹ kiếp! Không thể hiểu nổi con nhỏ này. Hay Quán với Vĩnh chỉ đi ăn và bàn một công chuyện làm ăn nào đó. Nhưng làm ăn thế chó nào được khi hai đứa tình tứ như vậy? Tường nhíu mày nhìn Quán thêm lần nữa. Lần này anh tìm được một lá cờ vàng ba sọc đỏ nhỏ xíu, được khâu vội vào tay áo. Trời đất! Gì nữa đây? Tường chỉ vào lá cờ trên tay áo Quán.
– Cái gì đây...
– À.. à... anh Hoàng cho em hôm kia. Em vừa khâu tối qua, vội quá nên không được thẳng... Xéo xẹo hả anh?
Quán kéo tay áo cho lá cờ được thẳng thắn khi nói. Cả câu nói lẫn hành động vẫn trơn tru và tự nhiên. Lá cờ đã thành món đồ trang sức trong ngày lễ cho Quán. Tường mím môi cố nén nụ cười giễu cợt khi sự bực mình vừa dấy lên. Riết hồi chả ra thể thống gì cả. Tất cả đều là một trò chơi mới của Quán. Ham thích với sự mới lạ vừa khám phá. Anh chợt giận Hoàng. Tại sao nó lại kéo Quán vào sinh hoạt này. Rõ ràng chẳng thích hợp, nếu không gọi là lố bịch hay kệch kỡm nữa. Đây đâu phải là trò chơi dành cho những con người như Quán. Với Quán, chỉ là những cuộc vui, những lần rong chơi buông thả dưới ánh đèn màu của vũ trường, của dạ hội. Thằng bạn của Tường kỳ cục thật! Để làm gì vậy? Muốn biểu diễn với Quán về tinh thần đấu tranh, hay muốn biểu diễn với mọi người về tài cảm hóa một cô bạn nổi tiếng vô tâm và chịu chơi?
Quán vẫn tự nhiên qua từng câu nói. Trong sự khó chịu, Tường nghe loáng thoáng tiếng của Quán lẫn vào lời hát từ các chiếc loa. Lúc rõ ràng, lúc mất tăm thành không đầu, không đuôi. Có những tiếng quen thuộc mà Tường đã đọc, đã nghe từ các bài diễn văn được Quán nói xuông xẻ, mạch lạc như được học thuộc lòng. Tường ngạc nhiên nhìn chăm chăm vào miệng Quán. Cặp môi mấp máy, rộng hẹp theo âm điệu những tiếng phát ra. Liên tục và đều đều như được phát ra từ một cái máy. Tường nhìn vào mắt Quán. Cả tròng đen, tròng trắng lẫn con ngươi đều giữ một mức linh động vừa phải của cái nhìn bình thường. Đôi mắt của Quán không biết nói như miệng Quán.
Tường chán ngán, ngắt lời Quán.
– Anh về...
– Anh không đợi anh Hoàng.
– Bảo nó anh hơi mệt, phải về tòa soạn trước, có vài cú phone cần phải nói...
– Phone của Nhu?
Tường nhún vai.
– Có thể...
– Ai đưa anh về?
– Anh đi bus hoặc đi bộ cũng được. Càng khỏe chân.
Mẩu đối thoại giữa hai người làm Quán quên hẳn những điều đang nói. Rõ ràng những loại chuyện như vầy có vẻ thích hợp với Quán hơn. Tường thấy tội nghiệp cả Quán lẫn Hoàng trong buổi sáng hôm naỵ Sự khó chịu trong anh dịu đi đột ngột.
– Anh về trước. Tối có gì gọi anh, có lẽ anh ở tòa soạn nguyên ngày. Muốn đi Lido không?
Quán có vẻ vui hẳn.
– Đêm nay hả anh?
– Ờ! Anh có vài vé mời của ông nhạc sĩ thổi kèn vừa chọ Rủ Hoàng và vài người bạn nữa xuống đón anh.
– Em sẽ gọi anh.
– Ờ.
Định bước đi thì có tiếng gọi sau lưng, Tường quay lại. Đó là Hoàng. Hôm nay thằng bạn này thật bảnh. Diện một bộ complet và chiếc cà vạt mới toanh. Dưới ánh nắng, đôi giày nó bóng loáng.
– Ê! Đi đâu vậy?
– Định về. Chờ mày mãi...
– Tao bận một tí... Sao lại về? Ở lại dự lễ chứ, xong đi ăn với tụi tao.
Nụ cười tươi tắn trên môi Hoàng làm khuôn mặt bớt đi vẻ đăm đăm. Cả đến thằng này hôm nay cũng có nét thay đổi. Ngày lễ có khác. Tường xót xa trong ý nghĩ đầy mỉa mai. Ngay lúc đó anh nhìn thấy một lá cờ bằng kim khí, được gắn thay kim cài, trên cà vạt Hoàng. Ai cũng có vẻ lạ hết! Tường nhìn xuống đất. Mười ngón chân ngo ngoe trên đôi dép nhật trông thảm hại.
– Mày thấy sao?
– Sao là sao?
– Thành công đến độ không ngờ... Đông quá!
Hoàng nói với tất cả sự hãnh diện, như việc thành công của buổi lễ do một tay nó làm nên. Tường lại nhớ đến hình ảnh nó vung tay, múa chân tại buổi họp Cựu Quân Nhân hôm nào. Anh buông xuôi một câu.
– Ờ... Tao cũng nghĩ thế...
Hoàng xoa xoa hai bàn tay vào nhau, mặt hả hê thấy rõ. Tường thở dài nhìn quanh. Đồng bào đến mỗi lúc một đông. Lòng người sau mười mấy năm vẫn còn nóng rực, hướng về đất nước. Nhiệt tình này ẩn hiện trên từng khuôn mặt người đến tham dự. Rõ ràng buổi lễ thành công nhờ ở tấm lòng của đồng bào, chứ không như ý tưởng của Hoàng đã biểu lộ qua thái độ tự mãn. Tường đưa tay sửa lại cái kim cài có hình lá cờ trên cà vạt Hoàng cho ngay ngắn. Tội nghiệp cho thằng bạn đã lầm lẫn trong cái nhìn và bằng giọng nói dịu dàng hệt như vừa nói với Quán lúc nãy, Tường bảo Hoàng.
– Tao có chút việc phải về trước, không thể dự lễ được. Bọn mày ở lại, có gì liên lạc ở tòa soạn.
– Sao vậy?
– Thì đã nói có chút việc mà.
Tường xoay lưng bỏ đi lúc tiếng nói từ loa phát thanh báo còn năm phút nữa là buổi lễ bắt đầu.
Lần theo con đường đất dẫn ra đường Santa Clara, Tường gặp từng tốp người kéo vào công viên Roosevelt. Bước chân của người nào cũng có vẻ hấp tấp. Hẳn cho kịp giờ lễ. Anh đi chậm lại, nhìn từng người một. Ngang qua một cô gái xõa tóc, dáng nhỏ nhắn và trạc tuổi Nhu, Tường chận cô ta lại.
– Cho cô lá cờ.
Cô gái ngước lên. Đôi mắt đen, dịu dàng như mắt Nhu, có pha chút ngạc nhiên nhưng vẫn đón lấy lá cờ từ tay Tường. Cô gái mặt hơi đỏ, vết đỏ cũng lan từ mép tai xuống gò má hệt như Nhu đã đỏ mặt, nói lí nhí.
– Cám ơn ông... anh...
Tường mỉm cười tránh sang một bước, nhường lối cho cô gái. Bước ngang Tường bằng bước chân hơi rối, cô gái một tay cầm lá cờ, một tay đè lên vạt áo dài đang bị hắt lên trong gió. Chiếc áo dài cũng màu xanh da trời như áo dài Quán đang mặc nhưng người cô gái không có mùi nước hoa “Sweet Heart” như Quán đã dùng.
May mà có em đời còn dễ thương. Tường lẩm nhẩm câu hát và thầm cảm ơn cô gái. Bàn tay phải theo thói quen, đưa lên lồng ngực trái. Trong túi áo, cô bé bằng đồng thau vẫn ngoan ngoãn nằm yên. Đời vẫn đẹp với những người như cô gái xa lạ, như Nhu, như cô bé bằng đồng thau... Giờ này hẳn Nhu đang trong buổi lễ do nhóm sinh viên tại Sacramento tổ chức. Tường thấy tiếc tại sao không đến với Nhu hôm naỵ Ít nhất, nàng cũng có niềm vui và anh không gặp những điều kỳ cục, bất thường của hai người bạn. Tường hình dung đến buổi lễ của đám sinh viên đang diễn ra tại một thành phố cách San Jose 151 miles. Hẳn cũng có những lá cờ được giăng, cũng có những khuôn mặt trang nghiêm, cũng có những ánh mắt long lanh lửa nhiệt tình và các bài ca được cất lên từ lồng ngực những người vừa lớn, máu còn hồng, môi còn tươi, chứa chan hy vọng... Như tuổi trẻ khắp nơi, họ sẽ ào ào đứng dậy và tham dự vào con đường được chọn. Hà! Đã xa lắm, Tường của những năm mười tám, hai mươi, đốt tin yêu bằng nhiệt tình từ máu, từ tim... Tại sao anh không tìm đến không khí đó trong buổi sáng hôm nay để thấy thoải mái hơn? Tất nhiên sẽ không có những cái kim cài hình lá cờ trên cà vạt của các cậu thanh niên, chắc chắn sẽ không có lá cờ được đính vội vào áo dài của các cô thiếu nữ. Nhất là không có bộ vest và mùi nước hoa “Sweet Heart”.. Lại lẩn vẩn nữa rồi. Tường buột miệng chửi thề một tiếng, tách ra khỏi dòng người, băng ngang đường để vào tiệm phở Hiền Vương nằm xéo với công viên đang có buổi lễ.