Chương 13

Nhật ký tháng năm.
Thứ ba của tuần lễ thứ ba.
Biến động tại Thiên An Môn, Bắc Kinh gây xôn xao trong cộng đồng. Tôi đã gặp những khuôn mặt béo hồng nhắc đến như nhắc một biến cố nào đó trên thế giới không ảnh hưởng đến mình. Như một thứ mốt thời thượng. Tôi cũng gặp những ánh mắt long lanh khi kể lại từng chi tiết của vụ biến động, với hy vọng về một sự đổi thay nào đó, và mang cả đất nước hay chính mình vào cuộc... Nói chung, đây là một tin nóng.
Tuần này tôi sẽ bàn với ông chủ biên của tờ báo để làm một số đặc biệt về vụ Thiên An Môn.
Hoàng và Quán đã thân nhau hơn. Hoàng bây giờ có vẻ tươi trẻ và ngược lại Quán chững chạc, am hiểu những điều không thể ngờ được một con người như Quán có thể hiểu. Chiều nay, hai đứa đến tòa soạn lúc tôi đang lay out một trang quảng cáo.
– Rảnh rang nhỉ.
Quán cười, hàm răng trắng đều đặn.
– Bọn em đâu bận rộn như nhà báo.
Hoàng ngồi lên mép bàn làm việc của tôi, chiếc quần Jean bó sát mông mới toanh. Thằng này bắt đầu thay đổi cách phục sức. Đỡ quê mùa, đỡ... dữ dằn hơn.
– Mấy giờ mày rảnh?
– Chắc phải 7 giờ hơn mới xong. Hôm nay phải đem báo đi in. Bọn sinh viên Trung Cộng bảnh thật.
Hoàng cầm tấm ảnh của bản tin lên ngắm nghía. Trong ảnh, những người trẻ tuổi đang đứng trước cổng Thiên An Môn với hàng biểu ngữ đòi dân chủ. Cuộc biểu tình đã cuốn hút được cả triệu người.
– Không biết bao giờ nước mình mới làm được như vậy.
– Chưa đến lúc đó thôi. Con giun xéo lắm cũng quằn.
– Ở Trung Cộng, họ làm được nhờ sự giao lưu văn hóa với Tây Phương. Sinh viên du học chủ động phần lớn. Còn mình? Du học qua Nga, Đông Đức là hết cỡ. Ở đâu cũng thấy sao, thấy búa liềm.
Quán xen vào. Những nhận xét của Quán làm tôi ngạc nhiên. Sự thay đổi quá nhanh, cô bạn cũ quan tâm và nhận định vấn đề thời cuộc một cách ngon lành, như đã hằng tham dự vào những sinh hoạt chính trị. Tôi đăm đăm nhìn Quán. Phấn son đã bớt, phục sức giản dị hơn... Hay là bọn nó yêu nhau thật? Tự nhiên hình ảnh Quán và Vĩnh trước quán Sizzler lại hiện về. Có một điều gì đó, xảy ra giữa bọn nó mà tôi chưa hiểu được.
Hoàng đặt tấm ảnh xuống bàn.
– Mày định viết gì về vấn đề này không?
– Viết gì là viết cái gì? Tao...
– Tao cái chó gì? Mấy thằng cầm viết như bọn mày, ít nhất phải có những suy nghĩ về việc này. Đâu lơ ngơ với ba thứ văn nghệ viễn mơ hoài được. Phải tham dự với cuộc đời chứ.
Tôi mở to mắt nhìn Hoàng. Vẫn cái tật hùng hổ, vén tay áo nhảy vào đời tư người khác.
– Mày có lý của mày. Nhưng đừng bắt chữ nghĩa phải mặc một cái sơ mi gỗ. Tao không muốn nói văn nghệ viễn mơ hay văn nghệ dấn thân ở đây. Nhưng mỗi thằng có một quan niệm viết lách riêng. Không thằng nào giống thằng nào được.
– Me...
– Mẹ cái gì? Mày đâu cầm viết mà hiểu được tâm trạng những thằng cầm viết. Hơn ai hết, bọn tao quí trọng hai chữ tự dọ Khi cầm viết, là chỉ có mình đối diện với chính mình trong vấn đề muốn diễn tả. Không có một phong trào nào, hiện tượng nào trói buộc nổi. Vượt lên trên, đứng ra ngoài những điều đó để đạt đến điều muốn viết.
– Nhưng phải khẳng định mình đứng về phía nào chứ?
– Tất nhiên! Đấu tranh? Solzhenitsyne đó, cũng chống cộng, cũng tố giác nhưng theo cách của ông tạ Đâu ai có thể bảo phải viết cái này, hay viết cái khác theo kiểu trại sáng tác của Cộng Sản được. Nếu được chọn, tao sẽ chọn Herman Hess chứ không phải Solzhenitsyne... Vượt lên cuộc sống hiện tại để thấy cái đẹp của cuộc sống, bằng lòng yêu thương không phải là một hình thức chống lại chủ nghĩa cộng sản hay sao?
Hoàng im lặng. Tôi nhún vai.
– Nhưng chưa biết chừng, tao sẽ dành một chương của cuốn truyện dài để nhắc đến vấn đề này theo cách của tao. Dù sao cũng là một biến cố cần ghi nhận.
Hoàng gật đầu cùng lượt với Quán. Tôi định nói với nó về số báo đặc biệt dành cho vụ Thiên An Môn nhưng lại thôi.

*

Thứ bảy của tuần lễ thứ ba.
Bọn sinh viên Bắc Kinh quả là bảnh. Cuộc xuống đường đáng đồng tiền bát gạo. Cả triệu người hưởng ứng, tham gia và chính quyền cũng rúng động. Dân chủ nở ngay giữa lòng Cộng Sản. Thật ly kỳ hết chỗ nói. Tôi đã thích thú trong sự xúc động lúc theo dõi những diễn biến trên màn ảnh truyền hình và báo chí.
Ông chủ biên đã đồng ý làm một số đặc biệt về Thiên An Môn. Ông ta có vẻ mặn vấn đề này.
Hoàng đến tòa soạn sáng hôm qua, đưa tôi một bài viết về vụ Thiên An Môn. Cũng tạm được nếu không có những vấn đề đặt ra mà không có hướng giải quyết.
– Mày viết?
– Phải, nguyên buổi tối thứ năm.
– Được đấy.
– Được cái gì?
– Chấm, phẩy đàng hoàng không đến nỗi như các “chí sĩ” khác.
– Mẹ mày!
Tôi bật cười, rồi nghiêm mặt.
– Sao mày không thử đưa ra vài hướng để giải quyết những vấn đề được nêu ra.
Hoàng ngập ngừng, rồi thú thật.
– Tao... tao... không dám, bởi chưa thấy vững.
– Đặt vấn đề thì ai đặt chả được, cái quan trọng là lối giải quyết vấn đề. Nhất là trong một bài quan điểm như vầy. Nhưng thôi, tao sẽ đi vào thứ tư này, trong số đặc biệt về Thiên An Môn.
– Cảm ơn mày!
– Ơn nghĩa mẹ gì! Được thì đăng chớ bộ.
Tôi chửi đổng một tiếng và đâm ra khó chịu vì thái độ của thằng bạn này. Cần quái gì phải cảm ơn một thằng chủ báo hay tổng thư ký khi bài mình được nhận đăng? Tại sao không tin vào những điều mình viết là sẽ được đăng, sẽ phải đăng? Tôi cảm thấy hối hận vì đã không từ chối bài viết của nó. Ít nhất, tôi còn được nghe một vài lời vặn vẹo, châm chọc quen thuộc như khi nó bảo tôi là thằng bỏ đi.
Hoàng cũng cảm thấy ngượng trước cái nhìn soi mói của tôi. Nó đánh trống lảng.
– Mày nghĩ vụ này sẽ diễn tiến thế nào?
– Mày nghĩ sao?
Tôi hỏi ngược lại nó, cố tạo cho thằng bạn một không khí thoải mái và tự nhiên. Quả nhiên nó bắt được cảm hứng ngay lập tức.
– Tao thấy lạc quan vô cùng. Cả thế giới cộng sản rung động trong vòng mấy tuần quạ Nga, Ba Lan, Trung Cộng...
Hoàng thao thao nói về tình hình thế giới, hệt như những bài báo mà ông chủ biên đã đăng và tôi đã đọc. Không muốn làm thằng bạn cũ mất hứng, tôi ngồi yên nghe nó “thuyết trình”. Hoàng nói trơn tru, mạch lạc như tình hình thế giới đều nằm trong tay và trước mặt là bản đồ thế giới được mở. Sau cùng nó kết luận.
– Rồi sẽ đến lượt Việt Nam.
– Mày tin thế?
– Tin chứ, rõ ràng quá mà.
– Tao nghĩ không dễ dàng như vậy, bọn Tàu không dễ thua đâu. Gần trăm năm chứ ít sao. Cai trị một tỷ thằng khoái hơn là nghe một triệu thằng.
– Mày...
– Tao cảm thấy thế. Nhưng làm sao biết được. Để rồi xem sao. Mới có vài ngày chứ mấy? Nhưng dù sao cũng thấy vui hơn.
Tôi lấp lửng và trở lại công việc lúc Hoàng bỏ về. Cái truyện dài đang đăng từng kỳ trên báo đã tản ra nhiều mối. Nhân vật đã bắt đầu mất hướng đi. Như vậy là xong phần một. Tôi sẽ bắt đầu đi vào phần hai, có thể bằng ảnh hưởng của vụ Thiên An Môn.
Sáng mai, tôi đi Sacramentọ Nhu có vẻ không được khỏe trong thời gian này. Nàng nhức đầu liên tục.
Hơn tuần lễ nay không thấy thằng Mễ đến. Nó bị bắt chăng? Dạo này cảnh sát ruồng bố khu William hơi nhiều.
Bức tượng cô bé bằng đồng thau lại bị tróc thêm một mảnh sơn, ngay chùm tóc nhô ra của mái tóc demi garcon.

*

Chủ nhật của tuần lễ thứ ba.
Nhu xanh lét vì nhức đầu và mất ngủ. Chúng tôi ngồi tại công viên nằm trước thủ phủ của tiểu bang California. Bên cạnh là những bức tượng đen, trắng. Câu chuyện ngắt quãng nhiều lần vì thái độ lơ đãng của Nhụ Nàng có vẻ mệt mỏi. Hai tiếng đồng hồ ngồi cạnh nhau mà Nhu ngáp đến chục lần. Tôi không khó chịu, chỉ thấy thương Nhu nhiều hơn. Đã mong manh lại mong manh hơn. Đã yếu đuối lại yếu đuối hơn nữa. Thương em mong manh như một cành lan. Cành lan của tôi bây giờ là cánh lan mất rồi!
Tôi không gặp thằng Mỹ đen tên Jack tại bến xe. Cả lượt đi lẫn lượt về.

*

Thứ tư của tuần lễ thứ tư.
Số đặc biệt về Thiên An Môn được đón nhận không ngờ. Ông chủ biên có vẻ mãn nguyện. Mái tóc trắng của người đàn ông trên sáu mươi như sáng hơn. Bước vào nghề báo với tất cả tấm lòng nên những thành công được ghi nhận từ độc giả là điều ông quí nhất. Chỉ thế, và chỉ có thế là ước vọng của người chủ biên này. Giản dị nhưng chân thật trong hoạt động văn hóa. Tôi đã cảm thấy an tâm khi làm việc bên cạnh ông ta, dù đời sống vật chất thật hạn hẹp.
Buổi sáng hôm nay, tòa soạn bận rộn với những cú phone được gọi từ độc giả. Điềm tĩnh nhưng đầy cởi mở, ông chủ biên trả lời và giải thích từng trường hợp. Tôi và chị thư ký cũng trong tâm trạng đó, nhìn ông mà mỉm cười. Đời trăm vạn lối thăng hoa cho trăm vạn nghề nghiệp, thì buổi sáng hôm này là phút thăng hoa cho chúng tôi, tại tòa soạn một tờ báo Việt ngữ trên đất Mỹ.
Xong một cú phone của độc giả, ông chủ biên quay sang tôi.
– Thích thật chú nhỉ?
– Vâng, sáng nay thấy mọi người bàn tán tại quán cà phê, em khoái vô cùng.
– Cũng bõ công “cam khổ” của anh em mình.
– Ít nhất mình cũng không cảm thấy xấu hổ vì nghề nghiệp.
Chị thư ký bật cười trước niềm vui của hai chúng tôi. Ông chủ biên như trẻ lại trong phong thái, tuổi 60 mất hẳn qua cử chỉ châm một điếu thuốc.
– Trưa nay tòa soạn mình đi ăn mừng!
Ông chủ biên nói. Tôi gật đầu.
– Phở đi anh.
– OK!
Chị thư ký vẫn cái cười dễ dãi.
– Toà soạn mình nghèo thật, ăn mừng bằng một chầu phở.
– Nhưng đúng là mừng!
Chúng tôi phá ra cười sau câu kết luận của ông chủ biên. Niềm vui đến thật nhẹ nhưng đầy đủ. Rất ngây thơ nhưng cũng rất thực tế. Ít nhất hôm nay, chúng tôi cũng có hạnh phúc là đem lại cho người đọc những gì cần đọc. Chẳng cần phải đứng trước đám đông đợi những tràng pháo tay hay tẩn mẩn ngồi đếm từng xấp dollar xanh ngoét. Phút thăng hoa của người làm báo chỉ cần thế, là thế.
Tôi tin tôi hơn trong buổi sáng hôm nay, với những người đang đi cùng mình.

*

Thứ năm của tuần lễ thứ tư.
Nhận phone của Nhụ Nàng vẫn bệnh nhưng thêm chứng tê tay và co giật phía thân bên trái. Tôi cảm thấy ngộp thở khi nhớ lại trường hợp ung thư trong một truyện ngắn của Mai Kim Ngọc.
Suốt buổi tối, tôi ngắm nghía cô bé bằng đồng thau. Màu sơn nhũ đã bị tróc nhiều mảng và nền nỉ xanh bắt đầu xổ lông. Những ngón tay tôi chạm vào mặt kim khí, tạo cảm giác nham nhám khi trong lòng có sự xúc động dấy lên. Nếu đúng cô bé đồng thau đã được làm phép như lời Nhu nói, thì xin Chúa cho nàng được bình yên.
Tôi bắt đầu tin vào Chúa rồi hay sao?

*

Chủ nhật của tuần lễ cuối tháng.
Tình hình vẫn bất lợi về phía chính quyền Trung Cộng. Sinh viên đã được toàn thế giới có cảm tình và ủng hộ. Ngay cả 150 ngàn binh sĩ được đưa về để thi hành thiết quân luật vẫn án binh tại Bắc Kinh, không hoặc chưa lộ điều gì có thể gọi là đàn áp cả. Sinh viên dự định sẽ dựng một tượng Nữ Thần Dân Chủ cao hơn tượng Mao Trạch Đông tại Thiên An Môn. Đây là một điều đáng gợi đến.
Dư luận của độc giả sau số báo về Thiên An Môn vẫn còn ồn ào và kéo dài đến hôm naỵ Có rất nhiều đề nghị, bài vở được gọi qua phone và gửi về toà soạn. Ông chủ biên gợi ý muốn làm một số thứ hai về vấn đề này. Nhưng làm thế nào? Đó mới là vấn đề được đặt ra. Không thể võ đoán được chính quyền Trung Cộng sẽ có thái độ nào. Đã mấy chục năm, mầm mống của chế độ đã ăn sâu, không dễ gì nhượng bộ một cách dễ dàng được. Nhưng nếu không nhượng bộ thì thế nào? Một cuộc đàn áp sẽ được làm trước mũi dư luận thế giới chăng? Không thể hiểu được. Tôi hoàn toàn mù tịt về vấn đề chính trị, và thú thật với ông chủ biên.
– Em chỉ cảm thấy sự việc không thuận lợi như mọi người đều nghĩ đâu.
– Chú căn cứ vào điểm nào?
– Căn cứ? Em mù tịt nhưng chỉ cảm thấy như vậy.
Ông chủ biên cười dễ dãi.
– OK! Mình cứ từ từ xem sao. Nhưng dù sao cũng nên đi một số bài của độc giả, thân hữu gởi về trong vấn đề này. Chú nên đọc kỹ.
Tôi im lặng định từ chối việc đọc kỹ mà ông chủ biên vừa nói. Thật tình là tôi không khoái đọc những bài báo kiểu “đón gió” với một số từ ngữ va chạm nhau kêu loảng xoảng bằng những bài thơ, bài phê bình văn học hay truyện ngắn. Nhưng công việc... Tôi ráng gật đầu khi nghĩ đến lá thư viết dở dang cho Nhu còn nằm trên bàn. Không “ráng” sao được khi nhiệt tình của ông chủ biên như vậy? Hôm nay chủ nhật, là ngày nghỉ mà ông vẫn đến bàn về vấn đề này. Tôi nhìn mái tóc bạc trắng của ông, cười gượng.
– Vâng... Em sẽ chọn cho số báo thứ tư tới.
Vậy là mất toi một buổi tối để đọc kỹ.

*

Thứ hai của tuần lễ cuối tháng.
Suốt buổi sáng tôi ngủ vùi, đến hơn 12 giờ trưa mới dậy. Thân thể mệt nhừ, rời rã như sắp chết. Tôi không muốn làm gì cả, dù công việc còn đầy ra. Chưa bao giờ tôi thấy việc làm báo của mình lại ngán như vậy.
Đêm qua đọc lại những chương đã viết của cái truyện dài, tôi vẫn thấy tôi còn lẩn quất dưới bóng nhân vật chính.
Nhu khóc trong điện thoại sau câu nói “Em tự nhiên sợ sệt và cảm thấy cô đơn. Ngay cả lúc cầu nguyện. Chúa cũng bỏ em sao anh?” Tôi bóp chặt cô bé bằng đồng thau trên tay khi có ý nghĩ nàng không còn trong cuộc sống.
Chúa của một người yêu Chúa như Nhu mà cũng còn khoảng cách với nàng hay sao? Như vậy cô bé bằng đồng thau có còn ý nghĩa gì khi tôi bỏ trong túi áo trái, gần trái tim? Tôi bắt đầu nghĩ đến Chúa nhiều hơn. Những vấn đề về Chúa được đặt ra trong trí tôi có phải khuynh hướng đưa tôi gần đến người? Ngay cả sự hồ nghi về người.

*

Thứ ba của tuần lễ cuối tháng.
Sinh viên đã mở tấm vải phủ bức tượng “Nữ Thần Dân Chủ.” Bức tượng được tạc phỏng theo tượng Nữ Thần Tự Do tại Hoa Kỳ. Qua màn ảnh truyền hình, tôi thấy bức tượng trông giống bức tượng cô bé bằng đồng thau của Nhụ Tự do và tình yêu hòa lẫn nhau trong ý nghĩ tôi chăng?
Hoàng khoái chí khi thấy bức tượng cao hơn tượng Mao Trạch Đông. Ngồi cạnh tôi, nó thao thao “thuyết minh” theo từng diễn biến trong màn ảnh truyền hình. Tôi nghe loáng thoáng từng câu nói của nó. Trong trí tôi, bức tượng Nữ Thần Dân Chủ bây giờ lại có nét hao hao giống Nhu.
Nếu không còn Nhu trong đời tôi sẽ làm gì để giữ được hình ảnh của nàng? Trong tôi chợt có ý định mới cho cuốn truyện dài đang viết. Tại sao không tạo một nhân vật nữ, có hình tượng của Nhu để làm người yêu cho nhân vật chính. Nên lắm chứ! Nếu đem được Nhu và những điều nàng có vào nhân vật nữ đó... Ít nhất, Nhu vẫn còn, mãi còn trong tác phẩm. Tôi mỉm cười một mình ghi nhận ý nghĩ đó vào trí khi buổi trực tiếp truyền hình từ Thiên An Môn chấm dứt.
Hoàng tắt máy truyền hình lúc màn ảnh hiện ra một cô gái mặc bikini quảng cáo cho thứ nịt vú mới.
– Đã quá hả!
Tôi giật mình.
– Đã chứ sao không, mấy con nhỏ quảng cáo trên ti vi Mỹ toàn là tài tử bạc triệu không đó. Đã thì đã vậy thôi, chứ tàn đời bọn mình cũng không rớ tới được.
Hoàng đăm đăm nhìn tôi, chửi thề một tiếng trước câu nói.
– Vậy là mày chẳng để ý gì cả.
– Để ý cái gì? Tao nói không phải sao?
– Sư mày... những điều tao nói là khúc phim về vụ Thiên An Môn vừa quạ Đâu dính gì đến cái nịt vú và con nhỏ tài tử.
Tôi ngượng nghịu.
– Tao... nghe và xem loáng thoáng.
Lại một tiếng chửi thề được làm thêm, nó đẩy ghế đứng dậy.
– Mày lúc nào cũng lơ ngơ, lếch nghếch như thằng mất hồn. Tao không hiểu mày sẽ ra sao nếu suốt đời cứ thế này. Chẳng chú tâm vào việc gì cả, dù con mắt lúc nào cũng mở to để ghi nhận. Mâu thuẫn rõ ràng đang xảy ra trong mày. Hãy định hướng lại con ạ. Rồi Nhu cũng đến khổ vì mày. Đúng ra, với một người như Nhu bên cạnh, mày sẽ khá hơn.
Vẫn câu nói nhảy xổm vào đời tư kẻ khác của Hoàng như mọi hôm, nhưng không làm tôi khó chịu như mọi hôm. Tôi chợt nghĩ đến nhân vật chính cùa mình. Tôi bịnh hay cuộc đời đang bịnh?

*

Thứ tư cuối tháng năm.
Phản ứng của chính quyền Bắc Kinh hình như đã bắt đầu. Một cuộc biểu tình của công nhân và nông dân tại ngoại ô Bắc Kinh được tổ chức để ủng hộ chánh quyền. Những cú phone gọi về tòa soạn ít hơn và thái độ của mọi người cũng có vẻ dè dặt hơn lúc nói chuyện.
Hoàng không thấy ghé.
Buổi tối Vĩnh đến, nói bâng quơ đủ thứ chuyện. Tôi nhắc đến Quán và Hoàng, nó đánh trống lảng và khó chịu ra mặt.
Ý tưởng mang Nhu vào cuốn truyện đang viết vẫn lẩn quất trong đầu. Nhân vật chính của tôi bắt đầu biết quan tâm đến các vấn đề thời cuộc, dù vẫn còn hờ hững. Đọc và soi gương lúc tắm xong, tôi thấy tôi giống hắn thật nhiều.
Tại sao tôi phải đẩy nhân vật của mình cố gắng vượt lên trên cuộc sống, khi bản thân hắn vẫn chưa chịu tách lìa cuộc sống.