Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
Chương 4

Xe vừa đến đầu hẻm, Hiểu Đan đã bảo bác tài ngưng xe lại, nàng khoát tay chào ông anh ba của Đức Mỹ rồi đợi cho xe rồ máy chạy đi mới vuốt thẳng quần áo, nhìn quanh rồi bước chậm rãi vào hẻm.
Buổi dạ vũ hôm nay là một ấn tượng mới mẻ trong cuộc đời. Đan vừa bước về hướng nhà vừa nghĩ ngợi. Tất cả những chuyện vừa xảy ra như một khúc phim quay chậm hiện rõ trong đầu. ánh đèn màu, tiếng nhạc, tiếng cười nói trong phòng khách ở nhà Đức Mỹ, rồi những bước tập khiêu vũ đầu tiên trong thư phòng. Đám đông tiếng vỗ tay... Tất cả như căng đầy trong trí não. Hiểu Đan cúi đầu lầm lũi bước, không để ý gì đến ngoại vật chung quanh. Đột nhiên, từ trong bóng tối một bóng đen phóng ra với lời hăm dọa.
- Đứng yên không được bước tiếp.
Hiểu Đan giật mình dừng lại. Nàng định la lên. Nhưng khi định thần nhìn kỹ, thì ra là Hiểu Bạch, Đan đưa tay lên chận ngực bực tức
- Mầy làm gì thế? Làm tao hết cả hồn.
Hiểu Bạch không trả lời ngaỵ Dưới ánh đèn đường nó ngắm nghía bà chị một chút, rồi cười nói:
- Tại sao chị lại về trễ thế này? Lại có bạn trai đưa về tận nhà... Vậy là... hà hà... bị tôi bật mí rồi nhé.
- Đừng có nói bậy. Hiểu Đan đính chính - Đấy là anh ruột của Nguyện Đức Mỹ đấy.
- Thì cũng vậy thôi. Hiểu Bạch nhún vai, hai tay thọc vào túi quần chân đá đá những hòn sỏi dưới chân. Có là ai thì cũng là đàn ông thôi.
- Nói bậy!
- Nói bậy à? Hiểu Bạch nhướng mày - Ông ấy không phải đàn ông? Vậy là đàn bà chắc?
- Mầy cứ nói xàm. Hiểu Đan giậm chân nói - Tao muốn nói là anh ấy không phải là bạn trai của tao.
Nói xong Hiểu Đan nhìn Hiểu Bạch ngạc nhiên:
- Tại sao mày lại không ở nhà, ra ngõ hẻm này làm gì thế?
- Hừ! - Hiểu Bạch nhún vai - Ở nhà à? chị về mà xem, cái ông bác họ Vương kia với bà vợ bằng thạch cao của ông ấy cứ ngồi miết không chịu về. Nói gì không biết mà cứ nói mãi thế. Cứ tình hình này có lẽ ngồi nói thêm ba tiếng đồng hồ nữa chưa hết chuyện... nhưng mà... mẹ đã mở cái vách ngăn giữa phòng chị và cha mẹ ra, để làm một phòng khách rộng đón khách quý. Bao nhiêu đồ đạc, giường chiếu, tủ sách đều bị đẩy vào phòng em, phòng em trở thành cái kho chứa, không còn một chỗ trống. Vì vậy chị nghĩ xem. Còn chỗ đâu để em ở lại cái nhà chứ?
- Bác Vương là người thế nào vậy?
Hiểu Đan hỏi vì ban chiều đi đến dự sinh nhật của Mỹ sớm, Đan đã không gặp được vợ chồng bác Vương. Bạch đáp:
- Thì chị cứ về nhà sẽ biết ngaỵ Người cũng hoạt bát nói năng hấp dẫn. Nhưng uống rượu lại không thua uống nước. Em nghĩ bình rượu nhà của ta chắc đã bị Ông ấy một mình nốc cạn rồi. Rượu nhiều ông ấy nói càng dữ. Riêng cái bà vợ của ông ta thì hoàn toàn trái ngược. Hỏi một tiếng trả lời một tiếng... có điều rất trẻ và đẹp.
Hiểu Đan đã bước đến cổng nhà... Cửa mở hé, nàng bước vào sân, rồi đến bậc thềm. Chưa vào nhà đã nghe giọng nói oang oang của người đàn ông. Hình như đang cao hứng đề cập đến một chuyện gì khá sôi nổi.
Sự xuất hiện của Hiểu Đan làm giọng nói ngưng bặt. Hiểu Đan nhìn quanh, hôm nay nhà bài trí đẹp quá. Hai chiếc phòng được mở thông làm cho ngôi nhà có vẻ rộng rãi lắm. Bàn trà được phủ bởi chiếc khăn thâm mà Đan đã làm trong giờ thủ công ở trường. Bên trên còn được bài trí bởi một bình hoa hồng đỏ thắm. Khung kính ở cửa sổ được lau sạch, sáng sủa khiến cho chiếc màn cửa bạc màu cũng không đến đỗi nào. Rồi Hiểu Đan nhìn khách. Đó là một người đàn ông trung niên và một thiếu phụ trẻ. Người đàn ông chỉnh tề trong bộ âu phục màu sữa, chiếc Cravate to bản màu đỏ. Thân hình phát tướng một chút với đôi mắt sáng dễ gây thiện cảm với người chung quanh. Có điều hoàn toàn ngoài sự tưởng tượng ban đầu của Đan. Trước kia Đan cứ nghĩ là người làm nghệ thuật phải là một người gầy gầy, có mái tóc rối, có hàm râu lởm chởm. Đằng này hoàn toàn trái ngược người đàn ông ngồi trước mặt nàng là một người tóc tai ngăn nắp, mày râu nhẵn nhụi. Riêng về bà vợ của ông ta, đúng như điều Hiểu Bạch đã nhận xét. Một người đẹp như pho tượng điêu khắc, mắt to, mũi cao... nhưng cái đẹp lại lạnh lùng chứ không lôi cuốn.
- Hiểu Đan lại đây, chào bác trai và bác gái đi con.
Bà Phương Trúc vừa thấy con bước vào đã lên tiếng gọi.
Hiểu Đan bước vào phòng, chiếc áo màu trắng bạc ôm sát thân hình bé nhỏ của cô gái nổi bật giữa phòng với giọng nói thỏ thẻ chào:
- Thưa hai bác ạ!
ông Vương Hiếu Thành như hoàn toàn ngạc nhiên. Ông ngẩn ra tròn mắt nhìn Hiểu Đan thật lâu mới “à” một tiếng rồi nói:
- Đây là Hiểu Đan đấy à? Còn nhớ khi chúng ta chia tay cô bé mới ba tuổi, còn Hiểu Bạch thì còn bế trên taỵ Nhanh thật! Mới đây mà nó đã biến thành một cô gái trưởng thành.
Rồi ông ta quay lại nhìn bà Phương Trúc cười nói:
- Cô còn nhớ chuyện cũ không? Bấy giờ bọn này ngồi ở quán nước thi ăn xem lại là người ăn được nhiều tô mì nhất. Tôi nè, Minh Viễn nè, cả tay họ La nữa. Chúng tôi đã ăn một hơi hơn 20 tô mì, ăn nhiều đến độ cô phải la lên “Trời ơi làm gì khó vậy? Ăn kiểu này chỉ có nước bội thực chết thôi” Ồ nhanh thật. Lúc đó cô cũng đâu có lớn hơn Hiểu Đan bây giờ bao nhiêu? Cao lắm là 23 tuổi. Có lúc nào cũng thích mặc robe màu trắng, tôi còn nhớ lúc đó mọi người đều gọi là “con bướm trắng” nữa mà.
- à.
Bà Phương Trúc à một tiếng, rồi nở nụ cười gượng gạo trong khi Hiểu Đan bước tới ngồi tựa người bên tay ghế của mẹ. Ông Vương Hiếu Thành vẫn chăm chú hướng về phía hai mẹ con Đan. Hình như ông đang tìm một sự tương hội nào đấy. Ông tiếp tục nói một cách vui ve?
- Bây giờ ở đây lại có thêm một cánh bướm trắng nhỏ. Đẹp lắm! Đẹp giống như thuở cô còn trẻ ấy. Có đều đôi mắt của nó, sao mà lại.
ông Thành đột ngột dừng lại, rồi tiếp tục nhìn bà Phương Trúc. Hiểu Đan cảm thấy cái nhìn của ông bác nó kỳ kỳ làm sao. Mẹ quay mặt nhìn nơi khác. Mắt Đan chạm phải chiếc lọ hoa hồng trên bàn trà. Căn phòng rơi vào khoảng trống yên lặng. Có một cái gì nặng nề căng thẳng. Bất giác Đan lại quay sang nhìn chạ Cha có vẻ lạnh lùng đang nhìn nàng với ánh mắt xa lạ.
- Ồ! ông Vương Hiếu Thành lại lên tiếng hình như ông muốn khuấy động không khí một chút. Thấy bọn trẻ mau lớn mà vui vui trong lòng! Nhanh Thật!
Tiếp đó ông quay sang ông Minh Viễn, thay đổi đề tài:
- Cậu Minh Viễn này, tôi cảm thấy là... cậu không nên bỏ ngành hội hoa. Nếu tôi nhớ không lầm, lúc chúng ta còn trẻ, trong đám bạn bè cậu là người nổi nhất. Các thầy trong trường mỹ thuật đều đặt cả hy vọng vào cậu. Vậy mà cậu lại bỏ nghề. Cậu lại theo cái nghề công chức. Cái nghề mà thuở xưa cậu bài bác nhất.
ông Minh Viên tựa người ra sau ghế, ông như mơ màng với nụ cười buồn.
- Có bôi bác thì cũng đã làm hơn mười ba, mười bốn năm rồi. Cậu nghĩ coi. Lúc mình đến cái xứ Đài Loan này, mọi thứ đều xa lạ, lại đùm đề vợ con. Kiếm được miếng ăn no đủ đã là một chuyện khó khăn còn dám đòi hỏi gì hơn? Nhảy vào cái nghề bàn giấy này, công việc cứ đều đặn tới tay, thời gian trôi qua lúc nào không biết. Chí khí lý tưởng cứ là mòn dần. Cậu có biết là nội cái chuyện than củi, gạo thóc, rồi tiền học cho con cái... cái gì cũng tiền với tiền cả. Thử hỏi vậy đó rồi có dám bỏ ngang cái công việc đang vững chắc để phiêu lưu sang chuyện vẽ không chứ? Thế là ngày tháng cứ trôi quạ Tuổi tác ngày càng lớn, ngòi bút bị lụt, bị rỉ sét, bây giờ làm sao dám nói đến chuyện nghệ thuật, vì vậy mình nghĩ chỉ có cậu là hay nhất... cậu tính toán rất giỏi. Lập nghiệp trước rồi thành gia sau. Nhờ vậy mà cậu có đủ thứ: công danh, sự nghiệp...
- Thôi mà nói chi chuyện đó. Ông Vương Hiếu Thành cắt ngang lời ông Minh Viễn - Anh nói chuyện công danh sự nghiệp mà tôi thấy xấu hổ. Bây giờ anh biết không? Hoạt động nghệ thuật ở nước ta như một hũ mắm. Có nhiều người mới hoạch họe vẽ mấy năm là nhảy ra mở phòng triển lãm tranh. Chuyện đó bây giờ dễ lắm. Chỉ cần quen biết nhiều, giao thiệp giỏi, có người nâng đỡ là sẽ được mang danh họa sĩ ngay có nhiều người còn chơi trội hơn, lấy tranh của thầy dạy ra triển lãm lại đề tên mình. Chỉ cần dúi cho thầy một ít bạc là xong. Anh thấy đấy, như vậy có còn gọi nghệ thuật nữa không? Nhiều lúc bực mình cũng muốn đổi nghề... Anh có nhớ là lúc xưa có một thời mình đã ao ước trở thành nhà buôn.
- Mấy ông thì bao giờ chẳng vậy. Đứng núi này trông núi nọ. Bà Phương Trúc vừa cười vừa nói. Bà cảm thấy cái không khí trong phòng sao căng thẳng quá - Như anh đấy, anh Thành, anh đã tiếng tăm lừng lẫy, học trò đông đảo, công danh sự nghiệp tiền của đều đầy đủ, vậy mà không biết còn than vãn nỗi gì?
- Chị không nhắc đến lũ học trò thì thôi, nhắc đến chỉ tổ tức thêm. Vương Hiếu Thành vừa cười vừa nói: Chị biết không, tôi có một thằng học trò, trước khi ra nước ngoài nó tìm đến học vẽ với tôi. Chỉ học có mấy ngày là nghỉ. Vẽ thì nguệch ngoạc không ra gì cả. Mỗi tấm nó bán được năm trăm mỹ kim gấp mấy lần giá bán tranh của mình. Chị thử tưởng tượng xem. Như vậy có phải là làm nhục mình không? Vậy mà không hiểu sao có người lại còn ca ngợi hắn.
ông Minh Viễn nói:
- Người nước ngoài làm sao hiểu được nghệ thuật Trung Quốc chứ?
- Chưa hẳn là như vậy. Vương Hiếu Thành nói. Tôi có một học sinh người nước ngoài, hắn vẽ đẹp lại tinh thông cả lịch sử và thi ca của Trung Quốc. Hắn có trình độ am hiểu về Trung Quốc hơn cả một số thanh niên của tạ Những con người như vậy thật đáng để ta nể trọng.
Rồi ông Hiếu Thành đột nhiên ngưng lại, đắn đo một chút nói:
- Minh Viễn, mình có ý kiến thế này. Hay là cậu cầm bút vẽ thử lại xem?
ông Minh Viễn có vẻ do dự:
- Cái đó...
- Nói cậu biết điều này nhé. Ông Vương Hiếu Thành ngồi ngay ngắn lại nói - Bây giờ trong tình trạng thị trường hội họa hỗn loạn, ai cùng có thể mở phòng triển lãm tranh thì những người có căn bản hội họa chính quy như cậu, tại sao không ra mặt? Cứ vùi đầu bên mớ công văn cạo giấy. Với trình độ của cậu, tôi thấy phải làm một cái gì đó thôi. Cậu cũng phải mở phòng triển lãm tranh. Hãy thử đi. Cậu gắng vẽ chừng sáu bảy mươi tranh thủy mạc... Riêng về vấn đề giao tiếp, giấp phép vòng ngoài, tôi sẽ giúp cậu, tôi bao sân hết. Chỉ cần cuộc triển lãm thành công là cậu sẽ nổi, sẽ có tiền... Tranh thủy mạc bây giờ có tính cách thời thượng ăn khách lắm cậu biết không?
- Nhưng mà... Ông Minh Viễn nhìn Hiếu Thành với ánh mắt chưa tin tưởng lắm, nhưng đã có vẻ thích thú - Nhưng mà... đã lâu lắm rồi, tôi không có cầm cọ vẽ.
- Cái đó có gì đáng quan tâm. Cậu là người có khiếu, có căn bản, luyện lại mấy hồi. Bây giờ có rảnh thỉnh thoảng cậu ghé qua mấy phòng triển lãm tranh xem. Chắc chắn là cậu sẽ phục hồi lại căn bản... Minh Viễn, cậu thử đi nhé. chỉ cần mấy chục bức tranh đã đủ mở triển lãm, tôi sẽ giúp cậu và bảo đảm là cậu sẽ thành công.
- Chỉ ngại là đã bỏ qua lâu quá. Ông Minh Viễn nói một cách hồ hởi, nhưng vẫn còn e dè - Vả lại lâu quá không vẽ rồi, sợ không có hứng...
- Cảm hứng à? Vương Hiếu Thành nói to - Cái đó từ từ rồi có thôi. Ông Minh Viễn yên lặng suy nghĩ, đề xướng của ông Hiếu Thành như một kích động ông có vẻ thích thú, trong khi bà Phương Trúc lặng yên nhìn hai người.
ông Hiếu Thành nhìn vào đồng hồ rồi chợt nhảy nhỏm lên:
- Ồ, mới đây mà đã 11 giờ hơn. Không ngờ lại nói chuyện dai thế. Thôi xin phép. Bây giờ xin kiếu từ, bữa khác mình sẽ nói chuyện nhiều hơn. Nhưng mà tôi nghĩ Minh Viễn ạ, cậu nên suy nghĩ kỹ đề nghị của tôi nhé.
Người đẹp bằng thạch cao cũng đứng dậy. Hai vợ chồng Minh Viễn đưa khách ra tận cửa. Vợ chồng của Hiếu Thành cũng nhiệt tình mời ba mẹ của Hiểu Đan đến nhà chơi. Khi mọi người đến bậc thềm thì cũng vừa kịp lúc trông thấy Hiểu Bạch đứng bật dậy. Quyển sách nhỏ cuốn tròn vội vã nhét vào bụng. Nhưng cũng vừa đủ để bà Phương Trúc nhìn thấy cái tựa kiếm hiệp “Kiếm khí Châu Quang”. Bà trừng mắt với Bạch nhưng chỉ nói:
- Ra ngoài gọi cho mẹ chiếc xích lô xem?
- Thôi khỏi, thôi khỏi. Ông Vương Hiếu Thành ngăn lại - Chúng tôi đi bộ ra đầu hẻm thì cũng được.
Nhưng ông Minh Viễn đã không chịu.
- Không được, Hiểu Bạch, con phải đi gọi.
Hiểu Bạch chạy tuốt. Ông Minh Viễn ngẫm nghĩ rồi quay trở vào nhà lấy tiền. Ông Hiếu Thành lợi dụng ngay cơ hội đó nói nhanh với bà Phương Trúc:
- Chị Phương Trúc, chị thật tình cho tôi biết nhé hiện đời sống của các người ra sao?
Bà Phương Trúc nở nụ cười gượng:
- Cũng đắp đổi qua ngày, cái tính của anh Minh Viễn thì anh biết rồi. Sống lý tưởng, không thích ganh đua với ai cả, thành thử đi làm đã trên mười mấy năm mà vẫn là một chức việc nhỏ thôi.
Hiếu Thành gật gù, nhìn Phương Trúc định nói điều gì nhưng lại thôi. Bà Phương Trúc thắc mắc:
- Anh định nói gì?
Hiếu Thành ngập ngừng:
- Chị có biết là...
- Biết cái gì?
- Cái người đó... Bây giờ cũng đang ở Đài Loan này.
Lời của ông Vương Hiếu Thành chỉ mới nói được một nửa thì ông Minh Viễn đã bước ra. Bà Phương Trúc lạ lùng nhìn Hiếu Thành. Cái người đó... bây giờ cũng đang ở Đài Loan. Ai vậy? Tại sao thái độ của Hiếu Thành lại có vẻ bí mật. Không lẽ... trái tim của bà chợt đập mạnh... Không lẽ là... Bà Phương Trúc chợt ngẩn ra như bị hóa đá.
Xe đã theo Bạch vào hẻm. Bà Phương Trúc chợt tỉnh, cùng chồng đưa vợ chồng Hiếu Thành lên xe. Chiếc xe đạp thật xa rồi, họ mới quay trở vào nhà.
Vào đến nhà, một lô việc phải làm. Mang bàn ghế giường tủ ra, ngăn vách trở lại. Chiếc vách ngăn đôi phòng chỉ bằng giấy bồi thôi nên cũng khá nhẹ nhàng. Ngoài ra còn phải dọn dẹp, quét dọn. Bà Phương Trúc bận rộn hẳn, phải động viên cả hai đứa con cùng phụ việc. Cái bận rộn giúp cho bà quên được nhiều thứ, nhất là sự suy nghĩ. Nhưng không hiểu sao câu nói cuối cùng của Hiếu Thành như cứ lảng vảng trong đầu. Sắp xếp mền gối trên giường mà lòng bà lại ngập đầy bối rối. Không thể như vậy được Nhưng mà... Tại sao cứ mãi nghĩ đến chuyện đó chứ? Tất cả đâu đã vào vị trí cũ. Bà vội bảo hai con đi ngủ. Hiểu Đan nhìn mẹ, trực giác cho nó thấy mẹ nó có vẻ bất an. Nó định nói chuyện với mẹ, định kể cho mẹ nghe những chuyện ở dạ vũ ban nãy và sự bất ngờ nó đã gặp, nhưng vừa mới mở miệng gọi:
- Mẹ Ơi!
Thì bà Phương Trúc đã khoát tay:
- Khuya rồi đi ngủ đi nào, có gì ngày mai kể cho mẹ nghe sau cũng được
Thế là... Hiểu Đan dùng dằng quay vào phòng riêng. Nó hơi ngạc nhiên. Mẹ hôm nay sao có vẻ khắc hẳn mọi ngày... nhưng mà... bản thân nó cũng có nhiều thứ cần suy nghĩ, nên thôi và Hiểu Đan về phòng.
Bà Phương Trúc nhìn theo, rồi thở ra. Bà ngồi xuống cạnh bàn trang điểm, nhìn mình qua gương mà thẫn thờ.
“Người ấy bây giờ cũng ở Đài Loan” có đúng là... bà bà đưa lược lên gỡ lấy mái tóc. Không lẽ quả đất này lại chật hẹp thế? Không, chắc là không phải đâu. Vương Hiếu Thành còn chưa cho biết rõ là ai cơ mà? Chắc không phải. Bà lắc đầu, như cố xua đi một cái bóng nào đó trong đầu.
ông Minh Viễn bước tới đứng sau lưng bà, bàn tay của ông đặt lên vai vợ làm bà rùng mình. Cây lược rơi hẳn xuống đất. Ông Minh Viễn cúi đầu nhặt lên, nhìn vào mắt vợ bỗng hỏi:
- Em đang nghĩ gì đấy?
- Dạ không... không có gì cả anh ạ.
Bà Phương Trúc lắp bắp nói. Bà cảm thấy hình như chồng đã hiểu được sự rối rắm của mình. Biết đâu anh ấy đã chẳng nghe được lời cuối của Hiếu Thành. Bà nghĩ và mặt tái hẳn. Trong khi ông Minh Viễn đứng ở phía sau, lược vẫn còn cầm ở trên tay mà bà bất động. Qua kính, bà thấy chồng tư lự. Một cảm giác bất an len lỏi trong lòng. Cả hai cứ thế yên lặng, bà Phương Trúc hiểu rõ tính chồng. Ông ấy là con người tỉ mỉ, hay để ý nhưng ít nói. Chỉ một chi tiết nhỏ nhặt giả sử như chuyện chiếc áo... cũng làm cho ông ấy không hài lòng. Nói chi là chuyện...
- Phương Trúc này!
ông Minh Viễn lên tiếng làm bà giật mình. Ông trừng mắt hỏi:
- Bà thế nào vậy?
- Da... không có... không có gì cả... anh muốn nói gì cứ nói đi.
Bà cảnh giác đáp, ông Minh Viễn hỏi:
- ý của Hiếu Thành đấy, em nghĩ thế nào?
ý của Hiếu Thành? ý nào? Bà Phương Trúc bối rối. Anh ấy đã nghe được câu nói cuối cùng ư? Và chắc chắn là đã đoán ra. Bà Phương Trúc lúng túng nhìn chồng qua gương. Khuôn mặt nghiêm khác khi như có một chút gì không hài lòng. Lúc nào cũng vậy, ông Minh Viễn là như vậy đó. có gì không chịu nói thẳng ra, cứ quanh co thăm dò. Thế nào chứ? Chợt nhiên bà Trúc thấy bất mãn, bà lạnh nhạt nói
- Em chẳng có ý kiến gì cả.
- Sao vậy? ông Minh Viễn có vẻ bất bình. - Em không muốn anh cầm cọ vẽ trở lại à?
- Ờ không. Bà Phương Trúc chợt hiểu ra. Thì ra là chồng định đề cập đến chuyện vẽ trở lại. Bà hối hận và nhìn chồng với nụ cười xin lỗi. Rồi nói, một cách hết sức âu yếm. – Dĩ nhiên là em hoàn toàn tán đồng. Anh Thành nói đúng đấy anh, dù gì anh cũng đừng để tài nghệ của mình bị mai một.
ông Minh Viễn nhìn vợ. Ông cảm thấy thật lạ lùng không hiểu sao vợ có vẻ thay đổi nhanh chóng thế?
- Tối nay anh thấy em có vẻ thế nào đấy?
- Đâu có gì? Bà Phương Trúc cười thật tươi. Chẳng qua hơi mệt... với lại lâu quá rồi mới gặp lại bạn bè. cũ nên hơi hưng phấn một chút...
Điều đó cũng đúng thôi. Ông Minh Viễn thừa nhận. Ông cầm lược lên, vô thức chải nhẹ lên tóc vợ. Cái cử chỉ của ông làm bà Phương Trúc cảm đông. Bà chợt đưa tay lên nắm lấy tay chồng và tựa đầu mình vào sát mặt chồng. Chợt nhiên bà cảm thấy mình vô cùng yếu đuối, cần một sự che chở, thương yêu. Bà nói:
- Anh Minh Viễn này, từ đây về sau anh muốn làm gì cứ làm, anh có thể bỏ cả nghề công chức này để vẽ tranh nếu anh thích, em không ngăn anh đâu. Mẹ con em đã làm khổ anh nhiều quá rồi.
ông Minh Viễn như ngẩn ra, ông cúi xuống nhìn vợ cảm động:
- Em... em hôm nay làm sao thế? Tại sao em lại nói vậy... có bao giờ anh phiền trách là em đã làm khổ anh bao giờ đâu?
- Nhưng đó là sự thật... em đã làm khổ anh. Nếu lúc đó chúng mình đừng sớm lấy nhau thì...
- Nhưng mà chuyện đó,... là do anh yêu cầu cơ mà? Anh đã cầu hôn. Ông Minh Viễn cắt ngang... - Chính anh đã muốn chúng ta lấy nhau. Sao em lại nói vậy?
- Vì em cảm thấy em có lỗi. Nếu bấy giờ anh không bận bịu chuyện vợ con, có lẽ anh đã nổi danh hơn Vương Hiếu Thành. Không phải sao? Anh vẽ giỏi, vẽ đẹp hơn hắn. Tiếc là... anh đã bỏ hết mọi thứ, bằng không anh đã thành công, anh đã...
- Phương Trúc này? ông Minh Viễn vuốt nhẹ mái tóc vợ - Hôm nay có lẽ vì vui quá nên em mệt, thôi em đi ngủ đi nhé?
Nhưng bà Phương Trúc vẫn cứ tiếp tục nói, bà như thật sự bị bứt rứt.
- Em cứ nghĩ mãi... Nhiều lúc em cảm thấy như anh có vẻ hối hận vì đã lấy em...
- Phương Trúc, em hôm nay làm sao vậy?
Bà Phương Trúc chợt ngưng lại, nhìn vào kiếng. Rõ ràng bà có vẻ quá xúc động, đưa tay lên vuốt nhẹ má. Bà gượng cười nói:
- Vâng, có lẽ hôm nay em mệt quá!
Cùng lúc đó, Hiểu Đan ngồi đơn độc trong phòng riêng. Đối diện với chiếc đèn bàn, tay tì cằm suy nghĩ. Phòng của cha mẹ cách phòng nàng chỉ có một vách ngăn bằng giấy bồi. Chuyện bên kia bên nầy nghe rõ mồn một. Nhưng mà Đan không để ý bởi vì đầu óc nàng đang ứ đầy bao nhiêu suy nghĩ. Chiếc robe trắng vẫn còn trên người. Đan chưa cởi ra, nàng lười biếng đến độ không buồn cởi. Buổi dạ vũ vừa qua, chợt nhiên khiến Đan có cảm giác như mình đã là người lớn. Nhất là khi Đan đã khiêu vũ. Đan cứ đứng trong vòng tay của người đàn ông. Nghĩ đến chuyện đó, đột nhiên Đan cảm thấy đỏ mặt. Nhưng mà kỳ thật. Bây giờ nghĩ lại Đan chợt có cảm giác như Ngụy Như Phong kia là hư ảo... là không có thật... Đan không nhớ rõ cái dáng dấp của anh ta thế nào, anh ta ăn mặc ra sao. Chỉ nhớ có đôi mắt. Cái đôi mắt có vẻ như chăm sóc, như lo lắng. Như Phong giống như một bức tranh trừu trượng chứ không hiện thực
Và Đan ngồi như vậy không biết bao lâu, mãi đến lúc đèn bên phòng cha mẹ tắt ngấm, nàng mới ngồi thẳng lưng lại, lấy bút và nhật ký ra. Nhưng đối mặt với tờ giấy trắng. Đan lại không biết nên viết gì đây. Hôm nay quả là một hôm đầy bận rộn, lạ lùng. Tình cảm căng cứng đầy ắp. Thật lâu Đan mới viết được một câu:
“Tôi đã có được một buổi tối kỳ diệu, tôi đã găp phải một anh con trai quá đỗi lạ lùng... ”
Chợt nhiên Đan đỏ mặt, nàng bôi đi hai chữ “lạ lùng” và thay vao đấy là hai chữ “tình cờ” nhưng rồi không biết nghĩ sao, Đan lại xóa hẳn câu sau, rồi viết tiếp:
“Mong là tối nay tôi sẽ không nằm mơ, ngủ được một giấc đến sáng không mộng mị. Để sáng mai thức dậy, sách vở sẽ làm cho mọi chuyện đêm nay xóa nhoà”
Viết xong Đan thấy mình hôm nay làm sao vậy? Hành văn lủng củng không đầu không đuôi. Thế là Đan lại xóa sạch. Nàng không muốn viết gì nữa. Ném quyển nhật ký qua một bên, bắt đầu thay áo đi ngủ. Nhưng ngay lúc đó lại nghe bên phòng của Hiểu Bạch có tiếng động lạ. Đan vội mở hé cửa. Phòng của Bạch vẫn còn mở đèn. Bạch thì đang nằm sấp trên giường, tay chân quậy cựa như bị mắc phong. Đan giật mình kêu lên, tiếng kêu của Đan làm Bạch giật mình ngồi nhỏm giậy. Anh chàng đưa một ngón tay lên miệng ra dấu:
- Suỵt!
- Mày làm gì thế?
Hiểu Đan hỏi, Bạch đáp khẽ:
- Em đang luyện công.
- Công gì?
- Cáp ma công.
Hiểu Đan không hiểu:
- Luyện để làm gì?
- Cáp ma công ư? Hiểu Bạch cười nói - Em cũng không biết, chỉ muốn luyện thứ võ công mà sách kiếm hiệp đề cập đến đấy mà...
- Cáp ma công? Luyện công kiểu ếch nhái? Hiểu Đan nghiêng nghiêng đầu - Thế có môn võ công nào luyện theo kiểu lươn lạch không?
- Chị này kỳ. Hiểu Bạch nói, nhưng đột nhiên nó nhớ ra tiếp - Kiểu lươn lạch thì không có nhưng có kiểu thằn lằn, chị biết món bích hổ công không?
- Nói như em chắc còn nhiều loại công khác như ốc bươu công...
Hiểu Đan vừa cười vừa lắc đầu nói, rồi lặng lẽ rút lui về phòng riêng. Tắt đèn, leo lên giường. Đan vẫn mở mắt nhìn về phía cửa sổ. Ở đấy chỉ có bóng tối. Một đêm tuyệt vời! Hình ảnh buổi dạ vũ ở nhà Nguyện Đức Mỹ, gã thanh niên đã dạy Đan khiêu vũ. Đám khách khứa ồn ào. Tất cả quay cuồng... rồi đến món Cáp ma công của Hiểu Bạch. Hiểu Đan chợt thấy buồn cười và giấc ngủ đến với nàng lúc nào không hay.