Dịch giả: Ngọc Linh & Vĩnh Điền
Chương 9

"Nghỉ ngơi, tuyệt đối tránh nghĩ ngợi". Lúc rời bịnh viện nàng vẫn còn nghe mấy tiếng đó và cảm thấy người nàng quá ư mệt mỏi, không sao cố gượng được nữa.
Và nàng bắt đầu nghĩ đến sự "tuyệt đối nghỉ ngơi".
Nghĩ đến việc giã từ thế gian, lòng nàng rất bình tĩnh, rất thản nhiên. Chẳng những nàng không thấy có gì đáng sợ mà còn nhận thấy chết là một phương pháp giản dị để thoát khổ đau.
Chưa bao giờ nàng cảm thấy mình sống thừa như bây giờ. Trước đây, nàng thấy mình quan trọng, hoàn toàn dốc hết khả năng của nàng cho Quang Vũ. Bây giờ Quang Vũ không cần đến sự cứu viện của nàng nữa mà đã bước vào một hoàn cảnh mới, tươi đẹp hơn. Lúc nghĩ đến sự cô đơn đau khổ của mình, nàng chợt thấy nàng như một tòa nhà hoang phế, có cố đứng vững thì cũng không chịu nổi một luồng gió mạnh. Hay không cần gió mưa gì cả, tới một lúc nào đó, tự nó cũng sụp xuống nằm im.
Nàng vốn là người chẳng coi việc gì quá lớn. Trong biển người mênh mông, nàng như một con dã tràng, chở từng hạt cát nhỏ li tị.. Không, phải nói là nàng nhờ hạt cát mà sống. Chết rồi nàng sẽ lẫn vào cát bụi, không dấu vết, không hành tung. Thoạt tiên, cũng sẽ có vài người vì nàng mà khóc, vì nàng mà ai điếu. Nhưng một khi người nàng khuất rồi thì chẳng bao lâu, hình ảnh về nàng cũng nhạt nhòe.
Từ phòng bác sĩ ra, nàng không nghĩ nhiều đến chuyện phổi lủng. Tại sao bác sĩ không nhắc nhở nàng về những điều vệ sinh thường thức? Hay là tại nàng không biết hay là chỉ cần hết sức nghỉ ngơi thì nàng vẫn có hy vọng lành bịnh? Không, nàng biết tất cả đó chớ! Nhưng nàng lấy gì để nghỉ ngơi đây? Bằng vào sức lực của nàng à? Nếu không làm việc được, không lãnh lương thì dầu nàng có bán sạch đồ đạc vẫn không đủ tiền trị bịnh. Hay là nàng phải nhờ đến người khác? Người duy nhất nàng có thể nhờ là Vân Trình, song Vân Trình đã nắm tay người con gái khác để đi vào con đường hôn nhân rồi. Cố nhiên, nàng thừa biết Trình si tình nàng, song làm thế là tạo bi thương cho người con gái khác sao?
Tự nhiên người nhứt định cứu viện cho nàng bây giờ là Quang Vũ. Tuy Quang Vũ đã ký gởi tình yêu cho người khác song nàng tin Quang Vũ có thể tận tâm tận lực với nàng. Nhưng Quang Vũ lấy cái gì ra để cứu trợ cho nàng chứ? Để Quang Vũ phải lấy tiền của người đàn bà khác hay lấy tiền trong xưởng chế tạo ra thì nhứt định nàng không thể chấp nhận. Quan trọng hơn hết là nàng vẫn không cho Quang Vũ biết bịnh trạng của nàng. Biết ra, ngoài phương diện Quang Vũ thiệt thòi về tiền bạc, về tinh thần, ắt Quang Vũ sẽ bị xức động đến không chịu nổi. Nhất là khi biết ra bịnh của nàng là do Quang Vũ lây sang. Quang Vũ không thể không tự trách mình, không tự hận mình. Rồi thì trên bước đường tương lai của Quang Vũ chàng sẽ chịu biết bao ám ảnh.
Yêu là cho hết chớ không phải thâu lại. Nàng không đành kéo dài cuộc sống vô vị của mình để làm phiền cho người yêu, làm phiền đến kẻ khác.
Trước khi quyết định con đường tự diệt, nàng có nghĩ qua một việc có thể nàng còn sống thêm một năm hay hai năm nữa. Nhưng rồi nàng nghĩ, kéo dài cuộc sống tàn phế như thế để làm gì? Có vui gì để cố sống đâu? Thời gian sẽ làm cho vi trùng lớn mạnh, phổi lủng lớn hơn, tới một ngày nào đó tan rã thì mạng sống cũng sẽ kết thúc!
Trong thế gian rộng rãi này, con người là một kẻ lữ hành, ngừng tạm ở đâu cũng được, ngừng lâu cũng được. Từ sanh ra cho đến khi chết, con người toàn chịu những vui buồn của kết hợp và chia ly mà sống. Nếu nhìn rộng ra, nhìn sâu hơn, thì chết chỉ là một con đường về.
Con người, lúc mạnh khỏe và "lên hương", nghĩ đến cái chết đầy sợ hãi. Nhưng đối với nàng, nàng không còn gì cả, thì sống không bằng chết đâu.
Nàng nhớ lại, thuở ấu thơ, nàng có nghe nói: "Con người ta, trước lúc chết bình tĩnh lắm, sáng suốt lắm, ánh mắt sáng kỳ lạ, miệng nhoẻn cười, dường như từ giã cõi đời ô trọc này thật là sung sướng..." Bây giờ, nàng thấy lòng mình bình tĩnh, gác qua những phiền não bao ngày, không buồn rầu, không u uất, tức là nàng cũng đang đi gần cái chết. Nàng là người ngoại đạo nên không thể như tín đồ Phật giáo nghĩ đến niết bàn hoặc như con chiên của Ki Tô giáo nghĩ đến thiên đường. Nàng không có một ảo tưởng mỹ lệ nào hết sau khi chết, nhưng nàng không muốn để cho mình trở thành một nấm mồ hoang.
Hương Cảng không phải là cố hương của nàng. Bảy năm trước, nàng theo chị và anh rể đến Quảng Châu, ngày sau của chị thế nào nàng không đoán được. Nhưng nàng muốn hài cốt mình được Quang Vũ đưa về Quảng Châu chôn cất. Lá rụng về cội, khi sống nàng đã không về được Quảng Châu thì lúc chết xin cho nàng được trở về vậy.
Anh Quang Vũ,
Trước giờ vĩnh biệt, em không biết nói gì với anh cho phải đây. Chỉ xin anh đừng trách em đã hành động ngu xuẩn, cũng không cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao em chết. Anh hãy biết cho một điều là em rất bình tĩnh, cũng rất sung sướng.
Riêng thân xác em, em xin giao hết cho người bạn học, cũng là người bạn đường tốt nhứt của em - chị Lý Mang - lo liệu giùm. Nếu vì cái chết của em mà ảnh hưởng đến tuần trăng mật hoặc tâm tình của anh thì đúng là tội trạng của em không sao tha thứ được.
Với anh, em chỉ có một yêu cầu: Lúc nào anh trở lại Quảng Châu xin đừng quên mang em theo về đó. Em muốn được nằm ở chân núi, có suối ấm, sáng chiều có cảnh đẹp để ngắm nhìn. Trên bia em, xin anh khắc cho: "Trầm Bạch Phù, chết ở xứ người để tìm vui với phong sương và tuế nguyệt".
Xin anh bảo trọng lấy thân.
TRẦM BẠCH PHÙ tuyệt bút.
Lúc nàng cầm viết lòng nàng bình tĩnh đến lạ lùng, cơ hồ quên rằng Quang Vũ là người mà nàng quan tâm nhứt trên đời. Nàng chỉ thấy khoảng cách của nàng và Quang Vũ như thuyền và mây, ví dầu nàng sống sót cũng chẳng bao giờ thuyền - mây gặp gỡ. Đã có người quan tâm đến Quang Vũ, lo lắng cho Quang Vũ. Biết được nàng chết Quang Vũ có buồn bã đau khổ thì cũng có người an ủi vỗ về, khuyến khích cho. Nàng còn lo gì nữa chớ? Nàng còn luyến tiếc gì nữa chớ?
Chẳng những đã bình tĩnh viết thơ cho Quang Vũ, nàng còn bình tĩnh tính chuyện hậu sự của nàng. Tất cả đều được xếp đặt chu đáo. Ngay cả việc đem đốt các thư cũ, nàng cũng đợi đêm vắng vẻ, khẽ lén xuống nhà bếp đốt từng cái một.
Trước khi đốt, mỗi bức thừ đều được nàng đọc lướt lại và mỗi bức thư đều khởi dậy trong lòng nàng ít nhiều kỷ niệm. Ngày xưa, các thư ấy đã đem lại cho nàng đủ mùi vị ngọt ngào lẫn chua chát, còn giờ nàng chỉ tìm thấy ở đó sự thản nhiên, coi như các món nợ cũ đã thanh toán hết rồi. Người cũ, việc qua, đối với nàng không còn liên quan gì nữa. Dĩ nhiên, nàng không bày tỏ buồn vui gì nữa.
Nàng đã mất gần hai tiếng đồng hồ để làm công việc này. Trong thời gian đó, Phát có giựt mình thức giấc, thấy dưới bếp có lửa nên hoảng hồn chạy tới hỏi:
- Cô Bạch Phù, cô làm gì vậy?
Nàng không ngờ là Phát, nên vừa ngẩng lên với da mặt đã bị lửa táp nói bừng, nàng liền cúi xuống, đẹp cái đẹp lấp, não nùng. Sau đó nàng mới nhìn Phát mỉm cười thản nhiên:
- Muốn nấu chút đỉnh đồ ăn mà tôi phải đốt một đống giấy, trong nhà bếp không thấy có gì hết.
Phát "ạ" một tiếng không hỏi thêm mà lại nói:
- Khuya lắm rồi đó cô, ngày mai có lễ, cô nên đi nghỉ sớm đi.
- Dạ. Anh ngủ, tôi sẽ đi ngủ bây giờ. Trời lạnh lắm hả anh?
Phát cảm động bỏ đi.
Đốt hết thư xong, tinh thần nàng tỉnh táo lại, nàng bắt đầu sắp xếp đồ đạc. Nhưng biết sắp xếp làm sao đây khi nàng dã có di ngôn giải thoát nó.
Ngoài việc để thơ cho Quang Vũ, nàng còn viết thơ cho Lý Mang. Nàng cũng có ý muốn viết cho Trình mấy câu, nhưng nghĩ lại thấy không cần thiết.
Trọn đêm làm việc, không hiểu do đâu mà tinh thần nàng vượng lại rất nhiều giống như người chuẩn bị du lịch xa, có nằm xuống giường cũng nao nao không ngủ được. Nàng cứ bận rộn suốt đêm. Đến khi đâu đó xong xuôi thì trời cũng vừa sáng tỏ.
Vào bữa ăn sáng, trước các bạn đồng sở, nàng chẳng tỏ một vẻ gì khác lạ. Đến Lôi Nhử Ngung nhìn rót vào nàng, khen nàng đẹp, nàng chỉ đáp lại bằng sự thản nhiên cười. Bất luận thế nào, lòng nàng cũng rất cởi mở, thản nhiên, bởi vì sau đó, chuyện đẹp hay xấu cũng không thành vấn đề đối với nàng nữa.
Nàng đi vào sở trước, định bụng nhân lúc trong sở vắng người, gọi điện thoại hỏi giá tiền bạc về việc chôn cất để chuẩn bị. Với bản tính của nàng, lúc sống cũng như lúc chết, nàng đều lấy làm xấu hổ phải nhờ cậy người khác. Việc của nàng phải do chính nàng giải quyết mà thôi.
Lợi dụng lúc nghỉ trưa, nàng ra phố một lần. Trước tiên, nàng ghé vào một vài nhà thuốc, sau đó mới vào tiệm kim hoàn, đem bán chiếc vòng lấy tiền. Lúc mân mê chiếc vòng lần sau cùng, lòng nàng không tránh khỏi rười rượi buồn. Nàng không còn nhớ chiếc vòng đã tạo sự không vui giữa Trình và nàng ở quán cà phê và Trình đã cho chiếc vòng là vật giết người. Lúc ấy, nàng chỉ thấy chiếc vòng gây bất lợi, chớ không ngờ ngày nay quả đúng như lời Trình nói.
Cởi vòng ra bán đi, nàng thâu được một số tiền thừa dùng vào việc tang chế. Nàng bỗng nẩy ý kiến muốn chưng diện hơn, dùng số tiền dư may ít bộ đồ mới. Nàng chưa bao giờ xài sang như vậy, lựa vải đẹp, chịu trả tiền cao để được may cắt liền cho xong một chiếc áo màu đỏ. Nàng còn sắm thêm một đôi giày cao gót. Mấy vật này chẳng những đã đủ cho lễ an táng mà còn dùng được trong hôm đám cưới của Quang Vũ và Ngọc Hoa.
Trước giờ vào tiệc, Quang Vũ có gọi điện thoại đến giục nàng:
- Em gái, nhanh lên chứ! Anh chị đang chờ em đây!
Giọng Quang Vũ thật đầy vui tươi. Giây phút đó, nàng nghe như bị đẩy lui về mười mấy năm trước, lúc Quang Vũ thành hôn với Hồng Liên, nàng đứng núp ở trong phòng, có phần mắc cở. Mãi đến khi Quang Vũ gọi, nàng mới dám chạy ra, nhưng lúc Quang Vũ nắm tay nàng thì nàng vùng thoát...
Bây giờ chuyện ngày xưa tái diễn: Quang Vũ lại cử hành hôn lễ. Quang Vũ đã có một quan niệm khác, nhưng tâm tình chú rể thì chắc chẳng khác nhau xa. Phần nàng, lòng đã thành hai tấm lòng riêng! Tiếc là nàng không có cách nào tránh dự cuộc tiệc này nên bất đắc dĩ phải nói:
- Chưa tới bảy giờ mà. Còn sớm chán, bộ khách tới đủ rồi hả?
- Chưa. Nhưng sao em lại phải đợi tới một lượt với khách? Em tới sớm hơn một chút hổng được sao? Hôm nay chính em cũng là một nửa chủ nhân đấy!
Một nửa chủ nhân... Tại sao không để nàng làm chủ trọn vẹn? Nếu như ra mặt mời khách là Quang Vũ và nàng thì lúc nhận lời chúc tụng, có chi là chẳng giống nhau đâu!
Nàng thở dài, việc đến nỗi này mà nàng còn mang ảo tưởng vĩnh viễn không thực hiện được sao? Ảo tưởng ấy có mang tiếng gì đâu? Từ khi biết rõ mình bịnh thì ý nghĩ của nàng hoàn toàn thay đổi. Nàng cho việc Quang Vũ chọn Ngọc Hoa là hoàn toàn phải, hoàn toàn đúng. Nếu Quang Vũ chọn nàng thì lúc phát giác ra bịnh trạng của nàng, cuộc diện sẽ thay đổi đến mức nào?
- Ợ.. Ợ.. Bạch Phù em, sao em không nói gì hết vậy? Em làm anh ngỡ là em đã gác điện thoại rồi.
Nói gì bây giờ? Do Quang Vũ bắt buộc nàng mới cố nói:
- Em đang nghĩ xem mình phải tặng cho anh chị cái gì đây?
- Trời ơi! Mình là người nhà cả, em làm vậy làm chi? Hình như anh em mình mỗi ngày một xa rồi hả em? Thôi được, gặp em sẽ nói nhiều hơn. Em lại nhanh nhé!
Nàng biết mình còn nhiều việc. "Dạ" rồi gác máy điện thoại.
Sau khi nói chuyện với Quang Vũ, nàng ngồi lại điểm trang cẩn thận chỉ còn thay đồ là nàng có thể ra cửa. Lúc nàng xuống lầu, Phát đang thu dọn chén bát đã mở to mắt nhìn và nói với nàng:
- Cô đi à? Hôm nay cô đẹp quá!
Nàng mỉm cười đáp lại lời khen chân thật của Phát. Đúng là nàng cố công trang điểm cũng không uổng. Áo dài mới, giày mới cũng giúp thêm cho sự thướt tha mềm mại và rực rỡ của nàng.
Với cách phục sức của nàng xuất hiện ở chỗ đông người, tự nhiên rất được chú ý. Bước vào tửu lầu Đại Hồng, nàng bước chậm lại, tay nắm xách tay, tỏ ra nhàn hạ, tự nhiên đến Quang Vũ cũng ngạc nhiên.
Thoạt thấy nàng, Quang Vũ sững sờ, có sự lầm lẫn người bước vào là Hồng Liên chớ không còn là Bạch Phù. Ngày xưa Quang Vũ thành hôn không thấy ở Hồng Liên và Bạch Phù có chỗ nào giống nhau, nhưng bây giờ trông thấy cả hai như một. Chẳng những giống về thần thái mà về nhan sắc cũng không cách xa bao nhiêu. Lẽ dĩ nhiên Hồng Liên mập hơn Bạch Phù một chút, nhưng chiếc áo dài mới đã khéo che cái ốm của nàng, sánh với ngày thường hình như nàng còn tròn trịa hơn. Khuôn mặt nàng không giống khuôn mặt Hồng Liên, nhưng nàng đã vấn tóc kiểu mới - kiểu của Hồng Liên - khiến khuôn mặt nàng cũng thay đổi. Trước kia mắt Hồng Liên sáng hơn mắt Bạch Phù nhưng riêng đêm nay, mắt Bạch Phù nhìn Quang Vũ lại chiếu ra những tia sáng dị kỳ.
Ngọc Hoa đứng phía sau Quang Vũ, vừa thấy Bạch Phù, liền bước tới trước gọi:
- Chu choa, em gái đến rồi, mời, mời vô đây!
Nàng bước vào, chỉ chú ý tới tân lang và tân giai nhân, không màng đến sự chú ý của tất cả các khách khứa. Đến Ngọc Hoa giới thiệu làm sao nàng cũng không thèm nhớ.
Thật ra thì tân lang và tân giai nhân không có gì cho nàng đáng chú ý cả. Quang Vũ cũng mặc bộ đồ tây màu cà phê. Khác chăng là tóc râu được hớt cạo nhẵn thính, ánh mắt không giấu được niềm vui tươi tắn. Ngọc Hoa thì vẫn một mực bình thường, giản dị. Ngọc Hoa mặc áo dài mới đó song màu sắc nào cũng không làm cho Ngọc Hoa rực rỡ hơn lên. Lẽ đương nhiên hạnh phúc và đẹp là hai điểm khác nhau: Một vật quá đẹp, bản thân có mang chất độc. Hồng Liên đã đem tai nạn đến cho Quang Vũ, nhưng Ngọc Hoa có thể lại đem tới ấm áp như Quang Vũ nói.
Ngọc Hoa thân thiết kéo Bạch Phù ngồi kế bên mình, rót trà, trao trái cây như bình thường, không chút e thẹn nào của cô dâu trong ngày cưới. Ngọc Hoa thấy Quang Vũ nhìn Bạch Phù lại trêu:
- Sao anh không nói gì hết vậy? Nhìn suông em gái làm gì?
- Anh...
Quang Vũ cau mày cười:
- Anh thấy Bạch Phù bữa nay hơi khác.
- Đẹp ghê gớm phải không?
Ngọc Hoa nói luôn với Bạch Phù:
- Chị đã nói là em không mặc bộ đồ đen trông già đi. Trômg em mặc áo đỏ này trẻ hơn, đẹp hơn nhiều lắm! Như là cô dâu mới ấy!
Cô dâu? Nếu là ngày trước nàng nghe nói thế, nhứt định sẽ đỏ mặt. Nhưng bây giờ, nàng chỉ rùn vai, tỏ vẻ tươi vui, hài hước. Trọn đời, nàng không còn cơ hội điểm trang thành cô dâu mới rồi.
Khách đến đủ, ngoài cô Lục y tá, Bạch Phù không biết ai. Nếu là trước đây ngồi giữa những người xa lạ, nàng sẽ thấp thỏm không yên. Còn đêm nay, nàng thản nhiên vô cùng, ai hỏi gì, nàng đáp cách tự nhiên, không sợ sệt, không úy kỵ. Rồi nàng bỗng cảm thấy mình can đảm lên, uống rượu, uống khá nhiều. Ngồi trong bàn tiệc, nàng có cảm giác khác hẳn với lúc nàng và Trình đính hôn.
Cuộc đời là một tấn trò, hay cũng tốt, dở cũng tốt, hài kịch cũng tốt... Phần nàng, coi như đã đóng xong vai trò, còn gì câu thúc được nàng nữa đâu?
Không ai nhìn thấy thấy sự thay đổi của nàng, kể cả Ngọc Hoa. Hoa biết nàng không nhiều, thấy nàng bây giờ khác hẳn sự lặng lẽ thường nhựt thì cho là tại tiệc vui, nàng vui vậy thôi. Chỉ có Quang Vũ âm thầm lấy làm lạ. Quang Vũ biết sự thay đổi của con gái, nhưng không nghĩ là nàng thay đổi lạ lùng và nhanh chóng tới mức đó. Hai ngày không gặp mà nàng trở thành hai người khác. Trước đây, nàng có vẻ cao quý trong cô đơn, nhưng bây giờ lại có vẻ tươi vui phàm tục. Nếu nói nàng bị ảnh hưởng của Hồng Liên thì cũng không thể bị ảnh hưởng đến mức như thế. Từ cách trang sức đến cách nói năng, không tìm đâu ra cô Bạch Phù ngày xưa nữa. Tại sao nàng bỗng nhiên thay đổi? Phải chăng nàng đang có một tình yêu mới?
Lẽ đương nhiên, câu hỏi sau chỉ là một giả thuyết khó chấp nhận. Quang Vũ nhớ lại hai hôm trước, mỗi lần nhắc tới Trình, Bạch Phù tỏ ra không ngó ngàng gì. Hơn nữa, chính nàng giải đãi ngày giờ không chịu sớm kết hôn cùng Trình. Hương Cảng là một chỗ phồn hoa, Bạch Phù là một cô gái không tệ, biết đâu nàng đã bị người khác dụ dỗ?
Cứ theo lý mà xét Bạch Phù đã đính hôn với Trình, một người thật thà đến gần như ngu muội, biết có cách nào giữ được tình cảm của nàng chăng? Con gái không thích sự thành thật lắm mà con trai lại hay đua đòi bóng sắc!
Lúc Quang Vũ nghĩ ngợi chính là lúc Bạch Phù uống rượu, nói cười với khách. Ngày trước, nàng khó chịu cô Lục làm sao nhưng hôm nay cả hai tỏ ra rất hợp ý, hợp tình. Cô Lục mừng lắm, nào có biết Bạch Phù có mục đích cởi bỏ thù hận và sự ganh tỵ. Vì nàng muốn được bình thản rời khỏi thế gian này, không chút ái ngại, không chút trách nhiệm gì.
Nhơn lúc tan tiệc, khi mọi người không để ý, nàng nhét lẹ vào tay Ngọc Hoa một gói giấy.
Ngọc Hoa vừa mở miệng thì nàng suỵt một tiếng rồi bảo:
- Đừng cho anh Quang Vũ biết.
Ngọc Hoa nghi ngờ, nắm nắm gói giấy, hình như bên trong chứa một chiếc nhẫn. Ngọc Hoa nhìn lên thấy Quang Vũ nhìn sang chỗ mình liền gật đầu, không hỏi nữa.
- Nhận đi, đây là vật của chị em, bây giờ em đưa tặng chị, bởi vì hôm nay chị giữ ngôi vị của chị ấy. Hơn nữa...
Nàng nói nhỏ đến đó liền dừng lại. Nàng cho là những lời kế tiếp không cần thiết nói ra, cứ để chính Ngọc Hoa tìm hiểu giá trị của chiếc nhẫn hột xoàn này. Ngọc Hoa đã tốn rất nhiều tiền cho Quang Vũ thì nàng trao tặng lại chiếc nhẫn hột xoàn này nàng sẽ được yên lòng rất nhiều. Nàng không muốn cho Quang Vũ thiếu của Ngọc Hoa một chút gì hết.
Mọi người lần lượt ra về, ai cũng nói lời chúc tụng sau cùng với cô dâu chú rể. Quang Vũ và Ngọc Hoa đều chắp tay cảm tạ. Bạn bè còn hỏi ngày giờ cả hai sẽ lên tàu đi hưởng tuần trăng mật để họ kéo đến tiễn đưa.
Chỉ có Bạch Phù là không giống ai. Lúc bắt tay chúc tụng Quang Vũ, nàng không nói gì hết. Nàng chỉ mỉm cười, nụ cười bí mật và nói gọn:
- Anh Vũ, giã biệt.
Giã biệt? Quang Vũ nhìn sững nàng, cảm thấy hai tiếng đó thật lạ lùng như Vũ sẽ đi xa lắm và không bao giờ trở lại! Thật ra thì Quang Vũ đâu có ngày giờ nhiều để ở lại Áo Môn lâu. Bất tất dùng đến hai tiếng đó?
Lạ lùng! Quang Vũ cảm thấy nàng lạ lùng một cách ghê gớm. Chàng không ngờ mình lấy cặp mắt của bậc đàn anh nhìn em gái nhỏ mà càng lúc càng không hiểu gì.
Về việc Quang Vũ cưới vợ, chàng vốn lo nàng không hiểu cho chàng. May mà không thấy nàng có phản đối chi Quang Vũ mới yên tâm. Nhưng bây giờ, từ thái độ của nàng chàng nhìn ra việc cưới vợ của chàng ảnh hưởng tới nàng không ít. Nàng xa dần Quang Vũ, đêm nay, nàng không quét mắt về chàng một lần, không nói với chàng một tiếng.
Thì ra nàng vẫn là em gái của Hồng Liên, vẫn đứng trên lập trường của Hồng Liên mà hiểu chàng sao?
Quang Vũ thuận miệng hỏi luôn:
- Ngày mai em có ra ga không?
- Ngày mai?
Nàng hỏi lại cách kéo dài giọng, tỏ ra điều này chưa bao giờ nàng nghĩ tới.
- Kìa, ra ga tiễn anh chị đi chớ!
- Không!
Nàng lắc đầu, hít một hơi dài:
- Xin lỗi, sợ em không tới được.
- Bộ sáu giờ dậy không nổi hả? Hay là sớm quá ra sở không được hả?
Quang Vũ thấy trong cách từ chối của nàng có điểm thiếu thành thật liền nhắc:
- Em nhớ không, trước đây, anh từ Quảng Châu tới Hương Cảng đi chuyến xe khuya, anh không muốn em nhọc công mà em vẫn đòi đưa.
Tình hình hôm nay sao có thể đem so sánh với ngày xưa ấy? Nàng nhớ lại đêm lạnh ở bến xe và lúc ấy Vũ xanh xao, ít lời... Nhưng ngày nay, bến xe Quảng Châu chắc cũng vậy mà người Quảng Châu là Quang Vũ đã biến đổi rồi. Nàng cũng biến đổi rồi!
Nhớ lại ngày xưa, tình cảm của nàng chết lạnh bỗng sống dậy. Nàng cúi gầm đầu, những mong được khóc.
Quang Vũ cho là nàng còn do dự nên đổi cách nói:
- Mà thôi, không đưa thì không đưa vậy. Anh đã làm trò cười cho em rồi, cũng không có gì đáng tiễn đưa đâu! Anh chị đi sẽ sớm về mà, việc nhà còn lùm xùm, đâu có đi lâu được. Hơn nữa, anh chị cũng không yên tâm về việc đem bé Bình gởi nhà hàng xóm. Đợi đi về, anh sẽ gọi điện thoại cho em, mời em tới chơi.
Nghe Quang Vũ nói, nàng cố giữ lấy làn nước mắt long lanh, nàng nhếch cười. Đợi anh về? Đợi anh về à? Sự đời còn có như thế này không?
Quang Vũ có biết nàng đang cười gì chăng? Nhứt là nụ cười nàng khá lạ lùng. Vũ bỗng nói:
- Bạch Phù, bộ em say hả? Đêm nay em uống khá nhiều rượu.
- Em không say, em tỉnh hơn bất kỳ ai hết.
Quang Vũ còn đang nghĩ ngợi gì đó thì Bạch Phù gấp rút nói luôn: "Chào anh!"
Nói xong, nàng quay mình đi, đi rất nhanh. Quang Vũ đưa mắt nhìn theo, khách khứa đến từ giã Quang Vũ mà chàng không có lòng nào đáp tạ nữa.
Khách khứa về hết, chỉ còn lại Quang Vũ và Ngọc Hoa ngồi chờ thanh toán tiền bạc.
Suy nghĩ một lúc, Quang Vũ bỗng hỏi:
- Ngọc Hoa, em có thấy Bạch Phù nó thay đổi lắm không?
- Thay đổi chớ, đẹp hơn nhiều lắm.
Ngọc Hoa thoa thoa tay Quang Vũ cười:
- Đêm nay thấy Bạch Phù, em bỗng nghĩ đến một việc. Phải anh cưới Bạch Phù thì xứng đôi vừa lứa hơn nhiều.
- Sao?
- Theo em thấy thì hai người lấy nhau có chuyện gì không phải đâu? Anh rể, em vợ thành thân cũng là chuyện thường.
- Nhưng tại sao em lại nghĩ đến chuyện đó, thật là...
Quang Vũ cau mày nhăn rút lại:
- Em nên biết anh với Bạch Phù không phải thân nhau theo mối liên hệ anh rể với em vợ. Mà là, vì anh đã nuôi Bạch Phù hồi nhỏ, nhứt là mấy năm gần đây, Phù lại nuôi anh nên anh coi mình là anh, Bạch Phù là em ruột vậy. Nếu anh và Bạch Phù có ở một nhà cũng không bao giờ có ý nghĩ vượt quá mối liên hệ ruột rà đó. Người chớ đâu phải cầm thú, anh ruột mà lấy em ruột được sao?
- Em biết, em chỉ nói cho vui vậy. Bởi vì hôm nay, em thấy anh cứ luôn luôn để ý tới Bạch Phù. Lúc đưa khách, anh cũng bất chấp tới mọi người để nói chuyện với Bạch Phù nhiều hơn cả.
- Để ý là phải. Em không thấy Bạch Phù vừa nói vừa cười, vừa uống rượu đó sao?
- Em lại cho rằng Bạch Phù vui vẻ như vậy mới là bình thường. Người trẻ tuổi thì phải vui vẻ lên chớ. Trước đây, em thấy Bạch Phù nó cứ dàu dàu, thật không giống bất cứ thiếu nữ nào chưa kết hôn như nó.
Quang Vũ gật đầu. Ngọc Hoa cũng có lý. Thái độ của Bạch Phù vừa rồi mới đúng là thái độ bình thường. Tại sao nàng không trút bỏ sự sầu khổ trầm mặc để lạc quan lên chớ?
Quang Vũ nghĩ vậy song lòng chàng không cho như vậy. Lòng chàng vẫn thấy sự lạc quan của nàng có một cái gì ấy. Thà chàng thấy nàng khóc nức nở, hoặc khóc sướt mướt như lúc đính hôn, ngã khóc trên vai chàng còn hơn là thấy nàng cười.
- Mình về, anh!
- Ờ...
Quang Vũ theo Ngọc Hoa đứng dậy, âm thầm cảm thấy như bị mất mát điều gì trước sự thay đổi thái độ của Bạch Phù.
Lên xe, Quang Vũ muốn Ngọc Hoa đồng ý đến thẳng nhà Bạch Phù. Chàng không cần biết điều đó sẽ gây hục hặc mà chỉ cần biết phải đến thăm nàng chàng mới yên lòng. Nhưng chàng không mở miệng nói ra điều yêu cầu của mình. Lúc này, giờ này, không có một yêu cầu nào hợp lý ngoài việc động phòng. Lẽ tự nhiên là Ngọc Hoa không muốn lòng chàng hướng về ai hết dù là người mà Quang Vũ thật sự xem như em gái ruột. Huống chi bây giờ đã quá khuya, hổng biết chừng Bạch Phù ngủ rồi.
Thật vậy, Bạch Phù đã ngủ rồi. Ngủ giấc ngủ ngàn thu.
Chín giờ sáng, Phát đến gõ cửa, đợi một lúc, không nghe bên trong có tiếng động, Phát gõ cửa mạnh hơn và gọi lớn:
- Bạch Phù, cô Bạch Phù!
Vẫn không có phản ứng chi, Phát đứng ngoài do dự, không hiểu có nên gọi nữa hay bỏ đi. Rồi Phát bỏ đi.
Phát đến gọi Bạch Phù lần thứ hai vẫn thấy cửa đóng chặt, rõ ràng là nàng chưa dậy. Phát áp tai vào cửa nghe ngóng, không nghe được một âm thanh nào, đưa tay lên định đấm cửa song nhớ lại là không nên quấy nhiễu nàng. Nàng vừa hết bịnh, cần ngủ nhiều. Vả lại, chiều qua, Phát thấy nàng sửa soạn đẹp lắm để đi ăn cưới. Nàng về lúc nào Phát không hay, không tội gì đi phá giấc ngủ của nàng. Đợi nàng thức dậy, lúc nào thấy đói thì sẽ mò xuống bếp kiếm ăn vậy.
Phát biết Bạch Phù rất lo làm việc, tuyệt đối không bao giờ thức trễ giờ làm. Nhưng đã chín giờ rồi, nhân viên đến đủ cả mà vẫn chưa thấy nàng thức dậy mới là chuyện kỳ.
Phát không một chút nghi ngờ về chuyện khác mà biết Bạch Phù là con người biết tự trọng, không muốn đi trễ, sợ chủ nhân người ta nói. Nếu Phát không kêu, nàng có thể trách Phát tại sao không kêu giùm. Suy tới tính lui, Phát lại vỗ cửa, lại kêu.
Đứng đợi một lúc, không làm sao được Phát lại bỏ đi.
Cả giờ sau, cô Tô với tấm thân phì nộn đi nghinh ngang vào sở, nhìn thấy nét mặt lạnh lùng của ông giám đốc Phương Khả Viên liền riu ríu về chỗ, không dám thở mạnh, cắm đầu cắm cổ làm việc coi như đền tội.
Không ngờ, nét mặt ông giám đốc vẫn lạnh lùng. Tô biết trước khi ông ta muốn rầy ai thường giữ bộ mặt đó. Phải chăng hôm nay Tô sẽ bị rầy?
Tô đi trễ, bị Ông giám đốc bắt gặp, song cũng là một nhân viên kỳ cựu. Vả lại, lúc đến đây làm việc, trước khi có chồng, Tô đã mấy lần mời ông ta đến nhà dùng cơm gây cảm tình. Khả Viên không thể rầy Tô giữa đám đông người, sẽ mất mặt Tô. Nếu có chuyện rầy mà không kêu riêng ra rầy, Tô sẽ áp dụng "nước mắt đàn bà" cho nam nhân Phương Khả Viên bất nhẫn mà bỏ qua vậy.
Tô không bị rầy thẳng mặt vì Phương Khả Viên còn phát hiện Lôi Nhử Ngung cũng đi trễ. Cơn thịnh nộ của Viên lại hướng về chung:
- Làm ăn cái gì mà kỳ cục vậy? Tới bây giờ mà chưa vào sở!
Ai chưa vào sở? Tô ngẩng lên, thấy ghế của Bạch Phù chưa có ai đến ngồi.
Ông giám đốc giận, cả sở im lìm, mọi người đều cúi đầu. Phát là lao công của sở càng nóng nảy, không dám nói chi. Lôi Nhử Ngung đứng dậy, lấy lẽ công bằng bảo:
- Hổng biết chừng cô Bạch Phù lại bịnh?
- Bịnh à? Bịnh cũng phải nói trước đặng xin nghỉ chớ làm ăn gì thế này?
Tô đã được sự vắng mặt của Bạch Phù đỡ cho, lấy lại bình tĩnh quay sang Phát:
- Anh đi kêu giùm cô Bạch Phù với!
- Thưa, tôi đã... (Phát nhìn quanh, thấy không khí nặng nề liền đổi nói) Dạ được, để tôi đi.
Phát đi rồi, chuyện gì sẽ xảy ra? Mọi người đều có thể tưởng tượng biết được. Ai nấy giữ im lặng chờ Bạch Phù tới hay Phát tới nói: "Tôi kêu cô ấy thức dậy rồi, cổ sẽ tới liền bây giờ!"
Trong im lặng, mọi người đều nghe tiếng gõ cửa, tiếng Phát gọi Bạch Phù. Ai nấy cau mày, Tô nhanh nhẩu:
- Gọi chi mà gọi dữ vậy? Làm như người ta chết ấy!
Phương Khả Viên càng bất động, gương mặt càng nặng hẳn ra.
Nhử Ngung không chịu được nữa, rời ghế, bước ra hỏi:
- Anh Phát, chuyện gì vậy?
- Sao kêu hoài hổng được, kỳ quá!
- Coi chừng cổ hổng có trong phòng đấy! Hôm qua cổ không ăn cơm ở sở mà! Cổ đi đâu đó, về chưa?
- Dạ, cửa khóa bên trong, hổng có trỏng làm sao được? Ông Ngung này, hồi nào tới giờ cổ hổng có vậy. Coi chừng có việc gì đó.
Cả sở động đậy, có người ra cho biết sự tình. Phương Khả Viên cũng hồ nghi mà thay đổi sắc mặt.
Tô nhanh nhẹn hơn ai cả, sấn tới hỏi:
- Bạch Phù có việc gì vậy?
Lôi Nhử Ngung rất bình tĩnh song trên nét mặt cũng phớt nét trang trọng:
- Chúng ta gọi một lúc nữa xem.
Tô gọi trước rồi nhiều người lớn tiếng gọi theo. Vẫn không một hồi âm. Mọi người đều lo lắng, người này nhìn người kia nghĩ đến việc không hay song không ai dám nói ra.
Tô nói trước:
- Hay là Bạch Phù bịnh lại, ngất xỉu trong phòng rồi?
- Phải làm sao đây? Ai có ý kiến gì không?
Nghe Phát nói, Ngung suy nghĩ một chút rồi cả quyết:
- Ta phải phá cửa vào xem sự thể thế nào mới được.
Phát đáp:
- Để tôi, tôi mạnh lắm.
Phát ké vai áp cửa, cửa không nhúc nhích. Có thêm mấy người nữa phụ hè đẩy, một hai ba, cửa bật vào trong.
Phát đỡ kịp không cho cánh cửa đập vào trong. Và chỉ một cái quét mắt, Phát đã nhìn thấy cảnh tượng bên trong.
Phát vụt kêu lên nhưng cổ như bị ai bóp chặt lại. Tiếng kêu như bị bóp cổ đó làm cho bao nhiêu người quá đỗi kinh mang nhứt thời đứng chết trân.
Trong phòng, cửa sổ đã mở, đưa lại từng cơn gió lạnh mơn man. Đồ đạc đâu đó đều sắp đặt ngăn nắp như trước lúc ra đi, vật nào cần gói thì gói, vật nào cần buộc thì buộc... Người Bạch Phù cũng giống như người sắp đi xa, mình mặc áo dài đỏ, chân mang giày cao gót, nằm yên với tư thế ngủ say, trên mặt hãy còn son phấn đẹp. Chỉ có tóc đã được nàng bới gọn từ trước do đầu chuyển động mà bây giờ đã xòa ra. Miệng nàng như nhếch cười, nụ cười hằng cửu mà không phải cười. Đáng sợ nhứt là đôi mắt nàng chỉ mới khép nửa, mất hết màu đen mà trở thành màu trắng đục như màu mắt cá chết.
- Bạch Phù! Cô Bạch Phù!
Người gào khóc đầu tiên là Phát, gào khàn tiếng, khóc thê lương. Đáng tiếc là Bạch Phù không còn biết được gì nữa hết.
Kế đó là Tô, nước mắt của Tô như bị nước mắt của Phát kéo theo. Vì cảm tình với Bạch Phù mà Tô khóc, song cũng vì lý trí mà Tô đưa tay xem qua bộ máy hô hấp của Bạch Phù.
Khả Viên bước vào thấy tình hình nghiêm trọng vừa thở hổn hển vừa bảo:
- Mau lên, mau gọi điện thoại đến bịnh viện xin xe cứu cấp.
Tô khóc nói:
- Trễ rồi, không còn hơi thở nữa, người Bạch Phù cũng đã cứng rồi.
Khả Viên nắm chặt tay, người xanh như chàm, miệng run lập cập:
- Vậy thì phải gọi cảnh sát, tôi không giải quyết nổi chuyện lớn như vầy đâu.
Nhử Ngung bỗng chỉ tay lên bàn:
- Khoan đã, chắc di ngôn của Bạch Phù đây!
Trên bàn có một phong thơ, đề tên Lý Mang, số nhà và địa chỉ, ở đầu phong bì có đề chữ:
Tôi chán sống, tự mình uống thuốc ngủ tự vận. Xin nói rõ là mọi người vô can.
Về cái chết của mình, Bạch Phù tôi xin một là đừng trình báo làm chuyện lớn ra. Hai là đừng đăng cáo phó phát tang trên báo. Ba là đừng đưa vào các bịnh viện mổ xẻ. Giữ đúng các lời yêu cầu là linh hồn người chết thỏa mãn lắm rồi.
Thân xác này xin giao cho "Tân Nghi Quán" chôn cất, mọi việc nhờ Lý Mang lo liệu.
Bạch Phù tôi là người tứ cố vô thân, sống ở đây, chết ở đây, làm dơ phòng này là việc bất đắc dĩ, kính xin công ty tha lỗi là điều vạn hạnh.
TRẦM BẠCH PHÙ thân bút
- Tứ cố vô thân?... Sao Bạch Phù nỡ nói vậy? Ôi, thiệt đáng thương... (Tô nghẹn ngào nói tiếp) Tại sao Bạch Phù phải chết? Tội nghiệp cho nàng.
Phát chen lời:
- Người đáng thương, đáng tội nghiệp nhiều lắm! Biết ao người vì chiến tranh mà thân sơ thất sở không đáng thương sao? Còn biết bao người đáng chết mà không chết đi sao lại để cho cô Bạch Phù chết?
- Chán đời... (Ngung giữ được bình tĩnh, phán xét) Hằng ngày, không thấy cô Bạch Phù có vẻ gì là chán đời cả. Ắt hẳn bên trong có ẩn tình gì.
Phát bỗng nhớ ra một việc:
- Phải rồi, hồi đêm hôm qua, cổ xuống nhà bếp đốt cái gì... Ôi thôi, tại tôi không biết, chớ phải biết tôi đã có cản cổ.
Khả Viên cầm lấy tờ di ngôn nói chen:
- Thôi được, được rồi, người chết đã chết rồi thì không cần phải suy tới nghĩ lui gì cả. Mau lo việc chính chớ ở đây lo nói chuyện tầm ruồng làm chi? Trước tiên phải báo cho cảnh sát biết.
Lôi Nhử Ngung nhanh trí thấy rằng đây là một cơ hội tốt làm cho Phương Khả Viên mất chức giám đốc. Ngung cản:
- Không vội gì đâu, thưa ông giám đốc. Quan trọng nhứt là chúng ta phải làm theo lời người chết, đừng có làm ầm lên thành to chuyện. Bạch Phù là một thiếu nữ chưa chồng, đứng đắn đàng hoàng, chúng ta phải kính trọng danh dự của cô mới phải.
- Lẽ đương nhiên.
Ngung tiếp:
- Nếu cần phải đi báo thì trước tiên phải báo cho cô Lý Mang hay. Bạch Phù có dặn trong di ngôn, đợi Lý Mang tới xem thơ rồi đi báo cảnh sát cũng không muộn.
- Đúng.
- Đúng.
Mọi người đều tán thành như vậy.
Khả Viên trả đũa:
- Thôi được, việc này để cho anh lo, có gì anh phải chịu trách nhiệm. Đồ vật hư hao của sở anh phải chịu trách nhiệm, như cánh cửa này, anh phải sửa chữa lại à nghen!
- Hổng sao.
Ngung đáp lời Khả Viên rồi quay sang Phát:
- Anh đi gọi điện thoại mời Lý Mang tới đây. Đi đi! Còn anh chị mình đây cũng nên đi ra ngoài, phòng nhỏ đông người bất tiện lắm. Vả lại, lúc sống Bạch Phù thích yên ổn thì lúc chết chắc cổ cũng không thích ồn ào đâu.
Ngung là người đi ra sau cùng, sau khi xem qua thi thể và nhìn khắp các góc phòng, phát hiện khói và mùi dầu mỡ từ nhà bếp xông qua cửa. Thời gian như hòa nhịp với hơi thở, mới đó mà Bạch Phù đã chết rồi.
Ngung bước tới đóng cửa sổ. Không hiểu tại sao Bạch Phù lại đi mở cánh cửa sổ này. Chỉ biết từ cửa sổ, gió lộng nhiều...
Ngung vào sở đúng lúc Lý Mang tiếp được điện thoại, Phát nghẹn ngào nói:
- Cô Lý Mang, cô lại đây mau đi, Bạch Phù... cổ... cổ... chết rồi. Thiệt đó, cô nhanh nhanh một chút.
Ngung nghĩ rằng Lý Mang nghe như vậy chưa tin đâu nên bảo Phát:
- Anh đưa tôi nói chuyện với cô ấy. A lô, Lý Mang hả? Nhử Ngung đây, xin trịnh trọng nói cho cô rõ: Sáng sớm này, chúng tôi không thấy Bạch Phù tới sở làm việc, gõ cửa cũng không nghe lên tiếng. Chúng tôi nghĩ ắt có chuyện gì xảy ra nên mới phá cửa xông vào mới hay Bạch Phù đã tự tử chết rồi.
- Tự tử? Bạch Phù mà tự tử à? Mấy người nói gì kỳ vậy?
- Trời ơi, cô tới thì biết. Chúng tôi tìm thấy trên bàn Bạch Phù có một phong thơ để lại cho cô. Thơ dán kín, chắc có nhiều việc Bạch Phù muốn nhờ đến cô, nhứt là việc hậu sự cho cô ấy. Sao? Bây giờ cô không xin đi tới đây được hả?
- Được được, tôi đi, tôi tới liền bây giờ.
Lý Mang khóc mà đến. Nàng vốn lạc quan nhưng tin dữ của bạn làm cho nàng bi thương quá độ, suốt đường cứ lấy khăn chậm mắt. Lý Mang vẫn không hoàn toàn tin bạn chết nhưng giọng nói nghiêm trọng trong điện thoại không cho phép nàng nghi ngờ. Ai dám đùa với nàng một chuyện trọng đại như vậy?
Nhưng tại sao Bạch Phù chết? Mới hôm này đây nàng tới với Bạch Phù. Phù bịnh thật, tình cảm yếu đuối thật, nhưng muôn vạn lần không thể ngờ được Bạch Phù tự tử. Không thể vì bịnh mà tự vận, bịnh đâu phải là không trị được. Vậy Bạch Phù có chết thì chỉ là tâm bịnh mà thôi. Nhưng tâm bịnh của Bạch Phù là gì? Trừ việc Trình ra, còn gì nữa chăng?
Bước chân vào phòng bạn, Lý Mang gào khóc lớn. Nàng đã đến phòng này nhiều lần song chưa bao giờ thấy nó thê thảm như bây giờ, ngày xưa nàng chưa nói thì tiếng nói tươi vui đã ồn ào vọng vào. Rồi thì Bạch Phù mỉm cười ra đón. Không như bây giờ, Lý Mang gọi đến lạc giọng chẳng có lấy một hồi âm. Còn đâu là nụ cười quen thuộc ngày xưa!
Bước vào cửa, Lý Mang chạm phải cái quá khứ đó, nhìn vào thi thể bạn cứng đờ, khóc gọi:
- Bạch Phù, Bạch Phù, chị tỉnh dậy đi! Tôi không cho chị chết đâu... Trời ơi! Bạch Phù ơi, sao Bạch Phù chẳng nhận lời tôi?... Bạn của chị nè.
Lúc Lý Mang lạc giọng gọi bạn thì Ngung và vài người nữa theo vào khuyên nhủ. Nhưng không có lời khuyên nào kiến hiệu với Lý Mang, vừa thương tiếc bạn, vừa hối hận muôn vàn, gục trên xác bạn mà gào:
- Bạch Phù ơi! Chính tôi đã hại chị rồi... Theo lẽ tôi không nên đem cho chị xem cái thiệp cưới ấy... Tôi tưởng là chị không thèm để ý, ai biết đâu vì nó mà chị đoản mệnh thế này... Trời ơi... Tôi giận tôi sao quá đỗi ngu si, mới hôm này còn phát giận chị, quyết không thèm tới thăm chi.... Chớ nếu tôi tới với chị, an ủi chi.... có lẽ chị không đến nỗi này...
- Cô Lý Mang! (Ngung vỗ vai Lý Mang khuyên lơn) Người chết rồi không sống lại được, có khóc lắm cũng chẳng ích lợi gì. Chúng ta nên gấp rút lo việc chôn cất cô ấy là hơn.
Tô đứng kề bên cũng nói vô:
- Thật không ngờ có chuyện đáng buồn này xảy ra, tất cả chúng tôi đây đều buồn, không biết phải làm sao nữa. May là Bạch Phù có để thơ lại cho cô.
Lý Mang được mấy người đỡ dậy, cố đè nén bi thương để lo công việc. Nàng cố giữ bình tĩnh mở thơ ra xem.
Trong bao thơ, ngoài ba trang giấy gởi cho Lý Mang, còn có một phong thơ đề tên Quang Vũ, có địa chỉ và số nhà hẳn hoi. Ngoài ra còn có một gói nhỏ nằng nặng, không hỏi cũng biết là gói chiếc nhẫn.
Không lòng dạ nào nhìn vật khác, Lý Mang lật đật đọc thơ bạn gởi cho nàng.
Ngung liếc mắt thấy hàng hàng chữ nhỏ, không thể như Tô, liếc mắt đọc luôn nên hỏi:
- Cô Lý Mang, tại sao cô Bạch Phù tự tử, cổ có viết trong thơ không?
Lý Mang chậm rãi gật đầu. Thái độ của Lý Mang cho thấy nàng không có lòng dạ nào trả lời câu Ngung hỏi. Nàng cố đọc cho nhanh, lời lẽ trong thơ làm nàng đau khổ. Mấy lần dùng khăn chậm mắt nàng mới đọc hết thơ được.
Phát nóng nảy hỏi tiếp luôn:
- Cô Lý Mang, cô Bạch Phù nhờ cô lo hậu sự cho cổ mà cổ có nói phải làm sao không?
Lý Mang cũng chậm rãi gật đầu rồi lau nước mắt chứ không đáp. Tô đứng kế bên Lý Mang bình tĩnh lại nhiều. Bạch Phù không có viết gì cho Tô, có nhiều lời lẽ Tô xem cũng bằng thừa. Hơn nữa, tình cảm giữa Bạch Phù và Tô không sâu đậm như đối với Lý Mang nên Tô đọc thơ không xúc động mấy. Tô đọc lướt, thấy Bạch Phù đã sắp xếp đầy đủ các công việc liền nói:
- Bạch Phù đã lo xong các việc hòm rương, tang chế, chúng ta không phải lo việc quyên góp tiền bạc gì đâu. Nhưng từ sự chu đáo đó, chúng ta thấy cô đã quyết định tự tử chứ không phải như một người nửa chừng đi làm việc bất ngờ ngu xuẩn đâu.
Lần này thì Ngung hỏi ngay Tô:
- Còn các di vậy đây, làm sao? Bạch Phù có nói phải giao cho ai không?
- Đồ này chia làm hai phần, một số có tánh cách của Bạch Phù thì đem đốt đi, số còn lại đem tặng hết vào cho cô nhi viện. Trước khi tặng, phải bỏ tiệm giặt giũ cho thật sạch, tiền giặt Bạch Phù có để lại đây. Cái người sao mà hiếm thấy... Trước lúc chết hãy còn sắp đặt đâu vào đó. Tánh cổ sạch sẽ lắm mà, mấy người như vậy thường vắn số, tôi đã lờ mờ thấy vậy từ bước chân nhẹ như bay của cổ mà, khác hẳn với sự cục mịch của người thường.
- Nhưng tại sao Bạch Phù lại tự vận?
Tô rùn vai:
- Thì cổ có viết đây, cổ thấy mình như ở trong địa ngục hắc ám, không nhìn thấy một tia sáng nào, cho dầu sao cũng không thở được một hơi vui nào... Mà thôi, tôi không biết gì nhiều, không thể nói rõ nguyên nhân cái chết của cổ mà chỉ biết cổ nhờ cô Lý Mang gởi lại cho ông Trình một chiếc nhẫn. Ông Trình là vị hôn phu của cổ mà, chắc hai người đã trục trặc gì rồi.
Lý Mang đã đọc xong thơ, nặng nề đứng dậy. Bây giờ Lý Mang khóc đến mắt đỏ hoe, sưng húp, nghẹn ngào nói:
- Cả hai đã hủy bỏ hôn ước, Trình cũng đã chọn được người khác để kết hôn. Ngày mai cử hành hôn lễ.
- À, thì ra vậy. Cô Bạch Phù vì đó mà tự tử chớ gì? - Tô đoán mò.
Phát bỗng tỉnh ngộ:
- Phải rồi... Đêm qua đốt thơ, là cổ đốt hết thơ của ông Trình... Thảo nào gần đây không thấy một thơ nào từ Quảng Châu gởi sang. Trước đó thì ông Trình gởi thơ ngày một.
- Chắc chắn Bạch Phù thất tình mà tự tử. Gần đây cổ bị bịnh, hổng biết chừng cổ cũng vì thất tình mà bị bịnh.
Lý Mang mở gói giấy, đưa đôi mắt ngập lệ nhìn qua, hỏi bâng quơ:
- Ngoài việc đó ra, còn nguyên nhân nào làm Bạch Phù tự tử nữa chăng?
Ngung tiếp:
- Trong di ngôn, Bạch Phù bảo mình chán đời chán sống, thấy cổ hằng ngày làm việc rất chăm chỉ, sống rất tự nhiên, nào có ai biết được cổ đã chán đời đến mức đó.
Mọi người đang bàn tán, Khả Viên bỗng vác gương mặt nặng nề xuất hiện. Viên lạnh lùng nhìn gay gắt Lý Mang nói giọng thật khó chịu:
- Cô Lý Mang, cô giới thiệu người làm thật hay mới tạo cho tôi sự rắc rối này.
Lý Mang vốn đã ghét cay ghét đắng Khả Viên, nghe vậy càng nộ khi xung thiên:
- Buồn cười chưa, ông giám đốc? Bộ tôi có thể biết trước Bạch Phù sẽ tự tử hả? Nếu biết thế, tôi sẽ còn tạo rắc rối cho ông nhiều hơn. Tôi sẽ khuyên chỉ ưng ông rồi hãy tự tử.
- Cái đó, cái đó... cô nói vậy là sao?
Mặt Khả Viên từ bừng đỏ đến xanh chành.
- Có gì mà ông hổng biết đâu? Chính lúc ban đầu ông muốn hỏi ý kiến của chị ấy, bộ Ông hổng có ý muốn cưới chị ấy hả? Bây giờ người ta chết rồi, ông coi người ta như con chó, không một chút quan tâm. Sự quan tâm của ông chỉ là làm sao cái chết của Bạch Phù khỏi liên quan tới ông, đừng làm phiền lụy tới ông. Tôi không cần ông đem tình cảm ngày xưa ra để ai điếu chỉ. Nhưng đến tình cảm giữa con người với con người mà ông cũng không có nữa hả?
Lý Mang là người nhậm lẹ, một khi đã nói thì nói sấn sả làm Khả Viên vừa giận vừa lo, cứng họng một lúc lâu mới hỏi:
- Sao cô lại mở miệng làm thương tổn người khác?
- Thôi được rồi.
- Được rồi...
Bao nhiêu người có mặt đều không tiện cười Khả Viên, ra điều dàn giải. Thật thì họ không màng gì tới Khả Viên, chỉ nhằm khuyên lơn họ Lý:
- Hơi nào lo gây lộn xộn, mình lo cho cô Bạch Phù thì hơn cô à.
Khả Viên thấy mọi người đều một phe, bất lợi cho mình nên hầm hầm bỏ đi.
Mắng được Khả Viên mấy câu, lòng Lý Mang hả hê vơi nhẹ phần nào, vô hình trung dằn được niềm bi thương quá độ. Nàng mở sắc lấy phấn dậm sửa lại mặt, nói:
- Thôi được, tôi xin dốc hết sức làm việc hậu sự cho chị Bạch Phù được hoàn hảo, lẽ tự nhiên, tự tử là một cái chết dữ không giống như chết thường. Trước tiên, mình phải báo cho cảnh sát biết để họ khám nghiệm thi hài. Tôi cũng cần gặp ngay một người bạn làm ở cảnh sát để nhờ giúp đỡ.
Lý Mang nhặt di thơ và các vật cần thiết, trước khi đi còn quỳ sụp bên thi hài bạn, lẩm bẩm:
- Chị Bạch Phù! Bây giờ tôi phải xa chị một chút để đi lo các việc. Lúc sống, chị đã quá khổ thì lúc chết tôi sẽ cố gắng làm chị được an ủi phần nào. Bạch Phù ơi, đã có tôi rồi, chị yên tâm mà đi đi, yên tâm mà nhắm mắt đi.
Lý Mang đưa tay vuốt nhẹ mắt Bạch Phù, đôi mi từ từ khép lại, khép kín cái khoảng trắng dã mênh mông đầy hãi hùng đó. Lý Mang nhìn dán vào thi hài cảm thấy như Bạch Phù còn sống, dường như có linh hồn, dường như nàng chỉ ngủ say thôi.
- Bạch Phù! Ngủ yên đi.