Bươm bướm về đâu?

     iáng Sinh năm đó, tuyết đang rơi rất dày bên ngoài khu học xá. Từng bông to tròn, xinh xắn thi nhau đậu xuống dệt nên tấm thảm trắng thiên nhiên. Mặt trời đã tắt từ lúc bốn giờ chiều nhưng những ngọn đèn cao áp đang chiếu ánh vàng của mình xuống mặt đất trắng lóa. Cây cối, xe cộ, nhà cửa đều cùng khoác bộ đồng phục màu trắng mùa đông. Cảnh vật có vẻ lãng mạn nhưng nhuốm màu buồn bã, nhất là với lũ du học sinh xuất ngoại lần đầu như chúng tôi. Bên bình trà nóng, chúng tôi ngồi bó gối quây quần nghe một người tự nhận “người tình lý tưởng” say mê kể về những “chiến công oanh liệt” của mình.
Anh Phi là Việt kiều, không biết từ bao giờ có mối quan hệ thân thiết với cộng đồng du học sinh từ Việt Nam sang. Hết năm này đến năm khác, những người mới đến khu học xá này được những người sắp về giới thiệu lại. Các buổi tiệc đưa tiễn, đón rước đều có sự tham gia của anh. Anh nấu nướng, dọn dẹp bàn ghế và tham gia khiêu vũ. Sự có mặt của anh tuy có vẻ ồn ào nhưng đem lại nhiều nụ cười dù là vô thưởng vô phạt. Cần ra ga hay sân bay với đống hành lý nặng nề, anh đều nhiệt tình mượn xe hơi của người quen và đón đưa khá tích cực. Chẳng ai kính nể anh, nhưng cũng chưa ai lấy làm khó chịu. Thoạt đầu ai cũng ngạc nhiên và có phần e dè khi tiếp nhận sự nhiệt tình của anh. Anh không thuộc thành phần đèn sách dù gia đình gốc nho giáo, anh cũng không nhiều điểm chung với những đứa sinh viên sinh ra và lớn lên từ trong nước. Anh nói mình làm trong ngành ẩm thực, đôi khi nấu bếp, có lúc bưng bê nhưng phần lớn thời gian là ăn lương thất nghiệp.
Tôi không dám tiếp xúc với anh Phi và chưa từng mời anh vào căn phòng chỉ đủ đặt chiếc giường đơn và cái ban học nhỏ của mình. Anh có khuôn mặt giông giống những nam diễn viên Hàn Quốc chuyên đóng vai phản diện. Mắt nhỏ, mày rậm, mũi cao, trán thấp và môi mỏng. Thân hình đô vật với những cơ bắp cuồn cuộn thường được phô trương bằng những chiếc áo “body” màu mè đối chọi càng làm anh khó gần. Anh nói năng thoải mái tùy theo hoàn cảnh, lúc lịch sự, lúc đốp chát. Tuy nhiên, chưa thấy anh làm gì hại lủ chúng tôi. Lúc nào cũng tỏ ra là đàn anh và chẳng bao giờ lợi dụng tiền bạc của đứa nào. Thấy những ông Việt kiểu sồn sồn thất nghiệp và vợ bỏ ghé qua khu học xá vào những giờ cơm anh nói thẳng “Tụi trẻ từ Việt Nam qua học, không giúp đỡ thì đừng ăn cơm chùa hoài”. Những ngày cuối tuần, anh Phi thường hay đi chợ Việt Nam và chiêu đãi chúng tôi những món khoái khẩu như thịt luột chấm mắm tôm, cánh gà chiên nước mắm, mắm ruốc xào xả ớt... Hương vị những món này quá “đặc trứng quê nhà”, bọn da trắng lẫn da đen đều kêu trời không thấu và mấy phen đòi kiện thưa với ban quản lý học xá. Anh Phi thường gồng to hai con chuột muốn rách cánh tay áo nói “Đây là học xá dành cho sinh viên đa quốc gia, mọi người phải tôn trọng thức ăn của nhau. Tuần này tụi bây hít miễn phí món Việt Nam, tuần sau tụi tao chịu đựng lại món của nước khác”. Thành lệ, tuần nào bọn chúng thấy anh Phi xách giỏ đến thì tự động không sử dụng nhà bếp tập thể, miệng làu bàu “Tụi Việt Nam có vũ khí lợi hại thiệt!”
Anh Phi có phần quan tâm đến tôi, mỗi lần gặp thay vì một lời chào anh nói “Tội nghiệp!” Anh chê tôi quá gầy yếu xanh xao lại còn kén ăn và ít vận động nên mùa đông sắp đến sợ “không qua nổi”. Tuy tôi không phải là đứa nhỏ tuổi nhất nhưng dáng vẻ lại còm nhom nhất nên anh có vẻ cưng chiều và gọi thân mật là “Bé Còi”. Mỗi lần ghé vào khu học xá anh đều có tí quà, khi thì bịch khoai tây chiên, hộp bánh qui, lon nước trái cây, lúc thì dăm cây bút, xấp giấy viết thư, chai dầu gội đầu. Dần dần tôi không còn xa cách với anh Phi dù chẳng có chuyện gì để trao đổi với anh. Anh có vẻ thích hợp với những đứa con trai hơn tuy bọn chúng đôi khi cũng ngán những câu chuyện dòng dài phần lớn là do anh độc thoại. Anh đã ba mươi sáu, sang đây định cư hơn hai mươi năm nhưng siêng về Việt Nam nên chuyện tầm phào “xe cán chó, chó đốp xe” gì cũng có vẻ rành, thậm chí còn hơn bọn sinh viên vốn chỉ là những con mọt sách. Giờ chúng tôi hiểu vì lý do gì anh Phi thích đến khu học xá. Anh có một nhu cầu mãnh liệt: được kể về mình. Đời sống ở đây ai cũng bận tối tăm mặt mũi, tìm đâu ra người cho anh dông dài, vì thế bọn sinh viên từ trong nước ra là đối tượng tốt nhất. Chúng tôi ngoài giờ học không còn biết giao du với ai, bạn bè không, gia đình không, đường đi nước bước cũng không rành nốt. Thường anh Phi ghé vào phòng một đứa ở đầu hành lang, khi thấy chủ nhà lấy tập vở ra chuẩn bị học thì anh tự động rút qua phòng kế tiếp. Cứ thế, hết buổi tối thì anh cũng lượn trọn một vòng hết khu học xá cao ba tầng. Đối với lũ Việt Nam ngại tiêu tiền, chịu khó ngồi nghe anh Phi múa mép chẳng khác nào được xem xi-nê miễn phí. Tuy hình ảnh không sống động nhưng dù sao cũng đáp ứng thú tiêu khiển ngoài giờ học. Đề tài được anh hào hứng đem ra ba hoa thường là những mối tình không sao đếm xuể của mình.
Mùa Giáng Sinh, khu học xá vắng lặng, bọn sinh viên nước khác đã quay về chung vui cùng gia đình. Chỉ còn lại lũ Việt Nam bơ vơ, buồn thảm. Thời điểm cuối năm chẳng ai học được, thầy cô, bạn bè đã đi xa, thư viện, phòng Internet đều đóng cửa. Ngoài phố người ta dựng những căn nhà gỗ be bé phủ dây kim tuyến lóng lánh và cành thông xanh mượt làm quầy bán hàng Noel. Những đứa trẻ hiếu động luôn lách khắp nơi mua nến sáp ong; đuổi nhau đến trước căn nhà bốc khói nướng xúc xích khịt khịt mũi rồi chạy tiếp vào căn nhà gỗ trang hoàng bằng kẹo đủ màu đứng liếm mép. Anh Phi dẫn chúng tôi cùng hòa vào dòng người rồng rắn đi hội chợ. Trời rét, những hạt tuyết mịn màng lất phất bay. Anh bảo mọi người đến căn nhà có hai thùng gỗ lớn đựng rượu bày trước cửa. Những chiếc cốc chứa chất lỏng màu hổ phách được bưng ra bỏng tay. Đợi chúng tôi đỏ phừng vì rượu nóng, anh Phi xoa đôi bàn tay hồng hào không cần găng của mình ra lệnh “Về nấu ăn chuẩn bị tối nay”.
Giáng Sinh đó, bọn tôi được ăn một bữa tiệc nửa đêm đặc biệt, có tuyết trắng ngoài trời, ngỗng quay vàng trong lò và cả những món quà nho nhỏ theo truyền thống đón Noel ở đây. Tất cả đều được anh Phi chu đáo sắp đặt. Xúc động, bọn tôi tìm cách làm anh vui lòng:
- Anh muốn tụi em hát hò hay múa may để cảm ơn anh không?
- Khỏi! Tụi em múa sao bằng anh Phi nhảy chứ, vũ sư ở đây mà! - Anh từ chối - Nhưng nếu tụi em chuẩn bị tinh thần nghe anh kể về những cuộc tình của anh từ đây đến sáng, anh sẽ vô cùng cảm tạ.
- Ok! - Bọn tôi ra vẻ hào hứng - Dù gì cũng không thế ngủ vào một đêm như thế này!
Vậy là, bên bình trà nóng và những thanh chocolat nhiều mùi vị, chúng tôi mặc kệ tuyết rơi rất dày, gió reo rất mạnh và ánh đèn vàng lạnh lẽo ngoài kia.
- Tụi em có biết không - Anh Phi bắt đầu vô đề - trong cuộc đời lãng tử của mình, anh có nhiều người tình đến nỗi anh không thể nào có thể thống kê hết.
Bọn tôi nhìn nhau kín đáo cười. Anh Phi đã lặp đi lặp lại điều này nhiều lần mà chưa bao giờ thấy anh cặp kè cô nàng nào.
- Tụi em cũng biết các cô gái Việt Nam thích những anh chàng Việt kiều. Cách đây mười năm anh đã thường xuyên về nước và từ đó chỉ thấy yêu mến các cô gái xứ mình thôi. Con gái Việt Nam biết làm cao, biết kiểu cách, biết tham gia cùng chơi trò “mèo vờn chuột”. Nhìn thẹn thùng đó, khuê các đó, rồi bỗng chốc trở nên khiêu khích, gọi mời. Mấy cô Đầm bên đây giờ đâu còn cái kiểu làm bộ tịch thời thế kỷ mười tám, cứ hợp nhãn là nhào vô hai bên cùng có lợi”.
Hài lòng với phần vào đề suôn sẻ, anh Phi tiếp tục phô bày kiến thức tán gái. Anh bảo có nhiều loại phái đẹp, mỗi loại anh có mỗi kiểu “chuyên trị” riêng. Nữ sinh trong sáng ra dáng “con nhà” thì anh chịu làm người yêu lãng mạn ngày hai buổi đưa đón trước cổng trường. Các cô tiểu thương nhìn đâu cũng ra hàng hóa thì anh vung tay với những món hàng đắt giá. Quý nàng xê xế một thời vang bóng là nữ diễn viên hay người mẫu thời trang lại thích được ca tụng nhan sắc. Các bà nhơ nhở tuổi chớm về chiều mê những chàng trai vai u thịt bắp đảm bảo chuyện phòng the. Các em trí thức máu me nghệ sĩ tưởng rất kiêu kỳ hóa ra dễ dụ: cứ đánh vào lòng từ tâm và sự tự tin rất kỳ quái.
- Lần đó anh bỏ công sức ra “cua” một cô loại này. Kỳ công lắm mà rồi không dám hưởng thụ. Anh phải giả làm một người bí hiểm, có quá khứ tình ái bất hạnh và hoàn cảnh gia đình ngang trái, bất cần đời, bất cần ai nhưng thỉnh thoảng để cho nàng nghĩ rằng “anh ấy cần mình” và dần dần làm nàng có quyết tâm “đem cả nhiệt tình của một người con gái cao cả ra cứu vớt cuộc đời lãng tử yếu đuối”.
Bọn con trai gật gù cười thích thú. Anh Phi không mất một giây chuyển tiếp sang kể về mối tình lớn nhất đời mình. Cô ta tên Kiều Trang, tiếp viên hàng không, rất xinh đẹp và ngoan ngoãn. Quá yêu, cô hiến dâng tất cả trong khi anh vẫn thói trăng hoa quan hệ tình cảm với nhiều người con gái khác. Đến lúc Kiều Trang không chịu đựng nổi, cô đề nghị anh cưới. Anh nói mình chưa có công danh sự nghiệp.
- Hè đó anh đáp xuống phi trường Nội Bài trước, dự sinh nhật một cô bồ ở Hải Phòng. Thật kỳ, anh học hành bê trễ nhưng trí nhớ lại rất tốt, đặc biệt là ngày sinh nhật sở thích các loại trang phục, mỹ phẩm và thức ăn khoái khẩu của các người đẹp. Hết Hải Phòng anh lại thủng thẳng ghé Huế thăm một cô nàng chính gốc hoàng gia tặng cô một chai dầu thơm hiệu “Chanel”. Chừng về tới Sài Gòn mới hay Kiều Trang đã làm lễ đính hôn với người khác rồi. Ai biểu anh để cô ta chờ vô vọng bao nhiêu năm.
- Chà! Gay cấn! Gay cấn! - Tôi trêu chọc - Giống tiểu thuyết quá!
- Mất Kiều Trang rồi anh mới biết mình yêu cô ta thật nhiều. - Không để ý đến lời trêu chọc của tôi, anh Phi buồn buồn kể tiếp - Anh lao đầu vào những cuộc tình chóng vánh để quên Kiều Trang. Tụi em có thể tin hoặc không tin. Anh phá kỷ lục do chính mình lập nên, cùng một lúc làm người tình cho tám phụ nữ.
- Xạo! Bằng cách nào? - Bọn con trai nhao nhao -Ngày chẵn với cô A, ngày lẻ với cô B, cuối tuần với cô C, như vậy cũng chỉ được ba cô thôi.
- Vầy nè, sáng sớm đưa một cô đi ăn rồi chở đi làm, xế xế ghé qua một cô vui vầy, trưa về nhà cô khác cùng ăn cơm. Tối có khi đi với một cô vào vũ trường, hôm chở cô khác đi karaoké. Khuya có đêm ngủ với cô này, đêm sau với cô khác. Tùy theo thời khóa biểu mấy cô mà mình linh động hoán chuyển. Vì là Việt kiều, anh có quyền bận đi thăm bà con mà không ai nghi ngờ thời điểm vắng mặt. Mà mấy em biết không, trong số tám cô đó có diễn viên “mắt buồn” X, hoa hậu về vườn Y, người mẫu hết thời Z...
- Ông này dê thật. - Bọn con trai cười rú lên.
- Không! Anh không thích hình tượng con dê - Anh Phi đính chính - Nghe dung tục quá. Anh thích kiểu nói của tụi Tây hơn. Những người như anh được ví như con bươm bướm, bay từ hoa này sang hoa khác một cách lãng mạn, trữ tình, đẹp đẽ.
Bọn tôi lại cười nắc nẻ với cách ví von và động tác đưa đôi bàn tay lượn lờ như cánh bướm của anh. Đám con trai hỏi làm cách nào để tranh thủ tình cảm của một cô gái nếu xung quanh có nhiều đối thủ khác.
- Tùy! Nhưng con gái phần đông thích sự bất ngờ. Lần đó trong một buổi tiệc sinh nhật, ai cũng chú ý đến một cô bé rất xinh. Trong lúc những anh chàng kia sỗ sàng hỏi địa chỉ, số điện thoại, thì anh bỏ ra ngoài mua bao thuốc lá. Thật ra anh tìm một ông xe ôm, cho ổng vài chục ngàn, dặn canh thấy cô bé mặc áo đầm trắng, cài nơ trắng, tóc rất dài, thì chạy theo. Sáng hôm sau khi cô ta vừa ra nhà đi học đã thấy anh ôm bó hoa đứng chờ sẵn. Lần đó, anh có một mối tình trong sáng rất dễ thương, nhưng mau nhàm với một thằng bươm bướm như anh...
Cứ thế, suốt đêm anh Phi nhồi nhét vào đầu chúng tôi những cuộc tình ngộ nghĩnh của mình. Gần sáng, khi tuyết ngừng rơi và ánh hừng đông dần ló dạng trên những dãy núi trắng nhấp nhô, anh mới trả tự do cho chúng tôi về ngủ. Sau đêm Giáng Sinh, anh Phi đột ngột đi Paris làm việc, anh nói nhà hàng đó trả lương cao, chủ cũng vui vẻ. Vắng anh, bọn tôi thấy thiếu dù vẫn hay than phiền anh “nhiều chuyện”, mất thời giờ. Thỉnh thoảng dăm ba tháng một lần, anh Phi lái xe từ Paris về, ghé qua khu học xá nói nhăng nói cuội được vài câu lại ra đi. Lần nào cùng để lại thức ăn, bảo chúng tôi cố gắng học và dặn bọn con trai “chú ý chăm sóc Bé Còi”, cho tới ngày tôi về nước, anh Phi không còn dịp nấu những món ăn đậm đà hương vị Việt Nam khiến bọn Tây kinh hãi nữa. Trước khi tôi lên máy bay anh gọi vô di động chào tôi với lời hẹn về Việt Nam sẽ nhất định ghé thăm.
Anh Phi giữ lời hứa. Anh ghé thăm với nhiều hộp chocolat trên tay làm cha mẹ tôi hốt hoảng tưởng anh là đối tượng đang săn đuổi con gái mình. Vẫn cách ăn mặc khoe cơ bắp trong những chiếc áo “body” bó sát như hồi bên Tây nhưng “những con chuột” có vẻ khiêm tốn hơn. Trên mái tóc dài lãng tử của anh đã óng ánh đôi sợi bạc. Anh nói do làm việc nhiều, giờ anh muốn chí thú kiếm tiền. Hai anh em đến bệnh viện thăm mẹ của Tuấn, trước ở cùng khu học xá với tôi, nay vẫn làm nghiên cứu sinh chưa về. Bà bị bệnh tim mà con trai duy nhất đi học xa. Anh Phi biếu bà một món tiền kha khá bằng cả tháng lương bồi bàn của mình “Phụ bác đóng viện phí”. Tôi đùa “Lần này bươm bướm lại chọn đậu trên hoa sắp héo sao?”. Lãnh một cái cốc đầu đau điếng từ bươm bướm “đô con” tôi còn phải thành khẩn xin lỗi.
Một năm sau anh Phi lại về Việt Nam và vẫn ghé thăm tôi. Anh khoe đang yêu một cô giáo tiểu học trên Đà Lạt. Cô này đẹp lắm nhưng vẫn chưa thể quên được Kiều Trang. Anh định để dành tiền rồi tính chuyện lâu dài. Anh gởi tôi một số tiến lớn, nhờ giữ hộ kẻo anh lại quen thói ăn xài. Thoạt đầu tôi từ chối nhưng anh nói món tiền này nếu không giữ cẩn thận rồi cũng sẽ trở thành những món quà đắt giá anh tặng lung tung cho các cô bồ như mấy lần trước. “Nếu em muốn anh Phi có cơ hội yên bề gia thất thì giữ giùm cho anh!”. Anh về lại nước ít lâu, một đêm khuya về sáng tôi nhận được điện thoại. Tiếng chuông đổ dồn giữa lúc thanh vắng nghe thật bất an. Tuấn từ Pháp gọi sang.
Anh Phi chết, đột ngột. Tiệm ăn nơi anh làm việc bị hỏa hoạn. Hôm đó anh ở lại ngủ đêm. Cảnh sát điều tra kết luận anh dùng nến để viết thư rồi ngủ quên, cây nến rơi xuống tấm thảm dày bốc cháy. Tiệm ăn tọa lạc trên dãy phố thương mại, ban đêm không người ở, trời lại rét và tuyết rơi dày nên không ai phát hiện sớm hơn. Đến khi lửa cháy lớn anh mới thức giác. Anh phá cửa sổ thoát được ra ngoài nhưng do vết thương quá nặng, anh ra đi ở bệnh viện. Gia đình anh Phi được giữ lá thư viết dỡ, dòng chữ “Em Huyền yêu dấu của anh...” vẫn còn đó. Tuấn giọng thật chùng trong điện thoại “Ông này rốt cuộc cũng chết vì phụ nữ...”
Món tiến anh Phi gởi giờ chẳng biết giải quyết làm sao. Tôi viết thư cho gia đình anh hỏi ý kiến. Cha anh trả lời tôi được toàn quyền quyết định với lý do “nó đã tin tưởng cháu”. Tôi nhờ gia đình tìm giùm địa chỉ cô người yêu trên Đà Lạt, mong muốn trao cho cô trọn món tiền nhưng họ bảo “vô vọng, mỗi lần về Việt Nam nó quen cả đống bồ, không thấy nó viết địa chỉ vào nơi nào để có thể tìm ra, mà cũng không biết cô giáo tiểu học đó tên gì”.
Một năm sau ngày nhận được tin buồn về anh Phi tôi mới sắp xếp được thời gian đi Đà Lạt, hy vọng mong manh tìm được chút tin tức về Huyền (tôi linh cảm lá thư anh viết lần cuối, trong khung cảnh lãng mạn với nến, ở một đất nước không bao giờ cúp điện, là cho cô). Tôi không muốn cô như Kiều Trang, nghĩ rằng anh tiếp tục thói trăng hoa để cô chờ vô vọng. Tôi đem xấp hình đêm Giáng Sinh cả bọn chụp chung với anh Phi, ghé vào các trường tiểu học hỏi thăm và đã gặp rất nhiều phiền toái vì việc làm có vẻ kỳ cục của mình...
Đà Lạt đêm nay tuy không lạnh như mùa đông dạo đó ở nước Pháp, một mình ngồi bên hồ Xuân Hương mờ sương; tôi lại khao khát một khung cảnh ấm cúng thuở du học xa nhà. Bên bình trà nóng và những thanh chocolat nhiều hương vị, những đứa sinh viên ngồi bó gối ra vẻ chăm chú lắng nghe một người hào hứng kể về những chiến công tình ái của mình. Mặc kệ tuyết rơi rất dày, gió reo rất mạnh và ánh đèn vàng lạnh lẽo ngoài song...