Cánh thiệp tháng tư

     iên mở tung cửa sổ đón ánh nắng mặt trời tháng tư dịu dàng tràn vào căn phòng hẹp. Chưa bao giờ cô cảm nhận mùa xuân gần gũi đến như vậy. Ở Sài Gòn với hai mùa mưa nắng, làm sao Tiên hiểu người ta mong chờ mùa xuân đến thế nào sau bao nhiêu tháng lạnh lẽo, âm u và co ro trong nhiều lớp áo dày.
Tiên sửa soạn ra phố, cô nghĩ mình nên mua vài bộ quán áo màu tươi tắn và nhẹ nhàng của thời trang xuân hè. Có tiếng gõ cửa, ý tưởng lớn gặp nhau. Nhỏ July người Thụy Điển rủ Tiên cùng shopping. Cô ngại đi chung với July. Chẳng phải cô không thân thiện, Tiên biết mình “chơi không lại” cô bé sinh viên đến từ một nước Bắc Âu giàu có này. Nhiều lần tháp tùng July đi mua sắm, cô chỉ kịp nhìn giá tiền đã thấy chóng mặt. Chỗ của Tiên là những quầy “hạ giá” trong các siêu thị hay các hiệu bình dân như “Jennyfer” “H&M” hoặc sang lắm là “Pumky”.
Nhỏ Coralia người Ý khoác áo jean bụi, tóc xác xơ một cách cố ý và môi phì phèo thuốc xuất hiện:
- Tụi mình đi phố không? Tôi phải tậu một lố quần áo mới hợp thời hơn. Mỗi năm đến mùa này là con virus shopping thức dậy hoành hành dữ dội!
Cả bọn cười ồ. Hai cô bạn lôi Tiên cùng xuống cầu thang. Cô hòa đồng:
- Thôi được, tôi đi! Theo hai bạn xem chơi thôi, tiền đâu tôi mua!
- Than hoài! - Coralia phà một ngụm khói thuốc vào mặt Tiên - Bảo Tino mua tặng, anh ta mê bạn kinh khủng!
Cả bọn lại ré lên cười. Tino ư? Anh ta chẳng bao giờ tặng cô những món hàng đắt giá. Một chàng trai lãng mạn hiếm có của thế kỷ 21. Tino đẹp trai “rụng rời”. Đó là từ Tiên dùng khi viết email tả cho bọn bạn Việt Nam về anh chàng Ý phòng đối diện. Coralia “bỏ nhỏ” nhiều lần về đồng hương của mình cho Tiên. Gia đình anh thuộc hàng tư sản có tên tuổi trong ngành công nghiệp thời trang Ý. Nghe đâu chính Tino còn được làm chủ tịch hội đồng quản trị một nhà máy dệt ở Milano. Tiên không thấy chàng sinh viên Mỹ Thuật có biểu hiện gì là con nhà giàu. Tino ăn mặc xuềnh xoàng. Tóc dài, xoăn tự nhiên, phủ nhẹ nhàng xuống khuôn mặt rám nắng của dải đất bên bờ biển Địa Trung Hải. Tino hay tặng Tiên những món quà tự làm, độc đáo nhưng không có giá trị vật chất: bức tranh dán bằng những chiếc lá mùa thu, tấm thiệp cách điệu hình con mèo nhỏ, giỏ hoa nặn bằng bột mì, cái cốc nung đất sét vẽ chữ TIEN... Coralia cứ cười nhếch mép và phà khói thuốc vào những món quà đó khi vào phòng Tiên “Tino giả bộ lãng mạn hay lãng mạn thật đây? Sao hắn không tặng bạn quần áo hay nữ trang?”. July ngược lại, vốn thừa mứa vật chất nên xem trọng giá trị tinh thần. Cô nói ở Thụy Điển mà tìm được một anh chàng lãng mạn như thế, cô đã không sang đây học. July có vẻ bề ngoài đúng dân Bắc Âu: cao to dềnh dàng, da trắng rợn như sáp, tóc vàng nhạt và mắt xanh trong. Cô bé khá tự ti về nhan sắc của mình và thường than không tìm được người yêu trong mộng.
Bộ ba ra bến xe bus. Một chiếc trờ tới, anh chàng da đen đeo túi vải nhảy xuống:
- Chào các cô gái xinh đẹp! Đi đâu vậy? - Anh ta cười tươi phô hàm răng trắng như ngọc, mặt anh trông có vẻ mệt mỏi dù đôi mắt vẫn còn tinh - Chà, một buổi sáng thứ Bảy đẹp trời thế này mà đi dạo thì tuyệt!
- Chào Ibrahim! - July ríu rít - Anh đi với tụi này không? Đang thiếu một chàng trai to khỏe và vui tính làm vệ sĩ cho ba quý cô đây!
- Thật chứ? Thế thì vinh hạnh cho tôi lắm! - Ibrahim lại cười - Nhưng trả bao nhiêu? Nếu lương hậu, tôi bỏ hết mấy việc làm thêm ban đêm khác.
- Láo toét - Coralia phun khói vào mặt Ibrahim -Thôi về ngủ đi!
- Chúc một ngày vui vẻ - Anh chàng quay lưng dợm bước về hướng ký túc xá - Tạm biệt July, tạm biệt Coralia, tạm biệt Nàng Tiên của tôi.
Ibrahim đi rồi, cả bọn vẫn nhìn theo cho đến lúc cái dáng to cao khỏe mạnh của anh khuất sau hàng rào hoa vàng. Ibrahim đến từ Bờ Biển Ngà. Anh là sinh viên khoa Xây dựng kiêm người quét dọn ký túc xá. Tánh anh vui vẻ; thích bông đùa và hay khen tặng mọi người bằng những câu vô thưởng vô phạt nhưng dân châu Âu ít nói: “Hôm nay bạn mặc áo đẹp quá”, “Kiểu tóc này có vẻ hợp đó”, “Chà! Đôi giày độc đáo thật!”. Chưa bao giờ Tiên thấy anh buồn dù cô biết anh gặp nhiều khó khăn. Ibrahim không đến từ nước giàu, cũng không phải công dân nước nghèo nhưng có học bổng như Tiên. Ngoài việc quét dọn và trực đêm cho ký túc xá cùng những sinh viên nghèo khác, cuối tuần anh còn làm ở lò bánh mì ban đêm. Tiên thích vẻ lạc quan và đôi mắt sáng ngời thông minh của Ibrahim. Anh động viên cô mỗi lần cô thất vọng hay buồn nản cuộc sống của một sinh viên nước ngoài nhiều áp lực.
- Nàng Tiên của tôi, coi kìa, đừng như vậy chứ! - Ibrahim cười, hai tay nắm đôi vai gầy của cô bạn Việt Nam lắc nhẹ - Tiên không bao giờ biết buồn, Tiên là phải luôn vui để còn đi giúp đỡ những người khó khăn trong cuộc sống!
Khi nghe Tiên dịch tên mình có nghĩa là “cô tiên ở trên trời”, bọn bạn ở kỷ túc xá hay trêu và gọi cô là “ma fée”. Thế nhưng, Tiên chẳng giúp ai được gì ngoài vẻ yếu đuối, nhút nhát và tỏ vẻ cần sự quan tâm của người khác. Vậy mà cả July và Coralia đều cho rằng đó là vũ khí lợi hại khiến bọn con trai mê đắm. Ở xứ này, người ta quen cảnh nam nữ bình quyền, con gái cũng hùng hổ, mạnh mẽ, xốc vác như con trai. Thậm chí, con gái còn quậy phá hơn. Tiên để ý thấy sinh viên nữ hút thuốc nhiều hơn các bạn trai. Cuối tuần, trong khu phố vui chơi dành cho sinh viên, các cô vào quán bar, nốc bia xả láng và thoải mái tìm hốc nào đó, ngồi xuống tháo nước trong người. Trong chuyện yêu đương, phái nữ cũng tán tỉnh trước. Tiên khá ngạc nhiên thấy các nàng đè bạn trai ra hôn và chủ động nắm tay lôi đi. Hình như con trai bị bạn gái tác động và khá e dè. Thậm chí có chàng thấy sợ, phải tỏ thái độ chạy trốn khi bọn con gái tấn công quá rát. Tino và Ibrahim tiêu biểu cho dạng con trai này. July cho Tiên biết vẻ bất cần đời của Tino hút con gái mới lớn ghê gớm. Còn Coralia nhận xét dáng vẻ khỏe mạnh và lạc quan của Ibrahim làm các nàng chạy theo từng đàn. Thời kỳ mới nhập học vào đầu mùa thu, Tiên từng chứng kiến các cô đến gõ cửa phòng Tino và quấy rối Ibrahim hàng đêm. Riết thấy các chàng không đáp trả, họ cũng nản và tự động rút lui.
- Tiên, bạn có biết cả Ibrahim cũng mê bạn lắm không? - Khi leo lên xe bus rồi July còn tư lự hỏi - Hôm nọ vào phòng anh ta tôi bắt gặp tờ giấy nháp ghi chi chít tên “Tiên”. Tại sao con trai nào cũng thích bạn hết vậy?
- Tại Tiên biết nấu những món Việt Nam - Coralia đoán - Chứ như tôi chỉ biết luộc mì ống spaghetti rồi mua hộp sốt cà trong siêu thị chan vào. Bọn con trai tham ăn lắm, cứ cho chúng ăn ngon ngon vào.
Tiên cũng ngạc nhiên thấy mình thu hút cảm tình của con trai bên đây. Cô dáng người bé nhỏ, không có đôi chân dài quyến rũ như Coralia, cũng không “đồi núi chập chùng” vốn khiến đàn ông lưu ý như July. Biết cô người Việt, e dè trong giao tiếp, chẳng bạn trai nào dám có những “lời đề nghị khiếm nhã”. Họ đối với cô dịu dàng, trong sáng và quan tâm giúp đỡ.
- Tối nay tụi mình nấu gì đó ăn đi! - Tiên đề nghị -Dạo này không quá bận.
- Được thôi, mua sắm xong mình đi siêu thị! - July hào hứng - Nhớ làm món thịt kho hột vịt với nước dừa, như dạo Tết Việt Nam nhé!
- Và cả chả giò! - Coralia mắt sáng rỡ - Thêm tôm lăn bột chiên nữa!
- Các bạn con gái mà cũng tham ăn - Tiên cười - Vậy mà cứ đổ thừa bọn con trai!
Buổi tiệc tối thứ Bảy đó có đủ cả ba món như July và Coralia yêu cầu. Tino cột món tóc dài lại, đùa “Để ăn có hiệu quả”. Anh tặng Tiên bó hoa bằng giấy và vải làm rất công phu “Đáng lý để dành tặng sinh nhật Tiên vào tháng tám - Tino cười nháy mắt - nhưng thấy các món ăn tuyệt quá, tặng trước luôn!”. Ibrahim xin lỗi không dự được, anh phải đi làm đêm. Đeo chiếc túi vải đã sờn vào vai, anh giơ tay chào mọi người. Tiên bảo chờ, cô gói vài cuốn chả giò cho anh đem theo nhưng anh khoát tay “Không kịp, tôi trễ chuyến bus này phải chờ đến bốn mươi lăm phút sau mới có chuyến tiếp theo. Tối thứ Bảy mà!”
Ibrahim đi rồi, mọi người vẫn ăn uống, trò chuyện và vui đùa xôm tụ. Tiên để dành thức ăn cho anh vào chiếc hộp nhựa màu xanh, cất sâu trong tủ lạnh ở bếp. Khi Tino hỏi còn chả giò không, cô dối “Hết rồi!” Ăn xong mọi người cùng nhau xem phim trong phòng của July, mãi đến bốn giờ sáng mới chúc nhau “ngủ ngon nhé!”. Tiên lên giường, thoáng nghĩ, giờ này chắc Ibrahim vẫn còn nhồi bột hay đứng canh bánh mì bên bếp lò nóng rực.
Sáng hôm sau, Tiên gõ cửa phòng Ibrahim đưa chiếc hộp nhựa màu xanh, nói khẽ “Ăn đi, rồi hãy ngủ”. Anh cười, lắc đôi vai cô, xuýt xoa “Bạn sẽ là một người vợ thật lý tưởng!”. Tiên ngượng, cúi đầu cười không đáp rồi quay lưng ra về. Tino đang đứng trước cửa phòng, thấy Tiên cầm trên tay chiếc hộp nhựa đã trống.
- Mới ở chỗ Ibrahim về phải không? - Mắt Tino đượm buồn - Chắc anh bạn ăn không ngon bằng chúng ta tối qua đâu, nguội lạnh thế kia.
- Sao? - Tiên ngớ người, không hiểu vì sao Tino biết mình đem thức ăn cho Ibrahim.
- Thứ Sáu tuần sau ba tôi sẽ từ Ý sang thăm - Tino lái qua chuyện khác - Ông vừa gọi điện. Tôi muốn mời Tiên cùng đi ăn tối với chúng tôi.
- Có cả July và Coralia nữa chứ?
- Ơ... - Tino lúng túng - Tôi nghĩ... tôi nghĩ chắc ba tôi không thích đông người lắm.
Tiên đồng ý, cô thấy đôi mắt màu hạt dẻ của Tino ánh lên vẻ vui mừng. Cuối tuần đó, Tino mặc complet tươm tất làm Tiên bối rối chẳng biết diện đồ gì. Anh bảo “Mặc áo dài Việt Nam như hồi bạn tổ chức Tết đó!”. Cô ngại làm mọi người chú ý nhưng rồi cũng chiều lòng Tino. Lúc hai người sánh vai xuống cầu thang, bọn sinh viên trong hành lang xôn xao “Chà! Đẹp đôi quá!”. July nhìn với theo, vẻ ganh tị cố kìm nén “Chúc vui vẻ nhé!”. Tiên thẳm cảm ơn Chúa vì đã để nhỏ Coralia nhiều chuyện sang Đức thăm chị gái. Thế nhưng khi Tiên bước lên chiếc limousine dài ngoằn, sang trọng của ba Tino, cô chợt thấy Ibrahim đeo túi vải chuẩn bị đi làm. Anh đứng lại chào mọi người, lịch sự bắt tay ba Tino, vui vẻ chúc Tino và Tiên một buổi tối tốt lành rồi quay lưng đi ra trạm xe bus. Ngồi trong chiếc xe tiện nghi êm ái dần lướt ra khỏi sân ký túc xá, Tiên còn kịp thấy dáng cô đơn chờ bus của Ibrahim trong ráng chiều. Tháng tư, mặt trời đi ngủ muộn. Nếu không Tiên đã chẳng nhận ra vẻ mặt buồn hiếm gặp trên khuôn mặt người bạn có làn da đen bóng và đôi môi hay cười.
Ba Tino mến cô ngay lần gặp đầu tiên. Ông bảo đã nghe con trai út kể nhiều về một bạn gái đến từ Việt Nam. “Cô biết không, con tôi yêu cô mà không dám ngỏ!”. Ông tỏ tình giùm cậu con trai cả thẹn. Tino cúi mặt, chiếc nĩa run lên trong tay. Sau buổi tiệc, lúc chiếc limousine của ba anh đưa hai người về ký túc xá; Tino đề nghị Tiên đi dạo với mình. Anh không lặp lại lời tỏ tình mà đột ngột nắm tay Tiên hỏi:
- Em yêu Ibrahim phải không?
Tiên không đáp. Sự thật cô không biết phải trả lời thế nào. Chưa bao giờ cô đặt cho mình câu hỏi này.
- Anh biết em quan tâm đến anh ta - Tino hất mái tóc đang bối rối bay - Hôm em làm tiệc tối thứ Bảy, em đã để dành hộp thức ăn màu xanh cho Ibrahim trong tủ lạnh. Khuya đó anh tìm nước uống, tình cờ thấy được.
- Ibrahim thật dễ thương - Cuối cùng Tiên cũng lên tiếng - Anh ta thật đáng phục...
Hai người lên cầu thang về phòng. July đang trong hành lang, tò mò không hiểu vì sao Tino và Tiên đều tư lự.
Mãi đến mùa hè, lúc July, Coralia và cả Tino đều quay về nước, Tiên vẫn chưa thể cho mình câu trả lời rõ ràng “Tino hay Ibrahim”. Cô chỉ nhét vào khe cửa phòng Tino tấm thiệp tạm biệt và chúc anh được may mắn. Tựu trường năm sau, khi anh trở lại ký túc xá, cô đã về Việt Nam rồi.
Kỷ túc xá vắng lặng, mùa hè chỉ còn những sinh viên nước ngoài hệ Cao học. Tiên làm luận văn và nóng lòng trở về nước. Ngày cô ra phi trường, Ibrahim chỉ đưa được đến cổng ký túc xá. Anh phải đi làm, một chân hái táo ở nông trại nào đó. Anh lặp lại “Em sẽ là một người vợ tuyệt vời. Phúc cho ai được cưới em!”, Tiên không cúi mặt ngượng ngùng nữa. Cô dịu dàng nhìn vào mắt Ibrahim “Anh rất dễ thương!”. Xe chạy rồi, Tiên còn trông thấy anh nói với theo “Tạm biệt Nàng Tiên của tôi!”. Chẳng hiểu sao Tiên chợt nhớ Tino lạ lùng “Sao mình chưa bao giờ khen, anh ta cũng rất dễ thương?”

 

Tháng tư Sài Gòn, mặt trời thật gay gắt. Tiên vừa nhận được tấm thiệp kết bằng một loại hoa màu hồng. Cánh thiệp đến từ dải đất bên bờ Địa Trung Hải. Tác giả của nó không trở lại ký túc xá kỷ niệm nữa. Anh xuống miền Nam tìm cảm hứng sáng tác. Còn Ibrahim, anh hẳn đang lao động đâu đó để kiếm tiền ăn học.
Tiên ngắm tấm thiệp hoa, bồi hồi nhớ những bạn bè cũ. Và rồi cô nhận ra, ở một nơi xa, có người luôn nghĩ đến Tiên và dành tặng cô những vật phẩm làm bằng cả tấm lòng...