Hành trình của những người trẻ

     rong đời, có những khoảng thời gian tuy không dài nhưng lại làm cho người ta trưởng thành hơn rất nhiều so với những năm tháng lê thê không biến động.Trong hai năm ngắn ngủi du học tại vương quốc Anh, một đất nước cổ kính nổi tiếng về giáo dục ở Châu Âu, Liên đã học được cách nhận ra mình, biết được dân tộc mình nằm ở đâu trong tâm trí bạn bè năm châu và đất nước mình hiện hữu ra sao trên bản đồ thế giới. Cô đã bỏ được thói đỏng đảnh đem đạo đức và những giá trị truyền thống ra đánh giá tất cả mọi sự việc. Rốt cuộc, Liên hiểu rằng chẳng có một thước đo giá trị nào được xem là chuẩn mực khi thế giới ngày càng có vẻ xích lại gần nhau nhưng tình bằng hữu giữa các dân tộc lại có vẻ xa ra hơn và khoảng cách giàu nghèo càng trở nên thăm thẳm. Ngay cả trong cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài và trong nước đã không cùng một tiếng nói. Liên nhớ khi bọn sinh viên vào một quán karaoke nhỏ mang tên “dân tộc” của một Việt kiều, những người đàn ông đáng tuổi cha chú lại cười hô hố rất khiêu khích “Chào các đồng chí!”. Rồi khi một bạn gốc Bắc chọn bài “Lên đàng”, âm thanh bị chỉnh phá một cách quá quắt, Liên bất mãn nghe họ la to “Quậy cho tụi cộng sản con hết hát!”. Và thật buồn cười, ngay chính những người trẻ ra đời khi đất nước thống nhất cũng gờm nhau mà phân biệt vùng miền. Liên ngại qua lại với những ai nói tiếng Việt dù họ định cư lâu năm tại nước ngoài hay cùng là dân trong nước sang du học như cô. Liên cũng không tự tin giao tiếp với những người da trắng đến từ các nước tiên tiến vốn chẳng biết Việt Nam nằm đâu và tự hỏi chiến tranh có còn tiếp diễn. Cô chơi với những người bạn đến từ lục địa đen và yêu tính hồn nhiên như trẻ thơ của họ. Với họ, mọi giá trị đều mang nghĩa tương đối và họ chấp nhận cuộc đời như nó vốn có với đầy đủ hỉ nộ ái ố, với những điều tốt đẹp và những trò xấu xa, với những phút vui sướng và những giờ khổ đau. Những người bạn Châu Phi có màu da không sáng sủa đó rất biết cách tận hưởng cuộc sống vào mỗi giây phút họ hiện hữu để không bao giờ phải hối tiếc về sau. Và, Liên thấy họ là những người hạnh phúc nhất trong ngôi làng thế giới nhiều giống dân, mãi mãi tồn tại những bất công và mâu thuẫn này.
Về Việt Nam, Liên đi xin việc rất chật vật vì bằng cấp tỉ lệ nghịch với kinh nghiệm. Làm nhân viên quèn quá phí mà làm trưởng phòng thì chưa đủ kinh nghiệm, chẳng công ty lớn nào dám nhận Liên cả. Cô nhớ trường hợp chị Cầm tình cờ gặp trên xe lửa trong thời gian du học. Chị nói mình có bằng thạc sĩ, đã từng làm ba năm với cương vị giám đốc sản phẩm cho một công ty hàng tiêu dùng đa quốc gia, sau khi lấy chồng là một Việt kiều, sang bên này chị không sao xin được việc. Chẳng công ty lớn nào dám giao vị trí manager cho một người từ Việt Nam sang như chị, họ cũng không muốn tuyển chị vào những vị trí nhân viên thường sau khi đọc cái sơ yếu lý lịch quá ấn tượng. Họ không muốn phí tiền mua một thanh gươm báu cho việc cắt bánh mì. Thế là chị Cầm thất nghiệp mười tám tháng trời ròng rã dù cố gắng đi xin việc mờ mắt. Nhưng lòng kiêu hãnh khiến chị nhất định không cam lòng bỏ bớt đi bằng cấp và khai gian mình chưa từng được làm quản lý. Không muốn rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như chị, Liên bắt chước cách sống “thuận theo tự nhiên” như những người bạn Châu Phi, cô quyết định dấu bớt mảnh bằng cao nhất thì đột nhiên một công ty Việt Nam gọi đi làm với chức manager dù rằng nhìn vào bản mô tả công việc Liên thừa biết đó chỉ là hữu danh vô thực. Cô thấy tội nghiệp cho Hà, một cô bé sinh viên người Hà Nội, bị gia đình có truyền thống trọng bằng cấp ép sang du học dù sức Hà không kham nổi. Năm này qua năm khác cô bé rớt lên rớt xuống thiếu điều muốn tự tử nhưng cha mẹ nhất định không cho về. Họ đã giành giật để cho con suất học bổng toàn phần, giờ dù có phải bán nhà để Hà tiếp tục ở lại bằng chi phí tự túc họ cũng cam, miễn cô bé đem về trình cho họ tấm bằng Đại học cấp từ một trường Châu Âu. Liên viết email sang kể tình trạng xin việc khó khăn của mình, khuyên Hà xin gia đình thương tình cho về nước. Có học bổng như Liên còn thấy tiếc huống hồ Hà phải chịu áp lực cha mẹ bán nhà cho mình học để rồi khi về Việt Nam tuổi đã lỡ dỡ, kinh nghiệm không có, xin việc gian nan. Hà nhận được tin Liên bèn trả lời ngay qua điện thoại đường dài “Chị ơi, bố mẹ em biết hết tình hình, giờ ở Hà Nội các thạc sĩ, tiến sĩ du học về đông như kiến. Họ cũng chỉ trở thành công chức quèn sáng cắp ô đi chiều cắp ô về hay tột đỉnh vinh quang là làm giáo sư Đại học với đồng lương chết đói và sống trong một cơ chế nặng nề. Nhưng mà thế đấy! - Giọng Hà vừa phẫn nộ vừa cam chịu - Thà em chết dí ở bên Tây chứ bố mẹ không cho em về tay không. Khác nào em bị đày biệt xứ hả chị?!”.
Liên đi làm vui vẻ được mấy ngày đầu rồi chua chát nhận ra ông sếp trực tiếp có một mặc cảm tự ti sâu sắc với kiến thức của nhân viên trẻ nên lúc nào cũng hờn dỗi “Tôi đâu được học bên Tây, đâu thông thái bằng cô mà dám ý kiến ý cò...”. Hết mát mẻ ông trưởng phòng chuyển sang nóng nảy “Cô tưởng cô là ai? Tổng giám đốc tuyển cô vào chỉ muốn đem bằng cấp cô ra loè khi có đối tác nước ngoài đến làm ăn. Cô học cao thật nhưng ở cái trường bên Tây đó người ta không dạy cô nghệ thuật sống. Cô có muốn tôi tặng cô cuốn ‘Đắc nhân tâm’ của Dale Carnegie viết không? Công ty tôi chỉ có một cuốn sách giáo khoa duy nhất là ‘Đắc nhân tâm’, thế mà tôi thành công thế này đây!”. Liên không nghi ngờ sếp về chuyện này. Ông chỉ có bằng Đại học hệ tại chức và mấy lần nộp đơn xin học bổng du học của cơ quan đều thất bại. Ông dán đầy bàn làm việc những điều hay ho trích ra từ “sách giáo khoa” như “Kẻ làm quấy oán trách đủ mọi người mà không bao giờ oán trách mình cả”, “Đừng tiếc lời khen vì những lời đó ta có thể sẽ quên đi nhưng người được khen sẽ hoan hỉ suốt đời!”, “Cách hay nhất để thắng mọi cuộc tranh biện là tránh hẳn nó đi!”, “Phải tôn trọng ý kiến của người khác, đừng bao giờ chê ai là lầm hết!”, “Licoln nói: ‘Ruồi ưa mật! Nên ôn tồn, ngọt ngào, không nên xẵng!’...” Liên đồng ý hết những lời hay ý đẹp nhằm đắc nhân tâm của trưởng phòng nhưng kinh sợ cái cách ông ta thực hành ngược lại. Chẳng nhân viên nào chịu nổi những vô lý của sếp và cách xử sự vấn đề mâu thuẫn với chính cá nhân ông. Ông bắt mọi người chiều theo ý kiến mình dù ngay bản thân cũng chưa bị thuyết phục để rồi thay đổi xoành xoạch và cuối cùng giành lấy giải quyết một mình, không quên chì chiết nhân viên thật tồi tệ. Liên nộp đơn đầu hàng khi hết hạn thử việc. Trưởng phòng gọi vào, giọng kẻ cả: “Em xử sự thế là đúng!”. Lần đầu tiên Liên thấy ông đồng ý với mình. Sếp nói tiếp, giọng làm bộ ngọt “Em có muốn chúng tôi giới thiệu làm việc chỗ khác không? Chúng tôi quen biết nhiều, sẽ giúp em. Có thể ở chỗ khác em phù hợp hơn chăng?”. Liên không phải “ruồi” nên chán ngán miếng “mật” ông ta chìa ra. “Cảm ơn! Em không dám làm bận tâm anh những chuyện nhỏ nhặt như vậy! Dù sao cũng rất mang ơn anh đã chỉ cho em biết cuốn ‘Đắc nhân tâm’ hay đến thế nào và thực hành nó một cách tối ưu ra sao!”. Không nhận biết những lời bóng gió, sếp chìa tay ra bắt, tiễn Liên đi vui vẻ. Vĩnh biệt những người sếp tự ti trong những cơ quan đầy mặc cảm.
Cuối cùng sau bốn tháng nằm nhà, Liên vào được một công ty đa quốc gia sản xuất và kinh doanh các mặt hàng sữa với chức danh “phụ trách đào tạo” thuộc phòng nhân sự. Dù không mấy thích công việc này nhưng cô biết đây là cơ hội cho một người thiếu thực hành thừa lý thuyết như mình. Liên nhiệt tình cố gắng làm tốt công việc để chứng tỏ bản thân và được Ban giám đốc hỗ trợ dù những khó khăn từ sự đố kỵ của đồng nghiệp không ít lần làm cô thất vọng. Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp Liên như được trở về với không khí năng động thời du học bên Anh. Cô hiểu ra trước kia mình thật không công bằng khi trách những trí thức trẻ du học về không làm việc trong công ty Việt Nam mà thích đầu quân vào những công ty đa quốc gia. Cô đã thiển cận nghĩ họ chỉ bị thu hút vì lương cao. Thật ra môi trường chuyên nghiệp mới là miền đất hứa cho những người trẻ nhiều hoài bão. Tiếc là những viên gạch mình xây đắp mỗi ngày không phục vụ trọn vẹn cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước.
Làm việc được hơn một năm, Liên được thuyên chuyển sang bộ phận Marketting, làm “giám đốc sản xuất” cho một nhãn hàng mới về sữa bổ xung canxi cho trẻ em đang lớn. Lương cô được tăng lên gấp đôi và trước khi chính thức bắt tay vào vị trí mới, Liên được sang công ty mẹ tại Thụy Sĩ học nghề trong hai tháng. Trở lại Châu Âu sau gần ba năm xa cách, cô ngỡ ngàng nhận ra trong suốt thời gian đó hầu như Châu Âu không thay đổi gì so với tốc độ xây dựng chóng mặt ở Việt Nam. “Quả thật nước mình đang trong giai đoạn thay da đổi thịt hằng ngày”, Liên vui vui nghĩ. Từ Thụy Sĩ nhân một kỳ lễ kéo dài nhiều ngày, Liên lấy vé máy bay sang Anh thăm ký túc xá cũ ở Birmingham - nơi kỷ niệm thời du học vẫn ùa về trong từng giấc mơ hằng đêm.
Đầu thu lá vàng rơi vô lối xuống những con đường hẹp của thành phố cổ kính và đã xuất hiện những cơn gió cắt da thi thoảng làm rùng mình khách bộ hành. Kéo cao cổ áo, Liên nhớ đến lời một vị giáo sư Đại học Việt Nam đã bốn mươi năm định cư ở Anh: “Thời tiết đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế: những nước khí hậu lạnh khắc nghiệt miền Bắc Âu đều có nền công nghiệp nặng phát triển vượt bậc, còn nước ấm cúng phương Nam chỉ lấy hội hè làm vui”. Liên mỉm cười cúi nhặt một chiếc lá vàng. Ở đâu con người biết vận dụng những khó khăn để biến thành động lực thì ở đó có phát triển. Còn những ai sớm tận hưởng sự tiện lợi sẽ phải thiệt thòi về sau. Trong chuyến du lịch vòng quanh Châu Âu do trường Đại học Birmingham tổ chức những ngày còn du học, Liên đặc biệt yêu thích người Hà Lan. Họ thân thiện, hiếu khách và giỏi ngoại ngữ một cách đáng ngạc nhiên. Ngay cả những tài xế lái xe bus trên đường phố Amsterdam hay những nông dân chăn nuôi bò bên những cối xay gió hiền hòa đều nói được lưu loát hai ngoại ngữ Anh - Pháp. Khi cô nêu thắc mắc họ học ngoại ngữ làm gì thì nhận được câu trả lời chất phác “Để giao tiếp với thế giới vì có ai biết được tiếng Hà Lan đâu!”. Lần đó một vài sinh viên người Anh đi chung đỏ mặt muốn độn thổ, họ gật đầu thú nhận “Người Anh chúng tôi yếu ngoại ngữ kinh khủng!”
Ký túc xá giờ buồn thiu vì chẳng thể nào tìm lại được không khí xưa với những người bạn từ khắp nơi tụ về. Liên chỉ gặp lại được một vài sinh viên khi cô về Việt Nam họ hãy còn là lính mới năm nhất. Hà đã nghỉ học vì liên tục rớt nhiều năm, trường không cho đăng ký tiếp, cô bé không dám quay về Việt Nam mà chạy sang Pháp, chui vào một trường nhỏ xíu không tên tuổi hòng dễ tìm một mảnh bằng con con đem về trình phụ huynh. Liên nhẩm tính dễ chừng thời gian Hà học xong Đại học cũng tương đương với số năm người ta làm tiến sĩ. Liên tìm đến thăm chị Cầm giờ đã cam phận mở một cửa hàng bán hoa nho nhỏ. Chị mừng cho thành công của Liên, rưng rưng nước mắt “Nếu còn ở lại Việt Nam giờ chị đã có thể lên đến chức ‘giám đốc tiếp thị’, nắm trong tay chiến lược kinh doanh của bao nhiêu mặt hàng, chị sẽ có mức lương chừng hai ngàn đô và hạnh phúc với sự nghiệp đáng tự hào của mình”. Liên an ủi dù sao giờ ngồi bó những bông hoa cho khách chị cũng được sống với niềm vui yêu hoa lá mà trong thời gian làm việc bận rộn ở Việt Nam chị không tận hưởng được. “Ừ thì cũng phải biết chấp nhận cuộc đời để tiếp tục sống - chị Cầm cười hiu hắt - ông xã cũng rất thương chị, sợ chị thất nghiệp ngồi không buồn quá, ổng gom hết tiền cho chị thuê cửa hàng bán hoa này...”
Tạm biệt chị Cầm, Liên quay lại Thụy Sĩ háo hức tu nghiệp tiếp. “Đại bản doanh” của công ty mẹ thật quy mô với những nhà máy sản xuất hiện đại làm Liên say mê học hỏi. Hầu như ngày nào cô cũng ở lại đến chuyến xe bus cuối cùng lúc mười giờ hơn. Thời gian dường như trôi qua quá nhanh khi người ta tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. Cuối thu vào đông, thời tiết trở nên khắc nghiệt, Liên lên đường về Việt Nam với lòng nhiệt tình được cống hiến tối đa những gì công ty đã ban tặng. Cô thường chạnh lòng tiếc cho những bạn trẻ làm việc trong những cơ quan nhiều tiềm năng nhưng cơ chế nặng nề và phải chịu đựng mấy ông sếp tự ti lúc nào cũng thích thú với việc làm thui chột sức sáng tạo của những nhân viên trẻ tài năng. Nếu họ được trân trọng và tạo điều kiện học hỏi như Liên thể nào họ cũng sống chết với nghề và làm rạng danh nước Việt. Ngay cả Liên bây giờ cũng đành đi đường vòng, học hỏi và cống hiến cho những công ty nước ngoài trước khi có đủ kinh nghiệm làm việc cho chính doanh nghiệp một trăm phần trăm Việt Nam của mình. Tiếc là khi đó kinh nghiệm vững vàng nhưng lòng nhiệt tình và sức sáng tạo của tuổi trẻ đã ở lại với những công ty ngoại quốc.
Trước khi về nước, Liên tranh thủ ghé sang Pháp thăm Hà. Cô bé ở tận một tỉnh nhỏ vùng Tây Bắc xa xôi nên khi ra phi trường đón người bạn cũ, Hà đã bật khóc xúc động. Liên ngỡ ngàng được Hà dẫn ra chợ, nơi chiếc xe tải nhỏ bán đồ ăn Việt Nam đậu khiêm tốn trong một góc hẹp. Một anh chàng nhỏ thó nhưng có vẻ vui tính chào đón Liên niềm nở và hối hả làm cho cô một hộp đầy ắp nào chả giò, tôm lăn bột chiên và bánh cuốn. “Ông xã em đấy - Hà lỏn lẻn cười thành thật giới thiệu - Bên nhà chẳng ai biết đâu. Anh ấy thương yêu em lắm, chúng em cùng vất vả buôn bán nhưng hạnh phúc lắm chị ạ!”. Liên gật đầu thấu hiểu nhưng còn cố hỏi “Vậy chuyện học tính sao?”. Hà dứt khoát lắc đầu “Dẹp hết, em sang Pháp những muốn học lại nhưng tiếng Pháp tiêu hóa không xong. Em gặp anh Tuấn, anh ấy cũng là lưu học sinh đấy, tốt nghiệp văn chương Pháp hẳn hoi nhưng xin việc khó quá, người dì sang lại cho anh ấy chiếc xe này. Chúng em thương nhau, dựa vào nhau mà sống. Em chẳng về Việt Nam nữa đâu, chừng nào bố mẹ vẫn khăng khăng đòi em đem bằng về”. Tiễn Liên ra phi trường, Hà dúi vào tay cô một xấp tiền lẻ sặc mùi dầu mỡ nhờ đem về làm quà cho bố mẹ “Bao nhiêu năm nay các cụ tằn tiện cho con, thế mà... Cứ nói em đi làm thêm. Đừng kể gì về anh Tuấn và chuyện em bỏ học nhé - Hà khóc không thành tiếng - Em cũng khổ tâm lắm chị ạ!”. Liên lên máy bay, đau lòng thương Hà, thương Tuấn, thương chị Cầm và cả những bạn trẻ bên nhà luôn ao ước một lần sang nước người du học và hẳn từng ganh tị với những ai được bước chân vào giảng đường phương Tây.
Về lại Việt Nam sau mấy tháng học bên công ty mẹ, Liên bị mọi người nhận xét già dặn hẳn ra. “Bên đó tụi nó có ‘khủng bố’ em không mà trông em sọm lại thế?”. Liên bật cười lắc đầu, chân thành trả lời với mỗi đồng nghiệp như thể đang tự nói với chính mình “Thì phải trưởng thành hơn chứ! Lần nào đi cũng vậy, hành trình đi tìm chính mình bao giờ cũng thú vị, dẫu có nhiều niềm đau...”