Bồ câu chung mái vòm

     ửa sổ phòng tôi trông thẳng ra một nhà thờ đá cổ kính, lúc nào cũng đầy những chú chim bồ câu tá túc trên các mái vòm phủ rêu xanh êm đềm. Bàn học được tôi đặt ngay cửa sổ, sáng sớm đón bình minh với những dải nắng phủ hờ trên tháp chuông, chiều tà nhìn hoàng hôn dần buông xuống ngọn thánh giá.
Những ngày đông tuyết rơi trắng mấy viên đá phủ nhà thờ trầm mặc, những chiều hè mưa rớt lao xao vào các tấm kính ghép những bức tranh màu sặc sỡ. Với một khung cửa sổ mơ mộng và yên bình, lẽ ra tôi có thể ngồi học cả ngày không mệt mỏi. Thế nhưng sau lưng tôi là cánh cửa, mở ra hành lang chung của ký túc xá, mở ra một thế giới thu nhỏ sôi động.
Tầng hai của tôi có tất cả mười sáu phòng với tổng cộng mười quốc tịch, bốn tôn giáo và ba màu da. Giờ cao điểm, bếp ăn trộn lẫn nhiều mùi vị của thịt cừu sa mạc, gà nướng châu Phi và nước mắm Việt Nam. Buổi sáng hành lang đầy tiếng chân vội vã, tiếng vòi sen hăm hở chảy trong nhà tắm vọng ra, tiếng chào hỏi í ới và chúc nhau một ngày tốt đẹp.
Chiều về hành lang rộn rã tiếng cười vô tư của những anh chàng da đen, tiếng tranh cãi ồn ào của đám đông da trắng và tiếng thẽ thọt của dân da vàng. Khuya đến, khi hành lang bị tắt điện và ánh đỏ lờ mờ của chiếc đèn ngủ được thay thế, tiếng đọc kinh rì rầm của những cô cậu đạo Hồi bất chợt vang lên. Đó là những âm thanh của hòa bình.
Những ngày chiến tranh, tôi không sao học được vì tiếng cãi cọ giành chọn kênh truyền hình trong phòng đọc sách, tiếng cằn nhằn của những chị em trong phòng tắm vì quần áo bị cầm nhầm, tiếng đôi co đổ tội dơ bẩn cho nhau trong nhà bếp. Đặc biệt, một loại âm thanh không ra hòa bình, chẳng phải chiến tranh nhưng làm nhiều người đau đầu. Mỗi khi có ai dẫn tình nhân về phòng qua đêm, hai bên hàng xóm đành cùng nhau mất ngủ.
Trong thế giới thu nhỏ ở tầng hai, tôi thích giao du với những người da đen và kết thân với hai chị. Vic đến từ Madagasca, đã lập gia đình, có hai con trai. Chị từng du học sáu năm ở Trung Quốc nên khá thông hiểu về văn hóa phương Đông. Vic cư xử khá lịch thiệp và tế nhị. Chị có đôi mắt rất mượt, lãng mạn và đa tình. Ngược với Vic, Rita giữ nguyên bản tính hồn nhiên, vô tư lự và mộc mạc của châu Phi hoang sơ. Rita người Cameroon, thân hình cân đối, khỏe mạnh. Chị có chồng, một “Cameroon kiều” - Philipe hiện sống theo kiểu bất hợp pháp ở Bruxelles. Cuối tuần Rita lại đáp xe lửa từ Liège đến thủ đô thăm chồng. Thỉnh thoảng Philipe đến Liège thăm vợ. Tôi cũng giao thiệp với những người da trắng nhưng chỉ dừng lại ở những câu chào đơn điệu, họ không thân thiện ngay cả với những người cùng màu da. Những người Bắc Phi da sáng, nói tiếng Ả Rập, tuy lịch sự nhưng có vẻ bí hiểm. Đặc biệt, tôi có một đồng hương, giảng viên đại học. Anh Việt kín đáo, không bao giờ nói lên những suy nghĩ thật của mình. Anh ít bộc lộ ý kiến cá nhân, thích hô hào và sống theo phong cách luôn tự kiểm duyệt mình. Ngoài tôi, anh hầu như không giao du với ai.
Rất nhanh sau lần gặp đầu tiên, Vic, Rita và tôi đã là một bộ ba dù đôi lúc xảy ra nhiều hiểu lầm do bất đồng văn hóa. Trên tinh thần chân thành, chúng tôi xây dựng một tình bạn gắn bó. Do học cùng lớp, hai chị thường đi chung hơn. Thường tôi về ký túc xá sớm vì học kinh tế không phải đi quá xa. Hai chị học nuôi trồng thủy sản phải đáp xe lửa đến một tỉnh nhỏ lân cận, có hồ nhân tạo. Những lúc không quá bận bịu việc học, tôi làm bếp, những món Việt Nam chờ Vic và Rita về cùng ăn.
- Đây là món gì, Tâm? - Vic nhướng đôi lông mày được chăm sóc cẩn thận hỏi - Nhìn lạ quá, nếm cũng lạ.
- À, món này tên là... - Tôi bối rối - Thật ra nó không có tên, nhưng đảm bảo đây là một món đặc trưng của Việt Nam.
- Chị nghi quá? Thú nhận đi, đây là món do em tự chế phải không? - Vic không tha - Nhìn tạng em biết không làm bếp được, tự chế đại phải không?
Vic vẫn thường lật tẩy tôi, chị tự hào về vốn văn hóa Trung Quốc của mình. Rita mặc kệ tôi bị căn vặn, chị đi học về đói bụng, chẳng cần mời, cứ bốc thoải mái thức ăn. Rita ăn khỏe và đơn giản. Chị trút hết mớ thức ăn còn lại trong nồi, vét sạch nhẵn mới thôi.
- Đừng có lấy hai cây gậy nhỏ gắp nữa, Tâm! - Rita đề nghị - Tao trút vậy cho lẹ!
- Đã bao nhiêu lần em nói với chị đây gọi là đũa, không phải hai cây gậy nhỏ, nhớ chưa?
- Hí, hí, hí - Vừa nhồm nhoàm, Rita vừa hồn nhiên cười - Tao thấy giống làm xiếc quá. Công nhận tụi châu Á có truyền thống riêng, có bản sắc dân tộc, vẫn còn xài đũa. Châu Phi tụi này bị Tây hóa rồi.
- Trước khi Tây xâm chiếm, người châu Phi dùng gì để ăn?
- Không có gì hết, không nĩa, không dao. Bốc!
Rita vẫn thường làm tôi cười vì những lời nói thật thà của mình. Chị hay hồn nhiên kể về mối tình với người chồng yêu dấu và cả những chuyện phòng the.
- Sao Việt Nam tụi bay sợ nói đụng chuyện sex - Rita đưa đôi bàn tay đen nhẻm của mình thoăn thoắt tết những bím tóc - Đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Thấy Vic không? Chị ta thèm chồng nên quắt queo lại...
- Đúng - Vic tán thành - Sau hai ngày cuối tuần bên Philipe, thứ hai Rita đi học tràn đầy sinh lực, phát biểu lia lịa, còn chị... hẻo quá!
Tôi biết Vic nói thật. Anh Việt kể có lần một đêm học khuya, lúc đi vệ sinh anh tình cờ gặp Vic ở hành lang. Thế là chị mời anh về phòng uống ly nước. Anh Việt bảo: “Hình như Vic bức xúc lắm?”. Còn Vic bỏ nhỏ với tôi “Anh chàng đồng hương của em buồn cười quá. Hắn tâm sự đã ngoài ba mươi nhưng chưa từng được hôn. Lo học nhiều đâm cù lần, khó tìm người yêu - Chị cười rụt cổ - Nhưng mà “chuyện đó” thì biết, ăn bánh trả tiền đó mà”. Thời gian đầu anh Việt rất sợ những người da đen do không quen mắt. Khi tôi nấu những món Việt Nam mời Vic và Rita, tôi đều gọi anh nhưng anh bảo: “Nhìn họ đen thui, ăn mất ngon”. Dần dần chính anh bị bọn da trắng nhìn từ bên trên nên đâm ra quí những người bạn châu Phi thật thà. Với tôi, anh ngại nói những điều to tát sợ bị đánh giá. Nhu cầu tâm sự rốt cuộc bung sang Vic.
- Tâm biết không, Việt nhìn khô khan vậy nhưng cũng tình cảm - Vic kể hết những gì chị biết - Hắn nói tuy làm giảng viên đại học nhưng lương không cao, nuôi cha mẹ ở quê chưa chu đáo. Thì bên Madagasca của chị cũng vậy. Chị hỏi sao không nghỉ dạy, ra làm cho những xí nghiệp nước ngoài. Hắn bĩu môi: “Không muốn phục vụ bọn tư bản”. Chị ngạc nhiên quá. Thì làm việc ăn lương, sao gọi là phục vụ. Nghe giống thời còn chế độ nô lệ da đen. Chị hỏi “Ghét tư bản lắm hả?” hắn gật đầu. Chị lại hỏi “Nhưng suất học bổng nghiên cứu sinh của em không phải là do một tổ chức Tư bản cấp sao? Không phải là em đang học tập ở một nước Tư bản sao?”
- Chị hỏi vậy hả? Rồi anh Việt trả lời sao?
- Làm thinh luôn!
Ngày Giao thừa Tết Nguyên Đán; dân trong ký túc xá gặp tôi và anh Việt đều chúc “Năm mới Trung Quốc vui vẻ”. Anh Việt cau mày, gắt “Phải gọi là năm mới theo âm lịch. Thế giới ngoài Trung Quốc còn nhiều nước đón tết này!”. Bọn họ tẽn tò, bực bội “Thì dù sao Trung Quốc cũng là nước lớn nhất, chứ cái nước Việt Nam bé tí của mày ai biết!”. Anh Việt quay lưng, làu bàu “Thế mà nước tao có truyền thống đánh bại những nước lớn đấỵ, Trung Quốc, Nhật, Pháp, Mỹ. Lớp trẻ chẳng biết gì về lịch sử!”. Chỉ đợi anh bỏ đi vào phòng đóng sầm cửa, bọn nước ngoài bu lấy tôi: “Đồng hương của mày hiếu chiến quá! Tụi tao chúc tết mà còn bị hắn giận”. Tôi cười giảng hòa: “Anh ấy là một người yêu nước chân chính!” rồi vụt chạy vào bếp xem nồi thịt kho hột vịt của mình. Tôi mời Vic, Rita và anh Việt ăn một bữa tiệc tất niên. Vic mặc áo đầm dài, đưa chiếc lưng đen bóng của mình ra bảo anh Việt cài dây kéo giúp. Rita đội mái tóc giả màu hung, mang giày bốt, tô đôi môi dày bằng màu son chói chang.
- Chúc mừng năm mới! - Vic hào hứng - Hồi học bên Trung Quốc chị cũng được đón giao thừa như thế này, vui lắm! Tết Trung Quốc có ý nghĩa truyền thống hơn.
- Lại còn gọi là tết Trung Quốc à? - Anh Việt nhăn mặt.
- Thôi mà, đừng cực đoan nữa! - Rita bốc một cuốn chả giò nhồm nhoàm - Chúa ơi! Ngon quá!
Quan trọng từ ngữ làm gì, cái chính là phải nhìn nhận sự thật. Rõ ràng là hàng hóa Made in China ở khắp nơi. Nè, bộ tóc giả tôi đang đội, đôi giày tôi đang mang, chất lượng CEE nhưng sản xuất tại Trung Quốc.
- Hồi sáng chị và Tâm vô siêu thị Việt Nam mua đồ làm tiệc tối nay, cũng toàn nước mắm Thái Lan, gạo Thái Lan. Hàng Việt Nam còn ít lắm - Vic góp lời - Nước mình nhỏ, nghèo, chưa có tên tuổi chứ sao.
- Nước của tôi cũng vậy - Rita hai tay hai cuốn chả giò - Bọn đàn ông tự hào Cameroon nổi tiếng vì bóng đá, còn tôi chỉ thấy nghèo quá.
- Madagasca của chị bao nhiêu cảnh đẹp - Vic nhướng một bên mày cong - nhưng bọn du lịch đến chỉ thích mua những tấm bưu thiếp hình ảnh lam lũ, đói nghèo. Bọn da trắng ở ký túc xá này gặp chị cứ hỏi thăm về nạn đói, về nội chiến, về lũ lụt.
- Còn tôi bị họ hỏi về sư tử, về ngựa vằn, về sa mạc. - Rita nhóp nhép, than phiền.
Anh Việt uống cạn ly rượu chát, khoát tay: “Dù gì tôi cũng tự hào về đất nước tôi. Các bạn cũng nên như vậy!”.

 

Hè về, mặt trời chói chang chiếu sáng không mệt mỏi. Đến tận mười giờ tối, ánh nắng vàng còn thong thả đậu trên tháp chuông nhà thờ. Ký túc xá nóng bức như lò nướng bánh mì. Rita rủ tôi ra công viên hóng gió, học bài. Mấy anh chàng châu Phi cởi trần, khoe thân hình rắn chắc, đầy cơ bắp như những bức tượng đồng đen. Các cô bạn da trắng mặc những chiếc áo thật nghèo, đưa da thịt tái mét như những viên thuốc aspirin ra ngoài trời phơi nắng. Mùa thi học kỳ đến trùng với World Cup. Cả ký túc xá sôi sùng sục, hầu như chẳng ai ngủ trọn vẹn cho một thời điểm nóng bỏng. Ông quản lý lo ngại soạn những tờ nội qui mới dán khắp hành lang. Dòng chữ “Xem bóng đá trong tinh thần hòa bình giữa các dân tộc” dán to đùng trước cửa phòng truyền hình. Bà bếp ở căngtin nấu súp thịt bò phát miễn phí mỗi người một bát, bồi dưỡng cho mùa thi. Rita ghé sát lỗ tai tôi: “Vụ ‘phát chẩn’ này kéo dài một tuần, đỡ vã!”.
Tôi không phải dân mê bóng đá nhưng không thoát được không khí chung. Khi đội Senegal thắng, tất cả người da đen hoan hô vang dậy. Lúc đội Ý thua, những chàng trai của xứ spaghetti đá thúng đụng nia, phá tan nát những chiếc thùng rác vô tội. Cộng đồng nói tiếng Ả Rập thì ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, cùng một đạo Hồi. Mọi người hỏi tôi và anh Việt là fan của ai. Chúng tôi lắc đầu: “Chẳng ai cả”. Nhưng khi Hàn Quốc lập thành tích, họ vui vẻ chúc mừng. Tôi thi một môn ngay ngày Bỉ thua Brazil 3-0. Ông thầy vừa xem đá bóng xong thì gọi nhóm tôi vào phòng thi, nhìn danh sách nhóm, điểm danh: “Morocco, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Việt Nam. Toàn sinh viên nước ngoài, cũng may không có ai Brazil!”. Thế nhưng rốt cuộc nhóm cũng rớt. Ngồi trên xe buýt tôi thấy những người Brazil diễu hành, thổi kèn, ca hát sung sướng. Những người Bỉ nhìn nhau, nhún vai cười trừ. Tôi lê gót về ký túc xá, mặt buồn thiu. Anh chàng người Chile ở lầu một nghe tôi kể bèn an ủi: “Thay mặt châu Mỹ Latin, xin lỗi bạn!”. Tôi bật cười, lên phòng húp tạm chén súp thịt bò nguội ngắt từ ngày hôm qua. Mở toang cửa sổ nhìn sang tháp chuông cổ kính của nhà thờ, tôi tự hỏi vì sao Thượng đế lại tạo ra con cái của người nhiều màu da và lắm ngôn ngữ. Những con chim bồ câu vẫn ung dung đi lại trên mái vòm phủ rêu xanh êm đềm. Không biết trong cộng đồng loài chim hòa bình này, chúng có phân biệt màu lông trắng hay đen?
Hết thi học kỳ, ký túc xá lại lao vào không khí học tập mới: chuẩn bị thi lại và bảo vệ luận văn. Tôi không còn hứng nấu ăn, thường nhịn đói, uống sữa cầm hơi. Vic và Rita tối mịt mới về, họ nói phải chăm sóc những con cá tới hồi quyết định. Anh Việt thỉnh thoảng mời tôi sang ăn bát cơm nấu nhão. Thấy tôi nuốt trợn ngược trợn xuôi, anh than: “Ăn thế làm sao mà đẻ, thôi lo về lấy chồng cho xong, học làm gì cho khốn khổ!”. Trong nhà bếp gặp nhau ai cũng hỏi “Mày thi lại bao nhiêu môn?”. Anh bạn George người Congo phá kỷ lục với thành tích thi lại trọn gói tám môn, mặt tỉnh rụi, lại còn nói: “Tại tôi lo xem bóng đá!”. Vic và Rita đều có vài môn thi lại. Hai chị trông mệt mỏi nhưng không căng thẳng.
- Tâm! - Vic khuyến cáo tôi - Tại sao em trở nên bực bội, khó chịu, mặt nhăn như một con đười ươi thế?
- Đừng bắt chước bọn da trắng, lúc nào cũng nghiêm trọng, gay gắt, không một nụ cười - Rita vò vò những lọn tóc xoăn tít - Bọn họ giàu có làm gì, đất nước lớn mạnh làm gì mà mặt mày nhăn nhó, lúc nào cũng như... táo bón lâu ngày?
- Em đừng nghĩ đến giá trị vật chất, đừng lo sợ không lấy được bằng cấp - Vic đưa tôi ly nước trái cây, âu yếm khuyên - Hãy làm hết sức mình là được. Chị sang đây học phải bỏ lại chồng con trong nước, nhớ nhung quá sức. Chị em mình cùng cố gắng. Chị sẽ cầu nguyện cho em.
Tôi trở về phòng tiếp tục học. Đến bốn giờ sáng nghe anh bạn hàng xóm người Morocco thức dậy đọc kinh rì rầm, tôi xếp tập lại. Nhắm mắt lơ mơ ngủ, tôi nghe tiếng chân của Vic đi trước, tiếng chạy hấp tấp của Rita đuổi theo. Họ phải đi học xa nên thức sớm ra ga đón xe lửa. Thế là đã sáu giờ. Tôi lại ngồi dậy, ra hành lang đi lại cho đỡ chồn chân. Anh Morocco đang từ phòng tắm đi ra:
- Dạo này thấy cô thất sắc quá. Đêm qua học khuya lắm hả? Tôi nghe cô ho khúc khắc.
- Zakaria - Tôi ngáp không thèm che miệng - Tôi đuối lắm rồi. Anh cầu nguyện Thánh Allah cho tôi đi!
- Tôi không cầu nguyện cho người ngoại đạo.
- Ích kỷ vậy?
- Nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho bạn vào đạo Hồi trước - Zakaria vuốt những sợi tóc ướt - Rồi sẽ cầu nguyện cho bạn bình an sau.
Tôi không biết anh ta đùa hay thật. Zakaria nắm hai vai tôi, cười thân thiện:
- Thật ra chúng ta cùng chung một cha trên trời. Tôi sẽ cầu nguyện cho cô.
Những ngày cuối cùng của kỳ thi đến gần. Mọi người trong ký túc xá động viên, khuyến khích nhau. Dường như thời điểm này chẳng ai quan tâm đến những rào cản quốc tịch, màu da hay tôn giáo nữa. Chúng tôi giúp nhau in ấn, chỉnh trang, đóng các tập luận văn. Sáng nào thấy có người mặc đồ lịch sự, complet, giày đen là những người còn lại chúc cho buổi bảo vệ được thành công. Vic có vẻ bình tĩnh trước buổi bảo vệ nhưng kết quả không cao. Rita khá hồi hộp, rốt cuộc đạt điểm ngoài mong đợi. Ngày bảo vệ của tôi trễ nhất. Nhìn mọi người trong ký túc xá trở về, mặt giãn ra, thở phào nhẹ nhõm nói “Rồi cũng xong?” tôi càng thêm lo lắng. Và rồi tôi bảo vệ thành công, không biết nhờ Thánh Allah của Zakaria hay Đức Chúa của Vic. Khi tôi nói điều này với anh Việt bằng một giọng nửa đùa nửa thật, anh khịt mũi: “Tin vào bản thân mình là tốt nhất”.
Tôi vẫn còn giữ cuốn thánh kinh Vic tặng, bộ áo cổ truyền Cameroon màu sắc sặc sỡ của Rita và tờ giấy Zakaria viết tên tôi theo lối thư pháp bằng tiếng Ả Rập. Dẫu biết khó có dịp gặp lại vì ai cũng ở nước nghèo, chúng tôi đã chia tay nhau vui vẻ. Anh Việt còn ở lại, anh viết email nói phòng tôi giờ có một anh chàng người Ý cao hai trăm lẻ sáu centimet chiếm.
Tôi tưởng tượng người “kế nhiệm” cao kều của mình trong căn phòng hẹp, anh ta xoay xở ra sao với cái giường đóng chung cho mọi người? Và, khi ánh ban mai buông xuống tháp chuông nhà thờ, lũ bồ câu đến mổ vào cửa sổ vòi ăn, anh lấy gì cho chúng? Những con bồ câu của tôi, của Vic, của Rita, của những người đến từ phương xa tìm kiến thức...
Từ mái vòm phủ rêu xanh êm đềm, chúng đã chứng kiến bao nhiêu chộn rộn của những tháng ngày phấn đấu. Lũ bồ câu hẳn rồi phải đổi gu, chuyển sang món mì ống spaghetti, làm sao anh ta có thể tìm cho chúng những hột cơm nguội vét ra từ nồi cơm điện tí hon?