Đừng giận tình si

     ần đầu tiên gặp Vỹ, Ái đã nhận xét “chàng trai hiếm có”. Mọi người giới thiệu anh là giảng viên trẻ một Đại học lớn. Ái không quan tâm đến chức danh, anh thu hút cô ở khía cạnh khác. Vỹ cao ráo, vai rộng, ngực nở rất đàn ông, gương mặt lại mềm mại đầy cảm xúc. Miệng anh là đặc điểm khiến Ái tự thấy mình đa tình. Miệng Vỹ nhỏ vừa phải, đôi môi mềm căng quyến rũ khi cười lộ ra những chiếc răng trắng bóng như ngọc. Thêm chiếc cằm có khuynh hướng mom móm duyên dáng, càng làm người khác phái mất hồn. Mọi người cho thêm thông tin “Kỳ rồi nhà tạo mẫu thời trang X bên Việt Nam sang, bà ta đem theo mấy người mẫu nữ nhưng thiếu người mẫu nam trình diễn kèm. Sứ quán Việt Nam phải huy động anh em du học sinh ở đây. Anh Vỹ được chọn ngay để cầm tay các người đẹp dẫn lên sân khấu”. Vỹ cười, nháy mắt hóm hỉnh “Trình diễn thời trang miền núi, trời mùa thu lạnh thấy mồ mà bắt anh đóng khố. Họ nắn chân anh khen chắc, nhưng mà chê trắng quá, đã vậy lại còn... nhiều lông”. Ai nấy cười ồ. Hôm đó nhóm các du học sinh Genève làm tiệc tiễn Vỹ sang Paris làm tiếp luận án tiến sĩ và đón Ái từ Việt Nam mới sang học Cao học. Thấy Ái không rời mắt khỏi Vỹ và cứ xoắn lấy anh hỏi đủ thứ chuyện, mọi người nháy nhau cười “Tiếc nhỉ, vừa mới gặp nhau lại sắp chia tay”.
Vỹ còn ở lại Thụy Sỹ thêm hai tuần để hoàn tất các thủ tục chuyển trường và sửa soạn hành lý. Suốt thời gian đó, hầu như ngày nào Ái cũng tìm dịp được chạm mặt anh. Chia tay, Ái tự nhiên hôn vào hai bên má như thói quen của dân địa phương ở đây “Em sẽ sang Pháp thăm anh”. Vỹ cũng nồng nhiệt “Ừ, anh chờ”. Cô phật ý sao anh đều ôm hôn tất thẩy người Việt Nam đưa tiễn khác.
Vỹ đi rồi ai cũng buồn, trong thế giới của những du học sinh ít ỏi ở Genève, có một người duyên dáng và hòa đồng như anh thật quý. Anh gốc Hà Nội, lớn lên tại Sài Gòn nên chẳng bao giờ làm mích lòng người miền nào bằng cái vẻ chân thật nhưng khéo léo và tế nhị. Nhủ sẽ sang Pháp thăm anh nhưng rốt cuộc chẳng ai đủ can đảm tiêu một số tiền, mất một khoản thời gian và công sức để vượt mấy trăm cây số. Chỉ có Ái, ngày nào cũng ngồi sắp xếp lịch học sao cho hợp lý nhất để tranh thủ sang Paris thăm Vỹ.
Đầu đông, Ái lên xe lửa sang thăm người trong mộng. Đoạn đường thật dài trong thời tiết khắc nghiệt làm cô thấy rầu rĩ. Cây cối trụi lá trơ thân gầy. Cánh đồng xám xịt, rơm rạ phất phơ bay. Dưới vòm trời u buồn, những con chim xác xơ trong làn gió tê tái. Mùa đông luôn làm người ta trở nên bi quan, buồn tủi, nẫu lòng. Đây là lần đầu Ái quá si tình, quên hết những kiêu kỳ vốn có. Nhưng khi bước xuống tàu, thấy dáng cao cao của Vỹ chờ sẵn nơi sân ga, khăn choàng cổ tung trong gió rét, Ái biết mình không uổng công làm “người tình mùa đông” lãng mạn. Vỹ cười âu yếm, mắt to dịu dàng “Lạnh không em?”. Ái thấy ấm lòng quá đỗi. Hai người về nhà trọ của anh. Ăn mỗi người một tô mì gói, Vỹ lấy đàn cùng Ái ca hát. Chán chê, anh soạn chỗ nghỉ đêm. Cô là khách nên được “đặt cách” nằm trên giường. Anh chui vô túi ngủ đặt dưới sàn, tiếp tục kể chuyện khôi hài làm Ái cười nắc nẻ. Cười đến khan tiếng, anh phán “Ngủ nhe em. Mai anh dẫn đi Disneyland!”
Ở Paris chơi với Vỹ được ba ngày rưỡi, Ái đành lưu luyến chia tay. Đứa nào cũng bận. Ngồi trên tàu dằng dặc suốt nữa ngày trời quay về Thụy Sỹ, cô tủm tỉm “Con trai gì...đàng hoàng quá!”. Tuy có vẻ “Âu hóa” và đã trải qua vài cuộc tình trẻ con, Ái vẫn là một thiếu nữ Việt Nam thẹn thùng. Dẫu hiện đại và bạo dạn, cô không dám đi quá xa nếu Vỹ không là người bắt đầu. Suốt ba đêm ngủ chung phòng chỉ mình Ái thao thức. Cô đá lọt sàn nguyên tấm chăn lông dày rồi ngọ ngoạy rên khẽ “lạnh quá!” mong anh ngồi dậy đắp lại cho cô. Mãi đến lúc Ái lạnh thật mà Vỹ vẫn hồn nhiên nho nhỏ ngáy, cô thất vọng đành cúi xuống nhặt một mình. Sáng ra thấy Ái nằm cuộn tròn như cái kén anh chắt lưỡi “Quậy dữ quá! Rối bù chăn màn của anh rồi!”. Cô bịa “Đêm qua thấy ác mộng, giật mình la quá mà anh vẫn ngủ tỉnh bơ!”. Vỹ cười “Tại tâm địa nhiều toan tính ngủ không yên”. Ban ngày Ái cũng tìm cách tiếp cận đối phương. Đi dạo chơi cô tự nhiên nắm tay, níu áo. Ngồi xe điện ngầm cô vờ mệt dựa đầu vào bờ vai rắn chắc rất đàn ông. Còn Vỹ, có vẻ như anh thường bị con gái “dê” nên thái độ rất thản nhiên. Ái rốt cuộc cũng không biết anh có thích mình không. Cô chỉ có thể hỏi Vỹ đã từng yêu ai chưa. Vỹ khoe nhiều người quí mến anh, Tây hay Ta đều đủ cả...
Đến dịp lễ Giáng Sinh Ái lại leo lên xe lửa đến thăm Vỹ. Anh có vẻ vui khi cô phone báo tin mình đã mua vé “Ừ, anh có hai tuần nghỉ nhưng tiếc là chỉ tiếp em ba ngày. Anh phải qua Ý và Tây Ban Nha thăm vài đứa bạn. Hứa với tụi nó lâu rồi”. Sang nhà Vỹ lần này Ái bạo hơn, dám cười đề nghị “Anh cứ ngủ chung giường với em cho ấm, em không ‘xúc phạm tiết hạnh’ của anh đâu!”. Vỹ nháy mắt cười làm bộ nghi ngờ “Chắc không? Ai dám tin?” rồi xem như chưa từng nghe thấy gì. Lúc anh đang ngồi xem truyền hình, Ái từ phía sau đi tới ôm cổ anh và hôn nhẹ lên mái tóc bồng. Cô không nhìn thấy được mặt Vỹ nhưng nghe giọng anh thản nhiên “Thấy tóc anh thơm không? Vừa rồi có thằng bạn tặng loại dầu gội đầu mới”. Chuyến đi thăm Vỹ lần đó Ái chỉ “thu hoạch” được bấy nhiêu.
Tháng giêng, gần đến tết Nguyên Đán đột nhiên Vỹ quay về Genève. Anh có việc trở về trường cũ tìm số liệu và gặp gỡ mấy giáo sư. Một tuần có anh dân Việt Nam vui hẳn lên. Đầu xuân, vài vạt nắng rụt rè soi xuống hồ Léman. Chim chóc lại bay về. Những con thiên nga vươn chiếc cổ gầy làm dáng. Chậu hoa hàm tiếu của Ái lộ hé một nụ hồng bên bậu cửa sổ. Mọi người hào hứng học hát chuẩn bị đón xuân dân tộc. Khách mời là toàn thể sinh viên ký túc xá. Vỹ nhấn mạnh “Bạn bè năm châu hiếm hoi có dịp thưởng thức văn hóa Việt Nam, tụi mình phải tổ chức thật công phu!”. Buổi trình diễn văn nghệ đêm Giao thừa thành công ngoài dự đoán. Khán giả ca ngợi Vỹ đàn tài hoa quá. Dân Tây ít có “tài vặt” như dân mình, mà anh thì Ái thấy rõ là “tài lớn”. Hôm sau anh chàng Paolo người Chi-lê cho cộng đồng Việt Nam xem lại cuộn vidéo anh ta quay. Mọi người lại tiếp tục trầm trồ “Anh Vỹ đẹp trai thật, lại đàn quá siêu!”. Ái cũng được khen vì chịu khó mặc áo dài giữa mùa giá rét làm “tụi Tây lé mắt hết!”. Xem đến tiết mục tốp ca “Ly rượu mừng” ai nấy ôm bụng cười quặn ruột nghe chính mình thay vì hát “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già” lại hăng say gào “Kìa nơi xa xa có bà vợ già”. Anh bạn Paolo không hiểu sự tình, ngơ ngác hết nhìn người này đến nhìn người kia. Ái vừa ràn rụa cười vừa âu yếm quay sang trách Vỹ “Tại anh hết đó, lúc tập cứ giỡn sửa lời ‘bà vợ già’ cho nên khi hát thiệt mới ra nông nổi này”.
Vỹ về lại Paris, người ta bắt đầu to nhỏ về mối tình si của Ái. Trong cộng đồng du học sinh Việt Nam ít ỏi ở Genève, tỷ lệ nam giới rất cao, ai cũng học hệ Cao học nên đa số đều lớn tuổi. Trừ Ái ra, các chị em nữ khác đã lập gia đình. Ái là người duy nhất đem đến niềm hy vọng “tươi mát” cho cánh đàn ông. Cô thấy họ thật “đen tối”, mỗi khi gặp nhau đều than thở mình “bức rứt” do phải sống xa vợ hay người yêu. Thậm chí có người nữa đùa nữa thật gạ gẫm cô về “chuyện đó”. Họ giao thiệp yếu, ngoài giờ ở trường chỉ biết tụ họp ăn uống giữa những người Việt với nhau. Không kết bạn với người nước ngoài khác ở cùng ký túc xá vì yếu ngoại ngữ, không tham gia các hoạt động văn hóa ở Genève vì không thông hiểu về hội họa hay âm nhạc, không đi du lịch đây đó vì tiếc tiền. Có người từng học và dạy chung trường Đại học với Vỹ bóng gió “Thôi em ạ, em còn tương lai phía trước. Anh Vỹ vẫn còn mãi nghiên cứu thêm dăm ba năm”. Thấy Ái vẫn không quan tâm, nhiều người nói thẳng hơn “Từ hồi biết Vỹ đến giờ không nghe nói nó có bạn gái, tính nó chỉ thích vui đùa, không hợp với chuyện tình cảm ràng buộc đâu!”. Bỏ qua mọi lời khuyên vớ vẫn, Ái vẫn vô tư và hạnh phúc với mối tình của mình.
Xuân thật sự đã về, nắng vàng tươi mơn mỡn và toàn Genève rợp đầy hoa. Vòi nước Jeux d’eau cao một trăm bốn mươi mét bên hồ Léman tung bụi trắng xóa hào hứng. Khách bộ hành mỉm cười đưa tay rũ những giọt nước bám li ti trên tóc. Khi nghe Ái khoe lại sang Paris thăm Vỹ nhân kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, mọi người bực bội nhắc “Đừng em ạ! Con gái phải có lòng tự trọng chứ!”. Ái thành thực “Thì em có làm gì để đánh mất lòng tự trọng, anh Vỹ vui vẻ tiếp em mà!”. Thấy Ái “ngoan cố”, họ bực “Vỹ không phải người lý tưởng dành cho phụ nữ đâu!”. Ái cười hỏi ngược “Vậy chẳng lẽ như các anh mới lý tưởng?”. Ai nấy giật mình nhìn nhau.
Lần này Vỹ chỉ dành hai ngày để tiếp Ái. Thoạt đầu cô tiếc công ngồi xe lửa ê mông suốt buổi nhưng rồi sự vui vẻ và hào hứng của anh làm cô quên hết giận dỗi. Vĩ lại nằm dưới sàn kể chuyện tiếu lâm làm cô cười nắc nẻ như lần đầu đến thăm. Khi chào tạm biệt Vỹ quay về Thụy Sỹ, Ái tự nhủ “Không biết ảnh đàng hoàng hay khờ khạo nữa”. Rồi cô thẹn thùng tự an ủi trước khi chìm vào giấc ngủ gà gật trên chuyến xe lửa dài dằng dặc “Trong cái rủi có cái may, mình khỏi phải lâm vào cảnh ‘khôn ba năm dại một giờ’.”
Sau lần đó Ái không còn dịp quay lại Paris thăm Vỹ vì lịch học quá căng thẳng. Si tình, cô cũng biết chuyện học là quan trọng. Cũng may Vỹ luôn ép Ái phải học thật chăm chỉ mỗi khi cô gọi điện cho anh. Dân Việt Nam cứ thăm dò “Chuyện đến đâu rồi? Vỹ tỏ tình chưa? Làm gì chưa?”. Ái mắc cỡ “Chưa, ảnh con nít thấy mồ!”. Lại có người khiêu khích “Em tính học xong về nước hay sang Pháp ở với Vỹ luôn?”. Ái thành thực “Đang tính...”
Tháng bảy nắng vàng ươm đón Vỹ về Genève nghỉ hè. Anh ôm đàn ra bờ hồ Léman, Ái níu tay ríu rít chạy theo. Vỹ mặt áo T-shirt trông khỏe mạnh, đôi cánh tay trần rắn chắc thật nam tính. Khi những ngón tay thon của anh lướt trên dây guitar Ái lại thấy Vỹ mềm mại đầy nghệ sĩ. Vỹ hát, những bản tình ca của Việt Nam vào những năm tám mươi cô lâu lắm rồi không nghe thấy lại. “Tình yêu có từ nơi đâu... tiếng anh ấm như hơi thở, em nghe để nhớ suốt đời... đừng quên đừng giận người ơi...”. Vỹ lim dim say sưa hết bài này sang bài khác. Ái mở to mắt đắm đuối ngắm anh. Mãi đến khi Vỹ trở về thực tại làm Ái cũng bừng tỉnh cơn mê, hai người kinh ngạc thấy thiên hạ đang chăm chú lắng nghe và tệ hơn nữa...hàng đống tiền xu nằm rải rác dưới chân họ. Người ta vỗ tay rồi bỏ đi để Vỹ lúng túng hỏi “Nhìn anh giống nghệ sĩ đường phố lắm sao?”. Qua phút ngỡ ngàng, cô thích chí cười rồi cúi lượm những đồng tiền lấp lánh. Anh vui vẻ “Số tiền này đủ để tụi mình vô một nhà hàng sang trọng... uống cà phê”. Vỹ chọn một quán nhỏ với những chiếc chụp đèn bằng đăng-ten trắng và những ngọn nến hồng sáng lung linh. Ái hít một hơi thật sâu, quyết định “Bây giờ hay là không bao giờ!”.
Vỹ cười bình tỉnh nghe Ái tỏ tình, anh nhẹ nhàng:
- Nhưng xin lỗi, anh không yêu em...
- Vậy... anh xem em như em gái? - Ái nén khóc - Đâu thể nào!
- Không! - Vỹ lại mĩm cười với đôi môi mềm và cái cầm mom móm quyến rũ - Anh xem em như bạn, bạn bình thường.
Rồi như sợ Ái không hiểu tròn ý Vỹ giải thích thêm:
- Anh cũng thích em. Một cô gái vui vẻ, dễ thương như em ai mà không thích, em hợp với anh, cùng chia sẻ với anh nhiều quan điểm sống. Em hỏi thẳng thì anh trả lời thẳng. Anh không yêu em... - Vỹ đưa bàn tay với những ngón nghệ sĩ của mình đặt lên bàn tay lạnh cóng của Ái - Từ giờ trở đi tụi mình đừng nhắc lại chuyện này nữa, được không em?
Ái đột nhiên rên rỉ, đổ thừa Vỹ làm mình hiểu lầm, trách móc anh tại sao vui vẻ đón tiếp cô mỗi lần sang Paris. Đặc biệt, lời trách móc quái gỡ “Anh làm em tốn biết bao nhiêu tiền mua vé xe lửa và gọi điện thoại đường xa” làm Vỹ ngớ ra, không cười được nữa, anh cáu:
- Thôi được rồi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Từ nay anh cắt đứt quan hệ với em là được chứ gì?
Vỹ giữ lời hứa, không trả lời e-mail, không nhận điện thoại, thư từ gởi qua đường bưu điện đều bị trả về. Ái sống dở chết dở bỏ ăn bỏ học làm mọi người lo sốt vó. Đang trong giai đoạn nước rút gần ngày bảo vệ luận văn, cứ tình hình này chắc chắn cô sẽ rớt. Công trình học tập suốt năm đổ hết xuống hồ Léman. Ai nấy hết khuyên răn rồi hù dọa. Đến khi Ái hù lại, bắn tin mình sẽ “ra đi về một nơi gió bụi” làm ai cũng lạnh người. Một anh tự nhận biết rất rành về Vỹ cho Ái một tin sét đánh ngang mày “Vỹ là người đồng tính”.
Bắt Ái chấp nhận tin này khó như bảo cô đồng ý hồ Léman là biển. Mặc họ giải thích nào “người tình” của Vỹ là thằng Mauricio người Tây Ban Nha, lúc trước cũng ở Genève nhưng sau chuyển qua Paris nên anh mới chạy theo, nào Vỹ gần ba mươi nhưng chưa từng có bạn gái. Một anh kỹ sư nông nghệp, chuyên ngành chăn nuôi còn lý sự “Xét theo phương diện thú y, rõ ràng Vỹ thuộc giới tính thứ ba”. Một chị nhà báo đang thực tập tại Genève đặt giả thiết “Vỹ quá thành công với phái nữ nên anh trở nên mất cảm giác, ngược lại, anh thích đến với người cùng giới để chứng tỏ bản năng sinh lý hơn. Đây là một dạng “bóng kín” nhìn bên ngoài khó biết được, khác với dạng “bóng lộ” nhìn ai cũng biết”. Một anh đang làm luận văn tiến sĩ nhưng nổi tiếng thích kể chuyện “dưới thắt lưng” hơn nghiên cứu khoa học cứ vin vào chuyện Vỹ cho Ái ở cùng phòng mỗi lần qua Paris mà vẫn “không làm gì” là điều không tưởng đối với một người đàn ông bình thường. Đợi mọi người bảo vệ luận điểm của họ chán chê, Ái phản biện bằng một câu duy nhất “Bằng chứng đâu?”.
- Chuyện tế nhị này làm sao có bằng chứng?
- Mọi người chỉ dựa vào vài sự kiện rồi suy đoán theo ý riêng của mình - Ái không phục - Chẳng lẽ người nào gần ba mươi không có bạn gái đều đồng tính hết? Chẳng lẽ người ta đàng hoàng không lợi dụng phụ nữ thì bị gán là pê-đê? Chẳng lẽ người ta chơi thân với bạn trai thì bị cho là bất bình thường?
- Thì... thì... dựa vào kinh nghiệm của nhiều người và... và... xu hướng chung trên toàn thế giới - Chị nhà báo bối rối - nếu có bằng chứng anh chị đã cho em biết ngay từ đầu.
- Nếu vậy, xét theo luật của Thụy Sỹ, các anh chị đã phạm tội tung tin thất thiệt làm giảm uy tín anh Vỹ. Nếu em kiện về chuyện này, các anh chị ra hầu tòa chứ chẳng chơi - Ái lạnh lùng kết tội - Thấy anh Vỹ được nhiều người yêu mến nên các anh chị ganh tị phải không?

 

Thỉnh thoảng xem truyền hình thấy cảnh đường phố Paris tráng lệ hay hồ Léman êm đềm, lòng Ái lại rộn lên một tâm sự nhức nhối như thể cái răng sâu gặp chocolat Thụy Sỹ. Giờ cô đang ở California tất bật và những kỷ niệm xưa bên Châu Âu lãng mạn cũng sẽ trôi vào miền ký ức nếu Ái không ngừng tự tra tấn mình “Vỹ có phải là người đồng tính không?”. Năm đó ở Genève, sau khi bị hầu hết dân Việt Nam nghỉ chơi, Ái đột nhiên học hành chăm chỉ. Cô muốn bảo vệ sớm để có thời giờ sang Paris gặp trực tiếp hỏi Vỹ cho ra lẽ. Nhưng khi có kết quả học rồi, Ái mất ngủ cả tuần cũng không quyết định được có nên không. Cô nhớ lại từng cử chỉ của Vỹ, những kỷ niệm đẹp của hai người. Ái biết dù có nhận được câu trả lời nào, cô cũng là người mất tất cả.
Ái về nước đúng hạn sau khi gặp từng người Việt Nam xin lỗi và từ giả. Khi được sang Mỹ học tiếp lên tiến sĩ, Ái có điều kiện tiếp xúc với những người thuộc giới tính thứ ba. Cô truy tìm tài liệu về người đồng tính và cả tư vấn với giới chuyên môn. Không biết tự bao giờ, cô có nhiều cảm thông với cộng đồng này. Đã là một cô gái chín chắn, trưởng thành và không còn đủ đam mê làm “người tình mùa đông” cùng những chuyến tàu xuyên biên giới dạo nào, Ái vẫn không thể quên người con trai lý tưởng và mối tình si không đoạn kết. Lẽ nào, giác quan thứ sáu và sự nhạy cảm của một người con gái bị đánh lừa. Và lẽ nào, đấng tạo hóa lại trớ trêu, một thân hình cường tráng, một gương mặt gợi cảm, một nụ cười đáng yêu? Sau tất cả những câu hỏi lớn không bao giờ có lời đáp đó, Ái thường ngân nga một mình khúc hát không trọn vẹn “Tiếng anh ấm như hơi thở, em nghe để nhớ suốt đời... đừng quên đừng giận người ơi... đừng quên đừng giận người ơi...”